*






Ai Tín 

Ba cu tao qua doi luc 7:25 am ngay July 6, 2013 (gio Los Angeles) tai Adelaide, Australia sau 7 thang vat lon voi benh ung thu la lach.
Thong bao de tui may biet va them loi cau nguyen cho ba cu tao.
Ham
[Phạm Văn Hàm]

Vừa được Quyên báo tin thân mẫu của Hàm vừa thất lộc tại Adelaide, Australia.
Thành thật chia buồn cùng Hàm và tang quyến. Nguyện xin Thiên Chúa đưa linh hồn cụ bà về Thiên Đàng hưởng nhan Thánh Chúa.
Thành Kính Phân Ưu
Gia đình Vũ Bạch Tuyến, Nguyễn Quyên, Ngô Khánh Lãng, Nguyễn Tân Văn, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Quốc Trụ.

*

Hàm & Quyên & Văn & GCC & Lãng & Hà. Trừ Văn, tất cả quen nhau những ngày đầu di cư, vì cùng học trường Văn Hóa của Thầy Nguyễn Khắc Kham, chỉ là 1 căn hộ trong 1 con hẻm, đường Ngô Tùng Châu, Ngã Sáu, Sài Gòn.

Thủ Thiêm, Hàm và Gấu.

Hồi đó đó, Hàm dân Hố Nai. Học Sài Gòn. Trọ học bên Thủ Thiêm cho đỡ tốn.
Bữa tha hương ngộ cố tri nơi thủ đô người Việt tị nạn, tức Quận Cam, Tiểu Sài Gòn, Gấu quên không hỏi, anh còn nhớ cảm giác buổi sáng đứng chờ phà, ngó sang bên Sài Gòn, khi đó chưa có tượng Đức Thánh Trần; hay những buổi tắm sông, bơi ra tận mấy cái phao nổi lềnh bềnh ở giữa sông, người đầy dầu dơ, từ mấy con tầu mặc tình xả xuống lòng sông Sài Gòn.
Với Gấu, đó là thời gian thần tiên trong đời, được thực thụ đóng vai một anh học trò trọ học. Tiền ăn, tiền học, bà cô từ bên Tây gửi về.
Ấy a, sự tình nó như vầy, sau khi thằng cháu báo tin đậu trung học, bà cô mừng quá, bèn ra lệnh, tháng tháng tới địa chỉ “đó đó” lấy tiền. Ngoài ra, Gấu còn kiếm thêm, trước, làm bồi bàn cho tiệm chả cá Thăng Long, sau, làm trợ giáo, tức kèm trẻ tại gia, khi có được cái bùa lỗ ban là tấm bằng trung học đệ nhất cấp.
[Mảnh bằng này cũng có riêng một huyền thoại ly kỳ về nó, thời gian trọ học ở Thủ Thiêm, và cái địa chỉ đó đó, nơi Gấu tháng tháng đến lãnh lương, cũng là cả một thiên tình sử của Gấu, xin phép để riêng ra, kể sau].
Gấu thi trung học đậu kỳ 2, trong khi bạn bè may mắn hơn, ba tháng hè theo thầy Đoàn Viết Lưu học đệ tam, tới năm học mới, nhảy lên đệ nhị. Gấu theo bạn, không lẽ học một mình, bèn ngày đệ nhị, tối tự học chương trình đệ tam. Cuối năm Gấu đậu ngay kỳ đầu trong khi bạn bè đa số rớt lại, trong có Hàm.
Đậu năm đó, là nhờ Hàm một phần, trong khi anh lại rớt.
Lần đó, Hàm có cuốn bài tập vật lý của tay Georges Ève (?), một trong những bửu bối của đám học trò chúng tôi. Gần như cả năm anh quần quật với nó. Khi còn độ chừng một tuần tới ngày thi, Gấu nói, mày cho tao mượn coi thử.
Gấu lật qua, chú ý đến cách giải của từng trường hợp, từng loại. Vào thi, bài toán quang học y chang một bài trong cuốn bài tập, nghĩa là cách đặt để thấu kính hội tụ, phân kỳ, gương phẳng... y chang, chỉ khác những con số. Gấu giải như máy. Ra khỏi lớp thi sớm nhất, vội đi tìm bạn Hàm để cùng sướng cái sướng trúng tủ!
Gặp, anh lắc đầu, nói ngồi suốt giờ cắn bút, tới hết giờ nộp giấy trắng! Gấu lấy cuốn sách từ trong cặp của anh, lật ra, chỉ đúng bài toán. Anh đứng coi chừng mươi phút, đột nhiên xé nát cuốn sách, ngửa mặt lên trời than, cả năm trời, tao làm đến nát cuốn sách, tại làm sao chỉ trong một tuần mà mày lại có thể làm hết, mà còn nhớ hết mấy trăm bài toán?
Tôi nói với anh, tôi không hề giải một bài tập nào trong đó, mà chỉ coi phương pháp giải, của từng loại.
Sau này, tôi gặp một trường hợp tương tự, xẩy ra với một anh bạn học Toán Đại Cương.
Những ai đã từng học Toán Đại Cương, Đại Học Khoa Học Sài Gòn thập niên 1950, chắc chắn là còn nhớ ông thầy người Pháp Monavon. Ông có bà vợ, nghe nói hai vợ chồng rất mê văn chương Việt Nam, và đã lấy mấy cái bằng tại đại học văn khoa Sài Gòn.
Giáo sư Monavon này có một cái lạ, là, khi vào lớp, nếu ồn quá, là ông không giảng bài. Trong khi giảng, nếu ồn quá, thay vì nói lớn, ông nói thật nhỏ, hay ngưng nói, cho tới khi lớp yên lặng trở lại.
Tôi học ông được một năm. Tới kỳ thi, ông ra bài toán, tôi không biết làm sao mà đặt cây bút lên trên tờ giấy thi, vì không hiểu một tí gì về nó.
Đã có lần tôi viết về nỗi đau này. Do nhà nghèo, không có tiền mua sách bài tập, thành ra không hiểu, thế nào là một bài toán ở Toán Đại Cương, và làm thế nào để giải nó. Suốt năm học, tôi chỉ có tập cours quay ronéo của giáo sư Monavon, trong khi bạn bè có những cuốn như bài tập tiếng Pháp của những giáo sư nổi tiếng như Bouligand chẳng hạn.
Năm sau, Gấu đổi qua học Toán Lý Hoá, trong khi cùng lúc thi đậu vô trường Quốc Gia Bưu Điện. Cũng học song song, hai chương trình một lúc. Nhưng vẫn thèm học Toán Đại Cương.
Bữa đó, gặp anh bạn cũ, vừa xong chứng chỉ Toán Đại Cương. Tôi hỏi, làm hết bài toán hả. Anh lắc đầu, nói, tao không làm được một câu nào hết.
Tôi trố mắt, hỏi lại, vậy sao đậu?
Anh cười, giải thích, tới giờ chót mà tao vẫn chưa giải được câu đầu. Bí quá, tao ghi vô giấy, thưa thầy Monavon, đây là cách giải bài toán của con.
Thế là anh ghi ra, cách thức, phương pháp anh tính giải bài toán.
Vậy mà đậu.
Ông thầy đâu cần anh giải bài toán. Mà là cần, anh biết cách giải nó.
Còn một anh nữa, cũng khoá đó, làm được đủ muời bài, vậy mà  rớt
Ông thầy phê, chó ngáp được đủ mười con ruồi. Không biết mẹ gì về Toán Đại Cương hết. Về học lại năm nữa! 

Sau này, mê văn chương, Gấu ít khi tin ở những bài phê bình đọc sách giới thiệu sách. Cũng đọc, nhưng nếu quan tâm tới một cuốn sách nào đó, một tác giả nào đó, là đích thân tìm đọc, cố tìm cho riêng mình, một cách giải thích.

Gấu áp dụng những bài học toán của ông vào văn chương.
Bài học thứ nhất: Mi phải tìm cho mi, một cách giải, cho dù là sai, về một bài toán.
Đừng bao giờ học toán bằng những bài giải có sẵn.
Bài học thứ nhì: Khi ồn quá, thì nói nhỏ lại [viết ít đi]. Hoặc đừng viết gì hết!
Bài học thứ ba: Học Toán không thôi, là không đủ. Phải mê thêm một, hay vài, thứ khác. Bất cứ thứ gì.
Bài học thứ ba, của giáo sư Monavon, sau này, tôi gặp lại khi đọc Calvino. Ông này nói, tủ sách của bạn, nếu toàn sách văn chương, là... vứt đi!