Nơi giòng sông chảy về phía nam
Tôi sinh ra đã mang khuyết tật: mồ côi.
Khi bắt đầu có trí nhớ, tôi nhớ là
mình cứ bị đưa từ nội về
ngoại, rồi ngoại về nội nhiều lần, để rồi một bữa, ngoại qua nội, ôm
tôi khóc
miết: "Thôi từ bữa nay con ở luôn đây bên này với nội nhe. Ngoại phải
tản
cư, nhà cửa cháy rụi hết rồi, ngoại đâu có nuôi con nổi nữa, cực khổ
quá, tội
cho con."
Tôi cũng khóc theo ngoại:
"Còn dì bảy ở với ai, có còn ở với
ngoại không?"
"Không, con bảy cũng qua Vĩnh Long ở."
Tôi không thích ở với nội. Ở nhà ngoại
tôi có mấy cậu và dì
út.
Dì hơn tôi bốn tuổi, có cái tên rất
ngộ là Nguyễn thị Còn,
cô gái út còn ráng thêm của ngoại.
Tên tôi là cũng do ông ngoại đặt:
Nguyễn thị Uyên. Khi má
tôi chuyển bụng được bà con lối xóm đưa đi sanh, ông ngoại tôi dặn,
sanh con
gái thì đặt tên Uyên, con trai Ương, để dễ nhớ vì ba má nó là uyên ương
gãy
cánh. Còn ông bà nội tôi thì nói tuổi của ba má tôi không hạp, "thiên
cang
sát mạng". Má tôi tuổi dần, ba tôi tuổi hợi, con cọp cái sẽ ăn thịt con
heo,
vợ chồng lấy nhau chưa chắc ở nát chiếc chiếu. Nhưng lúc đó ba tôi quá
si mê má
tôi, lại là đứa con thừa tự duy nhất của giòng họ, nên ông bà nội tôi
phải
chìu.
Ngày cưới, phải rước dâu bằng cửa sau.
Khi đại diện nhà trai
nhà gái lên đèn, thì phải đốt cây đèn của chú rể trước, và cô dâu phải
đi vòng
quanh nhà ba vòng trước khi bước vào nhà chồng, để bỏ cái vía dữ ở bên
ngoài.
Vậy mà tôi mất ba khi còn là bào thai chưa đầy bốn tháng trong bụng mẹ.
Ông bà nội tôi đấm ngực kêu trời, mấy
bà cô, em của ba tôi
không ngớt chửi rủa người chị dâu có mụn ruồi thương phu trích lệ, lại
cầm tinh
dần, đã giết chết người con trai duy nhất trong họ. Ba má tôi quả thật
sống với
nhau chưa rách chiếc chiếu, chưa giáp năm ba tôi đã ra người thiên cổ.
Khi còn
sống ba tôi làm trận làm thượng với gia đình, đòi cho bằng được má tôi,
hứa hẹn
đủ điều là sẽ ở nhà lo cho vợ con, nối nghiệp cha mẹ. Nhưng sau khi lấy
vợ được
đúng hai tháng, máu giang hồ nổi dậy, ba tôi đã lặng lẽ bỏ nhà đi theo
kháng
chiến vô bưng đánh đuổi thực dân cho thỏa mộng ước của mình.
Sau khi ba tôi mất được 49 ngày, má
tôi khăn gói rời khỏi
nhà chồng, về ở với ông ngoại tôi chờ ngày sinh nở.
Tôi lớn lên không thấy má đâu hết mà
chỉ biết có ngoại mấy
cậu và dì út.
Có một lần tôi hỏi:
"Ba má con đâu hả ngoại?"
"Ba con chết rồi, còn má con đi buôn
bán xa lắm chưa
về".
Ngày đám tang ông ngoại, tôi còn nhớ
có một cặp vợ chồng dắt
hai đứa nhỏ, người vợ vô nhà chưa kịp bỏ giỏ đồ xuống đã khóc thảm
thiết, tôi
thấy ông hoà thượng xé thêm bốn chiếc khăn tang cho họ. Cậu ba, cậu tư
gọi
người đàn bà đó là chị hai, còn ngoại bắt tôi gọi là cô hai. Người đàn
bà nắm
tay tôi dắt đến trước mặt chồng, nước mắt vòng quanh:
"Đây là con Uyên, con của cậu ba đó,
còn đây là dượng
hai. Thưa dượng hai đi con".
Người đàn bà đó là má tôi. Từ đó tôi
cam phận một đứa bé
chín, mười tuổi đầu đã mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Trước ngày ngoại dứt khoát giao tôi
cho nội, một buổi trưa
tôi đang nằm thiu thiu ngủ, bỗng nghe có ai nhắc đến tên mình...
"Má à, má ở nhà ráng nuôi con Uyên
nghe má, tội nghiệp
nó mồ côi cha, có mẹ cũng như không. Chị hai, chỉ đâu dám nhìn nó, sợ
bên chồng
hay chỉ đã một đời chồng, nên chị giấu biệt.."
"Con đi đâu vậy Tư, đi lâu mau ? Hồi
nào tới giờ, mày
đi năm ba bữa cũng tạt về thăm nhà, sao lần này mày nói kỳ cục vậy. Bộ
đi xa
lắm sao?".
"Lần này con đi xa lắm má à. Vài ba
năm, không chừng
năm mười năm con mới về. Má đừng quên lời con dặn nghe. Anh ba sắp có
vợ rồi thằng năm, thằng sáu với con út thì còn nhỏ quá chỉ còn có má lo
cho nó
thôi..."
"Chừng nào con đi ?"
"Chắc vài ba bữa nữa".
"Nè tư à, má có chút đỉnh tiền hôm làm
đám cho ba mày
còn dư, cầm theo dọc đường phòng thân...Ờ, còn mấy con khô cá lóc bữa
tát đìa
tao phơi khô để dành, mày gói đem theo..."
Ngoại tôi oà khóc, còn tôi nằm im,
nghe từng giọt nước mắt
lăn trên má...Không cha, không mẹ, mình cậu tư là thương tôi hơn hết,
bây giờ
cậu lại đi xa không biết ngày nào về.
Sau ngày đó một tuần, tôi về ở luôn
với nội. Trong thâm tâm
tôi đã ghi khắc thật sâu đậm những ác cảm về má tôi, cộng thêm những
lời chua
cay độc ác của mấy bà cô nên càng lớn tôi càng sống khép kín trong cái
mặc cảm
ghê gớm về cái thân phận côi cút của mình.
Tôi được ông bà nội thương mến và cho
ăn học đàng hoàng,
nhưng tình thương đó luôn luôn thầm lén và giấu kín, vì sợ tôi bị mấy
bà cô
ganh ghét. Như để bù đắp tình thương yêu đó, tôi học rất giỏi, mười bốn
tuổi đã
đậu trung học đệ nhất cấp. Khi ông nội tôi quyết định cho tôi lên tỉnh
tiếp tục
học thì bị mấy cô tôi phản đối kịch liệt. Có lẽ đến ngày nhắm mắt tôi
cũng
không quên được những lời nói xé lòng của họ.
-Ba má cho nó học như vậy là đủ rồi,
con gái mà học làm chi
nhiều, hứ, giòng nào rồi thì cũng giống nấy, học cho nhiều chử để viết
thư cho
trai chứ làm vương làm tướng gì.
-Thứ đàn bà thúi thây, chồng chết chưa
xanh cỏ đã bỏ con
theo trai.
Ôi những lời nói quá độc ác, lúc đó
tôi đã đủ trí khôn để
nghe, để hiểu, và để cho nỗi đắng cay kia thấm vào da thịt, rồi tuôn
thành nước
mắt.
Tôi càng nhớ thương ngoại và mấy cậu
với dì út. Họ không bao
giờ rầy la tôi một tiếng. Họ muốn cho tôi được ăn sung mặc sướng, được
đến
trường nên mới giao tôi cho bên nội. Họ có biết đâu rằng tôi không cần
những
thứ đó, mà cần tình thương.
Tôi nhớ, một lần chơi trốn kiếm tìm
với dì út, chui vào bồ
lúa trốn kỹ, dì tìm mãi không thấy, tôi cũng thiu thiu rồi ngủ quên
luôn. Mấy
cậu tôi hớt hải đi tìm, dì út bị ngoại đánh đòn, còn cậu tư thì xuống
sông lặn
mò. Tìm không thấy tôi, cậu tư để nguyên bộ đồ ướt ngồi ôm mặt khóc như
một đứa
trẻ. Đến khi ngoại sực nhớ mấy buồng chuối chặt vô chưa kịp giú, vô bồ
lúa
kiếm, gặp tôi nằm ngủ chèo queo như con tôm, muỗi cắn sưng vù hết mặt
mày tay
chưn. Cả nhà mừng rỡ sung sướng, riêng cậu tư tôi chạy vô ôm tôi ra,
miệng hét
um xùm:
-Trời ơi, con ở đây mà cậu tưởng con
té xuống sông chết rồi,
làm dì út bị đòn oan.
Chiến tranh ngày càng khủng khiếp. Quê
ngoại tôi trở thành
vùng xôi đău, ban đêm giải phóng, ban ngày quốc gia. Ngôi nhà thờ tổ
tiên trúng
một quả đạn pháo kích, chỉ còn trơ bốn cây cột. Cậu ba dắt dìu vợ con
tản cư
qua cù lao Tân Phong ở Cái Bè.
Cậu tư sau ngày ra đi không một tin
tức; cậu năm, cậu sáu đi
lính quốc gia, dì út qua Vĩnh Long ở với chị hai, tức má tôi, người mẹ
mà tôi
chỉ nghe nói và được gặp một lần trong ngày đám ma ông ngoại, nhưng tôi
phải
gọi là cô hai.
Chỉ có ngoại là nhất định không chịu
đi, cậu ba phải dựng một
cái chòi sát bên căn nhà đổ nát cho ngoại ở. Gia đình ngoại tôi có sáu
người
con nhưng cuối cùng tan nát, mỗi người mỗi nơi, kẻ theo quốc gia, người
theo
cộng sản... chỉ còn mình ngoại, già nua, cô độc, thui thủi trong căn
nhà đổ
nát.
Năm cuối trung học, tôi nghỉ hè, học
ôn bài để thi tú tài
hai, chợt ngoại lên thăm, lâu lắm rồi tôi không được gặp ngoại. Bữa đó
ngoại
xách một cái bị bàng đựng đủ thứ trái cây, nhưng mỗi thứ chỉ độ vài ba
trái.
Ngoại nói ngoại nhặt nhạnh trong vườn; vườn tược bỏ hoang không ai chăm
sóc nên
cây trái cũng cằn cỗi, như tuổi già của ngoại. Trông ngoại tiều tụy,
tóc bạc
phơ, răng rụng gần hết. Ngoại nói qua hơi thở:
-Thằng tư nó về nhà hồi hôm, nó nói nó
nhớ con quá, không
biết bây giờ con bao lớn rồi, nó kêu ngoại lên biểu con về thăm nó một
lần.
Tôi mừng rỡ kêu lên:
-Cậu tư về thiệt hả ngoại, mà không
biết nội cho con đi
không. Ngoại đừng nói gì cho nội biết nghe, con sẽ về.
Đêm đó tôi ngồi học bài mà tâm trí để
đâu đâu, và trong giấc
mơ chập chờn tôi thấy mình đang bơi trên giòng sông quê ngoại, con sông
Trà Tân
bên lở bên bồi, con sông mà khi tôi còn bé, cậu tư tôi đã dạy tôi tập
bơi bằng
thân cây chuối, còn dì út thì bắt một con chuồn chuồn cho cắn rún để
cho mau
biết bơi.
Sáng sớm hôm sau, tôi nói dối nội, xin
cho đi Mỹ Tho lấy bài
học thi. Lòng thương nhớ người cậu đã xa cách gần mười năm trời đã vượt
tất cả. Tôi phải đi bộ hơn bẩy cây số vì đường xe đò từ Cai Lậy xuống
Hưng Long
thường
hay bị đắp mô.
Đến con đường dẫn về nhà ngoại, tôi
muốn khóc. Con đường mòn
vừa lối trâu đi, hai bên có hai hàng su đũa, ngày xưa tôi vẫn thường
được cậu
tư dẫn đi thả diều, hoặc hai cậu cháu lang thang khi nắng chiều đã
nhạt. Con
đường tiêu điều, hàng chục thứ dây leo chằng chịt, quấn quít trên cành
cây hai
bên đường, tôi chợt thấy trong đám dây leo đó có những sợi mầu vàng.
Đây là
loại dây leo không rễ, bám vào cây nào thì cây đó sẽ khô héo dần rồi
chết.
Người ta gọi nó là dây tơ hồng. Tự nhiên, nó làm tôi nhớ thứ cháo ngày
nhỏ cậu
tư tôi thường bắt ăn. Đó là thứ nước cơm pha đường, loại đường tán,
nhão nhoẹt,
đen thui mà mợ ba nấu từ những cây mía trồng sau vườn. Và tôi nhớ,
những lần
không chịu ăn, cậu tư dọa, sẽ cho dây tơ hồng quấn chân, thế là tôi
nhắm mắt,
nhắm mũi cố nuốt.
Đó là món ăn hàng ngày thay cho sữa mẹ
của tôi.
Tôi thẫn thờ bước vào nhà ngoại, lặng
ngắt đến rợn người.
Bước ra sau vườn, mấy gốc dừa đã lão gần hết, ngọn còn cao vút trơ
trọi, ngọn
bị bom chặt gãy vắt lên gốc. Liếp sầu riêng của ngoại cũng chết gần hết
sau
trận lụt năm ngoái. Chỉ còn mấy cây ổi sống dai, xanh um, trái chín
vàng ối
rụng đầy trên cỏ. Thân ổi già, mốc. Ngày xưa tôi và dì út thay phiên
nhau hành
nó, không ngày nào mà hai dì cháu không trèo cây, hay lấy gậy chọc
trái. Bây
giờ, trái chín đầy cành, rơi đầy gốc... Tôi chợt nghe tiếng chim, lạc
lõng, hốt
hoảng, không còn những âm thanh ríu rít như ngày xưa, hay là nó cũng
như tôi,
đang lần mò trở về gặp lại vườn cũ. Tôi ngồi phịch xuống cỏ, như thấm
mệt, cho
tới khi nghe tiếng ngoại đánh thức...
Cậu tư tôi bằng xương, bằng thịt. Cậu
ngồi trên đống rơm,
mặc bộ bà ba đen, vai vắt chiếc khăn rằn, mặt sạm đen, già hơn ngày xưa
nhiều.
Nhưng ánh mắt thì vẫn rạng rỡ, vẫn đầm ấm và tràn đầy yêu thương dành
cho đứa
cháu côi cút của cậu.
Đó là lần gặp sau cùng với tuổi thơ,
và những người thân yêu
gìn giữ miền thơ ấu của tôi: Hưng Long, Cai Lậy.
Ngày Uyên lấy chồng, chỉ có ngoại và
mợ ba tới chia tay, và
chúc Uyên hạnh phúc. Dì út không về được, và người đàn bà ghi là mẹ
trong khai
sinh của Uyên cũng không có mặt. Đôi lần nhớ lại, Uyên cũng không biết
lúc đó
mình vui hay là buồn. Nhưng có điều, Uyên biết mình sẽ không bao giờ
muốn trở
lại cái quận lỵ nhỏ bé thân yêu đó nữa, không bao giờ muốn trở về ngôi
nhà từ
đường, nơi mà Uyên đã sống và lớn lên trong tình thương yêu của nội.
Uyên muốn
mọi người ở đó quên hẳn con bé mồ côi tội nghiệp, cũng như Uyên theo
dòng đời
cuốn hút, sẽ quên hết cái tuổi thơ đầy buồn tủi của mình và quên luôn
những lời
mỉa mai của đám dân quê đầy thành kiến... "Con nhỏ ngộ quá chứ, học
giỏi
nữa mà thôi, mua heo chọn nái, cưới gái chọn giòng... chỉ sợ..."
Uyên đã thực sự rời bỏ dòng sông để ra
biển cả, không hề
hiểu được một điều: biển cả, bởi vì mênh mông, cho nên thật khó mà nhận
ra con
đường ngày ra đi, hay tìm thấy được, con đường trở về...
Tháng 7 năm l995
Thảo Trần