Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách
TƯỞNG NIỆM
|
Tưởng Niệm
Đỗ quân và Joseph Huỳnh Văn
Đỗ Long
Vân mất tại quê nhà tháng Tám năm 1997. Người viết chỉ được biết, nhân
đọc mục thư tín trao đổi với bạn đọc của một tạp chí văn học ở hải
ngoại.
Và sau đó có
viết vài dòng về ông, như một tưởng niệm muộn, và mượn ngay tên bài
viết của ông làm của mình. Cả bài viết của ông, sau bao tai biến, chỉ
còn lại một cái tên trong trí nhớ người viết. Gửi theo ông rồi, mới
quên điều tính hỏi: Vô Kỵ là ai, mà ở giữa chúng ta?
***
"Mỗi một bài
viết bạn đang đọc…", bạn đọc hãy coi những dòng sau đây, như là một bài
viết bên lề, vẫn như một lời tưởng niệm muộn, gửi theo người đã khuất.
***
Chết là hết,
như người Việt thường nói. Nhưng Volkov, trong bài viết tưởng niệm thi
sĩ Joseph Brodsky, "Con sói cô đơn của thơ ca", đã trích dẫn câu thơ
của nữ sĩ Akhmatova, "Khi một người đàn ông chết, những bức chân dung
của người đó thay đổi", và đưa ra nhận xét, "có chút chi lạnh lẽo ở hai
dòng thơ này". Theo ông, thường ra, khi được tin một người bạn mất, và
được trao công việc lọc lựa những bức chân dung, ông nhận thấy có những
thay đổi thật tế vi, đôi khi gây kinh ngạc, từ nét mặt người quá vãng.
Như thể thần chết vạch giùm cho chúng ta thấy một ý nghĩa, một viễn
tượng nào đó, ở nơi người chết, chỉ sau khi đã phán bảo: người này chết
rồi. Những giai thoại-sau cái chết (the posthumous legend) càng mạnh,
hậu quả của chúng càng xáo trộn, ở nơi những bức chân dung đó. Và theo
Volkov, chuyện như vậy đã không xẩy ra, trong trường hợp của Joseph
Brodsky. Sau khi ông mất vì bịnh tim vào ngày 28 tháng Giêng năm 1996 ở
New York City, giai thoại về ông khi còn sống nhập hẳn vào những bức
hình của ông, qua đó, là thời niên thiếu nổi loạn trong một thành phố
bị vây hãm, cuộc vây hãm 900 ngày, dài nhất trong lịch sử cận đại, chưa
kịp hồi phục bị giáng thêm đòn thanh trừng thời kỳ Stalin, rồi tới bản
án theo kiểu Kafka của nhà nước Xô viết…
Người viết đã
có lần giới thiệu bài tưởng niệm Joseph Brodsky, của T. Tolstaya, rồi
nhân đó, tưởng niệm một nhà thơ Việt. Một người quen đã bực mình, tại
sao lại để hai nhà thơ kế nhau như thế? Brodsky thì ai cũng biết, nhà
thơ bạn anh, đâu có ai biết đến mà chơi cái trò ăn theo!
Tôi thật sự
ngạc nhiên, khi bị hỏi như vậy, lần đó.
Trong bài viết
của Tolstaya có nhắc tới một người thợ mộc ở Moscow, nhân được phỏng
vấn, đã trả lời: Tôi chỉ mong có một cuộc sống riêng tư. Như Joseph
Brodsky!
Anh bạn nhà
thơ của người viết sau 1975 đã làm nghề thợ mộc. Trước đó anh làm nghề
dạy học. Anh khoe, tìm thấy những vân gỗ y hệt những vần thơ!
Cái ông thợ
mộc chẳng ai biết đến đó lại mong có một cuộc đời rất riêng tư của một
nhà thơ được giải Nobel văn chương!
Cái ông thợ
mộc bạn tôi, giả sử như gặp nhà thơ Nga ở cái thế giới nào đó, có thể
sẽ là hai người bạn thân. Tôi thực sự mong mỏi như vậy. Và tôi còn tin
rằng Joseph Brodsky sẽ thèm thuồng cái số phận của anh bạn thơ của tôi,
ở trong cái thế giới cả hai đã cùng từ bỏ.
Nhà thơ Nga bị
nhà nước Nga tống xuất, xin xỏ mãi để được ở lại, mà không được. Bạn
tôi cứ tà tà ở lại, chẳng ai đuổi, và cũng chẳng thèm đi! Bạn tôi làm
thợ mộc, nhà thơ Nga phải làm nghề mổ tử thi. Ông tự hào về nghề đó, và
xấu hổ khi phải bỏ nghề. Anh bạn nhà thơ của tôi tự hào là một anh thợ
mộc, và anh tìm thấy thơ ở đó, khi không còn có thể làm thơ được nữa.
Thử hỏi
Brodsky có tìm thấy thơ từ những xác chết hay không?
Anh bạn nhà
thơ của tôi, là bạn thân của Đỗ Long Vân.
Tôi viết bài
tưởng niệm Đỗ quân cũng trong ước vọng đó: được có một cuộc đời riêng
tư như Đỗ quân.
Bởi vì cái
cuộc đời riêng tư đó thật là hiển hách vô cùng, đối với đám tụi tôi.
Đám chúng tôi, khi đi trình diện nhập ngũ, trưng đủ thứ bằng cấp, để
được đi học sĩ quan (bằng tú tài), để được biệt phái về một đơn vị
không tác chiến (bằng chuyên môn)…
Đỗ quân, tuy
bằng cấp đầy mình, đã từng du học Paris, giáo sư đại học, đi trình diện
như một cái bang chẳng có một túi nào!
Sĩ quan, binh
lính miền nam trước 1975 thường mặc quân phục bó sát người. Kỷ niệm của
tôi về Đỗ quân, trong lần tình cờ đi cùng anh bạn thi sĩ Joseph Huỳnh
Văn ghé thăm ông tại Đài Truyền Tin Phú Lâm, là một anh lính trong bộ
quần áo nhà binh rộng thùng thình, tươi cười, thoải mái. Tôi có cảm
tưởng ông thoải mái hơn cả lần đầu gặp tại quán Cái Chùa, đường Tự Do.
Trích Vô Kỵ giữa chúng ta
|