*
 
Tạp Ghi


1

 


Tha hương ngộ cố tri

 

II 

Cái chuyện tha hương ngộ cố tri, gặp gỡ nữ sĩ thanh sắc vẹn toàn này, quả thật là vừa ngạc nhiên vừa tuyệt vời, đối với Gấu tui. Theo nghĩa, "xin một, được mười", có thể nói như vậy.

Nhân đọc một bài viết về bà, trên trang net do một nữ sĩ hải ngoại phụ trách, tôi email tới "toà soạn", không phải để xin tin tức hoặc mong diện kiến nữ sĩ, mà chỉ để hỏi thăm về người viết bài, tức nhà thơ Nguyễn Đạt. 

Ông này thì đúng là đàn em của Gấu, theo nghĩa rất ư là trong gia đình, chứ không phải ngoài xã hội. Nói rõ hơn, nhà thơ "nhớn" này là em ruột của Nguyễn Nhật Duật, bạn thân của Gấu. 

Nhà thơ nhớn bi giờ viết tản văn, ký, hồi ký, nhận định văn học theo cái kiểu tuỳ hứng... Qua điện thoại, nhà thơ khoe, nhuận bút khá bảnh, từ báo ngoại, Gấu tui nghĩ thầm, vậy là bảnh hơn thằng anh này rồi, chủ yếu là "viết chùa".  Nhà thơ hỏi, có còn "vướng lụy" như "ngày xưa" không... Hình như gặp bạn cũ, gần như ai cũng muốn bắt đầu bằng một câu hỏi như vậy, với Gấu tui...

Ngọc Minh, hình như cũng muốn nhắc tới những ngày đó đó, khi tâm sự, về những khổ đau ở trên đời này, "Sau ngày 30, anh 'khổ' hơn em nhiều...", Tôi muốn trả lời, "Ngọc Minh bảnh hơn tụi này nhiều. Cho tới giờ này, vẫn nhất định 'không thèm' bỏ đi....", 

Một thái độ như vậy, đám mày râu có thằng nào bảnh hơn?

Gấu tui liên tưởng đến nhà thơ lớn Nga, nữ thi sĩ Akhmatova, cũng không thèm bỏ đi, dù bao tai ương đổ xuống một gia đình bà.... 

Trở lại với vụ Thư Về Đường Sơn Cúc, MN nói, anh viết vậy, có thể làm người ta hiểu lầm, em bây giờ khá giả, quên bạn nghèo ngày xưa. Anh T. bi giờ khổ lắm, có lần em đề nghị với anh, tụi mình làm đám cưới giả, bạn bè xúm lại mừng, được bao nhiêu, em đưa anh hết... vậy mà anh ấy cũng không chịu... 

Gấu tui hình dung ra cái buổi lần đầu gặp gỡ Ngọc Minh, ấy là mãi sau ngày 30, tại một quán cà phê vỉa hè, trên đường gần đại học Luật thì phải. Bữa đó có nhà thơ Ngày Xưa Hoàng Thị, Phạm Thiên Thư. Bèn hỏi thăm, MN cho biết, anh ấy vẫn làm nghề "nhân điện"... 

Ôi chao, bao nhiêu nước chảy qua cầu rùi, kể từ hùi đó đó... 

Đúng, có thể hiểu lầm. nhất là ở trong nước, như đang xẩy ra, tình trạng chôm đồ của người khác, trong giới văn học. 

Nói cái vụ chôm, thì nó bắt đầu từ ngày 30, có qui luật ngầm, theo đó, ba thứ văn học miền nam trước 75, đều là của chùa, ai cũng có quyền xài. Sẵn chớn, xài đồ chùa mãi, "quen tay", bèn chôm luôn đồ ngoại, như trường hợp mấy ông nhạc sĩ.

Tuy nhiên, trường hợp cuốn "Thư Về Đưòng Sơn Cúc" không phải như vậy. Tác phẩm này hoàn toàn là của Hoàng Ngọc Tuấn, nhưng được viết ánh sáng mặc khải của một nàng tiên có thực, ở trong thi ca, là Nữ Thần Thi Ca, và ở ngoài đời, là... Ngọc Minh. Khi ánh sáng mặc khải đó đã qua đi, những tác phẩm khác của Hoàng Ngọc Tuấn không còn phát hào quang nữa. Đây là hiện tượng hào quang mà Walter Benjamin đã từng nói tới, trong nghệ thuật chụp ảnh, nhưng có thể suy rộng ra, trong tất cả nghệ thuật. Và trong cuộc đời.

Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã từng nhận xét về những nhà văn miền nam như Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo: Họ đã có một lần được gặp Nguyễn Tuân. 

Gấu, là cũng viết từ ánh sáng mặc khải của một bông hồng đen. Một khi cái hào quang đó tắt, bèn đi kiếm một bông hồng đen... khác!
Không có bông hồng đen đầu tiên, là không có "hồng" nào hết, có thể nói như vậy. 

[Nhưng, nói chuyện hào quang, thì phải đọc Cái Ác Từ Xa, nhất là đoạn này: 

- Phản ứng tự nhiên anh ạ, ngày nào cũng hoan hô, riết rồi thành thói quen, y như cái đùi của võ sĩ Minh Châu co lên ở loạt đạn thứ hai! Cũng có thể vì thương con cháu, kêu tên Thần Linh, để mong rằng con cháu khỏi bị hệ lụy 3 đời. Và cũng có thể, những ngày kháng chiến, dân chúng vẫn xem Bác là linh hồn của dân tộc. Như một thứ hào quang.] 

Ở miền nam trước 1975, có một cuốn sách, cho tới giờ này, vẫn là một nghi vấn, không biết ai là tác giả đích thực của nó. Đó là cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa, của Thế Nguyên. 

Đây là câu chuyện, một chuyện tình, ở bên trong một nhà tu, nhà chung gì đó. Nó cũng ở trong dòng văn chương có cái tên chung là "thú tội", theo kiểu "Kể Trong Đêm Khuya" của Võ Phiến, nhưng không khí ở trong Hồi Chuông, do ở trong nhà chung, gần Mặt Trời, gần Chúa, nên tù túng hơn, và do đó, mãnh liệt, hung bạo hơn. 

Càng gần Thành Quả, Đạt, Viên Mãn, Thiên Đường... chừng nào, càng gần Cái Dâm, Sa Ngã, Địa Ngục...  chừng đó, Henry Miller chẳng đã từng coi, chốn âm u ẩm ướt đó, là nơi Thượng Đế ẩn náu, và cũng là cái cửa mở ra mọi siêu hình học, tôn giáo. 

Cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa có cái tính chất âm u ẩm ướt, mà lại hừng hực cái chất dâm đó. 

Hồi Chuông Tắt Lửa, cái tít này không hiểu có phải là được gợi hứng từ Tắt Lửa Lòng, Chuyện Tình Lan và Điệp, Hoa Rơi Cửa Phật...? 

 Lạ, là, sau đó, Thế Nguyên không hề có, dù chỉ một dòng, làm cho người đọc liên tưởng tới, đây là tác giả Hồi Chuông. Chính điều này làm độc giả nghi ngờ, không biết có phải TN đã viết cuốn đó, hay là một người khác.

  Và người khác này, Gấu tui cũng biết là người nào, theo dư luận xào xáo. Nhưng ngay cả với ông này, cũng không thể viết nổi Hồi Chuông....

  Mới đây, trong những chuyện chôm đồ của người khác, và từ đó nổi tiếng, là trường hợp nhạc sĩ Bảo Chấn. Ông nổi tiếng với Tình Thôi Xót Xa, và mở ra cả một trào lưu nhạc trẻ ở Việt Nam.

 Nhờ Tình Thôi Xót Xa những bản nhạc khác của ông cứ thế ăn theo, cũng trở thành nổi tiếng. Thế mới thú vị, mà mới khiến người ta thích chôm đồ người khác.

  Chôm và nổi tiếng, là đề tài một cuốn của nhà văn chuyên viết tiểu thuyết đen của Mẽo, James Hadley Chase, cuốn Eva. Cuốn này hay đến nỗi nhà xb Tây Gallimard bèn mang nó sang văn chương trắng, tức văn chương thứ thiệt, cùng với một cuốn nữa, cũng của Chase, là cuốn "Không Có Hoa Lan Cho Nàng Blandish", [Pas d' Orchidées Pour Miss Blandish (?)].

 Cuốn Eva đã được Hoàng Hải Thuỷ phóng tác, tôi không nhớ cái tít Việt của nó.

 Đây là câu chuyện một anh văn sĩ, có một vài cuốn để sẵn trong ngăn kéo, nhưng chưa có dịp xuất bản; đúng lúc đó, một anh bạn thân, trong lúc hấp hối đã nhờ anh giữ giùm tác phẩm để đời của mình. Thế là anh chơi luôn, và trở thành nổi tiếng, và cho xb tất cả những cuốn còn lại kia. Anh ta được một em, hình như con một nhà xb thương.

 Chính cô này, là người khám phá ra sự khác biệt giữa đồ thực và đồ giả. Cô nói, khi cô đọc cuốn đầu, là cô mê tác giả của nó liền. Những cuốn sau, tuy không tồi, nhưng rõ ràng là, một người, nếu đã viết những cuốn sau, thì không thể nào viết nổi cuốn trước.