Simone Weil
(1909-1943)
Martin
Steffens
Suy nghĩ về cuộc
đời của mình và sống với
suy nghĩ này. Đây sẽ là lý tưởng của một triết gia: rằng, không những
suy nghĩ,
nhưng cuộc đời của mình phản ảnh suy nghĩ của mình. Simone Weil còn đi
xa hơn
thế: bà đã sống trọn vẹn, sâu đậm, nguy hiểm và tư tưởng của bà là dấu
vết cuộc
phiêu lưu này. Không một quyển sách nào được in khi còn sống, không một
hệ
thống triết lý nào: chỉ toàn các hành động, các cú bốc đồng, các cuộc
đối đầu
bướng bỉnh, các cuộc gặp gỡ, tất cả mọi sự mà Simone Weil suy nghĩ, bà
có một
địa chấn kế ghi lại các rung động.
Điều đó không có
ý nói Simone Weil không
phải là một triết gia lớn: Suy Nghĩ Về
Các Nguyên Do Của Tự Do Và Áp Bức Xã Hội [Réflexions sur les causes de
la
liberté et de l’oppression sociale] hay Bám
Rễ [L’Enracinement] là những
quyển sách sáng chói của một khái niệm vững chắc. Từ những trải nghiệm
đó, chỉ
có một việc phải làm đến cùng: luôn luôn sát cánh với những người nghèo
nhất,
làm việc dây chuyền, tham dự vào chiến tranh ở Tây Ban Nha, lao động
như người
nông dân, nếm mùi bệnh tật và cuối cùng, bên cạnh các việc này là cuộc
gặp gỡ
âm thầm với Chúa Giêsu-Kitô của một người Do Thái vô thần, Simone Weil.
Trước khi đi vào
chi tiết các biến cố
này, một câu hỏi cần được đặt ra: làm sao một cuộc đời đầy hoạt động
như vậy
lại thai nghén một suy nghĩ sâu xa như vậy? Bởi vì người ta có thể sống
một
ngàn chuyện nhưng không giữ lại một chuyện nào. Hay sống bao nhiêu là
chuyện
nhưng không cách nào suy nghĩ, không có thì giờ cũng không có năng lực.
Nếu
Simone Weil đã biết nhận ra sự thật phổ quát qua các kinh nghiệm riêng
đặc biệt
của mình, là bởi bà có một khả năng phi thường, khả năng
chú ý.
Biến cố đánh dấu
đầu tiên đến trong đời
đã cho bà khả năng này. Simone Weil sinh ra trong một
gia đình trưởng giả, Do
Thái, phóng khoáng ở Paris.
André, người anh lớn hơn bà ba tuổi, khi còn nhỏ đã là thiên tài toán
học. Một
thiên tài được so sánh với Blaise Pascal. Về phần Simone Weil, khi 14
tuổi, bà
đã buồn không tả được, đã nghĩ đến cái chết. Không phải vì ghen với
anh: “Tôi không tiếc vì không có các thành công
bên ngoài, nhưng tôi không có một hy vọng nào thấm nhập được vào thế
giới siêu
việt mà duy chỉ các ông có tầm mức cao mới đi vào được, vào nơi ở của
sự thật.
Tôi thà chết chứ không thể sống mà không có sự thật này.”
Ước muốn biết
được sự thật dày xéo cô bé Simone. Quá tuyệt vọng, bà nghĩ sự thật chỉ
dành cho
thiên tài, nếu suốt đời sống mà không có sự thật thì đúng là sống ảo
tưởng và
dối trá. Và rồi ánh sáng đến, gần như một ân sủng: “Sau
nhiều tháng sống trong bóng tối nội tâm, bỗng tôi có niềm xác tín,
và tôi xác tín mãi mãi, rằng bất cứ một người nào dù cho khả năng tự
nhiên của
họ gần như không có gì, cũng có thể thấm nhập vào thế giới của sự thật
dành cho
thiên tài, nếu họ chỉ ước muốn có một điều duy nhất là sự thật và cố
gắng chú
tâm liên tục thì họ sẽ được.”
Chú tâm: đó là
phương pháp bà đi tìm và không ngừng áp dụng. Đó là sợi chỉ hướng dẫn
cuộc đời
bà. Bởi vì khi đã thành công tất cả – đậu tú tài, được nhận vào trường
Cao Đẳng
-, sự chú tâm của bà hướng về những người mà không ai chú ý đến, bởi vì
nỗi bất
hạnh của họ làm mọi người lánh họ. Từ 18 tuổi, bà đã tổ chức để những
người
thất nghiệp có được tiền trợ cấp, cùng với anh, bà dạy lớp tối cho thợ
thuyền.
Bà đến nơi đâu có nỗi lo của người đang lo, không bao giờ ở phía người
đang
vui: bà tổ chức cuộc gây quỹ cho những người thất nghiệp, ông hiệu
trưởng
trường Cao Đẳng đóng góp và yêu cầu để ẩn danh (ông không muốn bị cho
là cộng
sản), Simone Weil viết trên một bích chương treo trong sân trường: “Xin các bạn bắt chước ông hiệu trưởng:
ủng hộ quỹ thất nghiệp một cách ẩn danh.”
Khí chất phi
chính phủ như vậy, nên khi đậu xong thạc sĩ triết, bà phải về dạy ở
trường
trung học thành phố Puy. Không bị bực mình vì phải xa thủ đô, ngay lập
tức bà
liên lạc với thợ thuyền và công đoàn địa phương. Năm 1934, bà nghỉ một
năm không
lương để vào làm công việc tay chân theo hệ thống dây chuyền ở Alsthom,
rồi ở
nhà máy xe hơi Renault. Bà phản đối nghiệp đoàn chỉ biết lý thuyết
mác-xít mà
không hiểu thành phần thợ thuyền mà chính chủ nghĩa mác-xít muốn giải
phóng họ.
Thế là bà ở bên cạnh những người nghèo nhất, để suy nghĩ không phải cho họ hay ở địa vị họ mà với
họ và bắt đầu từ những gì họ sống.
Tầm kinh nghiệm
này mang một tích cách khác hơn là tính cách chính trị. Bởi vì những gì
Simone
Weil còn giữ lại trong lòng sau những ngày tháng sống với máy móc là
máy móc đã
áp đặt lên thể xác và tinh thần một nhịp điệu vô nhân, có nghĩa là bất hạnh. Bất hạnh, là cảm giác mình
không có giá trị gì, một cảm giác chết người, bị nghiền nát bởi một cơ
chế máy
móc mù quáng, không đoái nhìn một chút gì về nhân bản của từng người.
Vậy, theo
bà, cơ chế máy móc này hạ thấp con người xuống thành sự vật một cách dễ
dàng,
một cơ chế mà thỉnh thoảng bà gọi là “sự
trị vì của sức mạnh”, nó xảy ra khắp nơi, cả ở bên ngoài thế giới
của xưởng
thợ: chính nó làm cho mọi người, dù đôi khi được ngụy trang, khoái cai
trị,
muốn mình là tâm điểm, bành trướng quyền lực đến bất cứ đâu quyền lực
có thể
bành trướng được.
Bà chứng nghiệm
điều này một cách hãi hùng khi năm 1936, bà quyết định tham dự cùng với
những
người vô chính phủ để chống lại chế độ độc tài phăng-kít ở Tây Ban Nha:
nếu sự
chung sống là nét đầu tiên hết ở những người đồng lòng đấu tranh cho
một thế
giới công chính hơn, mục đích cuộc đấu tranh, đấu tranh cho người
nghèo, bị mất
một cách nhanh chóng: “một hố thẳm phân
cách những người vũ trang với dân chúng không vũ trang, một hố thẳm
phân cách
giống như hố thẳm giữa người giàu và người nghèo”, bà viết như thế
trong
một bức thư gởi cho văn sĩ Georges Bernanos. Bởi vì, theo bà nhận xét,
một khi
nắm trong tay quyền lực thì con người không thể nào không lợi dụng nó: “Những con người nhìn bên ngoài có vẻ can
đảm, trong một bữa ăn với bạn bè, đã cười đùa và kể chuyện họ giết rất
nhiều
linh mục hay người “phát-xít” – chữ dùng có nghĩa rất rộng ở đây.” Và
bà viết
thêm: “Tôi có cảm nhận khi các nhà cầm
quyền thế tục hay thiêng liêng đã đặt một hạng người nào đó không đáng
để sống,
thì chẳng có gì tự nhiên hơn là giết. Khi biết có thể giết mà không bị
lên án,
bị phạt, thì họ giết.”
Khuynh hướng
thống trị khi thống trị được, và vì lý do lôi cuốn một cách phổ quát
của nó,
Simone Weil gọi đó là trọng lực. Không cách nào tránh khỏi: giống như
khí hơi,
một khi thoát khỏi bình chứa là nó chiếm ngay lập tức khoảng không gian
trước
mặt nó, lan rộng chừng nào theo sức của nó, cũng như “mấy
con gà mái chạy đến mổ ngay con gà mái khác đang bị thương.”
Mọi sức mạnh, nhân bản hay tự nhiên, cá nhân hay tập thể đều có hệ quả
tối hậu
phát sinh từ đó ra từng giây phút. Để có thể rút ra khỏi từ trường này,
không
thống trị người khác khi mình có quyền thống trị: kềm lại cái khát
thống trị.
Nhưng, vì luật
của trọng lực là luật phổ quát, một kềm giữ như vậy là cả một phép lạ.
Trong
lãnh vực này, Simone Weil rất sáng suốt, bà biết đọc các hiệu quả của
trọng lực
trong chính cách ứng xử của bà: khi các cơn nhức đầu càng ngày càng
nhiều và
càng mạnh, bà cảm thấy mình có một nhu cầu muốn làm cho người khác đau
khổ. Bà
phân tích như sau: cái đau đớn tạo ra một khoảng trống nơi người bị
đau; đương
sự không còn cảm thấy mình là mình nữa; làm cho người khác khổ, là “lấp đầy cái trống không của mình bằng cách
tạo cái trống không nơi người khác”; đó là trải rộng ra cái quyền
của mình
trên người khác để xoa dịu cái bất lực của mình. Như vậy, đối với bà,
ân sủng
giúp mình chịu đựng được cái trống không do đau đớn gây ra và vì thế
không được
dùng đến sức mạnh. Nhưng, bà tự hỏi: “Làm
sao thoát được cái ách nặng như cái ách trọng lực này?”
Bà chỉ trả lời
được một phần câu hỏi này khi bà bị một cơn nhức đầu dữ dội vào năm
1938. Với
lo lắng là không được đem cái đau đớn của mình ra khỏi con người mình,
không
được để lời rên la thóa mạ của mình vấy bẩn người chung quanh, bà đọc
bài thơ
Yêu của George Herbert, một bài thơ người bạn vừa đưa cho bà. “mọi chú ý (…) là để hết tâm hồn vào sự trìu
mến nằm trọn trong đó.” Vì bà từ bỏ sức mạnh, nên bà bằng lòng với
cái
trống không, lúc đó bà khám phá ra việc đọc thơ có “đức tính của lời
cầu
nguyện”: “Chính trong khi đọc các lời thơ
này (…) mà Chúa Giêu Su Kitô đã đến với tôi và chiếm trọn tâm hồn tôi.”
Biến cố này bà không nói với ai,
ngoại trừ, cho đến cùng, bà mới nói cho cha Jean-Marie Perrin và ông
Joe
Bousquet, trong một bức thư bà gởi cho họ trước khi đi New York, trong
ý nghĩ
là sẽ không gặp lại họ nữa. Simone Weil đã cảm nhận, trong đức tin, cần
phải cực
kỳ kín đáo. Không có gì làm cho bà sợ khi rêu rao ồn ào cho tập thể, dù
đó là
đảng hay Giáo Hội. Bà do dự khi quyết định có nên rửa tội hay không, bà
chỉ ở
ngưỡng cửa Giáo Hội vì muốn giữ quan hệ này một cách tự do, tự do và
mật thiết
nối kết bà với Chúa. Đức tin của bà âm thầm và năng động, như men trong
bột.
Cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giêu Su
Kitô đã chia cuộc đời của bà ra làm hai: bà biết từ nay có một khả năng
có thể
loại được trọng lực mà bà gọi là ân sủng. Nhưng đó là một trường hợp
đặc biệt,
tình hình chính trị lúc đó khẳng định sự thống trị tàn nhẫn của sức
mạnh: sau
Hiệp Ước Versailles,
một hiệp ước nhục nhã và vô ích, từ nay Đức Quốc Xã trả thù và xâm
chiếm nước
Pháp. Vì nguồn gốc Do Thái của mình, Simone Weil buộc phải đi về phía Nam. Ở
đó, bà
xin làm việc như một nông dân ở nhà ông Gustave Thibon, một nông
dân-nhà văn. Ở
Marseille, bà viết cho báo Cahiers du Sud
của Jean Ballard và tiếp xúc với René Daumal, Lanza del Vasto, bà ham
mê học
hỏi ấn giáo. Bà học tiếng phạn để đọc Bhagavad-Gita nguyên bản, bà dấn
thân vào
thời cuộc: từ tháng tư 1941, bà lén lút phân phát tạp chí Chứng
Nhân Kitô dù bà biết việc phân phát này có thể nguy hiểm đến
tính mạng vì đây là tạp chí chống lại sự
hợp tác với Đức Quốc Xã.
Năm 1942, cha mẹ bà thuyết phục bà
rời nước Pháp. Bà qua New York, rồi hối hận vì đã bỏ nước Pháp đi trong
lúc bị
chiếm đóng, bà trở về Anh, trong hy vọng được các thành viên France
Libre gởi
ra mặt trận do tướng de Gaulle lãnh đạo. Vì sức khỏe quá kém, bà được
phân công
soạn thảo Hiến Pháp Nước Pháp để
chuẩn bị khi nước Pháp được giải phóng. Công việc này, bà dùng hết sức
lực cuối
cùng để làm, bà bị ho lao và từ chối ăn uống khi nghĩ đến giờ này người
dân
Pháp đang bị mất tự do, thời gian này bà thai nghén tác phẩm: Bám Rễ. Tựa đề phụ của quyển sách chưa
viết xong này nói lên chủ đích của nó: Bài
mở đầu cho bản tuyên ngôn các bổn phận đối với con người.
Bởi vì, theo Simone Weil, nguyên
thủy, con người không phải chỉ có quyền mà còn có bổn phận: nhận biết
nghĩa vụ
nguyên thủy của mình là phải gắn bó với người anh em, đó là thực chất
của con
người. Bà đã tìm sự sống nơi có sự sống, trong hành trình làm người và
chú tâm
đến người khác. Simone Weil chết vì kiệt sức ở Anh, ngày 24-08-1943. Bà
34
tuổi.