logo


1



Tạ Văn Tài
Giới thiệu sách Khi đồng minh tháo chạy của GS Nguyễn Tiến Hưng và bàn thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam
Kỳ 2
 
II. Bàn thêm về chiến tranh Việt Nam

Ôn lại những biến cố nói đến trong cuốn sách KDMTC và cả cuốn HSMDĐL của Giáo sư Hưng, chúng ta rút được các nhận định sau về những năm sau cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó. Nếu độc giả cho rằng rút bài học sau khi việc xảy ra rồi (hindsights) thì "dễ quá mà", thì chúng tôi cũng đồng ý trong sự khiêm tốn của một người nghiên cứu. Nhưng điều chúng tôi muốn nói là, nếu những nhà làm chính sách, ngay trong khi biến cố đang xảy ra, chịu khó tham khảo những học giả hay cố vấn đã dầy công nghiên cứu bài học tiền nhân để lại trong chiều dài của lịch sử, thì cũng có thể thấy ngay những điều nên làm, vào lúc đang phải giải quyết vấn đề, và bớt được nhiều sai lầm. Chẳng khác gì các vị anh quân ngày xưa nghe theo những lời bàn của các vị thâm nho hay các quan ngự sử, chiếu các nguyên tắc trị nước khôn ngoan truyền lại từ các tiền nhân (Khổng Tử, Tôn Tử, Aristotle v. v.) hay từ các triều đại cực thịnh hay cực rối ren tại Á Châu (chẳng hạn các thế liên minh thay đổi của thời Đông Chu Liệt Quốc). Cũng chẳng khác gì các chính phủ Âu Mỹ trong thời hiện đại dùng đến các kinh nghiệm và ký ức lịch sử chứa trong các định chế (institutional memory) như các đại học hay các cơ quan tư duy cố vấn (think tank). Ông Nguyễn Văn Thiệu là một quân nhân làm chính trị, nhưng chưa đủ tầm vóc một statesman (chính khách), vì tính đa nghi, hẹp hòi, sợ người dưới quyền vượt mình và có thể hại mình (như trong cách xử tệ với Phụ tá Nguyễn Văn Ngân, người đã có công xây dựng Đảng Dân chủ và tổ chức bầu cử tổng thống "chắc ăn" năm 1971 cho ông, không cho ông Nguyễn Cao Kỳ ra chia phiếu của ông khi đối đầu với Đại tướng Dương Văn Minh). (Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy giễu cợt với tôi khi tả tính đa nghi của ông Thiệu: "Ông ấy bắt tay người ta rồi về nhà ngó bàn tay mình xem còn đủ năm ngón không".) Ông Thiệu theo lối phân công từng mảng việc cho từng người, không cho người này biết việc của người kia, theo lối "phân gian", nghĩ rằnh như vậy dễ kiềm chế từng người, do đó không tụ hội trong một hội đồng tham mưu gồm nhiều bộ óc cố vấn giỏi cùng bàn chung việc nước (brain trust), và không đi dến viễn kiến xa rộng và khôn ngoan được. Việc hòa đàm Paris, mà các vấn đề ngoại giao, quân sự, kinh tế, tình hình chính trị ở Mỹ, tình hình và chính sách Đảng Cộng sản ở miền Bắc, liên hệ chằng chịt và ảnh hưởng đến diễn tiến thương nghị và nội dung hòa đàm, thì ông Thiệu giao cho những người sau dây, mỗi người một mẩu vấn đề: Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, Đại sứ Phạm Đăng Lâm, các ông Nguyễn Xuân Phong, Nguyễn Phú Đức, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Cao Kỳ. Giáo sư Hưng nói trong sách là ông chỉ được giao việc về chuyện liên lạc với Mỹ, còn ông không được cho biết về tình hình quân sự cho đến phút chót và ngay cả gần 30 mật thư của hai Tổng thống Hoa Kỳ mà cuối cùng ông Thiệu giao cho GS Hưng đi cầu viện thì cũng đưa cho xem vài lá thư vào lúc bắt đầu nguy kịch mà thôi.

Khi bàn trên đây về cá tính của ông Thiệu và sau đây về chiến tranh Việt Nam, chúng tôi đều có tài liệu và nhân chứng còn sống và có thể cung cấp chi tiết và điện thoại cho độc giả nào muốn phối kiểm lại. Nhưng chúng tôi không ghi ra trong bài tham luận này để đỡ làm mệt độc giả.


1. Như một chính khách Anh đã nói về chính trị, "không có bạn trường cửu, mà chỉ có quyền lợi trường cửu thôi" (no permanent friends, only permanent interests). Trong cuộc nội chiến Quốc Cộng tương tàn giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam, cũng là chiến tranh quốc tế do hai khối cường quốc uỷ nhiệm, trong đó cả hai miền của tiểu quốc Việt Nam đều được phong, hoặc là tiền đồn của Chủ nghĩa Xã hội, hoặc là tiền đồn của Thế giới Tự do, cả hai miền đều lệ thuộc hoàn toàn vào cường quốc bảo trợ, cho nên một khi mà cường quốc Mỹ đã bắt tay được với cường quốc đối phương là Trung Quốc sau khi Kissinger và Nixon đi Tàu, và không còn quyền lợi là phải lo ngăn chặn bành trướng của khối cộng sản xuống Đông Nam Á bằng cách yểm trợ Nam Việt Nam nữa, thì Mỹ bỏ rơi miền Nam, nhượng bộ tối đa trong Hiệp định đình chiến, đồng ý cho Bắc Việt để lại quân đội tại miền Nam, chỉ cốt đem được tù binh Mỹ về, không còn yểm trợ võ khí theo nguyên tắc "mất một thì đổi một" đã cam kết, bác cả việc miền Nam dùng Quỹ đối giá (Viện trợ) để trả lương quân đội và cảnh sát, dù đoán trước là miền Nam chỉ sống sót được chừng một năm rưỡi sau Hiệp định Paris tháng 1/1973 (lời Kissinger). Đến khi tình hình tại Nam Việt Nam suy sụp trước sự tiến công của quân đội miền Bắc vào năm 1975, thì Ngoại trưởng Kissinger cố ý giấu Quốc hội Mỹ lời cam kết của Tổng thống Nixon yểm trợ bằng không lực và giúp võ khí, và cả Quốc hội lẫn Hành pháp Mỹ chỉ bàn chuyện di tản khỏi Việt Nam.

Đáng lẽ ra, những người lãnh đạo miền Nam Việt Nam phải nhận ra khuynh hướng giải kết của Mỹ từ lâu rồi chứ! Khi thấy dân chúng Mỹ bắt đầu mệt mỏi vì chiến tranh và phong trào phản chiến ngày càng mạnh từ năm 1968, và ngay chính Tổng thống Johnson cũng nản chí không ra tranh cử năm 1968 mà dành toàn thời gian vào việc giải quyết chiến tranh Việt Nam, thì phải tiên liệu là Mỹ sẽ tìm cách tháo gỡ. Dù không hề làm việc gì trong chính quyền miền Nam Việt Nam và chỉ đóng vai giáo sư / nghiên cứu gia, chúng tôi đã viết, vào năm 1970, bài "Tiền Mỹ, máu Việt" trong Tập san Quốc phòng của Trường Cao đẳng Quốc phòng, Sài Gòn, về chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Nixon và trong khi thuyết trình tại trường, có tiên liệu là khi người Mỹ không còn con cái của họ thương vong ở Việt Nam, họ sẽ kém rộng lượng về viện trợ. Và nếu không có "xương sống" Mỹ, thì tổ chức chống cộng Liên phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization) cũng chỉ là "con hổ giấy", và máu Việt có đổ ra thì chưa chắc tiền Mỹ sẽ có để có đủ quân trang quân dụng. Có lẽ các vị tướng tá trong trường, là những quân nhân cao cấp nhiều hiểu biết, cũng đồng ý với chúng tôi như vậy, mặc dù họ và chúng tôi đã có dịp đi thăm hàng không mẫu hạm trong lực lượng hùng hậu của Hạm đội 7 của Mỹ và nghe Trung tướng Ngô Quang Trưởng thuyết trình về vị thế Quân đoàn I chặn ngang đường tiến quân có thể có của quân đội miền Bắc.

Việc thay đổi các thế liên minh tại các quốc gia Âu Mỹ trong hai thế kỷ vừa qua cũng cho thấy chẳng có gì trường tồn, hay chắc chắn trong bang giao quốc te^'. Quyền lợi của mỗi quốc gia, ngay cả cường quốc, thay đổi theo mỗi giai đoạn.

Về vấn đề cuộc chiến Việt Nam là nội chiến hay chiến tranh do các phe quốc tế ủy nhiệm, thì có thể nói lúc Pháp trở lại Việt Nam, và Hồ Chí Minh ôm lấy cụ Nguyễn Hải Thần yêu cầu các đảng quốc gia cùng gánh vác trách nhiệm chung và sau đó lập Chính phủ Liên hiệp với các đại diện các đảng quốc gia như Vũ Hồng Khanh (Việt Nam Quốc dân Đảng, VNQĐĐ), Nguyễn Tường Tam (Đại Việt, ĐV), Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, VNCMĐMH), thì lẽ ra đã không có cuộc nội chiến. Sở dĩ có thể tin như vậy là vì Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh đã có công cứu mạng Hồ Chí Minh ở bên Liễu Châu, Trung Quốc. Theo lời ông Vũ Hồng Khanh kể lại trong trại học tập sau 1975 cho người cùng phòng giam là Đại tá Bùi Thế Dung (hiện ở Massachusetts), Thứ trrưởng Quốc phòng trong chính phủ Dương Văn Minh, mà ông Khanh đối xử như hàng con cháu, thì ông Khanh cho biết rằng vào đầu thập kỷ 1940, Hồ Chí Minh, lúc đó lấy tên là Lý Thụy, giả đò như một cụ già mù, đi với hai người trẻ tuổi từ Pắc Bó qua Liễu Châu, bị quân đội Quốc dân Đảng Tàu bắt, hai người trẻ tuổi chạy mau nên thoát (ông Khanh sau này đoán đó là Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp). Có người Việt Nam tên là Lý Sanh đến nhờ hai ông Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần trong VNCMĐMH can thiệp với tỉnh trưởng Tàu là tướng Trương Phát Khuê. Tuy tướng Khuê nói: "Anh này là cộng sản, sẽ chặt làm đôi", nhưng rồi cũng thả Lý Thụy ra và cho về ở với các ông Khanh, Hải Thần và Lý Sanh. Ông Khanh cho biết ông Hải Thần mê ông cụ già Việt Nam hoạt bát đó và ông cụ này cũng được tướng Khuê tin, giao công việc này nọ. Năm 1943, trong buổi họp VNCMĐMH đưa vấn đề cử người về nước đặt cơ sở cho cách mạng thì ông Lý Thụy xung phong. Sau này, khi Việt Minh cướp chính quyền vào năm 1945 và Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần vô Chính phủ Liên hiệp, ngồi ăn cơm với nhau trên chiếu trong Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, thì các ông mới nhìn ra Hồ Chí Minh chính là ông già Lý Thuỵ và ông Hoàng Văn Hoan chính là Lý Sanh vào năm 1943. Sau 1975, khi ông Vũ Hồng Khanh bị bắt và đưa ra ở trong trại học tập ở miền Bắc, thì Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn vào thăm và cho ra trại sớm vào năm 1977, để về ở với người con gái lớn 53 tuổi ở lại miền Bắc sau 1954, tại quê cũ ở Vĩnh Phúc. Nếu Đảng Cộng sản, vào thời điểm 1945-46, tiếp tục đối xử tương kính đối với các lãnh tụ phe quốc gia như tả trên, mà không ám sát hàng loạt những người quốc gia như nói sau đây, thì chưa chắc đã có cuộc nội chiến.

Và lẽ ra không có cuộc nội chiến và Chính phủ Liên hiệp mà Hồ Chí Minh lập ngày 2/3/1946 đã có thể tiếp tục với sự chia sẻ quyền lực Quốc-Cộng, nếu cường quốc Hoa Kỳ đã không bỏ mặc Việt Nam cho Pháp và đã can thiệp sớm hơn và can thiệp đúng hơn theo chính sách của Tổng thống Roosevelt là không cho thực dân Pháp trở lại Việt Nam. Sau khi Roosevelt qua đời và Truman lên thay, Mỹ đã lờ đi không trả lời tám bức thư Hồ Chí Minh liên tiếp gủi cho Tổng thống và Bộ trưởng Ngọai giao Mỹ để xin ủng hộ nền độc lập của Việt Nam trước việc Pháp đem quân trở lại Việt Nam, vì cho rằng Mỹ cần Pháp như đồng minh trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô đã bắt đầu. Pháp đã được quân đội Anh ở trong Nam (tước khí giới quân đi Nhật đầu hàng) cho đổ bộ tái chiếm thuộc điạ. Theo Thỏa ước Trùng Khánh Pháp ký ngày 28/2/1946 với Trung Hoa Dân quốc (mà quân đội do Lư Hán và Tiêu Văn chỉ huy, sang miền Bắc Việt nam tước khí giới quân đội Nhật đầu hàng), Pháp đem quân trở lại miền Bắc. Tại cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam, tàu chiến Mỹ chở quân đội Pháp vào Sài Gòn và Hải Phòng.

Và Pháp đã tiếp tay cho Việt Minh trong việc tiêu diệt các thành phần quốc gia (nói sau đây) vì cho là họ có lập trường cực đoan, phản đối kịch liệt Hiệp định Sơ bộ ký ngày 6/3/1946 (Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam không tham dự), và chỉ trích Hồ Chí Minh rất nặng là "bán nước cho Pháp. (Sainteny và Leon Pignon gặp Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần, nhưng không đạt được thỏa hiệp). Hiệp định Sơ bộ này nhìn nhận Việt nam là một nước "tự do" trong Liên hiệp Pháp và chỉ có một phần quyền cai trị. Hồ Chí Minh phải giải thích tại Nhà hát Lớn Hà Nội và thề: “Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước".

Ngay từ tháng 9/1945, đã có sự nghi kỵ, kèn cựa giữa các đảng quốc gia và Việt Minh: quốc gia tố cáo Việt Minh là cộng sản; Việt Minh tố cáo Việt Cách (VNCMĐMH) và Việt Quốc (VNQĐD) là phản động. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, các đảng quốc gia dự tính dựa vào sự ủng hộ vẫn có của Quốc dân Đảng Trung Hoa từ khi họ lưu vong ở bên Tàu (sau biến cố khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học 1930), để lật đổ chính phủ lâm thời đầu tiên do Hồ Chí Minh lập, tuy đã có vài đại diện của họ. Nhưng các đảng quốc gia không đoàn kết, thiếu cơ sở quần chúng trong nước vì lưu vong lâu, tính dựa vào mấy tướng Tàu tham nhũng, cho nên khi họ tổ chức biểu tình, và chỉ trích Việt Minh, họ thua Việt Minh đã tổ chức quần chúng trong nước từ khi tướng Tàu Trương Phát Khuê cho Hồ Chí Minh về nước năm 1941 trong tư cách VNCMĐMH mà Việt Minh là một thành viên, mà lại có sự ủng hộ của Đệ tam Quốc tế, Quốc dân Đảng Trung Hoa (sau khi Việt Minh đút lót cho Lư Hán và Tiêu Văn vàng - do tuần lễ vàng quyên trong đồng bào - và thuốc phiện, Trung Hoa bắt các đảng quốc gia theo giải pháp liên hiệp, dù miễn cưỡng) và của cơ quan tình báo Office of Strategic Services (OSS) cuả Mỹ. Việt Minh cũng tổ chức biểu tình, và trưng hình cán bộ bị phe quốc gia giết.

Khi một đảng viên cộng sản hỏi Hồ Chí Minh: "Thưa Bác, tại sao phải để cho bọn phản quốc giết người ấy sống làm gì? Chỉ cần Bác ra lệnh là tuị cháu sẽ tiêu diệt hết chúng nó nội trong một đêm", thì Hồ Chí Minh mỉm cười: "Có con chuột chạy vào phòng này thì chú lấy đá ném nó hay tìm cách bắt nó? Ném đá thì vỡ đồ quý trong phòng. Muốn làm chuyện lớn thì phải biết tiên liệu."

Nhưng khi Hồ Chí Minh đi dự Hội nghị Fontaineblau tại Pháp, và cố gắng thuyết phục các trí thức quốc gia ở Pháp về nước cộng tác thì ở trong nước, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản có mặt trong nước đã ra lệnh các trưởng ban ám sát triệt hạ trụ sở, chiến khu và giết hại đảng viên các đảng quốc gia nội trong vòng vài tháng, lúc đó không còn được các tướng Tàu ủng hộ nữa: ở ngoài Bắc, bị giết hay mất tích là các nhà ái quốc Trương Tử Anh (một lãnh tụ nêu gương sống đạm bạc, nằm ngủ trên chiếc giường vốn là một tấm cửa sổ, theo lời GS Bùi Tường Huân), Lý Đông A, Khái Hưng, còn Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh phải trốn sang Tàu; ở trong Nam, ngoài các lãnh tụ Đệ tứ Quốc tế bị giết hay mất tích như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Lương Đức Thiệp, Phan Văn Chánh, Trần Văn Thạch, thì các lãnh tụ không cộng sản cũng bị thủ tiêu, như Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn Phương, Dương Văn Giáo, Hồ Vĩnh Ký, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Phú Sổ và các chức sắc Cao Đài và Hòa Hảo. Quốc hội Lập hiến họp ngày 28/10/1946 thì chỉ có 291 người có mặt trong số 444 đại biểu; 70 ghế đại biểu dành cho VNQĐD và VNCMĐMH thì chỉ có 37 người có mặt, còn những người kia đã bị bắt trước, rồi sau đó 34 người còn lại cũng biến mất. Do đó các đảng quốc gia phải theo con đường chống cộng; một số theo con đường "chùm chăn", tức lủi tránh không hoạt động nưã; và sau này, họ theo giải pháp Bảo Đại.

Khía cạnh nội chiến, người Việt giết hại người Việt, cũng rõ rệt trong cuộc cải cách ruộng đất tàn ác 1953-54 ở Miền Bắc, khiến một triệu đồng bào Việt Nam bỏ chạy khỏi miền Bắc, di dư vô miền Nam, và cũng rõ sau này trong việc sát hại oan uổng những người dân ở Huế trong Tết Mậu Thân 1968 (xin xem cuốn Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca).

Hồi đầu cuộc chiến tranh Việt-Pháp không phải là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, vì khi Việt Minh chống cự lại Pháp tái chiếm đất nước để giành độc lập, thì đó là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà tất cả những người Việt Nam yêu nước đều ủng hộ, không có Liên Xô hay Trung cộng ủy nhiệm người Việt đánh Pháp vào lúc đầu (Stalin còn xử tệ với Hồ Chí Minh - như Kruschev viết hồi ký sau này cho biết - và Mao Trạch Đông còn đang chiến đấu với Quốc dân Đảng Trung Hoa, chưa đi tới biên giới Việt Nam). Tổng thống Mitterand sau này sang thăm Việt Nam thống nhất, đứng trước Điện Biên Phủ, cũng tỏ ý hối tiếc là Pháp đã lầm lẫn trở lại định tái chiếm thuộc địa Việt Nam trong cuộc chiến cho độc lập của người Việt. Phe quốc gia trong giải pháp Bảo Đại cũng chỉ được uỷ nhiệm một phần nhỏ, và chỉ ở giai đọan sau của cuộc chiến, khi Tướng De Lattre thấy rằng 280.000 quân viễn chinh Pháp đánh nhau lấy không xong, phải uỷ nhiệm một phần nhỏ cho người Việt Nam với 70.000 quân đội người Việt do Pháp lập ra với chế độ động viên. Còn trước đó, thực dân Pháp muốn đánh lấy một mình; năm 1946 đưa Vua Duy Tân đang đi đầy về Paris nhưng nửa đường đến Algeria thì máy bay trục trặc rớt, rất đáng ngờ vực, sau đó Pháp bàn là không nên dùng Bảo Đại mà đưa Nam Phương Hoàng Hậu làm phụ chính (Regent), cuối cùng mới đi dến chỗ dùng Bảo Đại.

Sau này khi Mỹ thay thế Pháp ở miền Nam Việt Nam để yểm trợ cho Ngô Đình Diệm, thì cuộc chiến tranh Việt Nam mang nhiều tính chất nội chiến hơn, vì mỗi miền đã có phần lãnh thổ và chính phủ riêng biệt. Nhưng tính chất uỷ nhiệm quốc tế cũng rõ hơn. Miền Bắc lãnh nhiệm vụ quốc tế bành trướng chủ nghĩa cộng sản với sự trợ giúp mạnh mẽ của Liên Xô và Trung Quốc trong việc đồng thời đấu tranh thống nhất đất nước cho dân tộc. Miền Nam được Mỹ mệnh danh là tiền đồn của Thế giới Tự do, được Mỹ uỷ nhiệm một phần thứ yếu trong cuộc chiến trong giai đoạn sôi nổi nhất, người Việt chỉ phòng vệ diện địa. Còn phiá Mỹ thì leo thang tham chiến ngày càng nhiều: chính phủ Mỹ lúc đầu được báo chí và công luận ủng hộ mạnh việc tham chiến, người Mỹ khởi sự với vai trò cố vấn, rồi đem vào lực lượng đặc biệt, sau cùng đem đại quân tác chiến (combat troops) để thi hành phương pháp hành quân "tìm diệt địch" (search and destroy); ở thời cao điểm, Mỹ tung nửa triệu quân vào chiến trường (nếu kể số binh sĩ Mỹ luân lưu tham gia chiến trường Việt Nam, thì số người Mỹ tham chiến ở Việt Nam là 3 triệu người), chưa kể không quân, hải quân yểm trợ từ Hạm đội 7 và từ Thái Lan. Ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ miền Nam Việt Nam tại Mỹ, đã tả trong hồi ký của ông cách thức người Mỹ tự mời họ tham chiến với đại quân vào năm 1965: Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Chủ tịch Uỷ ban Tham mưu Liên quân thám sát chiến trường, họ yêu cầu ông Bùi Diễm soạn văn bản "mời" Mỹ đem đại quân qua Việt Nam (tức là Mỹ hóa - Americanization - chiến tranh), mà không có sự thảo luận trong Quốc hội và nhân dân Mỹ. Mỹ tự mời Mỹ qua, nhưng để cho ông Bùi Diễm, lúc đó là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hoà, soạn thảo thông cáo chung để cứu thể diện Nam Việt Nam. Chính Đại sứ Mỹ ở Việt Nam là tướng Taylor cũng ngạc nhiên. Hầu như tất cả các lãnh đạo dân, quân sự miền Nam Việt Nam hồi đó đều chống đối việc Mỹ hóa chiến tranh (xin nhớ là ông Ngô Đình Diệm cũng đã chống việc đem quân tác chiến Mỹ qua Việt Nam).

Sau khi số thương vong Mỹ lên cao, cảnh chết chóc đẫm máu trên màn truyền hình màu ở Mỹ đem chiến tranh đến tận từng nhà người Mỹ mỗi bữa cơm chiều, và phong trào phản chiến bắt đầu trong giới trẻ rồi lan sang các giới quần chúng khác, đưa ra ý muốn rút khỏi chiến tranh Việt Nam và tìm cách đem tù binh Mỹ về, thì Tổng thống Nixon Việt Nam hóa chiến tranh. Vai trò quân đội người Việt ở miền Nam lúc đó mới tăng cường nhiệm vụ chiến đấu nhiều hơn. Nhưng rồi sau đó, vì phong trào phản chiến đã xẹp xuống do việc bỏ chế độ động viên và việc thanh niên Mỹ không sợ chết tại Việt Nam nữa, thì vấn đề Nam Việt Nam sống còn hay không, không còn là mối lo cho của Mỹ nữa, và ngay cả việc uỷ nhiệm cho miền Nam Việt Nam dùng khí giới Mỹ giữ "tiền đồn Thế giới Tự do" cũng bị Mỹ từ bỏ luôn sau khi ký Hiệp định Paris và rút đuợc tù binh và quân đi Mỹ về nước, và đã giao hảo tốt đẹp được với đại cường Trung Quốc và giảm căng thẳng với địch thủ chính là Liên Xô. Ngược lại, lãnh đạo miền Bắc Việt Nam vẫn tự cho là tiền đồn của cuộc cách mạng cộng sản ở Đông Nam Á, và có ý định không những thống nhất Việt Nam mà còn giúp các đảng cộng sản Cam Bốt, Lào, Thái Lan và các nơi khác nữa (theo tài liệu văn khố Xô Viết, giải mật sau khi Liên Xô sụp đổ).

Xét theo quan điểm quyền lợi của Mỹ, thì việc Mỹ đã mắc lỗi lầm chiến lược là tự đem đại quân tác chiến vào Việt Nam rồi sau đó lại bất trung, bỏ cuộc trên trường quốc tế tại Việt Nam nhũng năm sau cùng cuả cuộc chiến, dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, cũng có hại cho chính nước Mỹ. Tuy sau các nước Đông Dương, không có nước nào khác tại Đông Nam Á rơi vào khối cộng sản theo lý thuyết domino (tức là không có geographical domino, dây chuyền điạ dư), nhưng đã có các cuộc tấn công có vẻ coi thường nước Mỹ tại Angola và Iran chẳng hạn (psychological domino, dây chuyền tâm lý). Nghe nói sinh viên Iran bắt nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ làm con tin là bắt chước chiến thuật bám sát địch cuả cộng sản Việt Nam.

Nhưng là cường quốc, cho nên Mỹ vẫn vững trên trường quốc tế, lại có thể "ăn miếng trả miếng", cô lập hóa Việt Nam với chính sách cấm vận hai chục năm trời, làm điêu đứng Việt Nam và khi hai nước tái lập bang giao, Việt Nam lại là nước muốn và cần giao hảo tốt đẹp với Mỹ hơn là ngược lại.

Cái thế thù thành bạn đã rõ trong lời tuyên bố trong bài thuyết trình đầu năm 2005 của Đại sứ Mỹ ở Việt Nam là Marine. Theo ông, mặc dầu liên hệ hai nước trong quá khứ không vui vẻ gì, "rõ ràng là bây giờ Việt Nam và Hoa Kỳ không có bất đồng về chiến lược (no strategic differences)" và "Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và dứt khoát chống mọi âm mưu phân ly hay các đe dọa khác tại biên giới Việt Nam. Chúng ta có nhiều lãnh vực chung quyền lợi về an ninh vùng và an ninh thế giới. Sự hợp tác về quốc phòng hiện nay là bước đầu để cùng đương đầu với các thử thách về an ninh trong thế kỷ 21."


2. Với thân phận tiểu quốc, có một cường quốc bảo trợ là Mỹ nay đã thành "con hổ giấy" vì không muốn hy sinh thêm xương máu và tài nguyên tại Á Châu, mà Nam Việt Nam lại có một Tổng thống thiếu thực tế, cứ nóí khẩu hiệu “Bốn Không” (Không chung sống với cộng sản v.v.) mãi, không nhớ là có chánh nghĩa như Đức Giáo hoàng mà thiếu lực lượng quân sự cũng bị Stalin hỏi "Giáo hoàng có mấy sư đoàn?", không thấy là mọi cuộc chiến phải kết thúc bằng giải pháp chính trị, vì chiến lược chính trị mới là giải pháp toàn bộ mà bộ máy quân sự là phương tiện (war is politics by other means).

Nếu ông Ngô Đình Diệm đồng ý với miền Bắc tổ chức tổng tuyển cử vào năm 1956 theo Hiệp định Geneva, thì có thể có một quốc hội toàn quốc, trong đó miền Nam Việt Nam ít ra cũng có gần nửa số đại biểu và chưa chắc đã có nội chiến trong một nước Việt Nam thống nhứt. Đầu năm 1975, Trưởng Phái đoàn Mặt trận Giải phóng miền Nam tại Paris là ông Nguyễn Văn Hiếu nhờ tướng Trần Văn Đôn nói giùm với ông Thiệu và thúc ông Thiệu đưa Mặt trận vào chính phủ Sài Gòn như một thành phần chính phủ liên hiệp để chống lại sự thống trị của Hà Nội. Ông Thiệu bảo hỏi Mỹ, và ông Đôn cho biết người Mỹ nói không thích theo đuổi đề nghị của MTGPMN. Như vậy là ông Thiệu không dám tiến hành sáng kiến giải pháp chính trị. Trước đó, năm 1971, theo lời khuyên của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Nutter, là giáo sư cũ của Giáo sư Hưng, rằng miền Nam nên có sáng kiến độc lập, thì Giáo sư Hưng đã đề nghị ông Thiệu đưa ra đề nghị tái lập giao thương giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam, tuy là hai nước nhưng cùng chung một thị trường, và tái lập đường hỏa xa Nam Bắc và phát triển sông Cửu Long. Ông Thiệu có nói đến mấy điểm đó trong bài diễn văn tranh cử của ông ngày 1/10/1971. Nhưng ông Thiệu vẫn lo ngại và yêu cầu "thăm dò Mỹ". Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời là đã quá muộn và Kissinger điện cho Đại sứ Martin nói rằng điều đình nào cũng phải là giữa Mỹ và Bắc Việt và tiến hành tại Paris.

Không thoát ra khỏi đường lối cứng rắn "Bốn Không" để đi tìm giải pháp hòa bình thương nghị, chỉ chọn giải pháp quân sự là nhờ Mỹ yểm trợ dội bom B52 nếu bị tấn công, rồi khi yểm trợ Mỹ không tới mà còn bị Mỹ áp lực từ chức, ông Thiệu lên đài truyền hình ngày 21/4/1975 để từ chức, đồng thời chửi Mỹ là đã không thắng nổi Bắc Việt, tìm đường tháo lui mà lại vô nhân đạo, không trợ giúp cho quân đội miền Nam. Quân đội miền Nam lại càng mất tinh thần hơn. Trong tháng 4/1975 này, vì lo là "dân" du học ở Mỹ về, tôi chắc sẽ gặp khó khăn trong chế độ mới và có lẽ "tẩu vi thượng sách", cho nên ngày nào tôi cũng điện thoại cho Đại tá Nguyễn Mộng Hùng, Trưởng phòng 5, Hành quân, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, để hỏi tin tức xác thực (mà tôi nghĩ ông sẽ nói thực với tôi, vì tôi là người bà con), và ông ấy nói giọng mệt mỏi, yếu ớt, đầy vẻ nản chí: "Tài ơi! Lính nó không đánh nữa!" (mặc dầu trước đó, Quân đội miền Nam đã can đảm chiến đấu, đẩy lui nhiều cuộc tấn công của quân đội miền Bắc, thí dụ trong Tết Mậu Thân hay trong Trận Quảng Trị). Hỏi người quen trong Tòa Đại sứ Mỹ, họ nói quân xa và chiến xa của Quân đội Bắc Việt ở bên kia vĩ tuyến, theo không ảnh, chạy nối đuôi nhau (bumper-to-bumper) công khai. Chắc hẳn họ biết là Mỹ đã bỏ cuộc, sẽ không trả đũa, ném bom.

Lẽ ra, ông Thiệu phải có lề lối độc lập hơn với Mỹ và, chiếu chủ quyền quốc gia và quyền lợi dân tộc mà sáng kiến mạnh bạo hơn, đặt Mỹ trước sự đã rồi về việc điều đình trực tiếp giữa miền Nam và miền Bắc Việt Nam, qua trung gian của Pháp chẳng hạn. Tâm lý sợ Mỹ như quan thày không có lợi cho dân tộc. Thiết nghĩ, nếu đặt Mỹ trước sự đã rồi về phương cách điều đình, có thể rồi Mỹ cũng phải theo. Vì cứ so sánh với trường hợp Iraq hiện nay, năm 2005: Mỹ có quân đội hiện đại ở lỳ lại, ngoài ra có Tổng thống Bush cương quyết hơn, mà Mỹ cũng nhấn mạnh đến giải pháp chính trị là bầu cử để giải kết, và hơn nữa bầu cử để có một chế độ liên hiệp giữa các phe Kurd, Sunni và Shiite thì mới hy vọng có hoà bình, và nếu phe Sunni không tham gia, cũng phải làm tới và hứa cho phe Sunni một số ghế trong chính phủ tương lai.

Ông Thiệu lo ngại sẽ bị đảo chính và gặp nạn như ông Ngô Đình Diệm khi Mỹ ám chỉ nếu không chịu nghe theo quan điểm Mỹ thì "có thể có biến cố như 1963". Nhưng thiết tưởng nếu ông Thiệu không giữ khư khư lấy mấy mật thư của Tổng thống Mỹ như bùa hộ mệnh (mà bùa đó cũng chẳng ích gì vì Tổng thống Nixon, người đưa ra lời hứa, đang bị khủng hoảng rồi từ chức trong vụ Watergate), mà đem công khai hóa việc Mỹ làm áp lực về những nhượng bộ thiếu công bình và an ninh cho miền Nam Việt Nam, và đồng thời đưa ra công khai cho dư luận dân chúng Mỹ và dư luận quốc tế (qua báo chí, truyền thông) biết về cái lập trường thương nghị hoà bình trực tiếp với miền Bắc, thì chắc Mỹ cũng không dám là mưu hại ông, và Quốc hội Mỹ sau này cũng không thể nói là miền Nam có hoà bình rồi mà cứ bàn về chiến tranh và xin quân viện.

Cứ cố trung thành với, hay e sợ, hay nghe theo cường quốc thì cũng không bảo đảm gì được tình bạn lâu dài hay không có lợi cho tiểu quốc. Điều này cũng đúng với chế độ ở miền Bắc Việt Nam khi xưa, đã nghe theo lời cố vấn của cán bộ Trung Quốc thực hiện cuộc cải cách điền địa tàn ác, bất công cho nhiều nông dân vô tội, đến nỗi sau này phải sửa sai và công nhận là sai lầm. Và cũng đúng với chế độ hiện nay của nước Việt Nam thống nhất. Một hai người lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam đã nghe theo Trung Quốc bảo chờ Trung Quốc ký Hiệp định Thương mại Trung-Mỹ trước, cho nên đã yêu cầu để chậm hơn 1 năm trời việc ký Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ, làm thiệt cho Việt Nam là đã bị Trung Quốc đi trước vô thị trường vô biên của Mỹ để cạnh tranh bán cùng một lọại sản phẩm. Và đã ngả theo áp lực của Trung Quốc mà ký Hiệp định Vịnh Bắc Bộ (nghe nói, không biết tin này có đúng hay không, trong chuyến du hành sang Tàu, một lãnh đạo cao cấp của Đảng muốn dựa Tàu để củng cố quyền lực cá nhân trong Đảng Viêt Nam, nên đã ký Hiệp định ấy), khiến ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắn chết, vu cáo cho là cướp biển, ngay trong vùng hải phận Việt Nam mà xưa nay dân chài Việt Nam đã quen thuộc là của Việt Nam. Trong khi đó thì các nhà ngọai giao Việt Nam ở cấp dưới, sáng suốt vì đã điều nghiên kỹ, rất ghét và đa nghi mỗi khi thương lượng với đại diện Trung Quốc về chi tiết các vấn đề, mà họ tả là Trung Quốc hay có thói bắt nạt của cường quốc bá quyền. Có lẽ họ và nhân dân Việt Nam chỉ còn cách là yêu cầu Quốc hội Việt Nam, nhân danh dân tộc, chiếu điều 84 đoạn 13 của Hiến pháp Việt Nam và quyền lợi tối cao của dân tộc, nhất là của những người dân chài cùng khổ, mà huỷ bỏ Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, theo nguyên tắc luật quốc tế rebus sic stantibus (nguyên trạng không còn thì hủy bỏ).


3. Chiến tranh trong thời hiện đại là chiến tranh toàn diện, lôi kéo toàn dân, và làm nguy hiểm đến toàn dân. Nhứt là trong một nước dân chủ có chế độ động viên như Mỹ hồi chiến tranh Việt Nam, mỗi gia đình đều có thể có chồng, con sắp sửa bị động viên (chứ không phải chỉ có quân đội nhà nghề, như hiện nay) và vào mỗi bữa cơm chiều trong gia đình đều chứng kiến cảnh chết chóc trên truyền hình, thì cuộc chiến phải được quảng đại quần chúng và đại diện của họ tại Quốc hội ủng hộ (chứ không còn chuyện "giãi thây trăm họ nêu công một người" mà không ai phản đối được). Hiến pháp Mỹ đã đặt nguyên tắc là Quốc hội giữ quyền tuyên chiến và trong chính sách ngọai giao, Thượng viện có vai trò cố vấn và phê chuẩn (advise and consent). Vào thời kỳ đầu trong chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Johnson đã xin Quốc hội thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Việt (Tonkin Gulf Resolution) cho trả đũa về quân sự ở Việt Nam khi có tin tàu Mỹ bị tàu Bắc Việt tấn công (sau này mới biết là phóng đại), và do đó, việc tăng quân số Mỹ và tăng quân viện dễ dàng. Đến thời gian sau cùng của cuộc chiến, khi việc ủng hộ chiến tranh Việt Nam giảm sút, Quốc hội Mỹ lại thông qua luật về quyền chiến tranh (War Power) để hạn chế quyền Tổng thống.

Tổng thống Thiệu đã quên cái quy luật "ý dân là ý trời" trong việc điều hành chiến tranh ở một nước dân chủ như Mỹ, cho nên cứ giữ khư khư các mật thư cam kết yểm trợ của Tổng thống Nixon, đến những ngày cuối cùng mới đưa các thư ấy cho Giáo sư Hưng đi cầu viện ở Mỹ. Trước đó, những người lãnh đạo khác như Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm, Chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Cẩn và Ngoạii trưởng Vương Văn Bắc đã khuyên là không nên la lối om xòm vội, sợ là Mỹ họ nói là can thiệp vào nội bộ Mỹ. Họ đã không hiểu hệ thống chính trị Mỹ, và không thấy là các văn thư mật cam kết của Tổng thống Mỹ - đại diện nước Mỹ trong chính sách ngọai giao - là những văn thư có giá trị, cần phải công bố cho Quốc hội, để có sự phê chuẩn và ủng hộ của đại diện nhân dân, theo diễn trình hiến định (constitutional process) đã ghi trong Hiến pháp Mỹ.

Để có thế của nhân dân tại Việt Nam, lẽ ra ông Thiệu cũng đã nên đưa các thư mật cho Quốc hội Việt Nam từ lâu, để đại diện nhân dân Việt Nam vận động với Quốc hội Mỹ, theo lối giao hảo giữa hai dân tộc (people-to-people diplomacy).

Không làm những việc trên kịp thời, miền Nam Việt Nam trở thành nạn nhân của hành vi làm ngoại giao theo lối “anh hùng cá nhân” của Kissinger, là người thán phục và làm việc theo lối các nhà ngoại giao đầu thế kỷ 19: Metternich và Talleyrand, những ngoại trưởng nhiều quyền đã chuyên độc sắp xếp lại bàn cờ bang giao giữa các quốc gia Châu Âu sau khi Napoléon thất trận năm 1815, mà chẳng hỏi ý kiến nhân dân hay đại diện nhân dân các nước liên hệ.

Ngay chế độ cộng sản trong đó Đảng quyết định chiến tranh hay hòa bình, có vài người khôn ngoan cũng thấy nên hỏi ý dân về vấn đề đó. Ông Nguyễn Cơ Thạch, Ngoại trưởng Việt Nam, có nói là sau cuộc phiêu lưu sang Cam Bốt (kéo theo hậu quả là Trung Quốc đánh sang Việt Nam để "dạy cho Việt Nam một bài học" - Lời Đặng Tiểu Bình, và do đó gây ra thương vong nhiều) thì từ nay, Việt Nam sẽ không bao giờ gửi thanh niên ra ngọai quốc nữa.


4. Nhìn lại cuộc di tản của đoàn người miền Nam hốt hoảng, khốn khổ năm 1975, mà một số người Mỹ hồi đó châm biếm là bọn da vàng gồm những tướng tá thua trận, nhà giàu ăn trên ngồi trốc, gian phi, ma cô và đĩ điếm - như Giáo sư Hưng đã dẫn chứng về những lời phỉ báng, và nhà nước cộng sản Việt Nam cũng nhắc lại những danh từ ấy, cũng như nhìn lại hàng hàng lớp lớp người Việt trong các đợt vượt biên, vượt biển sau đó, thì ai cũng thấy là ngày nay, họ chẳng còn lý do gì mà còn phải cảm thấy tủi nhục. Trái lại họ còn có thể cảm thấy là trong cái rủi, có cái may. Nếu thời xưa lão ông mất ngựa và con bị thương tật tưởng bất hạnh thì sau đó lại có hên là con cái ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, không phải đi lính, thì bây giờ, cộng đồng người Việt hải ngoại đã tạo dựng lại đời mới cho mình và con cái mình tốt đẹp hơn xưa nhiều, và cảm thấy hãnh diện hơn về chỗ đứng và diện mạo của họ trong xã hội nơi định cư. Âm nhạc tủi thân hát cho nhau nghe về thân phận lưu vong, hoa trôi bèo dạt, thời 25-30 năm trước, đã được thay thế bằng nhạc vui nhộn trẻ trung. Những ngày kỷ niệm 30 tháng Tư, trước đây gọi là Ngày Quốc hận trong Tháng Tư Đen, lôi kéo cả trăm, có nơi cả ngàn người dự mít tinh, biểu tình, thì nay không còn tổ chức nữa hay chỉ có lác đác vài người tham dự, hoặc phải đổi sang mục tiêu tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ hơn là hướng về quá khứ, bởi vì họ không còn hận gì, mà còn cảm thấy may mắn hơn những bà con, bạn bè còn ở lại trong nước Việt Nam, và còn đem tiền bạc, của cải về giúp người trong nước, chống lại những ý kiến tảy chay Việt Nam do một số ít người đưa ra, vì họ còn tình thương của kẻ đã may mắn qua cầu mà không rút cầu đối với người ở lại.

Khi thấy nhà nước Việt Nam rộng mở cửa khẩu đón tiếp người Việt di tản từ hải ngoại về thăm quê hương, làm thương mại và đầu tư, mời chuyên viên đem tài năng về giúp nước, khi thấy con cái các cán bộ hay viên chức cao cấp sang Mỹ du học để học cái hay của hệ thống xã hội tư bản Mỹ (thí dụ, đã thấy con chủ tịch nước Lê Đức Anh, con ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi học tại Harvard, có những người khi xưa đã đậu bằng cao cấp ở một Đại học danh tiếng của Liên Xô, cũng là trường mà ông Gorbachev học, nay sang Mỹ học thêm bằng Mỹ, và chính tai tôi nghe trong bữa tiệc Viện trưởng Đại học Harvard khoản đãi Phó Thủ tướng Phan Văn Khải - lúc đó là Phó Thủ tướng - lời ông Khải cảm ơn Harvard là đại học Mỹ đầu tiên đã nhận sinh viên Việt Nam sang học những cái hay trong hệ thống [kinh tế thị trường tự do, tư bản] của Mỹ), khi thấy một giáo sư đại học ở Việt Nam qua tu nghiệp đi chơi trên xe hơi ngắm cảnh nước Mỹ rộng bát ngát và thịnh vượng thì nói: “Giá mà Mỹ nó cho người Việt mình một tiểu bang để dọn qua đây nhỉ!”, khi thấy nhà nước Việt Nam đổi mới theo kinh tế thị trường, để người dân tự do làm ăn, làm được thì được hưởng, chứ không theo nguyên tắc cộng sản là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” nữa (người phụ tá của một Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Thành ủy Sài Gòn, nói tâm sự với tôi: “Còn gì cộng sản nữa đâu, anh!”), khi thấy là chế độ Việt Nam đã thêm hai chữ "dân chủ" vào khẩu hiệu nói tới các lý tưởng "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", khi thấy là sau 30 năm chinh chiến Quốc-Cộng, mà rồi chính nhà cầm quyền cộng sản, là người thắng trận quân sự, lại cũng theo đuổi chính các mục tiêu cho dân tự do làm ăn sinh sống làm giàu trong kinh tế thị trường và đề cao lý tưởng dân chủ và công bằng xã hội, mà người di tản đã từng theo đuổi từ Bắc vô Nam Việt Nam, năm 1954, và từ Việt Nam sang khắp các nước có dân chủ và kinh tế thị trường thịnh vượng, từ 1975 trở đi, thì người Việt di tản không những hết cái tủi nhục thời di tản như Giáo sư Hưng đã mô tả, hay cái đau đớn khi vượt biên, vượt biển, mà còn vui mừng về cái quyết định ra đi rất đúng cho mình và con cái mình, và có thể cảm thấy là - tuy thua trên trận địa - mình bây giờ lại thắng cuộc nội chiến quốc tế hoá 30 năm về trước ở Việt Nam, ít nhất là về mặt tinh thần.


5. Một khi cả hai phía đều thấy mình chiến thắng, thì có thể dễ hòa giải dân tộc với nhau hơn. Trăm sông rồi cũng tuôn về biển cả. Càng đi lâu thì càng hướng về quê hương hơn. Cái chấn thương di tản trong tủi nhục, kinh hoàng, chết chóc không còn nữa hay đã bớt đi nhiều. Nhưng còn một chấn thương nữa mà những người di tản và thân thích của họ còn phải đưọc xoa dịu để thực sự hòa giải: đó là chính sách nhà nước bắt học tập lâu quá với hậu quả tai hại đối với sức khoẻ, sự nghiệp và gia đình của họ. Tuy có thành tích lớn lao thống nhất đất nước,, thắng được hai thế lực ngoại bang, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay sau năm 1975 đã không sáng suốt và đại lượng đủ để áp dụng chính sách hòa giải dân tộc, như Tổng thống Lincoln đã áp dụng sau cuộc Nội chiến ở Mỹ chẳng hạn: "Cùng nhau, chúng ta hãy săn sóc cho cô nhi, quả phụ của cả hai bên". Những người, hồi 1954 bỏ hết cuộc đời, tài sản, sự nghiệp di tản từ Bắc vào Nam, có thể quên việc bố mẹ mình bị tố oan trong cải cách điền địa kỳ thị giai cấp 1953-1955, hay không còn nhớ - vì lâu quá rồi - là, hồi 1945-1946 ông chú, ông bác mình, đảng viên Quốc dân Đảng hoặc những người dân và trí thức không phải là cộng sản trong phong trào kháng chiến Nam bộ, cũng chống Tây một cách rất ái quốc, mà vẫn bị ban ám sát của Đảng Cộng sản lấy búa đập vào đầu thủ tiêu, lợi dụng lúc vắng mặt tại Hội nghị Fontaineblau của Hồ Chí Minh, hồi đó đang làm việc thuyết phục các nhân tài và các nhà ái quốc cùng giúp nước, cả ở Việt Nam lẫn ở Pháp. Nhưng hậu quả tàn hại của những năm dài học tập trong các trại sau 1975, đến nay là tình trạng sức khỏe suy sụp, thân trạng lạc loài của các cựu tù nhân chính trị khi ra sống lại ngoài xã hội, nhất là xã hội nước ngoài, nhiều khi lại thêm tình trạng mất vợ con, mất gia đình lúc mình đi học tập hay khi vượt biên, thì không dễ họ và gia đình họ có thể quên ngay, vì sự đau khổ còn tương đối mới gần đây.

Giữa những người dân Việt Nam, nhất là giữa thân thuộc bạn bè, ở hai bên chiến tuyến, thì dễ hòa giải và thực tế đã có nhiều cuộc hoà giải từ lâu rồi, trong cái cảnh gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách, mừng mừng tủi tủi, chẳng còn hận thù gì nữa. Giữa những người thuộc các thế hệ trẻ, còn nhỏ hay chưa ra đời vào năm 1975 khi chiến tranh chấm dứt, thì họ gặp nhau dễ dàng, thông cảm nhau với tình đồng bào, đồng hương, không có gì trở ngại, khi người hải ngoại về thăm đất tổ, hay người trong nước sang ngoại quốc du học, tham quan, đi công vụ. (Thậm chí có người trẻ tuổi về trình với bố mẹ: "Bố ơi! Mẹ ơi! Con yêu cái cô Việt cộng đó rồi!")

Nhưng trên bình diện chính sách chính thức và để kết thúc có hậu (người Mỹ thường gọi là closures), thì phải có lời tuyên bố chính thức của những người lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ có trách nhiệm về chế độ học tập vào năm bắt đầu thi hành 1975, nghĩa là những người lúc đó đã ở trong vị trí lãnh đạo về chính sách, tức là nay phải ít nhất trên 65-70 tuổi, và có lẽ già hơn nữa (cộng đồng hải ngoại không thể quy trách về chế độ học tập cho những người nay dưới 65 tuổi, nghiã là vào năm 1975 họ mới 35 tuổi, chắc không phải là những người đưa ra chính sách đó, trừ khi những người đó thi hành chính sách một cách độc ác), công nhận sự sai lầm chính sách học tập ác nghiệt quá lâu, thì cộng đồng người Việt di tản hải ngoại mới vuốt bụng thoả thuê mà nói được câu: "Có thế chứ!" và sẵn sàng hoà giải hơn, và sẽ sẵn sàng đem tài nguyên, tài năng, và con cái về Việt Nam xây dựng, theo nhiều phương cách, cho dân giàu nước mạnh. Ông Đỗ Mười đã tuyên bố về hai sai lầm là cải cách ruộng đất 1953-55 (thực hiện đẫm máu và bất chấp pháp trị, theo lời luật sư Nguyễn Mạnh Tường) và đánh tư sản miền Nam 1979 (làm tiêu tan tiềm năng doanh nhân phát triển kinh tế, làm Việt Nam chậm lại gần một thế hế), và có lẽ chỉ có ông mới là người vượt trội lên trên các đảng viên khác về mặt tuổi đời và tuổi đảng để có thể đóng vai một "Đặng Tiểu Bình Việt Nam" dám tuyên bố một câu mát lòng mát ruột cho những người đã bị đi học tập lâu, mà không ngại bị những người ngang vai ngang vế nói là đi trật đường lối. Giống như họ Đặng tuyên bố ủng hộ đường lối kinh tế thị trường: "mèo đen hay trắng không quan hệ, miễn bắt được chuột", mà cả Trung Quốc phải nghe theo, hay Hồ Chí Minh nói "ông Ngô Đình Diệm là người ái quốc theo lối của ông ấy", mà chẳng có ai dám cự lại lời khen địch thủ đó. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố (báo Tuổi Trẻ 31/3/2005) là "Đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện còn ở trong nước hay ở bên ngoài”. Ngay trong thời gian chính sách học tập đang áp dụng tàn ác nhất, thì Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn cũng đã vô trại cải tạo để thả cụ Vũ Hồng Khanh, người đã có công cứu sống Hồ Chí Minh, như đã nói ở trên.

Có thể không có ai muốn đóng vai một người vượt trội đứng lên nói mạnh để hướng dẫn đường lối, và cái tập tục theo lãnh tụ chế kiểu đó không còn nữa. Do đó, cũng có thể, với công thức tập đoàn lãnh đạo (collective leadership) mà Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng trong những năm gần dây (theo như nhận định của nhiều quan sát viên quốc tế), một số lãnh đạo sẽ cùng đưa ra lời tuyên bố trên, sau khi bàn thảo. Ông Võ Văn Kiệt đã đưa ra đề nghị là từ nay, trên đường đi tới Đại hội Đảng năm 2006, thì trong việc bàn về các chính sách mới trong cương lĩnh và việc ứng cử và bầu cử vào cơ quan cao nhất là Đại hội Đảng và từ đó, Ban Chấp hành Trung ương, thì không nên theo lề lối cấp trên ấn định và chỉ định như từ suốt Đại hội 4 đến nay, mà nên theo lối dân chủ của Đại hội Đảng 2 và 3, cho tự do ý kiến và bầu trục tiếp và kín cho những ứng cử viên tự do ra ứng cử. Có thi hành dân chủ như vậy mới chọn dược người tài, có sáng kiến mới. Có lẽ những người mới này, với sáng kiến, sẽ mạnh dạn đưa ra những lời sửa sai về chính sách học tập.

Có người trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại nói là nhìn nhận lầm lẫn về chính sách học tập không đủ, vì họ cho rằng chẳng khác gì chặt đầu xong rồi cáo lỗi, và cộng sản đã lầm lẫn quá nhiều trong sự độc quyền của họ, rồi lại nhận lỗi (về cải cách ruộng đất, sát hại trong Tết Mậu Thân ở Huế, đánh tư sản miền Nam…), và do đó các nạn nhân đã quá đau đớn, không ai trong họ tha thứ và tin người cộng sản nữa, và chỉ còn cách là chờ đợi sự sụp đổ trong nội bộ của chế độ với những đòi hỏi dân chủ của các lực lượng trong nước. Dù có người không quên được mối hận có thân thuộc bị cộng sản sát hại, nhưng chúng tôi nghĩ rằng trong đại đa số các trường hợp bị hành hạ trong trại học tập, thì với thời gian, nạn nhân cũng dần dần nguôi giận; không phải chúng tôi khuyên như vậy, hay tỏ bày khuynh hướng riêng như vậy, vì chúng tôi tôn trọng quyền của mỗi ngươi tự quyết định lấy về việc này, nhưng đấy chỉ là sự ước tính theo khoa học xã hội và tâm lý con người một cách khách quan: tạo hóa đã cho con người một trí nhớ quên dần những chuyện đã chìm lâu trong dĩ vãng, và nếu người bị hành hạ sau cùng lại thấy mình là người chiến thắng trong quan điểm hay tinh thần, như nói ở trên, thì sẽ có thể hoà giải dân tộc được.

Một cô bé Do Thái 11 tuổi vào năm 1941, sống sót khi cha mẹ và anh cô bị Đức Quốc xã thiêu sống trong hỏa lò Holocaust, là vì trốn trong rừng và được một gia đình theo đạo Thiên chúa che chở giấu giếm, đã tuyên bố - và được hoan hô vang dậy - trong Ngày Truy điệu Nạn nhân Holocaust nhân Kỷ niệm Đồng minh Thắng trận tại Đức vào tháng 5/2005 là "không thể gán cho cả dân tộc Đức tội ác này", và việc cô "sống sót là chiến thắng của tất cả những người nhân hậu chống lại cái ác của Quốc xã". Tại Nam Phi, sau khi người đại diện cho chế độ dân da trắng thống trị và chủ trương kỳ thị, đàn áp đân da đen là De Clerk tuyên bố mình lầm lẫn, thì người anh hùng tranh đấu bị giam gần 30 năm trời (trong đó 18 năm làm việc đục đá) là Mandela, sau này được bấu làm Tổng thống, đã tuyên bố chỉ có tha thứ quá khứ mới tiến tới tương lai được; và một Ủy ban tìm Sự thực và Hoà giải, do giám mục Tutu là chủ tịch, được lập ra để cho những nạn nhân kể về những đau khổ trong quá khứ hay những thủ phạm ngỏ lời hối hận thì mới hàn gắn quá khứ và hướng về tương lai, tránh cái vòng lẩn quẩn "thù hằn đem tới thù hằn", và theo được cái hướng thiện tâm chung cho loài người văn minh. Nước Nhật, vốn chỉ nể Tây Phương và kiêu ngạo đối với các dân tộc Á Đông, nhưng rồi, sau bao nhiêu năm ù lì, thì nay cũng đã phải chính thức xin lỗi dân tộc Trung Hoa vì Nhật đã gây tội ác trước và trong Thế chiến thứ hai ở Trung Quốc, nhất là về việc giết khoảng 300.000 người dân vô tội ở Nam Kinh. Đức Giáo hoàng John Paul II dã nhiều lần xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội Công giáo La Mã đối với người theo Do Thái giáo hay Chính thống giáo ở Nga.

Đã có những đồng bào miền Bắc kín đáo trao đồ ăn cho các viên chức và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đói rách, mà họ thương cảm trong tình đồng bào, đang lê gót trên đường từ trại học tập ở ngoài Bắc đến công trường lao động. Chỉ xin nêu một thí dụ về sự hành hạ trong trại cải tạo. Trong thời gian chúng tôi phải vận động rất lâu Amnesty International và Bộ Ngoại giao Mỹ cho người bạn là Giáo sư Hoành Xuân Hào, Tiến sĩ luật khoa, thì người "tù nhân lương tâm" này đã viết thư, than rằng: "Đêm khuya mùa đông rét lắm và đói bụng. Tớ phải đi ngủ cho khoẻ để sáng mai đi lao động cho thật tốt". (Bức thư này, tôi còn giữ và nay trao lại cho Giáo sư Hào, hiện ngụ tại California, làm kỷ niệm). Có một giáo sư đại học Việt Nam sang tu nghiệp ở Mỹ nói về sự hận thù của những người đã đi học tập là "Có học tập mới được rước đi Mỹ", như vậy là trong nước công nhận người nạn nhân của chế độ học tập di cư ra hải ngoại tạo lập cuộc sống tốt đẹp thì được coi như đã thắng lợi trong giai đọan sau của cuộc đời. Khi là người sau cùng chiến thắng, nếu có thêm lời công nhận lầm lẫn của kẻ thù cũ, thì người ta cũng sẽ dễ có tinh thần thân thiện với cựu thù. Người Mỹ, sau những hận thù với Đức và nhất là Nhật giết hại binh sĩ Mỹ trong các chiến trận như Normadie, Trân Châu Cảng, các hòn đảo ở Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai, và đã trả đũa trong hận thù với bom trải thảm tại hai nước đó, nhất là bom nguyên tử, giết hại dân chúng chứ không phải chỉ quân đội mà thôi, nay đã trở thành đồng minh thân hữu của Đức và Nhật. Một khi các lãnh tụ cộng sản cao tuổi trong thời chiến tranh Việt Nam đã mất đi, hay nói lên những lời công nhận lầm lẫn, thì chắc đồng bào Việt Nam hải ngoại không còn thù ghét mãi, ít nhất là đối với đại đa số nhân dân Việt Nam, nhất là 2/3 trong số đó chưa ra đời vào năm kết thúc chiến tranh 1975, hay là những người chỉ là con nít trong thời gian chiến tranh, vốn không có trách nhiệm gì về chính sách học tập.

Nếu không tha thứ, hoà giải dân tộc, thì nguời Việt hải ngoại theo chủ trương giận dữ mãi, chẳng bao lâu sẽ gửi nắm xương tàn nơi xứ người, mà chẳng bao giờ được cảm thấy niềm xúc động rạt rào khi ngồi trên máy bay nhìn xuống mảnh đất quê cha đất tổ thân yêu khi đến gần phi trường Tân Sơn Nhứt, hay những niềm vui tràn đầy thấy lại và hoà mình vào đám đông tại những phố phường, thôn dã ở đó mình đã lớn lên, và gặp lại những bà con, bạn bè thân thương của những năm trẻ tuổi sôi động xa xưa; hoặc cùng lắm chỉ dám cử vợ con, hoăc đi bẽn lẽn giấu giếm, về nước thăm quê hương. Những người đó nên nhớ là khi ông Jefferson thảo Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ vào năm 1776, ông đã soạn đi soạn lại và, theo lời yêu cầu của các đại biểu Quốc hội Cách mạng đầu tiên, ông xóa bỏ đoạn văn lúc đầu kết án cả dân tộc Anh và Nghị viện Anh, mà ghi trong văn bản chung quyết là chỉ kết án Anh hoàng mà thôi (Sau đó, trong chiến tranh của Mỹ giành độc lập, các chính trị gia ở Anh cũng chống lại Anh hoàng về chính sách bám vào thuộc điạ).

Ngược lại, nếu những người cộng sản Việt Nam có trách nhiệm về chính sách học tập cải tạo không nhìn nhận sai lầm về chủ trương học tập quá lâu (học tập ngắn hạn ngay sau chiến tranh còn có thể quan niệm được là một sự cần thiết để củng cố an ninh trật tự, chứ lâu quá thì bị coi là độc ác), hay những sự hành hạ trong trại cải tạo, để làm dịu xuống nỗi uất ức của các cựu tù nhân cải tạo, thì khi đại diện ngoại giao của chế độ hay những viên chức Việt Nam, dù trẻ tuổi hơn và không có trách nhiệm về chế độ học tập, khi đi ra ngoại quốc, nhất là trong nhiệm vụ ngoại giao, nhưng kể cả lúc sang thăm viếng con cái của họ đang du học tại các nước Âu Mỹ, chắc sẽ khó yên lòng mà làm việc công khai, và không du ngoạn một cách thảnh thơi, hiên ngang được - vì có thể phải sợ bị biểu tình, bị ném cà chua trứng thối, hay nhổ nước miếng (cho dù có được che chở an toàn bởi nhân viên công lực nước sở tại, họ làm nhiệm vụ của quốc gia chủ, tiếp khách phải bảo vệ cho khách), hay có thể phải sợ bị tống đạt trát khởi kiện vi phạm nhân quyền bởi những người hiện nay ở hải ngoại nhưng đã bị hành hạ trong trại học tập trước đây. Mặt trời không bao giờ lặn trên bầu trời trên đầu người Việt hải ngoại, vì họ rải rác khắp năm châu. Nếu giải tỏa được uất ức học tập cải tạo thì đại diện chế độ mới dễ dàng và hiên ngang thi hành được công tác tại hải ngoại ở khắp năm châu. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu gương hoà giải với kẻ thù 60 năm đối nghịch là Trung Hoa Quốc dân Đảng: Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Đảng Hu Jin Tao đã tổ chức cuộc lễ long trọng và tươi cười niềm nở với vẻ mặt rất thành thật [chính mắt tôi trông thấy rõ ràng trên truyền hình ở Bắc Kinh] khi tiếp đón Đảng trưởng Quốc dân Đảng Lien Chan từ Đài Loan sang thăm Đại lục vào cuối tháng 4 năm 2005, và truyền thông Trung Quốc đã phổ biến việc tiếp rước này như một biến cố quan trọng trong lịch sử quốc gia (Ngoài ra, doanh nhân Đài Loan đã đầu tư 100 tỷ Mỹ kim vào Đại lục).


6. Ngoài vấn đề giải tỏa ẩn ức vì khổ ải quá khứ trong trại học tập, thì nếu nhìn về tương lai, để đi đến hoà giải dân tộc sâu xa hơn thì phải tạo điều kiện cho đồng bào trong nước được hưởng nền pháp trị và dân chủ tự do thực sự (trong đó, có cả nhân quyền). Không thể có tình trạng kỳ thị bất bình đẳng đối với bất cứ người dân nào, thí dụ như kỳ thị thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong những năm tháng còn lại của đời họ, như việc viên chức nhà nước đòi tiền phạt mới cho một thương binh lãnh cái xe lăn do một cơ quan từ thiện nước ngoài tặng ngoài chương trình của chính phủ (bản tin của ký giả Nhật Yoshigata Yushi, dịp tháng 4. 2005). Đồng bào Việt Nam hải ngoại, vì tình thương dân tộc, cũng muốn đồng bào trong nước, trong đó có bà con và bạn bè mình được hưởng pháp trị và tự do dân chủ như mình, vì họ biết đó là các quyền căn bản của mọi người do Tạo hóa ban cho và không thể tước bỏ, mà chính Hồ Chí Minh đã phỏng theo Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (đề cao "quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc") mà chép vào Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam, được tuyên đọc long trọng tại Vườn hoa Ba Đình năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói: "Nước có độc lập mà dân chưa có tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì". Đồng bào Việt Nam hải ngoại cũng biết rằng chính họ cũng cùng là một phẩm chất người Việt Nam, nhưng với pháp trị và tự do dân chủ tại các nước họ cư ngụ, họ đã vươn lên và phát triển từ thân phận khố rách áo ôm, hoa trôi bèo dạt của ngày di tản khi xưa, để đi đến tình trạng phồn vinh ngày nay, với khả năng sáng tạo và sản xuất của họ. (Về vấn đề dân chủ tại Việt Nam này, xin xem bài chúng tôi viết năm 2004 đăng trên nhiều báo hải ngoại.)

Viết để vinh danh đồng bào Việt Nam hải ngoại, 30 năm sau tháng 4/1975.


Tác giả: Luật sư Tạ Văn Tài, Tiến sĩ chính trị học, Đại học Virginia; Thạc sĩ luật học, Đại học Harvard; nguyên Giáo sư các trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Quốc gia Hành chánh, Vạn Hạnh, Chiến tranh Chính trị và Cao đẳng Quốc phòng, Việt Nam; nguyên Giảng sư và Phụ khảo nghiên cứu, Đại học luật khoa Harvard.

[Trích talawas]