VỚI XUÂN SÁCH VÀ...
Tạp bút của PHẠM LƯU VŨ
Phố biển. Gió dính vào da thịt, nắng nhăn nhó
mặt
người. Quán rộng mênh mông. Một mênh mông lặng ngắt trưa hè. Chẳng biết
quán đã
chán người hay người chán quán. Có lẽ cùng chán nhau. Chúng tôi chọn
một cái
bàn tít phía trong, dựa lưng vào một hàng lan can bằng sắt. Phía sau là
một cái
ao hay một cái hồ nhỏ. Cũng chẳng nhớ gồm năm hay sáu người gì đấy. Tất
cả đều
như những hình nhân.
Hình nhân tôi ngồi giữa, có vẻ đậm đà hơn một
chút,
nét mặt cố làm ra vẻ gian ngoan, vừa láu cá vừa vô hồn. Bên trái là một
bộ
xương già lổng khổng, mà thời gian đã nấu thành cao. Mỗi cử động dù
chậm rãi,
song vẫn nghe như có những tiếng lục khục, va vào nhau giữa các khúc
xương.
Nhân giả ấy mang cái tên trẻ mãi: Xuân Sách. Bên phải tôi là cả một
cuộc gày gò
đeo kính cận dày cộp, nước da xám như đồ đồng cổ, đội mái tóc muối tiêu
lòa xòa
như tóc giả. Người này ngồi bất cứ chỗ nào cũng như thể đang ngồi trong
bụi
cây, xem thiên hạ như một vở rối, chỉ muốn từ trong bụi thò cái cổ ra
ngoài.
Gương mặt xương xẩu tiết kiệm thịt tối đa, nhưng cái vẻ ngạo đời thì
không dấu
đi đâu được. Nhân giả ấy chỉ có cái tên là lẫn vào với muôn mặt đời
thường, tuy
vẫn hơi kiêu bởi có độc hai từ cộc lốc: Nguyễn Hòa (SCL).
Trước mặt ba chúng tôi là hai hay ba người gì
đấy. Nom
tươi tắn, hớn hở mà vẫn mờ ảo như bị lẫn trong một đám khói sương. Mấy
gương
mặt lúc nhìn rõ thì lại giống y hệt những tờ giấy bạc. Ôi những tờ giấy
bạc hấp
dẫn, đầy ấn tượng, hình như nhiều lắm, ở chỗ nào cũng bắt gặp. Giấy bạc
ngồi trong
quán, giấy bạc trên diễn đàn, giấy bạc ngự trên cao, giấy bạc chạy đầy
đường...
Xung quanh chúng tôi, nhân loại đang bước vào một canh bạc khổng lồ.
Nghe họ
giới thiệu quê ở một làng nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp. Tôi
quay sang
bảo vị Nhân giả bên trái: “Họ ở đúng cái làng mà ngày xưa bác viết cuốn
tiểu
thuyết nổi tiếng: “Đội du kích thiếu niên...” đấy!”. Rồi quay lại, hãnh
diện
nói với họ: “Đây chính là tác giả cuốn tiểu thuyết ấy”. Những gương mặt
giấy
bạc “thế ạ” một tiếng rồi ngẩn ra hỏi nhau: “Quái lạ! Làng mình làm gì
thấy có
du kích du cót nhỉ?”.
Tôi bật cười vì câu nói ngộ nghĩnh ấy. Bèn
nói với vị
Nhân giả: “Thế là “xong phim” rồi bác nhá”. Rồi buột mồm nghêu ngao một
bài hát
quen thuộc: “Việt Nam,
trên đường chúng ta đi. Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng
biển ầm
vang xa tận tới chân trời. Nghe ấm lòng những khi...” Câu hát bị sững
lại đột
ngột vì có món lẩu vừa đặt lên bàn. Lẩu thập cẩm, đủ các loại thịt, rau
tuông
vào cốt đánh lừa vị giác. Bất cứ cái mồm nào cũng có thể tìm thấy cảm
hứng ở
trong đó. Cũng như chúng tôi ngồi đây, lúc nào cũng ra sức tự đánh lừa
rằng
mình đang sống kiếp người. Ca từ vừa rồi cũng của vị Nhân giả ngồi bên
trái tên
là Xuân Sách ấy. Hình như làm ra cách đây đã già ba chục năm. Tôi ngắm
nhìn
gương mặt kỉ hà của ông. Gương mặt ấy nói với tôi: “Thời ấy, nó thế.
Thời nó...
ấy thế!”.
Tôi lại nhẩm mấy câu thơ của ông: “Làm vua mà
cũng
chán / Bỏ đi theo mây ngàn / Một nước cờ Yên Tử / Làm bận lòng thế
gian” (bài
“Yên Tử”). Vị Nhân giả bên phải là Nguyễn Hòa bảo: “Tại sao bận lòng
nhỉ?”. Tôi
nhìn ông đang gật gù và chợt hiểu. Yên Tử là An Tử, là chốn an lành của
một bậc
Thầy, bởi Tử có nghĩa là Thầy. Vậy thì cái “nước cờ” ấy, đơn giản là
đạt tới...
cõi yên. Muốn thế phải thờ ơ với ngôi vua, thờ ơ với danh, lợi, thờ ơ
với mọi
cám dỗ... Nhưng mà than ôi, cái kiểu “yên” như vậy thì thế gian từ đó
đến nay,
có bao giờ yên đâu? Chẳng trách phải bận lòng. Tôi ngẫm nghĩ và bất
chợt cùng
gật gù với ông. Thời bây giờ có nhiều thầy (tử) lắm. Mà không “yên” thì
tức là
đang “loạn”. Thế thì ngoài cái chỗ là “Yên Tử” duy nhất đó ra, thế gian
này
toàn thị là... “Loạn Tử”. Ghê thật! Bốn câu thơ nói về cõi Tiên, mà rõ
ràng
hiện lên... cõi Tục.
Cái tư tưởng “yên tử” với “loạn tử” ấy làm
tôi chợt
liên tưởng đến một tập “thơ chân dung” của ông từng viết. Tập thơ vừa
in xong
đã bị thu hồi. Hình như trong đó sừng sững đến cả trăm gương mặt. Thế
thì cũng
thuộc loại “bách Gia, chư Tử” rồi. Cả một thời chư Tử không “yên”. Nghe
nói vì
tập thơ đó, con cháu một số vị “chư Tử” ấy có người đe đánh ông. Tập
thơ đặc tả
những gương mặt quen thuộc, nhàu nát như thể sách giáo khoa. Những thế
hệ bầy
đàn như chúng tôi chính là đã lớn lên trong cái vầng hào quang giáo
khoa chói
lọi ấy. Tôi chuẩn bị cất mồm ngâm ví dụ vài bài thơ chân dung của ông
thì Nguyễn
Hòa vội đưa tay ngăn lại. “Thôi, đọc cái khác đi”. Thì ra Nhân giả này
đang
nghĩ hệt như tôi, đọc được ý nghĩ của tôi. Quả là tôi đang ngồi bên
cạnh...
quỉ, chứ không phải người thường.
Tôi rợn người trước ý nghĩ ấy, vội vàng nốc
cạn một ly
rượu để lấy lại hồn vía. Dụi mắt một hồi cho các giác quan trở về cõi
thực, rồi
quay sang vị Nhân giả bên trái là ông mà bảo: Huy Cận ngày xưa nhớ quê
thì nghĩ
ngay đến bác lò rèn: “Bác cho tôi đốm lửa ban sơ / Tôi luyện rèn năm
tháng
thành thơ”. Nguyễn Bính nhớ quê thì: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Trông
lại tha
hồ mây trắng bay”. Còn bác, bác nhớ quê hương đến nỗi phải biến
thành... con
bò(!). Sao lại biến thành bò? Thì đấy: “Tôi ngồi ăn / trong quán cơm
bình dân
phố núi / hết rổ rau này, rổ khác lại bưng ra...” (Bài “Rau má”). Bác
ngốn rau
má như thế, mà là ăn sống, rau sống mới đựng vào rổ. Thế thì không phải
bò là
gì. Ừ nhỉ. Sao bác không viết: “hết đĩa này, đĩa khác lại bưng ra...”?
Nói cho
vui vậy thôi. Chứ mấy ai ngốn ngấu nỗi nhớ quê được như ông. Hình ảnh
tuy chỉ
nhỏ bằng cọng rau má. Song tấm lòng thì bằng cả... con bò. Ôi cái thứ
cây rau
“nông nghiệp hàng đầu” ấy. Ông đã đi qua hai cuộc kháng chiến rồi. Vậy
mà quê
hương Thanh Hóa của ông, bây giờ vẫn “rau má”, vẫn xa lắc xa lơ như
Nguyễn Bính
thời long đong xưa vậy.
Sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha
phương
nghìn đời thê thảm ấy, trong óc tôi lại hiện lên mấy câu thơ ông viết:
“Tôi về
với bến sông xưa / Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò / Nhìn theo ngọn
khói vu
vơ / Nhớ thương thì có, đợi chờ thì không...” (Bài “Bến quê”). Không
trách ông
gọi mình là Xuân Sách. Những câu thơ như thế này không hề có tuổi, đọc
lên nghe
buồn và thương đến lặng người. May quá, tôi đang ngồi bên ông, nhìn ông
đang
yên ổn, trầm ngâm mà cảm thấy được an ủi phần nào. Tôi ngắm cái hình
hài tưởng
như trong suốt của ông và rùng mình nhớ tới hai câu kết, trong bài thơ
ông tự
vẽ mình (chân dung tự họa) như sau: “Mặt trời ảm đạm quê hương cũ / Ở
một cung
đường rách tả tơi.” Câu thơ mới tuyệt tác làm sao. Mười bốn chữ ấy chứa
bao
nhiêu máu, xương và nước mắt, không gian và thời gian, tâm linh và sự
uyên
bác... Tôi đọc lên trong một niềm kính cẩn, lòng tự nhủ không được vô
lễ với sự
ghê gớm, từng trải nhường ấy. Thơ ấy chỉ có thể thấm thía, đau đớn, mà
không
thể cắt nghĩa. Bức “chân dung” mới lồng lộng làm sao, bởi nó đâu chỉ
tạc nên
kiếp phận một con người...
Tôi rót rượu vào ly của ông. Ông run run đưa
ly rượu
lên môi, ngửi tí rồi đặt xuống. Tôi biết ông từng uống được rượu, say
được
rượu. Nhưng bây giờ thì không. Cũng như ông đã từng “uống” được cuộc
đời này,
say với cuộc đời này. Nhưng bây giờ thì say đến mức... lộn mửa ra mất
rồi. Bài
thơ ông viết về rượu, nhưng chính là nói về cuộc đời: “Đừng rót nữa tôi
không
sành rượu / Uống không say thì uống làm gì / Vui chẳng thêm, buồn không
quên
được / Cứ như thừa từ cái mặt thừa đi / Cứ như thừa trong cõi đời náo
nhiệt /
Hay hớm gì nhìn gan ruột người ta / Giữa thời buổi cạnh tranh quyết
liệt / Cứ
tỉnh quoeo lắm lúc cũng phiền hà...” (bài “Rượu”). Vần thơ giản dị như
câu nói
mà thực là đã chạm tới những bí ẩn của cõi huyền vi. Ông bắt đầu cảm
thấy mình
“thừa” từ lúc nào vậy? Từ lúc ông thuộc lòng cuộc đời này và lập tức,
ông cũng
từ chối luôn cái phần đểu giả của nó. Song ông thuộc lòng nó theo cách
thuộc
của một bậc tiên tri: “Vừa chấm hết rừng thì đã biển / Cuộc đua vô tận
với thời
gian / Cây có trăm năm thành cổ thụ / Biển nghìn vạn thuở vẫn thanh
tân...”
(bài “Hồ Cốc”). Thế mới biết ngoài đọc thơ còn phải... đọc người. Bài
thơ đầy
ắp âm hưởng Đường thi này còn ba khổ thơ nữa. Ông xé đôi mình ra để ví
với
rừng, với biển. Tôi cho đây là một thứ “chân dung” linh hồn của ông,
của một
bậc Nhân giả biết từ chối mà không từ bỏ. Hình như tôi vừa chợt nhận ra
một
điều. Cái gì đã làm nên sự uyên bác và từng trải nơi ông, nơi những
người như
ông? Sau này có ai viết về ông, về những người như ông thì tôi xin đưa
ra một
gợi ý. Rằng cái đó chính là... sự thật, ông đã chứng ngộ được sự thật.
Và than
ôi, đó cũng chính là nỗi bất hạnh của ông, của những người như ông.
Cách đây hơn hai chục năm, văn nhân thi sĩ
Xuân Sách
hăm hở xách vợ con hành phương Nam, tới cái phố biển Vũng Tàu quanh năm
lộng
gió này. Ông xuống biển để đơn giản là làm một người lương thiện.
Nhưng: “Như
những người lương thiện / Sống đời không bình yên” (bài “Cây dừa”). Ông
biết
cuộc đời này, người lương thiện khó mà sống bình yên cho được. Song lúc
ấy,
chắc ông đâu có ngờ rằng có những cái còn hơn cả sự “không bình yên”
nữa kia.
Đó là việc ông bắt đầu một công cuộc của một ẩn sĩ cô đơn, ngày càng cô
đơn cho
tới tận bây giờ. Căn hộ tập thể bốn mét nhân hơn chục mét người ta phân
cho ông
từ ngày đó, đến nay vẫn nguyên xi sự tồi tàn, trong khi ông đã trở
thành cổ
kính. Càng cổ kính hơn khi xung quanh ông ầm ĩ cách tân. Dễ hiểu rằng
nếu ông
không cảm thấy cô đơn thì mới là chuyện lạ: “Bỗng có lúc thấy mình là
khách /
Mọi thứ thân quen chợt lạ lẫm không ngờ / Chiều chạng vạng vui buồn đi
theo
nắng / Còn một mình ngồi với trắng cơn mơ.” (Bài “Bất chợt”). Tôi không
hề có ý
trách cái thành phố biển xinh đẹp này làm ông cô đơn. Ngược lại là
khác. Ông cô
đơn chính vì đã đạt tới cảnh giới của mình. Cuộc đời này, người như ông
ở chỗ
nào cũng không thoát khỏi cô đơn: “Trái đất quay tròn ta cũng quay /
Chạy đâu
cũng nắng với mưa này...” (bài “Canh rượu”). Song ông vẫn đầy trách
nhiệm với
cuộc đời: “Nợ đời rồi tôi sẽ trả / Nợ tình tôi vắt trên vai” (bài “Biển
chiều”). Thậm chí ông vẫn còn nhiều “duyên nợ” với cuộc đời này lắm:
“Núi cao
đá dựng non ngàn / Chiều thì đã muộn, dặm đàng còn xa” (bài “Chiều
muộn”). Hãy
nhìn nụ cười của ông kìa. Ông đang cười rung toàn thân, cười muốn rụng
cả cái
xương quai hàm vốn chỉ còn lỏng lẻo. Tôi nhìn ông cười và chợt hiểu.
Người như
thế, thơ như thế nếu có bị cô đơn, thì cũng là sự cô đơn của một chân
kẻ sĩ,
của một bậc hiền nhân. Ông cười vì xưa nay, những hiền nhân cô đơn giữa
nơi chợ
búa hay tận chốn hang sâu bao giờ cũng là chuyện bình thường, chuyện
đời nào
cũng thấy. Mặc dù kẻ đắc chí thì lúc nào mà chẳng đầy rẫy, nhan nhản từ
trời
gần cho đến trời xa... Nhưng đốt đuốc tìm trong cái đám nhan nhản ấy,
có mấy ai
là hiền nhân quân tử đâu. Điều đó, ông đã không lấy làm lạ từ lâu lắm
rồi.
Nghĩ đến đây, tôi lại giật mình thấy ông có
cái gì
giống Khuất Nguyên ngày trước. Cả cuộc đời say, đủ các kiểu say, chỉ có
mình
ông tỉnh... Bậc hiền nhân ấy không tránh khỏi một nỗi lòng tâm thế: “Đi
từ sáng
sớm mưa như trút / Một chút mặt trời báo buổi trưa / Rồi đường lại xoá
mờ trong
nước / Đi hết ngày mà chưa hết mưa” (bài “Mưa trên lộ bốn”). Tôi quay
sang hỏi
vị Nhân giả Nguyễn Hòa, rằng tại sao lại là lộ bốn, mà không là lộ một,
lộ hai,
hoặc không thì cũng lộ năm, lộ sáu...? Nhân giả ấy vẫn trầm mặc, tịnh
không một
lời nào. Cái trầm mặc như một dấu ba chấm (...). Câu trả lời nằm trong
dấu ba
chấm ấy. Con “lộ” đó không tiện nói ra... Cả cuộc đời đục, vậy cho nên
cái
trong trắng, thanh tân chỉ dám loé lên trong khoảnh khắc rồi tắt ngấm.
Ông đã
viết như thế trong bài “Hoa Quỳnh”: “Hoa Quỳnh tên đẹp vậy em / Mà sao
chỉ nở
giữa đêm một lần / Thưa rằng trinh trắng thanh tân / vậy nên “ngắn ngủi
có ngần
ấy thôi”. Ngoài cái sự say / tỉnh, đục / trong ấy ra, cuộc đời này
thiếu gì
kẻ... lỡ tàu. Song với những người như ông, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, rằng
không
biết ông là người lỡ tàu, hay chính con tàu kia mới là kẻ đã lỡ mất
ông, lỡ mất
những người như ông? “Muốn đi cho đến vô cùng / Mà con tàu đã vội dừng
sân ga”
(bài “Qua Hải vân”). Đến đây, trước khi chìm vào một cơn say, hình nhân
tôi lại
giật mình một lần nữa khi bỗng nhận ra, rằng ông chính là người mà thời
gian đã
kịp “nấu” thành... cao, một thứ “cao” giống như cao hổ cốt. Tôi đã đọc
ông từ
nhỏ. Song phải đợi tới bây giờ, phải tìm đến ngồi bên ông, tôi mới may
mắn được
thưởng thức món “hổ cốt” văn chương ấy mà cuộc đời rất hiếm khi luyện
được,
luyện được rồi thì lại đem cất kĩ, chỉ khách quý mới mang ra đãi mà
thôi.
Nguồn Hội Ngộ
Văn Chương