*


Đây là một người, hay là Bi kịch của một người lạc quan 

Lò Thiêu Người, Holocaust, là một kinh nghiệm mang tính kỹ nghệ, thực dụng "siêu đẳng": Làm thế nào để giết được nhiều người nhất, trong một thời gian nhanh nhất, ở một nơi có diện tích nhỏ hẹp nhất, ít tốn tiền nhất. Trong những cuốn sách viết về kinh nghiệm đó, "Những người chết đuối và Những người được cứu vớt" (The Drowned and the Saved), xuất bản năm 1988, tác giả Primo Levi, chỉ như một tiểu chú, nhưng thật quý giá.

Đây là kinh nghiệm của tác giả, một nhà văn Ý, gốc Do thái, khi ông làm lao động khổ sai tại Auschwitz, trong cuộc Chiến Tranh Lớn 1939-45. Trước khi tự tử vào tháng Tư năm 1987, ông có đưa ra nhận xét: Khi viết về thế giới bi đát của những trại tập trung, ông hy vọng tránh được hai điều: lợi dụng tu từ, văn chương làm mủi lòng người đọc, và dấy lên tâm lý trả thù. Thay vì vậy, ông chọn ngôn ngữ trầm tĩnh, nghiêm trang, nhã nhặn, và mực thước, của một người chứng. Nhưng trên tất cả, người đọc vẫn nhận ra, đây là một ngôn ngữ rất buồn thảm.

Sau khi được thả, ông viết hai cuốn, nay trở thành cổ điển, "Sống sót tại Auschwitz" (1947), "Lại tỉnh thức" (1963). Cuốn sách nhỏ bé "Những kẻ chết đuối..." là nỗ lực sau cùng của tác giả nhằm "hiểu" kinh nghiệm đó, một kinh nghiệm như tác giả đã từng chỉ ra, vượt khỏi cõi "nhân tri".

Một trong những chương của cuốn sách viết về "Sự hung dữ vô dụng". Những chi tiết về những trò độc ác của đám cai tù, khi hành hạ tù nhân một cách vô cớ, không một mục đích, ngoài thú vui nhìn chính họ đang hành hạ kẻ khác. Sự hung dữ tưởng như vô dụng đó, cuối cùng cho thấy, không phải hoàn toàn vô dụng. Nó đưa đến kết luận: Người Do thái không phải là người. (Kinh nghiệm cay đắng này, nhiều người Việt chúng ta đã từng cảm nhận, và thường là cảm nhận ngược lại: Những người CS không giống mình. Ngày đầu tiên đi trình diện cải tạo, nhiều người sững sờ khi được hỏi, các người sẽ đối xử như thế nào với "chúng tôi", nếu các người chiếm được Miền Bắc. Câu hỏi này gần như không được đặt ra với những người Miền Nam, và nếu được đặt ra, nó cũng không giống như những người CSBV tưởng tượng. Cá nhân người viết có một anh bạn người Nam ở trong quân đội. Anh chỉ mơ, nếu có ngày đó, thì tha hồ mà nhìn ngắm thiên nhiên, con người Hà-nội, Miền Bắc. Lẽ dĩ nhiên, đây vẫn chỉ là những mơ ước, nhận xét hoàn toàn có tính cách cá nhân).

Từng bước một, Levi cho thấy, trò nhục mạ, làm mất tính người ở trong trại tùy thuộc vào những "đặc quyền, đặc lợi", tuy nhỏ nhặt nhưng nó làm nên lằn ranh phân biệt giữa sống và chết. Có những công việc nho nhỏ, dành cho một số tù nhân nào đó, để được thêm một chút khẩu phần. Có những công việc khấm khá hơn, dành cho đám công chức hạng thấp như lau chùi, quét dọn, gác đêm, trợ tá của trợ tá... Ông ngần ngại khi phải phán đoán, những người làm ăng ten, cũng như những người dám đứng lên chống đối, và cố gắng giữ một đáp ứng dung hòa đôi khi vượt khỏi khả năng của con người. Trả lời một số phóng viên, Levi cho biết cảm tưởng, về những lời bào chữa "không biết đến những chuyện đó": Không thể tin được. Rằng, tinh thần bài Do thái không phải do Nazi bịa đặt ra mà đã đóng rễ lâu đời trong văn hóa Đức.

Vào năm 1743, khi Moses Mendelssohn tới Berlin, trong túi không có một xu, và không thể nói tiếng Đức suông sẻ, khi đó có 333 gia đình Do thái, cư dân của một thành phố chưa tới hai ngàn người. Họ được chấp nhận (tolerated), chỉ vì sự hữu dụng về kinh tế. Quyền cư trú, đi lại bị hạn chế, bị gạt ra khỏi những việc làm phục vụ công cộng. Không được quyền vào các hội thương mại, không được quyền buôn bán một số mặt hàng. Bị đánh thuế một cách tàn bạo, vào bất cứ một dịp nào, cưới hỏi, du lịch, mua nhà... Luôn luôn, dễ dàng bị trục xuất khỏi nơi cư trú bất cứ lúc nào, tuỳ theo hứng của nhà cầm quyền địa phương. Trên hết, họ luôn bị nghi ngờ có hành vi, phạm tội ác, ngấm ngầm chống lại đa số người Đức.

Mendelssohn sau đó đã vượt mọi khó khăn để học tiếng Đức, và những hiểu biết chuyên môn khác, để theo đuổi nghề dậy học, trở thành bạn thân của Lessing, trở thành một triết gia có tiếng tăm tại Âu châu. Ông tỏ ra tin tưởng, người Do thái có phần nào trách nhiệm về sự cô lập của họ. Rằng họ nên cố gắng tránh bị cô lập bằng cách chấp nhận văn hóa Đức, như là của riêng, của chính họ, bỏ đi những tục lệ tôn giáo "lỗi thời", coi đó là một thành phần sau cùng phải được "đồng hóa". Nhờ nghị lực của những người khai phá như ông, quan niệm đồng hóa với những người khác, với đa số Đức, có vẻ bùi tai đối với những người lãnh đạo cộng đồng Do thái sau đó, và quan niệm tự nâng cao bản thân mình là chìa khóa quan trọng. Trong hai thế kỷ tiếp theo, con số người Do thái, được rửa tội hay không được rửa tội, chấp nhận làm người Đức, từ cách ăn mặc, hành vi cư xử, thói hư tật xấu, tính tốt, kể cả lòng tự hào, lòng ái quốc được là người Đức, được có quê hương, tổ quốc Đức... ngày càng gia tăng. Nhưng điều này chỉ như dầu đổ vào lửa là lòng hận thù Do thái ngày một thêm dữ dội. Cơ hội cuối cùng để được đồng hóa của họ là Lò Thiêu Người.

Địa ngục đã làm việc ra sao. Trong cuốn "Những Đao Phủ Tự Nguyện của Hitler: Những con người Đức bình thường và Lò Thiêu Người" (nhà xb Knopf, 622 trang, 1996), Daniel Jonah Goldhagen đã đưa ra một cái nhìn mới mẻ về bản chất chủ nghĩa bài Do thái. Ông nghiên cứu cách phát triển của thế kỷ 19, theo đó, đã cung ứng một xã hội đấy ứ hận thù Do thái, sẵn sàng, tự nguyện để được động viên vào bất cứ biện pháp, hành động nào chống lại Do thái, và hỗ trợ trò giết người hàng loạt sau đó. Ông tin tưởng, trái với quan niệm thông thường, vẫn được chấp nhận, theo đó, đại bộ phận những người Đức bình thường đã "bất bình" với chủ trương bài Do thái của Nazi, nếu họ phải tham gia là vì quá sợ hãi, do sức ép của xã hội, một sự vâng lời thái quá...

Không phải như vậy. Đa số đã chia sẻ trò giết người với Hitler, tự nguyện tham gia làm đao phủ. Việc cần thiết phải huỷ diệt Do thái là rõ ràng, đối với tất cả, tiếp theo quan niệm Do thái là kẻ xâm lăng, ngoại lai, đối với cơ cấu xã hội Đức.

Khi cuốn sách được xuất bản tại Hoa Kỳ, nó đã gây một phản ứng thù nghịch rất dữ dội tại Đức, trong cả hai giới truyền thông và sử học. Trớ trêu là, khi những bản dịch Đức ngữ đầu tiên xuất hiện, tháng Tám 1996, tất cả được bán sạch, vài tuần sau, 130 ngàn ấn bản được tung ra. Tháng Chín, 1996, khi tác giả xuất hiện tại Đức, chuyến đi "chào hàng" của ông đã là một "succès fou": Goldhagen đã chinh phục Đức quốc! Trong vòng 10 ngày, giở bất cứ một tờ báo, mở bất cứ một chương trình TV là đều thấy bộ mặt bảnh trai của nhà khoa học chính trị trẻ tuổi của Harvard ("Ông ta trông giống như Tom Hanks"). Buổi thảo luận về cuốn sách, lần đầu được tổ chức tại Hamburg, con số tham dự là 600 người. Lần chót tại Munich, 2500 vé, 10 Đức mã một, bán sạch. Công chúng Đức đến để nghe chính điều tác giả nói, trong 600 trang nguyên bản, 700 trang dịch bản, tóm tắt là: Lò Thiêu Người chỉ xẩy ra tại Đức, nhập thân vào chế độ Đệ Tam Reich, bởi vì đó là cách các người đã là (you were the way you were). Các người làm điều đó, chỉ các người thôi, bởi vì các người là một trong những quốc gia bị vò xé bởi lòng thù hận, phải huỷ diệt Do thái, và đều là đồng lõa, một khi thời gian chím mùi.

Cũng thật trớ trêu, câu hỏi: Tại sao rất nhiều người Do thái thừa cơ hội, phương tiện để bỏ đi, đã quyết định bi thảm là ở lại Đức Quốc Xã? Vào cuối năm 1932 và những tháng đầu năm 1833, những người Do thái đã ngần ngại khi phải chấp nhận, thái độ thù nghịch đối với họ sẽ tiếp tục, và mạng sống của họ sẽ bị đe dọa trầm trọng, bởi việc Nazi lên cầm quyền. John V.H. Dippel, tác giả cuốn "Bound Upon a Wheel of Fire" (nhà xb BasicBooks, 384 trang, 1996), đặt câu hỏi như trên, và đưa ra câu trả lời đại khái là, như những người Đức khác, người Do thái mong mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp thay vì tồi tệ, một khi Nazi lên nắm quyền. Những người Do thái bảo thủ tin rằng , Nazi có nghĩa là chấm dứt sự mất ổn định của những ngày cuối cùng Cộng hòa Weimar, chấm dứt sự đe doạ của Cộng sản, và sau đó là một sự trở lại giầu có kinh tế. Những người Do thái ái quốc hân hoan với vai trò quốc tế đã được tái lập của nước Đức, đây là một trong những mục tiêu của Hitler. Những người bị ám ảnh bởi những bài diễn văn hùng hồn bài Do thái của Hitler thì tự an ủi một điều là, Fuhrer sẽ dễ dãi, biết điều hơn, với thời gian. Họ đều nghĩ rằng những đe dọa không thực sự nhắm vào họ, bởi vì họ tin tưởng chính họ cũng là người Đức.

Kể lại câu chuyện của họ, tác giả tập trung vào 6 người. Sáu kinh ngiệm ở lại xây dựng nước Đức thay vì rời khỏi. Họ là Richard Willstatter, Nobel hóa học; Bella Fromm, phiếm luận gia xã hội tại Berlin; Hans-Joachim Schoeps, lãnh đạo thanh niên hữu phái; Robert Weltsch, chủ nhiệm nhật báo ở Berlin; Max Waburg, chủ nhà băng, và Leo Baeck, lãnh đạo tôn giáo ở Berlin. Khi quyết định ở lại, tuy chỉ là ảo tưởng, nhưng tất cả đều tự đồng hóa họ với văn hóa Đức, và cảm nhận về trách nhiệm đối với những người Do thái anh em. Lạ một điều, cả 6 người sau cùng đều may mắn trốn đi được, tránh khỏi số phận bị đưa vào lò thiêu, như hàng trăm ngàn người khác, đã làm theo họ.

 

Primo Levi sinh tại Turin, năm 1919, trong một căn phòng mà ông dự tính sống ở đó suốt đời, và là nơi ông tự chấm dứt đời mình vào tháng Tư 1987. Như những cư dân Do-thái ở khu vực này, gia đình ông từ vùng quê Piedmontese tới Turin từ những thế hệ trước, và đã hội nhập vào cuộc sống văn hóa ở đây. Primo Levi lớn lên dưới thời Phát-xít, nhưng chỉ khi đạo luật sắc tộc, Race Laws, ra đời (1938), ông mới bị khốn khổ vì nó. Ông theo học môn hóa tại đại học Turin nhờ một ông thầy tốt bụng không cần biết đến gốc gác Do-thái của người sinh viên.

Tháng Bẩy 1943, Mussolini xuống, mọi chuyện thay đổi. Thoạt đầu, Italy nằm ở giữa hai thế lực quân sự: Đồng Minh chiếm đóng Sicily và vùng cực nam, còn người Đức ở phía bắc lúc này chưa có ý định xâm lăng. Tháng Chín, lực lượng Ý theo Đức chiếm đóng Pháp "di tản chiến thuật", tràn qua Turin. "Đoàn quân tan hàng", như Levi gọi. Theo sau, không thể tránh được, là "con rắn xanh xám": những binh đoàn Đức lượn trên đường phố Milan và Turin.

Rất nhiều Do-thái cùng thời với Levi ở Turin đã tham gia lực lượng kháng chiến từ trước đó, và khi quân Đức xâm lăng, Levi cũng gia nhập. Ông trải qua ba tháng cùng lực lượng võ trang ở vùng đồi dưới dẫy Alps, trước khi nhóm này bị phản bội, và bị Phát-xít tóm, vào ngày 13 tháng Chạp năm 1943.

    Ông cung khai căn cước Do-thái, bị tống tới trại chuyển tiếp ở Fossoli di Capri, và sau đó, vào ngày 22 tháng Hai, 1944, bị đưa đi Auschwitz cùng với 649 tù nhân Do-thái khác (23 sống sót).

Tới nơi, ông được đóng số tù 174517, và được phân về khu Auschwitz III-Monowitz. Làm việc trong khu trồng cao su tổng hợp, chủ nhân là I.G. Farben nhưng do SS điều hành. Ông ở Auschwitz cho tới khi người Đức bỏ chạy vào tháng Giêng 1945, và sau đó được Hồng Quân giải phóng ngày 27 tháng Giêng 1945. Trôi nổi tới Katowice, thuộc Galicia, qua Byelorussia, Ukraine, Romania, Hungary, Austria, Germany, và sau cùng là quê nhà Turin. Cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ sau được miêu tả trong La tregua (Lại Tỉnh Thức).

Trở lại quê hương, ông tiếp tục cuộc sống đơn điệu, "một mầu", so với 12 tháng trời "nhiều mầu" trước đó. Chịu không nổi cơn thôi thúc, ông viết Se questo è un uomo (Đây có phải một người, If This is a Man), ghi lại kinh nghiệm của ông tại Auschwitz. Cuốn sách không kiếm ra độc giả khi mới xuất hiện vào năm 1947. Primo Levi bỏ viết, lấy vợ, và bắt đầu làm cho SIVA, một công ty sơn địa phương, trở thành chuyên viên có thẩm quyền quốc tế, về men dây tổng hợp (synthetic wire enamels). Vào năm 1958, Einaudi, nhà xuất bản có tiếng tăm ở Turin, đã tái bản cuốn sách của ông; được bạn bè thân nhân cổ võ nhân thành công nho nhỏ này, Levi viết La Tregua, những chương đoạn tiếp theo, được xuất bản vào năm 1963. Trong thập niên kế đó, thành công cứ tăng dần, như một nhà văn (as a writer): Il sistema periodico (The Periodic Table), La Chiave a stella (The Monkeýs Wrench), hai tuyển tập những bài viết ngắn; Se non ora, quando? (If Not Now, When?), một tiểu thuyết về cuộc kháng chiến của người Do-thái trong thời kỳ chiến tranh ở Âu-châu; Lilit e altri racconti (Moments of Reprieve), tuyển tập những hồi nhớ và những mẩu vẽ về kinh nghiệm trại tù; một số tiểu luận đa dạng và thơ; viết thường trực cho trang văn học của tờ La Stampa, một nhật báo ở Turin. Năm 1975, ông nghỉ việc ở SIVA, và dùng hết thì giờ vào việc viết. Cuốn sách cuối của ông I sommersi e i salvati (Những kẻ chết đuối và những người được cứu thoát, The Drowned and The Saved) được xuất bản năm 1986, một năm trước khi ông tự huỷ mình.

Như một tưởng niệm của quê nhà, một lối đi dưới lá, trước giáo đường Via Pio V ở Turin, mang tên ông, vào tháng Tư 1996.

Cũng nên biết qua về số phận tác phẩm của Levi. Khi ông đem Se questo è un uomo tới nhà xuất bản Einaudi vào năm 1946, nó đã bị "vứt vào thùng rác" bởi một người đọc (reader) ẩn danh, trong số những người đọc của nhà xuất bản này (sau người ta biết được, đó là Natalia Ginzburg; chính bà này lại thuộc về một gia đình Do-thái nổi tiếng ở Turin). Nhiều năm sau, ông chủ nhà xuất bản là Giulio Einaudi thanh minh, ông không hề biết lý do cuốn sách bị bỏ vô thùng rác. Bản thân Levi, ông buồn buồn diễn tả, về "một người đọc không chăm chú". Nên nhớ, vào thời gian này, và vài năm tiếp theo đó, những địa danh như Bergen-Belsen và Dachau đã đứng thế cho Auschwitz: Bị tống xuất, vì chính trị hơn là vì sắc tộc, được nhấn mạnh, và như vậy dễ chấp nhận hơn: như là những tổn thất thời chiến của lực lượng kháng chiến quốc gia. Cuốn sách in 2,500 do nhà xuất bản địa phương, chủ nhân là một cựu kháng chiến (mỉa mai thay, nó nằm trong loạt sách tưởng nhớ những anh hùng kháng chiến Do-thái và nhà tuẫn nạn Leone Ginzburg: ông chồng của Natalia ở trên đã nói tới). Hầu hết nằm nhấm bụi trong một nhà kho ở Florence, và bị tiêu hủy trong trận lụt 20 năm sau đó.

La Tregua đỡ hẩm hiu hơn. In tháng Tư 1963, đứng số ba trong cuộc thi quốc gia trong năm, giải Strega Prize (sau cuốn Lessico famigliare của Natalia Ginzburg). Nhưng nhờ vậy, nó làm người đọc lần mò tới cuốn đầu, và thế giá Levi tăng dần, đối với cả nước, và giới phê bình. Thế giá "quốc tế" cũng chầm chậm tăng dần. Bản dịch Se questo... của Stuart Woolf tại Anh vào năm 1959, dưới nhan đề If This Is a Man chỉ bán được vài trăm cuốn. Ấn bản Mỹ, dưới cái tên Sống sót tại Auschwitz (Survival in Auschwitz) - nắm được "diện" (the subject), nhưng mất "điểm" (the point) - bán lèo tèo cho tới khi The Peridoic Table ăn khách, 20 năm sau đó. Cuốn La Tregua xuất bản tại Mỹ có cái tên "lạc quan" Lại Tỉnh Thức (The Reawakening), trong khi nhan đề tiếng Ý đề nghị hoặc từ Truce (Hưu chiến), hay Respite (Giải lao), cuốn sách chấm dứt rõ ràng như vậy, bởi vì những ngày tháng lang thang vùng Đông Đức của Levi là một "ngoài-thời" (a kind of "time out"), giữa Auschwitz-như-kinh nghiệm và Auschwitz-như-hồi nhớ. Cuốn sách khép lại với tiếng kẻng báo thức, đúng ra là tiếng hô buổi sáng của trưởng trại Auschwitz: Thức dậy! (Wstawach!).

Những bản dịch tiếng Đức cũng theo dần, cùng với năm tháng, và Levi được biết tới ở Cộng Hoà Liên Bang Đức. Nhưng những nhà xuất bản Pháp lại tránh né ông, trong nhiều năm. Khi tờ Thời Mới (của Jean-Paul Sartre) in những trích đoạn, từ Se questo..., vào tháng Năm 1961, nó đã có nhan đề: Tôi là một người (J'étais un homme), gần như đảo ngược ý nghĩa của cuốn sách. Nhà xuất bản thế giá nhất của Pháp, Gallimard, trong một thời gian dài, đã cưỡng lại ý định mua bất cứ cái gì từ Levi; sau cái chết, tác phẩm và ý nghĩa của ông mới được thừa nhận ở Pháp. Nói chung là ở bất cứ nơi đâu, sự quan trọng của tác phẩm đầu của ông chỉ được "chiếu rọi", do sự xuất hiện của cuốn cuối, Những kẻ chết đuối... (The Drowned...). Như đề tài của nó cho thấy, Primo Levi ít nhất cũng đã bặt tiếng, trong nhiều năm.

 Thật sự mà nói, Primo Levi có quá ít, để được những nhà chuyên săn tìm tiểu sử chú ý tới. Ông sống một cuộc đời "nhà nghề" chẳng có gì đặc biệt (một chuyên viên ngành hóa), một cuộc sống riêng tư "một mầu". Ông sử dụng những cuốn sách của ông để kể và miêu tả cuộc đời mà ông đeo đuổi đó. Nếu bạn muốn biết ông đã làm gì, nghĩ gì, ông cảm nghĩ ra sao, bạn chỉ phải đọc ông. Như một hậu quả, bất cứ một kể lại (retelling) "cuộc đời và tác phẩm" sẽ chịu rủi ro: một cố gắng thất bại tự thân (self-defeating effort) nhằm tái sắp xếp và đảo qua đảo lại (paraphrase) những bản viết của ông. Và theo Tony Judt, trên tờ The New York Review of Books (May, 20, 1999), đây là thất bại của Bi kịch của một người lạc quan, cuốn tiểu sử mới nhất về Levi của Myriam Anissimov (bản Anh ngữ, dịch từ tiếng Pháp, của Steve Cox, nhà xb Overlook, 452 trang, $37.95). So với bản tiếng Pháp, hoặc tiếng Ý, bản tiếng Anh đã sửa lại cho đúng, một số sự kiện, và tuy không hấp dẫn, nhưng đọc được và chứa đựng nhiều thông tin hơn. Điều tai hại ở đây là, tác giả cuốn sách đã thất bại không giải thích cho độc giả hiểu được một điều: tại sao Primo Levi lại hào hứng hấp dẫn đến như thế? Nhưng ít nhiều bà đã cho người đọc nhận ra, Primo Levi "đứng được" với "thời gian", như là một thế giá văn chương và hồi ức về Lò Thiêu: Một người diễu cợt (ironist) và hài hước (humorist) đã đi đi lại - như là một cách chơi - qua những nấc thang âm thanh, đề tài, giọng điệu... Primo Levi được trình bầy ở đây: như là một con người lạc quan, một Do-thái đã hội nhập vào một người Ý trong cơn đọa đầy ở Auschwitz. Có thể so sánh với Dante, bằng cách diễn tả Ulysses - một hình tượng văn chương mà Levi ưa thích, và cũng là một hóa thân của ông - như một người lính già trên đường qui cố hương kể lại một vài vấn đề khi rong chơi nơi Lò Thiêu. 

Levi có một vài căn cước. Ông không bực vì chúng, như một số nhà phê bình Ý, hoặc một số độc giả thuộc cộng đồng Do-thái ở Mỹ. Ở vị thế số một: ông là một người Ý. Và tự hào vì nó. Mặc dù những lỗi lầm của quê hương, ông vẫn tự hào:

Những ngày này thường có người tỏ ra tủi hổ vì là người Ý. Thực ra chúng ta có những lý do tốt đẹp để mà tủi hổ: Trước hết và trên hết, tủi hổ vì không có thể sản xuất ra được một giai cấp chính trị đại diện cho chúng ta; thay vì vậy lại châm chước cho một giai cấp chính trị dòng dã 30 năm không đại diện cho chúng ta. Về mặt khác, chúng ta có những đức tính mà chính chúng ta cũng không ngờ tới, và chúng ta lại không nhận ra một điều là, những đức tính đó thật hiếm hoi, ở Âu-châu và ở trên thế giới. 

Trong bài Bạt khép chương viết nhan đề Ngôn ngữ thoát ra khỏi Bóng đen, trong cuốn Ngôn ngữ và Câm lặng, George Steiner kể chuyện trong ghetto Warsaw, một em bé ghi vào nhật ký của trại tù: "Tôi đói, tôi lạnh; khi tôi lớn, tôi muốn tôi là một người Đức, và như vậy tôi sẽ không còn đói và lạnh nữa." Bây giờ tôi (Steiner) muốn viết lại câu đó: "Tôi đói, tôi lạnh; khi tôi lớn, tôi muốn là một người Đức, và tôi sẽ không đói, không lạnh nữa". Và cứ nói câu đó, nói đi nói lại nhiều lần, như một lời cầu nguyện cho đứa bé, cho chính tôi. Bởi vì khi câu nói đó được viết ra, tôi được chăm nuôi, quá cả yêu cầu của tôi, và tôi ngủ ấm, và tôi câm lặng.

Nguyễn Quốc Trụ