*

TƯỞNG NIỆM


1
2
3
4
5
6
7
8
9
10



Kỷ niệm với nhà thơ


Fri, 24 Mar 2006 01:14:44 -0800 (PST) 

[…] xin chia buồn với anh về sự ra đi của ông Thanh Tâm Tuyền, một người dường như đã mang một phần đời của anh.
Hay, anh mang một phần đời của ông ấy?
Một độc giả

*

 Đây là một số kỷ niệm của riêng Gấu, với nhà thơ vừa ra đi.
Nếu chúng có một ý nghĩa nào đó, thì là, theo như một nhà văn (1), người này có lần dè bỉu những bài phỏng vấn của tờ Paris Review, ba cái chuyện nhà văn này đi ngủ mặc bộ đồ pijama mầu gì, nhà thơ kia xài viết bi hay viết mực… thì đâu có liên can tới văn chương, nhưng sau, chính người này lại hiểu ra, đây là một thứ nguyên liệu ròng, còn ở dạng thô, của nó.

Viết ra, sau này, biết đâu, nhờ chúng, người đời giải ra được một số kỳ tuyệt, nhưng lại rất ư là khó hiểu, ở một tác giả.
Chúng là một thứ tiền văn chương, thì cứ nói đại như vậy.

 Viết ra, để sau này, có một người nào đó, đọc chúng, và trả lời giùm cho Gấu câu hỏi, ở trên, của một độc giả Tin Văn.
*

Thí dụ như kỷ niệm này. Gấu đã từng kể. Khi nhà thơ còn là một sinh viên, ở Hà Nội, do nhà nghèo, phải đi dậy học mãi tít trong Hà Đông. Sáng đi trống bụng, trưa về bụng trống, và ông con nhà thơ tương lai phều phào nói với mẹ, con chắc bị ốm, người cứ lả đi...
Bà cụ phán, chắc nịch, ốm gì mà ốm. Tại đói quá đấy!

Chi tiết đời thường đó, biết đâu, là nguyên liệu ròng, cho hai dòng thơ:

Muốn làm người học trò mười bẩy tuổi,
Đạp xe trên đường đồng... 

Đó là những dòng chữ dị thường cho một thời đại cũng dị thường.
Trần Khải

 (1) Wilfrid Sheed, trong một bài giới thiệu tuyển tập Nhà văn khi viết, Writers at work của tạp chí The Paris Review, (Penguin Books, 4th series, 1979) đã coi đây như một dịp "xin lỗi người đọc", về một định kiến của ông đối với những bài phỏng vấn nhà văn/nhà thơ tạp chí này thường thực hiện. Bởi vì có lần tác giả viết: những thông tin ở trong đó chẳng khác gì chuyện ngồi lê đôi mách, làm xàm, bá láp về giới viết lách. Chuyện những cây viết chì-số hai của Hemingway, hay Aldous Huxley mặc áo ngủ loại nào, thì đâu có ăn nhậu gì tới văn chương? Nhưng rồi tác giả nhận ra, trong những câu chuyện tầm phào như thế, chứa đựng "nguyên liệu số một", materia prima, của văn chương.
Tưởng niệm Bùi Giáng
*

Những ngày Mậu Thân, cấm trại một trăm phần trăm. Nhà thơ Trung Uý phải trực chiến tại Cục Tâm Lý Chiến, ngay chân cầu Thị Nghè. Nhà Gấu cũng kế ngay đó: 29/8D đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tối, không biết làm gì, mấy ông bên trại lính cũng kế ngay đó - khu Kho Đạn ngày còn Tây, liệt sĩ Lê Văn Tám đã có lần đốt thân mình thành đuốc, chạy vô đây, cho kho đạn nổ tung, sau hoá là "phịa cả" [chữ của nhà thơ Chiến Thắng Điện Biên, Tố Hữu] - bèn rủ nhà thơ đánh chắn.
Đánh chắn thì phải có tay. Nhiều lần, thiếu tay, ông kêu Gấu.

Ôi chao, đến bi giờ Gấu còn nhớ cái thú, chui qua những con tường, đi xuyên suốt khu này, để tới chiếu chắn. Vừa đi vừa tưởng tượng, như mình đang cùng hành quân xuyên qua tường, như đám tự vệ thành, những ngày toàn quốc kháng chiến tại Hà Nội, trong tiểu thuyết Sống Chết Với Thủ Đô, của Nguyễn Huy Tưởng, mà Nguyễn Tuân đã từng suýt soa!

Chính là trong những lần như vậy, ông kể cho Gấu nghe, về cái chết của một Trung Tá, sau đi vào Một Chủ Nhật Khác.

"Ông chết cách đây mấy tháng. Một trái lựu đạn nhỏ bằng trái chanh đã nổ trong gian phòng ông ngủ ban đêm. Gian phòng chếch với gian phòng của Kiệt thuộc khối nhà bên kia quảng trường. Nằm đây bên cạnh cửa sổ kính dầy, Kiệt chỉ ngó thấy được gian phòng ấy bằng tưởng tượng. Gian phòng không ai dám ở nữa, lỗ chỗ những mảnh lựu đạn trên cửa, trên tường, trên sàn."
Một Chủ Nhật Khác


From:

Date: Sunday, March 26, 2006 02:23:26
To:
Subject:
Anh co biet ai giu vo kich “Ba chi em” cua anh Thanh Tam Tuyen khong?
MN

Một câu hỏi thật thú vị.
Ba chị em của TTT là kịch truyền thanh. Kịch để đọc. Nó gồm mấy màn độc thoại. Hết bà chị ra sân khấu, lại tới cô em, cứ thế nói một mình. Rồi màn chót, ba chị cùng ra, trong khi căn nhà cháy đùng đùng. Hình như bà chị lớn, nói, cả ba hãy cùng chết với mẹ, một trong hai cô em, nói, tôi không giống bà đó, tôi không muốn chết.

Chị Em Hải của NĐT, theo tôi, là từ Ba Chị Em mà ra.
Lạ nữa là, sau này, Linda Lê cũng lấy lại đề tài này, viết Les trois Parques. Bà này chắc chắn chưa từng đọc TTT!

Trong Trăng Huyết của Ngọc Minh, ba chị em còn... hai anh em.

Và những ai sau này nữa. Hãy tha thứ cho tôi. Hãy tha thứ cho anh em tôi...
Trăng Huyết

Con số ba là con số khủng khiếp. Nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.
Bắc sinh Trung, Trung sinh Nam. Bắc đợp Trung Nam sinh ra Con Bọ!

Nhớ, hồi còn nhà thơ, một lần ngồi Quán Chùa cùng lèm bèm về cuộc chiến, ông than, có nước nào mở ra bằng huyền thoại chia ly như cái nước mình, cái gì tao đem 50 đứa lên núi, mi đem 50 đứa xuống biển.

Xin khúc giữa những máu cùng me,
Xin khúc đuôi tha hồ mà đuổi.
Đồng dao

Tha hồ mà đuổi? Ý muốn nói cuộc tan hàng, rã đám, chạy ra biển, và tan tác ra khắp  thế giới của người Việt?

Nhưng con số ba quả là ly kỳ. Hãy đọc bài Nabokov bàn về Con Bọ của Kafka: ông cũng bị con số ba hớp hồn, và coi đây là cấu trúc của Con Bọ.
Y như cái xứ sở hình chữ S!


Bài này, Gió O vừa post, lần đầu tiên đăng trên Tiền Tuyến, nhân mùa thu, bão, lụt, và nhân người đẹp, "độc hơn thịt vịt", là Hoàng Hậu nước Mẽo, Jackie, đang ca bài bye bye nước Mẽo, để bước đi bước nữa.
Ký là ký giả Ba Tê. Trong mục Tạp Ghi do Trưởng Lão Cái Bang, Phan Lạc Phúc phụ trách
Độc thì Đẹp. Đó là lẽ đương nhiên.
Chẳng thế mà Đinh Hùng than, khi bị một em chanh cốm hành hạ:
Nhan sắc ấy chớ nên tàn nhẫn vội! (1)

(1) Jackie, khi còn con nít, bị một thằng khốn nạn đi cùng thang máy làm bậy. Bà trả thù, nhằm... chính ông chồng của mình!
Thế mới thảm. Thế mới độc. Thế mới đẹp!
*
Mai Hoa, trong bài này, và trong
Bài Nhớ Thi Sĩ
là cùng một người.

(Bình minh bình minh anh kêu khẽ cảm động muốn khóc
Mai Mai xa Mai như hoa Mai về
tình thơ hôm nay)

Em, em có hay kẻ tội đồ biệt xứ
sớm nay về ngang cố quận
Xao xuyến ngây ngô hắn dọ hỏi bóng tối sâu thẳm 

Đêm vây hãm lụn dần
Thủ thỉ mưa ru ngày khốn đốn 

Em, soi bóng em hồn nhiên trên lối thời gian
Lặng lẽ anh gầy nhóm lửa tinh mơ đầm ấm.


Cùng lúc đọc, viết. Truyện ngắn đầu tay của tôi, Những Ngày Ở Sài Gòn...
Xong, gửi báo tuần báo Nghệ Thuật. Truyện được đăng, sau đó được tòa soạn nhắn xuống lấy tiền nhuận bút.
Kinh nghiệm Nguyễn Đình Thi
Người, lúc đó ngồi ở tòa soạn, gọi điện thoại tới Sở của Gấu, kêu, xuống lấy tiền nhuận bút, là Thanh Tâm Tuyền.

Lúc đó, Gấu còn trẻ, cầy hai job, một bưu điện, một UPI, độc thân, chưa cần tiền, chỉ cần danh, mà phải là nhà dzăn mới được, bèn nói, bữa nào em xuống cũng được.

Ông nạt liền:
-Xuống lấy liền! Viết văn cho các báo là phải lấy tiền! Không có tiền nhuận bút là không viết!
*

Lúc đó tôi là binh nhì ở Cục Tâm Lý Chiến, có lần quá bực ông “sếp văn nghệ”, thổ lộ với anh Tâm rằng tôi định xin đi học lại nốt giai đoạn 2 ở trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Anh Tâm bảo: “Cậu chớ để cái tự ái nó hại mình. Chịu đựng được ông sếp nhiều trái tính trái nết đó cậu mới khá.”
Chàng nhạc sĩ “ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản” đang ngồi ở bàn uống cà phê giữa sân nhà anh Tô Thùy Yên, anh ta vụt đứng dậy, nói với theo, giọng trọ trẹ tiếng Huế: “Tôi tệ hại chi mô mà anh không ưng gặp mặt?”
Nguyễn Đạt

Thực tình mà nói, trong một bài tưởng niệm chẳng nên nhắc đến những kỷ niệm như thế này.
Ông ‘sếp văn nghệ’, là bạn của người vừa mới ra đi, theo như Gấu được biết. Và qua cách viết như thế, NĐ chắc là chưa ngộ ra lời khuyên của ‘anh Tâm’, nhất là cái khúc 'cậu mới khá'!
Còn chàng nhạc sĩ, thì cũng là một bạn thân của bạn thân “anh Tâm”! Có thể anh Tâm chơi được với ông kia, mà không thể chơi được với ông nhạc sĩ, ấy chỉ vì sự đời nó muốn ra như thế!
Tuy nhiên, kỷ niệm về một con Lu thì thật nên nhắc! Một con Lu cân bằng lại, thì cũng đỡ cái tội của ông em ngày nào của Gấu.
Bây giờ, ông em viết hách xì xằng quá, Gấu này không còn dám thấy người sang bắt quàng làm họ nữa!

Còn nhớ, một lần ngồi Quán Chùa, chỉ có hai “anh em” là thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, và Gấu tôi, câu chuyện lòng dòng không biết sao dẫn tới Sartre. Ông bảo tôi, Sartre viết cuốn đó, La Nausée, Buồn Nôn, bị nhà xb vứt vào thùng rác, coi đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết bình dân, lại còn thuổng của Dostoievsky… 
Đây chỉ là viết theo trí nhớ cuộc nói chuyện không biết từ đời tám hoánh nào, thời cực thịnh của Quán Chùa, nhưng có một chi tiết thật tuyệt vời mà ông kể lại cho thằng em. Ông bảo, Sartre khi viết cuốn đó, lúc nào cũng cảm thấy cua bò trên lưng!
Tôi nói:
-Em mê cuốn này lắm!
Ông trợn mắt:
-Cậu hiểu “nó” hả?
Tôi thu hết can đảm, nói “xưng xưng”:
-Em nghĩ là em hiểu!
Ông nói:
-Vậy là cậu hơn tôi rồi!

Ông nói một cách thật lòng. Tôi tin như vậy.
Và bao nhiêu năm sau này, mãi đến bây giờ, tôi vẫn tin như vậy.
Vậy là cậu hơn tôi rồi!
*

Thanh Tâm Tuyền bị hiểu lầm suốt đời và không được đối xử xứng đáng trong khi ông còn sống. Nguyễn Ngọc Bích trong cuốn A Thousand Years Of Vietnamese Poetry không chọn một bài thơ nào của Thanh Tâm Tuyền để dịch và giới thiệu. Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam / Thơ chỉ cho Thanh Tâm Tuyền 1/3 trang và chọn của ông một bài thơ (trang 3077, 3078) trong khi ngay cạnh đó, Tô Thùy Yên được dành cho hơn ba chục trang, mặc dù trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến nhắc Thanh Tâm Tuyền 21 lần.
Bùi Bảo Trúc

Có mấy mống không chọn thơ... không nhắc đến... rồi suy ra rằng, nhà thơ bị hiểu lầm suốt đời, thì quả là gan cùng mình.
Những ông trên, do không hiểu thơ, nhất là thơ TTT, và do có tí tị hiềm -  thì có nói đại, ghen tài - thành thử vờ ông đi, chuyện cũng dễ hiểu. Có khi họ biết, cái chuyện, không biết thì dựa cột, nên vờ đi cũng nên.
Còn cái chuyện không được đối xử xứng đáng, thì thú thực, Gấu này không hiểu, thế nào là xứng đáng, ở đây.
Ngay tại Miền Bắc, sau 1975, tuy nhà nước hết sức là bực mình, nhưng đa số những nhà văn nhà thơ đều coi trọng Thanh Tâm Tuyền, và coi ông là "tổ sư thơ" của cả hai miền Nam Bắc.
Vậy mà không xứng đáng?
Một nữ thi sĩ nổi tiếng ở trong nước, khi có ngưòi dè bỉu thơ của bà, đã viết một bài nhan đề "Thơ của tao không dành cho mày", và trên đầu, vinh danh nhà thơ không được đối xử xứng đáng, bằng chính một câu của nhà thơ.
Thơ của tôi không dành cho bạn
Phan Huyền Thư

Lưu vong trên đất mẹ
Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng,
Chúng ta đã thắng trước cuộc đời.
(Thanh Tâm Tuyền, "Tôi không còn cô độc")
***

Từ khi sang Mỹ, ông không làm thơ nữa. Ông làm đúng như một câu ông nói năm 1975: tôi là người làm thơ Việt Nam, tôi ở với xứ sở của tôi.
BBT

Cái câu TTT nói, năm 1975, là khi ông nhìn thấy VC vô, đại ý, may quá, hết còn phải làm thơ viết văn nữa rồi!
Ông nói với thằng em ông, là thằng Gấu. Lúc đó thật sự ông quá chán thơ, quá chán văn chương rồi, và câu đó, có nghĩa, tụi khốn nạn đó vô, mạng sống chưa chắc giữ nổi, làm sao mà làm thơ?
Nhưng đến khi tụi khốn nạn tống ông vô trại cải tạo, thì thơ của ông lại sống lại. Ông cũng sống lại!
Thế mới khỉ chứ!
Thế mới có cái bài Thơ Giữa Chiến Tranh và Trại Tù.
Thế mới ra Thơ Ở Đâu Xa.
Còn ở Mẽo, ông có làm thơ, khi ông ra bãi tha ma, về viết ra giấy, đề tặng Công Tử Chí Hòa.
Chứng cớ đây này:

N G Ồ I
Tặng Ngọc Dũng tức Công Tử Chí Hoà

(Lời dẫn: Mấy năm đầu mới qua Mỹ anh [Thanh Tâm Tuyền] thường ra ngồi ở nghĩa trang vào buổi chiều.)

Chiều chiều lững thững lên bãi tha ma. Trời thu la đà không mùi hương trừ mùi cỏ ngái. Trong khoé mắt hoen ửng loé góc trời mùa hạ đang lụi.
Ngồi ngắm. Ngồi ngẫm.
Gió mát đầu óc tản.
Ngồi như trời trồng. Tự trồng cái bị thịt.
Ngủ mở mắt không hay.
Ngày 30 tháng 6 năm 2000
Phố thị hiện nhấp nháy cao tít. Thoáng xa thoáng gần. Nhớ ánh đom đóm lập loè bờ tre, lửa ma chơi chốn đồng không mông quạnh.
Lẩn thẩn trở gót. Lối cây rậm lao xao tối mắt. Trong ánh điện ngập ngụa mặt vợ con chuếnh choáng quẩn quanh.
Ấy cơn mê mệt ruỗng. Ấy hoang phế lấp mình, có phải?
Ngày 7 tháng 7 năm 2000
Tạp Chí Thơ

Người phát giác ra tài văn thơ của Thanh Tâm Tuyền, theo như Cụ Chất, là Hồ Hữu Tường.
Cụ kể cho Gấu nghe, "nó" viết truyện ngắn, gửi dự thi báo của Hồ Hữu Tường, ở Sài Gòn, và được trao giải nhì! Cụ còn nhớ tên cái truyện ngắn là Phát Súng.
Nhưng họ cho biết, không thể nào in truyện ngắn lên mặt báo được!
Cụ kể cho Gấu nghe là lần đó, nó vui lắm!
Cụ cũng cho Gấu biết, bút hiệu Thanh Tâm Tuyền, là hai cái tên ghép lại. Thanh Tuyền và Tâm. Cái cô Thanh Tuyền đó đi lấy chồng, cu cậu đau quá, đêm ngủ không được, cứ lăn lộn hoài, gãi xồn xột. Tao bực mình quá, vả cũng thương nó, bèn nói, thôi ngủ đi con, lo học, lớn lên, còn khối cô Thanh Tuyền!
Chính vì vậy mà có lần nhà thơ cằn nhằn với bà cụ, tại sao mẹ kể cả những chuyện như thế cho thằng Trụ nó nghe!
*
Kỷ niệm về cái truyện ngắn về nhì mà không thể đăng, Gấu nhớ lại, khi viết bài cho một tờ báo của VC ở hải ngoại, nhưng đặt văn phòng chính ở phiá Nam là Sài Gòn. Chuyện này Gấu đã kể trong
Những Đứa Con Của Trí Tưởng.

Đ. nhận bài, hí hửng mang về. Hai ba ngày sau, anh quay lại, trả bài viết, nói, không được! Nhưng thôi, tiền tạm ứng biếu anh! Hỏi, anh cho biết: ông chủ nhiệm của tờ báo hải ngoại, sau khi đọc bài viết, đi gặp thủ trưởng, yêu cầu: nếu cho đăng những bài như thế này, cho dù là ở hải ngoại, phải cấp cho ông một tờ giấy chứng nhận, "nhà nước" đã cho phép ông làm, qua cương vị chủ bút. Nếu không sau này, cả ông lẫn người viết đều đi tù!

Lệnh "miệng' thì được, bố ai dám thò tay ký một văn bản "chết người" như vậy!
*
Không biết Thanh Tâm Tuyền đã làm một chuyến ngao du "Về Miền Tây" nào chưa, nhưng thay vì một tí Paris, là những dòng Thơ ở giữa chiến tranh và trại tù. Còn nhớ, những ngày đài phát thanh Sài Gòn, bằng một cái giọng thật ư là đều đều, đọc danh sách những người phải trình diện, tôi bảo ông, bữa trước có nghe tên một người bạn của anh..., ông vỗ đùi đánh đét, thế là sắp tới tao rồi! Thanh Tâm Tuyền trước đó đã mất hai năm lính, vừa được giải ngũ ít lâu thì xẩy ra vụ Mậu Thân, và sau đó là lệnh Tổng Động Viên. Hồi còn la cà ở Quán Cái Chùa, đường Tự Do Sài Gòn, tôi và Huỳnh Phan Anh hay được dịp ngồi chung bàn với ông. Huỳnh Phan Anh cho biết, sau khi ông đi cải tạo về, có gặp, và một lần có kéo ông tới một "căng-tin", làm vài hơi bia. Trong số những cô gái phục vụ, có một cô rất mê thơ Thanh Tâm Tuyền. Bài hát tủ của cô: Lệ Đá Xanh. Cô bé thật tình muốn trổ tài trước nhà thơ, nhưng ông lắc đầu. Tôi nghĩ thầm: sau một trận tù dài như thế, vừa mới về nhà gặp vợ gặp con chưa hoàn hồn làm sao mà Giang Châu Tư Mã đầm đìa áo xanh cho được!

Chưa hoàn hồn... tôi lại nhớ tới một "tục lệ" của người dân ngoài Bắc, mà tôi đã được trải qua. Lần đó, mê chơi bi, hòn bi lăn mãi tít vô gầm chiếc rương lớn chứa thóc. Lui cui bò vô, hai chiếc mễ gỗ quá mục, sụp xuống, chiếc rương thóc đè lên thằng nhỏ. Người lớn lôi ra, thằng bé ngơ ngác, mắt lé [lác] xệch. Mấy người lớn tuổi nói: nắm cho nó mấy nắm cơm, để chuộc lại ba hồn bẩy vía.
Gặp gỡ cuối năm
*
Không hiểu Phạm Đình Chương có nghe giai thoại về nguyên uỷ bút hiệu Thanh 'Tâm' Tuyền, khi phổ nhạc thơ của ông, và đặt tên bản nhạc là Dạ 'Tâm' Khúc?

Bút hiệu của Gấu, Sơ Dạ Hương, là cũng từ Lan Hương, tức Bông Hồng Đen. Nhưng Gấu khi đó không dám mơ cái chuyện để tên của mình ở, kế bên, hoặc chen vô giữa bông hồng!

...Không, trăm lần không, ngàn lần không, đừng bao giờ nói như vậy, đừng bao giờ nói anh không xứng đáng...
Lan Hương
Gia đình Cụ Chất  và gia đình BHĐ quen biết nhau từ ngoài Bắc. Bà cụ rất rành ba cái chuyện yêu đương lẩm cẩm của đám bạn của con.


Nhà văn Ðỗ Quý Toàn, một trong những người viết thường xuyên cho tạp chí Sáng Tạo cùng Thanh Tâm Tuyền thời ấy tiết lộ...
Nguồn
Đỗ Quí Toàn còn "trên cả" nhà văn. Ông là nhà thơ. Hơn cả nhà thơ: Lý thuyết gia về thơ. Nhà phê bình thơ.
Có lần Gấu này được coi một cái bản lược kê, giống như danh thiếp, của ông. Nhà thơ, giáo sư, bằng cấp đại học ở hải ngoại này nhiều lắm. Nhưng nhớ là không có "cụm từ" nhà văn. Gấu này nhớ, chưa từng được đọc "văn" của ĐQT.
Ông này, học cùng thời với Gấu ở Hà Nội, viết văn sau Gấu một tí ti, chừng vài tháng, chắc thế. Như vậy, khó có thể là một trong những người viết thường xuyên cho tạp chí Sáng Tạo cùng Thanh Tâm Tuyền thời ấy được.
Gấu này nghĩ rằng, nhà thơ họ Đỗ, giả như "thường xuyên viết...", nhưng, do tính tình khiêm tốn, không bao giờ viết thẳng thừng ra như trên đâu.
Đây có thể là do sơ ý của người tường thuật.
Nhưng nếu như thế, thì cũng nhảm.
Nhảm thật! NQT

Bao nhiêu đường tình tự Ga Hàng Cỏ

If I had to choose between betraying my country and betraying my friend, I hope I should have the guts to betray my country. - E.M. Forster.
Nếu phải chọn giữa phản bội xứ sở và phản bội bạn bè, tôi mong có đủ can đảm để phản bội xứ sở của tôi.

...nhưng cả cái nước Việt Nam thì im lặng kinh khủng, kỳ cục, quái đản, tống đạp, nín khe, từ chối, phủ nhận sự có mặt của Thanh Tâm Tuyền trên cuộc đời này. Tất cả mọi tờ báo, mọi web site của cả nước Việt Nam có thể đăng đi đăng lại cả trăm nghìn lần những tấm hình những câu tuyên bố của những cái tên như Sharon Stone, Dan Brown, Haruki Murakami, Michael Jackson, nếu như hiện nay họ đang cởi truồng hay hắt xì ở một nơi nào đó trên trái đất này
Gió O

Nhân ngày Cá Tháng Tư, tôi cứ tưởng tượng ra rằng thì là nhà thơ, trước khi mất, đã gửi một cái thư ngỏ, đề nghị nhà nước đừng làm phiền ông, và nhất là đừng làm cái trò như một nhà nước khốn nạn đã từng làm (1).
Tuy nhiên, có sự kiện này. Khi nhà thơ mất, một diễn đàn nổi tiếng ở hải ngoại, [talawas], đã loan tin theo kiểu gián tiếp, bằng cách làm một cái link, tới một bài trên BBC, do mấy ông yankees viết, về cái sự ra đi của một nhà thơ đã từng có những dòng tuyệt vời về Hà Nội, thí dụ như những dòng này:

đâu phải một thứ mưa ô buy vào thành phố
năm cửa ô hồi sinh trên xác năm cửa tù
mưa nắng cùng rủ nhau xuống Sinh Từ ngõ Hội Vũ
bao nhiêu đường tình tự ga Hàng Cỏ
nụ hôn đầu ôm mái tóc lang thang.

Và có lẽ chẳng đặng đừng, talawas bèn làm thêm một cái link nữa, tới một bài viết của một chuyên gia về biếm văn, cây bỉnh bút khét tiếng hải ngoại. Bài này thì thật là... nhảm, và Hai Lúa đã từng đi vài hàng về cái sự nhảm của bài này rồi. (2)
Mùa Thu, những di dân

(2) Thanh Tâm Tuyền bị hiểu lầm suốt đời và không được đối xử xứng đáng trong khi ông còn sống.
Liệu, nhờ câu phán hiển hách trên, nên bài của ông được "link"?

*

Ðâu phải mưa ô buy vào thành phố

1954, vào Nam, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có lẽ là một trong những người đầu tiên có những dòng thơ văn về Hà Nội, bên cạnh những dòng nhạc của một "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội", hay "Hướng Về Hà Nội". Câu thơ trên, tôi chỉ nhớ loáng thoáng, trong tập "Tôi không còn cô độc", đã một thời làm ngơ ngẩn cả đám bạn bè hồi cùng học trung học. Ngớ ngẩn, đúng hơn.
Số là Phạm Năng Cẩn rất mê câu thơ đó. Anh cứ ngâm đi ngâm lại khiến Nguyễn Quốc Sủng đâm ra thắc mắc, hỏi, mưa ô buy là mưa gì? Tôi nhớ là, bạn Cẩn ngớ ra, và... cương đại: mưa ô buy là một thứ mưa bụi (buy biến thành bụi), hạt lấm tấm như nhũ kim cương trên những chiếc áo Mùa Thu, Hà Nội!
Sủng coi bộ không hài lòng với một lời giải thích rất thơ như vậy. Một bữa, trong lúc cả đám vây quanh nhà thơ, anh hỏi. Thi sĩ trả lời: ô buy là một từ tiếng Pháp, obus. Mưa ô buy là mưa đại bác, mưa trái phá!
Sau này tôi được biết, người miền nam gọi trái phá là trái ô buy. Họ gọi phạm nhe là người y tá, và hồi mới vào Sài Gòn, tôi đã từng khổ sở vì không hiểu nghĩa của nó, sau cùng truy ra, là do từ tiếng Pháp, infirmier.

Nước Pháp, “hóa thân” vào miền nam, qua từ obus; rồi miền nam “hóa thân” vào từ ô buy, và được một nhà thơ miền bắc âu yếm sử dụng cho... Hà Nội, ôi chao số phận của “trái đại bác” Tây, nhờ một miền đất, rồi nhờ một nhà thơ, biến thành cơn mưa bụi ở một miền đất khác, trong cùng một quê nhà, sao mà may mắn hơn cái từ chiên hẩm hiu thế!
Bởi vì không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ sử dụng từ “mưa ô-buy”: ông vẫn bị những cơn mưa từ cái thành phố mà ông từ bỏ ám ảnh, cũng như không phải ngẫu nhiên mà ông bạn ngày xưa của tôi tán ẩu, ông cũng bị ám ảnh....
Trích talawas

Đúng là bé cái lầm! Gấu cứ nghĩ, 'thông điệp' từ những bài viết như thế này, đã có người nhận!

Ôi chao, lại nhớ đến lời than của 'bạn ta' [NMG]:
Ở hải ngoại này, viết, cứ như là viết vào hư vô!

'Ôi choa', lại nhớ đến "Văn chương và kinh nghiệm hư vô", của "bạn ta" [Huỳnh Phan Anh].
Và cái câu nói của một ông thầy triết, của bạn ta, về cái tít của cuốn sách:
-Thầy chưa biết hư vô là gì, mà sao trò lại kinh nghiệm được, về nó?

“Why is there something instead of nothing,"
["Tại sao, thay vì hư vô, bé cái lầm?"]
Martin Heidegger
*

Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc:
Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hànội ở dưới ấy.

Năm di cư thứ hai mươi [1974], khi viết bài Tử Địa, nghĩ đến những đứa con tư sinh của đất Bắc ở cả hai miền lúc ấy, tôi đã mở bài bằng câu trích đề của Anh, tuyên xưng nó là câu văn bất hủ. [Người ta có thể nghĩ tôi quá lời, sử dụng "ngoa ngôn". Nabokov còn "ngoa" hơn nhiều khi ông bảo: "Cả sự nghiệp của triều đại Sa Hoàng Đại Đế sánh không bằng nửa vần thơ của Pushkin."]
Khi từ Phú Thọ ra, ghé lại Hànội chờ tầu về Nam, lúc chiều tối đứng trên ga Hàng Cỏ, trông xuống phố Hàng Lọng, phố Trần Hưng Đạo sâu hoắm bóng đêm rét lạnh của một ngày cuối năm, tôi thầm nhắc thành tiếng bên tai "... Nhìn xuống vực thẳm... dưới ấy..", câu của anh vẳng ngân như là một câu thơ. [Câu văn là một câu gắn liền trong mạch văn, tách ra khỏi mạch không ít thì nhiều cũng bất toàn. Câu thơ tách ra khỏi mạch vẫn tự đầy đủ, tự lập trên cái nền thiếu vắng nó gợi nhắc.
Trong đất trời

Sự ra đi của một thi sĩ thường xuyên là nỗi đau buồn chung, của tất cả những 'đồng bào' của thi sĩ : Những người cùng nói cái thứ tiếng thi sĩ nói, viết, và làm thơ.

Khi Nguyễn Đình Thi mất, 'người ta' vội vàng quên đi, ông là một 'chiến sĩ' -  thôi thì cứ nói đại ra ở đây, một VC - và cả nước, trong đó có hải ngoại, tất nhiên, cùng đau buồn sự ra đi của một nhà thơ. Trang chủ trang Tin Văn bèn vội vàng khai báo, ông NĐT này, một cách nào đó, chính là sư phụ của Gấu, qua ông anh, tức nhà thơ vừa mới ra đi.
Ông anh biểu thằng em, khi Gấu này, do dân trường Mít, cứ  băn khoăn ngần ngại với dúm tiếng Tây ăn đong của mình: Mày phải vừa đọc, vừa dịch, vừa giới thiệu, vừa viết... như là Nguyễn Đình Thi đã từng làm, với cuốn đầu tay, Triết Học Nhập Môn. Đừng sợ sai, sai thì sửa...
Và Gấu này tự hỏi, khi ông anh ra đi, phải chăng là Thanh Tâm Tuyền, khi chạy vào Nam, là đã mơ hồ nhận ra, mảnh đất mầu mỡ chưa có người khai phá đó, sẽ mọc lên một thứ cây tuyệt vời là thơ tự do, trong khi ở Miền Bắc, người đầu tiên thử nghiệm thứ thơ này, bị đánh tơi tả?

Và tôi tự hỏi, nếu không bị ánh sáng của Đảng làm chóa mắt, biết đâu, chính Nguyễn Đình Thi mới là người ‘sáng tạo’ ra cái gọi là thơ tự do, ở Việt Nam?
Kinh nghiệm Nguyễn Đình Thi

Cái sự im hơi bặt tiếng, từ phiá bên kia, và cái sự bực bội của Gió O, thí dụ vậy, làm cho Gấu nhớ đến câu nói của Kiệt, khi cô học trò hăm hở với mối tình đầu, nhất quyết buông hết, Em chỉ cầnThầy!

Ông thầy phán:
Chẳng đáng, chẳng đáng!
Chẳng đáng, cái sự bực bội?
Đếch cần, cái sự tưởng nhớ nhà thơ, từ những kẻ đã từng tống ông vô trại cải tạo?


Nhưng nghĩ đi, phải nghĩ lại. Gấu bỗng nhớ đến trường hợp triết gia Martin Heidegger và bạn của ông, là Karl Jaspers. Heidegger đã từng xin lỗi bạn, không thể đến thăm, vì ngượng, mỗi lần nhìn thấy bà xã, gốc Do Thái, của bạn mình.
Biết đâu, cái sự đi một dòng phân ưu, nó cũng 'căng' như thế đấy!

Hay, nói như Trí, trong Cát Lầy: Tại sao ta không thể yêu, cái chúng yêu... nếu chúng chiếm được cuộc đời, ta bèn trở thành hư vô...
Hay, mô phỏng một câu nói của chính ông, ta đã chẳng thèm đem cái vui cho 'tụi nó', cớ sao lại bắt 'tụi nó' buồn tí ti về cái sự ra đi của ta?


“Trước đây mình chẳng làm gì vui cho bạn bè nay sao lại đem cái buồn đến cho họ." Nguồn

Có lần ông anh nói với thằng em, đại ý, ở đời, mày tròn như hòn bi, lăn đâu cũng được, chỉ bị người yêu mà chẳng được mống nào ghét, là cũng.... vứt đi!

Về một số trường hợp ông "được" ghét, có những cú do thằng em và đám bạn văn của nó gây nên.
Thí dụ như vụ một nhà thơ, ra đi trước ông, từng đụng độ với Gấu. Ông ta ghét lây tới ông anh của Gấu, ấy là do cả đám lúc đó cùng mê, cùng chỉ biết có Thanh Tâm Tuyền, ngoài ra là.. chấm hết. Ông ta bèn đi cả một loạt bài, sau in thành sách, chủ yếu phạng Gấu, vì cái tội dám chê ông ta viết văn dở, và tiện thể, phạng luôn TTT. Ông ta phong cho TTT là "giáo chủ", một tà phái, và gọi Gấu là tên sa đích văn nghệ!
[Nghe nói sau này, ông ta viết hồi ký, và có sửa sai cái vụ này].

Một lần, ngồi Quán Chùa, không hiểu vòng vo ra sao mà tên nhà thơ trên được nhắc tới. Thanh Tâm Tuyền, vẻ mơ màng, hồi tưởng, nói, hồi hắn ta mới ở Tây về, ghé thăm tao, tao vẫn còn nhớ rõ dáng vẻ nhanh nhẹn, nhất là cái mũ, lúc đó hắn ta được lắm....

Về cái vụ chê văn của ông ta, ông anh nói, mày viết đúng, nhưng đúng ra mày phải viết về cái đám bạn của mày y như vậy, thì mới thành nhà phê bình được!

Ông dậy thằng em như trên, là do mấy bài viết về các "bạn ta", thí dụ như bài viết về cuốn Sinh Nhật của NXH, chẳng hạn.

Trong bài này, cho đến nay, như Gấu còn nhớ được, nhà phê bình Gấu phán: Thời của những truyện ngắn, truyện dài, với nhân vật có rất ư là cá tính, hết rồi. Nhân vật bi giờ phải như là người của đường phố, và có thể là bất cứ một ai, như cái anh chàng ở trong Sinh Nhật. (1)

Nói gì thì nói, nhận xét trên quả đúng với, không chỉ nhân vật, mà luôn cả tác giả của nó. Kẻ của đường phố sau trở thành người đi trên mây!

Nhưng ghê gớm nhất, là chê. Khen đã tới như vậy, thì chê phải hơn thế!

Gấu phán: Lẽ dĩ nhiên Sinh Nhật có những nét vụng, những "faux pas" của nó. Nhưng faux pas hay không faux pas, ở nơi nhà văn thiên tài như bạn ta, thì người thường không thể có được!
Đâu có phải ai cũng bắt chước được Tây Thi đau bụng, hay nhăn mày!

TTT đọc, bật cười, mày viết như thế làm sao chúng không chửi!
[Mày, tao là ngôn ngữ của Gấu. Thường, ông gọi 'cậu', và xưng 'tôi'. Chưa bao giờ ông 'mày tao']

(1) Mới đây, trên Guardian, nữ văn sĩ Sarraute của nhóm tân tiểu thuyết Tây, cũng nói về trường hợp của bà, vừa cho ra lò cuốn đầu tay, và được Sartre khen um lên, đây rồi, đây rồi, chân dung của một tên vô danh, một gã tiểu tốt [hay nói như Gấu, của kẻ đường phố] đây rồi!
Thế là Sarraute trở thành nổi tiếng.
Bà than, tuy cũng phải cám ơn "ông vĩ đại", nhưng thằng chả chẳng hiểu một tí gì về cuốn sách!
Nguồn:
She told how her reputation had been made among
Paris's intellectual gratin thanks to a preface by Jean-Paul Sartre to her novel Portrait of a Man Unknown. She was grateful to the great man, but of course, she said, he had entirely misunderstood the book.

.... trong khi bà cụ tên thật là Thạch Thị Kim thọ rất lâu, ở Long Khánh.
Đặng Tiến
Bà cụ đúng tên là TTK, có thời gian lên LK làm rẫy, nhưng vẫn luôn luôn ở Xóm Gà. Mới đây, cụ bị bịnh tim, cả hai ông con trai, là nhà thơ và bạn Chất của Gấu lần lượt về, cụ qua khỏi, nhưng phải nằm một chỗ.
Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam cho đến ngày sang Hoa Kỳ định cư vĩnh viễn. Nhưng thơ ông đầy những thành phố: Warszawa, Berlin, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Moskva, Praha, Paris, Madrid, Brussel, Genève. Nhưng không có lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố: thơ Pháp, đến Prevert là hoàn toàn đô thị hoá; thơ Việt Nam, đến Thanh Tâm Tuyền cũng quành vào đô thị.
ĐT
Thơ TTT là thơ thành phố.
ĐT

Những thành phố này, chúng tạo nên một trận đồ, một mê cung tâm thần. Hàn thử biểu chỉ ra sự đáp ứng của con người, về đổi thay: Đây chính là khởi điểm của Alter, trong cuốn sách viết về cảnh tượng phố phái văn chương hiện đại, the modern literary urban landscape.

Hà Nội, 1954, đi và ở đều là những chọn lựa miễn cưỡng, chia lìa hoặc cái chết.
Hà Nội, 2006: Con sói cô đơn giữa bầy chó thủ đô.

*
Gộp hai câu trích dẫn từ bài viết của ĐT [«Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng », và câu trên, "TTT chưa bao giờ..."], chúng làm bật ra đoạn văn sau đây của Linda Lê, trong bài viết mới nhất của bà, trong mục Trở về với cổ điển, do bà phụ trách trên tờ Le Magazine Littéraire, số tháng Ba, 2006.

Nhan đề bài viết cũng thật hợp với Thanh Tâm Tuyền:
Un destin mystique [Một số mệnh huyền bí].
Tiếng hát hoàng hôn của Herman Broch.

[ĐT đã chẳng định nghĩa TTT: Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật.]

"Trong La conscience des mots  [Ý thức, lương tâm của chữ], Elias Canetti nhắc nhở rằng, nhà thơ thật sự phải ôm chặt lấy thời đại của mình [ôm em trong tay] trong khi đam mê cái thế giới đại đồng, cái đầy những thành phố [mà đã nhớ em ngày sắp tới]."
[Nguyên văn: Dans La Conscience des mots, Elias Canetti rappelle que le vrai poète doit être voué à son temps, être son 'serf corps et âme', tout en ayant une passion d'universalité.]

Thậm chí người đọc có thể hỏi: Bếp lửa, bếp lửa nghĩa là gì?
Với tôi, có lẽ thêm vài kẻ bạn, Bếp lửa là một bài hát.
ĐT

Theo tôi, Bếp Lửa là... Hà Nội.
Còn bài hát của Bếp Lửa là bài Trở về mái nhà. Xưa. NQT


*
 Tranh Ngọc Dũng
Thơ Ở Đâu Xa ra đời cũng là một cái may, cho độc giả yêu thơ TTT.
Lần đầu nói chuyện với nhà thơ, qua điện thoại, ông cho biết, khi đó mới qua, chỗ đó ồn quá, tính dời đi chỗ khác, thế là đành phải lấy hai ngàn của một tay 'Mạnh Thường Quân". Đâu có biết thơ chẳng ai thèm mua. Nếu biết trước, đã chẳng in ra làm gì.
Nhân đó, ông kể chuyện, hàng xóm của ông, toàn dân da đen, dễ chịu lắm, dễ chịu lắm...

*
Tranh Ngọc Dũng


x


Chất: Cậu có nhớ, lần cậu ngủ nhà tớ, vừa ngủ dậy, cậu phán, hôm nay phải về nhà, coi nhà còn hay dọn đi đâu mất rồi, lại mất công hỏi thăm hàng xóm?
Gấu: Nhớ chứ! Sao không nhớ?
Chắc chắn, bạn ta quên, những lần Gấu đói quá, mò sang nhà thật sớm, để được bạn đưa đi ăn phở Đại Đồng. Ăn thành quen, thành thèm, bạn ta phải cưa đôi tô phở. Thay vì tô lớn, hai tô nhỏ. Sau cụ biết, bèn ra lệnh, cho mỗi thằng một tô lớn!

*

t
Thanh Tâm Tuyền qua Đinh Cường

*

*
[Thế Kỷ 21, số tưởng niệm TTT]

Trong một bài tưởng niệm họa sĩ Ngọc Dũng, đăng trên Khởi Hành, Đinh Cường có nhắc tới một họa phẩm của Ngọc Dũng, có 'biệt danh' là Mọi Khoả Thân. Đinh Cường 'nghe nói', bức này bán được giá lắm.
Số phận bức tranh rất ư là ly kỳ.
Số là, vào thời điểm đó, thiên hạ bỗng mê, và thi nhau lùng, tranh Ngọc Dũng. Trần Lê Nguyễn bỗng nhớ ra rằng thì là ở nhà cụ Chất có bức Mọi, do Ngọc Dũng tặng cụ.
Đến năn nỉ, cụ lắc đầu, sau Trần Lê Nguyễn đành thú thực, con đói quá, cụ bèn lấy giá tượng trưng, là bẩy trăm đô.
Bức đó, sau bán ra mười ngàn đô.

Nắm níu sợi mỏng, lửng lơ ngã.
TTT

Câu thơ này làm nghĩ tới giai thoại Dos từng kể, chắc là từ kho tàng chuyện kể Phật giáo, về một anh chàng nằm duới giếng sâu địa ngục ngó lên miệng giếng, đúng lúc Phật ngó xuống, và Ngài bèn thương tình thả một sợi tơ nhện, anh chàng bèn leo lên, nhưng đám băng đảng xúm lại, cũng cố leo lên, anh chàng bèn đạp lấy đạp để, vì sợ sợi tơ nhện quá mỏng manh không kham nổi, Phật buồn bã lắc đầu bỏ đi...

Mỗi lần đọc lại chuyện này, Gấu này lại nhớ đến cảnh leo trực thăng di tản trên nóc dinh Toàn Quyền Mẽo ngày 30 Tháng Tư năm nào.