*










A belief like a guillotine – as heavy as light.
Franz Kafka: Reflections on Sin, Suffering, Hope, and the True Way
[Niềm tin thì cũng giống như cái máy chém. Nặng như thế. Mà nhẹ, cũng như thế].

Hai Lúa tin rằng nhà thơ VC Phạm Tiến Duật phải đã từng đọc Kafka, nhất là câu trên, mới nẩy ra hứng sáng tác, câu thơ thần sầu:
Đường ra trận mùa này đẹp lắm!

Cái máy chém đó. Niềm tin đó.
Nhẹ và đẹp, như câu thơ của họ Phạm.
Nặng, là cái chết của ba triệu người, ở cả hai miền, kể cả thường dân và binh sĩ.
Bằng con số nạn nhân Lò Thiêu.

One reads in order to ask questions.
Kafka [ Alberto Manguel trích dẫn, trong A history of Reading]
Người ta đọc, để hỏi.

Yet any translation, however influencial, harbors its own dissolution. Literature endures; translation, itself a branch of literature, decays.
Cynthia Ozick: The Impossibility of Being Kafka, Sự Không Thể Là Kafka. In trong Quarrel & Quandary, tập tiểu luận, nhà xb Vintage, 2001.
Dịch, cho dù ảnh hưởng tới cỡ nào, cũng chỉ là trò thả mồi bắt bóng, nghĩa là, lấy cái tâm sự nát tan - hay như người ta nói, sự phản bội kia - như là niềm cưu mang của chính nó:
Giật mình, mình lại thương mình xót xa!
 Văn, như gừng, càng già càng cay.
Dịch, như củi, càng lâu càng mục.

Tam sinh vạn vật.

Cuốn Vụ Án của Kafka đứng số 3, trong Bảng Phong Thần Cuối Cùng trước khi dâng hiến tất cả cho lò thiêu.

Đây là kết quả cuộc bỏ phiếu của sáu ngàn độc giả Pháp, lựa chọn 50 cuốn sách của thế kỷ vừa qua, và được bình bởi Frédéric Beigbeder.
Tại sao số 3?
Có lẽ vì tam sinh vạn vật.

Frédéric Beigbeder thì cho rằng, có lẽ tại tĩnh từ “kafkaien” mà ra.
Nó nói lên, phận người, tức nỗi sợ… sắp hàng tại  một cơ quan nhà nước, thí dụ như phòng xuất cảnh chẳng hạn, và khi tới lượt thì chẳng có tên mình:
-Sao, ông nói sao? Tôi không phải số... 3 hả? Xin ông coi lại hồ sơ giùm. Tôi số 3 mà, chắc chắn có sự nhầm lẫn ở đây, tôi chắc chắn có tên trong danh sách chuyến bay… HO này mà!...
Đó là nỗi sợ con quái vật bàn giấy (angoisse bureaucratique), là cái phận người tủi hổ “như một con chó”, “sự tủi hổ sống dai hơn tôi”, của Joseph K, nhân vật chính trong Vụ Án.

Joseph K. là một nhân viên nhà băng, ít nói, độc thân, cả đời chưa từng đòi hỏi ai bất cứ một điều gì, một bữa bị những nhân viên nhà nước ăn mặc đồng phục bắt. Họ nói, anh sẽ bị đưa ra tòa xử, Nhưng anh có làm chuyện gì đâu! Đâu cần làm, và thế là cả thành phố đều biết. Người ta thả lỏng anh, nhưng lúc nào cũng có người trông chừng…
Liệu có thể coi, Vụ Án là một thứ tiểu thuyết luận đề, chính trị tố cáo chủ nghĩa toàn trị? Có thể, nhưng hơn thế, đây là một thứ “chống lại phận người”, theo nghĩa: vào đời nghĩa là vào với tra tấn và tử vong. Vụ Án chẳng tha một ai trong số chúng ta.

Trong một tác phẩm mới đây, Pierre Dumayet viết, một cách ngồ ngộ, rằng “Với Kafka, sự nhục nhã, tủi hồ chính là ‘phong cảnh quê ta’ [“chez Kafka, l’humiliation est un paysage”].
Nhưng, ‘may mắn thay’ với Kafka, còn là những câu chuyện hài, và chính cái hài này, “nó” cứu rỗi.

Ở Việt Nam, bạn có thể tìm thấy cái chất hài này, qua những câu chuyện có tí hiện thực ma tuý - huyền ảo thì cũng rứa - thí dụ như của Hồ Anh Thái, hoặc loại chuyện thiếu nhi dành cho người lớn, như truyện dài “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, hoặc thứ phê bình văn học của Trần Đăng Khoa chẳng hạn.
Nên nhớ, Kafka đã từng đọc bản thảo cho bạn bè nghe, và vừa đọc, vừa cười ngặt ngẽo [en hurlant de rire, chữ của Frédéric Beigbeder).
Từ đó, chúng ta hiểu được, không phải Thượng Đế, mà là con người, bị kết án phải... cười. Với Kafka, tất cả những câu chuyện buồn tủi nhục nhã khốn khổ của ông (Vụ Án và luôn cả Toà Lâu Đài, và Hoá Thân) đều là những câu chuyện tiếu lâm to tổ bố, grosses farces, vẫn chữ của Frédéric Beigbeder. Theo ông này, Kafka đi trước đám Tiểu Thuyết Mới ở Tây cả nửa thế kỷ, 12 chương của Vụ Án được viết bằng một thứ văn gẫy đoạn, người ta có thể nói, của  Nathalie Sarraute.

Vụ Án còn là một thứ chuyện “Liêu Trai” có tính tiên tri (un fantasme prophétique), như rất nhiều cuốn sách khác ở trong Bảng Phong Thần Cuối Cùng. Cuốn tiểu thuyết được in và xuất bản vào năm 1925, nhưng Kafka đã viết nó mười năm trước, tức là năm 1914, trước khi có cuộc cách mạng Nga, Cuộc Đệ Nhất Thế Chiến, chủ nghĩa Quốc Xã Nazi, chủ nghĩa Stalin: thế giới được miêu tả ở trong cuốn sách, chưa hiện hữu, chưa “đi vào hiện thực”. Vậy mà ông nhìn thấy! Liệu có thể coi ông là Ông Thầy Bói Nostradamus của thế kỷ 20?

Không phải vậy: cái thế kỷ có tên là Goulag đó chỉ là một đứa trẻ ngoan ngoãn tuân theo lời phán bảo của ông thầy của nó, mà thôi.

Ở đây, là một giả thuyết, nghe đến rởn tóc gáy lên được, và cũng hoàn toàn có tính Kafkaien: Liệu tất cả những trò kinh tởm của thế kỷ: chiến tranh lạnh, những chuyện đấu tố, luôn cả bố mẹ, hiện tượng con người có đuôi, con bọ VC, lò thiêu, trại tập trung cải tạo, Solzhenitsyn, Orwell…. tất cả là đều nảy sinh từ cái đầu của một anh chàng làm cho một công ty bảo hiểm ở Prague?
Liệu, hàng triệu triệu con người chết đó, là để chứng minh cho sự có lý, của một cái đầu chứa đầy những ác mộng?
*
Tại sao số 3 ?
Có lẽ còn vì, đây là con số 'số mệnh' sinh ra tới hai Con Bọ. Con Bọ VC và Con Bọ trong Hoá Thân của Kafka.
Bài viết tuyệt vời của Nabokov về Hoá Thân xoay quanh con số 3 khủng khiếp này. (1)

(1) Résumons quelques-uns des thèmes principaux du récit.
1. Le nombre trois  joue un rôle considérable dans l'histoire. L'histoire est divisée en trois parties. La chambre de Gregor compte trois portes. Sa famille est composée de trois membres. Trois domestiques apparaissent dans cours du récit. Les trois locataires ont trois barbes. Les trois Samsa écrivent trois lettres. [ Con số ba đóng một vai đáng kể trong câu chuyện. Câu chuyện được chia làm phần. Gia đình có ba người. Ba người làm xuất hiện theo tình tự của câu chuyện... Tôi thật cẩn thận khi không cố tình cường điệu về ý nghĩa của những biểu tượng như thế, bởi vì một khi tách ra khỏi truyện, là chúng bốc hơi, chẳng còn có ý nghĩa gì cả].

Còn Con Bọ VC, là do con số 3 gây nên: Con số 3 làm nên hình chữ S.

Đây là điều mấy ông VC chửi Tây mũi lõ thực dân cũ, cố tình chia để trị, nhưng sau ngày 30 Tháng Tư 1975, nước nhà thống nhất rồi, thì mới thấy mấy ông mũi lõ có lý.
Tao chia chúng mày ra để chúng mày không giết lẫn nhau !
[Nabokov hỏi: Ba người trong gia đình, đứa nào cũng bóc lột... con bọ, nhưng đứa nào tàn nhẫn nhất: Ông bố, bà mẹ, hay đứa em gái? Tương tự, chúng ta tự hỏi, và tự trả lời...]
Tao đâu có gây ra thảm họa Thuyền Nhân.
Tao đâu có biến Việt Nam của chúng mày thành một "Anus Mundi" vào năm 1975? (1)

(1) Anus Mundi có nghĩa là hậu môn của thế giới. Theo Milosz, một người Đức đã viết ra định nghĩa này, để chỉ xứ Ba Lan, vào thời điểm 1942.
Nhưng Anus Mundi lại làm cho người đọc liên tưởng tới từ Anno Mundi, tiếng La Tinh, có nghĩa là "vào năm của thế giới" [in the year of the world], tức khi thế giới bắt đầu.
Milosz định nghĩa Anus Mundi: The cloaca of the world. [Hậu môn của thế giới]

Như chúng ta đã biết, chỉ có loài vật thượng đẳng mới có cơ quan sinh dục riêng, hậu môn, nơi để bài tiết, riêng. Với loài hạ đẳng, chỉ có cloaca, tức hậu môn, dùng cho cả hai việc, làm cơ quan sinh dục và làm nơi bài tiết.
Xứ sở Balan vào năm 1942, là anus mundi, là theo nghĩa đó.
Khi Gấu mượn từ này của Milosz, trong bài viết về Nếu Đi Hết Biển của Trần Văn Thuỷ, là theo nghĩa của từ Anno Mundi, năm bắt đầu thế giới, và còn theo nghĩa năm Thượng Đế từ bỏ chúng ta, của triết gia người Do Thái, Emmanuel Levinas.
Và Gấu coi đó là năm 1975, đối với Việt Nam.
Hậu môn của thế giới.
Năm Thế Giới.
Năm "Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người". [TCS].
Năm chân lý "nước Việt Nam là một", bị lường gạt.
Bị làm nhục.
Nếu đi hết biển
*
Gunter Grass tin rằng, cái xứ sở Đức của ông, bởi vì cứ muốn thống nhất theo kiểu trung tâm, chỉ có một thủ đô là... "Hà Nội", sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi, mà gây nên thảm họa không chỉ cho nó, mà còn cả Âu Châu:

"Cơ cấu xã hội chúng tôi không như Pháp: Paris ở một phía, phía kia là tỉnh lỵ. Chúng tôi không có thủ đô: ngay cả Berlin cũng không "sáng ngời" như Paris, Luân đôn, hay Varsovie. Chúng tôi có quá nhiều thủ đô, quá nhiều trung tâm; đó là tình trạng chia cắt của nước Đức sau cuộc chiến 30 năm. Đây cũng là sức mạnh của chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi muốn bắt chước những nước láng giềng, cũng muốn một chủ nghĩa trung tâm (centralisme), câu chuyện đã không xuông xẻ. Bismack, rồi Hitler là những toan tính, cuối cùng là thảm họa. Tôi tin rằng những quốc gia láng giềng, vốn đã đau khổ vì nước Đức, họ sẽ được yên tâm hơn, nếu 80 triệu dân Đức cứ tiếp tục con đường liên bang của họ. Nhưng chẳng ai chịu nghe tôi cả!"
Phởng vấn Grass 2



Một sự hiếp đáp có tên là Franz Kafka.

Une agression nommée Franz Kafka.

 
Lời người dịch (bản tiếng Việt): Primo Levi , người Ý gốc Do Thái - kẻ sống sót Lò Thiêu, tác giả "Đây có phải một người", "Những kẻ chết đuối và những người được cứu thoát" - đã từng dịch Vụ Án, của Kafka. Sau đây là bài  phỏng vấn, (dịch từ bản tiếng Pháp) khi cuốn sách dịch của ông, cuốn dầu tiên của tủ sách mang tên Nhà văn dịch Nhà văn, ra mắt độc giả Ý. Người phỏng vấn là Federico De Melis, cho báo Il Manifesto, số đề ngày 5 tháng Năm 1983, được in trong “Primo Levi, Trò chuyện & Phỏng vấn” (Marco BELPOLITI trình bầy và ghi chú. Thierry LAGET dịch từ nguyên bản tiếng Ý, và tiếng Anh, Dominique AUSTRAND, từ tiếng Đức, qua tiếng Pháp. Tủ sách 10/18, nhà xb Robert Laffont, 1998)

JT

 
Từ mấy ngày nay, tại những tiệm sách có trưng bầy một cuốn sách, nhỏ hơn loại sách bỏ túi, trình bầy giản dị, của một tác giả không phải đương thời. Đó là cuốn sách đầu tiên của một tủ sách mới, của nhà xuất bản Einaudi, Những  nhà văn được dịch bởi những nhà văn. Đây là cuốn Vụ Án của Franz Kafka, do Primo Levi dịch. Chúng tôi đã tới gặp tác giả “Có phải đây là một người”, tại Turin, thành phố mà ông ra đời.

 Cơ duyên nào đưa đến chuyện dịch này?

 Đây là ý định của nhà xb Einaudi, muốn lại đưa ra thị trường một số nhà văn cổ điển, được dịch bởi những nhà văn hiện đại. Sau Vụ Án, tới Bà Bôvary của Flaubert, do Natalia Ginzburg dịch. Đây đúng là một ý nghĩ thông minh, uyên nguyên (originale) và ngược ngạo (provocatrice). Thông minh, là bởi vì ngược ngạo. Hiển nhiên là mỗi một cuốn sách dịch như thế sẽ gây ra tranh luận về chính nó, và trở thành đề tài nghiên cứu bổ ích và thú vị. Nhưng nói gì thì nói, đây là những cuốn sách trái khoáy (illlégitime: bất hợp pháp), bởi vì có tới hai tác giả. Người ta thấy ngay điều này, ở nơi bìa cuốn sách với hai tên tác giả, tên cuốn sách và dịch giả mầu trắng, còn tên tác giả, mầu đen. Chắc là sẽ rất phong phú, nếu nói về sự “qua lại” giữa hai tác giả. Ý định [của nhà xb] là như vậy. Trong khi dịch, tôi đã sống như là ngôi thứ nhất [như là tác giả của cuốn sách] – và tôi phải thú nhận – tôi đã phải đánh vật với chính tôi, khi đối diện với, một bên là ý thức ngữ văn – nghĩa là phải tôn trọng Kafka - và một bên là những phản xạ cá nhân, những thói quen cá nhân của một nhà văn, điều mà người ta gọi là văn phong, một văn phong cho tới bây giờ đã đóng rễ ở trong tôi. Vả chăng, một văn phong như thế, độc giả của tôi rành rẽ hơn là chính tôi, là người tạo ra nó, giống như một bức chân dung nhìn nghiêng. Chúng ta đâu có rành về chúng ta qua một bức chân dung nhìn nghiêng. Chúng ta chẳng bao giờ nhìn nghiêng chúng ta.

 Franz Kafka_Primo Levi, tại sao?

 Không phải tôi chọn, mà là nhà xb. Họ đề nghị và tôi chấp thuận. Kafka không hề là tác giả ruột của tôi. Nói đúng ra, thì là thế này: Tôi đã hơi coi nhẹ một việc dịch như vậy, bởi vì tôi không nghĩ, là mình sẽ phải cực nhọc với nó. Kafka không hề là một trong những tác giả mà tôi yêu thích. Tôi nói lý do tại sao: Không có gì là chắc chắn, về chuyện, những tác phẩm mà mình thích, thì có gì giông giống với những tác phẩm của mình, mà thường là ngược lại. Kafka đối với tôi, không phải là chuyện dửng dưng, hoặc buồn bực, mà là một tình cảm, một cảm giác thủ thế, phòng ngự. Tôi nhận ra điều này khi dịch Vụ Án. Tôi cảm thấy như bị cuốn sách hiếp đáp, bị nó tấn công. Và tôi phải bảo vệ, phòng thủ. Bởi vì đây là một cuốn sách rất tuyệt. Nhưng nó đâm thấu bạn, giống như một mũi tên, một ngọn lao. Độc giả nào cũng cảm thấy như bị đưa ra xét xử, khi đọc nó. Ngoài ra, ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành với cuốn sách ở trên tay, khác hẳn chuyện hì hục dịch từng từ, từng câu. Trong khi dịch tôi hiểu ra lý do của sự thù nghịch (hostile) của tôi với Kafka. Đó là do bản năng tự vệ, phản xạ phòng ngự, do sợ hãi  gây nên. Có thể, còn một lý do xác đáng hơn: Kafka là người Do Thái, tôi cũng là Do Thái. Vụ Án bắt đầu bằng một chuyện bắt giam không dự đoán trước được, và chẳng thể nào biện minh, nghề nghiệp viết lách của tôi bắt đầu bằng một vụ bắt bớ không lường trước được và chẳng thể biện minh. Kafka là một tác giả mà tôi ngưỡng mộ, tuy không ưa, tôi sợ ông ta, giống như bị sao quả tạ giáng cho một cú bất thình lình, hoặc bị một nhà tiên tri nói cho bạn biết, bạn chết vào ngày nào tháng nào.

 Trong cái phòng thí nghiệm-dịch thuật của ông, ông đã chọn lựa, thêm thắt, gia giảm như thế nào?

 Tôi cố làm sao cho độc giả người Ý không bị đè nặng bởi mật độ (densité) của ngữ pháp của tiếng Đức. Tiếng Đức thường đa dạng về ngữ pháp, là  một điều tiếng Ý không quen. Khi Vụ Án được dịch vào năm 1973, Giorgio Zampa đã tôn trọng nguyên bản. Tôi thì không luôn luôn như vậy. Gặp những đoạn cứng rắn, ghồ ghề, tôi gọt rũa, xé lẻ chúng. Một khi nắm được nghĩa, tôi sẵn sàng bẻ gẫy câu văn tiếng Đức. Kafka là một tác giả không ngần ngại chuyện lập lại: chỉ trong mười dòng, ông lập lại ba hoặc bốn lần, cùng một từ. Tôi tránh làm vậy, bởi vì độc giả Ý, do qui ước của tiếng Ý, sẽ không chịu nổi. Có thể, về phần tác giả, ông tỏ ra thoải mái khi lập lại từ, và ngay cả trong tiếng Ý, sự lập lại từ như thế cũng tạo ra hiệu quả này, nọ. Tôi cảm thấy thương hại một độc giả Ý, khi phải đọc một tác phẩm rõ ràng là dịch phẩm.

 Có hai cực đối nhau, trong việc dịch. Ở một cực này, người ta có Vincenzo Monti, khi dịch Iliade: Ông ta kể cùng những  sự việc, bằng một ngôn ngữ chiều theo khiếu thưởng ngoạn đương thời, và chẳng mắc mớ gì với nguyên ngữ trong nguyên tác. Ở cực điểm kia, dịch giả dịch sát, dòng theo dòng, từ theo từ, theo kiểu trường lớp, cố làm sao thật sát nghĩa. Cách thứ nhất làm cho độc giả cảm thấy mình đang thưởng thức một cái gì quen thuộc, với cách kia, họ luôn luôn có cảm tưởng, đang đọc một cuốn sách dịch. Giữa hai cực điểm, tôi cho rằng có thể tìm một sự dung hòa. Cách dịch như thế đó còn cho phép tôi – như một nhà văn – không bị bó chân bó tay. Nhất là trong những đối thoại, tôi cảm thấy thật là giả tạo, nếu cố tạo ra một thứ tiếng Ý đặc biệt, riêng cho từng trường hợp dịch, ở đây, là cố tạo lại những đặc điểm của một ngôn ngữ cách khá xa về thời gian cũng như về không gian, là ngôn ngữ Prague, vào thập niên 1920. Như vậy, những nhân vật của tôi, bắt đầu từ Joseph K. họ nói thứ tiếng Ý bây giờ.

 Trong ghi chú về Vụ Án, ông có nói về sự thiếu thân quen (un manque d'affinités), với Kafka...

 Cái thiếu đó, theo tôi là do sự kiện này: Kafka là nhà văn hoang tưởng. Ông kể hoài những hoang tưởng đó. Chúng thật tuyệt vời, thật đáng nể. Ông chẳng khi nào rời khỏi đề tài này. Ông chẳng hề dang tay để giải thích cho bạn, những cơn hoang tưởng đó che giấu cái gì, ý nghĩa của chúng ra sao. Ông để cho độc giả tự mình xoay sở, về ý nghĩa những câu chuyện có tính hoang tưởng đó, làm sao giải thích chúng, và thực thế, những giải thích thì thật vô cùng. Chỉ riêng cuốn Vụ Án có chừng 20 cách giải thích. Ý thức được sự quá đỗi khác biệt về phẩm chất (qualité), giữa tôi và Kafka, tôi luôn chọn một con đường khác, trong những cuốn sách của mình. Tôi bắt đầu bằng cách viết về những trại tập trung, tiếp đó, về những gì đã xẩy ra cho tôi, nhưng luôn luôn với một ưu tư, là làm sao cắt nghĩa, làm sao cho con đường trở nên bằng phẳng. Người ta thường chê cách viết của tôi là mô phạm. Cả nửa cuốn “Đây có phải một người” là để cố gắng giải thích cho chính tôi, và là cho độc giả, những lý do của cái bất bình thường bề ngoài, là cái tạo nên những trại tập trung Đức quốc xã. Cũng vậy, trong Hệ thống tuần hoàn (Le Système périodique), tôi cố gắng giải thích cái vị trí lập lờ, mù mờ của tôi, giữa hóa học và văn học. Tôi chẳng hề, hay là gần như chẳng bao giờ chọn lựa, trừ trong mấy truyện ngắn, con đường của Kafka, tôi chẳng bao giờ cho thả giàn cái điều còn ở trong tiềm thức.

 Người ta cho rằng Kafka là một nhà văn giết đời sống (un écrivain qui tue la vie), ca ngợi sự trống vắng, hoài nhớ cuộc đời và tình yêu. Không khí hiếm hoi  ở trong truyện của ông là cái tinh túy của một cuộc đời đã mất. Người ta chẳng hề kiếm thấy điều này ở Primo Levi, ngay cả khi ông nói về những trại tập trung...

 Chúng tôi có những số mệnh khác hẳn nhau. Kafka lớn lên trong một hoàn cảnh đối nghịch nặng nề với người cha, ông là kết quả của ba nền văn hóa trộn vào nhau – văn hóa Do Thái, Prague, và Đức. Ông là người khốn khổ vì những liên hệ tình cảm, bực bội ở nơi làm việc, và sau cùng bị bịnh nặng. Ông chết trẻ. Còn tôi, mặc dù quãng đời ở trại, vốn khắc đậm ở nơi tôi, tôi có môt đời sống khác hẳn, đỡ khốn khổ hơn so với Kafka. Với tôi, là chuyện, cái gì tốt thì kết cục tốt, như thể cái chuyện tôi sống sót Lò Thiêu làm cho tôi lạc quan một cách kỳ cục, nếu có thể nói, ngu đần. Bây giờ tôi không còn lạc quan nữa. Nhưng khi đó, tôi đã lạc quan. Khi đó, tôi cứ thế dàn trải ra, một cách không thuận lý, hết kết cục hạnh phúc này tới kết cục hạnh phúc khác, ấy là nói về cuộc phiêu lưu cá nhân của tôi – nó làm cho tôi giầu có một cách đáng kể, bởi vì tôi trở thành nhà văn nhờ nó - qua tất cả những thảm cảnh trần gian.

 Cho dù nói về những chuyện khủng khiếp, nhưng “Đây có phải một người” của tôi thực là xa cách với Kafka. Rất nhiều độc giả nói rằng, đây là một cuốn sách lạc quan, và thanh thản (serein), nó nâng bổng người ta lên, từng chút từng chút, nhất là ở chương chót. Thật là phi lý, khi nghĩ rằng, từ cái hố sâu là Lager (1)  lại đẻ ra một thế giới tốt đẹp hơn. Bây giờ tôi quan niệm khác: Lager chỉ đẻ ra Lager. Rằng một kinh nghiệm như thế chỉ đẻ ra cái xấu, cái ác. Khi người ta thấy rằng, một Nhà Nước hiện đại như thế, có tổ chức, có kỹ thuật, có tính hành chính cao như thế, mà lại đẻ ra Lò Thiêu, người ta có một ấn tượng khủng khiếp, rằng Lò Thiêu có thể tiếp tục xuất hiện. Kinh nghiệm đó có thể tái sinh, tôi không nói là nó sẽ như vậy, nhưng mà là có thể như vậy, tôi nhận thấy thế, và tôi sợ.

 Ông đã từng chứng kiến sự dã man của trại tập trung. Liệu Kafka có thể có được cái kinh nghiệm đó, dù không sống?

 Phải nhìn nhận là Kafka có được những cái tài, cái khiếu (don) vượt ra ngoài lý luận thông thường. Rõ ràng là ông có được, cái mà tôi gọi là bản năng, cảm tính hầu như chỉ loài vật mới có, thí dụ như những con rắn biết trước những cơn động đất. Sống những năm đầu thế kỷ, trải qua Thế Chiến I giống như một người cưỡi ngựa xem hoa, vậy mà ông đoán trước được rất nhiều điều. Giữa một đống hỗn mang những dấu hiệu lẫn lộn, những ý thức hệ, ông tách riêng ra, chỉ cho thấy những dấu hiệu mang trên chúng cái gọi là số mệnh Âu Châu hai mươi năm sau đó, hai mươi năm sau khi ông mất.

 Trong Vụ Án, người ta có một trực giác sớm sủa, qua nó, là điều này: rằng cái hung bạo, bạo động đến từ bàn giấy, hành chánh: thứ quyền lực cứ thế tăng lên mãi, thứ quyền lực không thể cưỡng lại được và là kết quả (le fruit) của thế kỷ chúng ta. Mấy chị em của Kafka đều chết ở trại tập trung, nạn nhân của một bộ máy ti tiện, thối rữa mà ông đã tiên đoán. Tôi phải nói thêm là cách giải thích Vụ Án là hoàn toàn mang tính cá nhân, người ta có thể đưa ra những giải thích khác. Với một số người, không phải là cái tòa án mang tính hành chánh, chính nó quyết đoán, nhưng sự kết án, chính là căn bệnh mà Kafka cảm thấy ở trong ông. Với những người khác nữa, phải mở ra cuốn sách bằng cái chìa khóa thần học, tòa án ở đây là một ông trời lạ hoắc, chẳng ai biết.

 Những tác phẩm của Kafka, chúng đều mang tính mâu thuẫn, nhất là cuốn Vụ Án. Joseph K cảm thấy lúc thì vô tội lúc thì có tội. [Thật ra] chẳng có mâu thuẫn.  Con người chẳng bao giờ bằng với (égal) chính mình. Kafka không bằng với chính ông. Người ta có thể liên tiếp, hoặc cùng một lúc, cảm thấy mình vô tội và có tội. Tìm một sự hữu lý, một sự hài hòa trong một bản văn như Vụ Án, là làm cho nó biến chất, chối từ nó, hủy diệt nó.

 Trạng thái u mê, sử sự như thú vật (L’abrutissement) không chỉ kết án nạn nhân, mà luôn cả đao phủ, nó xóa bỏ sự khác biệt, khoảng cách. Đây là đề tài của “Đây có phải một người”,  và cũng là đề tài mang tính Kafka (Kafkaien)...

 Ngay ở đầu cuốn sách, người ta thấy một y sĩ Hungary, học ở Ý, nói tiếng Ý giọng ngoại quốc rất rõ. Đó là viên nha sĩ ở trong trại. Một tên tội phạm (le criminel), ông ta cũng nói về mình như vậy. Đây là một “Haftling” (2)  “một kẻ có đặc quyền, đặc lợi”, một nạn nhân biến thành đao phủ. Ông ta điên, với chúng tôi, hình như ông ta điên, bởi vì ông ta miêu tả những chi tiết của cuộc đời của ông ta ở trong trại với một sự tỉ mỉ, chính xác, và ông ta làm cho chúng tôi thoát khỏi cái cảm giác bị đè nát. Thí dụ như ông ta nói thế này: nếu người nào giỏi đánh bốc (quyền Anh), người đó có thể trở thành đầu bếp. Điều này đối với chúng ta thật là phi lý, thật là điên. Nhưng sau đó, chúng tôi thấy rằng ông ta có lý, bởi vì bắt buộc một tay làm bếp phải thạo đánh bốc,  bởi vì người đó phải bảo vệ thức ăn. Rõ ràng rồi, có một cái gì đó mang vẻ Kafkaien trong tất cả điều đó. Sự méo mó, làm biến dạng thế giới ở trong trại là mang tính Kafkaien. Trong trại, người ta luôn luôn đụng phải cái điều không chờ đợi, đúng theo kiểu Kafka, thí dụ như khi ta mở cửa, và thấy, không phải điều mình trông mong, mà là một cái hoàn toàn khác hẳn.

 Ông tính “gửi” cho ai, cuốn “Vụ Án” của ông?

 Khi dịch Vụ Án, tôi có những tình cảm thay đổi, đối chọi nhau, thích thú, hoan hỉ nữa, vui vẻ, như khi tôi giải được một bài toán, san bằng một khó khăn. Nhưng tôi cũng cảm thấy âu lo, hốt hoảng (angoisse), và thật là buồn. Chính vì vậy, trong khi mà tôi luôn luôn trao những cuốn sách của tôi tới tất cả mọi người, tôi không muốn như vậy, với cuốn Vụ Án này. Tôi tự hỏi, thí dụ vậy, liệu có tốt không, khi một đứa bé mười lăm tuổi, đọc một cuốn sách như là Vụ Án. Tôi mong tránh cho đứa trẻ khỏi phải đọc. Hình như với tôi, đây là một cuốn sách nặng những điềm triệu. Altro dirti non vo’; ma la tua festa / ch’anco tardi a venir non ti sia grave (3) . Vụ Án làm cho chúng ta ý thức hơn. Hãy nhớ lại cuốn sách đã kết thúc như thế nào. Hãy nhớ xen chót: trời xanh, và vụ hành quyết sẽ xẩy ra một cách nào đó, bởi hai cá nhân, tức là hai người máy, chúng gần như chẳng nói năng gì hết, chúng ngợi khen lẫn nhau một cách ngu đần, và hoàn toàn rửng rưng. Chúng thật thích nghi với cung cách của vụ hành quyết, làm sao thực hiện nó một cách thật chính xác, đúng như mệnh lệnh đã được giao. Nhưng đây là một kết án tử, chúng xoáy lưỡi dao vào tim [nạn nhân]. Một kết thúc thật là độc ác, một sự độc ác bất chợt, bất ngờ đến nỗi, nếu tôi có con trai còn trẻ, tôi sẽ tránh không cho nó phải đọc. Hình như đối với tôi, nó gây nên một sự khó chịu, bất an, một nỗi thống khổ, mà, lẽ dĩ nhiên, nó là sự thực, là chân lý. Chúng ta sẽ chết, mỗi chúng ta đều sẽ chết, ít hoặc nhiều, như thế đó.

 Chú thích:

(1) Tiếng Đức trong nguyên bản, rút từ chữ  Konzentrationslager: Trại tập trung

(2) Tiếng Đức trong nguyên bản: Tù nhân

(Hai chú thích trên, là của ban biên tập Talawas)

[Tks. JT]

(3) Theo bản dịch tiếng Pháp, của Michel Orcel, có nghĩa là: Và tôi chẳng nói gì nữa, nhưng không ân hận / Mong sao cho bữa tiệc đời của bạn chậm tới. Nguyên tác tiếng Ý của Giacomo Leopardi, trong “Buổi thứ bẩy ở trong làng”, đoạn Ca Tụng (Chants)