nqt      
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

VIẾT  NGẮN


Ai chỉ định anh là thi sĩ?


Thứ Sáu, ngày 8 tháng 3 năm 1996, vào lúc 5 giờ chiều, buổi tưởng niệm thi sĩ Joseph Brodsky (tháng Năm 24, 1940 - tháng Giêng 28, 1996), Nobel văn chương 1987, tại nhà thờ St. John the Divine, New York, có lẽ đã đúng như ý nguyện của ông. Thay vì cuộc sống vị kỷ, những người bạn của ông đã nhắc nhở nhau về những chu toàn, the achievements, ngôn ngữ - the language - của người quá cố:


Death will come and will find a body

whose silent peace will reflect death's approach

like any woman's face

(Chết sẽ tới và sẽ thấy một xác thân

mà sự bình an lặng lẽ sẽ phản chiếu cái chết tới gần

như gương mặt của một người đàn bà nào đó).



Tuy sống lưu vong gần như suốt đời, ông được coi là nhà thơ vĩ đại của cả nửa thế kỷ, và chỉ cầu mong ông sống thêm 4 năm nữa là "thế kỷ của chúng ta" có được sự tận cùng vẹn toàn. Ông rời Nga-xô đã hai chục năm, cái chết của ông khiến cho căn nhà Nga bây giờ mới thực sự trống rỗng.

Ông sang Mỹ, nhập tịch Mỹ, yêu nước Mỹ, làm thơ, viết khảo luận bằng tiếng Anh. Nhưng nước Nga là một xứ đáo để (Chắc đáo để cũng chẳng thua gì quê hương của mi...): Anh càng rẫy ra, nó càng bám chặt lấy anh cho tới hơi thở chót.


-Bao giờ ông về?.

-Có thể, tôi không biết. Có lẽ. Nhưng năm nay thì không. Tôi nên về. Tôi sẽ không về. Đâu có ai cần tôi ở đó.

-Đừng nói bậy, họ sẽ không để ông một mình đâu. Họ sẽ công kênh ông trên đường phố... tới tận Moscow... Tới Petersburg... Ông sẽ cưỡi ngựa trắng, nếu ông muốn.

-Đó là điều khiến tôi không muốn về. Tôi đâu cần ai ở đó.



Theo Tatyana Tolstaya, nhà văn nữ người Nga hiện đang giảng dạy môn văn chương Nga và viết văn, creative writing, tại Skidmore College, thoạt đầu, ông rất muốn về, ít nhất cũng như vậy. Ông đã từng nổi giận về những lời trách cứ. "Họ không cho phép tôi về dự đám tang ông già. Bà già chết không có tôi ở bên. Tôi hỏi xin nhưng họ từ chối". Cho dù vậy, lý do, theo Tolstaya, là ông không thể về. Ông sợ quá khứ, kỷ niệm, hồi nhớ, những ngôi mộ bị đào bới. Sợ sự yếu đuối của ông. Sợ hủy diệt những gì ông đã làm được, với quá khứ của ông, trong thi ca của ông. Ông sợ mất nó như Orpheus đã từng vĩnh viễn mất Eurydice, khi ngoái cổ nhìn lại.

Mỗi lần từ Nga trở về, hành trang của Tolstaya chật cứng những bản thảo của những thi sĩ, văn sĩ trẻ. "Cũng không nặng gì lắm đâu. Xin trao tận tay thi sĩ. Nói ông ta đọc. Tôi chỉ cần ông ta đọc". Ông đã đọc, đã nhớ và đã nói, thơ của họ tốt... Và ca ngợi điều may mắn. Và những nhà thơ trẻ của chúng ta đã hất hất cái đầu, ra vẻ: "Thực sự, chỉ có hai nhà thơ thứ thiệt tại Nga, Brodsky và chính tôi". Ông tạo nên một cảm tưởng giả, ông là một thứ ‘Bố già văn nghệ’. Nhưng chỉ một số ít ỏi thi sĩ trẻ đã từng nghe ông rên rỉ: Sau cái thứ này, tôi biết anh ta vẫn tiếp tục viết, nhưng làm sao anh ta tiếp tục sống!

Ông không tới với nước Nga, nhưng nước Nga đến với ông. Nhà thơ Nga kỳ cục không muốn bám rễ vào đất Nga.

Kỳ cục thật, bởi vì đã từ lâu, thế hệ lạc loài được Hemingway mô tả trong Mặt Trời Vẫn Mọc, The Sun Also Rises vẫn luôn luôn là một ám ảnh đối với những kẻ bị bứng ra khỏi đất. Nếu không trở nên điên điên, khùng khùng thì cũng bị thương tật, (bất lực như nhân vật chính trong Mặt Trời Vẫn Mọc), bị bệnh kín (La Mort dans l'Âme: Chết trong Tâm hồn), và chỉ là những kẻ thất bại. Đám Cộng sản trong nước chẳng vẫn thường dè bỉu một nền văn chương hải ngoại?

Nhưng Brodsky là một ngoại lệ. Nước Nga đã đến với ông. Thơ ông được xuất bản, đăng tải trên hầu hết các báo chí tại Nga. Trong một cuộc thăm dò dư luận tại đường phố Moscow: "Ông có mong ước, hy vọng gì liên quan đến cuộc bầu cử?", một người thợ mộc đã trả lời: "Tôi chỉ mong sống một cuộc đời riêng tư. Như Joseph Brodsky".


-Ai chỉ định anh là thi sĩ?

Đám Cộng sản Liên-xô đã từng hét vào mặt ông như vậy tại phiên tòa. Họ chẳng thèm để ý đến những tài liệu, giấy tờ chứng minh từng đồng kopech ông có được qua việc sáng tác, dịch thuật thi ca.

-Tôi nghĩ có lẽ ông Trời.

Được thôi. Và tù đầy, lưu vong.


Neither country nor churchyard will I choose

I'll come to Vasilevsky Island to die

(Xứ sở làm chi, phần mộ làm gì

Ta sẽ tới đảo kia để chết)




In the dark I won't find your deep blue facade

I'll fall on the asphalt between the crossed lines.

(Trong đêm tối thấy đâu, gương mặt em thăm thẳm xanh, xưa

Ta gục xuống nhựa đường đen, giữa những lằn đan chéo).



Những lằn đan chéo, the crossed lines, hay rõ hơn, bờ ranh Nga Mỹ phân biệt số phận hai mặt của một kẻ ăn đậu ở nhờ.


-Này thi sĩ, nếu ông muốn về không ngựa trắng mà cũng chẳng cần đám đông reo hò, ngưỡng mộ, tại sao ông không về theo kiểu giấu mặt?

-Giấu mặt?

Đột nhiên thi sĩ hết tức giận, và cũng bỏ lối nói chuyện khôi hài. Ông chăm chú nghe.

-Thì cứ dán lên một bộ râu, một hàng ria mép, đại khái như vậy. Cần nhất, đừng nói cho bất cứ một người nào. Và rồi ông sẽ dạo chơi giữa phố, giữa người, thảnh thơi và chẳng ai nhận ra ông. Nếu thích thú, ông có thể gọi điện thoại cho một người bạn từ một trạm công cộng, như thể ông từ Mỹ gọi về. Hoặc gõ cửa nhà bạn: "Tớ đây này, nhớ cậu quá!"

Giấu mặt, tuyệt vời thật!


****


Joseph Huỳnh Văn là một thi sĩ. Chúng tôi quen nhau những ngày làm Tập san Văn chương. Có Nguyễn Tử Lộc, [đã mất  vì bệnh tại Sài-gòn ít lâu sau 75], Phạm Hoán, Phạm Kiều Tùng, Nguyễn Đạt, Joseph Huỳnh Văn, Nguyễn Tường Giang... Huỳnh Văn là Thư ký Tòa soạn. Không có Phạm Kiều Tùng, tập san không có một ấn loát tuyệt hảo. Nguyễn Đông Ngạc khi còn sống vẫn tự hào về cuốn Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta (Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam) do anh xuất bản, Phạm Kiều Tùng, Phạm Hoán lo in ấn, trình bày. Bạn lấy đầu một cây kim chấm một đầu trang. Dấu chấm đó sẽ xuyên suốt mọi đầu trang thường của cuốn sách. Không có Nguyễn Tường Giang thì không đào đâu ra tiền và mối thiện cảm, độc giả, thân hữu quảng cáo dành cho tập san. Những bài khảo luận của Nguyễn Tử Lộc và sở học của anh chiết ra từ những dòng thác ngầm của nhân loại - dòng văn chương Anglo-Saxon - làm ngỡ ngàng đám chúng tôi, những đứa chỉ mê đọc sách Tây, một căn bệnh ấu trĩ nhằm tỏ sự khó chịu vì sự có mặt của những quân nhân Hoa-kỳ tại Miền Nam.

Huỳnh Văn với lối nói mi mi tau tau là chất keo mà một người Thư ký Tòa soạn cần để kết hợp anh em. Bây giờ nghĩ lại chính thơ anh mới là tinh thần Tập San Văn Chương. Đó là nơi xuất hiện Cầm Dương Xanh , những bài thơ đầu mà có lẽ cũng là cuối của anh. Bởi vì sau đó, anh không đăng thơ nữa, tuy chắc chắn vẫn làm thơ, hoặc tìm thấy thơ trên những vân gỗ, khi anh làm nghề thợ mộc, những ngày sau 75, thay cho nghề bán cháo phổi, những ngày trước đó.

"Mỗi thời đại, con người tự chọn mình khi đứng trước tha nhân, tình yêu, và cái chết." (Sartre, Situations). Trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, tha nhân là những người ở bên kia bờ địa ngục, và chiến tranh chỉ là một cuộc rong chơi. Nguyễn Đức Sơn tìm thấy Cửa Thiền ở một nơi khác, ở Đêm Nguyệt Động chẳng hạn. Thanh Tâm Tuyền muốn trút cơn đau của thơ vào thiên nhiên:

Mùa này gió biển thổi điên lên lục địa...

Còn Huỳnh Văn, có vẻ như anh chẳng màng chi đến cuộc chiến, hoặc cuộc chiến tránh né anh. Tinh thần mắt bão của thiên nhiên thời tiết, hay tinh thần mắt nghe, l'oeil qui écoute, của Maurice Blanchot?

Ôi khúc Cầm Dương sầu quí phái

Đàn ai xanh ngát Trời Tây Phương.

Thơ anh là một ngạc nhiên, hồi đó.

Và tôi vẫn còn ngạc nhiên, bây giờ, khi được tin anh mất. (1)


Khi liên tưởng đến câu thơ của một người bạn:

Hồn Đông Phương thất lạc buồn Phương Tây

(thơ TKA)

Tôi không biết có phải Trời Tây Phương của anh lấy từ ý thơ cổ:

Vọng Mỹ Nhân hề, thiên nhất phương

(Có thể mượn ý niệm "con người hoàn toàn" (l'homme total), hay giấc đại mộng của Marx, làm nhịp cầu liên tưởng, để thấy rằng những Mỹ Nhân, Đấng Quân Vương, Thánh Chúa... trong thi ca Đông Phương không hẳn chỉ là những giấc mộng điên cuồng của thi sĩ):

Vọng Mỹ nhân hề, thiên nhất phương

Vọng Mỹ nhân hề, vị lai


Đọc trong nước, có vẻ như Thơ đang trên đường đi tìm một Mỹ nhân cho cả ngôn ngữ lẫn cuộc đời.

Và Buồn Phương Tây, có thể từ ý thơ Quang Dũng:

Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương


(Tây Phương trong thơ Quang Dũng là Tây Phương Cực Lạc của một cõi Chùa Thầy, Sơn Tây, và cũng còn là vẻ đẹp của các cô thiếu nữ vùng này).

Hay Tây Phương là cõi lưu đầy của lũ chúng tôi mà Joseph Huỳnh Văn đã nhìn thấy từ bao năm trước:

Khuya nức nở những cõi lòng không ngủ

Đợi vì sao dậy sớm tiễn người đi.



-Tau đây này. Nhớ mi quá!


Nguyễn Quốc Trụ

(1) Joseph Huỳnh Văn Hiến mất ngày 20/2/1995 tại Sài Gòn.