*







 
Đỗ Long Vân:
Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung (3)


I.
II.
(....)
8. Tiến tới một sự phân loại.


"Dear Reader: Behind every story you read, there’s another story waiting to be told"

(Bạn đọc thân mến: Đằng sau mỗi câu chuyện bạn đọc, có một câu chuyện đang chờ tới lượt mình).

The Guardian Weekly.

"Người ta thường xuyên gặp trong Kim Dung thái độ nước đôi ấy trước trí năng, vừa cảm phục vừa nghi kỵ."

"Không phải ngẫu nhiên mà họ là những đạo sĩ và tăng nhân đã thoát tục. Nhưng không lẽ…"

ĐLV


"Qui est Ky?"

De Gaulle


Cái biển võ học chập trùng chẳng biết đâu là giới hạn. Không võ công nào giống võ công nào. Nhưng nếu chưa thể thu ngần ấy cái độc đáo vào một mối, thì trong khi chờ đợi, sao người ta không thử xếp loại chúng? Hình như Kim Dung đã chia tất cả võ công trên đời ra làm hai khối lớn: Âm công và Dương công. Võ công thuộc Âm thì mau, mềm mại và ác độc; thuộc Dương thì chậm nhưng dũng mãnh và cương trực. Người ta coi thứ võ này là chính giáo còn thứ võ kia là tà môn. Võ công tuy nhiên chỉ là phương tiện. Khác nhau duy ở mục đích cuối cùng của người dụng võ. Âm hay Dương thì võ công nào chẳng giết người. Xem Kim Dung nhấn mạnh trên mọi sự phân biệt giữa Âm và Dương thì người thấy rằng tất cả những cố gắng của ông là để đem những tiêu chuẩn tự nhiên ấy thay thế cho những tiêu chuẩn nhân văn và đạo lý. Tà và Chính đổi thành Âm và Dương, nghĩa là hai mãnh lực của tự nhiên. Trong tự nhiên không có Tà và Chính. Và Âu Dương Phong và Hồng Thất Công, một người tượng trưng cho ác tâm và một người đại diện cho thiện chí, sau mười mấy ngày đấu liên tiếp, lại có thể ôm nhau để cùng chết giữa lúc tiếng cười của họ còn chấn động cái hoang vu của những đỉnh núi tuyết nghìn năm. Mẹ Tự Nhiên đã giải hóa hai đứa con xung khắc của mình. Xã hội người đặt chúng vào cái thế tương nghịch. Ác của đứa này cũng như Thiện của đứa kia đều có gốc ở năng tính. Và năng tính như một mãnh lực của tự nhiên, trong Kim Dung, người ta biết là bao giờ cũng tốt. Khả nghi nhất là con người của trí năng. Ấy là những Hoàng Dược Sư chẳng hạn. Người đời thường hỏi họ thiện hay ác. Nhưng họ khinh dư luận, coi rẻ đạo lý của người đời và tự đặt những qui luật riêng để hành động. Tham vọng của họ là đem tài mình ra cướp quyền tạo hóa. Không những giỏi võ công mà trong những lãnh vực khác, kiến thức của họ cũng thâm viễn vô cùng. Ngoài cái tài hoa của một nghệ sĩ, Hoàng Dược Sư còn thông thạo trận đồ, kiến trúc, và những kỹ thuật làm máy móc. Xa lục địa, trên đảo Đào Hoa, ông xây dựng cả một giang sơn biệt lập cho mình. Cái trí, cái xảo, cái tài hoa ấy tuy nhiên có một cái gì điêu bạc. Những con người ấy quá nhạy cảm và giàu tưởng tượng. Óc của họ không ngừng làm việc, bày mưu tính kế. Làm sao trong sự giao động thường xuyên họ có thể có cái tĩnh cần thiết để tới cái chân nguyên của võ học vốn chỉ thông đạt những tâm hồn chất phác và đơn thuần, nghĩa là gần tự nhiên hơn? Cho nên có những võ công mà chính cái tài hoa của họ làm họ không tài nào luyện được. Và võ công của họ thường cũng mang ấn tích của cái tài hoa mà họ vốn có thừa, nghĩa là ít phức tạp, khi thực khi hư, mau lẹ và uyển chuyển, nhưng, như Lạc Anh quyền, đôi khi không khỏi thiếu phần cương trực. Người ta thường xuyên gặp trong Kim Dung thái độ nước đôi ấy trước trí năng, vừa cảm phục lại vừa nghi kỵ. Ấy là cái ngòi bảo thủ trong văn ông.

Năng tính là giải thuyết của sự đối lập giữa thiện và ác. Nhưng giữa năng tính và trí năng thì sao? Hình như Kim Dung lại muốn vượt sự đối lập ấy trong con người của Đạo. Sau khi nghe giảng Thái Cực quyền một lần nữa thì xét lại, chỉ còn nhớ có hai ba chiêu trong đầu. Người ta không khỏi ngạc nhiên. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa là khi cái lối càng học càng quên ấy lại được coi là một tiến bộ. Cũng như thế, trong một truyện khác, người ta thấy một anh hùng giang hồ than thở là kiếm pháp trên đời tuy ông đã thuộc cả, nhưng vẫn chưa đến chỗ tối cao là quên được những kiếm pháp đã học ấy! Thì ra cái biết thực của võ học không ở những cách khoa chân múa tay của những chiêu lẻ mà ở nguyên lý của chúng. Khi thấy cái nguyên lý ấy rồi, nghĩa là đã thu những tạp chiêu ấy vào một mối, thì người ta không cần nhớ đến chúng nữa. Một chiêu còn nhớ là một chiêu chưa thấu triệt, sự thống nhất chưa trọn vẹn, và cái biết còn dở dang. Cái biết thực của võ học cũng như trong đạo là một sự lãng quên những ảo ảnh của ngoại thể để tới cái chân nguyên của tất cả. Người và tự nhiên khi ấy mới thật tương đồng, trí năng và tính năng là một. Và cá nhân thực hiện được sự thống nhất của mình. Những xôn xao của ngoại giới không thể làm hắn phân tâm nữa và cái tĩnh thuần nhất của lòng hắn không có gì có thể dao động nổi. Ngay võ công đã luyện được hắn cũng quên đi. Ấy là khi võ công đã thấm vào người hắn đến chỗ có thể tùy nghi tự ý phát động mà không cần sự can thiệp của ý chí. Vương Trùng Dương trong Anh Hùng Xạ Điêu, Trương Tam Phong và bộ ba Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp trong truyện Đồ Long Đao, nhà sư già coi Tàng Kinh Các trong Thiên Long Bát Bộ [Lục Mạch Thần Kiếm] là những người gần như đã tới độ tối cao của võ học. Không phải ngẫu nhiên mà họ là những đạo sĩ và tăng nhân đã thoát tục. Nhưng chẳng lẽ Kim Dung lại kể chuyện võ hiệp để ca ngợi cái đức của sự tu hành? Nhưng có lẽ một cái nhìn kỹ lưỡng vào thế giới và nghệ thuật của Kim Dung sẽ cho người ta một đáp thuyết vững vàng hơn.

***
Ghi chú:

Ở trên, trong phần ghi chú, người giới thiệu đã cho rằng, Đỗ Long Vân đã sử dụng cơ cấu luận như một phương pháp "tiện tay, đương thời" để đọc Kim Dung.

Gérard Genette, trong bài "Cơ cấu luận và phê bình văn học", in trong Hình Tượng I (Figures I, nhà xb Seuil, tủ sách Essais, 1966), đã nhắc tới một chương trong cuốn Tư Tưởng Hoang Sơ (La Pensée Sauvage) theo đó, Lévi-Strauss đã coi tư tưởng huyền thoại như là "một kiểu loay hoay về tinh thần" (une sorte de bricolage intellectuel). Chúng ta có thể mượn quan niệm trên đây của Lévi-Strauss, để giải thích tại sao Đỗ Long Vân lại dựa vào cơ cấu luận, khi viết "Vô Kỵ giữa chúng ta". Từ đó, chúng ta có thể đi đến kết luận: Vô Kỵ là ai? (Qui est Ky?, mượn lại câu hỏi của de Gaulle, khi hoà đàm về Việt Nam đang diễn ra tại Paris; Ky ở đây là Nguyễn Cao Kỳ). Biết đâu, nhân đó, chúng ta có thể xác định vai trò của một người viết, như Đỗ Long Vân, ở giữa chúng ta.

Thế nào là một tay loay hoay, hí hoáy (le bricoleur)?


Khác với viên kỹ sư, đồ nào vào việc đó, nồi nào vung đó, nguyên tắc của "hí hoáy gia" là: xoay sở từ những phương tiện, vật dụng sẵn có. Những phương tiện, vật dụng, được sử dụng theo kiểu "cốt sao cho được việc" như thế, ở trong một hệ thống lý luận như thế, chúng không còn "y chang" như thuở ban đầu của chúng nữa.

Cơ cấu luận đã có những thành tựu lớn lao qua một số tác giả như Lévi-Strauss, Roland Barthes, Gérard Genette… và nhất là Michel Foucault, cho dù ông đây đẩy từ chối nhãn hiệu cơ cấu (làm sao nhét vào đầu óc của những kẻ thiển cận…tôi không hề sử dụng bất cứ thứ gì của cơ cấu luận). Trong số những tư tưởng cận đại và hiện đại như hiện sinh, cơ cấu, giải cơ cấu, hậu hiện đại… đóng góp của cơ cấu luận là đáng kể nhất, theo chủ quan của người viết.


***

"Nhưng nếu chưa thể thu ngần ấy cái độc đáo vào một mối, thì trong khi chờ đợi, sao người ta không thử xếp loại chúng?"

Trong khi chờ đợi (Godot?): Thời gian chờ đợi - nếu chúng ta cùng gật gù với Barthes - "Huyền hoặc thay, sở hữu thế gian không bắt đầu từ Sáng Thế Ký, mà là khi tư hữu bắt đầu, tức là từ Đại Hồng Thủy, khi con người bắt buộc phải đặt tên cho từng chủng loại, lo nơi ăn chốn ở cho chúng, tức là tách chúng ra khỏi những chủng loại khác." - phải tính từ Đại Hồng Thủy, và cái công việc "thử xếp loại", cũng đã bắt đầu từ đó. Và đây là lịch sử nhân loại trước khi, và chắc là chẳng bao giờ được thu về một mối.

Và đó cũng làø một trong những "chủ đề" của cuốn "Chữ và Vật".

"Les Mots et les Choses", nhan đề bản tiếng Anh có lẽ sáng sủa và thích hợp với chúng ta: "The Order of Things (Trật tự của những sự vật)." Trong Lời Mở Đầu, ông cho biết, cuốn sách được gợi hứng từ một bài viết của Borges. Và cùng với bài viết, là tiếng cười làm rung rinh cõi tư duy của chúng ta (Tây phương). Borges nhắc tới một cuốn bách khoa nào đó, ở xứ sở của Kim Dung, theo đó, loài vật được chia ra như sau:

a/ thuộc về Hoàng Đế, b/ được tẩm nước thơm, c/ được thuần hóa, d/ heo sữa, e/ nhân ngư, f/ huyền hoặc, g/ chó thả rông, h/ ở trong bảng sắp xếp này, i/ cử động như người điên, j/ không thể đếm được, k/ được vẽ bằng một ngọn bút lông lạc đà thật mịn, l/v…v… và v… v, m/vừa đánh bể một cái bình, n/ ở xa trông như ruồi.


Theo Foucault một bảng phân loại như thế đúng là thách thức lối tư duy của Tây phương. Làm sao có thể hiểu nổi những con vật không có gì giống nhau, lại ở cùng trong một bảng sắp xếp, ngoài cái trật tự abcd như trên? Trong khi tìm hiểu một trật tự như vậy, ông nhìn ra một điều: lịch sử của sự khùng điên sẽ là lịch sử của Kẻ Khác, lịch sử trật tự của những sự vật sẽ là lịch sử của Ta (Le Même). Và đối với văn minh Tây phương, lịch sử của Kẻ Khác – không phải lịch sử trật tự của những sự vật – bị coi là thứ yếu, xa lạ, và bị đẩy bật ra khỏi lịch sử của những Ta. Đây là lý do người điên bị tống vào tù, hoặc bị cưỡng bức lao động.

****

Thu về một mối, ôi cái giấc mơ "thống nhất, đại đồng, hết còn vong thân, hết còn giai cấp… ", sau cùng hoá ra là một cơn ác mộng.

Và chúng ta có lẽ nên bằng lòng cứ thế chờ đợi, như anh chàng nhà quê của Kafka, trước cánh cửa mở ra cái thế giới thu về một mối…

Và con người tự do trong cái hữu hạn đó: trong khi chờ đợi, chẳng biết làm gì, bèn bịa đặt ra những ký hiệu, những ý nghĩa, đặt tên sự vật, sắp xếp, suy nghĩ về chúng, và về chính mình, như là một kẻ ở giữa hai cực điểm: nhà thơ và tên khùng, theo một định nghĩa của Foucault: Thi sĩ đẩy sự tương đồng về những ký hiệu nói lên sự tương đồng đó, người điên coi tất cả những ký hiệu đều chỉ ra, chỉ một sự tương đồng [mọi vật đều giống nhau hết], cuối cùng xóa nhoà mọi ký hiệu.


***

"Remember me,"

whispers the dust.

("Hãy nhớ đến tôi,"

Hạt bụi thì thầm.)

Peter Huchel (thi sĩ Đức)

[Joseph Brodsky trích dẫn, trong "Ca ngợi buồn phiền", "In Praise of Boredom"]

***

Đỗ Long Vân mất tại quê nhà tháng Tám năm 1997. Người viết chỉ được biết, nhân đọc mục thư tín trao đổi với bạn đọc của một tạp chí văn học ở hải ngoại.

Và sau đó có viết vài dòng về ông, như một tưởng niệm muộn, và mượn ngay tên bài viết của ông làm của mình. Cả bài viết của ông, sau bao tai biến, chỉ còn lại một cái tên trong trí nhớ người viết. Gửi theo ông rồi, mới quên điều tính hỏi: Vô Kỵ là ai, mà ở giữa chúng ta?

***

"Mỗi một bài viết bạn đang đọc…", bạn đọc hãy coi những dòng sau đây, như là một bài viết bên lề, vẫn như một lời tưởng niệm muộn, gửi theo người đã khuất.


***

Chết là hết, như người Việt thường nói. Nhưng Volkov, trong bài viết tưởng niệm thi sĩ Joseph Brodsky, "Con sói cô đơn của thơ ca", đã trích dẫn câu thơ của nữ sĩ Akhmatova, "Khi một người đàn ông chết, những bức chân dung của người đó thay đổi", và đưa ra nhận xét, "có chút chi lạnh lẽo ở hai dòng thơ này". Theo ông, thường ra, khi được tin một người bạn mất, và được trao công việc lọc lựa những bức chân dung, ông nhận thấy có những thay đổi thật tế vi, đôi khi gây kinh ngạc, từ nét mặt người quá vãng. Như thể thần chết vạch giùm cho chúng ta thấy một ý nghĩa, một viễn tượng nào đó, ở nơi người chết, chỉ sau khi đã phán bảo: người này chết rồi. Những giai thoại-sau cái chết (the posthumous legend) càng mạnh, hậu quả của chúng càng xáo trộn, ở nơi những bức chân dung đó. Và theo Volkov, chuyện như vậy đã không xẩy ra, trong trường hợp của Joseph Brodsky. Sau khi ông mất vì bịnh tim vào ngày 28 tháng Giêng năm 1996 ở New York City, giai thoại về ông khi còn sống nhập hẳn vào những bức hình của ông, qua đó, là thời niên thiếu nổi loạn trong một thành phố bị vây hãm, cuộc vây hãm 900 ngày, dài nhất trong lịch sử cận đại, chưa kịp hồi phục bị giáng thêm đòn thanh trừng thời kỳ Stalin, rồi tới bản án theo kiểu Kafka của nhà nước Xô viết…

Người viết đã có lần giới thiệu bài tưởng niệm Joseph Brodsky, của T. Tolstaya, rồi nhân đó, tưởng niệm một nhà thơ Việt. Một người quen đã bực mình, tại sao lại để hai nhà thơ kế nhau như thế? Brodsky thì ai cũng biết, nhà thơ bạn anh, đâu có ai biết đến mà chơi cái trò ăn theo!

Tôi thật sự ngạc nhiên, khi bị hỏi như vậy, lần đó.

Trong bài viết của Tolstaya có nhắc tới một người thợ mộc ở Moscow, nhân được phỏng vấn, đã trả lời: Tôi chỉ mong có một cuộc sống riêng tư. Như Joseph Brodsky!

Anh bạn nhà thơ của người viết sau 1975 đã làm nghề thợ mộc. Trước đó anh làm nghề dạy học. Anh khoe, tìm thấy những vân gỗ y hệt những vần thơ!


Cái ông thợ mộc chẳng ai biết đến đó lại mong có một cuộc đời rất riêng tư của một nhà thơ được giải Nobel văn chương!

Cái ông thợ mộc bạn tôi, giả sử như gặp nhà thơ Nga ở cái thế giới nào đó, có thể sẽ là hai người bạn thân. Tôi thực sự mong mỏi như vậy. Và tôi còn tin rằng Joseph Brodsky sẽ thèm thuồng cái số phận của anh bạn thơ của tôi, ở trong cái thế giới cả hai đã cùng từ bỏ.

Nhà thơ Nga bị nhà nước Nga tống xuất, xin xỏ mãi để được ở lại, mà không được. Bạn tôi cứ tà tà ở lại, chẳng ai đuổi, và cũng chẳng thèm đi! Bạn tôi làm thợ mộc, nhà thơ Nga phải làm nghề mổ tử thi. Ông tự hào về nghề đó, và xấu hổ khi phải bỏ nghề. Anh bạn nhà thơ của tôi tự hào là một anh thợ mộc, và anh tìm thấy thơ ở đó, khi không còn có thể làm thơ được nữa.

Thử hỏi Brodsky có tìm thấy thơ từ những xác chết hay không?


Anh bạn nhà thơ của tôi, là bạn thân của Đỗ Long Vân.

Tôi viết bài tưởng niệm Đỗ quân cũng trong ước vọng đó: được có một cuộc đời riêng tư như Đỗ quân.

Bởi vì cái cuộc đời riêng tư đó thật là hiển hách vô cùng, đối với đám tụi tôi. Đám chúng tôi, khi đi trình diện nhập ngũ, trưng đủ thứ bằng cấp, để được đi học sĩ quan (bằng tú tài), để được biệt phái về một đơn vị không tác chiến (bằng chuyên môn)…

Đỗ quân, tuy bằng cấp đầy mình, đã từng du học Paris, giáo sư đại học, đi trình diện như một cái bang chẳng có một túi nào!

Sĩ quan, binh lính miền nam trước 1975 thường mặc quân phục bó sát người. Kỷ niệm của tôi về Đỗ quân, trong lần tình cờ đi cùng anh bạn thi sĩ Joseph Huỳnh Văn ghé thăm ông tại Đài Truyền Tin Phú Lâm, là một anh lính trong bộ quần áo nhà binh rộng thùng thình, tươi cười, thoải mái. Tôi có cảm tưởng ông thoải mái hơn cả lần đầu gặp tại quán Cái Chùa, đường Tự Do.


****

III. Truyện võ hiệp cổ điển.

"Sự khác nhau trong bản chất giữa họ, tuy nhiên, là của đêm và ngày."

ĐLV

"Rạng đông chỉ là khởi đầu một ngày; đêm xuống mới là lập lại."

Claude Lévi-Strauss

"Nhân loại tầm thường làm sao tham dự được vào cuộc xung đột ấy giữa những lý tưởng? Họ chỉ có thể chiêm ngưỡng".

ĐLV


Như trên đã nói thì võ công, trong truyện võ học cổ điển, có cái vô danh của một phương tiện. Không ai phân biệt tà và chính giữa những võ công. Nhưng giữa các môn phái thì sự phân biệt ấy lại rất minh bạch. Các môn phái đều dùng một thứ võ. Sự khác nhau trong bản chất giữa họ, tuy nhiên, là của đêm và ngày: Tà môn tượng trưng cho tội ác cũng như Chính phái tượng trưng cho công lý. Và cái thế chia đôi ấy của võ lâm không thể thừa chỗ cho một nghi vấn nào.

Người anh hùng là người của công lý. Ấy thường là một thanh niên cha mẹ sớm bị hại và may được một dị khách lượm về nuôi và truyền thụ võ công. Truyện bắt đầu khi đã thành tài, chàng từ biệt ân sư xuống núi để tính chuyện phục thù. Nhưng trước khi công thành thì đã bao lần chàng sa vào ổ giặc, đã bao lần chàng phải đương đầu với cường quyền và bạo lực, đã bao lần chàng can thiệp vào những chuyện vong luân. Thù nhân của chàng lẽ dĩ nhiên cũng là một nhân vật trọng yếu của cái xã hội phức tạp ấy của tội ác. Và người ta hiểu rằng trong công việc của chàng, công lý và tư thù chỉ là một. Con đường tầm cừu cũng là con đường nghĩa hiệp, và khi thù nhân đã đền tội dưới tay chàng thì người anh hùng cũng biết rằng tất cả chỉ mới bắt đầu, và mối thâm thù của chàng chẳng qua là một cớ để mở màn và chấm dứt một cách dễ coi một giai đoạn trong cuộc xung đột muôn đời giữa Tà đạo và Chính nghĩa.

Chính nghĩa không thể nào thua. Cho nên khi người anh hùng xuống núi là người đầy những võ công cái thế. Không ai địch nổi, từ hắc điếm đến ác tù, đả lôi đài xong lại phá sơn trang, cướp pháp trường, giết tham quan, diệt thảo khấu, chàng theo đuổi một hành trình vạn thắng và không bao giờ trong đầu chàng một nghi ngờ có thể thoáng qua về cái sứ mạng thiêng liêng của chàng. Truyện cũng diễn ra theo một đường thẳng như cuộc hành trình ấy. Lẽ dĩ nhiên cũng có lúc người anh hùng lâm nguy và tính mạng bị đe dọa. Ngay khi ấy người ta vẫn yên tâm, vì người ta biết rằng dù chàng có chết thì ấy cũng là một cái chết vinh quang cho sự thực hiện công lý ở trên đời, và người thắng trận rốt cuộc vẫn là chàng. Sự hồi hộp không thể có trong truyện võ hiệp cổ điển. Người ta theo người anh hùng từ chiến công này đến chiến công khác. Đó là ngần ấy giai đoạn của một con đường chỉ có một chiều và chúng tiếp theo nhau thành tràng hạt, nghĩa là giữa chúng không có sự tương quan nào ngoài sự tiếp theo nhau. Từ chiến công này đến chiến công khác, ý nghĩa của truyện cũng như tâm lý nhân vật không hề thay đổi. Chiến công nào thì cũng chỉ ca tụng một lần nữa cái anh hùng của người anh hùng và sự thắng trận muôn đời của chính nghĩa trên tà đạo.

Nhân loại tầm thường làm sao tham dự được vào cuộc xung đột ấy giữa những ý tưởng? Họ chỉ có thể chiêm ngưỡng. Tương quan duy nhất giữa họ và thế giới của truyện là một tương quan ngoại tại. Những nhân vật vốn là những Ý tưởng nhập thế không thể có tâm sự nào dể họ chia sẻ. Kẻ được người thua lại định sẵn từ trước. Cho nên diễn biến của truyện không dành cho người ta một bất ngờ nào và người ta cũng không có dịp để tự hỏi và trông chờ những gì sẽ xẩy ra. Tất cả đều sẵn có một ý nghĩa cố định và trong một thế giới minh bạch ấy, người ta thừa đoán là không có một chỗ nào cho bóng tối, cho nghi vấn, cho sự tò mò. Người đọc đã biến thành khán giả để xem, nhìn, ngắm sự tái diễn của một vở tuồng mà người ta thuộc kỹ từng giai đoạn.

Vẫn những vai trò và một trò ấy, khác duy ở những diễn viên và cảnh trí, nghĩa là ở những thay đổi ngoại tại. Nghệ thuật kể chuyện trở thành một nghệ thuật dàn cảnh. Và cái ngoạn mục trong nghệ thuật ấy là giá trị đầu tiên. Sự mô tả trong truyện võ hiệp cổ điển chiếm một phần quan trọng. Có gì mô tả được mà không được mô tả tỉ mỷ? Ấy là cái dị hình của những khí giới, cái hiểm hóc của những cơ quan, cái hùng vĩ của những sơn trại, cái uy nghi của những thao trường, cái náo nhiệt của những chốn phồn hoa, cái sặc sỡ của áo gấm và quần mầu, cái nhịp nhàng của những võ công như vũ điệu… Tất cả đều đập vào mắt người ta, tất cả đều phô trương sự tinh xảo của những kỹ thuật nhân văn, tất cả đều biểu diễn một trật tự minh bạch và không thể nghi ngờ. Ý nghĩa của tất cả đều có thể đọc ngay lập tức, nghĩa là đều xuất hiện ra ngoài mặt. Ngay những tình cảm cũng được diễn tả một cách trực tiếp. Khi tức giận thì thét lác ầm ĩ, khi thích chí thì cười um lên như phá, khi đau khổ thì rống như dã thú bị thương; và đáng tiếc thay, khi e lệ, những trang nữ hiệp cũng "mân mê tà áo" như một cô gái tầm thường. Nhưng người ta hiểu rằng trong cái thế giới để chiêm ngưỡng ấy, cũng như trên sân khấu, thực tính của những cử chỉ không quan trọng bằng ý nghĩa của chúng; và trước khi làm người ta cảm động thì công việc là làm cho người ta thấy đã. Càng ước lệ thì sự diễn tả lại càng công hiệu.

Tâm lý nhân vật được giản lược đến mức tối đa. Lẽ dĩ nhiên nhân vật nào cũng được gắn cho một cá tính. Nhưng cá tính ấy không có gì giống cái phức tạp của một tâm hồn mà, nếu có thể nói như thế, chỉ có thể có tính cách ngoại tại của một con số để phân biệt nhân vật này với nhân vật khác, như có kẻ trung thì có người gian, có người nóng nảy thì có kẻ ôn hòa, có kẻ mưu cơ thì có người chất phác. Cho nên không những tác phong, cử chỉ, ngôn ngữ của nhân vật đều diễn tả một cách rõ ràng cái cá tính mà người ta đã gán cho y, mà cá tính ấy còn có thể trông thấy trên y phục, võ khí, và diện mạo của y nữa. Nhất là trong các nhân vật phụ thì người ta thấy rằng các dị điểm, từ cái răng vẩu đến con mắt lồi đều được tô đậm và thổi phồng lên, như những nghịch họa, để ai cũng có thể nhận ra một cách dễ dàng. Người anh hùng tuy nhiên được miễn cái nạn tả chân thô thiển ấy. Ấy là tại con người chàng vốn là kết tinh của Chân, Thiện, Mỹ, trong sự tuyệt hảo của nó, chỉ có thể ở ngoài tầm những tĩnh từ. Uy vũ, khôi ngô, tuấn tú… chữ nào có thể xứng với cái bản chất siêu tục của người anh hùng? Cái mặt nạ người ta thấy chàng thường đeo khi hành hiệp lẽ dĩ nhiên không thể làm tăng trưởng một bí mật vốn đã trong suốt như ban ngày, nhưng [mà là] để xóa bỏ cái phần nhân loại cuối cùng trong người chàng và đưa chàng tới cái vô danh của ý niệm. Con người sau cái mặt nạ ấy không còn là một cá nhân với những dị điểm và một đời sống tư nữa. Hắn là Thần Công Lý. Khi thì như ma quỷ, khi thì như thiên thần, nhân vật võ hiệp cổ điển là những nhân vật quá độ. Không có gì giống nhau giữa họ và anh và tôi. Nhưng tất cả cố gắng của người kể chuyện là để tách họ ra khỏi cái nhân loại thường ngày, để thấy họ là người ta biết ngay rằng câu chuyện đang xẩy ra không phải là một chuyện giữa người và người và những nhân vật ấy chỉ là những diễn viên của một vở tuồng kể lại cuộc xung đột muôn đời giữa Tà đạo và Chính nghĩa. Tất cả đều xẩy ra trên bình diện của những ý tưởng.

***

Ghi chú:

Tất cả đều xẩy ra trên bình diện ý tưởng…

"Với những nhà bác học, sáng và chiều, là chỉ một hiện tượng, và người Hy Lạp cũng nghĩ như vậy, khi dùng cùng một từ để chỉ…", C. Lévi-Strauss trong thiên bút ký Nhiệt Đới Buồn, cho rằng, sự nhập nhằng trên, là do nỗi âu lo "trên bình diện lý tưởng", nói rõ hơn, coi trọng cái ý tưởng mà vờ đi cái cụ thể. Thực tế cho thấy, vẫn theo Lévi-Strauss, qua những trang "hành ký" (feuilles de route) viết trên tầu (écrit en bateau) của ông, chiều và sáng rất đỗi khác biệt. Mặt trời mọc là một dạo đầu (un prélude), mặt trời lặn, một mở ra (une ouverture) đưa đến kết thúc, thay vì một bắt đầu (commencement) như trong những opéras cổ. Rạng đông chỉ báo hiệu những giờ giấc đầu tiên của một ngày, bộ mặt của "ông mặt trời" âm u và tái nhợt hứa hẹn buổi sáng mưa, hồng hồng, nhẹ nhõm, một ngày sáng sủa, vậy thôi, ngày sau đó tiếp tục và rạng đông chẳng cho biết gì hết. Mặt trời lặn là một chuyện khác hẳn: đây là một trình diễn đầy đủ, với một khởi đầu (début), một khúc giữa (milieu), và một đoạn chót (une fin)…. Rạng đông là một khởi đầu của một ngày; hoàng hôn mới là lập lại của nó. (L’aube n’est que le début du jour; le crépuscule en est une répétition).

Nhưng những điều trên liên can gì tới đen và trắng, tà và chính, tới "Thần Công Lý", như là một nhân vật "quá độ", trong tiểu thuyết võ hiệp cổ điển?


Quá độ, một từ nghe quen quen… Liệu "Thần Công Lý" có họ hàng gì với một "Thép Đã Tôi Thế Đấy"? Và khi Đỗ Long Vân viết, "Không có gì giống nhau giữa họ và anh và tôi", ông đã không chấp nhận một sự tương đồng giữa "họ và anh và tôi", hoặc đã nhận ra bộ mặt thực của Thần Công Lý, hoặc của một chủ nghĩa "bị kết án phải quá độ", như là số phần của nó?

***

Sức nặng của Bóng Đen.

"Trong cơn tận, mọi ánh sáng cùng một lúc được thu gom để tắt ngấm. Như trong một viên ngọc của một mầu đen, huyền, tuyệt, tuyệt."

George Steiner (Tuyệt Bi).

"When relationships with divinity fail, human relationships must save"

Ruth Padel (Đọc G. Steiner)

(Tạm dịch: Khi mất tương giao với thần, phải cứu tương giao với người).


Hình ảnh của bi kịch là bóng đen, theo G. Steiner. Khi Titus và Bérrénice nói lời thiên thu giã biệt, "Trong cơn tận mọi ánh sáng được thâu gom để rồi tắt ngấm…" ("all light is momentarily gathered and put out. As in a pearl, flawlessly black"). Đen tuyền, tuyệt, tuyệt, hay là "đen trên đen" (black on black), là hình ảnh của tuyệt bi (bi kịch tuyệt đối).

Nếu văn học Tây phương bắt đầu bằng "Iliade hay là Bài thơ của Sức mạnh" (Simone Weil: L’Iliade ou le poème de la force), nó còn bắt đầu bằng Bóng Đen. Ánh sáng tượng trưng cho hy vọng, đời sống, và ý nghĩa (meaning). Bóng Đen là triệt tiêu mọi thứ đó.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng: Mực đen, đèn sáng, chúng ta như nhìn thấy hình ảnh một người đọc sách dưới ánh đèn ở đây. Đọc là hành động tối hậu của sự cô đơn. Một cuốn sách là một "bùa chú" chống lại cái chết; hay bóng đen, như một hình ảnh cổ xưa của người Hy Lạp về cái chết. (G. Steiner).

Loạn đọc thư (Khổng Tử): Chúng ta như hình dung ra hình ảnh Đỗ Long Vân ngồi đọc Kim Dung, dưới ánh đèn, và chung quanh ông là bóng đen của một nỗi chết không rời…

Và hình ảnh một Vô Kỵ ở giữa chúng ta, cũng bắt đầu xuất hiện, theo nghĩa: viết là sống bên trong một tác phẩm, và bên ngoài một nỗi chết không rời.

Nếu đọc là bùa chú chống lại cái chết, thì viết là một toan tính vượt lên trên cái chết.


***

Những người lính chuyên nghiệp kể cho người viết một kinh nghiệm như thế này: sau khi ăn một quả pháo mà không chết, nói rõ hơn, ngay sau khi một quả pháo nổ kế cận bên họ, là nhẩy vào cái hố vừa mở ra, biết chắc chắn một điều, quả pháo kế tiếp không thể nào nhè chỗ đó mà nổ.

Những cư dân của một thành phố Sài Gòn thời kỳ chiến tranh chắc còn nhớ kinh nghiệm này: khi nghe tiếng hoả tiễn réo xèo xèo ngang đầu, là biết rõ một điều, trái hoả tiễn đó không dành cho mình.

Một cư dân của Sài Gòn lúc đó (một nhà thơ), khi phải so sánh AK47 với M16, sức tác hại, hiệu năng… đã trả lời: AK47 khủng khiếp hơn nhiều! Cái tiếng ùng ục đó, bạn không thể phỏng đoán, nó ở hướng nào. Kỹ thuật âm thanh "surrounded" chắc là được "gợi hứng" từ tiếng súng AK47 ?

… Một thành phố tôi đã chết ở trong, nay sống lại, chỉ để kể về nó.


NQT giới thiệu