*

TƯỞNG NIỆM
























Thanh Tâm Tuyền, Bạn Chung Giường

 Vũ Thụy Hoàng

- Tin thi sĩ Thanh Tâm Tuyền vừa qua đời làm tôi nhớ lại người bạn cùng chung giường trong thời gian hơn chín tháng tại quân trường Thủ Đức cách đây trên 43 năm.
Tôi vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức khóa 14 cuối tháng 8, 1962 do lệnh của chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành trước đó một năm gọi nhập ngũ những thanh niên từ 20 đến 33 tuổi có bằng tú tài I trở lên.
Đến trường, nhận lãnh quân trang, tôi nhét tất cả quần áo, giày vớ, gà mèn, bi đông và nhiều thứ khác vào chiếc túi hình ống nhà binh, hồi đó thường gọi là sac marin. Dưới sức nóng hừng hực lúc xế trưa, tôi lễ mễ lết theo chiếc túi nặng trĩu đi về phía doanh trại được chỉ định cho Đại Đội 6, Trung Đội 23 để tìm phòng và giường ngủ. Tìm thấy tên mình trên mảnh giấy gắn trên chiếc giường cho hai người, một năm trên, một nằm dưới, tôi quẳng túi đồ xuống cạnh giường, ngồi nghỉ ngay trên tấm nệm giường dưới.
Mấy phút sau một nhóm người khác ùa vào phòng, đi tìm tên. Một người đến gần giường tôi, đọc tờ giấy, bỏ hành trang xuống, bám tay vào song giường, leo thoắt lên trên. Tôi đứng dậy, nhìn xem người mới tới. Anh ngồi chõm trên cao, đưa mắt nhìn quanh phòng, vẻ mặt hài lòng.\
‘Anh thích nằm giường trên hả?" tôi hỏi.
"Ừ, moa thích ở trên," anh đáp.
Tôi mừng thấy anh chọn giường trên. Tôi nghĩ bụng ở trên thoáng thật, không có ai trên đầu, nhưng phải leo lên leo xuống, mất công.
Xế chiều có lệnh tập họp đại đội. Mọi người sắp hàng, lần đầu nghe giới thiệu đại đội trưởng và các trung đội trưởng, cùng những chỉ thị sơ lược về giờ giấc, kỷ luật quân trường, cách đi đứng chào kính sĩ quan và huynh trưởng, cách mặc quân phục chỉnh tề, sắp xếp chăn giường ngăn nắp, giữ phòng ốc, doanh trại sạch sẽ. Các tân binh được nhắc nhở sẽ có những cuộc thanh tra phòng ốc và những biện pháp kỷ luật đối với những phòng không giữ đúng tiêu chuẩn. Đa số những người mới nhập trại là những công tư chức thuộc nhiều giới bị gọi nhập ngũ, trong đó có luật sư, kỹ sư, giáo sư. Nhiều người không quen với lối nói lớn giọng chói tai, lời lẽ cứng cỏi, nặng quyền uy, nên có người tủm tỉm với vẻ mặt diễu cợt, người khác cau mày khó chịu. Đến khi nghe hô "tan hàng," "cố gắng," mọi người mau lẹ giải tán, túa đi câu lạc bộ, xuống ngồi quán nước, hoặc đi tìm bạn quen tán chuyện.
Chỉ có tôi và người bạn chung giường còn lẩn quẩn ở trong phòng. Chẳng ai nói tới việc quét dọn phòng, hành lang và chung quanh căn nhà, dù có vài cọng giấy rác nằm vất vưởng ngoài hành lang. Anh bạn, nét mặt điềm đạm, đến bảo tôi "chúng mình đi quét nhà cho sạch, chứ để cán bộ mắng nhiếc nhục lắm."
Tôi lúc này mới để ý nhìn kỹ anh. Anh cao hơn tôi, cánh tay dài, tóc húi ngắn, da mặt lấm tấm vài vết sần sùi, tay cầm điếu thuốc. Anh có giáng điệu hiền lành, khoan thai. Tôi thầm nghĩ anh này chăm chỉ nhỉ, có tư cách đàng hoàng, và tự trọng.
Hai chúng tôi đi tìm chổi quét phòng và cả hành lang phía trước tươm tất. Quét xong, anh móc bao thuốc Basto màu tím, châm một điếu hút, nét mặt mãn nguyện.
Buổi tối, sau bữa cơm, tôi đi qua hành lang. Một anh khác, tên Nguyễn Thế Truyền, ở cùng phòng cách giường tôi hai cái, đang ngồi hóng gió ở thành lan can ngoài hiên, vẫy tay gọi tôi, hỏi: "Toa chung giường với thi sĩ Ba Tê à?"
"Ba Tê nào?" tôi hỏi lại.
"Thanh Tâm Tuyền chứ ai nữa," anh nói.
"Đâu phải. Cha này tên Tâm, tên họ lạ hoắc, Du hay Dư gì đó," tôi trả lời.
"Hắn đấy! Chính hắn đấy! Thanh Tâm Tuyền viết tắt là T. T. T, nên gọi đùa là ba tê. Dư Văn Tâm là tên thật của hắn."
"Thật à? Mình có đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, nhưng đâu biết người chung giường với mình là chàng," tôi cười nói thay lời thú nhận chịu thua.
Sau tôi kể lại chuyện này cho Thanh Tâm Tuyền, anh chỉ nhếch mép cười.
Nếu chưa biết Thanh Tâm Tuyền, tôi có thể nghĩ anh là nhà thơ tự do, không theo quy luật của những thể thơ có trước, hẳn có tác phong phóng khoáng, ngang tàng. Nhiều người có thành kiến văn nhân, thi sĩ thường thơ thẩn, dễ lơ đãng, dị biệt, và làm việc theo hứng. Nhưng trong thời gian hơn chín tháng tại quân trường, cùng chung chiếc giường hai tầng với anh, cùng qua những buổi học tập vất vả đổ mồ hôi ngoài bãi, và những cuộc thực tập di hành mệt nhoài với súng đạn, quân dụng nặng trĩu trên người, tôi thấy anh ít lộ vẻ thi sĩ, không thơ thẩn phóng khoáng, mà là một sinh viên sĩ quan trầm lặng, cần cù, chịu đựng, đứng đắn tuân giữ kỷ luật. Đó là điểm nổi bật mà tôi thấy ở nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

Vũ Thụy Hoàng
Tháng 3, 2006
Nguồn: Vietbao.com

Nguồn: Web của em Khánh Ly

TTT có viết về thời gian ở Quang Trung. Ông bị tái nhập ngũ, nên chung quanh ông toàn là con nít, và ông có biệt hiệu là "Ông Già". Truyện dài, đăng trên Thời Tập thì phải, nhưng bỏ dở.

TTT bỏ ngang nhiều tác phẩm, và những đoạn đã được đăng, thì đều thật tuyệt, chúng vẽ ra không khí toàn truyện.
Đọc, vừa thích thú vừa bực bội.

Thời gian ở tù Đỗ Hòa, Gấu có nick bảnh hơn. 
Gần như toàn Đội Ba đều là nhóc, so với Gấu, và bởi vì Gấu giữ chứcY Tế Đội, thế là anh nào cũng gọi Gấu bằng Bố!