Miếng cơm,
manh chữ
Người
viết đọc lại những gì đã viết, về một quãng đời trong có bóng dáng một
họa sĩ (Ngọc Dũng) vừa ra đi, và nhận ra một điều: cái đói ám ảnh ngay
từ dòng chữ mở đầu... Hay nói một cách khác: đây là những kỷ niệm về
cái đói.
Nào là cái ruột tượng đựng gạo, nỗi sợ mỗi lần nhìn thấy... cháo, cơn
đói lả mà cứ tưởng là bịnh..
Nhưng “cái no” cũng có những kỷ niệm để đời, đối với một thằng nhỏ Bắc
Kỳ! Ông cụ tôi mất sớm. Bà cụ một nách bốn con, cứ phải tha đi nhà này
nhà nọ, để ăn chực. Ăn chực chán quê nội, qua tới quê ngoại. Hai làng
cách nhau cũng chừng gần chục kí lô mét. Lần đó, thằng bé tới nhà bà
trẻ, được ăn no cành hông, đi không nổi, rồi đau bụng quá, vì quá nặng
bụng! Thấy thằng nhỏ nhăn nhó, mọi người lại tưởng bịnh, riêng bà trẻ
hiểu ngay nguồn cơn, ra lệnh: ra sân chạy! Ì ạch một hồi, mới đỡ đau.
Lúc đó mới nhớ lại cái cảnh “tầu phù” nằm chết như rạ, khi sang tước
khí giới quân đội Nhật, tại một ga xe lửa miền bắc. Do ăn no quá, bể
bụng, (‘phù’ ở đây chắc là biến thể của ‘phình’).
Tác
giả một bài viết trên tờ Gió Ðông, xuất bản ở Ðức, (đã đình bản), sau
khi đọc lại một số tiểu phẩm, đã đưa ra một nhận xét: nhà văn Việt Nam
hay nói về miếng ăn. Và hình như đây là một nỗi ám ảnh, một “định mệnh
văn chương”. Nhân đó, ông nói về tác phẩm Marie Sến, của Phạm Thị Hoài:
cũng vẫn những chiếc phong bì. Cũng vẫn miếng ăn, miếng nhục.
Trần Ðăng Khoa, trong cuốn Chân Dung và Ðối Thoại, chê Nguyễn Tuân, tuy
mê ‘ăn’, nhưng chưa đưa nó lên thành nghệ thuật. Ông tự hỏi, hết chuyện
viết rồi hay sao, chẳng lẽ văn chương chỉ là chuyện về miếng ăn... tồi
tàn?
Theo tôi, cần phải phân biệt giữa cái đói, ám ảnh của nó, với miếng ăn,
như một cái cần, và sau đó, như một cái đẹp.
Trả
lời phỏng vấn, về chuyện phải từ bỏ đất nước, và quan trọng hơn, phải
từ bỏ tiếng mẹ đẻ, nhà văn Romania, Cioran cho biết: phải viết văn bằng
tiếng “ngoại” là một tai nạn lớn lao đối với một nhà văn. Ông kể hai
kinh nghiệm, tưởng như chẳng liên hệ, về chữ viết “ngoại”, và về miếng
ăn “ngoại”.
Cho
tới năm 1947, ông vẫn viết văn bằng tiếng Romania. Tới bữa đó, ông tính
dịch Mallarmé sang tiếng Romania. Bất thình lình, ông tự hỏi chính
mình: “Thậm vô lý! Ích chi đâu, khi dịch Mallarmé sang một thứ tiếng mà
chẳng ai biết?” Thế là, tôi từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Tôi bắt đầu viết văn
bằng tiếng Tây. Thật trần ai khoai củ. Viết văn bằng một ngôn ngữ khác
là một kinh nghiệm đáng sợ. Người ta phải mầy mò với từng chữ. Khi viết
bằng tiếng mẹ đẻ, tôi cứ thế mà viết, giản dị như vậy đó. Chữ viết
không có quyền độc lập, đối với tôi (Les mots n’étaient pas
‘indépendants’ de moi). Khi viết văn bằng tiếng Tây, mấy con chữ như
thách đố tôi: chúng như ở trong những xà lim (cellules), và tôi phải
nhặt ra từng con: nào tên này, nào tên kia, ra đây biểu!
Kinh
nghiệm đó, theo ông, y hệt kinh nghiệm về miếng ăn, cũng ngày đầu tới
Paris. Lần đó, ông trọ tại một khách sạn nhỏ, khu ‘người em xóm học’
(khu Latinh). Bữa đó, ông xuống nhà gọi điện thoại, và thấy nhân viên
coi khách sạn, bà vợ, và ông con trai: cả ba đang sửa soạn bữa ăn, họ
như đang sửa soạn kế hoạch cho một trận đánh! Tôi sững người: ở
Romania, tôi luôn luôn được nuôi ăn như một con vật, chẳng thèm để ý
tới “ăn nghĩa là gì”. Ở Paris, tôi mới nhận ra ăn là một nghi lễ, một
hành động văn minh, gần như xác định một thái độ chính trị.
Vũ
Bằng phân biệt hai miền qua món ăn: món ngon miền bắc ‘đấu’ với món lạ
miền nam. Ôi chao, những cái lỉnh kỉnh, nhiêu khê, cầu kỳ, nhưng thật
cần thiết, không có không được của một tô bún thang, cái mỏng dính của
một lá bánh cuốn Thanh Trì, cái thú ngồi canh bánh trưng ngày tết...
chỉ tới khi vào Nam, hết sợ đói, thằng bé Bắc Kỳ mới mới thấy “thấm
thía” cái tuyệt vời của một miếng ăn.
Cái
tuyệt vời của những kỷ niệm khi còn là một đứa bé chuyên môn đi ăn
chực, tại một miền đất.
Tựa
của PTH