Mẹ có đau khổ không, Mẹ ơi,
như Mẹ đã từng đau khổ...
Tại sao thi sĩ, trong một thời đại
khốn khổ như thế này?
(Pourquoi des poètes en temps de détresse? Holderlin)
Theodor Adorno, triết gia Đức gốc Do
thái, cho rằng sau cuộc
chiến, chẳng những không thể, mà còn chẳng nên viết. Rằng, làm thơ ca
trữ tình
sau kinh nghiệm Auschwitz là một hành
động dã
man. Một hành động thậm vô tình, ngu si đần độn, mà một thi sĩ thực sự
chỉ còn
một cách là tháo lui, chào thua. Hãy hiện hữu trong vắng bóng, trong im
hơi
lặng tiếng.
Celan cho thấy là Adorno đã lầm. Ông, có lẽ, là thi sĩ duy
nhất làm được điều đó.
Đã có nhiều thơ ca viết về Lò Thiêu Người, đọc lên nghe cũng
cảm động, nhưng chúng không thể trở thành điều khủng khiếp: Lò Thiêu
Người.
Chúng không thể thực hiện được điều này bằng giọng độc nhất của thi ca.
Celan,
chỉ mình ông, đã làm thế giới đó trở thành của riêng ông, như một nhà
thơ.
Ông sinh ra với tên Paul Antschel, đôi khi viết là Ancel,
trong một cộng đồng Do thái định cư tại Bukovina, phía bắc Romania.
Celan,
một trò chơi đảo tự, là bút hiệu được ông sử dụng từ năm 1947, và trở
thành tên
thật. Điều này cũng đặc biệt đối với một thi sĩ từng gọi một trong
những thi
tập của mình là "Bông Hồng của Không Ai", Die Niemandrose, một từ
tiếng Đức, đẹp, không thể dịch được, ôm hình ảnh ma quái của một thi sĩ
biết
anh ta không hiện hữu, ngoại trừ trong những từ mà anh ta tạo nên.
Bao tình cảm đối với bậc sinh thành, Celan dồn hết cho bà
mẹ. Bà đã từng thủ thỉ với cậu con những vần thơ và cổ văn Đức. Ông
viết về bà
thật cảm động:
Và mẹ có đau khổ không, mẹ ơi,
như mẹ đã từng đau khổ, ôi chao, một lần ở quê nhà,
Sự dịu dàng, tiếng nói Đức, điệu ru đau buồn đó.
Celan không làm sao quên nổi cái chết
của bà mẹ. Vào năm
1942, một năm sau khi Đức xâm lăng, cha mẹ ông bị đưa đi trại tập trung
ở
Ukraine, nơi người cha chết vì bệnh bang đỏ, bà mẹ bị giết, hình như bị
bắn vào
sau cổ bởi tụi Đức, sau khi bà ngã bịnh và không thể làm việc. Trong
một trại
cưỡng bức lao động khác tại Romania, người con sống sót, tìm được cách
qua
Vienna từ Bucharest, hai năm sau khi chiến tranh chấm dứt, và sau đó,
tới Paris
vào năm 1948, nhưng thực ra hồn ông vẫn quanh quất ở Ukraine, nơi bà mẹ
ngã
xuống. Ông đã viết về cái chết của mẹ, trong những vần thơ đầu, bằng
những từ
giản dị không thể chịu được:
Cây Bạch Dương
Bạch Dương lá trắng trong đêm
Tóc mẹ tôi chẳng bao giờ bạc...
Vòng sao, cây cuộn vòng vàng
Trái tim mẹ tôi bị cắt bằng dây chì.
Cửa sồi kia, ai ép mi kẽo kẹt
Mẹ dịu hiền của tôi chẳng thể trở về.
Đối với Celan, ngôn ngữ độc nhất có
thể diễn tả nỗi mất mát
lớn lao đó là tiếng Đức, tiếng được nói bởi những người đã gây nên điều
đó. Tuy
có thể nói được tiếng Romanian, tiếng Yiddish, bà thực tình cảm nhận
tiếng Đức
mới là tiếng mẹ đẻ của bà, như người con sau này đã từng khẳng định:
"Chỉ
trong tiếng mẹ đẻ, một người mới nói lên sự thực của riêng người đó.
Trong
tiếng nước người, thi sĩ nói dối." Ông đã nói lên sự thực của riêng
ông, bằng
tiếng mẹ đẻ và cũng là tiếng của đám người đã giết bà.
Thực sự, vào thời gian chấm dứt cuộc chiến, Celan chưa từng
suy nghĩ, ông sẽ là một thi sĩ. Và nếu như vậy, ông sẽ sử dụng ngôn ngữ
nào.
Ông "ở nhà", trong tiếng Romanian, và bị quyến rũ bởi những tính chất
riêng của nó, cảm thấy thích hợp với dòng thơ siêu thực mà nhiều thi sĩ
Romanian thời đó thường làm. Ông hầu như cũng "ở nhà", với tiếng
Pháp, và tiếng Nga - ông đã từng viếng thăm Paris trước chiến tranh và
có ý
định trở nên một sinh viên y khoa - và ngay cả trong thời gian chiến
tranh ông
đã dịch những thi sĩ được ông yêu thích như Esenin, và Mandelstam. Suốt
cuộc
đời, ông dịch đủ loại thi sĩ - Marvell, Housman, Emily Dickinson... và
rất
nhiều thi sĩ khác nữa - nhưng sự thực của riêng ông chỉ có thể thốt lên
bằng
tiếng mẹ đẻ, tiếng của bọn đao phủ.
Như Mandelstam mà ông ngưỡng mộ, theo đó, thi ca giản dị chỉ
là "văn hóa thế giới", Celan cho cảm tưởng, ông có thể đem vào thi ca
mọi điều Âu châu và Mỹ châu có thể dâng hiến, trong khi cùng lúc, vẫn
là chính
mình, một cách trọn vẹn, một cách đau thương, tức tưởi. Nghịch lý này
cũng thật
hiển nhiên, ở Kafka - Celan đã dịch một số truyện của Kafka qua tiếng
Romanian,
vào lúc cuối cuộc chiến. Kafka đã làm những độc giả nước ngoài say mê
ông ngạc
nhiên, khi tỏ ra là một người tin tưởng mạnh mẽ, và ái quốc, đối với Đế
Quốc
Hapsburg cổ xưa. Cũng vậy, Celan coi Vienna, một trong những thành phố
bài-Do
thái nhất Âu châu, như Thánh địa thiên nhiên của bất kỳ một dân tộc
Trung-Âu có
văn hóa: Những dân tộc ngoại vi Đế quốc Áo-Hung đã nhìn Vienna như ngôi
nhà
tinh thần của họ.
Ở đó, Vienna,
vào năm 1947, Celan đã tạo dựng con đường của ông một cách gian khổ,
khó khăn.
Ông tự trình diện, cùng những bài thơ của mình trứớc một tạp chí. Một
người
quen biết hồi đó, sau này viết, về mặt văn chương, không biết ông ở đâu
chui
ra, một nhận định "cha chú" làm bực mình những đồng hương của Celan,
ở Bucharest. Một nhà xuất bản Thuỵ sĩ còn hùa theo, khi ca ngợi một
cách ngây
thơ, Celan đã "vượt mọi khó khăn" làm chủ được tiếng Đức để có thể
làm thơ bằng tiếng đó. Làm sao một anh chàng Do thái-Romanian trẻ tuổi
từ một
vùng đất nhà quê hủ lậu lại có thể làm được điều này? Nhà xuất bản nói
trên đã
xuất bản một số thơ của Celan vào năm 1948, bài Cây Bạch Dương được
xuất bản ba
lần trong cùng năm. Như chúng ta đã biết, bà mẹ đã từng thủ thỉ đọc cho
cậu con
nghe Goethe và Schiller, đã nuôi dưỡng cậu ngay từ khi còn nhỏ trong
thế giới
của Holderlin và Rilke, mặc dù bà đã đôi khi nghi ngờ tài thi phú cùng
là tương
lai của cậu. Và tuy hai mẹ con thân thiết như vậy, bà chẳng bao giờ để
mắt tới
những vần thơ Đức của ông, thi sĩ đã có lần chua xót ghi nhận.
Lý do chính của danh vọng tức thời - một điều sau này Celan
ân hận và gần như loại ra khỏi cuộc đời của ông - đó là từ một bài thơ
"lạ
thường" mà ông làm liền sau khi chiến tranh chấm dứt,
"Todesfugue", "Tẩu Khúc của Thần Chết". Thực ra bài thơ lần
đầu xuất hiện trên báo Romanian, do một người bạn của Celan dịch, mặc
dù bản
thân ông có thể làm điều này. Tên của bài thơ khi được dịch là "Tangoul
Mortii", "Điệu Tango của Thần Chết". Không phải Celan là người
đầu tiên đặt tên bài thơ của ông là "Tango của Thần Chết", một tên sĩ
quan SS cũng mơ mộng, và đã từng ra lệnh cho một dàn nhạc Do thái ở một
trong
những trại tập trung soạn và chơi bản nhạc có tên như vậy. Cũng vẫn
điệu Tango
đã từng được chơi tại Paris
khi Celan ở đó vào đầu năm 1939. Ban nhạc sau đó đã phục vụ Hitler và
Goebbels,
cả hai đều thích điệu Tango, thay vì Jazz của New York, bị coi là thoái hóa.
Cho dù Tango (văn minh Mỹ châu La tinh) hay Fugue (văn hóa
âm nhạc Đức), bài thơ khác thường của Celan không như bất kỳ một "cái
gì
khác" - một nghệ phẩm thực sự, nguyên sơ nào cũng bắt buộc phải như vậy
-
không giống ngay cả những điều ghê tởm mà nó đã diễn tả, hoặc nó từ đó
mà ra. Không
phải bài thơ đã "chuyên chở" những điều ghê tởm "bầy ra
đấy", nhưng nó tạo nên một viễn ảnh tuyệt đối, của riêng nó, về chúng:
Bắt
buộc phải như vậy, thi ca vĩ đại "đẻ ra" thế giới của riêng nó.
Chúng ta có quyền nghi ngờ, có một nghịch lý ở đây. Có một
điều đáng nghi ngờ về sự "thành công mang tính đại chúng" của bài thơ
"Tẩu Khúc của Thần Chết" ở Đức, sau khi chiến tranh chấm dứt, đặc
biệt trong giới trẻ, trở thành trò thờ phụng, sùng bái. Auden đã từng
nói:
"Không một thi sĩ nào có thể ngăn cấm chuyện thơ của người đó được sử
dụng
như là trò phù thuỷ." "Tẩu Khúc của Thần Chết" đã đem đến cho
người Đức một niềm khuây khỏa "lớn lao, kỳ diệu", ngang xứng với khôi
hài đen, một nghệ thuật lớn vốn thịnh hành cùng thời: "Người Đức sẽ
chẳng
bao giờ có thể tha thứ cho người Do thái về Auschwitz."
Nhưng bài thơ, chính bài thơ, trong sự thăng hoa tuyệt vời, hoàn toàn
dửng dưng
trước tất cả những phản ứng "ngoắt ngoéo", và luôn cả những đáp ứng
của trái tim con người.
Tác giả của nó không được may mắn như vậy.
Trong những lần nói chuyện sau đó ở Đức, về thơ ca của ông,
Celan đã kết hợp mọi trò lịch sự, nhũn nhặn qua một lời nhắc nhở "sắc
bén" rằng, tính "hài âm", thuận tai, của thi ca truyền thống
Đức, trong những năm chiến tranh đã có thể, "nhiều hay ít không bị bực
bội, gây rối, để rong ruổi cùng với những điều ghê tởm nhất." Tính hài
âm
trong thơ của riêng ông không như vậy. Nó "đã là" sự bực bội, điều
gây rối. Và tuy nhiên, bằng một sự khôi hài khủng khiếp, cao độ, có
cũng có thể
để cho sự bực bội nằm an nghỉ ở trong trái tim, trong tâm hồn người
Đức, những
người có thể "suy cảm" tội lỗi của họ một cách tuyệt vời, chẳng đau
đớn một chút nào, thông qua môi trường đại chúng của bài thơ.
Chẳng có gì là ngạc nhiên, nếu sau đó Celan từ chối, không
cho phép sử dụng bài thơ trong những bài đọc, hay được in lại trong
trong tuyển
tập thi ca phổ thông. Cũng chẳng có gì là ngạc nhiên, khi ông cảm thấy
khốn khổ
khốn nạn, mỗi lần thăm viếng nước Đức, và được đón rước rộn ràng, được
ca tụng
và trao bằng khen, giải thưởng. Ông tự cảm thấy ông là một người Do
thái đã
được "thuần hóa", một người mà thơ ca nổi tiếng làm cho người Đức cảm
thấy thoải mái hơn: tệ hại hơn thế nữa, thơ ca của ông đã được "hạ cấp
hóa", trở thành một loại nhạc pop. Thế hệ trẻ có thể nghe, vừa mua vui,
vừa chọc quê, vừa dễ dàng kết án đám đàn anh của họ.
Chẳng có gì, trong số những điều vừa
kể, ảnh hưởng tới hiệu
năng, sức mạnh lạc hồn lạc phách, không có chi để bàn cãi nữa - của
"Tẩu
Khúc của Thần Chết". Bài thơ đã được John Felstiner, tác giả cuốn "Paul
Celan: Thi sĩ, Kẻ Sống Sót, Một người Do thái" (Yale University Press,
344
trang, 1996), dịch qua Anh ngữ một cách tuyệt vời, và nói về từng chi
tiết của
bài thơ, từ khúc mở đầu, lừng danh:
Black milk of daybreak we drink it at
evening
we drink it at midday and morning we drink it at night
we drink and we drink
we shovel a grave in the air there you won't lie too cramped
A man lives in the house he plays with his vipers he writes
he writes when it grows dark to Deutschland your golden hair
Margareta
he writes it and steps out of doors and the stars are all
sparkling
he whistles his hounds to come close
he whistles his Jew into rows has them shovel a grave in the
ground
he command us play up for the dance
Black milk of daybreak we drink you at night
we drink you at morning and midday we drink you at evening
we drink and we drink
A man lives in the house he plays with vipers he writes
he writes when it grows dark to Deutschland your golden hair
Margareta
Your ashen hair Shulamith we shovel a grave in the air there
you won't lie too
cramped...
(Tạm dịch:
Sữa đen hừng đông chúng ta uống buổi chiều
chúng ta uống trưa, sáng, chúng ta uống đêm
chúng ta uống và chúng ta uống
chúng ta đào huyệt trên không như vậy bạn sẽ không bị nhồi
nhét
Một người đàn ông sống trong căn nhà anh ta chơi với rắn anh
ta viết
anh ta viết
anh ta viết khi bóng tối tới Đức, tóc vàng của bạn Margareta
anh ta viết nó và ra ngoài cửa
và muôn sao lấp lánh
anh ta huýt chó săn tới gần
anh ta huýt đám Do thái đứng thành hàng đào huyệt dưới đất
anh ra lệnh chúng ta hãy cố mà vui chơi nhẩy nhót
Sữa đen hừng đông chúng ta uống bạn lúc đêm
chúng ta uống bạn lúc sáng, trưa, chúng ta uống bạn lúc
chiều
chúng ta uống và chúng ta uống
Một người đàn ông sống trong căn nhà anh ta chơi với rắn anh
ta viết
Anh ta viết khi bóng tối tới Deutschland tóc vàng của bạn
Margareta
Tóc tro của bạn Shulamith chúng ta đào huyệt trên không bạn
sẽ không bị nhồi
nhét...) -
cho đến khúc cuối, như điện giật. Khúc
này đã xuất hiện
trong bài thơ ở những nốt khác nhau, khi được lập lại. Tác giả cuốn
sách đã
không chuyển ngữ (trong những đoạn lập lại, ông đã cho thấy nghĩa của
nó, Death
is a Master from Germany
/ Your golden hair Margareta / Your ashen Shulamith), cho nên, những từ
tiếng
Đức xuất hiện giống như sự trở về của những hồn ma trong bản dịch của
ông:
...der Tod ist ein Meister aus
Deustchland
dein goldenes Haar Margarete
dein aschenes Haar Shulamith
Một số bài thơ của Celan nổi tiếng là
cực kỳ khó hiểu, nhưng
chúng và ngôn ngữ của chúng có cùng phẩm chất tuyệt đối: luôn luôn là
chính nó
và không là gì khác. Bởi vậy độc giả cũng đừng quá đòi hỏi "hiểu"
chúng một cách trọn vẹn.
Về vấn đề ngôn ngữ, Celan quan tâm tới
Heidegger, triết gia
hiện sinh, ông vua bí mật của tư tưởng, như Hannah Arendt đã gọi ông.
Một bài
thơ kỳ lạ và cảm động của Celan có tên "Todtnauberg", nơi Heidegger
sống ẩn dật, ở đó nhà thơ đã gặp gỡ triết gia, một người cho đến khi
chết vẫn
im lặng về số phận của những người Do thái, cũng như về quá khứ chính
trị của
ông. Có người nói Heidegger luôn tự coi mình là kẻ vắng mặt, và chẳng
bao giờ
tiếp Celan, nhưng liên hệ giữa hai người, gặp gỡ hay thư từ, cho thấy
thái độ
thân mật và có ích cho Celan.
Trong những năm tháng muộn màng cuối
đời, Celan rất cô đơn,
và suy sụp. Khi được trao tặng giải thưởng Bremen Prize cho thơ của ông
vào năm
1958, ông tỏ ra thực tình biết ơn, nhưng bài cảm tạ của ông cho thính
giả thấy
Denken và Danken- suy nghĩ và cám ơn, vốn từ cùng một nguồn- hai tiếng
này nhắc
nhở chúng ta tới "những kẻ khác" cũng nói cùng "ngôn ngữ của
chúng ta", một mỉa mai cay đắng của một người Do thái thời kỳ hậu-chiến
tại Đức.
Mặc dù nhiều bạn, sự cô đơn đã ăn
ruỗng mọi ngõ ngách tâm
hồn, cuộc đời ông, như "một người của không ai". Ông luôn đau nỗi đau
mà nhà văn, triết gia Do thái Emmanuel Levinas đã từng gọi là "cơn mất
ngủ
trên chiếc giường đời". Trong một đêm tối trời, vào năm 1970 ông đi
xuống
một cây cầu trên sông Seine. Chẳng ai
thấy ông
trầm mình. Thi hài ông mãi sau mới tìm thấy ở cuối sông. Trên bàn viết
của ông
tại một căn phòng Tả Ngạn, Paris, là tiểu sử Holderlin, có một câu
Celan gạch
dưới: "Đôi khi thiên tài này trở nên âm u, và chìm vào cái giếng chua
cay
là trái tim của mình."
"Paul Celan est mort", "Paul Celan đã
chết", một tuần báo hàng đầu của nước Pháp loan tin nóng hổi trên trang
nhất. Nhưng bài viết kể thêm, ông thuộc loại nhà thơ "vô danh" tại
Pháp, xứ sở mà ông đã từng chọn lựa, mặc dù bao lần được Israel
mời gọi.
Nhưng bài thơ cuối cùng của ông, viết trước khi chết không lâu, mang
tên
"Gửi về Sabbath."
Jennifer Tran
(Theo bài viết của John Bayley, The
New York Review of
Books, Nov 14, 1996)