|
Hannah
Arendt : Những Nguồn Gốc Của Chủ Nghĩa Toàn Trị.
Lời
Tựa lần xuất bản đầu (1951).
Weder
demVergangenen anheimfallen noch
dem
Zukunftigen. Es kommt darauf an, ganz gegenwartig zu sein.
K.
Jaspers
Chớ
đắm đuối hoài vọng quá khứ, hoặc tương lai.
Điều
quan trọng là hãy trọn vẹn ở trong hiện tại.
Karl
Jaspers. (1)
Hai thế chiến trong một thế hệ - phân cách nhau là một chuỗi không dứt
những chiến tranh và cách mạng địa phương, tiếp theo sau không hòa ước
cho kẻ thua mà cũng chẳng thảnh thơi cho kẻ thắng – đã kết thúc trong
cảnh thập thò của cuộc Thế Chiến Thứ Ba giữa hai cường lực thế giới còn
lại. Khoảnh khắc thập thò này giống như sự bình lặng dấy lên sau khi
mọi hy vọng vừa chết. Chúng ta không còn hy vọng tái lập thật rốt ráo
cái trật tự thế giới cũ với tất cả truyền thống của nó, hoặc tái phục
nguyên khối quần chúng năm châu, bị ném vào cuộc hỗn mang do bạo động
chiến tranh và cách mạng gây nên, và cuộc hủy diệt dần những gì còn sót
lại. Ở trong những điều kiện phức biệt nhất, những hoàn cảnh dị biệt
nhất, chúng ta theo dõi cùng những hiện tượng cứ thế phát triển: hiện
tượng bán xới trên một qui mô chưa từng có trước đây, và hiện tượng mất
gốc chưa bao giờ tới độ sâu như vậy.
Chưa bao giờ tương lai của chúng ta lại mập mờ đến như thế, chưa bao
giờ chúng ta lại lệ thuộc đến như thế vào những quyền lực chính trị;
chẳng thể nào tin cậy, rằng chúng sẽ tuân thủ qui luật "lợi cho mình
nhưng đừng hại cho người"; những sức mạnh thuần chỉ là điên rồ, nếu xét
theo tiêu chuẩn những thế kỷ khác. Tuồng như thể nhân loại tự phân ra,
một bên là những kẻ tin ở sự toàn năng của con người (những kẻ tin rằng
mọi sự đều khả dĩ nếu người ta biết cách tổ chức quần chúng thực hiện
theo đường lối đó), một bên là những kẻ mà sự bất lực đã trở thành kinh
nghiệm chủ chốt trong đời họ.
Trên bình diện kiến giải lịch sử và tư duy chính trị, trội hẳn lên là
một kiểu thỏa thuận chung, [tuy] không được định nghĩa rõ ràng: rằng
cấu trúc thiết yếu của tất cả văn minh đang ở điểm đứt đoạn. Mặc dù có
vẻ được gìn giữ khá hơn ở một số nơi trên thế giới so với những nơi
khác, chẳng nơi nào nó có thể đem đến cho chúng ta một sự hướng dẫn,
nếu nói về những khả tính - hoặc một phản ứng tới nơi tới chốn, trước
những điều ghê gớm tởm lợm - của thế kỷ. Một khi [con người] tới gần
trái tim của những biến cố như thế, thay vì một phán đoán quân bình,
một kiến giải thận trọng, thì lại là hy vọng tuyệt vọng, và sợ hãi
tuyệt vọng. Những biến động trung tâm của thời đại chúng ta được lãng
quên thật hiệu quả, bởi những người đắm mình vào một niềm tin, rằng tận
thế không thể nào tránh được, hơn là bởi những người buông xuôi vào một
chủ nghĩa lạc quan liều lĩnh.
Dựa lưng vào một niềm lạc quan liều lĩnh và một tuyệt vọng liều lĩnh,
cuốn sách này được viết trong một bối cảnh như thế đó. Cuốn sách khẳng
định: rằng Tiến Bộ và Tận Thế là hai mặt, của vẫn một huân chương; rằng
cả hai đều là những điều này mục nọ của mê tín, không phải của niềm
tin. Nó đã được viết ra, từ một xác tín, là có thể khám phá những cơ
chế ẩn giấu, theo đó, toàn bộ những thành tố truyền thống của thế giới
chính trị và tâm linh của chúng ta bị tan biến vào một lò cừ, nơi mọi
sự dường như mất đi giá trị đặc thù của nó, trở thành lạ lẫm đối với
nhận thức của con người, trở thành vô dụng cho những mục tiêu của con
người. Một cám dỗ khó đề kháng - chịu khuất mình vào một quá trình
thuần túy, giản dị của sự băng hoại, không chỉ là vì nó khoác lên cho
sự vĩ đại hồ đồ - tức cái gọi là "tất yếu lịch sử" - một bộ áo mã, mà
còn là vì điều này: tất cả mọi sự, ở bên ngoài nó, đều có vẻ như thiếu
sống, thiếu máu, vô nghĩa, và không thực.
Mọi chuyện xẩy ra ở trên cõi đời này phải "được hiểu" đối với con
người, một xác tín như thế sẽ đưa đến chuyện giải thích lịch sử bằng
những khuôn sáo. Nhưng "hiểu" không có nghĩa là từ chối cái nghịch
thường, hoặc diễn dịch một điều chưa hề xẩy ra bằng tiền lệ, hoặc giải
thích hiện tượng bằng loại suy và bằng tổng quát, khiến con người trơ
ra, khi đụng đầu, và kinh nghiệm thực tại. Thay vì vậy, nó có nghĩa,
quan sát, nghiên cứu, ý thức được cái gánh nặng mà thế kỷ này đã đặt
lên chúng ta – không phủ nhận sự hiện hữu, mà cũng không cam chịu sức
nặng của nó. Như vậy, "hiểu" có nghĩa là giáp mặt thực tại, không tính
toán trước, nhưng chú tâm, và đề kháng lại nó, bất kể nó ra sao.
Theo nghĩa đó, phải đối mặt và hiểu được sự kiện ngược ngạo: rằng một
hiện tượng nhỏ nhoi như thế (vàchẳng có chi là quan trọng như thế, đối
với chính trị thế giới): hiện tượng vấn đề Do Thái và chủ nghĩa bài Do
Thái lại có thể trở thành tác nhân của, đầu tiên là phong trào Quốc Xã,
rồi sau đó, thế chiến, và sau chót, cho việc thiết lập những xưởng máy
của cái chết. Hoặc, sự sai biệt lố bịch giữa nhân và quả mở ra kỷ
nguyên của chủ nghĩa tư bản, khi những khó khăn kinh tế, trong vài thập
niên, dẫn tới một biến đổi sâu xa tình hình chính trị trên toàn thế
giới. Hay, sự mâu thuẫn kỳ quặc giữa cái chủ nghĩa hiện thực trơ tráo
tuyên xưng của những phong trào toàn trị và sự miệt thị lồ lộ của
chúng, đối với toàn bộ mạng lưới thực tại. Hoặc, sự bất tương xứng nhức
nhối giữa quyền năng thực sự của con người hiện đại (lớn hơn bao giờ
hết, lớn đến mức có thể thách thức ngay cả sự hiện hữu của vũ trụ) và
nỗi bất lực mà con người hiện đại phải sống, và phải tìm ra cái ý nghĩa
của cái thế giới do nó tạo nên, bằng chính sức mạnh năng vô biên của nó.
Toan tính toàn trị - chinh phục toàn cầu, thống trị toàn diện – là một
phương thức mang tính hủy diệt, nhằm vượt ra ngoài mọi ngõ cụt. Thành
công của nó có thể trùng khớp với sự hủy diệt nhân loại; ở nơi nào nó
cai trị, ở nơi đó hủy diệt bản chất của con người. Hỡi ơi, nhắm mắt
bưng tai, quay lưng lại với những sức mạnh hủy diệt của thế kỷ này thì
cũng chẳng đi đến đâu.
Thực vậy, đây là nỗi khốn khó của thời đại chúng ta, mắc míu lung tung,
đan xen lạ lùng giữa xấu và tốt, đến nỗi, nếu không có "bành trướng để
bành trướng" của những tên đế quốc, thế giới chẳng bao giờ trở thành
một; nếu không có biện pháp chính trị "quyền lực chỉ vì quyền lực" của
đám tư sản, cái sức mạnh vô biên của con người chắc gì đã được khám
phá; nếu không có thế giới ảo vọng, thiên đường mù của những phong trào
toàn trị, qua đó, những bất định thiết yếu của thời đại chúng ta đã
được bầy ra một cách thật rõ nét, như chưa từng được bầy ra như vậy,
thì làm sao chúng ta [lại có cơ hội] bị đẩy tới mấp mé bên bờ tận thế,
vậy mà vẫn không hay, chuyện gì đang xẩy ra?
Và nếu thực, là, trong những giai đoạn tối hậu của chủ nghĩa toàn trị,
một cái ác triệt để xuất hiện, (triệt để bởi vì chúng không thể suy
diễn ra, từ những động cơ có thể hiểu được, của con người), thì cũng
thực, là, nếu không có chủ nghĩa toàn trị, chúng ta có thể chẳng bao
giờ biết được bản chất thực sự cơ bản, thực sự cội rễ, của cái ác.
Chủ nghĩa bài Do Thái (không phải chỉ có sự hận thù người Do Thái không
thôi), chủ nghĩa đế quốc (không chỉ là chinh phục), chủ nghĩa toàn trị
(không chỉ là độc tài) – cái này tiếp theo cái khác, cái này bạo tàn
hơn cái kia, tất cả đã minh chứng rằng, phẩm giá của con người đòi hỏi
một sự đảm bảo mới, và sự đảm bảo mới mẻ này, chỉ có thể tìm thấy bằng
một nguyên lý chính trị mới, bằng một lề luật mới trên trái đất này; sự
hiệu lực của nó, lần này, phải được bao gồm cho toàn thể loài người,
trong khi quyền năng của nó phải được hạn chế hết sức nghiêm ngặt, phải
được bắt rễ, và được kiểm soát do những thực thể lãnh thổ được phân
định mới mẻ lại.
Chúng ta không còn thể cho phép chúng ta giữ lại những cái gì tốt trong
quá khứ, và đơn giản gọi đó là di sản của chúng ta, hay loại bỏ cái gì
là xấu, giản dị coi đó là một gánh nặng chết tiệt mà tự thân chúng sẽ
bị thời gian chôn vùi trong lãng quên. Cái mạch ngầm của lịch sử Tây
phương sau cùng đã trồi lên trên mặt đất, và soán đoạt phẩm giá của
truyền thống của chúng ta. Đây là thực tại chúng ta sống trong đó. Đây
là lý do tại sao mọi cố gắng chạy trốn cái u ám của hiện tại, bằng hoài
vọng một quá khứ vẫn còn trinh nguyên, hay bằng một sự lãng quên có dự
tính về một tương lai tốt đẹp hơn: tất cả những cố gắng như vậy đều là
vô hiệu.
Hè 1950
Hannah Arendt
NQT chuyển ngữ.
Chú thích:
Cuốn Những Nguồn Gốc Của Chủ Nghĩa
Toàn Trị, trước đây, khi dịch ra tiếng Pháp, đã được phân làm
ba. Vì vậy, thiếu Lời Tựa. Lần này, nhà xb Gallimard đã đem đến cho nó
một bản dịch toàn thể; cùng với tác phẩm "Eichmann ở Jérusalem", cả hai được
in chung thành một tập, trong tủ sách Quarto. Như thế, Lời Tựa lần xuất
bản đầu tiên bằng tiếng Anh (1951), lần thứ nhất ra mắt độc giả tiếng
Pháp, trên tạp chí Văn Học, Le
Magazine Littéraire, số Tháng Sáu, 2002.
Do tính quan trọng của bản văn, và sự chính xác của nó, chúng tôi có
cho "scan" nguyên bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Pháp trên trang Tin
Văn, để độc giả tiện tham khảo.
|
|