NGUYỄN TÀ
CÚC:
Nếu Tà Cúc
nhớ không nhầm thì chị Thụy Vũ có lần nói đâu đó là chị dậy các cô bán
bar học
tiếng Anh và qua đó, họ xuất hiện trong tác phẩm của chị. Như vậy, họ
đến học với
chị Thụy Vũ qua cách nào? Như đến nhà chị hay sao?
NHÀ VĂN THỤY
VŨ:
Tôi đang dạy ở Vĩnh Long
được 5 năm (bậc tiểu học). Sau đó tôi lên Sài Gòn
đi học Hội Việt Mỹ được hơn 1 năm. Tiếng Anh của tôi chưa đầy một lá
mít, nhưng
tại sao tôi dám nhận dạy kèm cho mấy cô lấy Mỹ? Lúc đó tôi có một anh
bạn học
cùng lớp [lớp 2 Hội Việt Mỹ]. Anh ấy ngồi cạnh tôi. Anh ta làm bài tập
không giỏi
nên tôi thường giúp anh ấy làm bài. Tôi hơi ngạc nhiên là anh ta nói
tiếng Mỹ
đòn tan như bắp rang mà không lý tới văn phạm.
Một hôm vào
giờ ra chơi, anh ta đề nghị tôi dạy thêm tiếng Anh cho mấy cô bán bar
quen biết
với anh ấy để có thêm chút tiền trả tiền học. Các cô gái đó đang thuê
phòng của
nhà anh ta để ngủ với mấy tên lính Mỹ.
Tôi từ chối
thẳng thừng và nói ông đừng chọc quê tôi. Tôi với ông mới học 2 khóa mà
dạy ai
đây? "Bạn cứ yên tâm nhận lời đi, tôi sẽ có cách..." Khi hẹn tới nhà
anh ta vào ngày chủ nhật tôi mới biết anh ta là "ma cô."
Anh ta dắt
tôi đi từng phòng và giới thiệu tôi sẽ là cô giáo dạy kèm cho họ. Tôi
càm ràm
anh trước khi ra về và hẹn hôm sau quay lại thử thời vận. "Bạn biểu tôi
dạy
gì cho họ đây?" - "Tôi đã dặn họ rồi cô giáo dạy gì thì học nấy. Chớ
có hỏi lôi thôi nghen." Tôi không ngờ họ chưa hề biết đọc tiếng Việt
thì
làm sao đây?
Công - bạn
tôi nhanh nhẩu nói: "Bạn dạy i - tờ cho họ trước cái đã, rồi sau đó mỗi
ngày bạn chỉ cần cho họ biết viết tiếng Anh một vài chữ trong một lần
học là được
rồi."
Tôi không ngờ
là cách kéo dài thời gian của Công để tôi còn tiếp tục đi học với hắn.
Họ nói
tiếng "bồi" lưu loát không thể chê. Tôi cảm thấy ngài ngại thế nào vì
tôi không thể nói như họ được.
Họ thuê tôi
dạy không phải học mà để có người tâm sự thì đúng hơn. Hình như mỗi cô
đều có
hoàn cảnh na ná giống nhau. Họ lên Sài Gòn làm để giúp gia đình khó
khăn ở quê
nhà. Tiếp xúc với họ lâu ngày tôi cảm thấy thân thiện như những người
bạn. Tôi
vừa đi dạy vừa viết truyện ngắn về cuộc đời của họ. Họ bắt đầu xuất
hiện trong
những tác phẩm của tôi.
Hãy Nói Về
Miền Nam
Câu chuyện về một "Muỗng
Nước Mắm" của
Nguyễn Thị Thụy Vũ
Nhưng
câu chuyện về một Deep South của Quentin
không chấm dứt với chiến tranh. Đại tá Sutpen về nhà, [Quentin] nói, để
thấy rằng
vợ đã chết, con trai, một kẻ trốn chạy, những nô lệ của ông phân tán
(họ bỏ chạy
trước khi được giải phóng bởi quân đội Union), và hầu hết đất đai của
ông bị
trưng thu do nợ nần.
(Malcolm
Cowley giới thiệu William Faulkner, trong The Portable Faulkner, nhà xb The
Viking Press New York)
"Tại
sao anh thù ghét Miền Nam?",
Shreve McCannon hỏi, sau khi nghe xong câu chuyện
– "Tôi không thù Miền
Nam", Quentin trả lời liền lập tức. "Tôi không thù Miền Nam,"
anh lập lại, như thể nói với tác giả, và với chính mình. Tôi không thù
…. Tôi
không. Tôi không thù! Tôi không thù!
William Faulkner. Absalom, Absalom! (1936)
Trong số những
truyện ngắn của Thụy Vũ, có một, ít được nhắc tới, nhưng có lẽ đây là
truyện ngắn
hay nhất của bà, cho thấy cái mạch ngầm của ‘dòng văn học miền nam’:
thiên về
tâm linh, và nó ‘nhập thế’ qua hình ảnh của một đạo gia hơn là của một
nhà văn.
Đây là điểm thật khác biệt giữa hai dòng văn chương, một mang "chiến
đấu
tính", và một tuân theo sức mạnh vô hình, của điều được gọi là "thiên
tài của nơi chốn", hay của Thần Đất (genius loci, the spirit or
guardian
deity of the place).
Đó là câu
chuyện về một người đàn bà, hình như một ‘Chị Hai’ trong một gia đình
miền nam.
Chị Hai nhiều khi không hẳn là một ruột thịt trong gia đình, mà chỉ là
một người
làm công lâu đời, người viết không khỏi liên tưởng tới người vú da đen,
trong Âm Thanh và Cuồng Nộ
của William Faulkner: những con người gìn giữ
lương tâm của
cả một miền đất. Malcolm Cowley viết về những nhân vật của Faulkner: dù
anh
hùng, hay tiểu nhân, họ có một cảm quan kỳ cục: nhẫn nhục với số mệnh
của mình
(They… carry, whether heroes or vilains, a curious sense of submission
to their
fate).
Bà Chị Hai của Thụy Vũ,
suốt đời ăn chay niệm
Phật, tới phút hấp hối, bỗng muốn được hưởng mùi trần: hãy cho tôi nếm
thử một
muỗng nước mắm! Thế là có người thì giẫy nẩy, đây là Quỉ ám, cản trở
không cho
bước vào cõi Phật. Họ viện dẫn, ngay cả Đức Phật trước khi đắc đạo,
trước nhìn
ra ý nghĩa đau khổ của cõi đời sinh tử lão bịnh, và tìm ra được giải
thoát ra
khỏi vòng luân hồi, cũng đã từng bị Quỉ ám ảnh. Có người gật gù, phải
thực hiện
ao ước cuối cùng của một linh hồn trước khi lìa đời….
Tôi không nhớ Thụy Vũ đã ‘quyết định" ra
sao, về nhân vật của mình, "chấp nhận luân hồi, anh bước vô", hay là…
Theo tôi, câu chuyện muỗng
nước mắm của Thụy
Vũ nằm trong dòng văn chương "tâm linh", như một "Con Thằn Lằn
Chọn Nghiệp" của Hồ Hữu Tường. Hay một Cửa Tùng Đôi Cánh Gài, của Nhất
Hạnh.
Ở hải ngoại, chúng ta thấy không khí tâm linh
này thấp thoáng ở một số tác giả như Miêng, Phạm Hải Anh…
"Hãy nói về Miền Nam", một
người bạn
học ở chung phòng tại Harvard nói với Quentin. Một tay người Canada tên
là
Shreve McCannon vốn tò mò về một vùng đất chẳng ai biết (unknown) vượt
bên
ngoài Ohio. "Nó ra sao", anh ta hỏi. "Người ta làm gì ở đó? Tại
sao người ta sống ở đó. Tại sao người ta sống, vậy đó?"
Nỗi băn
khoăn về một miền đất quá bên kia dẫy Trường Sơn, có thời được coi là
Hoành Sơn
Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân, nhưng bắt đầu trở thành "unknown", không
phải với một người Canada, mà là với chính mình, đó là một ám ảnh viết
mở ra Khung Rêu, của
Thụy Vũ:
"Từ
hồi nhỏ, tôi phải chịu đựng một ám ảnh
thường xuyên: sự suy sụp bệ rạc của một gia đình thịnh mãn ở Miền Nam.
Nguyên
nhân chính của sự suy sụp này thì ai cũng biết: chiến tranh… Khi khởi
công viết
quyển truyện này, tôi đặt trước cho mình một chủ định: ghi lại cái ám
ảnh từ
thuở nhỏ dại đó của tôi, trong ước vọng, một lần nữa, giải tỏa nó cho
xong".
Khung Rêu, tác phẩm được giải nhì
văn học toàn
quốc (1970) làm độc giả say mê Faulkner nhận ra trang trại nho nhỏ có
tên là
Sutpen’s Hundred, lọt thỏm trong Thiên Đàng Giả Tưởng: Xứ Yoknapatawpha
(The
Yoknapatawpha Country) của ông. Khung
Rêu, qua tóm tắt của Vương Trùng
Dương,
trong bài viết Nguyễn Thị Thụy Vũ
Giữa Dòng Đời Nghiệt Ngã:
"Bối cảnh
câu
chuyện xoay quanh gia đình ông Phủ, điền chủ, quan lại, giai đoạn về
hưu. Nhìn
bên ngoài gia đình giầu sang nhưng bên trong từ ông Phủ đến con cái
chẳng ra
gì, con trai có đứa thì chơi bời trụy lạc, đứa thì dốt nát, con gái có
đứa lăng
loàn, đứa thì thất tình hóa điên, đứa thì ái nam ái nữ. Ông Phủ lắm vợ
nhưng đầu
óc đầy nhục dục, hãm hiếp người làm trong nhà tuổi bằng con cái… tạo ra
thảm kịch,
băng hoại của gia đình đến thời suy sụp"
Như trên cho thấy, Thụy Vũ
đổ cho chiến tranh
gây nên sự suy sụp. Nhưng Faulkner nhìn xa hơn, ông cho rằng sự suy tàn
của Miền
Nam, là do chính những con người của nó. Như Malcolm Cowley chỉ ra:
Miền Nam
Sâu Thẳm được cai trị bởi những điền chủ, một số là quí tộc như bộ lạc
Sartoris, trong khi một số khác, là dân ở đâu mới tới, như Colonel
Sutpen. Cả
hai đều cùng chung một mục đích: xây dựng một trật tự xã hội lâu dài,
trên một
vùng đất họ cướp được từ những người thổ dân da đỏ. Đầu óc thẳng băng,
sống
theo một qui luật nhất định (fixe code), nhưng "sâu thẳm" ở trong họ,
là một ám ảnh tội lỗi, ở trong cách sống của họ, ở trong mơ ước tạo lập
thiên
đường hạ giới của họ (but there was also an inherent guilt in their
"design", their way of life); và chính chế độ nô lệ mà họ bắt dân da
đen phải chịu đựng, đã gieo vào mảnh đất một lời nguyền, và từ đó, là
Cuộc Nội
Chiến. Như trong thư của Faulkner viết cho Cowley, đám con cháu của
Sutpen đã
coi ông như là một thứ rác ruởi, đồ trôi sông lạc chợ (trash,
originless),
nhưng lại cảm thấy được an ủi, bởi sự kiện: rằng một người như Sutpen,
giấc mơ
của họ mới cao làm sao, nhưng chỉ đủ sức mạnh, và sự dẻo dai, để thất
bại một
cách thật là cao cả (the fact that a man like Sutpen ‘could only have
dreamed
so high but have had the force and strength to have failed so grandly.)
Do đó,
không phải do tính tình, mà chính là do số mệnh, mà Sutpen trở thành
một nhân vật
mang tính biểu tượng của Miền Nam.
Faulkner thường được coi
như là một "ông
già nhà quê", với độc giả người Mỹ. Và không phải nước Mỹ, mà là thế
giới,
đặc biệt là nước Pháp, đã "khám phá" ra ông. Nếu trí nhớ không phản lại
người viết, khi ông được Nobel văn chương, tờ NY Times, trong một bài
báo đã
"cảnh cáo" độc giả nước ngoài: đừng nghĩ rằng ở Mỹ, nơi nào cũng có
những thảm kịch loạn luân, thù hận da đen, như trong tiểu thuyết của
Faulkner
mô tả.
Cuộc Nội Chiến, kết quả
của nó, là một nước Mỹ
hùng cường ngày nay. Liệu một khi người Mỹ nhẩy vào Miền Nam Việt Nam,
họ có mơ
tưởng một lập lại lịch sử của chính họ, tại một vùng đất "unknown"
nơi đầm lầy nhiệt đới Việt Nam? Và họ đã thất bại một cách thật là cao
cả?
Trên đây chỉ là một "giả
tưởng", của
người viết bài này, nhưng trên thực tế, với tác giả Thụy Vũ, nó là một
hy vọng
thực sự, nếu chúng ta để ý đến hoàn cảnh gia đình của bà, mà như tác
giả Vương
Trùng Dương, qua bài viết đã dẫn ở trên:
"Nguyễn Thị Thụy Vũ tên
thật
là
Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long. Nhà văn sống giữa
lằn ranh
Quốc-Cộng trong gia đình. Vì sống giữa lằn ranh đó, Nguyễn Thị Thụy Vũ
đã gánh
chịu bao điều ngộ nhận về khuynh hướng chính trị… thân phụ là nhà thơ
Mặc Khải,
tác giả Phấn Nội Hương Đồng. Mặc Khải nằm vùng, hoạt động cho Cộng
Sản…".
Nếu Thụy Vũ cho rằng chiến tranh là duyên do của suy sụp, nhưng bởi vì
"sống
giữa lằn ranh", bà cũng còn tin tưởng, chiến tranh dưới dạng giải
phóng,
là khởi đầu một hưng thịnh của nó.
Jennifer Tran
Chú thích:
Người viết xin tóm tắt sơ
qua, cái nghiệp
của một con thằn lằn. Tác giả của nó, Hồ Hữu Tường, theo người viết,
cũng là một
thứ đạo gia, xuống núi hành hiệp, qua những vai trò: hiệp sĩ, khi chấp
nhận triết
lý hành động của một Đệ Tứ, nhà văn, khi viết Phi Lạc, thiền sư, trong Trầm Tư
Của Một Tên Tội Tử Hình, và sau cùng, một người dân Miền Nam,
như tất
cả mọi
người, sau 1975.
Câu chuyện Con Thằn Lằn mở
ra tại một ngôi
chùa hẻo lánh, tại một miền đất xa xôi. Bữa đó, có hai người khách lãng
du tình
cờ ghé qua. Đúng vào ngày cuối cùng, trước khi quyết định lên giàn hỏa
tự thiêu
của vị sư trụ trì. Nhân câu chuyện lúc cùng khách, vị sư cho biết, ông
đã tụng
đủ mấy ngàn lần một bộ kinh, và theo như truyền thuyết, sau khi tụng
xong lần
cuối cùng vào tối nay, ông sẽ lên giàn hỏa, tự thiêu, và sẽ thành…
Phật. Hai
ông khách, khi về phòng riêng, nói chuyện với nhau, cho rằng nhà sư đã
hiểu lầm
ý nghĩa của bộ kinh, hơn nữa còn hiểu sai Phật Giáo, vốn cấm con người
tự huỷ
mình. Không ngờ khi họ nói chuyện, con thằn lằn trong chùa đã nghe
được. Đây là
một con thằn lằn đã tu nhiều đời, hiểu được tiếng người. Và nó cũng đã
tin tưởng
như nhà sư, và cũng tính theo ông lên giàn hoả, sau khi nghe ông tụng
xong lần
cuối bộ kinh. Thế là con thằn lằn cố tìm cách cứu mình, và cứu vị sư.
Bằng cách
uống dầu đèn, nó làm cho vị sư không làm sao tụng xong lần thứ… chót
của bộ
kinh, để lên giàn hoả tự thiêu. Vị sư sau cùng khám phá ra, và tiện tay
cầm vồ
tụng kinh, ông đập chết con thằn lằn, rồi tụng tiếp, và tự thiêu. Hồn
cả hai
lên gặp Phật. Phật quở vị sư, tu mà còn đủ sân si, lại còn thêm tội sát
sinh, bắt
trở lại làm người, tu tiếp. Còn con thằn lằn, Phật giải thích, tuy đã
ngộ ra được
một phần chân lý, nhưng phương tiện "nuốt dầu" như thế là còn có tính
"bạo động", ép buộc, và "ngẫu nhiên". Phật cho phép con thằn
lằn được tự chọn nghiệp, trước khi đầu thai, và phải "độ" cho được, tất
cả con số chúng sinh đầu thai thành người, từ tro than của "nhục
thân" một con thằn lằn, tức là kiếp trước của nó. Như người viết còn
nhớ,
truyện lần đầu chấm dứt ở đây, nhưng sau đó (trên tờ Văn ở Sài Gòn, sau
1954,
trước 1975), tác giả viết thêm, cho con thằn lằn đầu thai, làm một nhà
văn hóa.
Liệu có thể coi Cửa Tùng Đôi Cánh Gài, là một
tiếp nối Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp?
Đây là câu chuyện một vị
sư trẻ
xuống núi
hành hiệp, mang theo một cây gươm, và một cái kiếng chiếu yêu. Nhờ
kiếng chiếu
yêu, chàng dũng sĩ trong chiếc áo thầy tu đã dùng cây kiếm trừ khử được
rất nhiều
yêu quái đội lốt người… nhưng dần dần, anh ít sử dụng tới kính chiếu
yêu, và do
đó, cũng ít phải có dịp rút kiếm ra khỏi vỏ, như thể thiên hạ đã hết cả
yêu
quái… Rồi tới một ngày kia, nhớ thầy, nhớ chùa, anh trở lại. Cửa chùa
ngày anh
còn, thường luôn luôn mở rộng, sao nay khép lại, trước anh? Buồn rầu,
anh ngồi
bên con suối xưa, thấy bóng mình trên dòng nước: một con người mệt mỏi,
chán
chường… Anh tự dưng có ý định soi một lần bóng mình, trên kiếng chiếu
yêu… và rụng
rời thấy, một con quỉ trên mặt suối giận dữ nhe nanh…
Không hiểu Hồ Hữu Tường đã
từng đọc Nhất Hạnh,
và tự hỏi như trên: liệu có thể coi Cửa
Tùng Đôi Cánh Gài là một tiếp
nối Con
Thằn Lằn, và vị dũng sĩ thiền sư đã thất bại, như chính ông đã
từng
thất bại… ?
Và Nhất Hạnh, đã có lần
nào đọc (lại) Cửa
Tùng?
JT
Được cô
Nguyễn Tà Cúc gửi cho bài phỏng vấn vừa mới thực hiện với nhà văn
NGUYỄN THỊ
THỤY VŨ - một tác giả nữ bắt đầu xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ
những năm
60s trên BÁCH KHOA- cùng thời với một TÚY HỒNG điên "cơn điên tím"
rất Huế, một Nguyễn Thị Hoàng chói chang (& rạo rực?!?) nắng hạ của
"vòng tay học trò", một NHÃ CA nói chuyện Huế Mậu Thân và "đời
sống ôi buồn như cỏ khô"...Nguyễn Thị Thụy Vũ hiện ra với một hình ảnh
trần trụi khác, đời sống của một tầng lớp khá đặc biệt trong xã hội
miền Nam
thời đó - đời sống của gái bán bar - nơi đó không có những chất vấn
siêu hình,
những suy tư thời cuộc, thân phận... như đã từng bắt gặp đâu đó trong
những
truyện ngắn, dài của các tác giả nữ cùng thời...mà chỉ là một trần trụi
của đời
sống & một cách thế sống riêng tây của một "tầng lớp" như thế,
nhưng rốt ráo, họ vẫn là những con người, niềm riêng đầy đau đớn, sần
sùi lại
bị quăng quật vào một phông nền phi lý của chiến tranh - mặc dù trong
nhiều
truyện của Nguyễn Thị Thụy Vũ, bà chỉ như viết ra những diễn biến thấy
ngay
trước mắt - nhưng gieo vào lòng người đọc những suy nghĩ về những cái
thỏa hiệp
(phải có) với đời sống, cái nồng tanh của đời sống thay vì chỉ là những
phong
hoa tuyết nguyệt, những vuốt ve mơn man... Cách viết ấy, nếu có thể
tượng hình,
có thể đó là cái đau điếng quật xuống của làn roi, phô bày hết những
nhức nhối.
Tuy
nhiên, sau cái sự trần trụi ấy (trần trụi của cuộc sống gái bán bar,
lấy Tây
hay những mảnh đời đặc biệt, nhiều "ẩn ức" khác) - trần trụi từ ngôn
ngữ của các nhân vật..cho đến ngôn ngữ xây dựng câu chuyện của tác giả
- là một
khát khao sống...sống ngay cả trong đống bùn của đời sống mang đến, của
thân phận, sống trong những
chông chênh của cuộc nội chiến, (mặc dù nhiều khi là) giành giựt
nhau
sống, tranh chấp nhau sống....Vượt thoát & sống! Sự phóng túng và
nuông
chiều chính bản thân trong những khát khao tầm thường, bản năng... buộc
mình trôi theo dòng
... làm rúng độc độc giả của miền Nam một thời là như thế...
Trong
bài PV có nhắc đến truyện MUỖNG NƯỚC MẮM (cũng xuất hiện trong tuyển
tập NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA 1974 với tên là
LÒNG TRẦN) , một sự kiện về VŨ HẠNH, tôi cũng xin cung cấp tài liệu đó
trên blog này
{VIÊN
LINH gọi Vũ Hạnh là "Anh Lùn Cạnh Nhà Thờ Đức Bà" trên
tuần báo Nghệ Thuật số 27 tháng 4.1966. [VL
chú
thích] : Nguyên tháng 2.1966 trên tờ Tin Sách của
Trung tâm Bút
Việt (Văn Bút V.N.) Vũ Hạnh chê thơ tự do đang suy mòn
và "thơ tự do hiện tại là con đẻ của lý trí nhất thời, đã bị lý
trí từ khước, và nếu nó còn tồn tại ở mức nào là nhờ nó được nuôi dưỡng
ở lòng
tự ái nhiều hơn." Ở đoạn khác ông ta viết: "Không có
một cái nội dung dân tộc cụ thể, mọi sự đổi mới cũng sớm trở thành trừu
tượng
mâu thuẫn và xa dần dân tộc."Lúc đó ai cũng biết nhóm VC nằm
vùng (trong có Vũ Hạnh), lúc nào cũng mang chiêu bài dân
tộc làm một
cái khiên để bôi nhọ các nhà văn gốc Bắc di cư vào Nam sau 1954 và chia
rẽ họ với
đồng bào trong Nam. Bài trên ông ta viết chỉ trích cuốn tiểu luận nhan
đề Tiếp
Nối của Trần Thanh Hiệp do Sáng Tạo xuất bản,
nhân đó
phỉ báng thơ tự do, phỉ báng các nhà thơ qua mấy chữ "thơ tự do
còn tồn lại là nhờ được nuôi dưỡng bằng lòng tự ái" [của những
người làm thơ]. Tôi dùng hình ảnh anh lùn để chỉ Vũ Hạnh, như một người
có khuyết
tật (như anh gù Quasimodo của Victor Hugo) sống cạnh
nhà thờ
là bám víu vào lòng bác ái của các tín đồ ngoan đạo, kiểu cán bộ Vũ
Hạnh bám
víu vào hai chữ dân tộc để che mắt miền Nam hầu sống còn trong khi mưu
đồ của họ
là khác”}
-------------------------------------
Lời
Người Phỏng Vấn:
Trong
mấy nhà văn nữ của Miền Nam trước 1975, người viết muốn đặc biệt
phỏng vấn nhà văn Thụy Vũ. Bà tên thật là Nguyễn Băng Lĩnh, sinh năm
1937, quê ở Vĩnh Long. Bà dạy tiểu học 5 năm trước khi lên Sài Gòn vào
năm 1961.
Lên
Sài gòn, bà vừa đi học Anh văn vừa đi dạy Anh văn cho các cô bán"snack
bar" hay các cô điếm cho lính Mỹ. Bà đoạt giải nhì Bộ Môn Văn
- Giải Văn học Nghệ Thuật Toàn quốc năm 1970 (Người đoạt giải
nhất là nhà văn Túy Hồng). Song song với việc sáng tác, bà còn lập
nhà xuất bản Hồng Đức và Kẻ Sĩ với nhà thơ Tô Thùy Yên.
Sau
1975, tác phẩm của bà bị cấm toàn diện. Bà đem các con về Lộc Ninh
làm rẫy, có lúc làm lơ xe đò để lo cho gia đình. Người viết muốn phỏng
vấn bà về hai vấn đề chính: thứ nhất, trường hợp một nhà văn nữ không
sợ tai tiếng và thành kiến xã hội, đã giao du với đám phụ nữ cùng khốn
nhất của xã hội và thứ hai, thái độ can đảm của bà sau 1975 trước sự đe
nẹt công khai của các tay quản giáo văn nghệ. Qua sự dàn xếp của nhà
văn Văn Quang người phỏng vấn đã có một cơ hội để tìm biết câu trả lời
cho hai thắc mắc ấy.
*
Qua Trận Gió Kinh Thiên là nhan đề một tác phẩm của Thụy Vũ.
NGUYỄN TÀ CÚC: Nếu Tà Cúc nhớ không
nhầm thì chị Thụy Vũ có lần nói đâu đó là chị dậy các cô bán bar học
tiếng Anh và qua đó, họ xuất hiện trong tác phẩm của chị. Như vậy, họ
đến học với chị Thụy Vũ qua cách nào? Như đến nhà chị hay sao?
NHÀ VĂN THỤY VŨ: Tôi đang dạy ở Vĩnh
Long được 5 năm (bậc tiểu học). Sau đó tôi lên Sài Gòn đi
học Hội Việt Mỹ được hơn 1 năm. Tiếng Anh của tôi chưa đầy một lá mít,
nhưng tại sao tôi dám nhận dạy kèm cho mấy cô lấy Mỹ? Lúc đó tôi có một
anh bạn học cùng lớp (lớp 2)Hội Việt Mỹ. Anh ấy ngồi cạnh
tôi. Anh ta làm bài tập không giỏi nên tôi thường giúp anh ấy làm bài.
Tôi hơi ngạc nhiên là anh ta nói tiếng Mỹ đòn tan như bắp rang mà không
lý tới văn phạm.
Một
hôm vào giờ ra chơi, anh ta đề nghị tôi dạy thêm tiếng Anh cho mấy
cô bán bar quen biết với anh ấy để có thêm chút tiền trả tiền học. Các
cô gái đó đang thuê phòng của nhà anh ta để ngủ với mấy tên lính Mỹ.
Tôi
từ chối thẳng thừng và nói ông đừng chọc quê tôi. Tôi với ông mới
học 2 khóa mà dạy ai đây? "Bạn cứ yên tâm nhận lời đi, tôi sẽ
có cách..." Khi hẹn tới nhà anh ta vào ngày chủ nhật tôi mới
biết anh ta là "ma cô."
Anh
ta dắt tôi đi từng phòng và giới thiệu tôi sẽ là cô giáo dạy kèm
cho họ. Tôi càm ràm anh trước khi ra về và hẹn hôm sau quay lại thử
thời vận. "Bạn biểu tôi dạy gì cho họ đây?" - "Tôi đã dặn họ
rồi cô giáo dạy gì thì học nấy. Chớ có hỏi lôi thôi nghẹn." Tôi
không ngờ họ chưa hề biết đọc tiếng Việt thì làm sao đây?
Công
- bạn tôi nhanh nhẩu nói: "Bạn dạy i - tờ cho họ trước cái
đã, rồi sau đó mỗi ngày bạn chỉ cần cho họ biết viết tiếng Anh một vài
chữ trong một lần học là được rồi."
Tôi
không ngờ là cách kéo dài thời gian của Công để tôi còn tiếp tục đi
học với hắn. Họ nói tiếng "bồi" lưu loát không thể chê. Tôi cảm thấy
ngài ngại thế nào vì tôi không thể nói như họ được.
Họ
thuê tôi dạy không phải học mà để có người tâm sự thì đúng hơn. Hình
như mỗi cô đều có hoàn cảnh na ná giống nhau. Họ lên Sài Gòn làm để
giúp gia đình khó khăn ở quê nhà. Tiếp xúc với họ lâu ngày tôi cảm thấy
thân thiện như những người bạn. Tôi vừa đi dạy vừa viết truyện ngắn về
cuộc đời của họ. Họ bắt đầu xuất hiện trong những tác phẩm của tôi.
Khởi Hành,
Chủ
nhiệm, Chủ bút: Viên Linh,
Thư ký toà soạn: Nguyễn Tà Cúc
Mua dài hạn: Hoa Kỳ: 50mk, Canada: 65mk,
Âu Á Úc: 90mk một năm;
Mail, check, money order: NAM NGUYEN,
P.O.BOX 670, Midway City, CA 92655
email: phamcongkh@yahoo.com
NGUYỄN TÀ CÚC: Chị viết rất thật, hết
sức thật. Một ưu điểm của văn chương Thụy Vũ là người đọc có thể cảm
nhận ngay rằng tác giả đã dựa sự sáng tạo trên những hoàn cảnh thật,
nhân vật thật và sử dụng những kinh nghiệm của nhân vật thật ấy để bày
họ ra trên những trang giấy, dĩ nhiên là của sự tưởng tượng; nhưng
những hình dáng đó, những tâm cảnh đó không là sản phẩm của một sự
tưởng tượng quá nghèo nàn đến nỗi tố cáo sự bịa đặt của tác giả. Viết
truyện về gái điếm tưởng là dễ nhưng mà rất khó! Tà Cúc từng đọc một
cuốn truyện tả tình cảnh của vài cô bán bar rồi làm điếm cho lính Mỹ
--cùng đề tài nhân vật với chị-- nhưng chỉ cần đọc những câu đối thoại
là người ta biết ngay tác giả của nó chưa bao giờ có cơ hội nói chuyện
với các cô làm điểm nên mới "sáng tác" ra những câu đối thoại hay cách
suy nghĩ của cái kiểu "Nếu một tiểu thư đi làm gái điếm." Và
dĩ nhiên cái kiểu giả tạo đó không tốt đẹp gì cho cả cô tiểu thư lẫn cô
làm gái điếm.
THỤY VŨ: Tác phẩm cửa tôi có thể nói
là đến 70 phần trăm dựa trên sự thực. Nó thực đến nỗ i một hôm, hồi tôi
ở sau đình Phú Thạnh, sau khi cuốn Lao Vào Lửa xuất
bản thì có một anh lính mặc đồ rằn ri coi ghê lắm nghe giới thiệu mới
chạy tới ôm tôi và hỏi "Phải cô là gái điếm không?"
Tôi
đẩy anh ta ra và la lên: "Tôi chỉ viết truyện chớ tôi làm
gái điếm hồi nào?!
Anh
ta mới nói tôi viết y như thiệt vậy. Nói thiệt chớ hồi đó họ cũng
không biết tôi viết về họ đâu nghe. Nếu họ biết chắc họ rầy chết. Có
khi tôi vừa ra bài cho họ thì trong khi họ làm bài, tôi ngồi viết về
họ. Nhiều lần họ nói với tôi sẽ làm mai cho tôi một anh chàng Mỹ đàng
hoàng chớ không phải đám GI như mấy cổ nhưng tôi từ chối. Tôi có thể
nói là tôi đã đi tới hầu hết mấy ổ điểm sang nhứt ở Sài gòn. Nơi nào có
học trò là nơi đó tôi tới.
NGUYỄN TÀ CÚC:: Cảm tưởng nào mạnh mẽ nhất
mà chị Thụy Vũ còn giữ được sau mấy chục năm dạy họ? Chị có nghĩ về số
phận đàn bà nói chung khi dạy họ hhông?
THỤY VŨ: Mấy chục năm đã qua, chị hỏi
về cảm tưởng mạnh mẽ nhất, có lẽ tôi không thể nhớ nổi rõ ràng. Nhưng
dường như những hình ảnh của những cô gái bán bar đó còn vương vấn
trong tôi. Nỗi đau âm thầm của họ giấu kín sau những son phấn lòe loẹt
và những tiếng cười, những câu chuyện hoang toàng, tôi tưởng như chính
những thứ đó đang phá nát tâm hồn họ, đang như cái xe đang lao dốc. Tôi
thầm thương họ, thông cảm với họ và cũng chẳng biết làm sao hơn.
Mỗi
người một hoàn cảnh, cái điểm chung chính là nỗi nghèo khổ đã dồn
họ vào con đường cùng. Cũng như bây giờ, rất nhiều cô gái quê ở Việt
Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cô gái được gia đình
đưa lên Thành phố Sài Gòn để "tuyển vợ" cho mấy chú Đài Loan, Đại Hàn
hoặc đi Singapore làm đủ nghề kiếm sống.
Tàn
nhẫn hơn, ở những vùng sát biên giới Trung Quốc, chẳng thiếu gì
chuyện những cô gái quê nghèo đó tự nguyện hoặc bị lừa bán sang Trung
Quốc lưu lạc vào những ổ điếm, lấy những ông chồng già bệnh hoạn, làm
việc như nô lệ... Phải chăng đó là thân phận hay số phận của phụ nữ
nghèo Việt Nam? Tôi tự hỏi như thế và biết đến bao giờ xã hội mới có
được một đời sống công bằng cho phụ nữ VN nói chung?
NGUYỄN TÀ CÚC: Cũng lạ là hồi đó
những năm 60 mà chị dám sống như vậy, dám đi cùng, nô khắp h~lách sạn
như vậy. Chị ở với ai, không sợ ba má la sao? Tà Cúc nhớ là ngay chính
gia đình Tà Cúc đây, tối tối là đóng sập cửa lại, báo hại cứ trốn nhà
đi chơi. Mà tóc thì không được uốn, không được son phấn nhiều...
THỤY VŨ: Có chớ. Bà má tôi cứ sợ tôi
hư nhưng tôi nói tôi viết về gái điếm chớ có làm điếm đâu. Hồi tôi mới
lên Sài gòn thì tôi ở chung với Hồ Trường An, em tôi. Nó thua tôi một
tuổi, bằng tuổi Viên Linh đó. Tôi viết mấy truyện bị ông già la quá vì
lấy cảm hứng từ nhân vật trong gia đình ra mà viết đó chớ.
NGUYỄN TÀ CÚC: Nói về chuyện người
thật, việc thật, Tà Cúc nhớ lại là hồi đọc truyện ngắn "Lòng
Trần" (tức là truyện "Muỗng nước mắm") của chị, Tà Cúc thích
quá và tự nhủ là nếu mai sau dù có bao giờ mà gặp tác giả thì sẽ hỏi
coi là tại sao mà bà ấy biết được cái thèm "nước mắm" của một người ăn
chay. Nhân vật chính trong truyện bà cô Năm Thàng. Anh Hồ Trường An tóm
tắt cốt truyện như sau:
"Năm
Thàng là cô đào hát bội, thanh sắc lẫy lừng được một ông phú hộ
say mê. Ông tình nguyện gia nhập gánh hát để được theo bước lưu diễn
của cô. Ông săn sóc cô và soạn tuồng để cô diễn. Cảm động tấm chung
tình của ông, cô bỏ nghề hát để làm vợ ông. Rồi đó, ông chồng chết vì
tai nạn sét đánh, đứa con của cả hai cũng chết sau đó ít lâu. Cô Năm
Thàng cắt tóc đi tu, lấy pháp danh là Diệu Tâm, sống khổ hạnh, giữ trai
giới rất nghiêm nhặt cho tới tuổi già bóng xế. Ngờ đâu, trong phút hấp
hối, sư nữ Diệu Tâm đòi húp một muổng nước mắm.
Nhưng
họ hàng thân tộc của bà cho rằng bà sắp thành chánh quả mà còn bị
quỉ ma theo quấy phá để bà bị tội phạm giới. Cho nên họ nhất định không
chiều theo ý của bà. Bà chết trong cơn hành hạ của thể xác, trong cơn
thèm thuồng không được thỏa mãn. Càng chua xót hơn, trong phút lâm
chung, bà quên mình là kẻ tu hành mà chỉ nhớ mình là cô đào hát bội Năm
Thàng...
Tà
Cúc muốn hỏi chị là chị có ăn chay hay không mà sao tả cái thèm nước
mắm này hay quá. Vì thiệt tình, có khi người ta thèm nước mắm thôi chứ
không thèm thịt cá gì hết.
THỤY VŨ: À, chuyện này bắt nguồn từ
cuộc đời cô ruột của tôi do ba tôi kể lại. Dĩ nhiên là 30 phần trăm còn
lại thì là hư cấu. Phần tôi, hồi đó tôi không có ăn chay. Mới ăn chay
có bốn năm nay thôi, Tà Cúc à.
NGUYỄN TÀ CÚC: Nói về cuộc đời, về
cuộc đời thiệt và cuộc đời trên sân khấu hát bội, Tà Cúc lại nhớ chuyện
sau 1975.
Anh
Hồ Trường An có thuật lại như sau:
-
"Gần ngày mãn khóa, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhật Tiến
bị hai nhà văn Cộng sản là Bùi Đức Ái (Anh Đức), Nguyễn Sáng và các ông
cán bộ cục R là Sáu Lăng, Hai Khuynh, Phan Đắc Lập cùng các nhà văn nằm
vùng như Vũ Hạnh, Thế Nguyên mời lên văn phòng...
Cả
ba Long, Vũ, Tiến bị chỉ định làm bài tự phê tự kiểm... Thụy Vũ bước
lên "giàn hỏa" trước hết. Nhưng để trả lời câu hạch tội của Bùi Đức Ái
trong văn phòng, chị tôi nói:
- "Anh
Bùi Đức Ái đã hỏi tôi động lực nào đẩy tôi viết văn đồi
trụy, dù tôi viết về gái điếm có khuynh hướng tốt. Tôi xin thưa, không
ai bắt buộc tôi cả." [...] Thụy Vũ điềm nhiên, sắc mặt nguội
như tảng bánh đúc: "Thưa toàn toàn không. Tôi tự do sáng tác.
Sở dĩ tôi viết khiêu dâm táo bạo là vì mãi tới 28 tuổi, tôi muộn chồng,
xấu xí và không được anh chàng nào ngó ngàng tới và tôi bị ẩn ức sinh
lý"[...]
"...
Trong buổi học sau, tôi dọn chỗ để ngồi gần hai ông anh tiểu
thuyết gia hiền lành của tôi là Trọng Nguyên và Thanh Thủy. Họ cùng
ngồi một dãy với chị Vinh, anh Nhật Tiến và chị Đỗ Phương Khanh. Họ xếp
tôi ngồi gần chị Đỗ. Tôi cứ ngủ gục hoài làm anh Trọng Nguyên cứ gọi
từng chập" "- Mày cứ ngủ hoài, họ để ý mày đó."
Nhà văn Đỗ Phương Khanh
Vào
cái hôm một nhà văn nữ làm màn tự phê tự kiểm, thấy đương sự vật vã
van xin cộng sản cho mình cầm bút trở lại, chị Đỗ Phương Khanh(1) đứng
dậy dõng dặc: "- Cô muốn xin viết lại thì nên xin cho riêng cô,
đừng xin cho chúng tôi làm gì."
Cũng
trong buổi hôm đó, có tên cán bộ cộng sản tên Mai Quốc Liên(2),
dù là kẻ dự thính, nhưng hắn đã khinh miệt bảo phe cầm bút loại trên:
"- Xin các anh chị đừng tiếc rẻ cái văn nghệ miền Nam nữa. Đó là thứ
văn nghệ chợ trời, hiện đem bán sold chẳng ai mua."
Lập
tức, chị Đỗ Phương Khanh đứng lên: "- Anh Liên! Anh nhân danh ai mà
nói câu ấy? [...] Chị vừa thét vừa khóc nức nở, làm cơn buồn ngủ tôi
tan biến đâu mất..." (Hồ Trường An, Giai thoại hồng - Hồi ký
văn nghệ, trang 302, 324-325)
Đó
là Thụy Vũ trong "Khoá bồi dưỡng chính trị" cho văn nghệ sĩ Miền Nam
trong mùa hè năm 1976 tại Sài Gòn. Đó là lúc Miền Bắc gửi ngay nhiều
cán bộ cao cấp vào Nam để mở màn công cuộc thanh trừng và "cải tạo" văn
nghệ sĩ Miền Nam. Nhà văn Nhật Tiến cũng xác nhận thái độ đàn áp thô
bạo gần như man rợ của đám người cũng mệnh danh cầm bút này qua một
đoạn tường thuật về Khóa bồi dưỡng đó:
-
"Mai Quốc Liên tuyên bố trong khóa bồi dưỡng kể trên rằng 'miền Nam
các anh các chị làm gì có văn hóa!' Người phản ứng đầu tiên ngay sau
khi Mai Quốc Liên buông câu nhục mạ là nhà văn Đỗ Phương Khanh, biên
tập viên các báo Dân Chủ, Hòa Bình, Tân Phong, Đông Phương,
Thiếu Nhi.
Đỗ
Phương Khanh đã đứng phắt dậy, chỉ vào mặt Mai Quốc Liên và cao
giọng:
'Anh vào Nam bao lâu, đọc được bao nhiêu cuốn sách rồi
mà anh nói miền Nam không có văn hóa...'
Mai
Quốc Liên không thể trả lời câu hỏi này, trong khi tôi và Nguyễn
Thụy Long cùng đứng dậy để chất vấn thêm về câu tuyên bố mục hạ vô nhân
này, nhưng Chủ tọa đoàn đã vội vã tuyên bố nghỉ giải lao vì bầu không
khí sục sôi của nhiều người tham dự.
Một
cán bộ, tôi không nhớ tên, đã tới ngay bên Nguyễn Thụy Long để kè
anh đi ra. Còn tôi cũng bị nhà văn Vũ Hạnh kèm sát ra sân sau và
nói: 'Anh đừng có nóng! Anh phản ứng như thế người ta sẽ cho là
anh phá hoại khóa học'. (Nhà văn Vũ Hạnh hiện còn sinh sống ở Sài
Gòn)..." (Nhật Tiến, "Cuối cùng thì ông Mai Quốc Liên đã công nhận miền
Nam có văn hóa")
Phản
ứng của (các) chị (và các anh) lúc ấy thực là can đảm. Phản ứng đó
cho thấy cái tương lai là họ sẽ không bao giờ đàn áp được văn nghệ sĩ
Miền Nam như họ đã làm tại Miền Bắc, thí dụ như họ đã làm với nhóm Nhân
Văn - Giai phẩm.
THỤY VŨ: Khi tôi trả lời rằng tôi vì
khủng hoảng sinh lý nên viết văn "đồi trụy" để trả lời cho họ việc họ
kết án tôi là tôi viết văn "đồi trụy" rồi đi xuống thì chị Nguyễn Thị
Vinh ôm tôi khóc:"Ôi em không biết gì về Cộng sản hết!" Nhưng
sao tôi không sợ. Trước đó, họ biểu tôi nghĩ sao thì cứ nói, nhưng nói
trong phạm vi ở đây chứ ra ngoài mà nói thì họ "không bảo đảm
an ninh"cho tôi được. Tôi mới hỏi lại là "Mấy anh có bảo
đảm được không? Còn tôi thì tôi sẽ không nói dối." Sau khi
phát biểu phần tôi thì nhà văn Nguyễn Quang Sáng bầy tỏ là ông rất
thích cái cách của "dân Nam Kỳ nghĩ sao nói vậy."
NGUYỄN TÀ CÚC: Có lẽ chị không sợ dù
trong tình cảnh "đằng đằng sát khí" ấy vì họ đã xúc
phạm đến tác phẩm -tức là linh hồn là cốt tủy của con người chị. Họ có
thể làm người ta sợ khi họ hăm dọa phần thể xác nhưng khi xúc phạm tới
cốt tủy của một con người, ở đây là tác phẩm của một nhà văn thì nhà
văn đó sẵn sàng chết cho cái cốt tủy ấy sống.
Cho
nên, phải nói Tà Cúc rất tiếc khi phải chứng kiến cảnh một
nhà văn cũng có tiếng của Miền Nam mà bao lâu nay lại quyết
định im lặng trước sự xấc xược của những "anh gù tại nhà thờ
Đức Bà" (3) tới tác phẩm của
mình. Nếu mà tới thời buổi này, đám dân ngu khu đen vẫn còn phải chạy
đôn chạy đáo lên tiếng bênh vực cho các anh nhà văn - mà lẽ ra phải là
ngược lại - thì không có gì đáng để các anh nhà văn đó tự hãnh diện hay
đáng được người khác vinh danh ca ngợi cả (4).
Chính phủ Việt Nam có cho xuất bản tác phẩm nào của chị chưa?
THỤY VŨ: Chưa. Cách đây không lâu, họ
có xin tôi truyện ngắn "Muỗng nước mắm" mà Tà Cúc nhắc
đó để in trong một tạp chí nhưng tôi không cho họ đăng. Sách của tôi
còn bị cấm toàn diện.
NGUYỄN TÀ CÚC: Sau cùng, nếu chị được
làm lại từ đầu, chị có chọn làm nhà văn không?
THỤY VŨ: Không, giữa làm nhà văn và
được là một người vợ hạnh phúc thì tôi chọn hạnh phúc.
NGUYỄN TÀ CÚC: Tác giả Thụy Vũ có thể
không muốn làm nhà văn nhưng độc giả Nguyễn Tà Cúc lại muốn chị cứ là
nhà văn để được đọc những tác phẩm hoặc là nghệ thuật hoặc là phản ảnh
một phần xã hội Miền Nam bấy giờ. Cảm ơn chị đã nói chuyện với Tà Cúc
và cảm ơn anh Văn Quang đã dàn xếp cho hai chị em có dịp hàn huyên.
Sài
Gòn - California, ngày 19.3.2014
Nguyễn Tà Cúc
(Khởi Hành số 207-208, March-April 2014)
Chú thích:
(1)
ĐỖ PHƯƠNG KHANH (bà Nhật Tiến) sinh tại Nam Định,
xuất hiện lần đầu với truyện ngắn Đi Mua Giầy trên
Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh. Sau khi Văn
Hóa Ngày Nay đình bản, bà qua cộng tác với tạp chí Tân
Phong của nhà văn Nguyễn Thị Vinh với nhiều truyện ngắn khác,
sau xuất bản thành tập truyện Hương Thu do Đông Phương
ấn hành. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, bà về làm quản lý cơ sở ấn loát
Hồng Lam ở Sài Gòn do Linh Mục Cao Văn Luận làm Giám Đốc.
Đầu
thập niên 70, bà giữ vai trò quản lý trị sự cho tuần báo Thiếu
Nhi đồng thời phụ trách trang Vườn Hồng và
sinh hoạt với Gia Đình Thiếu Nhi là một tập hợp độc giả của tuần báo
này cho tới năm 1975. Cũng trong thời gian này, Đỗ Phương Khanh phụ
trách trang nhi đồng cho nhật báo Hòa Bình với bút
hiệu Mai Loan và là người phụ trách trang Phụ Nữ của nhật báo Dân
Chủ cho tới năm 1975. Bà cũng là giám đốc vườn trẻ Anh Vũ, một
cơ sở mẫu giáo chuyên dạy trẻ em theo phương pháp Montessori từ năm
1973 tới 1975. Tại Hoa Kỳ, bà dịch những tài liệu về Bảo Vệ Loài Vật và
những câu chuyện của J. Krishnamurti với những bút hiệu Danny Việt, Vy
Khanh ..., đồng thời biên soạn "Chương trình tìm hiểu Phật pháp
Tuệ Đăng" phát thanh hằng tuần trên Little Saigon Radio và Hồn
Việt TV với bút hiệu Liên Hương. Bà hiện cư ngụ tại Nam California.
(http://phuongkhanhdo.wordpress.com/category/trang-chinh/)
(2)
Mai Quốc Liên nguyên quán tại Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam, là
giám đốc Trung tâm Quốc học, giáo sư đại học sư phạm thành phố Hồ Chí
Minh v.v. Ông cũng là người viết tựa và đỡ đầu cho bộ Sông Côn
Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác - một người từng có mặt trong buổi
họp đó, sau vượt biển sang Hoa Kỳ làm chủ nhiệm chủ bút báo Văn
Học. Khi bộ truyện này được nxb Văn học và Trung tâm Nghiên cứu
Quốc học xuất bản năm 1998 tại Sài gòn. Thật không đáng tiếc: một người
bị mắng như thế mà không có phản ứng thì sự quay về nhờ vả kẻ mắng mình
cũng không có gì là lạ.
(3)
Chữ của Viên Linh chỉ Vũ Hạnh trong bài viết "Anh Lùn Cạnh
Nhà Thờ Đức Bà" đăng trên tuần báo Nghệ Thuật số
27 tháng 4.1966. [VL chú thích]: Nguyên tháng 2.1966 trên
tờ Tin Sáchcủa Trung tâm Bút Việt (Văn Bút V.N.) Vũ
Hạnh chê thơ tự do đang suy mòn và "thơ tự do hiện tại là con
đẻ của lý trí nhất thời, đã bị lý trí từ khước, và nếu nó còn tồn tại ở
mức nào là nhờ nó được nuôi dưỡng ở lòng tự ái nhiều hơn." Ở
đoạn khác ông ta viết: "Không có một cái nội dung dân tộc cụ
thể, mọi sự đổi mới cũng sớm trở thành trừu tượng mâu thuẫn và xa dần
dân tộc."Lúc đó ai cũng biết nhóm VC nằm vùng (trong có Vũ
Hạnh), lúc nào cũng mang chiêu bài dân tộc làm một cái khiên để bôi
nhọ các nhà văn gốc Bắc di cư vào Nam sau 1954 và chia rẽ họ với đồng
bào trong Nam. Bài trên ông ta viết chỉ trích cuốn tiểu luận nhan
đề Tiếp Nối của Trần Thanh Hiệp do Sáng Tạo xuất
bản, nhân đó phỉ báng thơ tự do, phỉ báng các nhà thơ qua mấy chữ "thơ
tự do còn tồn lại là nhờ được nuôi dưỡng bằng lòng tự ái" [của
những người làm thơ]. Tôi dùng hình ảnh anh lùn để chỉ Vũ Hạnh, như một
người có khuyết tật (như anh gù Quasimodo của Victor Hugo) sống
cạnh nhà thờ là bám víu vào lòng bác ái của các tín đồ ngoan đạo, kiểu
cán bộ Vũ Hạnh bám víu vào hai chữ dân tộc để che mắt miền Nam hầu sống
còn trong khi mưu đồ của họ là khác. Ít nhất ông ta cũng che mắt được
hai ông Thanh Lãng và Phạm Việt Tuyền, chủ tịch và TTK hội Bút Việt, để
cứu ông ta ra khỏi tù, rồi còn dùng tờ báo của hội để hoạt động cho
cộng sản trong nhiều năm.
(4)
Lạ lùng hơn nữa là cái thái độ im lặng khả nghi ấy kèm thêm cái sự
thực là mấy tác giả được cho in lại nhiều tác phẩm sau 1975 thì được
tung hô vạn tuế ầm ầm trong khi sự can đảm của những phụ nữ như Thụy
Vũ, như Đỗ Phương Khanh v.v... trong lúc đổi đời với loại tòa án nhân
dân với những kẻ vô văn hóa như Mai Quốc Liên thì hầu như không nói
tới. Điều phi lý ở đây là, nếu một tác giả Miền Nam cho phép các nhà
xuất bản của chính phủ tái bản tác phẩm trước 1975 để vừa có danh vừa
có tiền tác quyền, như trường hợp nhà văn Dương Nghiễm Mậu, thì khi bị
tấn công, anh (hay chị) phải chịu trách nhiệm, chứ
không thể ngồi chờ người khác lên tiếng cho mình trong khi các "người
khác" vẫn bị cấm xuất bản hay tái bản. Dĩ nhiên, không ai có
thể phán xét ai (người viết không có lời bàn nào về sự im lặng
của Dương Nghiễm Mậu tại đây, trong bài phỏng vấn này) nhưng
nói chung, đời nào lại có chuyện dễ dàng mà oái oăm như thế: anh vừa
được nhà nước -- cái nguồn đàn áp dân ngu khu đen và đồng nghiệp Miền
Nam trước 1975 -- cho phép tái-xuất bản rồi anh lại mong hay đợi cái
đám nạn nhân bị đàn áp -- đám dân ngu khu đen và nhất là đám đồng
nghiệp Miền Nam trước 1975 vẫn còn bị cấm tái bản hay xuất bản -- phí
giấy và phí chữ bênh vực cho anh khi anh bị quản giáo văn nghệ tấn
công?!
•
Oái oăm hơn nữa là nếu cứ im lặng đi thì cũng là một nhẽ, đằng này
lại có kẻ viết bài cả gan gán cho sự im lặng đó những danh hiệu cao quý
do anh ta đoán ra để choàng những vòng hoa hâm mộ lẽ ra chỉ dành cho
người tuẫn tiết vì đã dám lên tiếng! Sự thực là nếu ai cũng im lặng hết
thì người Miền Nam lấy gì để chứng minh là họ đã không đầu hàng, không
quy xuống? Và tiếp tục không quy xuống dù đã phải tiếp tục trả cái giá
rất đắt cho đời văn của họ cho tới nay? Như Thụy Vũ? Và như bao nhiêu
tác giả khác nữa?
• Chú
thích thêm của Thày Cò Ca Hát:
1.
Cách đây 7, 8 năm, một văn hữu từ V.N. hỏi chúng tôi có phải tờ Khởi
Hành trước 75 từng bị tịch thu vì đã đăng bài thơ mà nhạc sĩ
Phạm Duy sau đó phổ nhạc không? (Bài thơ đó có những. câu như
"anh trở về dang dở đời em"). Không hề có chuyện đó và Khởi
Hành không bao giờ bị tịch thu vì bất cứ nguyên do gì. Tôi có
hỏi: Tại sao giờ này các anh muốn rêu rao là hồi VNCH thơ văn các anh
bị tịch thu, để làm gì? Có phải các anh muốn đánh tiếng cho chế độ hiện
hành tin rằng hồi xưa sáng tác của các anh bị tịch thu, vì các anh
chống VNCH đấy chứ? Các anh cần đến nỗi phải bịa ra chuyện không có
là Khởi Hành bị tịch thu vì đăng thơ anh.
2.
Chuyện tương tự mới xảy ra một hai tháng nay: một nhà văn ở miền gió
cát mới viết một bài bênh vực bạn mình, rằng bạn mình từng viết trên
tờ Thời Tập của Viên Linh hồi đầu năm 75 rằng "nhất
quyết ở lại, không chạy theo Mỹ, vì không làm chó săn cho chủ." Giờ
này (2014)anh rêu rao là hồi 1975 anh đã tuyên bố không di
tản là nhằm ý gì? Để chứng tỏ với chế độ hiện hành là anh có công, anh
từng có lòng "ở lại với cách mạng" từ 1975 chăng? Anh
cứ yên tâm, lòng anh ra sao người ta đều biết cả.