jen

Giữa Độc Giả và Tin Văn


18.7.2005
Phan Nhiên Hạo
Trả lời ông Nguyễn Quốc Trụ
 
“Bạn ta ơi,

Cái tít dịch của bạn theo tôi, là không đúng “hoài vọng” của nguyên tác. Bởi vì nếu “một nhà văn Việt Nam”, thì ông Mẽo sẽ thêm “a”, hoặc cho chắc ăn, “one” Vietnamese writer.

Như sự hiểu biết văn phạm Mẽo của tôi, một danh từ đếm được, khi bỏ “a” đi, nó biến thành một danh từ không đếm được, như water, như time... và có ý nghĩa tổng quát, a fire, một đám cháy, fire, lửa, Man can be detroyed but not defeated, Con người có thể bị hủy diệt nhưng không bị đánh bại...

Như thế Vietnamese Writer đây có nghĩa là Nhà Văn Việt Nam,và được dùng theo nghĩa cầu mong, đòi hỏi, ra lệnh: Nè, tụi bây hãy... mở miệng!

Chứ một nhà văn mở miệng, cho dù bảnh như DTH thì cũng... vứt đi!”

Trên đây là nguyên văn thư góp ý của ông Nguyễn Quốc Trụ về tựa bài “Một nhà văn Việt Nam không chịu im tiếng” – dịch từ nguyên văn “Vietnamese writer won’t be silenced” - của tôi trên talawas. Thư của ông Nguyễn Quốc Trụ tuy ngắn, nhưng cho thấy những hiểu lầm về ngữ pháp tiếng Anh và dịch thuật cần được trao đổi.

Vâng, trong tiếng Anh, có danh từ không đếm được - uncountable noun - và danh từ đếm được - countable noun. Tuy nhiên, tôi chưa tìm thấy sách vở nào khẳng định ngon lành như ông Nguyễn Quốc Trụ, rằng “một danh từ đếm được, khi bỏ “a” đi, nó biến thành một danh từ không đếm được, và có ý nghĩa tổng quát.

Theo Oxford Pratice Grammar [1] , thông thường, nếu muốn dùng một danh từ đếm được theo nghĩa tổng quát (general), chỉ định tập thể (collective), người ta sẽ dùng nó ở số nhiều, không đi kèm “the”.

Ví dụ:
Cars are expensive to buy [Xe cộ thì đắt tiền].
Elephants are intelligent animals [Voi là loài thông minh].
(trang 202)

Tiếng Anh, như chúng ta biết, có nhiều ngoại lệ, vì vậy, trong một hai trường hợp cụ thể, người ta dùng danh từ số ít đi kèm với “a” để “giải thích ý nghĩa của một từ”; dùng danh từ đếm được số ít đi kèm với “the” để trình bày nhận định chung về loài vật, phát minh; ngoài ra, một số danh từ chỉ nhạc cụ luôn đi kèm với “the”... Những trường hợp này mang ý nghĩa tổng quát.

Ví dụ:
A butcher is someone who sells meat [Ông hàng thịt là người bán thịt].
The tiger can swim [Cọp biết bơi].
Natasha can play the piano [Natasha biết chơi piano].
(trang 200, 202, 206)

Một số danh từ, tùy ngữ cảnh, có thể dùng như danh từ đếm được (có mạo từ đi kèm), hoặc dùng theo nghĩa tổng quát (không đi kèm mạo từ), như các từ: life, crime, fire, college, hospital, prison, jail, church, stone, hair, summer...

Ví dụ:
He is in prison [Hắn ở tù].
Life is beautiful [Ðời tươi đẹp].
She goes to church [Cô ta đi nhà thờ].
(trang 204)
Ðây có vẻ là trường hợp mà ông Nguyễn Quốc Trụ đề cập. Tuy nhiên, nó chỉ là một ngoại lệ chứ không phải quy tắc chung áp dụng cho đại đa số các danh từ đếm được số ít. Ông Nguyễn Quốc Trụ có vẻ đã nhầm ngoại lệ với phổ quát.

“Writer” là một danh từ đếm được “bình thường”, theo nghĩa, muốn dùng nó để chỉ một tập thể, phải dùng ở số nhiều. Nếu Alan Riding muốn nói về các nhà văn Việt Nam, ông sẽ viết: “Vietnamese writers” (có s). Dùng “writer” ở số ít, ông chỉ muốn đề cập đến Dương Thu Hương. Ông Nguyễn Quốc Trụ có ý hỏi, nếu vậy, sao tác giả không thêm “a” hoặc “one” phía trước cho chắc ăn? Câu trả lời rất đơn giản: vì trong tựa đề (headlines) báo chí Anh-Mỹ, người ta có xu hướng lược bỏ những mạo từ – “a’’, “an’’, “the” - như vậy.

Ngữ pháp headlines báo chí là đề tài thú vị, tôi không có điều kiện bàn sâu ở đây. Chỉ xin trích một đoạn trong công trình nghiên cứu của Ingid Mardh, “Headlinese: On the Grammar of English Front Page Headlines” [2] , để tham khảo:

“Halliday (1967) cho rằng headlines và các loại ngôn ngữ trình diễn khác tuân theo một “ngữ pháp tiết kiệm”, bị quy định bởi sự đòi hỏi cùng lúc của hiệu quả giao tiếp và tính ngắn gọn cực độ. Những ngôn ngữ loại “ngữ pháp tiết kiệm” này thuộc NGÔN NGỮ KHỐI [BLOCK LANGUAGE] (...) Ngôn ngữ khối thường gồm những đơn vị ngữ pháp thấp hơn câu, ví dụ chỉ gồm một mệnh đề độc lập hay một cụm danh từ, hoạt động riêng rẽ.
(...)
Một tính cách của ngôn ngữ khối là sự biến thái mạnh mẽ của các cụm danh từ. Một cụm danh từ kiểu này có thể phải tải những ý tưởng phức hợp, như tựa đề sau đây, tóm tắt một bài viết nối kết:

India House death
bid case dropped.
(...)
Một đặc tính khác của ngôn ngữ khối là sự lược bỏ các từ ngữ ít tính thông tin, chẳng hạn các mạo từ [a/an/ the], các thể trợ từ của động từ ‘be’.”
(trang 11-12)

Cũng theo Ingrid Mardh, trên báo The Times (Anh), trong số 1.296 headlines sử dụng danh từ đếm được số ít, 1.011 trường hợp đã lược bỏ mạo từ, chiếm đến 78% (trang 125).

Chỉ cần giở một tờ báo Mỹ hoặc lên internet, ông Nguyễn Quốc Trụ có thể thấy rất nhiều headlines dùng danh từ số ít không đi kèm mạo từ “a”, hệt như trường hợp “Vietnamese writer won’t be silenced”. Ví dụ, trong bản tin của hội Văn bút Quốc tế tháng 5/2005, ta thấy headline sau đây: “American PEN elects Vietnamese Writer as Honorary Member” [Hội Văn bút Hoa Kỳ bầu (một) nhà văn Việt Nam làm hội viên danh dự] [3] . Người được nói đến trong mẩu tin này là ông Lê Chí Quang, và chỉ Lê Chí Quang mà thôi. Hội Văn bút Hoa Kỳ dĩ nhiên không thể mời cả làng nhà văn Việt Nam làm hội viên danh dự.

Về tựa bài dịch của tôi, đúng ra, nếu không dùng chữ “một”, nó sẽ Việt Nam hơn. Khi dịch, tôi có cân nhắc chuyện này. Nhưng sau cùng, tôi nghĩ từ “một” là chính xác và cần thiết, giúp nhấn mạnh trường hợp cá biệt của Dương Thu Hương. Sự lên tiếng của một nhà văn như Dương Thu Hương, dù chỉ có một, dĩ nhiên không thể “vứt đi”. Có “vứt đi” là vứt rất nhiều nhà văn... tầm phào.

© 2005 talawas

Trân trọng trả lời ông Phan Nhiên Hạo,

1. Cám ơn ông rất nhiều về những hiểu biết rất rành rọt về văn phạm tiếng Anh của ông, so với sự hiểu biết quá nông cạn của tôi. Khi viết thư góp ý ngắn như thế đó, là tôi cũng hy vọng sẽ học hỏi được nhiều, theo ý nghĩ, mình biết đến đâu, thì cứ trình ra như vậy, sẽ có người giỏi hơn chỉ bảo thêm cho. Nhưng giá mà anh PNH viết bằng một giọng "nhè nhẹ" hơn một chút, chắc là còn vui hơn.
2. Cái ý "vứt" đi, như anh nghĩ, về DTH, đúng là ý nghĩa phụ, hàm trong câu viết của tôi. Do anh viết ra như vậy, tôi đành nói toạc ra như anh: Cái người dám "ỉa lên cả một thế hệ chúng ta" (1), không thể nào vứt đi được!
Đây là lối nói dzậy [vậy] mà không phải dzậy của người miền nam.
3. Tôi có viết một bài trả lời hai bạn góp ý thư của tôi, trước cái thư của anh, nhưng do máy của tôi bị trục trặc, tôi đang cố lấy lại bài viết, và sẽ đăng sau, thay vì đúng ra trước, những dòng này.
Trân trọng cảm ơn bạn PNH.
NQT
(1) Lấy trong bài viết của Joseph Brodsky, khi tưởng niệm bà vợ nhà thơ Nga, Mandelstam.
(2) Thư trả lời hai bạn đúng ra là đăng trên talawas, nhưng do máy của tôi bị trục trặc, không thể gửi mail trả lời talawas, nên đăng ở đây.

Lời chót:
Khi đọc lại bài dịch của PNH, ý kiến ngắn của tôi, NQT, và của hai bạn góp ý, rồi sau cùng, đọc bài trả lời của PNH , và mấy dòng ứng đáp của tôi, tôi mới nhận ra, văn phạm tiếng Anh, một hay không một... không phải là trọng tâm mà chính là "hoài vọng hay không hoài vọng", "vứt đi hay không vứt đi" mới là vấn đề trong vấn đề, chuyện trong chuyện ở đây.
Nếu đúng như vậy, thì quả là một ý kiến ngắn đã đi được một con đường rất dài....
Trân trọng tất cả.

NQT