*

 



Ấu Thời 

It is good to be born in a small country where nature is on a human scale, where various languages and religions have coexisted for centuries. I am thinking here of Lithuania, a land of myth and poetry.

Thật lốt lành khi sinh ra tại một xứ nhỏ, nơi thiên nhiên không so le với con người, nơi ngôn ngữ và tôn giáo cùng rong ruổi bên nhau qua nhiều đời. Tôi đang nghĩ về Lithuania, miền đất của huyền thoại và thi ca.

Milosz, Diễn văn Nobel văn chương.

 

Bất hạnh của con người, là do đã có một ấu thời; vào lúc xế chiều, hình như ông già đã thù ghét "một cách hài lòng như vậy", miền đất mà ông đã rời bỏ ngày vừa lớn. Ông đinh ninh, bất hạnh là một vấn đề liên can đến đất cát. 

Giả sử không giã từ, có thể những dòng chữ sau đây chẳng có, hoặc nếu có, cũng không giống bạn đang đọc: Tuổi thơ của ông thiếu hụt, và để làm đầy, ông sẽ "mượn" của rất nhiều người.

Như ngay dòng mở đầu, là của Simone de Beauvoir.
 

Khi thi sĩ Joseph Brodsky mất, T. Tolstaya than thở, phải chi ông sống dôi ra, chỉ bốn năm thôi, thế kỷ chúng ta đã có một sự tận cùng vẹn toàn. Và cùng với việc ông ra đi, ở nơi quê người, căn nhà Nga bây giờ mới thực sự trống rỗng.

 Có thể, việc làm đầy tuổi thơ ở đây, bằng những kỷ niệm của người khác, là để cho một căn nhà nào đó, luôn ấm áp mùi nhang...

 Trong bài Chiến lợi phẩm (Spoils of War), Brodsky kể, lần đầu tiên ông được ăn đồ hộp: "Thoạt kỳ thuỷ, có một hộp thịt bò. Đúng hơn: Thoạt đầu, có một cuộc chiến, Đệ Nhị Thế Chiến; trận phong tỏa thành phố quê hương của tôi, Leningrad; Trận Đói Lớn, nó đòi người chết nhiều hơn là những trái bom, những trái pháo, những viên đạn tất cả cộng lại. Và khi cuộc vây hãm chấm dứt, có những hộp thịt bò từ Mỹ. Thụy Sĩ là nhãn hiệu bên ngoài hộp, tôi nghĩ vậy, tuy có thể lầm; tôi mới bốn tuổi khi nếm nó lần đầu tiên."

 Món ăn, cũng lạ, nhưng mùi vị của nó không kéo dài như nỗi sững sờ của cậu bé, về những cái hộp: cao, vuông, với cái chìa khóa để mở kèm theo chúng. Ôi chao, cái đồ mở hộp: tuyệt vời, dị thường. Món đồ "như bước ra từ một cuốn sách ước", hình như ông muốn nói như vậy, khi viết: Chiếc chìa khóa... là một mặc khải đối với thằng nhỏ Nga: chúng tôi chỉ biết những con dao. (That key... was a revelation to a Russian child: we know only knifes).

 "They are my memories too, but I am not the character in the story", Những hồi ức là của tôi, nhưng tôi không phải là nhân vật trong truyện, William Trevor, nhà văn Ái-nhĩ-lan nhận xét về nghệ thuật giả tưởng. Viết, theo ông, là nghiệp (a professional activity), tuy nhiên thành phẩm - giả tưởng khi chín mùi - bắt buộc phải là của riêng. Khi dấn vào nghiệp, bạn đừng mong trốn thoát cái kẻ là bạn đó, cho dù bạn không hề có ý định tra hỏi về chính mình, cho dù bản năng cho bạn biết, rằng, đừng để dấu tay của bạn lên trang sách chừng nào, tốt chừng đó.

 Mọi giả tưởng đều mang mầm tự thuật... Nhập một, con người (với những hồi ức như thế), với nhà văn, là nghiệp viết.

 Lần đầu tiên, đứa trẻ Bắc-kỳ đọc thấy hai chữ ống đồng, đoạn nói về Thoát Hoan "phải chui vào ống đồng chạy về Tầu". Nó chỉ biết những con dao bằng sắt. Cũng không hề biết "đồng" là một thứ giống như sắt. Và nó quyết định, sẽ tự mình khám phá một đôi điều, không phải vì sợ hãi không dám hỏi người lớn, mà là niềm kiêu ngạo ngấm ngầm, kèm ao ước, như thể đứa bé đã hiểu ra một điều thật tầm thường, nhưng cũng thật quan trọng: có những sự thực chỉ có nghĩa khi tự mình khám phá...

 Xế chiều, nhìn lại, có những điều ông già tưởng đã biết quá rõ, hóa ra chẳng biết gì. Thí dụ: một miền đất, một tuổi thơ.

 Xế chiều, ông già cố tìm lại đứa bé ở trong ông. Cố tìm hiểu (bịa đặt) những chữ, cốt làm đầy một căn nhà Bắc-kỳ, tưởng chừng quá thừa thãi ở một đứa trẻ ngày xưa, nhưng hụt hẫng, ở một ông già bây giờ...

 Hai chữ ống đồng, không thuộc về nỗi bất hạnh, như hai chữ mồ côi mà thằng bé đọc được ở đâu, đem áp dụng ngay vào đứa em trai, bị người lớn, (nhân danh con nhân sư, nhân danh cả một miền đất?) tát cho một cái nổ đom đóm.

 Xế chiều, ông già tự hỏi, ông đã nói câu đó (Mày là một đứa trẻ mồ côi!), với đứa em nào trong hai đứa, đứa đã chết, hay đứa còn ở lại... Hay chính con nhân sư, qua miệng đứa bé, đọc lên số mệnh của một gia đình, của một đất nước?

 Tình yêu nào, biển trời nào? (Tôi chọn tình yêu làm biển trời. Mai Thảo).What seas what shores what grey rocks and what islands... cuốn tự điển về những nơi chốn tưởng tượng (The Dictionary of Imaginary places, 1st edition 1980, nhà xb Lester & Orpen Dennys Ltd), của Alberto Manguel và Guadlupi, mở ra bằng thành phố Abaton: (Từ tiếng Hy-lạp a, không; baino, Tôi đi), một thành phố mà định vị (location) thay đổi. Tuy không thể tới, chưa ai tới được, và những du khách, nghe nói lang thang hoài hoài theo tháng năm, nhưng chẳng hề thoáng thấy nó. Tuy nhiên, có một số người đã nhìn thấy nó mọc lên, từ xa, vượt lên đường chân trời, giữa đám bụi.

 Quá khứ nhiều khi cũng phải dự đoán, giống như một thành phố Abaton mà con người chỉ nhìn thấy từ xa.

 Xế chiều, ông già tìm cách trở lại thành phố Abaton ông đã tưởng mình có, và đã từng rời bỏ.

 NQT