III
Tôi muốn tản mạn thêm một chút, ở đây.
Thực tại, chính nó,
chẳng đáng một đồng xu teng. Chính cảm nhận của chúng ta đem ý nghĩa
đến cho
nó. Và, có đẳng cấp trong cảm nhận; cũng thế, có đẳng cấp trong ý
nghĩa. Những
cảm nhận được chiết qua những lăng kính tinh vi nhất, lọc lõi nhất, mẫn
cảm
nhất, chúng sẽ chót vót ở trên đỉnh. Lọc lõi, và cảm tính, ở đâu mà ra,
nếu
không là từ văn hoá, văn minh, vốn là nguồn cung cấp độc nhất cho một
lăng kính
như thế? Và dụng cụ chính của văn hoá, văn minh là ngôn ngữ. Đánh giá,
thẩm
định thực tại qua một lăng kính như thế -
có được lăng kính này, là một mục tiêu của sinh
vật – nhờ vậy mà trở
nên chân xác nhất, và có lẽ, chính đáng nhất [“Không công bằng!”, và
Trọng tinh
hoa”, sẽ có những tiếng la thét từ mọi nơi, sau một khẳng định như vậy,
nhưng
đâu cần, bởi vì, do định nghĩa, “trọng tinh hoa” là tính chất của văn
hóa, và
việc áp dụng những nguyên lý dân chủ vào môi trường tri thức sẽ dẫn tới
sự kiện
cào bằng, coi cá mè một lứa, giữa khôn ngoan và dốt nát, giữa minh
triết và đần
độn).
Chính vì sở hữu một lăng kính như thế
– nó đã được trao cho
bà, bởi nền thi ca số một của thế kỷ 20 của Nga, chứ không phải do tầm
vóc nỗi
đau duy nhất mà bà đã chịu đựng - khiến
cho khẳng định của bà về thực tại, là không thể nói ngược lại được.Thật
là một
giả tưởng quái đản, khi cho rằng có đau khổ mới có nghệ thuật lớn. Đau
khổ làm
cho người ta mù lòa, điếc lác, tàn hại, và thường khi, sát nhân. Osip
Mandelstam là nhà thơ vĩ đại “trước” cách mạng. Cũng vậy, là Akhmatova.
Cũng
vậy, là Marina Tsvetaeva. Họ sẽ vẫn là họ, đếch cần đến cái cuộc cách
mạng đó,
đếch cần dù chỉ một biến cố lịch sử đó giáng lên đầu dân Nga: Bởi vì họ
là
thiên bẩm. Cơ bản mà nói, tài năng đếch cần lịch sử.
Liệu Nadezhda Mandelstam trở thành như
là bà bây giờ, là do Cách
Mạng, và tất cả những gì tiếp theo sau nó? Có lẽ không phải như vậy,
bởi
vì bà
gặp người chồng của mình vào năm 1910. Nhưng một câu hỏi như thế, tự
thân nó,
là không thích hợp; nó dẫn chúng ta tới những vùng đất mờ ảo, của
trò xác xuất - rằng chuyện như thế có thể xẩy ra - và tới thuyết tất
định về
lịch sử. Nói cho cùng, bà trở thành như bà ngày nay, không phải bởi vì
những gì
đã xẩy ra ở Nga, trong thế kỷ này, mà đúng ra là, bất chấp những chuyện
đó.
Ngón tay trỏ của một tên ngụy biện chắc hẳn sẽ vạch ra rằng, theo quan
điểm của
thuyết tất định lịch sử, thì "bất chấp" đồng nghĩa với "bởi
vì". Rút cục ra, tất định thuyết về lịch sử thì cũng chỉ có vậy, nhưng
ví
bằng, nó quan tâm một tí, tới “cái gọi là con người”, nằm ở trong ngữ
nghĩa của
từ 'bất chấp'... ".
Gì thì gì, thì đây cũng là một điều
tốt lành. Bởi vì, một
người đàn bà mảnh mai, yếu đuối đã làm chậm - nếu không muốn nói, về
mặt đường
dài - đã ngăn chặn, cơn băng hoại văn hóa của cả một dân tộc. Những hồi
ức của
bà là một cái gì còn hơn cả một chứng tích, về thời của bà. Chúng là
một cái
nhìn lịch sử dưới ánh sáng của lương tâm và văn hoá. Dưới ánh sáng đó,
lịch sử
nhăn nhó, và cá nhân thực hiện sự chọn lựa của mình: Hoặc là, bỏ công
tìm kiếm
coi ánh sáng tới từ đâu, hoặc là, phạm một tội liên quan tới gốc rễ con
người,
đối với chính anh ta.
Bà đâu có muốn lớn lao, cao cả như
vậy, ngay cả chuyện giản
dị, là muốn ngang hàng với chế độ, cũng không. Với bà, đây là một
chuyện riêng,
nó liên quan tới tính tình, phong cách rất đỗi tư riêng của bà, và điều
tạo nên
phong cách đó. Và như chúng ta đã biết đấy, một vóc dáng cá nhân như
thế, là đã
được văn hóa và những sản phẩm tối hảo của nó, tạo nên: những bài thơ
của chồng
bà. Chính chúng, chứ không phải hồi ức
về chồng, là điều mà bà cố gắng giữ sao cho sống hoài, không thể bị mai
một.
Chính là vì những bài thơ, chứ không vì ông chồng, mà trong vòng 42 năm
trời đằng đẵng, bà trở thành một góa phụ. Lẽ dĩ nhiên, bà yêu chồng,
nhưng tình yêu, tự thân nó, là một trong những tinh hoa, tài tình,
"phong
hoa nhất mực", của những đam mê trọn kiếp. Và tình yêu, nó chỉ có thể
có được
bản chất phong hoa nhất mực, có được những giấc mơ bay bổng, những viễn
ảnh tuyệt vời, là từ nội dung văn hoá,
bởi vì nó cần nhiều không gian ở trong đầu, trong tâm hồn, chứ không
phải thứ không gian ở trên, và ở xung quanh một cái
giường. Ra ngoài không gian đó, nó rớt liền vào không gian
giả tưởng một chiều. Bà là goá phụ, đối với văn hóa, và tôi nghĩ, bà
yêu chồng nhiều ở những ngày hôm sau, hơn ngày đầu họ lấy
nhau. Có lẽ chính vì vậy mà độc giả nhận thấy những cuốn sách của
bà thật gây ám ảnh. Bởi vì điều trên đây, và còn bởi, cái gọi là thân
phận của thế giới hiện đại trực diện với văn minh cũng được coi như là
một thân phận ở góa [widowhood].
Nếu bà thiếu
điều chi, thì đó là sự khiêm nhường. Về điều này, bà không
như hai nhà thơ lớn của bà. Nhưng, họ có nghệ thuật của họ. Và thành
tựu thơ ca, thứ thượng hảo, khiến họ khiêm tốn, hoặc làm ra vẻ như vậy.
Bà thì rất ư là cổ hủ, cố chấp, câu nệ, khó chịu, thích làm theo ý
mình; tư tưởng hoặc chưa chín chắn, hoặc phát triển theo kiểu "nghe
người ta nói như vậy". Nói ngắn gọn, có rất nhiều cái gọi là sự thủ đắc
ở nơi bà, thành thử người ta không ngạc nhiên, về chuyện bà ứng phó với
những gì xẩy ra trong thực tế cũng như trong tưởng tượng. Sau cùng sự
khó chịu của bà khiến nhiều người phải tránh né, nhưng phải
như vậy thôi, bởi vì bà quá chán sự tâng bốc, quá chán được yêu mến bởi
Robert McNamara, hay Willy Fisher [tên thực của Đại tá Rudolf Abel].
Tất cả những gì bà muốn, là được chết ở trên chiếc
giưòng của bà, và một cách nào đó, bà trông chờ điều này, bởi vì, "ở
trên ấy, tôi lại gặp Osip của tôi". "Không đâu, tôi đi trước bạn, lên
trên ấy, và sẽ gặp Osip trước bạn", Akhmatova trả lời.
Ước muốn của
bà sau đã trở thành hiện thực, và bà chết ở trên chiếc giường của bà.
Với một người Nga thuộc thế hệ của bà, đây không phải là chuyện nhỏ
nhặt: được chết ở trên chiếc giường của mình. Sẽ có những người than
thở, rằng bà hiểu lầm thời của bà, rằng bà tụt hậu, không bắt kịp con
tầu lịch sử chạy về tương lai. Ôi chao, có thể nói, như mọi người
đàn bà Nga khác thuộc thế hệ của bà, bà biết quá rõ một điều là, con
tầu chạy về tương lai đó ngưng ở trại tập trung hay tại phòng hơi ngạt.
Bà may mắn đã hụt chuyến tầu, và chúng ta may mắn, vì bà bảo chúng ta
biết lộ trình của nó. Tôi [Brodsky]
gặp bà lần chót vào bữa 30 tháng Năm, 1972, tại nhà bếp
của bà, tại Moscow. Lúc đó cũng xế chiều, và bà ngồi, hút thuốc, tại
một góc bếp, trong bóng tối của cái tủ đựng chén dĩa in đậm lên tường.
Đậm đến nỗi, người ta chỉ nhìn thấy đốm đỏ của điếu
thuốc, và hai con mắt sáng rực của bà. Cái còn lại - một thân
hình mỏng manh,
run rẩy dưới chiếc khăn choàng, đôi cánh tay, khuôn mặt bầu dục nhợt
nhạt, mái tóc xám mầu tro, tất cả đều bị bóng tối nuốt sạch. Bà giống
như chút còn lại của một đám lửa lớn, đốm than hồng làm bạn bỏng tay,
nếu đụng vô.
1981
Joseph Brodsky
Jennifer Tran chuyển ngữ.