*

Trang Đặc Biệt

Cám ơn ông,
Mr. Grass

Gấu Thăm Tiểu Sài Gòn
Talawas bị tường lửa
Sao ghet talawas

Bài đặc biệt

Văn Cao
Hồ sơ một bài viết
Nếu đi hết biển
Thư Gửi Bạn Ta
Bất Hạnh
Đọc cọp Bếp Lửa
Thiệp và Gấu
Vô Kỵ giữa chúng ta
Sách Quí
Biển Nhớ
Tự Kiểm
Hiện Tượng Trâm Thạc
Chúc mừng 5 năm talawas

Gặp nghệ sĩ

30.4.05
1

Marxism







Cám ơn Mr. Grass. 

Đầu năm 2000, văn giới hải ngoại có gửi thư ngỏ dưới đây, tới nhà văn Đức, Gunter Grass. Sau đó, ông, và sau đó, Hội Văn Bút Đức, có lên tiếng, và - có thể còn do nhiều yếu tố khác nữa - trường hợp đã được giải quyết đúng như sự mong muốn của tất cả.

Thay mặt tất cả, xin cám ơn ông, Mr. Grass.

TIN VĂN

Giáng Sinh 2003 

Sau đây là tài liệu liên hệ.

Thư  Ngỏ gửi Guenter Grass 

LTS: Hai nhà văn Việt Nam đang gặp nguy cơ bị toà án Đức Quốc ra lệnh trục xuất về Hà Nội. Một số nhà văn hải ngoại đã cùng ký tên dưới bức thư ngỏ gửi nhà văn Guenter Grass, nhờ ông lên tiếng trong trường hợp này. 

[Theo như chúng tôi được biết, bản dịch tiếng Đức đã được chuyển tới Guenter Grass, cùng với lá thư, của một người bạn của ông, có quen biết gia đình DQN/LMH. (Chúng tôi đăng kèm theo đây, lá thư đã được dịch ra tiếng Việt của ông). Và Grass đã lên tiếng hỗ trợ. Ngoài ra, Hội Văn Bút Quốc Tế (PEN), chi nhánh Đức, cũng đã liên lạc qua luật sư của Hội với luật sư của gia đình DQN/LMH.]

Cầu chúc mọi chuyện an lành. 

Dear Mr. Guenter Grass,

Thưa Ông,

 Chúng tôi, một số người cầm viết Việt Nam, rời bỏ quê hương sau khi chiến tranh kết thúc trên 10 năm mà vẫn không có cơ hội được viết ở bên ngoài Đảng CS; viết thư này để xin ông bênh vực cho hai người, nhà thơ và nhà văn, đi từ Hà Nội, xin được định cư ở Đức để tiếp tục là những nghệ sĩ trung thành với tiếng nói của họ.

 Đúng ra, người viết thư này phải là họ, những người khách mời bất đắc dĩ của quê hương của ông. Thay vì vậy, lại là những lời cầu mong sự can thiệp của ông, về số phận của họ. Nhưng có lẽ một người thứ ba, là chúng tôi, nói thay cho họ, như vậy lại dễ dàng hơn.

 La seule noblesse est la noblesse de la douleur (Baudelaire): họ có quá nhiều tự trọng, và hổ thẹn, khi phải nói về số phận của họ, về nguyên nhân từ bỏ quê hương là một nước Việt Nam Cộng Sản, để xin tị nạn ở Đức. Họ đã bị bác đơn, vì theo tòa án, như chúng tôi được biết, đây là một nhà văn, mà văn chương đâu phải là một lý do để xin tị nạn chính trị.

 Khi trả lời Olivier Mannoni, trong một phỏng vấn dành cho báo Magazine Littéraire, số 381, Novembre, 1999, ông cho biết, sau cuộc chiến, và trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nước Đức đã bị tuyệt đối chia cắt, về phương diện ý thức hệ, kinh tế, quân sự; nhưng văn chương, không. Hai nền văn chương cho dù nếu có tính xung đột, vẫn có những tương quan, giao tiếp với nhau. Và cuộc đối thoại này đã không hề bị đứt đoạn.

 Văn chương Việt Nam không được may mắn như vậy. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh toàn cầu, và chiến tranh nóng tại Đông Dương, văn chương Việt Nam đã bị chia cắt và ô nhiễm. Những nhà văn của cùng một ngôn ngữ là tiếng Việt đã không được phép, và chẳng làm sao có cơ hội nhận ra nhau, để thông cảm như những người cùng chung môi trường sống và định mạng lịch sử, ngay cả khi đất nước đã được thống nhất (trước Đức 15 năm), và dân chúng của nó phải chạy ra biển, ở cả hai miền Nam và Bắc.

 Với nhà văn, mất mát luôn luôn là thu nhập, (pour un écrivain, une perte est toujours un gain), như ông trả lời phỏng vấn trên tờ Lire, nhân cuốn "Tất cả câu chuyện" được dịch ra tiếng Pháp; đã có những tiếng nói văn chương phản kháng ở trong nước, hay tiếp nối dòng văn chương của Miền Nam trước 1975 ở hải ngoại; nhưng tiếng nói Miền Bắc, đối thoại thực sự với tiếng nói Miền Nam, chưa có.

 Đỗ Quang Nghĩa và Lê Minh Hà là cơ hội đầu tiên của chúng tôi.

 Những nhà văn Việt Nam trưởng thành khi cuộc chiến Đông Dương ngưng lần thứ nhất, đã để lỡ cơ hội ngay sau năm 1954, khi không hòa giải được với nhau qua tiếng nói và qua sinh mệnh của dân tộc. Một số nhà văn Miền Bắc thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã nhận ra hiểm họa, khi sử dụng văn chương vào những mục đích chính trị nhất thời là làm cho nó bị tổn hại, và hậu quả sẽ không thể lường được. Họ đã yêu cầu Đảng và Nhà Nước: hãy lấy tất cả, nhưng trả văn chương cho chúng tôi. Nhà văn Phan Khôi đã nói thẳng với những nhà văn nhà nước: Đảng dậy chúng ta (làm) chính trị, chứ đâu dậy chúng ta (làm) văn chương! Nhà thơ Trần Dần, đã nhìn sự huỷ diệt thủ đô lịch sử và văn hóa, và cùng với nó là biểu tượng của cả một dân tộc, qua viễn ảnh Tận Thế Là Đây, Apocalypse  Now:

Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà,
Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ.

Họ đã bị tù đầy, cô lập về kinh tế, đi lại, và cuối cùng tiếng nói văn chương thực sự của một miền đất nhằm chống lại chính sách độc đoán, toàn trị của Đảng CSVN đã bị bóp nghẹt vào năm 1958, trước khi cuộc chiến Đông Dương lần hai khai màn.

Ở Miền Nam, những tiếng nói hòa giải, chống chiến tranh của Phật Giáo, nghệ sĩ, trí thức, sinh viên, thanh niên cũng đã bị chính quyền Sài Gòn bóp nghẹt.

Chúng ta hãy giả sử, nếu hai tiếng nói đó cùng cất lên, mở ra một lối thoát cho xã hội, cho văn chương, cuộc chiến khốc liệt giữa hai miền có thể đã không xẩy ra. 

Tòa án Đức có thể suy nghĩ: trả nhà văn Lê Minh Hà về nước, chắc chắn bà và gia đình sẽ bị trù giập, nhưng chưa chắc sẽ bị giết hại; nhưng cái cơ hội được như văn chương Đức, như ông nói tới trong bài phỏng vấn, biết đến khi nào đất nước chúng tôi mới có được? Mới đây thôi, nhân dân Đức, qua chính quyền liên bang, và Viện Goethe tại Hà Nội, có nhã ý cho dân chúng Việt Nam được thưởng thức Cái Trống Thiếc, phim dựa trên tác phẩm của ông và đã từng đoạt giải thưởng Oscar. Nhà cầm quyền địa phương yêu cầu cắt bỏ hai phút của phim, với lý do trái thuần phong mỹ tục ở Việt Nam. Volker Schlondorff, nhà đạo diễn, quyết định tôn trọng và bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm nghệ thuật; và có thể cũng là để đề kháng với một uy quyền nào đó đè lên con người sáng tạo, ông đã từ chối cho chiếu phim. "Hãy bỏ qua sự khốn cùng. Phong tục mời bạn bỏ qua nó", "Ignore the misery. Custom invites you to ignore it", như ông viết về phận người ở India nhân một chuyến du lịch tại đây: Đến Việt Nam như một nghệ sĩ, nhà đạo diễn đành làm một người khách du lịch. Trong hoàn cảnh đó, làm sao một người viết như Lê Minh Hà, một khi bị trả về, lại có thể dõng dạc "há mồm ra", như một cách gọi đáng yêu của ông, về truyền thống Âu Châu, trong đó có truyền thống Đức? 

Tòa án Đức cũng đã bỏ qua hoàn cảnh nguy nàn của Đỗ Quang Nghĩa, người chồng Lê Minh Hà, một nhà thơ tiếp nối tinh thần nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, đặc biệt qua Trần Dần. Gia đình ông bị liệt vào thành phần phản động. Trong thời kỳ chiến tranh với Miền Nam, dù Miền Bắc hầu như đã kiệt cạn nhân lực, nhưng Đảng CS đã không sử dụng tới gia đình này. Một người anh em của ông được đưa vào Nam chiến đấu, phút chót bị gọi về, bởi vì Đảng CS và Nhà Nước lo sợ, họ sẽ làm gián điệp cho Miền Nam. 

Trong một bài điểm sách khi tác phẩm đầu tay của Lê Minh Hà, tập truyện ngắn Trăng Góa xuất hiện ở hải ngoại (1998), chúng tôi có nhắc tới trường hợp cuốn Dr. Zhivago, của Boris Pasternak, và bài viết của George Steiner, khi điểm cuốn Văn chương và Cách mạng (Literatur und Revolution), của Jurgen Ruhle. G. Steiner cho rằng, Ruhle đã nhận ra ở Pasternak tiếng nói đích thực của Nga, và cùng với nó, viễn ảnh vượt lên mọi oan khiên và tàn bạo của nhất thời; và đồng ý với Edmund Wilson khi tìm thấy ở nhân vật Lara và Zhivago một thách đố không thể trả lời đối với chủ nghĩa duy lịch sử và định mệnh thuyết chối từ cuộc đời của ý thức hệ Cộng sản. Thật hiển nhiên, nếu Pasternak có thể giữ riêng cho mình một tình yêu nổi loạn, riêng tư ngay trong lúc ăn nằm với Liên bang Xô viết, điều này chứng tỏ tinh thần Nga vẫn còn sống ở bên dưới lớp băng là kỷ luật Đảng. 

Từ lâu, chúng tôi vẫn cố tìm cho được cái tình yêu nổi loạn ngay trong lúc phải ăn nằm với chủ nghĩa toàn trị, của cái gọi là tinh thần Hà Nội, thủ đô văn hoá truyền thống, lâu đời của đất nước chúng tôi. 

Sau này, chúng tôi nhận thấy nó, ở Vũ Thư Hiên, và Đỗ Quang Nghĩa & Lê Minh Hà. 

Chúng tôi xin được mạn phép nói riêng về Vũ Thư Hiên, như một trường hợp tiền lệ ở đây. Ông là một nhà văn, một dịch giả, và một đạo diễn nổi tiếng ở Hà Nội, đã từng du học ở Nga. Sau 1989, ông đang viết một cuốn hồi ký tại Moscow thì bị Đảng CSVN cho người đàn áp và tịch thu bản thảo ngay khi còn ở trong máy điện toán. Ông đã chọn lựa xin tị nạn ở Pháp, ra đời được tác phẩm của mình, Đêm Giữa Ban Ngày, và hiện được Hội Đồng Âu Châu bảo vệ.

Trong Trăng Goá, nhân vật nữ đã phải đi bước nữa sau khi người chồng mất đi vì hậu quả của chất độc hóa học khi chiến đấu tại biên giới phía Bắc. Bà tự nhủ lần này lấy chồng là tìm cha cho đứa nhỏ: đây là giọng nói của một người đàn bà Miền Bắc Việt Nam, tuy hết hy vọng về mình nhưng vẫn còn hy vọng về con, tuy mệt mỏi nhưng không chịu bị bẻ gẫy. Thứ tiếng nói đó, ngôn ngữ đó, là ngôn ngữ của cả một miền đất đang chuẩn bị thoát ra khỏi bóng đen, như ngôn ngữ Đức sau chiến tranh, bông sen trong biển lửa, hay là giọng con phượng hoàng đưa mỏ ra khỏi Lò Thiêu, như Salman Rushdie nhận định về ngôn ngữ văn chương của Heinrich Boll và của ông.

 Trong quá khứ ông đã nhiều lần lên tiếng hỗ trợ những người cầm viết bị xua đuổi, bách hại. Ông cũng đã từng đề nghị chia một phần vinh quang với nhà văn Christa Wolf, trước đây ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, khi biết tin nhận giải Nobel. Chúng tôi hy vọng tiếng nói của ông lại một lần nữa cất lên, giúp cho những con người khốn khổ vì đam mê tự do và ngôn ngữ như Đỗ Quang Nghĩa và Lê Minh Hà có được một cơ may làm một người nghệ sĩ trọn vẹn.

 Trân trọng,

 Bùi Vĩnh Phúc, Cao Bá Minh, Cao Xuân Huy, Châu Văn Thọ, Đỗ KH, Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Phủ Cương, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm, Hồ Minh Dũng, Khánh Trường, Khế Iêm, Khiêm Lê Trung, Lâm Chương, Lê Bi, Lê Thứ, Lê Thị Thấm Vân, Lê Thọ Giáo, Lưu Nguyễn, Lưu Hy Lạc, Luân Hoán, Mai Kim Ngọc, Mai Ninh, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Hương, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Quí Đức, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Văn Sâm, Nhã Ca, Nhật Tiến, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Tiến Văn, Nguyễn Quốc Trụ, Phạm Trần, Phạm Phú Minh, Phạm Việt Cường, Phan Thị Trọng Tuyến, Phan Tấn Hải, Phùng Nguyễn, Tạ Chí Đại Trường, Thân Trọng Mẫn, Thảo Trường, Thường Quán, Trầm Phục Khắc, Trân Sa, Trần Dạ Từ, Trần Doãn Nho, Trần Vũ, Trịnh Y Thư, Trúc Chi, Triều Hoa Đại, Trương Vũ, Tưởng Năng Tiến, Tường Vũ Anh Thy, Vũ Huy Quang.

 Danh sách bổ túc, từ tuần báoVHNT trên lưới Internet, địa chỉ http://www. saomai.org:

 Phạm Chi Lan, Thận Nhiên, Thu Thuyền, Hoàng Tường Anh, Nguyễn Tiến Dũng, Don Do, Vinh Toan, Y khanh, Đức Thuần, Phạm Thế Định, Phuong Ton, Lê Tạo, Sùng Nguyễn, Đinh Trường Chinh, Hien Dinh, Nguyễn Phước Nguyên.

 Sau đây là thư của bạn nhà văn Guenter Grass, nhờ can thiệp cho gia đình nhà văn người Việt.

Raimund B. Zoellner

8 tháng 1 năm 2000

Guenter Grass thân mến,

 Cho phép tôi gọi ông như thế bởi tôi đã từng, ở thời kỳ trước và sau khi quyển  'die Blechtrommel' (Cái Trống Thiếc) ra đời, ở bên ông, tổ chức đọc, hẹn ngày gặp lại và góp sức thành công cho cuốn sách, như nhân vật Luchterhand.

 Hiện thì tôi đang lo lắng đến một bi kịch chính trị - nhân đạo của Lê Minh Hà và Đỗ Quang Nghĩa, một đôi vợ chồng người Việt cùng hai đứa con nhỏ, có thể họ cũng gây được mối quan tâm, về mặt văn học, nơi ông.

Ông sẽ biết rõ hơn khi đọc xong tập bài vở kèm theo.

Tôi quen biết hai người này từ nhiều năm nay, số phận tỵ nạn chính trị của họ sao nặng nề, và hoàn cảnh trói buộc họ, vì sự chờ đợi, ở thời điểm này, đầu thế kỷ này.

 Tôi bảo đảm cho họ về sự đáng tin cậy mặt tình cảm cũng như lý trí, về sự trình bày con đường họ đã đi ở Việt Nam và ở nước Đức. Nhưng tôi cũng biết, một sự xử lý nhân đạo cho gia đình họ - để họ đoàn tụ, và sống dài lâu ở đây - sẽ bị thất bại trong mớ bùng nhùng của chính sách tỵ nạn Đức, bởi tại các văn phòng xử lý công việc chỉ thống trị sự vô cảm khủng khiếp, sự ngu dốt và 'trung thành với pháp luật'. Nhân đạo không có chỗ đứng ở đó.

 Sự giận dữ đến mất bình tĩnh và mất khôn cũng không giúp gì, tôi biết thế.

 Không rõ vị thế và tên tuổi của ông có thể can thiệp vào việc này ở mức độ nào, tôi cứ hy vọng mỏng manh, Guenter Grass thân mến, tôi, 'nhân vật Luchterhand già', gửi lời chào ông.

Ký tên