Anne
Frank: Một Ghi Nhận
Trong một câu
chuyện Jennifer tôi đọc được đã lâu, chẳng còn nhớ gì,
ngoại trừ một vài chi tiết: một cháu nhỏ bị bệnh, phải nằm nhà thương
một thời gian dài. Cháu năn nỉ xin được nằm ở một giường bên cạnh cửa
sổ, nhìn xuống đại lộ của một thành phố lớn. Và cháu lấy những mảnh
giấy nhỏ, làm những cánh diều thả xuống đường. Bay theo cùng với những
cánh diều đó, là những ước mơ, những chuyện vụn vặt xẩy ra trong ngày,
bên cạnh, chung quanh cháu… tận cùng bằng lời nhắn nhủ: hãy viết thư
cho tôi nhé!
Thế rồi giường cháu tràn ngập những cánh diều boomerangs, cùng với
những lời chúc tốt lành: hãy mau chóng khỏi bệnh, ra ngoài này chơi với
chúng tôi…
Nhật Ký của Anne Frank cũng là một trường hợp tương tự.
Mặc dù ngày càng quan tâm tới bè bạn, cô vẫn mê đọc sách. Vào lúc
12 cho tới khi 14 tuổi, một trong những tác giả cô bé thích là Cissy
van Marxveldt, một nhà văn Hòa Lan, đã viết nhiều cuốn sách cho lứa
tuổi vị thành niên vào thập niên 1920. Cô mê nhất, Joop ter Heul, một
cuốn tiểu thuyết-chuỗi (a serial novel) gồm bốn tập. Anne nhập vào
Joop, nữ nhân vật chính với cái tên con trai nhưng dần dần trở thành
một người đàn bà trẻ, theo dòng chuyện. Joop giống như Anne, có nhiều
bạn gái. Joop cũng có những bạn bè qua thư từ, như Anne. Nhưng khi gia
đình phải ẩn trốn trong cuộc chơi hú tìm với đám Nazi, cha cô cấm cô
viết thư.
Cô viết về căn nhà phụ bí mật (the secret annex): Ở nhà, tôi không thể
nghĩ, có một ngày, tôi phải dùng cầu tiểu làm nhà tắm, nhưng cũng chẳng
tệ hại gì lắm đâu, bởi vì có thể, một ngày nào tôi phải sống ở đó nữa…
Thật là còn may mắn, đây là một thiên đàng so với cuộc sống của bao
nhiêu người Do Thái khác không kịp trốn."
Một cô bé luôn luôn tò mò, mê bè bạn, mê đọc sách, mê phiêu lưu, phải
từ giã thiên đường trẻ thơ; trong cái chuồng nhỏ bé mới mẻ là nơi ẩn
trốn đó, mỗi ngày là một ngày tiếp theo. Thiếu khoảng không, nhưng lại
quá
dư thời giờ. Cô không thể la thét, hát hỏng, hay khóc lóc khi mà cô
muốn,
"chung quanh tôi là một trống trơn" (I am surrounded by too great a
void).
Nhật ký là món đồ đầu tiên cô mang theo tới chỗ ẩn trốn. Như thể cô
biết trước, nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chơi ‘chết
người’: đối đầu với cái ác. Tuy nhiên, phải hai tháng sau đó, cô mới
bắt đầu viết một cách đều đặn. Và có ý định, mỗi dòng mở ra như một
"thư gửi bạn": "Tôi chỉ mê được trao đổi với một người nào đó, và đó là
điều tôi muốn làm,
trong tương lai, với nhật ký của tôi".
Cô bé gần như viết nhật ký mỗi ngày. Cho những bè bạn tưởng tượng. Về
những gì xẩy ra chung quanh cô, ở trong đầu cô, ở một chốn nhân gian bé
tí đó. Với họ, cô có thể cười to, khóc lớn, quên nỗi trơ trọi. Tất cả
những
bạn gái tưởng tượng (cô không hề viết cho một bạn trai tưởng tượng),
đều
là từ cuốn truyện Joop ter Heul của Cissy van Marxveldt. Nhưng cô không
viết
thư cho nhân vật chính Joop – cô này cũng giữ một nhật ký – có thể vì
cô
cảm thấy "cô bé đó" là một nguyên mẫu cho một loạt nhân vật.
Cuốn nhật ký, khi được xuất bản vào năm 1947 có tên là Het Achterhuis
(Căn nhà Đằng Sau, The House Behind), và ấn bản tiếng Anh có tên là
Anne Frank: Nhật Ký của một Cô Gái Trẻ.
Cô bé tự coi mình là một người lớn, hay ít ra cũng đủ trưởng thành, để
có cùng một tiếng nói với những người khác, cùng "điều hành" cõi nhân
gian nhỏ xíu đó. Nhưng trong cõi tưởng tượng, giữa những bạn bè tưởng
tượng đã trrưởng thành kia, cô là một đứa bé, và rất "ưu tư" về chuyện
được đối xử như là một đứa bé. Anne cảm thấy người lớn chung quanh cô
không coi trọng những ý nghĩ của cô. Cô bé nghĩ, cô có cùng bổn phận,
trách nhiệm như họ, nhưng không có cùng quyền hạn (rights). Chính những
cảm nghĩ về sự bất bình đẳng đã làm cô có vấn đề với bà mẹ và những
người quanh cô.
Sau đây là trích đoạn, từ một ghi nhận của Miep Gies, người đã trông
nom, che chở cho cả gia đình Anne, trong những ngày ẩn trốn, và cũng là
người đã phát giác ra tập nhật ký, khi thu dọn "thiên đàng", sau khi họ
đã bị bắt.
Trên năm mươi năm rồi, kể từ khi tập nhật ký được xuất bản, tôi cứ bị
hỏi đi hỏi lại nhiều lần, tôi kiếm ở đâu ra can đảm giúp đỡ gia đình
Franks. Câu hỏi này, đôi lúc được hỏi với sự thán phục, đôi lúc, với
nghi ngờ, nó luôn luôn làm tôi khó chịu. Vâng, lẽ dĩ nhiên, phải có can
đảm mới
làm một chuyện như thế, khi coi đó là bổn phận, của một con người. Vâng
lẽ dĩ nhiên, người ta sinh ra đời là để sửa soạn làm những điều hy sinh
như vậy. Điều đó là thực, trong rất nhiều hoàn cảnh của con người.
Nhưng rồi, tôi tự hỏi chính mình, tại sao người ta lại hỏi một câu như
thế? Tại sao có rất nhiều người ngần ngại khi phải giúp đỡ đồng loại?
Phải thật lâu tôi mới hiểu ra điều này.
Hầu hết trẻ con, được cha mẹ giảng dậy, từ khi còn nhỏ: "Nếu con tốt và
biết nghe lời, sau này con sẽ được hạnh phúc". "Phản đề" của triết lý
đó, là: Bất cứ một con người nào gặp ‘trouble’ trong đời, kẻ đó chắc
chắn đã cứng đầu, và đã làm nhiều ‘lỡ lầm’.
Tôi may mắn, được biết rất sớm sủa một điều là: người ta chẳng hề
làm một điều gì xấu, và vẫn có thể gặp nhiều nỗi chuân chuyên trong
đời.
Tôi sinh ra tại Vienna, và được 5 tuổi, khi xẩy ra Cuộc Chiến Lớn I. Mẹ
tôi rất hài lòng về tôi. Khi 9 tuổi, tôi không khi nào được ăn no. Tôi
vẫn còn nhớ rõ cái đói dầy vò tôi như thế nào. Và tôi cũng chẳng bao
giờ
quên được nỗi đau (the shock), khi cha mẹ tôi phải gửi tôi đi Hoà Lan,
qua một cơ quan thiện nguyện giúp cho trẻ con khỏi chết đói. Cha mẹ tôi
đâu có cách nào khác, nhưng mãi sau này tôi mới hiểu được. Tôi lúc đó,
chỉ
còn da bọc xương, lại còn thêm bệnh phổi. Tôi đã làm điều gì không tốt,
để
phải chịu hậu quả như thế, đứa bé ở trong tôi khăng khăng tự hỏi?
Vậy là từ khi 11 tuổi tôi đã nhanh chóng hiểu ra rằng, con người có thể
gặp khó khăn, dù chẳng có lỗi gì ráo. Tôi nhìn hoạn nạn của dân Do
Thái, nhìn Lò Thiêu, từ kinh nghiệm trẻ thơ đó.
Ngay cả bây giờ, vẫn có những người trẻ tuổi nói với tôi rằng, họ
không thể tin, rằng Hitler đã giết sáu triệu dân Do Thái mà "chẳng có
lý do gì hết". Và tôi kể cho những người trẻ tuổi đó, về Anne, và hỏi
họ,
cô gái trẻ đó có thể nhận ra rằng cô chưa hề làm một điều gì sai quấy,
để
phải chịu số phận thê thảm như vậy.
-Ô, lẽ dĩ nhiên. Anne Frank thì thơ ngây vô tội (innocent).
-Cô thơ ngây vô tội đúng như sáu triệu người kia, tôi trả lời.
Melissa Muller, tác giả cuốn "Anne Frank, tiểu sử" (Anne Frank, the
biography, nguyên bản tiếng Đức, 1998; bản dịch tiếng Anh của Rita và
Robert Kimber, nhà xb Henry Holt and Company, NY; ấn bản Canada của nhà
xb Fitzhenry & Whiteside Ltd), là một nữ ký giả hiện đang sống ở
Munich
và Vienna. Theo người điểm sách của tờ Time, Muller đã tôn trọng huyền
thoại [về Anne], nhưng bà đã làm một điều tuy quá trễ cho nên thật cần
phải làm: Bà cứu Anne Frank ra khỏi vai trò thần tượng, biểu tượng, và
trả lại cho nhân loại một Anne Frank bằng xương bằng thịt. Miep Gies,
vị
phúc thần của Anne, đã nhân dịp xuất bản cuốn tiểu sử để đưa ra một ghi
nhận về Anne, như trên. Bà nói thêm:
Tôi muốn nhân dịp này để làm sáng tỏ một điều vẫn thường được hiểu sai.
Người ta thường nói Anne biểu tượng sáu triệu nạn nhân Lò Thiêu (Anne
symbolizes the six millions victims of the Holocaust). Tôi nghĩ một
phát biểu như vậy là không đúng (wrong). Cuộc đời và cái chết của Anne,
là của riêng cô: một số mệnh cá nhân; một số phận cá nhân đã xẩy ra sáu
triệu lần.
Anne không thể, và không nên để cho cô đứng đại diện cho biết bao nhiêu
cá
nhân con người mà đám Nazi đã lấy đi mạng sống của họ. Mỗi nạn nhân có
một
chỗ đứng độc nhất của riêng họ ở trên thế giới, và trong trái tim của
thân
quyến và bạn bè của người đó.
Tôi rất đau buồn vì không cứu được mạng sống của Anne. Nhưng tôi đã có
thể giúp cô sống thêm được hai năm trời. Trong hai năm đó, cô viết
tập nhật ký đem hy vọng cho những con người trên khắp thế giới, và kêu
gọi sự hiểu biết và bao dung. Điều này làm cho tôi tin tưởng: rằng hành
động thì tốt hơn là bất động. Một toan tính [đưa đến hành động] có thể
sai lầm (an attempt ‘can’ go wrong), nhưng khoanh tay không làm gì hết
chắc chắn chỉ đưa đến thất bại.
Bà nhắc lại một ước mơ của Anne: "Bà biết từ lâu, mong ước lớn lao nhất
của tôi là một ngày nào đó, trở thành một ký giả, và sau đó, một nhà
văn nổi tiếng".
NQT