*

 




Đẹp 

Sự ra đi bất thần, và bi thảm của nàng công chúa mang bóng dáng cái chết ngay trong tên của mình, Di , đang làm cả thế giới bàng hoàng, xúc động.

"Nàng là cái đẹp, một phản đề của cái chết", death's antithesis, Roger Rosenblatt viết, trong bài essay trên tờ Time.

"Cái đẹp không chỉ có một vị trí đặc biệt, để tôn vinh, nhưng còn là một cái gì trường cửu, như thể đây là một thí dụ, cho thấy ý hướng của thiên nhiên muốn hoàn hảo chính nó. Như thể cái đẹp, khi đã được hoàn thành, là thiên thu, vĩnh viễn."

Nhưng thế giới không chỉ nhìn nàng như một nhan sắc, mà còn của thiện tâm, của tình thương yêu đồng loại. "Diana biết mọi người thích ngắm nàng, và nàng nghĩ, tốt nhất là mình hãy đứng kế bên, những gì mà mọi người "thích" ngắm: những đứa trẻ cần sự giúp đỡ, những bãi mìn... (Time).

Nữ tài tử Audrey Hepburn, vị đại sứ của UNICEF, trong lần tới Bosnia, đã nói về những nấm mồ tập thể - những biểu hiện rõ rệt nhất từ trên phi cơ nhìn xuống - và âm thanh/ cuồng nộ "của sự im lặng", ở nơi những đứa trẻ. Audrey "thú nhận", bà có một "món nợ" cần phải trả, như là một nạn nhân sống sót từ trại tập trung.

Trường hợp Diana, ngón tay vương giả (royal touch) muốn giản dị chỉ là ngón tay dân giả (common touch). Khi phải chọn một tấm hình, đăng kèm bài phỏng vấn của một ký giả, chỉ 4 ngày trước khi chết, Diana đã chọn tấm hình nàng thích nhất, trong lần viếng thăm một nhà thương ở Lahore, Pakistan. Và Diana đã không thể nào rời mắt khỏi một em bé bệnh nhân. "Không biết sao, nhưng tôi hiểu là em sắp chết. Tôi nói với bà mẹ, xin bà cho tôi bế cháu một chút... Giọng em thật nhỏ nhoi, với chút buồn phiền: "Đừng dỡn chơi, với tôi." Chúa ơi, làm sao tôi có thể làm một chuyện như vậy, dỡn chơi trên nỗi đau khổ của một em bé. Tôi như nghẹn lời. Nhưng em bé không còn nhìn thấy, kể cả cái đẹp, cái xấu, sự dỡn chơi. Em đã mù, vì chứng liệt não. Em chết liền sau đó. Tôi không thể nào quên được em." (Diana, Princess of Wales Feb 22, 97).

Trong một chuyện thần tiên chúng ta đọc hồi nhỏ, có một nàng công chúa, nhỏ xíu, và một hạt đậu nhỏ xíu, ở bên dưới mấy chục tấm nệm giường. Nàng công chúa đêm đó đã không ngủ được. Đây là cách người dân giả "thử" cô, coi có thật là công chúa không.

Nữ tài tử Audrey Hepburn đã từng đóng vai công chúa, trong một phim tuyệt vời, Nghỉ Hè ở La Mã. Cô công chúa trong phim, cuối cùng phải trở về hoàng cung, cùng với "căn cước" của cô. Với Diana, nàng đã từng cố gắng làm một chuyện không thể: kéo hoàng gia xuống đường, nhập vào đám đông, sung sướng được chia sẻ nỗi đau, niềm vui của từng người, của mọi người, thay vì làm một ông bình vôi. Nhưng nàng đã thất bại. Hạt đậu nhỏ xíu đó, có thật, và nằm ở trong trái tim của nàng. Khi đi thăm một chỗ trú ẩn, cho những con người vô gia cư, nàng bị chỉ trích, "làm phiền" chính quyền Tory. Đi thăm bệnh nhân AIDS: Tỏ ra "dễ dãi", với sự "vô đạo đức". Đi thăm bệnh viện Phi châu: Đỏng đảnh. Một bệnh viện khác ở Pakistan: Bị bà thủ tướng Bhutto buộc tội, giúp đỡ thành phần đối lập. Nhưng "ghê gớm" nhất, là chuyến Diana viếng thăm Angola, hồi đầu năm, do Hội Hồng Thập Tự tổ chức, nhằm "lay động" lương tâm nhân loại, trước 70 ngàn nạn nhân của những trái mìn, tại đây. Diana đã đi qua bãi mìn, "trực tiếp" theo dõi những vụ gỡ, phá mìn... trong hy vọng loài người sẽ không chế tạo những đồ chơi nguy hiểm như thế nữa. Chính quyền Tory đã phát khùng vì những tấm hình này. "Đúng là một chuyện không tưởng." "Vấn đề quá lớn lao, so với bộ não của một con chim nhỏ bé". Diana đã không dấu diếm, sự mừng rỡ, khi chính quyền Labor đã hưởng ứng việc "dẹp" chế tạo mìn. Đây là một thành quả lớn lao. "Tôi hy vọng chúng ta sẽ thuyết phục Hoa Kỳ, trong cuộc họp tại Ottawa vào tháng Chạp năm nay." Mới đây, một viên tướng Mỹ cũng lên tiếng, đại khái, mìn, vốn mù, không phân biệt được nạn nhân của nó. Và mìn Mỹ giết lính Mỹ, nhiều hơn là giết địch quân!

 

"Báo chí thật là ác độc. Nó chẳng tha thứ cho ai. Nó bới lông tìm vết. Bất cứ một ý hướng nào cũng bị làm cho méo mó. Bất cứ cử động nào cũng bị chỉ trích. Ở bên ngoài tôi được đối xử khác, với sự ưu ái. Tôi được mọi người chấp nhận, như tôi là, không thiên kiến, không soi mói, chỉ chờ tôi hụt chân. Ở Anh, mọi chuyện khác hẳn. Tôi nghĩ, ở vào địa vị tôi, một con người bình thường, không trục trặc cái đầu, đã bỏ đi từ lâu. Nhưng tôi không thể. Tôi còn con của tôi. Và tôi phải nghĩ tới điều đó". Trong nhiều năm, Diana cảm thấy, nàng đã học được một điều, đó là "vờ đi", sự chỉ trích. "Trớ trêu là, chính nó đã đem đến cho tôi, một sức mạnh, mà tôi chưa từng nghĩ rằng, tôi có được. Nói như vậy, không có nghĩa là nó hết làm tôi đau đớn, thương tổn. Ngược lại. Nhưng nó quả đã đem đến cho tôi sức mạnh, để đi trọn con đường, mà tôi đã chọn lựa cho tôi... Ở đây, có vẻ chi đó của định mệnh: Tôi sẽ chạy tới bất cứ người nào, đang trong cơn tuyệt vọng, và người đó gọi tôi, cho dù người đó ở mãi đâu đâu."

 

Diana tuổi Sửu. Năm nay là năm tuổi của nàng. Tuổi con trâu vốn cực, và thường hay chọn "lầm" người. Trong Liêu Trai, của Bồ Tùng Linh, có chuyện một nhan sắc, làm nghề cầm ca. Nàng không chọn lầm người, nhưng lầm nơi. Một bữa, có một ông khách tới nghe nàng hát. Ông than: Ôi chao, nhan sắc này, tiếng hát này, uổng thật! Thế rồi ông dí nhẹ ngón tay lên trán người đẹp. Vết chàm, từ ngón tay cứ thế lan ra khắp mặt. Nhờ vậy, danh sĩ nghèo, người yêu của nàng mới có cơ hội kéo nàng ra khỏi chốn bùn lầy. Một bữa, người chồng tình cờ gặp ông khách. Ông hỏi thăm về người đẹp. Anh nói, có chồng rồi. Chồng ra sao. Cũng xoàng thôi. Xoàng cỡ nào. Cỡ tui. Ông khách cười xòa, đưa anh chồng một gói "mỹ phẩm", xoa tới đâu, nhan sắc xưa lộ ra tới đó. Ra lạy tạ, ông khách đã bỏ đi...

 

NQT