Zadie Smith
Graham
Greene còn toả bóng
Phạm Toàn dịch
Tháng tới
đây sẽ là sinh nhật lần thứ một trăm Graham Greene. Ông là một nhà tiểu
thuyết
viết về đạo đức phức tạp nhiều hơn ta tưởng, đó là lập luận của Zadie
Smith.
Người Mỹ trầm lặng, câu chuyện tình trong bối cảnh Việt Nam những năm
1950 cho
thấy ông là nhà báo vĩ đại nhất hạng.
Graham
Greene nói "Mình phải kiếm một tôn
giáo thôi, để xem chất ma quỷ trong con người mình đến đâu". Điều này
đặt
Greene, "nhà tiểu thuyết Ki tô giáo" (danh hiệu ông ghét bỏ) vào một
phương đúng đắn: trước khi ông chọn chúa Ki tô làm giá trị cao nhất cho
mình,
thì ông là con người luôn luôn ám ảnh chuyện đánh giá mình cái đã.
Không một
nhà tiểu thuyết thế kỷ XX nào đầu óc lại tinh tế hơn ông khi làm công
việc so
sánh con người. Trong khi có nhiều nhà tiểu thuyết cỡ nhỏ hơn lại tung
đòn mạnh
hơn nhằm phân biệt kẻ tốt người xấu, thì Greene vẫn là bậc thầy của
cách phân
biệt đa chiều: những con đường mỏng manh ngăn chia cái độc địa với sự
độc ác, với
sự không tốt, với sự ngu xuẩn ác ý. Các nhân vật của ông tồn tại trong
một hệ
thống đạo đức cân bằng đến từng chi tiết. Họ thất bại theo nhiều tầng
bậc khác
nhau. Và vì vậy mà ở Greene không có con đường đến cái tốt thực sự, đơn
giản chỉ
là cả triệu cung cách để xấu hơn nữa hoặc bớt xấu đi mà thôi.
Cái cách hiện
thực đạo đức một cách chi tiết này ở Greene thường bị người đời coi nhẹ
để chỉ
chú trọng vào những khía cạnh ba rốc trong tác phẩm của ông – cách nói
toạc vào
dục tính, cái máu lang thang, lối viết kiểu báo chí - những nét dường
như bảo đảm
cho Greene một vị trí giữa những bạn giang hồ: Erskine Childers, Len
Deighton,
Alec Waugh, John Le Carré. Chắc chắn là Greene luôn luôn là nhà văn
thích gây hồi
hộp – ngay từ khi còn là chú thiếu niên thì ông đã chơi roulette Nga,
đánh bạc
thật sự ấy, không chơi chơi đâu. Song cũng là điều tốt thôi nếu ta nhớ
rằng
trên giá sách của Greene có sách của nhà văn Mỹ Henry James. Bất kể thế
nào thì
Greene cũng là một anh hai mang trong văn chương, và đó đây ở chốn thẳm
sâu tác
phẩm của ông đều có Henry James ở trung tâm như ta vừa nhắc nhớ lại
(nói cho
đúng hơn đó là H. Rider Haggard, người hùng thời thơ trẻ của Greene).
Trong các
tiểu thuyết của Greene, cũng như của James, mọi thăng trầm của con
người đều được
đưa ra mổ xẻ.
Những chỗ
phân biệt tính cách mà ta có thể dễ dàng hình dung cụ thể và qua đó ta
lại thấy
rõ được chính mình ("có điều là tôi thì tốt bụng, còn ông ta thì chỉ là
người yếm thế thôi”) là những cái không phổ biến lắm nếu đem so với
những điều
trái ngược cùng cực của con người: chiến tranh, chết chóc, thất bại và
yêu
thương. "Bản chất con người không đen hoặc trắng, mà là đen và xám".
Greene chẳng phải là nhà tiểu thuyết đầu tiên nói lên điều đó, có điều
màu xám
của ông đa dạng đến tuyệt vời.
Chúng ta phải
đặt trong miền xám này cái bộ ba u ám trong cuốn Người Mỹ trầm lặng:
tính cách
dễ bị mua chuộc mà vẫn ngay thật của Phượng, tính cách đứng ngoài cuộc
của Fowler,
và sự vô tội của Pyle. Đó có phải là một cuốn tiểu thuyết được xây dựng
một
cách cực kỳ thông minh? Nó giống như trò chơi rút cọng rơm, khi chơi ta
phải
rút sao cho được một chiếc mà không đụng tới những chiếc khác. Mẹo đánh
lừa như
vậy là bậc thầy vì nó làm ba nhân vật đó cân bằng với nhau - bằng cách
so sánh
tính chất hoài nghi chán đời của họ, những niềm hy vọng cùng những thất
bại cá
nhân của họ - song vẫn duy trì được tình hình sao cho không khi nào
chúng ta có
thể đến được một phán xét cuối cùng thỏa mãn tất cả, như một tín hiệu
cho biết
bạn đọc đã đọc xong cuốn sách. Greene không thích cho phép bạn đọc của
mình có
được sự thỏa mãn như thế: "Khi nào ta còn thấy cái gì chưa chắc chắn,
vậy
là ta còn đang sống."
Trong trường
hợp Người Mỹ trầm lặng, tính chất nước đôi về đạo đức được xây dựng
thành nền tảng
đích thực của cuốn tiểu thuyết. Trên kia tôi đã nói đến cái hệ thống
đạo đức có
mức độ và điều này khiến ta nhớ lại cách viết thận trọng và chừng mực,
cái lối
của James ở Châu Âu, nhưng đây là cả một sự khác biệt, thay vì đặt nhân
vật của
anh trên chiến trường thì lại đặt vào phòng khách! Trên chiến địa thì
bạn chẳng
thấy có gì là chắc chắn hết. Greene bị bắt buộc phải moi ra một số
những xung đột
xấu xa nhất của thế kỷ ông từng chứng kiến, những cuộc chiến tranh mọi
người vẫn
tiếp tục ngay cả khi những nguyên cớ chiến tranh đã ngày càng mờ tối
đối với họ.
Các nhân vật
của ông tỏa ra tính cách vô định và hoang mang về đạo đức khi họ trải
qua cuộc
chiến tranh không biết khi nào kết thúc. Song mặc dù vậy, ở Việt Nam,
Phượng và
anh nhà báo ngoại quốc Fowler đã tìm thấy nhau và như thể là họ đã được
ban phước,
chí ít thì đó là đối với Fowler, trong chừng mực họ còn có chút hy
vọng. Đối với
họ, đó là một hòn đá ngầm con con cho họ đặt chân. "Tôi là người có
niềm
tin to lớn vào chốn luyện ngục", Greene trả lời vậy trong một cuộc
phỏng vấn,
"với tôi, lò luyện ngục có nghĩa... con người có khả năng thấy được cái
gì
chuyển động. Tôi không tin vào chốn thiên giới nơi chỉ có cảnh toàn
phúc thụ động."
Pyle, người
chỉ tin vào thiên giới lại đã bước vào lò luyện ngục của Greene. Anh ta
đến đó
trang bị bằng vô vàn những câu chuyện về Việt Nam sai đúng bất biết.
Thế nhưng
trong cuốn tiểu thuyết này không chỉ riêng anh bám vào những câu chuyện
làm lạc
lối tự mình đơm đặt lấy. Pyle có câu chuyện anh biết về Fowler, nhưng
Fowler
cũng có câu chuyện anh biết về Pyle (mạch kể chuyện chính thống trong
cuốn sách
này), câu chuyện khiến anh đóng nhầm vai người Mỹ trầm lặng nhiều hơn
chính anh
biến thành con người như thế. Cả hai người đàn ông đều có câu chuyện
mình biết
hoàn toàn méo mó, vô cùng thực dân về cô gái tên Phượng.
Chẳng có câu
chuyện nào trong số đó là đáng tin hết; từng người có nhu cầu gì thì
tin vào
chuyện ấy. Greene hiểu rõ những mạch chảy vị kỷ trong động cơ con người
chúng
ta (khi còn là chú nhỏ, ông từng được một bác sĩ tâm lý theo trường
phái Jung
nhiều lần tiến hành phân tích tâm lý cho) và ông là người duy nhất vạch
ra được
sự tiến triển của những ước vọng đó trong các thế giới vi mô thân tình
được ông
tạo dựng (hai con người yêu nhau) cho tới những hệ quả vĩ mô mang những
quan hệ
địa lý và chính trị. Ông biết rằng một quốc gia này có thể đem lòng yêu
thương
một quốc gia kia, tham gia dính líu vào, rồi phát chán và thất vọng.
Trong Người
Mỹ trầm lặng những động cơ cá nhân được nối với những tấm gương soi
chính trị
hai mặt của họ. Ta hãy nghe Fowler bình luận về bức thư của người vợ
trước. Bất
kỳ khi nào mà có nói đến một ai thì hãy nghĩ đến một quốc gia:
Nào ai có thể
trách cứ nàng khi nàng tìm ở tôi những vết sẹo? Khi chúng ta không hạnh
phúc,
chúng ta xúc phạm nhau. Xúc phạm là một hành vi chiếm đoạt: phần hồn và
phần
xác của ta quá nhỏ nhoi để có thể chiếm đoạt nhau mà không cần hãnh
diện hoặc bị
chiếm đoạt mà chẳng thấy bị làm nhục. Điều không may là kẻ vô tội
thường lại
hay bị dính líu vào các cuộc xung đột. Khắp nơi nơi luôn luôn có tiếng
khóc
thương từ một tòa tháp nào đó. Tôi nghĩ, "Anh thấy kiêu hãnh đến đâu
khi
thấy mình thoát được sự trói buộc, cái anh phóng viên ấy, chứ không
phải anh
nhà văn-lãnh tụ, và anh đã để lại sau vũ đài biết bao điều lộn xộn bẩn
thỉu.
Còn có một kiểu chiến tranh khác nữa vô tội hơn thế nhiều. Dùng súng
cối con
người gây ít thiệt hại hơn thế."
Bề dày chính
trị cá nhân của Greene tác động không theo cách san bằng tính phức tạp
của các
mối quan hệ mà bằng cách khéo léo thừa nhận những mối liên quan và moi
chúng
ra. Tình yêu một quốc gia và tình yêu một người đàn bà nước ấy được
diễn đạt một
cách chân thực như là những hiện tượng liên quan đến nhau (khi hỏi
Greene vì
sao ông sang Việt Nam, ông đáp rằng "Có phần nào là do đàn bà ở đây đẹp
-
đẹp đến lạ lùng.") Cùng lúc cũng có cái ước vọng bắt ta chiếm được cả
hai,
cả sự tự do của những người ta yêu và cả sự khuất phục của họ theo
những gì ta
thích, điều này được thấy cả trong trường hợp mối quan hệ mâu thuẫn của
Pyle với
Phượng và với cái đất nước nơi cô sinh ra. Ta thấy những điều đó diễn
ra như
trong tấm gương khi Greene tỏ ra không chỉ như một người khéo dùng dao
để chặt
mà còn tỏ ra tài khéo hơn vô khối nhà tiểu thuyết người Anh.
Trong cuộc
tình tay ba mang tính biểu trưng này, đương nhiên là trong chừng mực
nào đó Phượng
đại diện cho Việt Nam, nhưng con người cô cũng hiện diện theo cung cách
rất
riêng. Phượng là cô gái mặc đồ trắng nhảy đẹp hơn Pyle, cô nằm cuộn
tròn trên
giường đọc sách về công nương Anne. Cô cho anh những lời khuyên. Ta có
cảm giác
rằng khi nào Greene không hiểu hết về cuộc đời Phượng hoặc không thể
tưởng tượng
ra gì nữa thì ông đành không miêu tả gì hết. Kết quả là Phượng tự do
bồng bềnh
thoát xác; cô có cuộc đời riêng không gì chạm đến được ở phố Catinat -
mua khăn
lụa, uống kem sữa - Phượng nằm ngoài tầm con mắt Fowler muốn mô tả
nàng, và thế
là nàng cũng khước từ nốt cái yêu cầu thấp kém và tự nhiên của người
đọc muốn
cô tiêu biểu cho cả đất nước mình.
Chúng ta cảm
nhận được một người đàn bà có thực đang thở, chứ không phải một ý niệm
về người
đàn bà Pyle định bụng cướp mất khỏi tay Fowler. Một phần cuộc chiến của
Fowler
là để bảo vệ cái chất em Phượng kia cho khỏi thành cô Phượng cứng quèo
vì những
lời hoa mỹ của Pyle. Phần nào thì Fowler thành công trong việc đó. Có
những lúc
Fowler có đủ ý thức để chợt thấy rằng việc anh bênh vực Phượng chống
lại những
điều Pyle nghĩ về nàng khiến anh thấy chính mình lố bịch. Thực ra thì
những lời
anh tự bình luận theo ngôi thứ nhất thường khi giúp anh tránh được nguy
cơ thực
dân lố bịch hơn là những lời bình của chính Greene khi cuốn tiểu thuyết
dường
như tụt xuống cách kể chung chung hơn bằng ngôi thứ ba: "Vì tiếng nói
cũng
có sắc màu đấy, tiếng nói màu vàng cất tiếng hát, còn tiếng nói màu đen
òng ọc
súc miệng trong khi tiếng nói màu trắng thì chỉ biết nói thôi."
Cần lưu ý rằng
những chấm đen ý thức hệ kiểu đó trước hết là những thất bại trong sáng
tạo nghệ
thuật. Hẳn là ta cần một bước nhảy tưởng tượng xa hơn và đầy đủ hơn về
phía
Greene để nhận rõ Fowler giống Phượng ra sao. Song những sai sót như
vậy không
nhiều. Bất kể Fowler ra sao, đây vẫn là một tác phẩm dấn thân cao độ về
chính
trị. Sự mổ xẻ tính chất ngây thơ chính trị trong con người Pyle dường
như mỗi
năm qua đi kể từ khi sách xuất bản lại có tiếng vang mạnh hơn:
Ơn Chúa, tôi
hy vọng rằng anh biết rõ anh đang làm gì ở đây. Chao ôi, tôi biết động
cơ của
anh là tốt, bao giờ cũng ... Đôi lúc tôi mong sao anh có đôi chút động
cơ xấu,
khi ấy anh có thể sẽ hiểu thêm chút gì về con người. Và điều đó cũng áp
dụng
cho cả cái đất nước nhà anh nữa đấy Pyle ạ.
Nhưng người
Mỹ trầm lặng chẳng học được gì. Đến kỳ cùng thì anh vẫn cả quyết rằng
niềm tin
quan trọng hơn hòa bình, ý tưởng có sức sống mạnh mẽ hơn con người. Sự
ngây thơ
của anh ta đối với cái thế giới này là một kiểu cực đoan tín ngưỡng:
anh ta tin
tưởng rằng thế nào cũng phải có niềm tin. Bất biết niềm tin gì. Bất
biết đúng
sai.
Đọc lại cuốn
tiểu thuyết càng củng cố cho nỗi lo của tôi đối với những kiểu người
như Pyle
trên thế giới. Bọn họ không định hại chúng ta, nhưng họ đã làm. Bằng
cách nhấn
mạnh vào tính chất chân xác của những cái chết được Pyle coi như thuần
túy mang
tính tượng trưng, Greene đã cho phép một con người yếm thế kiểu như
Fowler trở
thành kẻ vô địch tuyên ngôn ý nghĩa sự sống, và đó là thành tựu lớn của
tác giả.
Chí ít thì Fowler cũng đủ lý tưởng để tin rằng trên trái đất này chẳng
có một ý
tưởng nào đáng để anh chết vì nó. Khi Pyle tra hỏi Fowler rằng anh có
niềm tin
không và anh tin vào cái gì, thì anh ta nói "Ôi, tôi đâu có là người
(duy
tâm chủ quan - ND) như Berkeley. Tôi tin rằng tôi đang tựa lưng vào bức
tường
này. Tôi tin rằng có khẩu tiểu liên nhăm nhăm đâu đó." Pyle nói lại,
"Tôi không định hỏi điều đó."
Đó chính là
tinh thần Graham Greene trong Người Mỹ trầm lặng. Cái niềm hy vọng ông
đem lại
cho ta là kiểu hy vọng mà chỉ những ai quan sát cận cảnh mới có. Ông
bảo vệ
chúng ta bằng những chi tiết, và các chi tiết tiến hành cuộc chiến tử
tế chống
lại những ý tưởng to tát, mơ hồ, vô nhân tựa như những ý tưởng của
Pyle. Đã có
quá nhiều thời gian trôi qua để bảo vệ Greene khỏi cái vị báo chí trong
tác phẩm
của ông, chúng ta nên nghĩ về ông rằng ông chính là nhà báo vĩ đại nhất
ta chưa
từng gặp. Nếu như có nhiều hơn nữa các nhà báo có tài kể chuyện như
Greene đem
được lại cho chúng ta những vụ nổ ngoài quảng trường, thì liệu chúng ta
còn có
thể tha thứ bao lâu nữa những cuộc chiến tranh chúng ta đang tiến hành?
Với Greene,
cái Ác nằm trong những chi tiết, nhưng sự cứu rỗi cũng ở đó. Sự bồi đắp
dần cái
chi tiết thường nhật được diễn đạt hết sức khéo léo khiến cho chúng ta
cảm thấy
mình người hơn, đẩy lùi những chất thống kê đi, rung chuông kéo chúng
ta về với
chính mình. Có bao nhiêu nhà báo đủ sức viết phóng sự - hoặc cái gì
khác nữa -
như vậy?
... anh ta mỉm
cười rạng rỡ, dễ thương, nụ cười đầy hiệu quả, một nụ cười mỉm ngắn gọn
nhà
binh ... tiếng súng vang vọng đi như kim đồng hồ chạy quanh phía chân
trời.
"Anh dùng một chén trà nhé?". "Cám ơn, tôi đã uống ba chén rồi."
Tưởng chừng như thể câu hỏi và câu đáp trong một cuốn sách dạy nói
thành câu.
Tôi thường được đọc về những ý nghĩ của con người khi họ sợ hãi: nghĩ
về Chúa,
về gia đình hoặc về một người đàn bà. Tôi cảm phục sự điềm tĩnh của họ.
Còn tôi
thì chẳng nghĩ ngợi gì, ngay cả cái cửa sập trên đầu mình, trong mấy
giây đó,
tôi ngừng tồn tại, một nỗi sợ hoàn toàn. Lên đến đầu bậc thang tôi bị
cộc đầu,
vì sợ nên không đếm được các bước, không nghe thấy gì, hoặc không nhìn
thấy gì.
Sau đó đầu tôi nhô lên khỏi mặt đất và chẳng một ai bắn vào tôi hết, và
nỗi sợ
tan biến dần.
Khi Greene mất
vào năm 1991, Kingsley Amis - một con người không sinh ra để có những
đánh giá
rộng bụng đối với các bạn cùng trang lứa - đã viết cho nhà tiểu thuyết
mấy lời
cáo phó ngắn gọn, vừa đủ: "Ông sẽ được toàn cầu tưởng nhớ. Cho đến tận
hôm
nay, ông vẫn là nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất của chúng ta." Cách nhìn
của
Amis và của Greene về một nhà tiểu thuyết vĩ đại khác nhau theo quan
niệm này:
đó là công việc của một con người với cây bút. Một con người không kiêu
căng sống
trên đời này và thuộc về cuộc đời này, người đó viết cho bạn đọc chứ
không viết
cho các nhà phê bình và mỗi ngày viết ra vô vàn từ hệt như một nhà báo
vậy. Các
nhà văn Anh ngày nay lao động theo những cơn co giật cả về lượng lẫn về
chất,
và họ mải mê phân biệt "viết mua vui" với "viết văn chương"
đến mức là cuối cùng thì họ chẳng viết gì nữa. Đây là một trong vài ba
cách
phân biệt Greene không bó mình vào. Phóng sự biến thành tiểu thuyết
biến thành
phim; từ các tư liệu riêng như cuốn nhật ký mộng mơ, ông có được vô vàn
truyện
ngắn. Đôi khi thậm chí ông còn mơ tưởng đến trật tự này: bữa kia giữa
chừng một
tiểu thuyết thì ông bí, ông đi nằm và ngủ mơ đến chuyện kia, rồi sáng
hôm sau
ông thức dậy với đầy đủ mọi điều cho công việc trôi chảy. "Cuốn sách
ngập
ngừng không chịu ra... giấc mơ đến và hình như vừa khớp."
Nhà văn nào
thì cũng mong tưởng tượng ra một lực hút đẩy không cưỡng nổi - Greene
thì không
khi nào để tuột một câu chuyện, ông bị chết đuối trong mớ chuyện ấy.
Ông đã nói
câu nổi tiếng rằng thời thơ ấu là lúc cân bằng thu chi cho nhà tiểu
thuyết, và
thời thơ ấu của Greene - cảnh khốn cùng của trường công lập, những cuộc
tranh
giành quyền lực với người cha làm hiệu trưởng, sự cám dỗ thời thiếu
niên của bà
vợ chính ông thầy thuốc tâm thần của mình, những lần ve vãn với chứng
điên và với
Chúa - song ông không khi nào, không bao giờ mang công mắc nợ. Có vô số
người kể
chuyện trong nền văn học Anh, nhưng điều hiếm có ở Greene ấy là cách
ông dùng một
cách kiềm chế vô vàn tài liệu phong phú trong tay. Chắc chắn ta có thể
hình
dung rằng không một ai đủ sức dệt những sợi rắc rối của xứ Đông Dương
bị chiến
tranh tàn phá thành một cuốn tiểu thuyết đọc một mạch, thành một khối
có chủ đề
rõ rệt và thú vị hấp dẫn như cuốn Người Mỹ trầm lặng.
Tiểu luận
này của Zadie Smith được bà dùng làm lời giới thiệu tiểu thuyết Người
Mỹ trầm lặng
xuất bản nhân dịp một trăm năm sinh Graham Greene, sẽ do nhà Vintage
cho ra mắt
ngày 7 tháng Mười.
© 2004
talawas
Nguồn: Báo
The Guardian, thứ bảy 18 tháng Chín 2004,
http://books.guardian.co.uk/review/story/0,12084,1306236,00.html