*


1
2
3
4





 

Tôi Cùng Gió Mùa


Trong một bài viết, Borges bàn về giao tình giữa mù lòa và thơ ca, mà thí dụ hiển nhiên nhất, là trường hợp Homer.
Chúng ta biết, ông viết, ngoài Homer, còn một tay Greek nữa, cũng mù, là Tamiris, mà những tác phẩm đều đã bị mất. Ông Tamiris này uýnh nhau với mấy nữ thần thi ca, và thua, thế là bị mất cây đàn lyre, và.. cặp mắt!
Vẫn Borges cho biết, Oscar Wilde có một giả thuyết rất ư là kỳ cục, một giả thuyết mà người ta coi là sai, nếu nói về tính lịch sử của nó, nhưng thật thú vị, về mặt trí tuệ. Thường ra, những nhà văn chỉ khoái làm cái điều mà họ coi là sâu xa; Wilde là người sâu xa, nhưng cố làm ra tầm phào, nhố nhăng. Ông muốn chúng ta nghĩ về ông, như là một tay bảo thủ; ông ta muốn chúng ta coi ông, như Plato nghĩ về thơ, như một "điều có cánh, thất thường, và thiêng liêng" ["that winged, fickle, sacred thing"]. Well, cái điều có cánh, thất thường, và thiêng liêng được gọi là Wilde đó, nói, Cổ Xưa, The Antiquity, hơi bị thích, cố tình, coi Homer, mù! [Chắc là theo kiểu "Bắt phong trần phải phong trần"?]
Chúng ta không biết, liệu có một Homer? Sự kiện, có tới 7 thành phố giành giật, chôm, ăn cắp, tên của ông, khiến chúng ta nghi ngờ tính cách sử tính của ông [his historicity]. Có lẽ, chẳng hề có, trần một Homer. Có lẽ có rất nhiều người Greek giấu mình dưới cùng một cái tên Homer?
*
Gấu lật lật Borges và vớ được đoạn trên, và bèn đưa ra một giả thuyết, nhân cái vụ ba ông hiền giả, chẳng biết ông nào số 1, số 2, số 3: Liệu sau này, 'nhân loại' muốn, cố tình, nhập, ba ông thành một?
*
Thơ Nguyễn Xuân Thiệp không có tiểu xảo, do đó viết về anh tuy dễ mà khó. Khó khi trích dẫn : thành tâm “ trích diễm ” hoá ra vô tình xuyên tạc ; tỉa lẻ một câu thơ hay, chứng minh được đặc sắc mà không nói lên chức năng của nó trong toàn bộ bài thơ và tập thơ, thì chưa trung thực.
Đặng Tiến đọc Nguyễn Xuân Thiệp.

Coetzee cũng phán như vậy, về nhà thơ Hugo Claus, dễ mà khó. Trẻ con mà thượng thừa.
Đưa cái nhìn nhăn nhó về chính mình, qua những con mắt chê bai, mi là một thứ phế thải, của những thế hệ trẻ hơn, Claus loay hoay, hì hục, manage, tóm tắt đời mình, những khúc, những đoạn có giá nhất của thơ ca của ông. Quả thực, ông cố giữ một khoảng cách với thế giới hiện đại, [tuy nhiên, bằng một cách có ngụ ý, so với cách mà những người chỉ trích ông nhận ra], ông ý thức nhiều đến chuyện, làm thế nào tác phẩm của riêng ông liên hệ tới truyền thống văn học, hoặc theo tính quốc gia, hoặc theo tính Âu Châu. Ông quả đúng là bậc thầy về thể thơ, verse form, thầy đến nỗi, ông có thể biến những truông, những phá, những lên thác xuống ghềnh thiên nan vạn nan thành trò trẻ con, dễ ợt, [Gấu bỗng nhớ đến tiếng đàn của Thánh Cô, khi đàn bản Tiếu Ngạo Giang Hồ lần đầu, ở cái ngõ trúc gì gì đó, khiến chàng Lệnh Hồ Xung ngẩn ngơ, và, một độc giả mắt xanh của Kim Dung, có thể mơ hồ hình dung ra cuộc tình sau đó. Đó mới đúng là phục bút!].
Thanh Tâm Tuyền cũng có cái băn khoăn, như Claus, từ khi thoạt kỳ thuỷ, trong Tôi không còn cô độc: Không đa đa siêu thực, thẳng từ ca dao qua tự do.
*
Trở lại với tiếng đàn của Kim Dung. Ông là bậc đại tài, khi, vào đúng lúc bất ngờ, ra đòn. Trong Cô Gái Đồ Long, khi Côn Luân Tam Thánh gặp Quách Tường, đúng vào lúc bất ngờ nhất, tiếng đàn tỏ tình bật ra. Nhưng mối tình đó, hay, đúng ra, cái echo của nó, phải mãi sau này, mới vọng lên, qua những tiếng lảm nhảm tên người đẹp, Hân Tố Tố, của hai đệ tử, còn là anh em ruột, bị tiếng sư tử hống của Tạ Tốn biến thành mất trí.
Kim Dung là bậc thầy, ở cái điểm, đốt lên, hai lần, một cây diêm.
Nhưng điều này thì liên quan gì tới thơ Nguyễn Xuân Thiệp?
*

Thi sĩ phải thôi đi sao?

Lần đầu tiên, tôi ((NQT) làm quen với G. Steiner, nhân chuyến ghé thư viện Toronto, Canada, tình cờ cầm cuốn Ngôn Ngữ và Câm Lặng, lật đúng bài Nhà Văn và chủ nghĩa Cộng Sản, trong có nhắc tới cuốn Bác Sĩ  [Dr]  Zhivago của Pasternak, vốn là một trong những cuốn vỡ lòng của tôi. Thế là photocopy ngay tại chỗ, về nhà dịch liền, gửi đăng trên tạp chí Hợp Lưu ở Mỹ.
*
Thuở mới lớn, tôi "mê" Roland Barthes, cách ông đặt vấn đề ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ phê bình... G. Steiner mở cho tôi chiều sâu tối đen của ngôn ngữ, sự câm lặng:

"Thi sĩ phải thôi đi sao? Trong một thời đại mà con người bị khiến phải thổi kèn đồng [hãy nhớ những dòng thơ xưng tụng Stalin của Tố Hữu, chẳng hạn], hoặc tru tréo nỗi khổ đau của mình như sâu bọ, như lũ chuột, tiếng nói văn chương, thứ tiếng mang tính người nhất trong tất cả mọi thứ: liệu có còn được không?"
(Should the poet cease? In a time when men are made to pipe or squeak their sufferings like beetles and mice, is literate speech, of all things the most human, still possible?)
*

Hai từ thôi sao, là của Nguyễn Tiến Văn. Hình ảnh Tố Hữu thổi kèn đồng, thay vì thổi ống đu đủ, cũng của anh.
Anh là người giúp đỡ Gấu rất nhiều, thời gian dịch Steiner.
Gấu tập tành dịch tiếng Anh qua tiếng Việt, bằng cách dịch Steiner và Borges.

Ui chao, chỉ nội hai chữ đó, là đủ thấy, bản tiếng Việt, bảnh hơn rất nhiều, so với nguyên tác.
Nguyên tác hàm chứa trong nó, câu thơ của Holderlin: Tại sao thi sĩ trong thời điêu đứng?
Nhưng hai chữ thôi sao lại qui chiếu về một giai thoại tuyệt vời, về một thời đại hoàng kim của thơ, thời thơ Đường, và, về một thi sĩ, Giả Đảo.
*
Gấu đã từng lèm bèm nhiều lần về cái duyên nợ Steiner.
Nếu không gặp ông, chắc chẳng có trang Tin Văn.




*

Đi thi nhiều lần không đậu, làm tăng ở Lạc Dương, pháp danh là Vô Bản. Thường làm thơ than thân, có câu: "Bất như ngưu dữ dương. Do đắc nhật mộ qui" [Không bằng kiếp trâu dê, tối đến còn được về].
Khi ở Trường An, có lần Giả Đảo đi giữa đường, ngâm nga tìm vế đối cho câu "Lạc diệp mãn Trường An" [Lá rụng đầy Trường An], chợt nghĩ ra câu "Thu phong xuy Vị Thủy" [Gió thu thổi sông Vị], thì xô phải quan Kinh Triệu doãn Lưu Thế Sở, bị trói mất một buổi chiều. Lại có lần cưỡi lừa ngâm thơ, được hai câu "Điểu túc trì biên thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn" [Chim ngủ cây bên ao, sư gõ cửa dưới ánh trăng], đang do dự không biết nên dùng chữ "thôi" [đẩy], hay chữ "xao" [gõ], vừa đi vừa làm điệu bộ, không để ý đến xe của quan Kinh Triệu doãn đi qua. Chính là Hàn Dũ. Ông Hàn bèn dừng xe, hỏi chuyện, khuyên, nên dùng chữ "xao", rồi mời Giả Đảo lên xe cùng lèm bèm về thơ. Thành ngữ "thôi xao" là do điển cố này.
Tương truyền cứ đến đêm trừ tịch mỗi năm, Giả Đảo đem hết thơ làm trong năm, bầy lên án, đốt nhang vái lạy, rót rượu đổ xuống đất, nói rằng: "Đây là nỗi khổ tâm của ta suốt năm." Vì Giả Đảo cũng như Mạnh Giao đều có tác phong "khổ ngâm" trong khi làm thơ nên Tô Đông Pha gọi là "Giao hàn, Giả sầu" [Giao lạnh, Giả gầy].
Theo Trần Trọng San.
*
Giai thoại trên, tuyệt. Nhưng tuyệt nhất, là nó không có đoạn kết, nghĩa là chẳng ai biết, tại làm sao Hàn Dũ lại khuyên một cách rất hách như trên?
Cái kiểu bỏ lửng như thế này, sau "biến chứng" ra thành những gì gì, nào là liên văn bản, chẳng hề có bản văn chung quyết, văn bản mở....
Nhưng theo bạn, tại sao lại xao, thay vì thôi?
Theo Gấu, có thể, ở đây là vấn đề âm thanh.
Nhưng nếu như thế, liệu gõ cửa mạnh quá, có làm chim sực tỉnh, mà bay đi mất không?
*
Nói bản văn mở thì cũng như nói, trang cuối mất, thiếu, chưa có người viết... Và đây chính là  mật mã, password, đi vô hiện đại tính, nói theo Steiner: Cái bất toàn là cái hoàn hảo, tuyệt hảo.
*
Trên tờ TLS số 30 Tháng 11, 2007, Gabriel Josipovici, trong một bài viết về chủ nghĩa hiện đại, cho rằng, tinh thần của nó, hệ tại ở câu phán thật bảnh của Beckett: Té nữa. Té cho bảnh [Fail again. Fail better]. Theo tác giả, cơn khủng hoảng được gọi là Chủ nghĩa hiện đại, đã qua, nhưng nó để lại một thách đố - và một sự bực mình [an embarrassment].