Ông anh Hiếu Chân
Năm 1986 anh Hiếu Chân (1) ở
phòng 11, tôi ở phòng 10 khu ED Nhà Tù Chí Hoà, hai phòng sát vách
nhau, có mấy lần ra hành lang xách nước tôi trao đổi được với anh
mấy câu. Anh ấy đứng trong phòng tù, tôi ở ngoài
hành lang, cách nhau hàng song sắt. Anh ấy mang theo cái veston, những
tháng cuối năm trời lạnh anh ấy suốt ngày bận veston, và hút thuốc lào.
Một lần anh ấy nói với tôi: “Lúc ra đi tôi dặn vợ con tôi nhớ ngày này
làm giỗ tôi.”
[HHT]
(1) Còn viết dưới tên thật,
ngoài đời, là Nguyễn Hoạt. Bút hiệu HC lần đầu xuất hiện trên nhật báo
Tự
Do, mục Nói hay Đừng.
3.
Một trong số những thú vui của Gấu, những ngày ở Bạch Mai cùng
gia đình ông anh Hiếu Chân, là, vào buổi chiều, ăn cơm xong, ra đứng ở
cửa trước nhà, nhìn xe điện từ trên phố trở về. Trong truyện ngắn đầu
tay, Những Con Dã Tràng, Gấu đã nhắc đến cái vụ việc thằng bé nhà quê
ra Hà Nội học, và bị tiếng leng keng của chiếc xe điện hớp hồn,
nhưng quên nhắc tới cái thú mặc quần xà lỏn, cởi trần, vươn cái bụng no
kềnh
ra phiá tầu điện, để khoe. Đám con trai lớn hơn Gấu,
ở ngay nhà kế bên, bầy trò chơi khiếm nhã, một đứa thủ cái thước
dài, hoặc khúc cây, lăm lăm chờ, khi tầu điện đang chạy qua, thằng bạn
đứng bên đang đăm đăm nhìn mấy cô nữ hành khách trên tầu, bèn tụt ngay
quần xà lỏn
của nó xuống, ngáng cái thước qua háng. Thằng kia, theo phản xạ, bèn
kéo vội
quần lên, nhưng vướng cái thước, thế là cứ nhẩy nhẩy, cả thằng lớn lẫn
thằng nhỏ!
Kỳ cục thật, về già, sắp xuống lỗ, tại sao vẫn còn
nhớ, một kỷ niệm
chẳng đáng nhớ?
Riêng Gấu thì thường chơi cái trò để một viên gạch, hoặc sỏi, nhỏ thôi,
lên đường rầy xe điện, và khi tầu chạy qua, nghiến hòn sỏi, toé ra
những tia lửa. Có lần, để hòn sỏi quá lớn, từ xa, ông tài nhìn thấy,
bèn kéo thắng, bánh xe nghiến trên đường rầy toé lửa, kêu két két. Lần
đó, Gấu bị một trận nên thân, và chừa luôn trò chơi
dại.
Ông HC có một cái thú nhất trên đời, là... phở. Nhưng, như
tất cả những đấng đàn ông của miền đất đó, không hiểu sau này thì thế
nào, nhưng vào thời Gấu còn nhỏ ở Hà Nội, qua quan sát ông HC mà suy
rộng ra, thì, bất cứ ông chồng nào, cuối
tháng lãnh lương, là phải về ngay nhà, đưa hết cho vợ. Bà vợ, sau khi
đếm kỹ, thấy không thiếu một xu, bèn cho lại ông chồng, một tô phở, ấy
là nói về ông HC. Ông khác, có thể chầu cà phê, gói thuốc lá. Còn cái
chầu đi xóm, chẳng bao giờ, chắc chắn vậy.
Một tô phở, cả một tháng, làm sao ông anh HC lại có thể chịu đựng được?
Một trong những cách mà ông HC nghĩ ra, là, khi nào thèm phở quá, bèn
ngang nhiên tiến vào tiệm phở, gọi một tô, ấy xin lỗi, một bát! Làm sao
bồi không bán, khi thấy
một ông ăn bận đàng hoàng như vậy?
Ăn xong, ông từ tốn đến bên ông, hoặc bà, hoặc cô chủ quán, tay móc
bóp, miệng
nói, xin lỗi ông hay bà, tôi thèm phở quá, mà lại quên đem theo
tiền, xin gửi cái căn cước, lát nữa thằng em mang tiền lên xin lại....
Gấu thường làm cái công việc đem tiền đi, để chuộc căn cước về.
Hoặc đêm đêm, vào lúc thiu thiu, nhớ phở quá, đúng lúc đó, hàng phở
gánh
từ phía đầu phố lên
tiếng, thế là ông HC nhỏm dậy liền, ra lệnh cho thằng em, mày mang cái
bát ra... Bà chị Gấu, còn có mấy đứa em ở
trọ,
đành bấm bụng trả tiền.
Trong số những bà con ở trọ, có, trước tiên, là N. Gấu phải gọi là dì,
dì N.; cậu H. em dì N. Cùng cha, khác mẹ. Rồi tới Gấu. Sau có chú
Quyến, lúc đó đã khá lớn, người Phú Hữu, cũng xuống Hà Nội trọ học, và
ở nhà ông HC.
Cái dì N. đó, tuy Gấu phải gọi là dì, nhưng lại là em gái, của chị
Giậu, vợ ông HC. Bà này, là cả một câu chuyện. Cả một thiên tiểu
thuyết. Không phải của Gấu. Không phải Gấu là tác giả. Cuốn tiểu
thuyết, hồi đó đăng phơi-ơ- tông trên tờ nhật báo Tự Do, có một cái tên
thật là lãng mạn, thật là ướt át.
Mắt Em Ở Bốn Phương Trời.
Như Gấu đã có lần thưa gửi, làng của Gấu, là làng Thanh Trì. Làng của
bà trẻ Gấu, người sau này nuôi Gấu ăn học đến thành [đậu tú] tài, ở Sài
Gòn, là làng Phú Hữu, ở chân núi Bà Vì, hay Tản Viên [tanvien.net là từ
đó mà ra]. Còn cái làng quê mẹ Gấu, là làng
Vân, hay Vân Xa, nổi tiếng với nghề dệt lụa, và nổi tiếng với một thứ
lụa có tên là lụa làng Vân.
Làng Thanh Trì nổi tiếng về nghèo, do đất học. Cái chuyện ông cụ Gấu
lấy gái làng Vân, theo như
Gấu hiểu được, là do bà nội Gấu có tính toán từ trước!
Về già, nghĩ lại, quả là may mắn cho Gấu vô cùng. Giả sử không tính
toán, không thể nào có chuyện Gấu được ăn học, đến thành [đậu tú] tài.
Ba làng trên thường trao đổi trai gái, thành thử, chức tước, bà
con họ hàng, giữa ba bên thật là không biết đường nào mà lần. Cô ĐV,
con gái ông bà HC đó phải gọi cậu H là cậu, phải gọi Gấu, cũng là cậu,
vì là em mẹ. Nhưng Gấu gọi chị Giậu, là chị, trong khi người mà Gấu
phải gọi là cậu, cậu H đó, cũng gọi bà vợ ông HC, là, chị Hoạt, hay chị
Giậu. Ấy là do gọi theo đằng bố, hay gọi theo đằng mẹ. Giả như chị Giậu
về làm dâu ông Bá Quán, tức ông ngoại của Gấu, thì Gấu lại phải gọi
bằng... mợ. Mợ Cự.
Sự thực chị Giậu đã từng về nhà ông ngoại Gấu, như là vợ cậu Cự, nhưng
sau đó, bỏ về nhà bố mẹ. Gấu không hiểu, hai người đã từng thành vợ
thành chồng chưa, và sau này, cũng chẳng dám hỏi.
Duyên do, chị Giậu bỏ về nhà bố mẹ, là do Bà Ba.
Khi Bà Hai mất, do chị Giậu nổi tiếng đảm đang, ông ngoại Gấu bèn cưới
vội về lo coi nhà, trông người làm, trong khi chờ đón Bà Ba về. Bà này
quê làng Vũ, mãi tít trên Phú Thọ. Khi về, thấy chị Giậu trông nom nhà
cửa giỏi giang quá, bèn sợ quá, bèn vu cho chị Giậu ăn cắp tiền. Bà chị
cáu quá, bèn bỏ về. (1) Ông ngoại cho đón trở lại, bà lắc đầu, ra điều
kiện, phải làm lại đám cưới, và phải bắt Bà Ba xin lỗi.
Sau đó, chị đi buôn đường Hà Nội, rồi qua Bà Tham Dương mai mối, về làm
dâu làng Bưởi.
Ông Cự này, như tôi biết, vẫn không quên chị Giậu. Và đã có lần hỏi
thăm, chia buồn, khi nghe tin từ miền nam đưa ra [ai đưa ra, làm sao
tới ông Cự, cho đến nay Gấu vẫn không làm sao hiểu nổi]. Vụ việc này có
liên can tới ông Hiếu Chân, và, tới Gấu.
Ông HC, thời gian ở Bạch Mai, làm Nha Thông Tin, cơ quan nằm ngay ở Bờ
Hồ. Khi xẩy ra vụ di cư, ông bỏ nha Thông Tin, qua làm sĩ quan đồng hoá
[cứ thế gắn lon, chẳng học tập quân sự gì hết, giống như chuyển ngành,
đang từ dân sự qua nhà binh], phụ trách việc đưa người di cư vào Nam.
Thời gian 300 ngày Hải Phòng chưa lọt vào tay VC, ông và những bạn bè
lo việc đưa người xuống tầu há mồm, ra Đệ Thất Hạm Đội, ở bên ngoài
Vịnh Hạ Long. Đầy một tầu, là đi. Chị Giậu đưa bà chị chồng, hai đứa
con vô Sài Gòn trước, lúc đầu thuê, sau mua nhà ở ngay Chợ Vườn Chuối,
và mở sạp bún chả ở chợ này, cho tới ngày mua nhà Xóm Vẹc, tức khu Cổng
Xe Lửa Số Sáu, và chuyển sạp bún chả từ chợ Vườn Chuối lên chợ Trương
Minh Giảng.
Cái tin chị Giậu mất, là do Gấu đánh đi, từ Bưu Điện Sài Gòn, ra cho
ông Hiếu Chân, ở Hải Phòng.
Điện tín như thế này, Gấu vẫn còn nhớ như in. Vì đây là một tác phẩm
rất ư là ly kỳ của Gấu.
"Chị mất. Trả lời ngay. NQT".
Ông HC đọc, biết ngay là điện dởm. Nhưng vẫn phải vội vàng vô Sài Gòn.
Bạn đọc Tin Văn thân mến,
Làm sao bạn đoán ra, như ông HC đoán ra, đây là một điện tín dởm?
Cái vụ đánh một bức điện tín dởm như thế đó, là cả một kỳ công, một lao
tâm khổ tứ của Gấu. Và cũng còn là nhờ Gấu ngày nhỏ mê đọc truyện trinh
thám. Nói rõ hơn, nhờ ông Phạm Cao Củng, nhờ thám tử Kỳ Phát của
ông. Nhờ Lê Phong Phóng Viên, Bên Đường Thiên Lôi, Vàng và Máu...
của Thế Lữ nữa.....
[còn tiếp]
NQT
(1)
Bèn... giao hoan!
"Khi về, thấy chị Giậu trông nom nhà
cửa giỏi giang quá, bèn sợ quá, bèn vu cho chị Giậu ăn cắp tiền. Bà chị
cáu quá, bèn bỏ về."
Chữ "bèn" này, không phải của ký giả Hiếu Chân, mà là của Nguyễn Hoạt,
dịch giả, chuyên dịch Liêu Trai Chí Dị. Mỗi lần gặp hồ ly, sau khi "sờ"
không thấy cái đuôi, là chàng "bèn" giao hoan.
Có một truyền thuyết, một lời nguyền, được truyền tụng trong giới giang
hồ, ai dịch Liêu Trai, là bèn chết hoặc bất đắc kỳ tử, hoặc trong những
hoàn cảnh khốn khổ khốn
nạn. Thí dụ như Đào Trinh Nhất.
Nếu đúng như vậy, thì cái chuyện "bèn" lấy ngày đi làm ngày giỗ của gia
đình ông Hiếu Chân, không phải do lỗi của VC.
Bèn đi một đường xin lỗi ở đây!