*
 
Tạp Ghi

II

Trăng Huyết
[Đọc, giới thiệu].



 



*

Thảo Trần & Minh Ngọc & Trân Sa & Ý Nhi

@

Toronto Intel Film Festival Party
13, July, 2004

Tha hương ngộ cố tri.

Cái sự gặp lại nữ sĩ thanh sắc vẹn toàn này, thật là bất ngờ. Nhưng bất ngờ, ngạc nhiên nhất, với tui, là, ở vào cái tuổi chín chắn, từng trải, cả về đời sống lẫn nghệ thuật như thế, nữ sĩ vừa cho ra mắt tập truyện [nhà xb Trẻ, Sài Gòn, 2003], gồm những truyện đầu tay, thời còn con gái, viết dưới bút hiệu Ngọc Minh.

Và ban cho nó, cái tên thật là duyên dáng, thật là mời gọi: Chờ Duyên.
Chờ Duyên.
Tuyệt. Tuyệt thật!

Nhân cú "hồi mã thương" - còn có tên hội chứng hậu-chiến tranh Việt Nam - tức việc xuất bản cuốn Nếu Đi Hết Biển của Trần Văn Thuỷ tại hải ngoại - Gấu tui có đi một đường tản mạn về những ngày ở Sài Gòn những năm đó, và, thừa thắng xông lên, đã tuyên bố một câu xanh rờn:
Có những giây phút, những thời điểm "lịch sử" giầu có vô cùng. Khi phải nhìn lại lịch sử văn học miền nam - thời của đám chúng tôi - văn học những năm 1960 quả là giầu có vô cùng.
Chỉ với một vài truyện ngắn của nó!
Trong "một vài" truyện ngắn của nó, có "hai", của Minh Ngọc: Trăng Huyết, và Trái Khổ Qua. (1)
Và đám chúng tôi, như vậy, lẽ dĩ nhiên, phải kể cả Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Nhưng khi Gấu tui đọc truyện đầu tay của nữ sĩ, trên một số Văn ngày nào, đó là lúc nữ sĩ bắt đầu bước vào "thời của chúng tôi", trong khi Gấu vừa đi ra khỏi. Đi ra luôn. Cho tới ngoài này.

(1) Trăng Huyết hình như là cái đầu tay thứ nhất, đăng trên Thời Tập, của Viên Linh, nếu tôi nhớ không lầm. Trái Khổ Qua thì Nguyễn Xuân Hoàng xí phần, cho tờ Văn. Cái tít truyện, là của "bạn ta".

Thật khó mà có thể tưởng tượng, hai bà, một, bán sách chạy, một, bán thuốc lá chạy, trên vỉa hè Sài Gòn, những ngày sau 1975, lại có thể gặp nhau tại Đại Hội Điện Ảnh Thế Giới, trong một ngày nắng ấm như thế này, ở một xứ sở có nhiều tuyết như thế này.

Trong bài Ai Điếu Nadezhda Mandelstam, Joseph Brodsky cho biết, "vào những năm 1930 và 1940, chế độ đã sản xuất ra quá nhiều những bà vợ góa của văn thi sĩ, đến nỗi vào giữa thập niên 1960, mấy bà đủ túc số để tổ chức một công đoàn."
Trường hợp trên đây cũng đã xẩy ra, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giữa mấy bà vợ mấy ông nhà văn nhà thơ ngụy. Họ quá đủ, phải nói là dư túc số để thành lập một công đoàn vỉa hè, với những bộ môn ngành nghề tự biên tự diễn, như cà phê, sách, thuốc lá vỉa hè...
Hai bà ngồi sưởi nắng ở Hội Phim Quốc Tế, như trong hình trên, quen nhau, từ cái hồi là thành viên của công đoàn vỉa hè.

"Mô phỏng" Thánh Thán, Gấu tui cũng tìm được Lục Tài Tử, của thời chúng tôi, xếp theo thứ tự tự do:
Dọc Đường của Thanh Tâm Tuyền
Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi của Cung Tích Biền
Con Thú Tật Nguyền của Ngụy Ngữ
Em Yêu Anh Không, của Khánh Trường
Trăng Huyết
Trái Khổ Qua,
của Minh Ngọc.
Trừ truyện CTB, NN, KT, chưa kiếm được, mấy truyện kia, sẽ post trên Tin Văn, kèm lời bàn Mao Tôn Cương.

Bạn đọc Tin Văn có thể đọc thêm về Minh Ngọc trên:
http://www.gio-o.com/nguyenthiminhngoc
Note: Trang này không còn. NQT]

Một số bài viết trên trang web cho thấy, Minh Ngọc nổi tiếng "trên thế giới", như một kịch sĩ, người viết kịch bản, nhà dàn dựng, đạo diễn. Lý do, theo tôi, bà cho in lại những truyện ngắn đầu tay, tác phẩm "mới nhất" sau nhiều tác phẩm đã xb, vào lúc chín mùi nhất của sự nghiệp của bà, là để xác định với chính mình - tôi nhắc lại, với chính bà - mình là nhà văn.
Không phải một mà tới hai nhà văn, trong một Ngọc Minh.
Tôi nhắc lại, Ngọc Minh, chứ không phải Minh Ngọc.

Bởi vì, Thời của chúng tôi, không chỉ có Minh Ngọc của Trăng Huyết, Trái Khổ Qua, mà còn có Minh Ngọc, người đỡ đầu cho những dòng "Thư về Đường Sơn Cúc".
Nói rõ hơn, bà mới thực sự là kẻ đứng sau những dòng thư tuyệt tác đó, theo nghĩa, không có bà, thì không có Thư về Đường Sơn Cúc của Hoàng Ngọc Tuấn, nhà văn Sài Gòn ngày nào [không phải Hoàng Ngọc Tuấn hải ngoại].

Muốn chứng minh, cứ mang tác phẩm này đọ với những tác phẩm khác, của HNT, thí dụ như Hình Như Là Tình Yêu, Cô Bé Treo Mùng... là thấy ngay sự khác biệt.
Ngay từ hồi đó, độc giả đã nhận ra điều này.

Nhưng "điều này" cho tới nay, vẫn còn giữ nguyên niềm bí ẩn của nó: Thư về Đường Sơn Cúc không thể có, nếu không có bóng dáng một Minh Ngọc ở phía sau, nhưng đây là một em gái dễ thương, dễ thơ, và dễ thở, khác hẳn cô em gái trong Trăng Huyết. Nếu bạn chưa từng đọc Ngọc Minh, bạn cứ nghe Khánh Ly hát, rồi tưởng tượng ra giọng đó là giọng những nhân vật của bà, thời mới viết.

Hồi đó, chúng tôi vẫn thường nói đùa, Ngọc Minh viết văn tay phải, là Trăng Huyết, tay trái viết giùm cho Hoàng Ngọc Tuấn, là Thư về Đưòng Sơn Cúc.
Có điều, chúng tôi không thể tưởng tượng ra được, còn nhiều Ngọc Minh, Minh Ngọc..  khác nữa, trong một người nữ này.
Trong cái rủi có cái may, nếu không nhờ ơn "cách mạng", những nhân vật đó làm sao có dịp xuất hiện?

Tha hương ngộ cố tri II