*

Tribute

1 2























*

Ai Tín

Anh bạn Châu Văn Nam, cựu nhiếp ảnh viên UPI, mới mất cách đây mấy tiếng đồng hồ, lúc 4 giờ sáng, bây giờ là 9.36 sáng, [tính theo giờ Viên Chăn], do bị ung thư thanh quản, thời kỳ thứ ba.
Anh có mấy người con trai, đời vợ trước, hiện nay ở Sài Gòn, và một cháu gái, đời vợ sau, ở Viên Chăn.
Xin được chia buồn với cháu Tuấn, [cháu lớn của anh Nam], Lộc [cháu gọi CVN bằng cậu], cháu Nhung.
Gia đình NQT
*

*

nam

Gấu và Châu Văn Nam, UPI's photographer. Hình chụp tại Vientiane Lào, cc 1997. Nam là cứu tinh của Gấu. Anh tin tưởng Gấu, ngay cả khi Gấu hết còn tin ở mình.
Xin vĩnh biệt. Cầu chúc bạn ta sớm siêu thoát. NQT
*

Trong không khí hân hoan "cả nước đang sửa soạn làm lễ kỷ niệm Mười Năm Đại Thắng Mùa Xuân 1985", tôi gặp lại anh bạn CVN.
Trong chiến tranh Việt Nam, thời gian làm cho cơ quan báo chí Nhật (Asahi Shinbum), anh đã từng vào chiến khu chứng kiến cảnh Việt Cộng thả ba tù binh Mỹ, trong có một Mỹ đen, tại Bến Kéo, Trà Xim (Củ Chi). Đây là lần thả tù binh đầu tiên.
Chuyện xẩy ra trước ngày thành lập Mặt Trận Giải Phóng, vì vậy anh bị rút thẻ báo chí Mỹ, MACVI. Anh cũng là người đầu tiên theo người Mỹ đổ quân tại Quảng Trị, từ chiến hạm Okinawa thuộc Đệ Thất Hạm Đội, vào năm 1967. Phóng viên đầu tiên về Châu Đốc, tham gia chiến dịch đổ quân Trà Keo, giải cứu thường dân ở Kampuchia. Đã từng phỏng vấn tướng Đỗ Cao Trí tại Sawy Riêng. Tất cả những sự kiện trên, là do anh kể cho tôi nghe. Quan trọng nhất, anh nhấn mạnh với tôi, là hai chữ "đầu tiên".
Tôi quen anh những ngày anh bỏ tờ báo Nhật, qua làm cho thông tấn xã UPI. Gốc "chệt", người nhỏ thó, tóc xoắn tít. Có lần trong lúc hơi ngà ngà, anh tỏ ra tự hào, về mấy ‘quí tướng’ của anh. Anh chỉ ân hận, là đã bỏ cuộc quá sớm. Sau Mậu Thân, bà vợ rét quá, bắt ông chồng ở nhà bế con, không cho vác máy hình nữa.
Anh nghĩ rằng, anh vẫn còn nợ chiến tranh một điều gì đó. (Món nợ này, độc giả cho phép tôi nợ lại, vào một dịp khác sẽ nói rõ hơn.)
Nhờ vậy, mà có chuyến vượt biển tại bãi biển Vàm Láng, Gò Công vào đúng đêm ông Táo cưỡi cá chép lên chầu Trời.
Trên một số báo Văn, tôi đã viết về chuyến đi này, và cái cảnh tượng bi hài: trong đêm tối, ghe gặp bão ngay bên ngoài cửa biển Vũng Tầu; một anh chàng thanh niên đã lầm tôi với người yêu của anh, và cứ thế vò đầu vò tóc "người yêu", lảm nhảm những lời cuối cho cuộc tình, cho một tương lai tươi sáng ở nơi xứ người…
Sau khi ra tù, anh bạn tôi lại tìm cách đi nữa. Nhờ vậy, có chuyến du lịch Bangkok.
Hồn Thiêng Thành Phố
Ba mươi năm Việt Nam
Viết là Khiếp

*

Dirck Halstead trưởng phòng hình ảnh UPI
Gấu và Châu Văn Nam là nhân viên của Dirck Halstead.

From:
Date: Thursday, July 21, 2005 11:36:18 PM
To: Nguyen_Quoc_Tru
Subject: Re:
It's wonderful to hear from you Tru. How are you?
We missed you at the reunion in Saigon in May.
*
Cuộc hội ngộ vào tháng Năm, the reunion in Saigon in May, là vào năm 1985, khi VC kỷ niệm Mười Năm Đại Thắng Mùa Xuân. Mời mấy anh ký giả Mẽo tới, trong có Dirck.
Hai Lúa lúc đó ở trong Trại Bà Bèo, sau chuyến đi Vàm Láng thất bại, như đã kể sơ sơ trong một bài viết.
Khi về được Sài Gòn thì lễ lạc đã qua. Tình cờ gặp Tám, nhân viên phòng tối. Anh nói, thằng Dirck hỏi thăm mày, nhưng tao với nó phải đứng xa nhau cả mười mấy thước, ở ngay trước Tòa Đô Chính, chỗ bùng binh phun nước.
Sợ mấy ảnh, đầy đường lúc đó.
Tám nói, cũng là tình cờ tao nhìn thấy thằng Dirck từ đằng xa. Chính nó kêu tao.
Tám, nhân viên phòng tối, trốn lính, suốt ngày đêm đóng đô tại văn phòng UPI. Bữa đó, cuồng cẳng quá, mò ra ngoài, lang thang mấy snack bar kế bên văn phòng tại đường Ngô Đức Kế, phía đi ra Nguyễn Huệ, bị tóm liền.
Bữa sau, Hai Lúa xuống văn phòng, gặp Tư Râu, người chuyên đưa hình lên Đài cho HL chuyển đi. Anh nói, mở mấy ngăn kéo riêng của thằng Tám, thấy toàn xú chiêng, quần lót của bướm!
Dirck cũng từng đề nghị với Hai Lúa, mày có muốn đi làm tại văn phòng UPI Tokyo, tao lo cho. Đó là lúc cuộc chiến "hứa hẹn những điều khủng khiếp".
Lạ một điều, Hai Lúa chưa từng có ý định rời bỏ Sài Gòn, chờ cho cuộc chiến qua đi, rồi lại mò về. Đi tu nghiệp hai năm thì được. Nhưng do làm UPI, HL từ bỏ một hai cơ hội tu nghiệp Huê Kỳ. Nhớ lại, lúc đó, chỉ mong được đi Tây.
Cho Gấu tí Paris
Để Gấu làm thi sĩ!
Đại khái vậy!
Chuyến đi "liên can" tới lễ kỷ niệm 10 năm đại thắng Mùa Xuân, của những người CS. Người bạn đi cùng ông già mang theo những danh sách, những bản tin, những tài liệu về miền Nam sau mười năm, phóng sự về những sĩ quan đi học tập, tình cảnh vợ con ở nhà, và ... MIA.
Người bạn cùng đi với ông già, là Châu Văn Nam

Trong bài viết Một Cái Chết của Những Vì Vua, A Death of Kings, Steiner cho rằng có ba cuộc đeo đuổi trí thức, intellectual pursuit, con người đạt được những kỳ công lớn lao trước tuổi dậy thì. Đó là âm nhạc, toán học, và cờ tướng [chess].
Sự ra đi của bạn Nam, với riêng Gấu này, cũng có thể coi là Cái Chết Của Một Vì Vua, ấy là vì anh là một cao thủ trong môn chơi cờ tướng.

Hồi ở nông trường cải tạo Đỗ Hoà, Gấu cũng nổi danh vì chơi cờ tướng, và khi sắp sửa được về đời, băn khoăn không biết làm gì sống, một trong những địch thủ của Gấu bèn gợi ý, sao không chơi cờ tướng ăn tiền nơi vỉa hè Sài Gòn, và Gấu bèn trả lời, nếu mà đánh ăn tiền, thì không bao giờ Gấu này đánh thắng, bất cứ một ai, vì cứ sợ thua!
Anh ta bèn dậy cho Gấu mấy bàn cờ thế, đánh, chỉ có ăn, hay hoà, không bao giờ thua!
Khác hẳn bạn Nam, chỉ thích đánh cờ ăn tiền, và càng đánh lớn, càng thắng lớn.
Anh kể, thời gian Gấu qua Thái, vô trại tị nạn, anh ở Lào sống bằng nghề đánh cờ tướng với đám tài xế, con buôn xe đò xe hàng từ Việt Nam qua.
*
Nam rất giỏi tiếng Hoa. Gia đình anh gốc Tầu. Khi còn nhỏ, gia đình cho anh qua Viên Chăn sống với ông anh, một trong những thương gia nổi tiếng ở thủ đô Lào. Nhờ vậy, sau chuyến đi Vàm Láng thất bại, ra tù, trại Bà Bèo, anh kiếm đường qua Viên Chăn. Anh biểu Gấu, tao nghĩ không đi đường biển thì đi đường bộ. Đến khi Việt Nam mở tuyến đường du lịch bằng xe đò Sài Gòn-Viên Chăn, do đám công an chủ trì, anh theo chuyến đầu tiên trở lại Sài Gòn, gặp mấy tay trong “đường dây MIA” của anh, và gặp Gấu, hỏi, đi nữa không, chuyến này cho cả gia đình mày đi luôn!
*
Chỉ tới mãi sau này, Gấu mới hiểu được, những danh sách MIA mà bạn Nam có đó, đều… thực cả!
Ấy là vì chúng đều được hải ngoại chôm từ những tài liệu chính hiệu của Mẽo, và tuồn về Việt Nam, đánh lừa những người như bạn ta!
Khi phát bịnh, bạn Nam được cháu Lộc [gọi bằng cậu] đưa về Sài Gòn, vô nhà thương, bác sĩ chê, biểu về chờ đi. Anh nói đưa anh trở về lại Vien Chăn.
Bà chị ruột, tức mẹ cháu Lộc đưa em trở lại Viên Chăn, chưa kịp về lại Việt Nam thì bạn Nam đã đi.
*
Nói đến cờ, Gấu nhớ đến trưyện ngắn Phép Lạ Bí Ẩn của Borges.
Phép lạ bí ẩn
Jorge Luis Borges
 Và Thượng đế làm anh ta chết đi suốt một trăm năm, và rồi Người cho sống lại và nói:
"Mi ở đây bao lâu rồi?"
"Một ngày, hay một phần của ngày," anh ta trả lời.
Koran, II 261
Lời người dịch: Vào một buổi sáng tháng Tư, có một người, khi nhìn những đoàn quân tiến vào thành phố, đã vui mừng thốt lên, như vậy là ta sẽ chẳng bao giờ phải viết nữa. Trước đó có một người, thay vì đếm những giờ phút cuối cùng của đời mình, mơ Đức Phật trở lại với thế gian này.
Đọc Borges, tôi bỗng nhớ đến họ. Và xin tặng bản chuyển ngữ cho những ai đã từng được Thượng Đế ban cho một phép lạ bí ẩn, như nhân vật trong truyện...
NQT
Đêm 14 tháng Ba, 1939, trong căn phòng ở Zelternergasse, Prague, Jaromir Hladík mơ một trận đấu cờ dai dẳng. Anh là tác giả Những kẻ thù, một bi kịch chưa hoàn tất, Minh xác Vĩnh cửu, và một nghiên cứu những nguồn gốc Do-thái không trực tiếp của Jacob Boehme. Đối thủ không phải hai cá nhân, mà là hai gia đình nổi tiếng. Cuộc đấu đã bắt đầu từ bao thế kỷ trước. Không ai còn nhớ giải thưởng trị giá bao nhiêu, nhưng nghe nói lớn kinh khủng, và có lẽ vô cùng. Quân cờ, bàn cờ được bố trí ở trong một cái tháp bí mật. Jaromir (trong giấc mơ) là đứa con đầu lòng của một trong hai gia đình tranh đua. Giờ giấc cho nước cờ tới đã được đóng cứng trên mọi mặt đồng hồ, và không thể trì hoãn. Người mơ thấy mình chạy dài trên cát, dưới mưa, và không còn nhớ được những quân cờ cũng như luật chơi. Tới đó, anh tỉnh dậy. Ngưng luôn, tiếng ầm ầm của mưa và tiếng đồng hồ khủng khiếp. Một tiếng động nhịp nhàng, tách bạch với những tiếng người ra lệnh, từ Zeltnergasse vang lên. Rạng đông, những binh đoàn thiết giáp tiên phong của Đệ Tam Reich đang tiến vào thành phố Prague.
*
Ui chao, Gấu cứ như nhìn thấy Borges, đứng kế ngay bên Gấu, vào ngày 30 Tháng Tư 1975, nhìn những binh đoàn VC tiến vô Sài Gòn!
Khủng khiếp thật!
*
André Maurois, trong bài Tựa cho cuốn Mê Cung, Labyrinths, của Borges, nhắc lại một câu thật thú vị của Borges: “Thượng Đế không được lèm bèm về chuyện thần học. Nhà văn không được huỷ diệt niềm tin mà nghệ thuật đòi hỏi ở chúng ta, bằng những lý luận lăng nhăng”. [“God must not engage in theology; the writer must not destroy by human reasonings the faith that art requires of us”]. Cũng trong bài Tựa, Maurois quả quyết, Kafka đã là tiền thân trực tiếp của Borges [Kafka was a direct precursor of Borges]. Lâu Đài đúng ra là của Borges, nhưng nếu đúng như thế, thì ông sẽ viết thành một câu chuyện chừng 10 trang.
Đúng như thế, nhưng Maurois quên một điều, tất cả những truyện dài của Kafka, đều là những truyện ngắn, những ngụ ngôn của ông, phóng chiếu mãi ra.