Những con dã tràng
Villa trông ra biển. Tường
phía trước thấp. Gió từ biển tới, vượt khoảng vườn nhỏ, mang những
chiếc lá
vàng trải lên thềm nhà. Con đường nhựa đen đúi, lầm lì chạy mải tới
cuối thành
phố. Bên kia con đường, là bãi biển, cát trắng và nóng. Xa hơn, về phía
trái,
nơi bắt đầu con đường, con sông nhỏ đổ nước ra biển làm đỏ lờ đờ một
vùng. Xa
hơn nữa, cuối tầm nhìn, một ngọn núi nằm trơ trọi, hình dáng nặng nề,
thô kệch.
Buổi tối, những người dân thường đốt rừng làm rẫy, xa trông, như một
con rắn đỏ
lập lòe.
Một chiếc xe ngựa đậu dưới
bóng cây lớn ở trước cổng ra vào.
Hai dẫy nhà nhỏ chạy dài ra
vườn sau. Phòng H. ở cuối một dẫy.
Những cây phi lao đứng im ở
ngoài vườn.
Buổi chiều ngày đầu, Q. nói
với tôi, H. là con gái lớn bà chủ nhà. Chúng tôi đứng ở cuối vườn. Bấy
giờ gió
thổi mạnh, cành lá xào xạc ở phía trên đầu. Đám phi lao ngập ngừng
chuyển mình,
nửa muốn phụ họa gió, nửa muốn kéo dài giấc ngủ im lìm buổi trưa. H.
cùng đứa
em đánh đu ở phía trước. Hàng cây che khuất tầm nhìn của tôi. Mỗi lần
chiếc đu
trở lui về phía sau, thân hình người con gái lại hiện ra giữa hai thân
cây phi
lao, rồi lại mất đi một cách đều đặn. Tiếng cười giòn, nhẹ và ấm vọng
tới chỗ
chúng tôi. Rồi gió thổi mạnh làm át đi tất cả; trong gió có những con
vật bé li
ti, những chiếc lá cây, và những hạt cát. Tôi dựa lưng vào thân cây phi
lao, và
bỗng nhận ra đời sống vô vị, buồn nản của mình, một đời sống không có
gì để
nhớ, hoặc để chờ: tôi chờ những lần chiếc đu trở lui về phía sau và cố
nén cơn
ho thường lệ buổi chiều. Tôi nghĩ tới những lần tự nhiên thức giấc
trong đêm
khuya, mọi người đều yên ngủ, tôi lặng lẽ nghe tôi nặng nề thở và mệt
nhọc
sống. Khi người bác sĩ báo tin tôi mắc bịnh, tôi cảm ơn ông ta, và quay
qua xin
một điếu thuốc lá. Buổi chiều hôm đó, tôi đi coi một phim trinh thám.
Khi nhân
vật trong phim trúng đạn ngã xuống, tôi bỏ ra về. Buổi tối, tôi ngồi
viết thư
cho T. "Em có hiểu thế nào là thần tượng không? Yêu một người con gái,
một
người con gái quen biết từ nhỏ, tình cờ gặp người con gái đó trong tay
một kẻ
khác không phải là mình. Thần tượng bị phá vỡ hoàn toàn và đột nhiên
tôi thấy
lố bịch, lố bịch vô cùng."
Lá thư đầy giả tạo. Ghen
tuông, tôi lựa chọn sự tầm thường, và tự hạ. Nhiều khi tôi tự hỏi tại
sao không
nói tôi bệnh và từ chối tình yêu của nàng. Đúng lúc tựa thân mình vào
cây phi
lao, tôi mường tượng ra, tại sao tôi xử sự như vậy. Một lần tôi vào xóm
chơi
bời, đi theo một đứa con gái vào một căn phòng nhỏ, hôi hám, chật hẹp.
Ngọn đèn
dầu le lói chiếu sáng căn phòng đỏ lờ đờ. Khi tôi quay lại nhìn, cô gái
nằm
trên giường, thản nhiên chờ đợi, chẳng thèm để ý tới tôi. Đúng lúc đó,
tôi chợt
nhớ đến một buổi tối ở nhà T. Lúc đó T. đang ngủ. Nàng ngồi choàng dậy,
thảng
thốt nói: "Không, ai dậy anh làm vậy?" Tôi cười gượng gạo: "Đó
chỉ là khám phá bản thân, khám phá thân thể em và anh." Tôi nói gần như
thét với đứa con gái: "Cởi quần áo ra!" Sự hổ thẹn theo tôi tới tận
lúc đó.
Buổi chiều chúng tôi đi dạo
trên bãi. Biển xanh sẫm, ì ầm, âm thanh dài như không bao giờ dứt. Q.
nói,
"Bà chủ có vẻ mến cậu." Tôi nói, "Như vậy tôi có thể ở đây
lâu." Tôi không nói gì. Cả hai đều yên lặng. Tôi nghĩ đến sáng nay, tôi
thức giấc vào khoảng bốn giờ, tôi nghe tiếng chuông nhà thờ và tự hỏi,
nếu tôi
đang quì cầu nguyện. Tôi nghĩ đến K. Nó yêu một người con gái, ít lâu
sau cô
gái bỏ đi lấy chồng. Trước đó, cả hai thường rủ nhau đi nhà thờ cầu
nguyện. Tôi
nghĩ nếu Thượng Đế phải dậy sớn vì những chuyện như vậy, Pauvre Dieu,
và tôi
mỉm cười. Sự thực, tôi ít nghĩ đến chuyện đó. K bảo tôi, "Như vậy người
ta
mù tịt về thân phận mình." Tôi trả lời, "Chính vì mù tịt mà người ta
hạnh phúc, ít ra là trong quãng đời ngắn ngủi đó." T nói thêm, "Nhưng
còn sự chết..."
Sự chết, tôi vẫn thường nghĩ
đến. Hồi nhỏ, khi còn ở Hà Nội, một lần đứa cháu gái tôi bị bệnh nặng.
Nó bắt
tôi phải ngồi bên cạnh nó, phải kể chuyện cho nó nghe, nghe nó đòi mua
quà này,
quà nọ. Còn nhỏ, ham chơi, tôi chờ nó mệt, ngủ thiếp, và bỏ đi chơi đứa
bạn ở
gần nhà. Hai đứa rủ nhau lên Bách Thảo, lang thang trong vườn. Đang đi,
tôi đột
nhiên nghĩ đến đứa cháu, và đột nhiên nhận ra rằng, nó đang chết, và
đang gọi
tên tôi. Tôi chạy về, bất kể xe cộ, mất hết cảm giác và ý thức. Về đến
gần nhà,
nghe tiếng chị tôi khóc lóc, kể lể, tôi lủi thủi bỏ đi. Tôi cứ nghĩ,
chắc là
đứa cháu khổ sở lắm, khi không có tôi ở bên cạnh, vào lúc nó bị giằng
co giữa
sống và chết... Chắc cha tôi cũng đã trải qua những giờ phút tương tự
như vậy.
Khi còn sống, ông làm nghề dậy học, và bị thủ tiêu vì vấn đề chính trị
đảng
phái hồi 1945. Người ta nói, cha tôi bị cột đá vào người, và bỏ xuống
sông.
Những ngày sau khi nghe chuyện, mỗi lần đi tắm sông, tôi thường lặn sâu
xuống
nước, rồi cố gắng nín thở, cố gắng chịu đựng, và nghĩ đến cha tôi.
Q đi lễ, và hỏi tôi có thể đi
cùng, tôi lắc đầu, gọi mua một gói lạc rang. Người đàn ông làm tôi nhớ
tới
người Tầu già bán lạc rang ở bờ hồ Hà Nội. Tôi có nhiều kỷ niệm về
thành phố
nhỏ bé và cũ kỹ đó. Nhà tôi ở Bạch Mai, gần ngay bên đường xe điện. Tôi
thường
tinh nghịch để những viên sỏi nhỏ lên trên đường sắt, rồi hồi hộp chờ
chuyến xe
chạy qua. Suốt thời thơ ấu, tôi bị chiếc xe điện mê hoặc. Một lần trốn
vé xe,
tôi cùng một thằng bé đánh giầy ngồi ở cuối tầu, nơi dùng để nối hai
toa xe lại
với nhau. Thằng bé đánh giầy nói, nó thường ngồi như vậy, ngay cả khi
có tiền
mua vé. Hôm đó trời lạnh, tôi đội một chiếc béret dạ đen, một tay nắm
vào thanh
sắt, một tay cầm cặp sách vở. Thằng bé đánh giầy đầu tóc bù xù, tay cầm
hộp đồ
nghề, tay cầm khúc bánh mì nhai ngồm ngoàm. Những người đi đường nhìn
chúng tôi
với vẻ buồn cười, ngạc nhiên. Lúc đầu tôi rất sợ, nhưng dần dần cảm
thấy thích
thú. Bỗng nhiên, không hiểu sao, tôi nhớ lại được một đoạn nhạc tôi đã
quên từ
lâu, và tôi hát nho nhỏ, đầu lắc lư theo điệu nhạc. Thằng bé đánh giầy
nhìn tôi
cười ngặt nghẽo. Tôi tức giận, hát thật lớn, vừa hát vừa đập vào thành
xe ầm
ầm. Bỗng tôi cảm thấy đầu lành lạnh. Tôi ngửng lên, và thấy người soát
vé đang
giận dữ nhìn tôi, tay cầm chiếc mũ dạ. Thằng bé đánh giầy vẫn tiếp tục
cười,
tôi ngưng hát, và ngưng đập vào thành xe. Cuối cùng không biết nghĩ
sao, người
soát vé vứt chiếc dạ xuống đường. Xe lúc đó đang chạy nhanh. Tôi cúi
nhìn xuống
con đường nhựa chạy vùn vụt, tôi sợ hãi không dám nhảy xuống. Tôi chợt
nghĩ tới
đến cha tôi. Tôi nhìn thằng bé đánh giầy ra vẻ cầu cứu. Nó nhẩy xuống,
nhặt
chiếc mũ dạ, đội lên đầu, rồi nhìn tôi nhe răng cười, tỏ vẻ chế nhạo.
Sau đó,
tôi thỉnh thoảng gặp thằng bé đánh giầy quanh quẩn tại khu tôi ở, đầu
đội chiếc
mũ dạ của tôi. Mỗi lần thoáng thấy nó, là tôi vội vã lẩn tránh, chỉ sợ
nó nhận
ra tôi.
Bãi biển vắng. Trước mặt tôi,
mấy đứa con trai đang chuyền banh. Bất chợt trái banh rớt gần chân tôi.
Tôi đá
trở lại, và cười gượng gạo cùng lũ trẻ. Tôi nín cười và bỏ đi. Nhiều
tiếng cười
đuổi theo sau lưng. Một người ăn mày ngồi trên bãi cát, chìa tay chờ
đợi. Tôi
cho tay vào túi quần. Những đồng tiền lẻ kêu nhè nhẹ trong túi. Tôi để
yên tay
trong túi quần, và bỏ đi. Một người Tây già nằm trên chiếc ghế vải. Tôi
định
tới gần châm điếu thuốc, nhưng ngần ngại. Điếu thuốc trên tay người Tây già chậm chạp vẽ những đường cong đều đặn,
tay còn
lại bỏ thõng xuống cát, buổi chiều sắp tàn, tất cả những cái đó gọi là
sự ngần
ngại của tôi. Những con dã tràng lăng quăng bò trên cát. Tôi đi theo
một con.
Khi con vật chui xuống một lỗ nhỏ, tôi dừng lại chờ. Tôi không hiểu tôi
chờ gì.
Tôi chờ con vật chui ra khỏi lỗ cát, hay chờ một gì đó sẽ xẩy ra. Tôi
bỏ đi,
chẳng còn gì nữa, buổi chiều hết rồi.
Về tới cổng, tôi gặp bà chủ
nhà cùng cô con gái lớn. Bà mẹ tỏ vẻ hy vọng, tôi sẽ thích nơi này. Bà
kể
chuyện, có một đứa con trai trai chết vì bịnh lao phổi cách đây ít lâu
(nó
khoảng tuổi cậu, rất ham học, thật tội nghiệp). Người con gái lớn đứng
im lặng,
nhìn ra biển. Tôi bỗng nói, tôi không thể làm sống lại người đã chết,
tóc xõa
che lấp cả khuôn mặt, và hơn nữa, tôi không muốn ngồi vào chỗ của người
khác,
cúi xuống nhặt một viên sỏi, ném ra xa, cử chỉ lạnh lùng, người đàn bà
(bà mẹ)
ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi nói thêm, tôi không thể xin lỗi bà ta, và thất
thểu
trở về phòng.
1958
Sơ Dạ Hương