Tôi có dịp được gặp ông một lần, một lần
duy nhất. Chả là nhà thơ Huy Cận ở Hà Nội có gởi tôi quà mang về cho
Bùi Giáng. Huy Cận có kể là Bùi Giáng rất yêu thơ Huy Cận. Nếu có ai đó
chê, nói không tốt về thơ Huy Cận là Bùi Giáng “choảng” ngay (Huy Cận
ra hiệu là đánh bằng tay!). Hồi đó, trước 1945, Bùi Giáng học Trường
Trung học tư thục Thuận Hóa, mà ở đó có cụ Cao Xuân Huy thầy tôi dạy.
Và Hoài Thanh, Lê Trí Viễn, Đào Duy Anh cũng dạy ở đấy. Đó là thời mà
thơ Huy Cận - Xuân Diệu… đang “hớp hồn” thanh niên thành thị. Nhưng kể
ra mê thơ Huy Cận đến thế thì có lẽ cũng chỉ có một Bùi Giáng!
Tôi tìm ông đưa quà, không khó. Có
chuyện trò với ông chừng mươi phút, ông rất tỉnh. Nhưng sau đó thì nổi
cơn…
Tôi có đọc thơ văn Bùi Giáng. Nhưng thật
tình là tôi không chú ý mấy. Mãi cho đến hôm nay thấy nêu cái tiêu đề
tọa đàm: “Nhà thơ thiên tài, nhà nghiên cứu uyên bác, dịch giả tài
hoa của nước ta nửa sau thế kỷ XX” (báo Thanh Niên 13-9-2013),
mới giật mình. Bèn đọc lại một lượt tác phẩm của ông. Và xin được nêu
tóm tắt mấy ý sau đây:
Có lẽ không ai không nhận rằng Bùi Giáng
là một hiện tượng đặc biệt. Đơn giản chỉ vì ông là một người có tài,
một người tài hoa, độc đáo… Và cũng đơn giản chỉ vì (tội nghiệp cho
ông) ông vừa bệnh tâm thần vừa sáng tác. Nên có những cái độc đáo,
nhưng cũng có những cái không bình thường.
Về đại thể, thơ của ông có một số bài
đặc sắc nhưng không toàn bích. Nó cũng không có ý tưởng, tư tưởng gì
lớn; cũng không có được sự vang dội của thời cuộc (của cuộc chiến tranh
chống Pháp và chống Mỹ của cả dân tộc và của cả đất nước mà ông sống –
khác xa với Trịnh Công Sơn chẳng hạn, chưa nói đến các nhà thơ yêu nước
khác). Ông quanh quẩn trong cái thế giới mộng mị, thực hư, thoát ly…
của mình. Tuy cũng có dính dáng ít nhiều với đời (làm sao khỏi) nhưng
thường là những câu thơ lặp lại, triền miên trong những ý tưởng của một
người thông minh, tài hoa nhưng bế tắc…
Tôi thích nhất hai câu thơ này của ông:
“Dạ thưa: xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Câu thơ mà một trí thức ở Sài Gòn cũ cho
là nó bình thường đến nỗi tưởng ai cũng làm được, nhưng phải đến khi
Bùi Giáng viết ra, thì nó vụt trở nên một câu thơ hay. Một câu thơ tưng
tửng, đùa vui, “trêu” Huế của một chàng trai xứ Quảng!
Còn nhiều những câu thơ hay như thế. Nó
nằm lẫn giữa những câu thơ không lấy gì làm xuất sắc khác, như những
hạt vàng giữa bụi.
Còn như câu:
“Bây giờ em để quần đâu
Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao?”
có một nhà thơ Sài Gòn cũ cho hai câu
thơ đó là “thần cú”. Cũng còn tùy!
Bài Em từ: “Em từ non nước viễn
khơi/ Trùng lai cố quận chịu chơi một lần/ Em từ tỷ lệ thanh tân/ Một
muôn ra một thành phần tương lai/ Em từ đọ mặt mốt mai/ Từ em
thánh nữ ra ngoài tiên nương/ Em đi nhảy vọt phi thường/ Tầm sương sái
diện đoạn trường chào em” thì có gì hay không các bạn?, tôi thấy
cũng thường.
Bài Chào em: “Chào em? có lẽ chẳng
nên/ Nói gì nữa cả? giữa đêm tối mò!/ Chào em tính mệnh so đo?/ Chào em
tính thể tò mò tuyết vân?/ (…) Anh từ thể dục dưỡng điên/ Thành thân
thơ mộng thiên nhiên một giờ”. Có gì hay không, “thiên tài” không?
Bài Chuyện chiêm bao: “… Lá cồn khe
khẽ nỗi buồn/ Trần gian tưởng niệm cỗi nguồn tương lai/ (…) Nhe răng
thánh thót càu nhàu:/ Anh đừng bóc lột mận đào hớ hênh/ Cằn nhằn từ
dưới tới trên/ Từ sau tới trước ghi tên tuổi vàng…” có gì chất
trào tiếu Hồ Xuân Hương, hay chất “hậu hiện đại” không?
Có những câu viết cố tình về tu từ:
“Nắng mưa dù thiệt dù thua
Thiệt thua thù thắng thượng thừa
thành thân”.
Rất nhiều câu như thế, dù sao, cũng
chẳng có gì hay lắm đâu!
Chuyện chiêm bao (3) là một
bài thơ Đường luật, 2 câu cuối tiếc là thất luật: “Đoạn trường từ
đó thành số dzách/ Ngao ngán bất ngờ ngọt một cây”, và cả bài tầm
thường.
Chuyện chiêm bao (13) có thể
xem là bài tiêu biểu cho thơ dở của Bùi Giáng. Xin trích toàn văn: “Rừng
đêm lá rụng liên miên/ Bên bờ suối ngọc nàng tiên một mình/
Nàng về từ cuối chân mây/ Giữa đêm nàng tắm suối này suối kia/
Nàng có mặc áo mặc quần/ Đây là rất mực giữa rừng/ Chẳng ma
nào thấy, nàng ngần ngại chi/ Cởi phăng quần áo ra đi/ Suối
rừng mát mẻ chờ nàng tắm cho/ Chẳng ma nào ngó thấy đâu!/
Ngại ngùng ngượng nghịu? Vì còn có tôi?/ Nhưng tôi đâu phải là ma?”.
Thơ lục bát mà gieo vận thất vận cả; mà ý tứ cũng “cà chớn” chứ có gì
đâu đáng để ý.
Còn câu này có lẽ cũng rất chi là “hiện
đại” – hậu hiện đại:
“Tha hồ tắm suốt sơn khê
Tự do tuyệt đối tê mê ở truồng”
cũng có thể có người cho là “xuất thần”.
Hay:
“Khe từ suối ngọc tuôn re
Khe thành khe suối rè rè ái ân”
cũng lạ, cũng có một chút gì Hồ Xuân
Hương, nhưng là “danh cú”, “thần cú” thì chẳng phải.
Đại khái là muốn tìm những câu (câu
thôi, chứ khó nói bài) thật hay của Bùi Giáng cũng không dễ.
Nếu chọn một bài hay, tôi có thể chọn
bài này: Trăm năm gởi lại: “Trăm năm còn một giờ này/ Một lần le
lói muôn ngày lang thang/ Đầu tiên lầm lỗi khôn hàn/ Cuối cùng ân hận
ngút ngàn non mây/ Trăm năm gửi lại chút này/ Về sau vĩnh viễn ngủ ngày
ngủ đêm/ Ngủ vùi chín suối mất tên/ Ngủ thiên thu vẫn nhớ em ở đời/ Ở
không tiếng, ở không lời/ Ở không hoài vọng muôn đời mảy may/ Ru em lần
cuối cùng này/ Bằng hơi mát của một ngày sắp qua…”(1) trong đó
nghe như vọng lại một tâm tình trong sáng, xao xuyến nữa, trước cuộc
đời.
Thơ Bùi Giáng là một hiện tượng ngôn ngữ
đặc hiệu. Ở đó trộn lẫn ngôn ngữ đời thường, bụi đời “số dzách”, “chịu
chơi” và ngôn ngữ Hán Việt bác học: miên trường, giang hà, cố quận… Ở
đó trộn lẫn cái tục và cái thanh, cái hướng nội
hướng ngoại, khắc khoải và cái đùa nghịch, phá phách… Đối với một người
như Bùi Giáng, thì mọi sự có gì phân biệt và có gì quan trọng đâu.
Một cái phần rất quý là những bài giảng
văn học (thời ông dạy trung học và còn tỉnh) về Kiều, về Phan Trần… Độc
đáo, phát hiện và đọc rất thích.
Nhưng những dịch phẩm của ông thì có cái
nhược điểm chết người, là ông dịch hơi tùy tiện, thích thì chen ý riêng
của mình vào. Đang nói về Heidegger thì ông chuyển sang nói về Monro…
Dịch không cho phép như thế. Dịch phải đặt sự chính xác, trung thành
lên trên hết. “Người dịch phải biến mình thành tấm kính trong, trong
đến mức dường như không thấy kính” (để chuyển đạt trung thành tác
phẩm). Bùi Giáng thì bất chấp. Ông có cần đâu sự chính xác. Ông thích
thế và không ai trách ông!
Đến như viết, nghiên cứu… thì ông cũng
chỉ là người truyền đạt, thông tin, tổng thuật… lại các sách vở mà
phương Tây người ta đã viết, thế thôi. Ở miền Nam, ở Sài Gòn khi đó thì
đây là chuyện “thời thượng”, của người đọc và của người biên soạn.
Bùi Giáng đọc rất nhiều, kim cổ đông
tây, và trong hoàn cảnh của ông, ông đã làm hết sức mình, hết sức của
một con người. Ta thấy không thể đòi hỏi ông điều gì.
Nhưng ta cũng không nên cực đoan, tấn
phong ông là “thiên tài”, “nhà dịch tài hoa”, nhà nghiên cứu uyên bác…
Thiên tài là rất hiếm, và ngoài những “chiêu” hình thức ngôn ngữ lạ,
độc đáo, nó còn phải bao gồm những tư tưởng lớn về xã hội, về con
người, nó phải có tính phổ quát về chiều sâu nhân thế, như Truyện
Kiều của Nguyễn Du. Bùi Giáng không có những phẩm chất ấy.
Tấn phong ông, đề cao ông lúc này là vì
những người yêu ông thôi, hay là vì cái gì?(2) Nhưng thiết tưởng ta nên
có mức độ. Không vì lẽ ta “đổi mới”, chuyển hệ lý luận từ mácxít sang
“hình thức” mà tôn vinh Bùi Giáng như một cái gì phi phàm. Nhất là ở
giảng đường đại học nghiêm cẩn, còn có sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ. Và
nhà trường ở đây là nhà trường Cách mạng, nhà trường dưới sự lãnh đạo
của Đảng (GS-TS Huỳnh Như Phương tự cho mình là một nhà phê bình
mácxít, và ông đã từng là Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Khoa học Xã hội
và Nhân văn TP.HCM), các vị khác cũng “khoa bảng đầy mình”...
***
Bây giờ phê bình văn học đang loạn
chuẩn. Vì lý do gì, ta sẽ bàn sau. Nhưng dù sao, ở đại học ta vẫn phải
chú ý giáo dục việc “làm người” cho sinh viên, thì những chuẩn mực của
văn hóa Hồ Chí Minh, của văn học kháng chiến - Cách mạng, của lòng yêu
nước, khí phách anh hùng xả thân vì Tổ quốc như những bậc cha anh thời
kháng chiến chống Pháp chống Mỹ phải được đề cao, và liền với đó là
những tư tưởng của chúng ta, sinh mệnh của chúng ta, lẽ sống của chúng
ta vẫn phải được chú ý.
Những hội thảo về thơ văn tranh đấu yêu
nước, về phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam, hội thảo về các đại
diện của thơ văn yêu nước - Cách mạng, trong đó có Hồ Chí Minh (mà vừa
qua kỷ niệm 70 năm Nhật ký trong tù 1943-2013…) cùng vô số
các chủ đề nóng hổi khác, phải được đặc biệt chú ý để bổ sung, để gây
chất men cho các giáo trình giảng dạy các môn cơ bản đó về sử, về văn…
Há những cuộc đấu tranh của sinh viên Sài Gòn trước cửa ĐH Văn khoa
(bây giờ là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn của quý vị), ĐH Nông Lâm…
không còn vang vọng gì trong tâm hồn những người đang sống? Tôi thường
đọc lại câu thơ Chế Lan Viên:
“Đánh giá anh không phải mắt xếch
nhà phê bình hay mắt xanh người đẹp
Đánh giá anh là những giọt máu im
lìm ngủ giữa Trường Sơn.
Im lìm thế mà lắng nghe mọi điều anh
viết
Xem sau khi máu đã đổ rồi, thơ có
cao hơn?”
Tình hình đất nước ngày nay rất khẩn
trương, những người có lòng với đất nước như quý vị ắt sẽ có nhiều suy
nghĩ để “hội thảo”, “tọa đàm”.
Với bài này, tôi chỉ muốn nói lên vài ý
riêng của mình về Bùi Giáng để trao đổi cùng các vị, mong rằng nó được
các vị và bạn đọc để mắt đến và rộng lượng bỏ qua cho những điều bắt
buộc phải nói thẳng.
Trung thu, 2013
----------
(1) Hai câu thơ cuối là của Nguyễn Đình
Toàn
(2) Gần đây, một số vị cũng đề cao thơ
Thanh Tâm Tuyền quá mức. Thơ không có gì hay đã đành, mà ông ta đâu
phải cách tân thơ Việt hiện đại đầu tiên (đầu tiên phải kể Trần Mai
Ninh, Nguyễn Đình Thi...). Thơ ông cũng như con người ông (vốn là một
sĩ quan quân đội Sài Gòn, làm báo Tiền Tuyến, báo quân đội)
là chống lại cuộc chiến đấu của dân tộc ta chống ngoại xâm, rất sâu độc
trắng trợn, có gì đáng đề cao?