*





Tưỏng Niệm Trịnh Công Sơn

Und bin ganz allein in dem grossen Sturm
Arnold Schoenberg: The Orchestra Songs op. 22
[And am all alone in the great storm:
[Mình] hoàn toàn cô đơn trong cơn bão lớn]

Đừng sợ nữa. Bạn sợ như vậy là đã quá đủ cho đám tụi mình rồi. Tất cả chúng mình đều phải chết. Nhưng bạn chưa chắc đã phải chết. Có lẽ những bản rất tình ca của bạn, là cái phải đại diện cho cả lũ chúng mình với hậu thế. Bạn đã phục vụ chúng tớ bằng tình bạn trung thành và chân thực. Thời của lũ chúng ta chắc là chưa buông tha cho bạn đâu.

[Mô phỏng Elias Canetti, khi ông mừng sinh nhật lần thứ năm mươi nhà văn Herman Broch. Nguyên văn tiếng Đức, bản dịch tiếng Anh của Joachim Neugroschel, trong Lương Tâm Của Chữ, The Conscience of Words : Don' t be afraid, you have been afraid enough for us. We have all to die; but it is still not certain whether you too have to die. Perhaps your very words are what must represent us to posterity. You have served us with loyalty and honesty. The age will not release you].

Vụ Lễ Hội Hoà Bình bị đình hoãn, chắc là nguội điện luôn, xung quanh chuyện nguội điện luôn này, có hơn một lời giải thích. Ông nhà nước nói, không phải tại ông, mà cũng không phải tại... ban tổ chức. Ban tổ chức nói, vì lý do kỹ thuật (?) chứ không phải vì một ông ca sĩ ngoại tham gia trong chương trình, lên tiếng, tôi không thể hát ở một nơi có người vừa bị cùm vừa bị tra tấn bởi những tiếng hát ngợi ca hoà bình của tôi. (1)
Nghe nói, cô em nhạc sĩ muốn nhân dịp này làm sống lại những bài ca phản chiến của ông anh, và theo tôi, đây mới là lý do, ông chết rồi, mà nhà nước vẫn không cho phép ông nhận giải thưởng.
Bởi vì, nếu như vậy, hóa ra là cuộc chiến thần thánh chống Mẽo cứu nước, đỉnh cao nhân loại, bước ngoặt lịch sử.... chẳng đáng đồng xu teng, khi vinh danh nào những "người chết hai lần", "ba mươi năm nội chiến từng ngày"...?

Bỏ qua mọi chuyện đó, trong bài tưởng niệm ông, Gấu tôi chỉ muốn bắt đầu bằng một lời khuyên, của tôi, cho chính tôi: Chớ bao giờ hát lại những bài ca phản chiến đó nữa!

Và tôi tin rằng, đây cũng là ý nghĩ của Trịnh Công Sơn, nếu ông còn sống.
Bởi vì, tinh thần phản chiến thứ thiệt của ông, là ở trong những bài tình ca của ông.


Tôi nhớ những ngày cải tạo ở miền nam, và sau này tự hỏi, tại sao không hề nghe, dù chỉ một lần, tiếng nhạc TCS?

Liệu có thể, vì lý do này:
Heard melodies are sweet, but those unheard
Are sweeter; therefore, ye soft pipes, play on;
Not to the sensual ear, but, more endear'd
Pipe to the spirit ditties of no tone.
Keats.
[Adorno trích làm đề từ, cho bài viết về Arnold Schoenberg 1874 - 1951]
[Những khúc hát nghe được thì ngọt ngào, nhưng những khúc không nghe ra,
Còn ngọt ngào hơn; vậy nên, sáo êm ơi, hãy tiếp tục reo ngân
Không phải cho tai trần, mà thật thân
với những khúc tâm linh chẳng hề có chủ âm].

Hay là:
Chính họ, trong có tui, cảm thấy tủi hổ, cho chính họ, và cho cả TCS, nếu hát nhạc đó, ở nơi trại tù....
Cái vụ tủi hổ này, có nhiều nguyên nhân.

Có thể, nó còn liên can tới cả một cái nhìn to tổ bố, về thế nào là văn chương dấn thân!

(1) Báo Asia Times bản trên mạng Internet còn trích lời ca sỹ Mỹ Joe McDonald, tác giả của tác phẩm nổi tiếng "Fixin' To Die" lên án cuộc chiến do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, cho biết ông cũng sẽ không đến dự hòa nhạc ở Hà Nội.
Báo này trích lời Joe McDonald nói ông không ủng hộ chủ nghĩa cộng sản 'vốn có xu hướng trở thành toàn trị'.
Ca sỹ này nói cha mẹ ông từng là những người cộng sản Mỹ nhưng sau đã từ bỏ đảng vì đảng 'thiếu dân chủ'. Ông còn cho rằng với một nghệ sỹ hippie viết ca khúc phản đối như ông thì không thể tồn tại ở Việt Nam được: "As a hippie protest songwriter, I could not exist in Vietnam today". [Không thể có tôi, ở Việt Nam ngày nay, bởi vì tôi là một người viết nhạc híp phi thuộc loại chống đối].
[Trích BBC trên net]

Lễ trao giải Âm nhạc Hoà bình thế giới sẽ được tổ chức tại TPHCM?

Theo thông cáo báo chí ngày 9.7.2004 (được gửi qua mạng đến các báo) của Ban tổ chức giải thưởng Âm nhạc Hoà bình thế giới (WPMA) tại VN thì lễ trao giải thưởng nói trên trước đây dự định tiến hành tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) tối 22.6.2004 (đã bị hoãn) nay sẽ được tổ chức tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh tối 25.9.2004.
Tuy nhiên, chiều 9.7, qua trao đổi với người có trách nhiệm của đơn vị đối tác phía VN (do Bộ VH-TT uỷ nhiệm) với WPMA, phóng viên báo Lao Động được biết: Việc hoãn lễ trao giải tối 22.6 là do phía WPMA đơn phương dừng. Về đề nghị lùi lễ trao giải, ngày 7.7, phía đối tác VN đã gửi văn thư tới WPMA thông báo không thể tiếp tục hỗ trợ chương trình này, bởi thời gian từ nay đến cuối năm 2004, VN phải tổ chức nhiều hoạt động quốc tế quy mô lớn đã được hoạch định từ trước.
Như vậy, chương trình nói trên tại VN sẽ không diễn ra như thông báo của WPMA.
Lê Quang Vinh [Lao Động]

Milosz, trong một bài trả lời phỏng vấn, cho biết, ông đào thoát, xin tị nạn tại Pháp tháng Hai năm 1951. Viết Cầm Tưởng, [Cái Đầu Bị Cùm], mùa xuân cùng năm, hoàn tất vào mùa thu cũng trong năm. Trong lời tựa, ông cho biết, viết để thanh toán một lần cho xong. Và hy vọng chẳng bao giờ phải đụng lại với vấn đề này nữa.

Trong ý nghĩ đó, theo tôi, những bản nhạc phản chiến của TCS đã được "thanh toán".
Milosz cho rằng, cuốn sách không thuộc dòng của ông [that isn't my line]. Ông viết nó, như kẻ lưng đụng vô tường, hết đường lui.
Cũng trong bài viết, ông nhắc đến cảm giác hết sức bối rối, khó chịu, của Pasternak, khi được trao giải thưởng Nobel văn học, do cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, chứ không phải do thơ. Bản thân Milosz cũng được nổi tiếng, là nhờ Cầm Tưởng.
Tôi nghĩ, Trịnh Công Sơn có gì tương tự với hai trường hợp trên. Ông nổi tiếng cả thế giới, là nhờ nhạc phản chiến. Nhưng thứ đó, thực sự "không thuộc dòng của ông".
Như Milosz, ông đụng lưng vô tường, khi viết nó.
Nhưng tình ca, mới là nhạc phản chiến đời đời của ông. Và của loài người.
Hãy hát tình ca của ông, theo nghĩa mà Brodsky định nghĩa: Nếu có gì có thể thay thế cho tình yêu, thì đó là hồi ức.
Tình ca của TCS, là hồi ức, là tưởng nhớ, là kinh cầu cho một miền nam hòa bình đã mất.

“Cái từ giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng và nỗi đau làm người là hai chữ: Tình Yêu.”


Nhiều người trách ông, đã hát lên bài Nối Vòng Tay Lớn, vào đúng cái ngày đầu tiên tủi nhục đó.

Nhưng Nối Vòng Tay Lớn là ước mơ của cả miền nam, của bất cứ một người, kể luôn cả những người lính miền nam, theo như Gấu tôi hiểu, bởi nếu không như thế, họ đã chẳng thể nào nào chịu gãy súng.
Sự tủi nhục, là sau đó, không phải trước đó.
Chính vì vậy, theo tôi, ở trong trại cải tạo, nhạc của ông không hề được hát lên, ở giữa những bạn tù. Họ cảm thấy tủi nhục, vì đã bị lừa, như ông đã từng bị lừa.
Bởi giấc đại mộng: Nối Vòng Tay Lớn.

Người ta thường chê trách thi văn sĩ, nhạc sĩ là những người mơ mộng.
Nhưng những giấc mơ của họ, nếu không thực hiện được, thì đâu phải lỗi ở họ?

Trong một bài viết trên tờ Điểm sách Nữu Ước, The New York Review of Books, Nov 14, 1996 John Bayley cho rằng, bài thơ nổi tiếng của Paul Celan, một thi sĩ gốc Do Thái, một kẻ sống sót Lò Thiêu, Tẩu Khúc Của Thần Chết, chính bài thơ này lại làm cho người Đức cảm thấy thoải mái, theo nghĩa, nó làm cho họ có thể chịu đựng nổi tội ác Lò Thiêu!
Giống như khôi hài đen, một nghệ thuật lớn, rất thịnh hành cùng lúc với bài Tẩu Khúc Của Thần Chết.

Thí dụ như câu khôi hài này:

Người Đức sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho người Do Thái, vì cái vụ Lò Thiêu!

Sau 1975, một nghệ thuật lớn, khôi hài đen, về chế độ mới, cũng ra đời tại miền nam.
Và để giải thích cho chuyện cải tạo mút mùa, anh em bạn tù cũng đã bịa ra câu chuyện khôi hài đen sau đây:

Những người Cộng Sản sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho đám nguỵ chúng ta, vì đã không giải phóng miền bắc.

 
Chúng ta cứ thử tưởng tượng, miền nam giải phóng miền bắc, đô la Mẽo sẽ xuất hiện từ lâu tại đó. Đâu xảy ra tình trạng tham nhũng, thèm khát đô la xanh như bây giờ!
Nhưng, nói một cách "nghiêm túc", Tình Ca TCS có gì tương tự với Tẩu Khúc Của Thần Chết.
Một tố cáo Lò Thiêu, một, Lò Cải Tạo.

Chú thích:
Bạn Gấu, NKL, sĩ quan thám báo, 13 niên, đã từng bị nhân dân mắng vốn: mấy cháu đánh đấm ra làm sao mà đến nông nỗi này? Mấy bác cứ mong hoài ngày chúng cháu ra giải phóng đất bắc.