Ông anh Hiếu Chân
Năm 1986 anh Hiếu Chân (1) ở
phòng 11, tôi ở phòng 10 khu ED Nhà Tù Chí Hoà, hai phòng sát vách
nhau, có mấy lần ra hành lang xách nước tôi trao đổi được với anh
mấy câu. Anh ấy đứng trong phòng tù, tôi ở ngoài
hành lang, cách nhau hàng song sắt. Anh ấy mang theo cái veston, những
tháng cuối năm trời lạnh anh ấy suốt ngày bận veston, và hút thuốc lào.
Một lần anh ấy nói với tôi: “Lúc ra đi tôi dặn vợ con tôi nhớ ngày này
làm giỗ tôi.”
[HHT]
(1) Còn viết dưới tên thật,
ngoài đời, là Nguyễn Hoạt. Bút hiệu HC lần đầu xuất hiện trên nhật báo
Tự
Do, mục Nói hay Đừng.
Gấu về Hà Nội học, thoạt đầu ở nhà
ông anh rể Hiếu Chân. Ông lấy bà chị họ, chị Giậu, con bác Cả Hoán.
Bà chị lúc đó cũng đã có hai người, cũng bà con, ở trọ học. Hai chị em.
Bà chị, là cô N. Ông em, cùng cha khác mẹ, là cậu H.
Có lẽ vì thấy có hai người trọ học, nên bà cụ Gấu mới nói với chị Giậu
cho ké thêm "thằng mắt lác nhà này".
Gấu về Hà Nội sau khi cuộc thi vào lớp Đệ Thất trường công đã xong,
đành học trường tư. Trường Nguyễn Huệ, ở bờ sông, của các thầy Bùi Hữu
Sủng, Bùi Hữu Đột, hai anh em. 1954 trường di cư vào nam.
Hết năm Đệ Thất, biết không thể kéo dài cái chuyện đóng học phí, Gấu
bèn nạp đơn thi vô Đệ Thất trường Nguyễn Trãi. Đậu danh sách dự khuyết,
nhưng sau đó cũng được nhà trường cho nhập học. Thế là đỡ khoản học
phí. Tiền trọ học, may làm sao, cũng hết phải trả, là bởi vì bà cô, Cô
Dung, khi đó thấy thằng cháu thi đậu, thương tài, thương hại, bèn kêu
về ở với cô. Thế là Gấu khoẻ re. Bèn từ biệt ông anh Hiếu Chân, bà chị
Giậu, từ biệt Bạch Mai, lên số 60 đường Nguyễn Du, một cái villa to tổ
bố ngay bên hồ Halais, hay Thuyền Cuông, hay Thuyền Quang.
Truyện ngắn đầu tay của Gấu,
Những Con Dã Tràng, tuy khung cảnh
Nha Trang, nhưng có rất nhiều kỷ niệm Hà Nội, những ngày ở Bạch Mai,
với
ông anh HC, bà chị Hoạt, hay chị Giậu.
Thí dụ như đoạn này:
... Q
đi lễ, và hỏi tôi có thể đi cùng, tôi lắc đầu, gọi mua một
gói lạc rang. Người đàn ông làm tôi nhớ tới người Tầu già bán lạc rang
ở bờ hồ
Hà Nội. Tôi có nhiều kỷ niệm về thành phố nhỏ bé và cũ kỹ đó. Nhà tôi ở
Bạch
Mai, gần ngay bên đường xe điện. Tôi thường tinh nghịch để những viên
sỏi nhỏ
lên trên đường sắt, rồi hồi hộp chờ chuyến xe chạy qua. Suốt thời thơ
ấu, tôi
bị chiếc xe điện mê hoặc. Một lần trốn vé xe, tôi cùng một thằng bé
đánh giầy
ngồi ở cuối tầu, nơi dùng để nối hai toa xe lại với nhau. Thằng bé đánh
giầy
nói, nó thường ngồi như vậy, ngay cả khi có tiền mua vé. Hôm đó trời
lạnh, tôi
đội một chiếc béret dạ đen, một tay nắm vào thanh sắt, một tay cầm cặp
sách vở.
Thằng bé đánh giầy đầu tóc bù xù, tay cầm hộp đồ nghề, tay cầm khúc
bánh mì
nhai ngồm ngoàm. Những người đi đường nhìn chúng tôi với vẻ buồn cười,
ngạc
nhiên. Lúc đầu tôi rất sợ, nhưng dần dần cảm thấy thích thú. Bỗng
nhiên, không
hiểu sao, tôi nhớ lại được một đoạn nhạc tôi đã quên từ lâu, và tôi hát
nho
nhỏ, đầu lắc lư theo điệu nhạc. Thằng bé đánh giầy nhìn tôi cười ngặt
nghẽo.
Tôi tức giận, hát thật lớn, vừa hát vừa đập vào thành xe ầm ầm. Bỗng
tôi cảm
thấy đầu lành lạnh. Tôi ngửng lên, và thấy người soát vé đang giận dữ
nhìn tôi,
tay cầm chiếc mũ dạ. Thằng bé đánh giầy vẫn tiếp tục cười, tôi ngưng
hát, và
ngưng đập vào thành xe. Cuối cùng không biết nghĩ sao, người soát vé
vứt chiếc
dạ xuống đường. Xe lúc đó đang chạy nhanh. Tôi cúi nhìn xuống con đường
nhựa
chạy vùn vụt, tôi sợ hãi không dám nhảy xuống. Tôi chợt nghĩ tới đến
cha tôi.
Tôi nhìn thằng bé đánh giầy ra vẻ cầu cứu. Nó nhẩy xuống, nhặt chiếc mũ
dạ, đội
lên đầu, rồi nhìn tôi nhe răng cười, tỏ vẻ chế nhạo. Sau đó, tôi thỉnh
thoảng
gặp thằng bé đánh giầy quanh quẩn tại khu tôi ở, đầu đội chiếc mũ dạ
của tôi.
Mỗi lần thoáng thấy nó, là tôi vội vã lẩn tránh, chỉ sợ nó nhận ra tôi.
*
Năm học Đệ Thất trường Nguyễn Huệ nơi bờ sông Hồng cũng có rất nhiều kỷ
niệm. Một kỷ niệm có liên quan tới.... Sài Gòn. Và có thể, nó là một
trong những lý do ngầm xúi Gấu "đi là chọn tự do".
Số là năm đó, kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, Gấu đứng thứ 22, hay 23 gì
đó. Nghĩa là trung bình trong lớp. Cái tay đứng thứ nhất, là bạn thân
của Gấu. Hai thằng học cũng xêm xêm, ấy là theo nhận xét của anh em
trong lớp. Nhưng tay kia học chăm chỉ lắm. Gấu chịu thua. Thế
rồi, tới kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt, không biết do ai khởi xướng, tất
cả lớp ùa nhau thách Gấu, mày thông minh, học giỏi, đâu kém gì thằng K.
Kỳ này, mày làm sao đoạt chức số một cho chúng tao!
Gấu gật đầu, chấp nhận cuộc thách đố!
Gấu còn nhớ mãi cho tới bi giờ. Kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt năm đó, hai
đứa kèn cựa từng bài một. Sau khi thi xong các môn, còn môn địa lý là
chưa có kết quả, cộng các môn đã có kết quả, Gấu thua anh bạn số 1
trong lớp đúng... nửa điểm.
Khi trả bài địa lý, Gấu hơn anh bạn 1 điểm. Thế là thắng... nửa điểm.
Bài thi địa lý năm đó, cả hai đứa đều không sử dụng bài học, mà học
thuộc lòng bài in trong sách của ông thầy, và cũng là tác giả cuốn
sách. Đem so với sách, hai bài y chang, vậy mà bài của Gấu hơn một
điểm.
Thầy giải thích: Hai thằng này đều thuộc lòng bài học trong sách in của
tao, chép ra y như nhau, bài của thằng Trụ, nếu để ý, không sai bài
trong sách, từ một cái dấu phẩy, hay một cái dấu chấm!
Coi lại. Quả đúng như thế thật!
Cuộc tranh tài năm đó chấn động cả trường. Tất cả các thầy giáo đều
phải nhắc tới. Nhưng tranh cãi xẩy ra sau đó, khi quyết định, ai trong
hai đứa được lãnh phần thưởng danh dự?
Được phần thưởng danh dự, là được ra Nhà Hát Lớn Hà Nội lãnh, chung với
những học trò ưu tú nhất của cả thành phố.
Phe của Gấu lập luận, một thằng thứ 22 nhẩy lên đoạt chức thứ nhất, cái
đó mới hiển hách, mới đáng phần thưởng danh dự!
Sau cùng mấy thầy quyết định, cho thằng Trụ phần thưởng thứ nhất, lãnh
tại trường. Nếu cho nó phần thưởng danh dự, chẳng hóa ra xúi học trò
lười học!
Cái thằng lần thứ nhất thứ nhất, lần thứ nhì thứ nhì mới đáng khen ngợi!
Bài học từ lần tranh đua đó, Gấu không học được. Chứng cớ là, nhiều lần
sau đó, Gấu vấp, y chang như lần đầu.
Mới đây thôi, một độc giả còn mắng vốn:
Nè ông Gấu, ông tưởng ông là ai
mà viết văn phách lối, như bố... con chó xồm!
Cái tay K. bạn Gấu đó, năm 1954, khi xẩy ra vụ di cư, anh theo gia đình
vào Nam, và sau đó trở lại đất Bắc.
Anh kể cho Gấu nghe về đường phố Sài Gòn, nườm nượp xe cộ...
Gấu như mơ hồ, thấy đã có mình ở trong đám người đám xe nườm nượp đó...
Gấu như mơ hồ thấy, mình đã là người Sài Gòn.
[còn tiếp]
NQT