SAIGON 1954 - Operation Passage to Freedom - by Howard
Sochurek
Có lẽ ghe thuyền dùng sào tre đưa hàng lên bán cho người trên tàu
[hình manhai]
Em tôi còn để lại
một thành phố Sài-gòn trong đó có tuổi trẻ của tôi, của em tôi, thấp thoáng
đâu đó nơi đầu đường, cuối chợ Vườn Chuối, ngày nào ba mẹ con dắt díu nhau
rời con tầu khổng lồ Marine Serpent, miệng còn dư vị hột vịt lộn, người dân
Sài-gòn trên những ghe nhỏ bám quanh con tầu, chuyền lên boong, trong những
chiếc giỏ lủng lẳng ở đầu những cây sào dài. Hai anh em mồ côi cha vừa mới
mất Hà-nội, ngơ ngác nhìn thành phố qua những đống rác khổng lồ nơi đại lộ
Hàm Nghi, qua ánh điện chói chang, sáng lòa trên mặt sông, trên những con
tầu đậu nối đuôi nhau suốt hai bên bờ vùng Khánh Hội, và đổ dài trên những
con lộ thẳng băng. Qua những lần đổi vai đòn gánh của bà mẹ, từ cháo gà,
miến gà, tới cháo lòng, bún riêu, bánh cuốn... Qua ánh mắt thất vọng của
Người. Bốn anh chị em, bây giờ chỉ còn hai đứa, vậy mà cũng không nuôi nổi.
Cuối cùng cả ba mẹ con đành lạc lối giữa những con hẻm chi chít, chằng chịt
vùng Bàn Cờ. Tôi đi làm bồi bàn cho tiệm chả cá Thăng Long, làm trợ giáo,
cố gắng tiếp tục học. Em tôi điếu đóm, hầu hạ một ông cử già, bà con với anh
Hoạt, chồng người chị họ. Anh Nguyễn Hoạt, tức Hiếu Chân, bị bắt chung với
Doãn Quốc Sĩ, sau mất ở trong khám Chí Hòa, chính quyền CS bắt phải hủy xác
thành tro, trước khi mang ra khỏi nhà tù.
Một Sài-gòn trong có quán cà phê Thái Chi ở đầu đường Nguyễn Phi Khanh, góc
Đa Kao. Bà chủ quán khó tính, chỉ bằng lòng với một dúm khách quen ngồi dai
dẳng như muốn dính vào tuờng, với dăm ba tờ báo Paris Match, với mớ bàn ghế
lùn tịt. Trên tường treo một chiếc dĩa tráng men, in hình một cậu bé mếu
máo, tay ôm cặp, với hàng chữ Pháp ở bên dưới: "Đi học hả? Hôm qua đi rồi
mà!"
Đó là nơi em tôi
thường ngồi lỳ, trong khi chờ đợi Tình Yêu và Cái Chết. Cuối cùng Thần Chết
lẹ tay hơn, không để cho nạn nhân có đủ thì giờ đọc nốt mấy trang Lục Mạch
Thần Kiếm, tiểu thuyết chưởng đăng hàng kỳ trên nhật báo Sài-gòn, để biết
kết cục bi thảm của mối tình Kiều Phong-A Tỷ, như một an ủi mang theo, thay
cho những mối tình tưởng tượng với một cô Mai, cô Kim nào đó, như một nhắn
nhủ với bạn bè còn sống: "Đừng yêu sớm quá, nếu nuốn chết trẻ." Chỉ có bà
chủ quán là không quên cậu khách quen. Ngày giỗ đầu của em tôi, bà cho người
gửi tới, vàng hương, những lời chia buồn, và bộ bình trà "ngày xưa cậu Sĩ
vẫn thường dùng."
"Sao không hát
cho những người vừa nằm xuống..."
Đã có một thời, tôi không sao chịu nổi. Chúng rũ rượi, mệt lả. Đầy sũng nước
mưa, nước mắt. Chúng gọi tên thảm kịch. Thảm kịch của những cái vô ích. Của
cuộc chiến điêu đứng, rồ dại. Chúng gợi tâm trạng nhớ. Nhớ bùn. Nhớ đời sống
thảm hại, nhàm chán. Nhớ những kỷ niệm chẳng đáng nhớ. Nhớ ngã tư đường Lê
Văn Duyệt-Phan Đình Phùng gần nhà cô bé, khi chưa có tượng Thích Quảng Đức.
Cô bé hớt hải chạy ra, hớt hải lắc đầu, rồi lại hớt hải chạy về. Nhớ những
ngày nhà cô bé dời lên đường Gia Long. Buổi sáng, cô đưa em đi học trường
Kiến Thiết gần khu Chợ Đũi, đưa mắt nhìn người yêu đang chờ đợi trong quán
cà phê Tầu ở ngay đầu đường. Khi về, cô tha thẩn giữa những hàng cây nơi
vườn Tao Đàn. Mùa Thu theo chiếc lá nhẹ nhàng đậu trên vai cô bé đang mơ
mộng, đang trở thành người lớn.
Nhớ, nhớ..."Nếu
mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa...", em tôi vẫn thường nghêu
ngao một mình trước khi bỏ đi.
Như những lời chúc
dữ, chúng báo trước một Miền Nam mòn mỏi, suy sụp, trước một Miền Bắc lì
lợm, dai dẳng.
Trong mỗi chúng
ta đều có một Sài-gòn âm ỉ cháy. Tôi khơi cục than hồng của tôi, để cho Sài-gòn
của bạn sáng ngời.