Dịch Thuật
|
Tàn Dư Của Chủ
Nghĩa Toàn Trị
Elena
Bonner
Lời người
dịch: Elena Bonner là vợ nhà bác học Andrei Sakharov, [hay Sharakov]
người phát minh
ra bom nguyên tử của Nga. Bà hiện là nhà hoạt động nhân quyền và chủ
tịch [hội] Andrei Sakharov Foundation tại Moscow. Bài viết sau đây dựa
trên bài phát biểu của bà nhân dịp được trao giải thưởng "the 2000
Hannah Arendt Award", do thành phố Bremen, [hội] Heinrich Boll
Foundation và [hội] Hannah Arendt Association, cùng trao tặng. Bản
tiếng Anh đăng trên báo "Điểm Sách New York" số March 3, 2001, là của
dịch giả Antonina W. Bouis, phó chủ tịch [hội] Andrei Sakharov
Foundation.
***
Tôi được dậy
dỗ từ những trường Xô viết; ở đó, những nghiên cứu xã hội và giáo trình
lịch sử Đảng Cộng Sản Xô Viết, là bắt buộc. Sau đó, tại trường y, tôi
nghiên cứu triết học (lẽ dĩ nhiên, chủ nghĩa Mácxít-Lêninít), và kinh
tế chính trị. Tôi chẳng tự hỏi chính mình, rằng có tí sự thực nào ở
trong đó không. Khi qua được kỳ thi, nếu thiếu nó, tôi chẳng thể nào có
bằng và trở thành bác sĩ, tôi quên tất cả những gì đã học.
Phải mất nhiều
năm tôi mới hiểu, do không chịu nghiên cứu những môn học vượt quá mức
yêu cầu, tôi đã bỏ qua một phần quan trọng, và có lẽ, phần cơ bản, về
nhân văn, và trở thành một con người không có một cái nhìn hiểu biết
[mang tính tri thức], về thế giới.
Tôi đang nói
về chính mình, bởi vì làm gì có một trường hợp ngoại lệ cho tôi ở đây.
Hầu hết những người thuộc thế hệ cha mẹ của tôi, và của tôi, đã có
chung một kinh nghiệm tương tự. Chúng tôi sống và trưởng thành trong
một bầu không khí của một sự sợ hãi toàn diện, vậy mà thường xuyên
không nhận ra. Lớp học tôi có 23 đứa, 11 đứa có cha mẹ bị bắt. "Khủng
bố là yếu tính thực sự của cái kiểu chính quyền này", Hannah Arendt
viết như vậy, trong "Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị".
Cái chết của
Stalin và sự sụp đổ của chủ nghĩa toàn trị chẳng làm cho nỗi sợ này
biến mất. Nó như trở thành một phần trong cấu tạo cơ thể của chúng tôi
và cứ thế truyền từ đời này qua đời khác. Đó là lý do tại sao không hề
có một phong trào sinh viên học sinh nào ở Liên bang Xô viết. Nói
chung, xã hội chúng tôi là một xã hội không có những niềm tin tưởng
thực sự, cốt lõi. Tôi không nói tới một ý thức hệ quốc gia – bây giờ
chúng tôi không cóù, và chúng tôi chẳng cần cóù! – nhưng mà là sự thiếu
vắng một nguyên tắc đạo đức, sự thiếu vắng khả năng phân biệt sự thực
so với những điều dối trá, cái tốt so với cái xấu.
Và chỉ có một
ít người, như Sakharov, có thể phát triển một hình ảnh mang tính nhân
bản, gói trọn cả vũ trụ con người ở trong đó, về một thế giới vứt bỏ
hoàn toàn những lời dối trá.
Ngay cả bây
giờ, đọc Hannah Arendt vẫn cảm thấy phát sợ. Những gì bà viết về Quốc
xã (Nazi) và những chế độ Cộng sản đã được xác nhận bởi nhiều người
khác. Về Hitler: "Ông ta là đồ dởm, cực kỳ dởm… không có cảm quan về
thực tại… dửng dưng trước những sự kiện." (Konrad Heiden). Về Stalin:
"ghê tởm, khiếp sợ sự thực về đời sống", "dửng dưng trước hoàn cảnh
thực sự" (Nikita Khrushchev). Ở Đức: "Quốc trưởng luôn luôn đúng." Ở
Liên bang Xô viết: "Đảng không bao giờ lầm." Hitler: "Đất nước sẽ chiến
thắng, hoặc phải hoàn toàn bị huỷ diệt". Ở Liên bang Xô viết, như một
bài hát: "Can trường chúng ta ra trận vì quyền uy Xô viết và chúng ta
chết như một chiến sĩ." Trại tử thần và trại tập trung cải tạo (Gulag).
Lò thiêu người được dùng ở trại tử thần. Trại cải tạo không tốn tiền
một cách phí phạm như thế. Đói và lạnh, là đủ rồi.
Tuy nhiên, vẫn
còn có những trường hợp được ra toà, như đối với những người không phải
là Do Thái, ở Đức. Ở xứ sở của chúng tôi, chỉ mười lăm phút sau khi ba
ông toà hội ý, lập tức tội nhân bị hành quyết. Đôi khi chẳng cần hội ý.
Chú/bác của tôi bị hành quyết ngày 20 tháng Chạp năm 1937; án tử hình
của ông được thông qua vào ngày 31 tháng Chạp. Tôi có đọc trên một chục
những trường hợp xẩy ra cho những thành viên Comintern, đồng nghiệp của
cha tôi. Tất cả đều bị hành quyết, mười lăm phút sau khi phê chuẩn bản
án. Có một sự tương tự thật lạ lùng, giữa hai hệ thống thư lại chuyên
về trừng trị – đám nhân viên SS và an ninh Xô viết, NKVD – cả về việc,
họ ở trên pháp luật, và được tuyển dụng ra sao. Ở Đức, tuyên truyền
nhắm vào mục đích của Nazi: chúng ta là giống dân chúa, hãy huỷ diệt
tất cả những giống chưa đáng làm người, và bắt làm nô lệ những giống
còn lại. Himmler nói: "Chúng ta có một mục đích: không được lơ là,
cương quyết tiếp tục cuộc chiến đấu mang tính chủng tộc… Chúng ta sẽ
không bao giờ cho phép thứ khí giới tuyệt vời đó – sự sợ hãi – bị nhụt
đi, và chúng ta sẽ làm giầu nó, bằng ý nghĩa mới."
Ở Liên bang Xô
viết vào thời đó, ngược lại, chủ nghĩa quốc tế được ca ngợi, và những
bài hát về tình bằng hữu của các dân tộc ra rả trên mọi loa phóng
thanh. (Phải chăng, đây là lý do tại sao Liên bang Xô viết sụp đổ một
cách thật là dễ dàng? Bởi vì chính nó là một lời dối trá?) Thay vì từ
"Do Thái", nhà cầm quyền sử dụng những uyển ngữ, như "người ở khắp nơi"
(cosmopolitans), "những tên sát nhân trong bộ áo khoác mầu trắng", và
"những tên tay sai của chủ nghĩa quốc gia Do Thái". Địch thủ chính trị
không phải dân Do Thái được gọi bằng từ "những tên quốc gia trưởng
giả". Tất cả những chỉ danh đó, những kêu gọi hành động, và sau đó là
hậu quả chết chóc xẩy ra cho họ, đều được nhân dân hỗ trợ.
Một trong
những kết luận thuộc loại chủ chốt của Hannah Arendt, đó là: "Sự toàn
diện của khủng bố được bảo đảm bởi sự hỗ trợ của đám đông" (The
totality of terror is guaranteed by mass support). Nó sau đó được vọng
lên, qua nhận xét của Sakharov: "Khẩu hiệu ‘Nhân dân và Đảng là một’,
được kẻ trên mọi toà nhà năm từng, không phải chỉ là những từ rỗng
tuếch."
Ngày nay, một
sự khủng bố mang tính quốc gia toàn diện có vẻ như là một điều bất khả
hữu. Nhưng những lời của Hannah Arendt vẫn giữ nguyên giá trị của
chúng: "Tuyên truyền là là dụng cụ độc nhất, và có lẽ quan trọng nhất,
của chủ nghĩa toàn trị, khi đối đầu với thế giới không toàn trị." Nếu
chúng ta thay thế từ "dối trá" bằng từ "tuyên truyền", và thêm vào điều
này: nó được sử dụng với công suất tối đa, ở bên trong xứ sở, so với
bên ngoài, thế là chúng ta nhận ra sợi gân chính của quyền lực ở Liên
bang Xô viết, và ở Nga, trong nửa cuối thế kỷ. Sự ù lì bất động, trước
giả trá, còn mạnh hơn, so với sự ù lì bất động, do sợ hãi.
Chúng tôi đã
sống và tiếp tục sống trong một quốc gia của những điều dối trá. Lời
dối trá lớn gọi Nga là một quốc gia dân chủ. Những tiến trình bầu cử
vừa mới được thai nghén đã bị hiếp đáp trong những cuộc bầu cử ở
Chechnya, trong cuộc chiến lần thứ nhất ở đây, và cứ thế xẩy ra sau đó,
trong chiến thắng bầu cử năm 1996 của Yeltsin, vốn được quyết định phần
lớn bằng tiền bạc chứ không phải bằng ước muốn của những người đi bầu.
Rồi tới việc chỉ định Putin, kẻ thừa kế Yeltsin, như thể Nga là một
vương quốc, và lần này, không chỉ tiền bạc: đòn bẩy bầu cử chủ yếu đã
biến thành điều gọi là "những biện pháp hành chánh", nghĩa là một áp
lực trực tiếp từ chế độ. Trò bầu cử "máy móc" như vậy cứ thế trải dài
ra, từ viên thủ hiến cho tới những viên chức địa phương. Và một khi
không có những cuộc bầu cử đúng đắn (valid), thì cũng không có dân chủ,
theo đúng định nghĩa của từ này. Khi chuyện này xẩy ra ở Beralus, mọi
người đều gật gù, như vậy là phản dân chủ, nhưng chẳng ai dám nói như
thế với nước Nga, do sợ hãi.
Cái chế độ
dựng đứng (vertical) được xây dựng bởi Putin - chia nước Nga ra làm bẩy
"okrugs", đứng đầu bởi một viên chức do tổng thống chỉ định, hoạch định
hiến pháp cho những thể chế cộng hòa quốc gia, thay đổi đường lối theo
đó thượng viện được thành lập, bằng cách hạn chế chức năng của nó – chế
độ này được đưa ra như là một chương trình nhằm mang lại trật tự cho
nước Nga. Nhưng những thay đổi này đã đem thêm quyền lực vốn đã không
giới hạn cho tổng thống, và trên thực tế, đã biến nước Nga đa quốc gia,
từ một xứ sở mang tính liên bang thành một quốc gia tập trung quyền lực
vào một trung tâm, và trở thành thống nhất một khối, cũng theo nghĩa
này. Và như vậy, chúng đạp đổ Hiến pháp của đất nước chúng tôi.
Liền lập tức
theo đó, những con người từ những cơ quan an ninh – nghĩa là từ
KGB-FSB, và từ quân đội – đã và đang được bổ nhiệm vào những chức vụ
cao cấp trong chính quyền, bảo đảm ảnh hưởng của họ trên toàn quốc. Do
đó, những năm gần đây lại một loạt những bắt bớ và những phiên toà như
vả vào mặt luật pháp. Trong đó có trường hợp thương gia người Mỹ,
Edmond Pope; nhà ngoại giao Valentin Moiseyev; ký giả Grigory Pasko, và
sĩ quan hải quân Sergei Nikitin. Những người này bị buộc tội gián điệp.
Đấy là chưa kể vụ buộc tội, hoàn toàn do dàn dựng, nhắm vào ký giả
Andrei Babitsky vào năm vừa rồi. Đâu phải chỉ có một, mà ít nhất cũng
trên vài vụ ám sát chính trị đã được hoàn toàn giải quyết.
Một hiện tượng
nguy hiểm khác rong ruổi cùng những lời dối trá, đó là mở rộng sự kiểm
soát của nhà nước về mặt truyền thông đại chúng, dưới những vỏ bọc:
trừng phạt những vi phạm tiền bạc, chống tham nhũng hối lộ. Trong khi
huỷ diệt một số những cơ quan và cơ sở tín dụng điều hành ngành xuất
bản hoặc những đài truyền hình, nhà nước tạo ra, dưới sự kiểm soát của
nó, những cơ quan xuất bản và đài truyền hình khác, quyền lực hơn, và
tham nhũng hơn. Cứ cách thức làm ăn như vậy được áp dụng trong những
địa bàn khác và tất cả đều nằm dưới chiêu bài chống tham nhũng. Và
trong khi cả thế giới biết về những toan tính của chính quyền nhằm nắm
lấy ngành truyền hình quốc gia, và chiến dịch của nhà nước chống lại
Boris Berezovsky và Vladimir Gusinsky, những vụ bách hại này hiển nhiên
mang mầu sắc bài Do Thái, rất ít người biết chuyện gì xẩy ra cho truyền
thông đại chúng ở những vùng đất xa xôi của đất nước. Ở những nơi chốn
hẻo lánh đó, những vụ việc tương tự như trên thường xuyên chấm dứt bằng
bạo động, thành thử khó mà bảo đây là những trường hợp ngoại lệ. Như
thể, trong một khoảng thời gian ngắn, thực sự không có những đài truyền
hình tự do, độc lập, hay là một phương tiện truyền thông nào khác ở
Nga.Thay vì vậy, chúng tôi có "Chủ thuyết về Sự An Ninh về Thông Tin",
nó đòi hỏi nhà nước phải có trách nhiệm kiểm tra báo chí và truyền hình.
Nhưng thảm họa
và nhục nhã lớn của nước Nga mới, là hai cuộc chiến tại Chechnya và
công cuộc diệt chủng đối với dân chúng đất nước này. Những cuộc chiến
này đã được thổi phồng trước đó, bởi tuyên truyền nhằm chống Chechnya.
Vẫn là những lời dối trá. Sau bao nhiêu năm, từ "chuchmek" đã được sử
dụng trên toàn Liên bang Xô viết và nước Nga [sau đó]; đây là một từ
xúc phạm nhằm chỉ tất cả những người không phải gốc Slavic, một nhãn
hiệu mới được đem ra thay thế, "người mang tính quốc gia Caucasian",
được sử dụng không phải chỉ ở trên đường phố, bởi "những đám đông", mà
luôn cả trong những tài liệu chính thức.
Cuộc chiến
tranh lần đầu, là do Yeltsin cần, để nâng cao thế giá của ông ta trong
những cuộc thăm dò dư luận; và nhờ nó mà đám đàn em vây quanh ông ta đã
ôm được hàng tỉ rúp. Cuộc chiến đó chấm dứt với sự huỷ diệt hoàn toàn
thành phố Grozny. Cư dân của nó chừng nửa triệu người. Con số người tị
nạn: ba trăm ngàn người. Những sự độc ác, tàn nhẫn trong khi xẩy ra
chiến tranh ở Samashki và những làng mạc khác – những sự độc ác tàn
nhẫn mà chúng ta có thể chắc chắn một điều là, sẽ chẳng có một toà án
theo kiểu Nuremberg nào ở đây. Cuộc chiến cướp đi cuộc sống của trên
một trăm ngàn thường dân, sinh sĩ Nga, và kháng chiến quân Chechnya. Và
cuộc chiến đó mang tên: "công cuộc tái lập trật tự theo như hiến pháp
qui định." Những nhà lãnh đạo Tây phương (ông bạn Bill, ông bạn Helmut,
và tất cả những ông bạn còn lại), đã coi nhóm từ này có giá "face
value" [giá trị trên danh nghĩa], (hay giả đò nó có giá như vậy – dối
trá lây lan như bệnh hủi, như thiên tai, dịch hạch). Họ nghĩ, cách tốt
nhất là có mặt tại Moscow vào lúc cao điểm của cuộc chiến, để tham dự
cuộc diễn binh kỷ niệm lần thứ 50 chiến thắng của Đồng Minh trong Cuộc
Chiến Lớn II.
Cuộc chiến
Chechnya lần thứ nhì, là do kẻ kế vị đệ nhất tổng thống Nga cần tới.
Cuộc tấn công, không thể nào giải thích nổi, vào Dagestan của hai người
cầm đầu du kích quân đặt bản doanh tại Chechnya, và quan trọng hơn,
những vụ nổ nhà cửa, bin-đinh tại những đô thị Nga, gây thương tích cho
hàng trăm người – những biến cố trên đã đưa đến chuyện cả nước hỗ trợ
cuộc chiến, nâng cao thế giá cho Putin, và một cuộc bầu cử chắc ăn.
(Tôi không hiểu trách nhiệm những vụ nổ là do ai, nhưng nói theo kiểu
"suy bụng ta ra bụng người", chúng giống vụ cháy toà nhà quốc hội Đức,
Reichstag). Tới đây, cuộc chiến Chechnya có một cái tên gọi mới, nghe
kêu bong bong: "cuộc chiến chống lại khủng bố quốc tế". Những quốc gia
Tây phương chấp nhận cái tên này (hoặc nói ra như vậy); họ cũng làm một
cuộc trình diễn bảo vệ nhân quyền, bằng cách thông qua những giải pháp
không ép buộc, phơi ra những sự độc ác tàn nhẫn xẩy ra ở Chechnya, tại
Hội đồng Âu châu, hay ở những diễn đàn tương tự như vậy. Nhưng có vẻ họ
đang chờ đợi, rằng một "giải pháp chót" sẽ xẩy ra!
Tôi nhận ra
một điều, tôi đang nói bằng những từ ngữ nguy hiểm. Nhưng làm sao khác
được hở Trời, làm sao không nhắc tới những vụ dội bom tàn khốc, những
vụ tiếp tục tàn sát người dân Chechnya, cũng như những trại giam, những
con số không thể đếm được xác chết trẻ con, đàn bà, người già cả, hàng
ngàn ngàn dân tị nạn giữa trời, trong những căn lều. Nếu đây không phải
là diệt chủng, thì nó là cái gì? Nước Nga đã mất theo cùng với hai cuộc
chiến, nền dân chủ sơ sinh của nó.
Trước hai cuộc
chiến Chechnya, có cuộc chiến Afghanistan. Do Liên bang Xô viết phát
động, và một khi rút ra khỏi, đã làm như chẳng mắc mớ gì tới nó. Nhưng
cho tới bây giờ, những ngọn lửa do Liên bang Xô viết gây nên, vẫn bừng
bừng cơn giận dữ ở đó. Cùng lúc, Liên bang Xô viết đã cho dựng cột
đồng, đời đời ghi danh phần đóng góp của nó trong cuộc chiến này. Tất
cả mọi người tại Nga, và tại những xứ sở thuộc cựu Liên Bang Xô viết,
đã chiến đấu tại Afganistan, đều nhận được mề đay, trên khắc những dòng
chữ: "Xin người chiến sĩ quốc tế nhận nơi đây lòng biết của nhân dân
Afghanistan." Lời dối trá ghi trên tấm huy chương là một sự sỉ nhục đối
với một vùng đất bị xám đen vì lửa đạn, đối với một triệu rưỡi người tị
nạn, và hàng trăm ngàn người đã chết. Biết ơn, vì cái gì cơ chứ?
Kể làm sao cho
xiết, và làm sao có thể chịu đựng nổi, biết bao lời gạt gẫm, và giả
trá, đã rót vào đầu óc nhân dân, trong những năm xẩy ra những cuộc
chiến kể trên. Và cũng phải nhắc tới những tai họa khác (vụ nổ nhà máy
nguyên tử Chernobyl, động đất ở Neftyugansk, vụ nổ tầu ngầm nguyên tử
Kursk). Cùng lúc đó, chúng ta tiếp tục nghe những lời dối trá của nhà
nước, và chúng làm nhớ tới những lời dối trá tại Liên bang Xô viết thời
kỳ Stalin và hậu-Stalin. Sự thực làm sao có thể đối đầu với cả một khối
sừng sững những dối trá như vậy? Một lần, có một bạn trẻ đã nói với tôi
về Mùa Xuân Prague: "Đấy là do tụi Tiệp tấn công chúng mình!"
Được nuôi
dưỡng dậy dỗ bằng những lời dối trá như thế, làm sao một xã hội có thể
trưởng thành và nắm lấy trách nhiệm của nó? Một xã hội non trẻ với tất
cả những ngu ngơ dại khờ của nó - cần tới một người lãnh đạo, và những
người làm theo gương người lãnh đạo - rất dễ nổi sùng, sẵn sàng "rửa
nhục", dối trá và tin tưởng cùng một lúc. Trong văn chương, [nhà văn
người Anh, Nobel văn chương] William Golding đã diễn tả điều này ở
trong cuốn "Lord of the Flies". Những người cảm nhận ra sự giả trá
trong xã hội Xô viết, do trực giác, họ đã chạy trốn những lời dối trá
về nhân văn, bằng cách lựa chọn những nghề nghiệp cụ thể, thiết thực,
trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhạc sĩ. Và khi có dịp, rất nhiều người đã bỏ
đi. Mẹ tôi, một công nhân chuyên môn ở trong Đảng, đã trở về vào năm
1933 để nghiên cứu về ngành kiến trúc. Vậy mà cũng không thoát được
khủng bố. Bị bắt năm 1937, bà thiết kế công trình những trại giam,
những hàng rào kẽm gai… và cùng với những bạn tù, họ đã xây dựng chúng.
Với sự sụp đổ
của chế độ toàn trị – với cái chết của Stalin, bài diễn văn của
Khrushchev, thời kỳ Băng Tan, và "shestidesyatniki", những phong trào
tự do thập niên 1960 – tới thời đại của những người ly khai. Trong số
họ, có rất nhiều những nhà vật lý, toán học, kỹ sư, sinh hoá học, và
hầu như không có những sử gia hay triết gia. Những những người ly khai
chỉ là một dúm, chỉ vài trăm người trong một xứ sở mà dân số đã trên
một phần sáu cư dân của trái đất. Thật khó mà nói, họ có được một quan
điểm mang tính triết học rõ rệt; nhưng sự sáng suốt, nếu nói về viễn
ảnh của họ, thật khác biệt, so với viễn ảnh của hàng triệu triệu con
người khác. Điều này đem sức mạnh đến cho họ, để xổ toẹt những lời dối
trá, gìn giữ lòng tự trọng, [bởi vì] nếu không có nó, sẽ chẳng thể nào
có sự kính trọng tha nhân, và cuộc sống, và có thể, sau cùng, điều này
sẽ đem đến cơ may hạnh phúc. Tại sao có quá ít những con người biết
được hạnh phúc nghĩa là gì nhỉ? Người ta nói tới lương tâm. Nhưng [nếu
như thế] lương tâm lại là một món gì cực kỳ cao giá, và chỉ dành riêng
cho một ít người. Với hầu hết những con người còn lại, nó chỉ là cơn
mộng cuồng, và như lịch sử cho thấy, nó rất dễ bị ném vào thùng rác.
Trong bản dự
thảo hiến pháp Xô viết, Sakharov viết: "Mục đích của những dân tộc nằm
trong Liên bang Xô viết và những chính quyền của họ, đó là một cuộc
sống hạnh phúc, tràn đầy ý nghĩa, tự do về tinh thần và vật chất, khỏe
mạnh, và bình an". Tôi không biết mục đích của nhà cầm quyền Nga bây
giờ. Nhưng trong những thập niên sau Sakharov, người dân Nga chẳng tăng
thêm được một tí hạnh phúc nào, cho dù Sakharov đã làm đủ mọi điều mà
ông có thể làm để hướng xứ sở về phía con đường đưa tới mục đích kể
trên. Riêng ông, ông đã sống một cuộc đời đáng sống, và hạnh phúc.
Hannah Arendt
đã may mắn sinh ra là một người Do Thái, điều này giúp bà có những chọn
lựa đúng tại Đức vào thập niên 1920 và 1930. Bà có may mắn được biết
tình yêu là gì, và làm luận án của bà về Thánh Augustine và về tình
yêu. Trong nghiên cứu của bà về cuộc sống của nhà trí thức Do Thái thế
kỷ 18, Rahel Varnhagen, bà có thể tìm ra những đồng điệu với cuộc sống
của chính bà, và viết một cuốn sách đem đến ý nghĩa cho phụ nữ thời đại
của chúng ta. Vào năm 1950, bà đã có can đảm viết về sự tương tự giữa
hai chế độ giết người, trong khi hầu hết những trí thức Tây phương bưng
chặt tai, khi thoáng nghe bất cứ ai nhắc tới sự khủng bố của Stalin.
Như Orpheus xuống vương quốc của người chết, vì tình yêu Eurydice,
Hannah Arendt đã lặn lội vào trong mớ tài liệu lịch sử và chính trị,
làm bật ra nỗi kinh hoàng lớn lao, và để lại cho chúng ta cuốn sách của
bà "Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị": như là một bài học, và một
lời cảnh cáo.
Nhân loại, ở
bậc thềm thiên niên kỷ mới mẻ, sẽ lưu tâm tới lời cảnh cáo đó? Đây là
một câu hỏi cho những ngày như thế này. Andrei Sakharov viết: "Tương
lai có thể tuyệt vời, nhưng có thể cũng chẳng có tương lai gì ráo trọi.
Điều này tuỳ thuộc vào chúng ta."
Nguyễn Quốc
Trụ chuyển ngữ
|
|