Lan Hương
Chỉ ở những năm trung học, người ta
mới cảm thấy mình là học
sinh thực thụ: những buổi học theo thời khóa biểu nhất định, và thời
khắc biểu
rõ ràng; buổi sáng thức dậy sớm, có khi trước cả tiếng chuông đồng hồ
báo thức,
có khi trước cả người đàn bà giúp việc vặt trong nhà; đánh răng, rửa
mặt, trở
lên phòng thay quần áo, chải tóc, sắp xếp sách vở trên mặt bàn, lựa
những cuốn
cần thiết cho buổi học, đến bên giường ngủ của Bé đắp lại chiếc chăn
cho ngay
ngắn, rồi khép cửa buồng, xuống nhà, giả vờ như vội vã nên quên ăn
sáng, vì
biết rằng lát nữa sẽ cùng người yêu bước vào phía sâu trong một quán cà
phê nhỏ
bé trên đường từ nhà đến trường.
Chàng sẽ gọi hai tô mì nhỏ và hai ly
cà phê sữa, ly ít cà
phê dành cho tôi; cả hai ngồi yên lặng, chăm chú nghe những người ngồi
bàn bên
cạnh – những người phu quét đường, những công nhân một tư sở phía bên
kia
đường, một hai công tư chức... – trò chuyện. Những câu chuyện của họ
thật bình
thường, giản dị cũng như những cử chỉ của họ, khi châm điếu thuốc, khi
đổ cà
phê từ chiếc ly ra lòng đĩa; câu chuyện cùng tiếng nói giống như những
giọt cà
phê đổ ra, vừa đủ, không dư, không thiếu, khi chăm chú nghe, câu chuyện
vừa bắt
đầu, khi không muốn chú ý đến nữa, câu chuyện chấm dứt; giống như những
làn
khói thuốc lởn vởn chập chờn trước mắt, lúc hết tò mò, tất cả đột nhiên
tan
biến vào không khí buổi sáng mát lạnh.
Khi đến nơi hò hẹn thường lệ, thấy
chàng say mê nhìn một bà
cụ già đang lúi húi bầy hàng bên lề đường, dưới mái hiên căn nhà bên
cạnh tiệm
cà phê bình dân. Những gói thuốc lá từ từ choán đầy khung kính, những
gói kẹo
buộc thành túm treo lòng thòng trên sợi dây, một cây nhang dài cắm bên
thùng
kính, buổi trưa đi học về thấy còn khoảng một nửa, một cái mẹt trên lăn
lóc vài
trái ổi, cóc, mận... Chàng đang làm quen buổi sáng sớm vừa bắt đầu cùng
với
tiếng chén đĩa trong quán cà phê vọng ra, tiếng người nói lao xao, vài
tiếng ho
thúng thắng.... Chàng ngẩng đầu lên nhìn tôi vẫn còn đứng bên này
đường, và tôi
biết chàng sẽ mỉm cười, một phần nụ cười dành cho tôi, phần còn lại là
của buổi
sáng sớm.
Tôi nhìn thấy nụ cười của chàng từ khi
còn ở nhà, còn ở
trong phòng riêng, nụ cười như quanh quẩn đâu đó, như ở phía tủ, ở phía
bàn
học, ở sau, ở dưới, hoặc ở trong chồng sách vở trên bàn học, nơi tôi
cất giấu
những bức thư chàng viết cho tôi, những lần tình cờ cha tôi bước vô
phòng, tôi
vẫn bị luống cuống, mỗi lần tự dưng nhớ tới những dòng chữ đã làm tôi
xúc động,
sau cơn xúc động, tôi vẫn thường tự nhủ nên đốt bỏ....
Tôi sẽ kể cho chàng nghe những chuyện
vụn vặt chẳng dính
dáng gì đến tình yêu, chẳng hạn như chủ nhật vừa qua Thu đến nhà chơi,
hai đứa
bầy trò cầu cơ, tôi mời được một hồn ma nhiều lời, hồn nói, tám năm nữa
tôi sẽ
lấy chồng.
("Tám năm nữa, có phải một lần anh
viết, anh sẽ đợi
Hương, anh đợi tình yêu của anh, và anh có cả một đời để chờ đợi...")
Chuyện về Bé, chắc anh đã đoán trước
được rồi, hay hờn dỗi,
ích kỷ, và bướng, giận Hương từ hôm qua chỉ vì Hương đi Bình Dương thăm
vườn
bưởi bắt đầu chín của ba má Thu mà không cho Bé cùng đi.
("Có thể một hôm nào giận Hương quá,
nó sẽ nói, và mọi
người sẽ biết, nhưng cũng chẳng sao... Hình như có một lần anh nói, "Le
Mal n’est jamais dans l’amour," câu nói của ông mục sư với cô bé mù
trong
Symphonie pastorale, Le Mal n’est jamais dans l’amour, nhiều lúc Hương
cũng
muốn tin như vậy...).
Chiếc đồng hồ ở nhà nhanh hơn đồng hồ
ở trường năm phút từ
hôm qua nên sáng nay chúng ta có thể ngồi ở đây lâu hơn thường lệ được
những ba
trăm giây đồng hồ, anh thử tính coi trong đời có bao nhiêu lần ba trăm
giây
đồng hồ như vậy.
Nếu nhớ ra, tôi sẽ bảo chàng, trong
cặp tôi có mấy trái mận
Vi vừa mang từ Đà Lạt về, chàng vừa ăn vừa hút hết điếu thuốc, khói
thuốc đột
nhiên làm mắt tôi cay sè, chàng hơi nhăn mặt vì vị chua của trái cây.
Những
người ngồi trước mặt chúng tôi sẽ tảng lờ như không thấy chàng rút khăn
lau mặt
giùm cho tôi, như không thấy hai bàn tay đó đan vào nhau, người đàn ông
đứng
tuổi ngồi gần chàng mỉm cười kín đáo khi chàng đưa tay vén giùm tôi hai
ba sợi
tóc lòa xòa trên má, tôi cảm thấy bình yên, dễ chịu, tuy hơi lúng túng
khi ngồi
ở đây, giữa những làn khói thuốc, những câu chuyện trời mưa trời nắng,
thời sự
quốc tế quốc nội, những nỗi cực nhọc người đàn ông chủ gia đình phải
gánh chịu
mỗi ngày khi kiếm miếng ăn, chuyện những đứa trẻ nghịch ngợm, lười
biếng chăm
chỉ, hoặc đau ốm, bệnh tật, tôi bảo chàng hôm nay thứ hai, phải chào cờ
trước
khi vô lớp, đừng ngồi đây quá lâu rồi tôi đến lớp trễ giờ chào cờ, lại
bị phạt
như thứ hai tuần trước... Khi đứng dậy sửa soạn đi ra, đột nhiên chàng
nói,
"Tay em đến bây giờ vẫn còn lạnh". Lạnh, lạnh,
chợt tôi rùng mình, có phải chàng định nói... Chàng nói đùa như để tôi
quên,
khỏi nghĩ ngợi, "Cô giáo chắc sẽ bắt em chép phạt một ngàn lần câu:
"Em yêu anh, và cố gắng đi học đúng giờ". Đối với chàng, tôi vẫn chỉ
là một cô bé con, chàng vẫn muốn sự vật đừng thay đổi, đời sống đừng
thay đổi,
chàng muốn tất cả vẫn như xưa, như cũ... "Em biết không, Ngọc chỉ chê
anh
một điều là anh hay cười." Ngọc là em trai một người bạn gái của tôi.
Ngọc
khoảng tuổi tôi, nghĩa là kém chàng khoảng chín, mười tuổi.... "Không
hiểu
Ngọc có nhìn thấy như anh không? Không hiểu Ngọc định tìm gì ở nơi
em?";
tìm gì, tìm gì, tôi chỉ là một món đồ kỳ lạ, khác thường, nên mọi người
muốn
tìm tòi, khám phá, một món đồ làm gợi lại trí nhớ, làm sống lại tuổi
thơ của
chàng, hay là tôi là một cái cớ để giải thích tại sao chàng sống, tại
sao chàng
sẽ chết, anh, Ngọc, Quang, và cả Tuấn nữa, tại sao nhiều người yêu tôi
vậy?...
"Không phải đâu, em mang dáng điệu của một người đàn bà ngay khi còn bé
con, và suốt đời em sẽ phải tập làm một đứa trẻ...".
"Khi em đi vô cổng trường, rồi anh
đừng có đứng lại lâu
vì em sẽ biết anh đang nhìn em, em phải quay lại mỉm cười nhìn anh, lũ
bạn vô
lớp lại có chuyện để nói..."; đi vô trường, không quay lại nhìn chàng,
dù
biết chàng vẫn còn đứng đó, tìm một chỗ đứng giữa Nga, Dung, hoặc Châu,
chào
cờ, thong thả đi vào lớp học, cúi nhìn xuống những cuốn sách đã được mở
rộng,
tự nhủ thầm bỏ mặc chàng với những lo âu vô ích như chiến tranh, chết,
sống,
khổ sở, hạnh phúc... "Em sẽ học hoài, chỉ còn cách đó để chứng tỏ tình
yêu
là một thách đố, phản lại định mệnh", chỉ còn tiếng ngòi bút chạy trên
giấy, tiếng cô giáo giảng bài, thứ tiếng nói đều đều như đã có sẵn từ
lâu, vẫn
còn đó chẳng bao giờ thay đổi, chẳng dành riêng cho ai, buổi học êm ả
và buồn
nản trôi đi giữa bốn bức tường đầy tiếng cười nói hoặc sự chăm chú yên
lặng.
Khi cắm cúi ngồi viết còn thấy ẩn trong mắt người bạn gái ngồi bên cạnh
nụ cười
vui vẻ, tinh nghịch trong giờ ra chơi. Những phiền muộn đặc biệt học
trò, bài
học chưa thuộc, bài làm chưa xong, đứa bạn bên cạnh vẫn còn hờn giận...
một câu
chuyện thích thú chưa có dịp kể, một mẩu giấy vo tròn được chuyền từ
cuối lớp,
bàn này qua bàn nọ, tuổi trẻ, tuổi trẻ, tiếng động ồn ào huyên náo của
những
trang giấy học trò.... "Lan Hương năm nay có vẻ làm biếng khác hẳn năm
ngoái. Tại sao vậy?" Bích Nga bỗng nhiên đứng dậy, trả lời: "Thưa Cô,
Lan Hương năm nay đã đến tuổi làm biếng rồi ạ."... Tuổi làm biếng, tuổi
yêu đương, tuổi khổ sở, tuổi nhớ nhung, Lan Hương năm nay đã lớn, đã
gặp một
người...
(Khi tôi gặp chàng lần đầu tiên, tôi
mười một tuổi. Khi
chàng đăm đăm nhìn tôi, bỗng nhiên tôi nghĩ tới những chữ kỳ lạ như
tình yêu,
tình yêu, yêu... và tôi bỗng bàng hoàng run sợ...)
"Đời của tôi", Bích
Nga thường gọi
chàng bằng
những tiếng kỳ cục, "Đời của mày hôm nay đâu rồi, sao không đi đón
mày?", mỗi lần thấy tôi đi bộ lủi thủi một mình về nhà, dáng đi của tôi
chắc cũng thật kỳ cục, đến nỗi Châu phải thốt lên, "Lan Hương đi như đi
trong một đám tang", còn chàng nói, "... một hình thức tự vệ. Em là
một cô gái kỳ lạ."
Cuối cùng Bích Nga hoảng hốt kêu lên,
"Nhưng rồi làm
sao? Phải làm sao chứ Lan Hương?". Phải làm sao, làm sao bây giờ được.
Hạnh phúc của chúng tôi gây phiền muộn cho rất nhiều người, chúng tôi
lại là
những người sợ hãi phiền nhiễu, luôn luôn lẩn tránh và cố thu xếp đời
mình cách
nào cho được yên thân. Chàng nói, "Hạnh phúc ở ngoài mối tình, tùy
thuộc
người khác, thế hệ khác... Sống hạnh phúc tức là sống mà không nhìn
thấy người
khác khổ sở vì mình, vì hạnh phúc của mình..." Lần đầu tiên cô bạn gái
có
cái nhìn thật thẳng vào mặt người đối diện, có mái tóc con trai, được
nghe một
câu chuyện tình chỉ có ở trong tiểu thuyết, không bao giờ xẩy ra, không
bao giờ
có thực. Trong tiếng kêu thảng thốt, "Phải làm sao chứ, phải tính sao
chứ
Lan Hương...", cô bạn định nói,"Không, không phải như vậy! Đời sống
không phải như vậy! Đời sống không có sự khổ sở...", cô bạn gái được
sung
sướng, nuông chiều từ nhỏ chưa thể hiểu được có sự khổ sở trong tình
yêu, có vị
đắng cay lẫn trong những lời âu yếm, những nụ hôn dằm thắm... "Anh yêu
em,
và tất cả tùy ở em..."
(Nhưng có thật chúng tôi đang khổ sở?
Chúng tôi đang sung
sướng hay đang khổ sở? Chàng tự hỏi chàng, hỏi tôi như vậy. Tình yêu
đâu phải
là khoảng đất ươm mầm để rồi nẩy ra những cỏ dại, là nỗi cô đơn, niềm
bi thương,
những giọt lệ đắng cay hay là niềm tuyệt vọng. Tình yêu phải là một
cánh cửa,
một con đường đưa chúng ta thoát khỏi nỗi cô đơn, chính nỗi cô đơn đã
xua đuổi
chúng ta ra khỏi vườn địa đàng, và cũng chính nỗi cô đơn đã ngăn chặn
chúng ta
trở về... Chàng có vẻ hơi say khi đưa tôi đến lớp học buổi tối ở Trung
tâm Văn
hóa Pháp, khi tan học, câu đầu tiên tôi hỏi chàng, "Anh đã hết say
chưa?". Anh đã hết say chưa? Khi nào thì cơn say sẽ hết? Khi nào chúng
tôi
ra khỏi cơn say? Khi nào chúng tôi hết yêu nhau?...
Tình yêu, tình yêu, anh mơ tưởng hạnh
phúc còn em nghĩ hạnh
phúc không có, "Je t’aime parce que tu veux l’impossible", và chàng
trả lời, "Muốn hưởng hạnh phúc thì ít nhất phải tin hạnh phúc có."
Nhưng hạnh phúc ở đâu, ở trên trời, hay ở dưới đất, hay ở địa ngục?
Chúng tôi
sẽ phải làm một điều thiện vĩ đại để có vé vào thiên đàng, hay một điều
ác thật
ghê rợn, để chiếm lấy địa ngục, cho chỉ hai đứa?
(Thứ tình yêu chỉ gồm có chiêm ngưỡng
và kính trọng, thứ
amour platonique mà anh nói đó cũng làm Hương sợ).
Tình yêu, tình yêu, có phải những cử
chỉ của người yêu đã
khuấy động phần vô thức, anh yêu em bởi vì có những phần tối tăm ở nơi
anh mà
anh không thể hiểu nổi, đôi mắt long lanh của em, nụ cười của em mỗi
khi gặp đã
soi sáng tất cả, mọi chuyện đều trở nên dễ hiểu, đều có thể cắt nghĩa
được, yêu
em, yêu dáng đi cô đơn của em dẫn dắt chúng ta tới khu rừng thông đầy
ắp tiếng
thì thầm, đến khoảng trời nước im lặng, mặt hồ run rẩy trong gió, còn
em run
rẩy trong tay anh, những giọt mưa đọng trên chiếc áo lạnh của em, mưa,
mưa,
khuôn mặt em và hạnh phúc của chúng ta... Dáng đi cô đơn dẫn tới vùng
trời cao
nguyên mơ mộng, thiên nhiên im lặng đồng tình, những con đường dẫn sâu
vào bóng
tối, bông hoa nước róc rách trong đêm, em bảo nó cũng đang kể lể tâm
sự, tâm sự
của nó là những giọt nước mát lạnh đổ xuống hoài như không bao giờ hết,
em là
cô bé con với chiếc mũ bằng lá, dáng đi tất tả vội vã đến nơi hò hẹn
lần đầu
tiên trong đời, trong thành phố lạnh lẽo, xa lạ đột nhiên trở thành Hà
Nội,
chiếc mũ nhỏ bé không đủ che lấp nụ cười bất chợt hiện ra, dần dần nở
rộng...
yêu như nắm chặt tay đập mạnh vào mặt một chiếc trống lớn, càng đập
mạnh, tiếng
động càng lớn, không khí càng thêm nhiễu loạn, tất cả trở thành niềm
hân hoan,
tiếng reo hò đắc thắng của tình yêu, yêu tức là phân chia thế giới làm
hai, một
có anh và em, và tình yêu vạch định ranh giới, chúng ta sẽ sống hòa
bình với
phía bên kia, chúng ta không còn cảm thấy cô đơn, và sợ hãi đời sống,
không còn
nhìn phần thế giới còn lại đó bằng con mắt thán phục hoặc khiếp đảm,
tình yêu
nhập một hai chúng ta, xóa bỏ sự xa lạ giữa chúng ta và những người
chung
quanh, đập vỡ vỏ cô đơn và đồng thời cũng tạo nên một đồn lũy để ngăn
cấm những
người khác không được quyền xâm phạm tới phần đất thần thánh, riêng
biệt của
chúng ta đó... "il est vrai que nous aimons la vie non que nous soyons
accoutumés à la vie mais que nous sommes habitués à l’amour.." (1)
(Thứ tình yêu đầy những passion mà anh
có đó, em không có,
hay thứ tình yêu gồm một phần ba là confiance, một phần ba là respect,
một phần
ba là "je ne sais quoi" , có lẽ, hình như em đã yêu anh như vậy...
Không, trăm lần không, ngàn lần không, đừng bao giờ nói như vậy, đừng
bao giờ
nói anh không xứng đáng, cũng đừng bao giờ nói anh làm cho tuổi thơ của
Hương
bị xáo trộn, những ngày đầu tiên quen anh là những ngày sung sướng đối
với
Hương, anh là người đầu tiên đã trò chuyện với Hương, đã làm cho Hương
nghĩ tới
một điều gì từa tựa như là tương lai, hạnh phúc, một điều gì từa tựa
như tình
yêu...)
"... Người ta không thể yêu nhau vì
duyên cớ ở ngoài
mối tình... nhưng sự thực là gì vậy? Ai, ai có thể xứng đáng được hưởng
thứ
tình yêu không đến vì một duyên cớ nào ngoài nó, Lan Hương, Lan Hương,
em nói
lại một lần nữa, em yêu anh và tình yêu đó không vì bất cứ một lý do
nào ở
ngoài mối tình, Lan Hương, em nói...."
(1966)
(1) Nietzsche: "Ainsi parlait
Zarathoustra"
Sơ Dạ Hương