gau




Sợ

Thảo Hảo

Tâm trạng của anh phóng viên “kém tiếng Việt”
Ngày 8.12.04, qua điện thoại, phóng viên đài BBC phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines. Sau đây là đoạn cao trào nhất trong cuộc phỏng vấn 5 phút này.

PHÓNG VIÊN (PV): Các máy bay mà Vietnam Airlines mua thì sẽ dần dần thay thế các máy bay mà hiện nay đang thuê, phải không ạ? Hay vẫn có những máy bay mà Vietnam Airlines tiếp tục thuê? 

ÔNG NGUYỄN XUÂN HIỂN (NXH): Không. Chúng tôi sẽ tiếp tục thuê. Bởi vì tại sao lại không thuê? Anh còn hỏi gì được thêm nữa không?

 PV: Hiện nay thì hãng United Airlines ngay ngày mai họ đã bắt đầu khởi hành chuyến bay từ San Francisco, thì...

 NXH: Tôi hoan nghênh, hoàn toàn hoan nghênh, rất hoan nghênh United Airlines mở đường bay đến Việt Nam. Bởi vì thị trường muốn rộng mở, muốn tiến tới mở rộng thị trường, tự do hóa thị trường. Có điều Vietnam Airlines sẽ cân nhắc đầy đủ để bay đến Mỹ cuối năm 2005 – 2006.

 PV: Tại sao lại không thể sớm, cùng thời gian với lại United Airlines ạ?

 NXH: BỞI VÌ TÔI KHÔNG THÍCH. BỞI VÌ TÔI CHƯA THÍCH.

 PV: Mà thưa ông, rõ ràng là khi United Airlines họ bay đến Việt Nam vào cuối tuần này thì, rõ ràng là...

NXH: Đấy là một hiện tượng rất tốt đẹp, trên tất cả các lĩnh vực. Xin chúc mừng. 

PV: Và ông không hề sợ là sẽ phải cạnh tranh với những hãng rất là sừng sỏ trên thế giới? 

NXH: Ồ, tại sao lại dùng cái từ sợ ở đây nhỉ? Anh ơ... anh phỏng vấn trên điện thoại nhớ, nhưng anh ăn nói hơi thiếu văn hóa đấy. 

PV: Dạ không, tôi cũng không nói là...

NXH: Vì có lẽ sống xa tổ quốc nên ngôn ngữ Việt Nam của anh hơi hạn chế. Vietnam Airlines không biết sợ ai hết. 

PV: Thôi thì, có thể tôi dùng từ không đúng, nhưng mà theo ông... 

NXH: Anh nên học lại tiếng Việt đi xong rồi hẵng tổ chức phỏng vấn, nhé! 

PV: Thì tức là tôi có thể dùng... 

NXH: Cái cuộc phỏng vấn này được ghi âm đấy!
 

Nhưng không cần đợi ông đe, anh phóng viên đã ra tay ghi âm trước. 

*

 Chẳng ai biết được tâm trạng anh phóng viên sau đó. Tôi xin đưa ra hai trường hợp:

 Truờng hợp 1: Anh ray rứt vì tiếng Việt của mình

 Sau buổi phỏng vấn, anh phóng viên kéo cổ áo đến tận mang tai, gục đầu ra phố, gọi một ly bia để giải sầu.

 Anh điểm lại những câu mình đã nói, và thấy không hiểu sao lại bị mắng là “vô văn hóa”.

 Anh càng lo âu vì không biết mình bắt đầu làm ông nổi nóng từ đâu?

 Sách tâm lý có dạy là “đôi khi sự quá nhẫn nhịn và lễ phép sẽ khiến người đối diện muốn giơ đấm”. Anh đâm hoang mang về giọng nói của mình, về cách ăn nói của mình. Anh ân hận vì mình đã thêm những chữ “ạ” với lại “phải không ạ” đằng sau vài câu hỏi, mức độ lễ phép không thua gì lúc về ăn giỗ ở quê. Ông Hiển có mắng anh là xa tổ quốc lâu nên vô văn hóa. Anh thắc mắc, hay văn hóa hiện nay của người Việt “gần tổ quốc” là không có những chữ quỷ quái này trong câu hỏi?

 Anh cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi, mà không tìm ra lý do. Anh đâm sợ quá.

 Và ngay cái khoảnh khắc “sợ” đó, anh ngộ ra chân lý: Anh đã quá vô ý. Khi hỏi câu: “Và ông không hề SỢ là sẽ phải cạnh tranh với những hãng rất là sừng sỏ trên thế giới?”, anh đã không biết dùng từ “lo”, từ “ngại”, từ “băn khoăn”... thay cho từ “sợ”, khiến cho ông Tổng Giám đốc chạm tự ái. [1]

 Ông, ông mà sợ ai! Bởi vì ông là Tổng Giám đốc một hãng hành không “không biết sợ ai hết” như ông nói. Ông chẳng sợ gì hết á! Nhìn những chuyến bay của Vietnam Airlines trễ hết giờ này đến giờ khác, hành khách mặt hầm hầm (thầm) rủa xả hàng không, ông còn không sợ nữa là... Chúng nó không bay ông thì bay ai? Bầu trời thì chỉ có một...

 ...

 
Ngày 14.12.04, đọc trên VnExpress, anh thấy ông giải thích nguyên nhân của cuộc to tiếng này là do “có sự vênh nhau về ngôn ngữ”. [2]

 Anh đã biết lỗi và muốn xin lỗi ông, xin thay chữ “sợ” bằng chữ “trăn trở”. Câu hỏi của anh như vậy sẽ là:

 “Và ông không hề trăn trở là sẽ phải cạnh tranh với những hãng rất là sừng sỏ trên thế giới?”

 Nhưng nếu đổi “sợ” thành “trăn trở” như thế, thì cái câu: “Vietnam Airlines không biết sợ ai hết” sẽ phải đọc lại như thế nào?

 Anh muốn điện thoại lần nữa về hỏi ông. Nhưng anh sợ tiếng Việt của anh “vênh”, nên thôi vậy.

 Trường hợp 2: Anh đã vớ được niềm vui bất ngờ

 Sau buổi phỏng vấn, anh phóng viên hớn hở chạy ra phố, gọi một ly bia để tự thưởng cho mình.

 Trong cuộc đời làm phóng viên đài, mấy ai hy vọng có được một cuộc phỏng vấn bất ngờ như thế. Xét theo phương diện “giật gân”, thì cuộc phỏng vấn quá sức thành công, khiến thính giả râm ran suốt.

 Anh thích nhất là khi ông liên tục cắt lời anh rồi chửi anh “vô văn hóa”. Anh lại càng “tâm đắc” cái câu của ông, khi nói về việc vì sao Vietnam Airlines chưa mở đường bay đến Mỹ. “BởI VÌ TÔI KHÔNG THÍCH. BởI VÌ TÔI CHƯA THÍCH.” Chà, ông trả lời như thể người ta hỏi vì sao hè này ông chưa ghé Sapa! Đường lối của cả một hãng hàng không mà ông nói như là sở thích riêng của ông vậy.

 Lâu nay, anh vẫn được coi là “đài địch”. Mà “đài địch” thì có nhiệm vụ phải vạch cho được điểm xấu của “quan chức ta”. Lần này anh đã thành công. Anh đã cho thấy một ông Tổng Giám đốc đến những câu hỏi tầm thường, bé tí thế kia mà còn căng thẳng, mất bình tĩnh, trả lời hớ hênh; làm sao đảm đương nổi những chiến lược xây dựng hình ảnh hết sức tinh tế cho một hãng hàng không lớn? 

Nhưng nhớ ra một việc thì anh hơi lo. Bởi vì bản thân anh cũng là một hành khách của Vietnam Airlines. Ông Nguyễn Xuân Hiển, khi “thích” thì gửi thư chúc mừng United Airlines mở đường bay tới Việt Nam, vì theo ông, đường bay đó sẽ “cung cấp dịch vụ cho một nhóm khách hàng, trong đó có cộng đồng người Việt mình bên Mỹ.” [3]

Nhưng khi ông “không thích” thì sao? Cụ thể là không thích anh chẳng hạn... Liệu máy bay của ông có chịu chở anh không? Có cho anh ăn không? Có cho anh dùng nhà vệ sinh trong suốt chuyến bay không? 

Về nhà, anh lên mạng, vào thăm dò những hãng hàng không khác – những hãng hàng không “biết sợ ai”, những hãng không có chuyện “thích” hay “không thích”, mà chỉ có chuyện “phục vụ”. 

Có nhiều hãng như thế. Chỉ tội bọn chúng không nói “tiếng Việt mình”, dù tiếng Việt mình thì đi lâu rồi anh cũng có hơi quên. 

[Trích diễn đàn talawas, trên lưới]


Lời Bàn Của Gấu

Sợ

Sách tâm lý có dạy là “đôi khi sự quá nhẫn nhịn và lễ phép sẽ khiến người đối diện muốn giơ đấm”. Anh đâm hoang mang về giọng nói của mình, về cách ăn nói của mình. Anh ân hận vì mình đã thêm những chữ “ạ” với lại “phải không ạ” đằng sau vài câu hỏi, mức độ lễ phép không thua gì lúc về ăn giỗ ở quê. Ông Hiển có mắng anh là xa tổ quốc lâu nên vô văn hóa. Anh thắc mắc, hay văn hóa hiện nay của người Việt “gần tổ quốc” là không có những chữ quỷ quái này trong câu hỏi?
Thảo Hảo: Tâm trạng của anh phóng viên “kém tiếng Việt” [Talawas]

Theo tôi, những tiếng ạ, phải không ạ đó, không phải do lễ phép mà là do sợ hãi.
Chính chúng, khiến me-xừ Hiển biết thóp, anh này không phải con các đồng chí trong Trung Ương Đảng.
Chính câu khuyên "nên học lại tiếng Việt đi" của ông, cho độc giả biết, đồng chí Hiển "biết", tay phóng viên này ra đi từ miền bắc, có thể sau Đại Thắng Mùa Xuân, và chắc chắn không phải con ông cháu cha, không phải thuộc loại được Đảng cho đi du học.

Bởi vì, nếu đúng thứ đó, là không cần học lại tiếng Việt, không hề sử dụng những tiếng ạ, phải không ạ.
Bởi vì, cái thứ ngôn ngữ của me xừ Hiển, như trích dẫn, Tôi không thích, Tôi chưa thích, cho thấy, mấy tay này đâu có học tiếng Việt? .

Câu nói của ông làm Gấu nhớ câu chuyện tiếu lâm về ông Kỳ.
Trước 1975, có một thời, người dân miền nam chọc quê ông Kỳ, bằng câu chuyện tiếu lâm sau đây.
Một đứa trẻ lười biếng học, trốn tới trường, bị bố mẹ la, "Bé không học, lớn lên làm gì?", đã trả lời:
Bé không học, lớn lên làm Phó Tổng Thống!

Chỉ ạ, khi sợ. Khi hết sợ, lại giở giọng chúng ông, chúng mày ra liền! Đó mới là điều, sách tâm lý có dạy là...
Một phóng viên, bất cứ một phóng viên, khi phỏng vấn, bất cứ một ai, người đó không "ạ, phải không ạ". Điều này không cần học, mà là bẩm sinh, có ở trong máu, của bất cứ một cá nhân nào sống dưới một xã hội không phải thứ xã hội công an trị.
Ngoài ra, còn hai nỗi sợ, cũng ăn tới xưong tuỷ người dân một miền đất.
Nỗi sợ "gia trưởng trị", có từ thuở lập nước, cùng với những triều đại phong kiến. Thảo Hảo, trong "tiềm thức" của mình, cũng "mơ hồ" nhận ra nó, nỗi sợ này, và người đọc nhận ra, qua những dòng chữ, "mức độ lễ phép không thua gì lúc về ăn giỗ ở quê".
Và nỗi sợ đói.


Sợ. 

Phu nhân nhà bác học phát minh ra bom nguyên tử của Liên xô, đã từng viết, trong Tàn Dư Của Chủ Nghĩa Toàn Trị:

"Tôi được dậy dỗ từ những trường Xô viết; ở đó, những nghiên cứu xã hội và giáo trình lịch sử Đảng Cộng Sản Xô Viết, là bắt buộc. Sau đó, tại trường y, tôi nghiên cứu triết học (lẽ dĩ nhiên, chủ nghĩa Mácxít-Lêninít), và kinh tế chính trị. Tôi chẳng tự hỏi chính mình, rằng có tí sự thực nào ở trong đó không. Khi qua được kỳ thi, nếu thiếu nó, tôi chẳng thể nào có bằng và trở thành bác sĩ, tôi quên tất cả những gì đã học.

Phải mất nhiều năm tôi mới hiểu, do không chịu nghiên cứu những môn học vượt quá mức yêu cầu, tôi đã bỏ qua một phần quan trọng, và có lẽ, phần cơ bản, về nhân văn, và trở thành một con người không có một cái nhìn hiểu biết [mang tính tri thức], về thế giới.

Tôi đang nói về chính mình, bởi vì làm gì có một trường hợp ngoại lệ cho tôi ở đây. Hầu hết những người thuộc thế hệ cha mẹ của tôi, và của tôi, đã có chung một kinh nghiệm tương tự. Chúng tôi sống và trưởng thành trong một bầu không khí của một sự sợ hãi toàn diện, vậy mà thường xuyên không nhận ra. Lớp học tôi có 23 đứa, 11 đứa có cha mẹ bị bắt. "Khủng bố là yếu tính thực sự của cái kiểu chính quyền này", Hannah Arendt viết như vậy, trong "Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị".

Cái chết của Stalin và sự sụp đổ của chủ nghĩa toàn trị chẳng làm cho nỗi sợ này biến mất. Nó như trở thành một phần trong cấu tạo cơ thể của chúng tôi và cứ thế truyền từ đời này qua đời khác. Đó là lý do tại sao không hề có một phong trào sinh viên học sinh nào ở Liên bang Xô viết. Nói chung, xã hội chúng tôi là một xã hội không có những niềm tin tưởng thực sự, cốt lõi. Tôi không nói tới một ý thức hệ quốc gia – bây giờ chúng tôi không có, và chúng tôi chẳng cần có! – nhưng mà là sự thiếu vắng một nguyên tắc đạo đức, sự thiếu vắng khả năng phân biệt sự thực so với những điều dối trá, cái tốt so với cái xấu".
........


Với sự sụp đổ của chế độ toàn trị – với cái chết của Stalin, bài diễn văn của Khrushchev, thời kỳ Băng Tan, và "shestidesyatniki", những phong trào tự do thập niên 1960 – tới thời đại của những người ly khai. Trong số họ, có rất nhiều những nhà vật lý, toán học, kỹ sư, sinh hoá học, và hầu như không có những sử gia hay triết gia. Những người ly khai chỉ là một dúm, chỉ vài trăm người trong một xứ sở mà dân số đã trên một phần sáu cư dân của trái đất. Thật khó mà nói, họ có được một quan điểm mang tính triết học rõ rệt; nhưng sự sáng suốt, nếu nói về viễn ảnh của họ, thật khác biệt, so với viễn ảnh của hàng triệu triệu con người khác. Điều này đem sức mạnh đến cho họ, để xổ toẹt những lời dối trá, gìn giữ lòng tự trọng, [bởi vì] nếu không có nó, sẽ chẳng thể nào có sự kính trọng tha nhân, và cuộc sống, và có thể, sau cùng, điều này sẽ đem đến cơ may hạnh phúc. Tại sao có quá ít những con người biết được hạnh phúc nghĩa là gì nhỉ? Người ta nói tới lương tâm. Nhưng [nếu như thế] lương tâm lại là một món gì cực kỳ cao giá, và chỉ dành riêng cho một ít người. Với hầu hết những con người còn lại, nó chỉ là cơn mộng cuồng, và như lịch sử cho thấy, nó rất dễ bị ném vào thùng rác.

Chỉ một cụm từ, "mức độ lễ phép không thua gì lúc về ăn giỗ ở quê", của Thảo Hảo, "tiềm ẩn" tới hai nỗi sợ. Sợ mấy ông trùm họ, trùm làng, trùm xã... tức là nỗi sợ gia trưởng, nỗi sợ biến thành niềm tự hào, "Mày có biết bố tao là ai không?", của mấy đấng con trời hiện nay.

Và nỗi sợ đói.
Một người viết, trên tờ Gió Đông ngày nào, gồm đa số những cây viết đi từ miền bắc, khi đọc cuốn Marie Sến của PTH thì phải, đã để ý đến chi tiết "những chiếc phong bì", trong tiệc tùng ở miền bắc. Tác giả cho rằng, vẫn là miếng ăn ở giữa làng, ngày nào, khi còn các cụ trùm. Và ông nhận ra một điều, văn chương Việt Nam, là văn chương nói về miếng ăn. Tức văn chương sợ đói.

"Quả thật tôi bắt đầu bực khi được hỏi là 'ông có sợ khi các hãng sừng sỏ bay vào Việt Nam hay không'. Xét vào thời điểm đó, nói đúng ra thì tôi cũng hơi quá. Phân tích ra thì chuyện xảy ra do sự vênh nhau về ngôn ngữ. Đặt một câu hỏi như vậy với một ông tổng giám đốc thì đã chạm vào tự ái cá nhân."

Me-xừ Hiển, trong trả lời Vn_Express, về cú "đụng độ giữa hai nền văn minh", đã coi đây là có sự vênh nhau về ngôn ngữ. Nhưng ngay sau đó, giống như cụm từ "lễ phép như về quê ăn giỗ" của Thảo Hảo, cụm từ "đã chạm vào tự ái cá nhân", nó tố cáo, nỗi "đã từng sợ hãi" của me-xừ Hiển. Ông ta tưởng, tay phóng viên muốn ngoáy vào những vết thương của ông ta, "trước khi không còn sợ ai nữa", tức trước khi trở thành một ông trùm.
Trùm Hàng Không Việt Nam.
Chính vì vậy, mà một câu nói rất bình thường của tay phóng viên đã làm bùng nổ cơn tức giận của me-xừ Hiển.