*

Tribute

























 

Ông Phạm Công Thiện

Nguyễn Văn Trung

“… nhiều khi nói cái gì không quan trọng bằng ai nói, ai nghe và chính quan hệ người viết, người đọc quyết định ý nghĩa điều nói viết ra …”

Tôi nhìn lại “Những chặng đường đã qua” trong tinh thần cố gắng nhận ra trách nhiệm về phân minh những gì tôi đã viết, đã làm là đúng hay sai, đã gây hiểu lầm, phiền lòng, xúc phạm đến người khác hay đến những niềm tin xác tín của họ bất kể là thế nào. Trong ý hướng đó, tôi cũng nhận ra trách nhiệm của mình về những gì tôi đã không làm, những vụ đáng lẽ phải làm vì trực tiếp liên hệ đến tôi và trong tầm tay, khả năng của tôi. Tôi xin nói một trường hợp thôi, trường hợp Phạm Công Thiện.

Sau đảo chánh 01/11/1963, ông Phạm Công Thiện xuất bản cuốn Hố thẳm tư tưởng, dành một chương phê phán luận án tiến sĩ của tôi với một thái độ khinh bỉ, trịch thượng, mạt sát thậm tệ. Cuốn sách bán chạy, dư luận bàn tán sôi nổi vụ “ông Phạm Công Thiện phê phán ông Nguyễn Văn Trung”, chờ đợi tôi lên tiếng đối đáp; nhưng cho đến nay tôi vẫn giữ im lặng, không có một lời nói công khai nào.

Thực ra ngay sau khi sách ông Thiện ra ít lâu, tôi có viết “Thư ngỏ gửi ông Phạm Công Thiện”, chỉ nhằm mục đích nhắc tác giả về sự thay đổi thái độ 180 độ của ông Phạm Công Thiện đối với tôi, trước và sau đảo chính, và yêu cầu ông Thiện giải thích sự thay đổi đó. Trong “Thư ngỏ” dài 12 trang này, tôi không đả động gì tới nội dung bài của ông Thiện, không có ý tranh luận hay thanh minh gì, mà chỉ đòi ông Thiện cho dư luận hiểu tại sao trước 63, qua các thư gửi cho tôi, ông Thiện đưa tôi lên tận mây xanh, ca tụng tôi không những là nhà triết gia số một về triết Tây phương mà cả triết Đông phương. Nhưng sau 75, ông dìm tôi xuống bùn đen và đạp cho tôi chết ngộp trong vũng bùn đen đó. Tuy nhiên trong thư ngỏ tôi cũng bày tỏ thái độ của tôi về tư cách người cầm bút sáng tác nói chung. Tôi chấp nhận và có thể hoan nghênh thái độ phản kháng, phủ nhận của người cầm bút đặc biệt như một thi sĩ, và vì đã tự coi mình là “thiên tài nhất không phải chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới” dĩ nhiên có quyền khinh chê, mạt sát mọi người.

Trong sách, ông Thiện đã phủ nhận tất cả các triết gia: “Ngay đến Heraclite, Parmenide và Empédocle, bây giờ tao còn xem thường, tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện đại, chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta”. Ông coi những nghệ sĩ như Goethe, Dante như những thằng hề ngu xuẩn. Ông muốn mửa màu đen trên những người làm văn nghệ ở Paris. Còn về J.P. Sartre và S. de Beauvoir, “nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ”... Về Thiền tông “Tao đã gửi Thiền tông vào một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới. Về dạy học, thời gian tao học ở Hoa kỳ, tao đã bỏ học vì tao thấy những trường Đại học mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ hơn là họ dạy tao... Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa. Tao chỉ dạy tao. Tao là học trò của tao và chỉ có tao làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không để ai làm thầy tao. Còn các Văn Sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lặp đi lặp lại vô ý thức hay có ý thức: trí thức “mười lăm xu”, ái quốc nhân đạo “ba mươi lăm xu”, triết lý tôn giáo “bốn mươi lăm xu””.

 

Nếu những đại triết gia, văn hào, thánh hiền còn bị ông coi là những tên ngu xuẩn, và tác phẩm của họ đáng vứt vào cầu tiêu thì tôi bị ông kết án là “tượng trưng cho sự nô lệ, nông cạn phá sản của giới trí thức Việt Nam hiện nay” có gì lạ. Trong thư ngỏ, tôi nói với ông Thiện tôi không hề cảm thấy bị xúc phạm về thái độ mạt sát khinh bỉ của ông, và hơn nữa chấp nhận thái độ phản kháng phủ nhận triệt để của ông với điều kiện: qua đời sống, ông cho thấy ông đã vươn tới một thái độ tâm linh siêu nhiên vượt khỏi mọi giới hạn ngôn từ, khen chê, xưng tụng hay chửi thề. Bày tỏ sự bất nhã, bất kính ngay cả với Phật Chúa chính vì để cho thấy khả năng phản bội của ngôn từ. Xưng tụng tôn thờ mà thực ra là xúc phạm, và nói lời phạm thượng, xúc phạm lại bày tỏ sự tôn kính thực sự.

Tôi thật thắc mắc đời sống cụ thể của ông Phạm Công Thiện không cho thấy tỏa ra một vẻ đạo hạnh nào của nguời tu trì thánh thiện. Ngược lại, tôi thấy ông đã có những lựa chọn trong đời sống cụ thể hoàn toàn trái ngược với những gì ông nói hay viết ra. Ông nói khinh bỉ nghề dạy học làm thầy người khác, nhưng lại vào tá túc tại Đại Học Vạn Hạnh, mặc áo cà sa mang pháp danh “Đại đức Thích Nguyên Tánh” khỏi phải đi lính như những người khác, cùng tuổi không bằng cấp. Tóm lại, tôi sẽ trọng ông nếu ông chửi đời, chửi người khác và sống lang thang như Bùi Giáng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) sau nhiều lần thi trượt dự bị văn khoa không phải vì anh kém mà chỉ vì anh không tuân theo những luật lệ của trường thi, nên anh sống lang thang làm thơ phẫn nộ, cấm sinh viên giáo sư văn khoa đọc tác phẩm của anh. Trong trang cuối cùng, tôi thấy ông ghi chú rằng “Hố thẳm tư tưởng” ra đời để đánh dấu ngày tôi chấm dứt mọi liên lạc tình cảm với Bùi Giáng và Nhất Hạnh. Không còn gì để nói nữa. Sự đoạn tuyệt này thật xác đáng, vì ông Phạm Công Thiện bây giờ không giống Nhất Hạnh, ở nơi vị thượng toạ này, con người thi sĩ không chửi vào mặt con người tu trì. Cũng không giống Bùi Giáng vẫn sống vất vưởng phù hợp với thái độ bây giờ qua thơ văn của mình. 

Tôi gửi thư ngỏ kèm những bức thư ông Phạm Công Thiện gửi cho tôi về tòa soạn báo Đại Học (Huế), nhờ Lê Ngộ Châu chuyển, thay vì tôi có thể đăng công khai. Mấy bữa sau, tôi và ông Thiện gặp nhau ở tòa báo Bách Khoa với sự chứng kiến của anh Lê Ngộ Châu. Trong bữa gặp gỡ đó, ông Thiện thú nhận với tôi đại ý như sau: Tôi viết bài phê bình anh để thỏa mãn những uất ức bất mãn của giới Phật giáo coi anh là tiêu biểu cho trí thức Việt Nam nói chung và trí thức Công giáo nói riêng. Tôi xin hứa với anh sẽ bỏ bài đó trong lần tái bản sách sắp tới. Ông Phạm Công Thiện đã giữ lời hứa. 

Đáng lẽ tôi phải đề nghị ông Phạm Công Thiện và chúng tôi đồng ý lên tiếng chung, một cách công khai, đăng trên báo về quyết định kể trên. Tôi đã không làm việc đó vì coi như mọi sự đã dàn xếp xong. Nhưng sau đó nhiều người trong giới cầm bút, nhất là trong giới Phật giáo vẫn trích dẫn, những phê phán đả kích của ông Phạm Công Thiện trong các bài viết của họ. Tôi cũng đọc qua cho biết nhưng không bận tâm nên cũng không liên lạc với ông Thiện yêu cầu làm việc lên tiếng chung.
 

Chỉ kể một vài người mượn ông Phạm Công Thiện để công kích tôi. Cung Tích Biền viết thế này: “Ông Nguyễn Văn Trung chỉ là một trí thức phá sản? Ông không có gì để phá sản. Ông chỉ là kẻ bịp và là một du đãng văn nghệ. Kẻ bịp kia như thế nào thì đã có ông Phạm Công Thiện làm cáo trạng từ lâu rồi.” (Tuần báo Khởi Hành số 150, 1972). Chu Tử, qua bút hiệu Kha Trấn Ác, viết “Người hùng Nguyễn Văn Trung” trong tuần báo Đời số 11 phát hành ngày 27 11 1969, nhắc lại tập san Sử Địa trích lời phê bình của ông Phạm Công Thiện đối với ông Nguyễn Văn Trung như sau: “Đối với tôi Nguyễn Văn Trung tượng trưng cho sự nông cạn, nô lệ, phá sản của giới trí thức Việt Nam hiện nay. Tên ấy gợi lên sự học vấn lừng khừng suy tư thiếu máu, cóp nhặt thiếu thông minh, kiêu ngạo, ngu xuẩn, lưu manh, nguy hiểm. Tôi đã tàn bạo khi viết những giòng trên. Phải tàn bạo. Không thể nhẹ nhàng, không thể cảm thông, trao đổi với hạng người trên...” Cái gì mà cay cú dữ dằn thế! Riêng Đầu Gối chỉ tiếp xúc với ông Trung có một lần, không hiểu rõ con người thực của Nguyễn Văn Trung ra sao, Đầu Gối chỉ có cảm nghĩ dưới đây về trường hợp Nguyễn Văn Trung… Ý của Chu Tử sau đó là tôi có thể là gì cũng được miễn là đừng làm tay sai nằm vùng cho cộng sản thế thôi...
 

Trong bài “Mười năm sinh hoạt văn hóa Phật giáo tại Việt Nam” (1963 - 1973) Trần Quang Phúc trong tạp chí Hải Triều Âm 1973: “Ngoài các hoạt động của báo Đại Học, những tác phẩm của Nguyễn Văn Trung gây chấn động cho giới Phật giáo thời đó nhiều nhất. Không kể những bài trong quyển Nhận Định, riêng quyển Biện chứng giải thoát trong Phật giáo của ông quả thực là một quả bom nổ, không khí rầm rộ không kém bài phê bình của ông Phạm Công Thiện về quyển La conception boudhique du Devenir sau này. Bạn tôi đi du học đã gần bảy năm mà nghĩ đến Phật giáo thời đó vẫn viết thơ về bắt tôi chạy tìm cho được quyển La conception boudhique du Devenir của Nguyễn Văn Trung, thì đủ biết tầm mức của nó gây ấn tượng sâu đậm như thế nào”… “Sau Ngày sinh của Rắn, Hố thẳm tư tưởng xuất hiện lại càng gây chấn động dữ vì bài phê bình Nguyễn Văn Trung. Một số Phật tử thỏa mãn, họ có ý nói là trả lại những lộng hành của Nguyễn Văn Trung đối với Phật giáo trước kia. Một số người khác chỉ đồng ý một nửa vì phê bình quá nặng tay.
 

Lần tái bản Hố thẳm tư tuởng sau này, Phạm Công Thiện tự ý bỏ bài phê bình đó. Sau gần 30 năm, nhìn lại vụ này trong “Những chặng đường đã qua”, tôi nhắc đến bữa gặp gỡ giữa chúng tôi, có mặt anh Lê Ngộ Châu, còn sống ở Sài gòn, để người đọc, nhất là trong giới Phật giáo, hiểu cho rằng không phải tự ý ông Phạm Công Thiện bỏ bài phê bình đó. Trong tinh thần tôn trọng tinh thần trung thực, tôi vẫn còn giữ nguyên những thư ông Thiện gửi cho tôi với tư cách chủ trương biên tập tạp chí Đại Học (Huế). Những thư này được lưu giữ trong hồ sơ của tạp chí, mục liên lạc với độc giả. Và người viết lịch sử văn học Việt Nam có thể tham khảo hồ sơ này còn được lưu trữ ở Thư viện Đại Học Huế. Nhưng mục đích chính nhắc tới vụ này là để kể lại lúc đó tôi đã nghĩ gì về “hiện tượng Phạm Công Thiện”, và bây giờ tự xét xem tôi có trách nhiệm gì về phần tôi đã để xảy ra hiện tượng Phạm Công Thiện.

 

Tôi nhớ rõ vì có ghi lại, hồi đó tôi đến gặp T.T. Thích Minh Châu, Viện Trưởng viện Đại học Vạn Hạnh để trình bày những thắc mắc của tôi liên quan đến bài viết của ông Phạm Công Thiện. Thượng Toạ cho biết chính Thượng Toạ là người đã đưa ông Thiện đang ở Paris làm beatnik, để tóc dài, cạo trọc đầu, khoác áo cà sa về Sài Gòn và cho ông dạy tại Vạn Hạnh. Thượng Toạ là người bao dung tỏ ra tôn trọng tuyệt đối tự do của người khác. Qua câu chuyện trao đổi, Thượng Toạ chỉ muốn tôi thông cảm với một hiện tượng như là “kết quả oan trái của thời cuộc loạn ly suốt hai mươi năm nay mà những thế hệ trẻ đã phải chịu đựng vì họ là nạn nhân”. Tôi cảm kích thái độ độ lượng của T.T. Viện trưởng và sẵn sàng thông cảm với hiện tượng Phạm Công Thiện mà dư luận giới cầm bút thời đó có người gọi là một quái thai, một đứa con hoang của văn học, và chịu đựng trong yên lặng.

 

Những người cầm bút lúc ấy, đặc biệt những người mang danh Phật giáo, không có được tinh thần của T.T. Viện trưởng, vẫn tiếp tục khai thác, lợi dụng bài phê bình của Phạm Công Thiện, bày tỏ một thái độ thỏa mãn hả hê, như ông Trần Quang Phúc đã cho biết. Còn thái độ im lặng của tôi thì được những người sử dụng bài của Phạm Công Thiện coi như một thú nhận tội lỗi không thể chối cãi của kẻ bị cáo. Cũng trong thời gian đó, tôi nhận được thư của anh Tạ Trọng Hiệp, người bạn thân từ Paris đưa tin về Phạm công Thiện:

“Đầu mùa hè năm ngoái, tôi có gặp Thiện hai lần ở nhà Ái, một lần ăn cơm chung với vợ chồng Ái, một lần gặp nhanh vì hôm đó anh ta mặc áo nhà sư tiếp phái viên của báo Pháp. Nói chuyện thì thấy anh ta chẳng điên tí nào cả, rất nhã nhặn và vui vẻ bình thường như mọi người cùng lớp tuổi với chúng mình. Nhưng đó, riêng đối xử với tôi thì có lẽ vì tôi hoạt động ở một địa hạt không ăn vào cái mà Thiện nhận là địa hạt của Thiện, nên chẳng có gì đụng chạm. Gặp nhau cũng đã lâu rồi, tôi không nhớ là đã nói với nhau những gì, nhưng đến một lúc tôi lái câu chuyện qua văn học và sinh hoạt trí thức ở Sàigòn, kể nhẹ đến tên Trung thì thấy ngay anh ta đổ quạu. Có thể hiểu thái độ của Thiện cũng như thái độ của Bùi Giáng.. một phần là do sự ghen trí thức chăng? Một khi mình sẵn có vocation làm anh cả (Maitre à penser) tưởng dễ thành công (vì trong tình trạng mù lòa của cái ao Việt Nam, một anh chột mắt cũng dễ thành công, thành danh không khó nhọc lắm), lại gặp phải một chướng ngại trí thức như Trung, có tài lý luận còn hơn anh ta nhiều, học vấn lại có căn để trong đại học chứ không phải là thứ chắp vá autodidacte, thì còn gì đáng ức cho bằng? Cho nên cũng giận lây cái đại học chính qui mà mình không lọt vào được và rất hoan nghênh cái đại học khác đã mở cửa cho mình vào, có gì là lạ? Lại có thêm yếu tố chính trị xen vào làm rối thêm bầu khí! Trung là trí thức nhưng Công giáo, vậy muốn hạ Trung cũng cần dựa vào lực lượng nào khác đang có sức chống lại khối Công giáo.

 

Tôi nghĩ rằng đây cũng là một con đẻ điển hình của cái ao tù luộm thuộm Việt Nam; thời thế là vậy hẳn phải tạo ra những anh hùng như vậy. Trong xã hội ở cấp rất cao thiếu gì những anh lưu manh như vậy”.

Lối nhìn người của anh Hiệp, về nội dung cũng không khác lối nhìn của T.T. Thích Minh Châu, vì sự ghen ghét bực bội cá nhân cũng bắt nguồn từ tình trạng loạn ly trong đó có những người được may mắn ăn học và những người không có cái may mắn đó. Duy có điều từ nhận xét khách quan của người ngoài đời, không thấy toát ra lòng bao dung độ lượng của người tu trì. Tuy nhiên thư của anh Hiệp cho tôi cảm nhận thêm phải thông cảm hơn số phận của những người cùng thời không được may mắn, mà nguyên nhân may hay không may đều do thời cuộc loạn ly.

 Ý nghĩ của tôi từ đó đến nay dừng lại ở điểm đổ lỗi cho thời cuộc mà không tự hỏi trong trường hợp cụ thể: Phạm Công Thiện có liên hệ với tôi, tôi có trách nhiệm gì gây ra việc ông thay đổi thái độ trở thành người phản kháng chửi tôi, chửi đời, chửi người thực tình và dữ dội như vậy. Bây giờ đọc lại bài phê bình của ông Thiện, những bức thư ông gửi cho tôi, tôi mới nhận ra, quả thực, tôi có trách nhiệm nào đó. Các thư ông viết cho thấy rõ ông mong mỏi có chỗ đứng trong giới nghiên cứu giảng dạy đại học, mà tôi lúc đó hoàn toàn có khả năng đáp lại mong muốn chính đáng của ông. Chẳng hạn đăng bài biên khảo trên tạp chí Đại Học, ra sách ông viết trong nhà xuất bản Đại học, mời ông làm giảng viên Đại học Huế, diễn thuyết ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trong khuôn khổ lịch trình sinh hoạt văn hóa Đại học Huế, và sau cùng vận động cho ông đi du học, không phải vì ông là người Công giáo như tôi đã làm cho vài người khác. Tóm lại ông đã gõ cửa tôi, có lẽ sau khi đã thử gõ nhiều nơi khác, nhưng tôi đã không mở cửa cho ông, và vì thế tôi đã đẩy ông vào tình trạng thất vọng, bất mãn.

 Ông Phạm Công Thiện hiện còn sống ở Úc. Nếu quả thực ông đã thất vọng vì cách đối xử của tôi hồi đó, thì tôi nhìn nhận có trách nhiệm về phần tôi và xin lỗi ông. Nói cho rõ hơn, ông Thiện oán giận bất mãn, những trí thức nói chung, thuộc giới đại học và trí thức Công giáo nói riêng, cụ thể như Nguyễn Văn Trung, Lê Thanh Minh Châu, Cao Văn Luận, là những người đồng đạo cùa ông ở Đại học Huế đã không tạo điểm tựa cho ông tiến thân. Sau 1963, trong tình hình mới, ông mượn danh nghĩa Phật giáo để bày tỏ công khai nỗi niềm bất mãn của ông, một người Công giáo, nhưng ông đã không cho dư luận biết như đã cho tôi biết. Tuy nhiên ông đã bày tỏ một cách quyết liệt, tàn nhẫn những bất mãn, uất ức cùa những người mang danh Phật giáo có cùng một tình cảnh tâm trạng với ông. Những bất mãn, uất ức này lần lần được bộc lộ qua Đại hội văn hóa Phật giáo sau 10 năm đảo chính 1/11/1963, và sau 1975 được nhắc lại trong các sách báo mang danh Phật giáo hải ngoại (đặc biệt ở Hoa Kỳ). Trong các tài liệu in ronéo tường thuật Đại hội văn hoá Phật giáo, người đọc qua các phê phán tố cáo của những ông Lê Văn Siêu, Thạch Trung Giả, thấy nổi bật một khẳng định là có chèn ép khống chế Phật giáo trong văn hóa giáo dục, xuất phát từ những âm mưu, ý đồ đen tối nằm trong một hệ thống, có chương trình kế hoạch, có người điều khiển như Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Văn Trung, là những người Công giáo. Còn Nguyễn Nam Châu thì chỉ viết bài cho báo Đại Học rồi đi du học, chưa bao giờ giảng dạy ở bất cứ đại học nào.

 
Dẫn chứng cụ thể được mang ra đả kích là cuốn Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, trong chương trình giảng dạy tại Đại học văn khoa Sài Gòn, mặc dầu tác phẩm phê phán Phật giáo của nhà nho này do giáo sư Lê Ngọc Trụ vẫn giảng dạy từ nhiều năm tại Đại học, trước khi Thanh Lãng làm trưởng ban Việt văn. Những người am hiểu lề lối giảng dạy đại học đều biết chương trình giảng dạy thường do chính giáo sư phụ trách đề ra và được ban khoa thông qua mà thôi). Cụ Lê ngọc Trụ không phải người Công giáo, nhưng về cuối đời trước khi mất, sau 1975, đã theo đạo này một cách âm thầm kín đáo. Như vậy, Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh không thể dùng giảng dạy ở một Đại học mang danh Phật giáo và nếu những người mang danh Phật giáo như Thạch Trung Giả, Lê Văn Siêu có chân trong ban giảng huấn, điều hành ở đại học công như Đại học Văn khoa, chắc chắn cũng loại bỏ Nguyễn Cư Trinh và những tác giả khác như Nguyễn Đình Chiểu với tác phẩm đả kích Phật giáo như Dương Từ Hà Mậu.
 

Tôi có thể nói gì ở tư thế một người bị cáo oan như vậy? Đành phải im lặng thôi. Tuy nhiên, tôi chịu đựng im lặng không phải trong tâm trạng bực tức, oán hận; trái lại, với thái độ không những thông cảm mà còn đau xót, chia sẻ nỗi niềm tủi nhục mà ông Trần Quang Phúc đã biểu lộ trước “không khí ảm đạm”, “tình cảnh bi đát” của Phật giáo vắng bóng trong các sinh hoạt văn hoá giáo dục trước 1963. Sở dĩ tôi có thể thông cảm, chia sẻ vì tôi hiểu được vấn đề, mà tiếng Pháp gọi là le fond de problème (căn bản của vấn đề). Đó là tình trạng chậm tiến của Phật giáo trong khuôn khổ thế giới hiện đại. Bây giờ người ta thay thế từ ngữ “chậm tiến” để gọi là “đang phát triển”, tránh va chạm tự ái. Nhìn trong viễn tượng đang phát triển, việc so sánh được đánh mốc bằng khái niệm trước sau, chậm hơn, nhanh hơn mà nguyên nhân hoặc do yếu tố khách quan của hoàn cảnh hay yếu tố chủ quan nội bộ quyết định.

 Ở đây về mặt tôn giáo, có thể so sánh tình trạng phát triển sớm hơn hay muộn hơn của Phật giáo so với Công giáo, của Cao Đài Hòa Hảo so với Phật giáo trong một thời điểm nhất định, hoặc so sánh tình hình nội bộ của một tôn giáo với nhau chẳng hạn so sánh Công giáo miền Nam với Công giáo miền Bắc, so sánh Phật giáo miền Nam với Phật giáo miền Bắc, như những người ở miền Nam đã cảm nhận sau 1975. Công giáo miền Nam đã so sánh tình trạng gọi là Tiền Công đồng Vatican II của Công giáo miền Bắc với tình trạng gọi là Hậu Công đồng của Công giáo miền Nam, chênh lệch đến nỗi một giám mục miền Nam đã nhận xét một cách đau xót một nữ tu miền Nam có trình độ nhận thức nói chung và nhận thức thần học hơn một giám mục miền Bắc. Còn về Phật giáo, đọc bài luận về Thống nhất Phật giáo của ông Đỗ Trung Hiếu, có nhiều chỗ so sánh đáng chú ý: “… hầu hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đến thăm đều rêu phong tàn tạ, các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một bái các cụ, hai bái các cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc. Phật tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực hằn sâu trong mắt họ. Những nét u uất thâm nghiêm nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy hại chứ không phải sự thành công của tôn giáo vận. Cán bộ tôn giáo vận ở trung ương và các tỉnh miền Bắc văn hóa thấp kém, chính trị non nớt, nghiệp vụ chuyên môn giáo điều cũ kỹ và tổ chức bộ máy tôn giáo vận xộc xệch quê mùa. Như vậy làm sao đối ứng nổi với bộ máy hiện đại của các tôn giáo ở miền Nam. Cho nên rốt cuộc chỉ áp dụng “chuyên chính về vô sản”.
 

Trọng tâm thống nhất Phật giáo Việt Nam là miền Nam Việt Nam mà trọng điểm là thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức Phật giáo cần quan tâm là GHPGVNTN, vì đây là tổ chức Phật giáo lớn nhất, tăng ni có trình độ, lực lượng Phật tử có tổ chức đông đảo và có uy tín quốc tế.

“…cụ thể, các đồng chí cứ kiểm tra, ngay tại chùa Quán Sứ, các nhà sư răm rắp nghe và làm theo ban tôn giáo chính phủ chỉ đạo. Nhưng khi họ đóng cửa lại, họ đọc sách gì? Có phải là Lục tổ Huệ Năng và bộ Tâm Ảnh Lục của T.T. Trí Quang, Đạo Phật hiện đại hoá, Đạo Phật ngày nay của T.T. Nhất Hạnh. Chắc có người sẽ bảo họ đọc vì tò mò, vì hiếu kỳ. Không. Tôi biết rõ họ đọc với sự say sưa, với cả tấm lòng, vì chính sự thu hút của tác phẩm đó, và vì bao nhiêu năm họ bị bưng bít không có sách gì để đọc”.

 
Về Công giáo, trước Thế chiến II, đã có một số thanh niên, chủng sinh du học Âu châu, Pháp. Sau 45, họ trở về nước, trong đó có những người được biết đến nhiều, như linh mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Đại học Huế, Nguyễn Văn Lập, Viện Trưởng Đại học Đà Lạt, Lê văn Lý (trưởng ban ngôn ngữ Đại học Văn khoa Sài Gòn). Từ 1945 đến 1950, nhiều đợt thanh niên, chủng sinh từ miền Bắc được gửi đi du học ở Âu châu và Hoa kỳ. Năm 1954, do tình hình chia cách lúc đó, chỉ có hai người về Bắc theo đề nghị của Giám mục Hà Nội, còn lần lượt trở vô Nam và hầu hết định cư tại vùng Sàigòn Gia Định. Bỗng nhiên vùng này có một đội ngũ trí thức linh mục dòng triều, giáo dân đông đảo có bằng cấp đại học đạo đời. Họ dạy ở các học viện của dòng hay tại chủng viện, hoặc có mặt ở các đại học công, viện chuyên môn vì những nơi đó cần người chuyên môn, tốt nghiệp đại học ngoại quốc. Không phải chỉ về tôn giáo, triết học, khoa học xã hội như Lê Tôn Nghiêm có luận án tiến sĩ về đạo Lão, Trần Thái Đỉnh về đạo Phật, Hoành Sĩ Quí về Ấn độ giáo (nguyên ban triết ở Đại học Văn khoa Sài Gòn có lúc có đến 9 ông tiến sĩ triết học). Về môn Ngữ học, có ba người: Lê Văn Lý, Nguyễn Hưng, Phạm Hữu Lai, mà cả về Khoa học Tự nhiên như Hoàng Quốc Trương, Ph.D về Sinh vật ở Hoa kỳ dạy Đại học Khoa học, hay Linh mục Quí tốt nghiệp Hoa kỳ chuyên gia ở viện Pasteur...

 
Một số đáng kể người Công giáo (linh mục, giáo dân) ở trong các trường, cơ sở công lập có thể làm cho người ngoài có cảm tưởng về một chính sách kỳ thị, ưu đãi của chính phủ mang danh Công giáo, đặc biệt thời ông Diệm. Họ có mặt ở các trường đại học công vì nhu cầu và được mời. Ngay cả sau 75, có chỉ thị của thủ tướng không nhận các tu sĩ (Công giáo, Phật giáo) làm việc ở các đại học công, Đại học Khoa học Sài Gòn vẫn giữ linh mục Hoàng Quốc Trương ở lại trường cho đến khi ông về hưu. Ảnh hưởng của các giáo sư Công giáo, nếu có không phải do dựa vào thế lực tôn giáo, mà chỉ vì khả năng chuyên môn, nhất là vì tư cách trí thức của họ mà thôi. Dư luận sinh viên rất bén nhạy về những độc quyền, kỳ thị. Quả thực đã có những biểu lộ phàn nàn, phản đối ở ngoài đại học, nhưng theo chỗ tôi biết tuyệt nhiên không có đổi với các người Công giáo làm việc ở các đại học công. Sự thực lại có dư luận hẹp hòi trong dư luận Công giáo phiền trách thái độ phê phán của các giáo sư Công giáo và nhiều người bị cấm dạy ở các đại học công như Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm bị Tổng Giám mục Ngô Đình Thục không cho dạy ở Đại học Huế. Còn về tổ chức, Đại học Đà Lạt chỉ mang danh nghĩa Công giáo, nội dung chuyên môn giảng dạy, ban giảng huấn đều y hệt đại học công, gồm các giáo sư đại học công, bất kể họ thuộc tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào. Có đoàn sinh viên Công giáo và cả đoàn sinh viên Phật tử. Đặc biệt thời linh mục Nguyễn Văn Lập làm Viện Trưởng, trường giúp đỡ đoàn sinh viên Phật tử kể cả những hoạt động tranh đấu của họ. Đại học Đà Lạt không phải chỉ cởi mở đối với Phật giáo mà cả với miền Bắc. Theo giáo sư Phó Bá Long, Khoa Trưởng Cao học Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, một giáo sư người Mỹ giảng về di chúc Hồ Chí Minh. Đài Hà nội loan tin có một đại học ở miền Nam giảng về di chúc Bác Hồ. Ông Đỗ Bá Khê, Thứ Trưởng Bộ Giáo dục mời ông Phó Bá Long cho biết nội vụ và được giải thích đây là tinh thần tự do của tự trị đại học mà thôi.

 

Ngoài ra, ngay từ hồi 1955, các tiểu chủng viện đều dạy theo chương trình trung học công lập hoặc ở chủng viện hoặc ra học trường trung học ngoài đời lấy Tú tài. Sau đó một số được cho tiếp tục học đại học.

 

Đối với Phật giáo, quả thực có sự vắng mặt những nhà sư, trí thức Phật tử tốt nghiệp đại học, du học về. Ở các trường đại học, thời đệ nhất Cộng hòa, các Bộ Trưởng Giáo Dục, Viện Trưởng, Khoa Trưởng thời kỳ này thường không theo đạo nào và cũng như những giáo sư người Công giáo, tất cả hầu hết đều xuất thân từ đại học Pháp, chịu ảnh hưởng tâm tình tự do, đời, chống giáo sĩ trị (libérale, laique, anticléricale) nên không thể có thái độ ưu đãi kỳ thị về tuyển chọn nhân viên giảng huấn. Nếu tôi nhớ không lầm, phải đến sau 1963 mới có mấy Thượng toạ Đại đức đi du học ở Nhật, Ấn độ về, và chỉ chuyên về Phật học. Giả sử hồi 1956-1957, các Thượng toạ Minh Châu, Nhất Hạnh đã về nước, thì có thể đã được ông Cẩn đề nghị làm Viện Trưởng Đại Học Huế. Dưới mắt gia đình họ Ngô, việc thành lập Đại Học Huế mang một ý nghĩa chính trị: củng cố, giữ vững Huế như một tiền đồn của miền Nam có nhiều người theo đạo Phật. Vậy tiến cử những vị trí thức Phật tử tu sĩ gốc miền Trung vào vai trò lãnh đạo đại học là điều hợp tình hợp lý. Còn nếu có dư luận cho mấy nhà sư này là thiên cộng hay cộng sản thì lại càng đáp ứng đường lối gọi là chuyển hướng những người kháng chiến cũ của ông Nhu ông Cẩn. Không có ông sư phải dùng ông cha, và ai nấy đều biết linh mục Cao Văn Luận cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp kể trên, không thể thiên vị, kỳ thị.

 

Chả nhẽ trách Bảo Đại và các chính phủ của ông ta vì dụ số 10 không lo gửi người theo đạo Phật đi du học? Tôi nghĩ chế độ ông Diệm có trách nhiệm phần nào đã không lưu tâm vấn đề đào tạo giới trí thức Phật tử trong chính sách đối với Phật giáo của chính phủ vì chỉ chuyên chú vào vụ giúp đỡ tiền bạc, tu sửa, xây cất chùa chiền. Ông Nhu đã thấy vấn đề hồi xảy ra vụ khủng hoảng Phật giáo (1963), chính phủ ông Diệm đã đề nghị Liên Hiệp Quốc gửi phái đoàn sang điều tra (xem Vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, bản báo cáo của phái đoàn Liên Hiệp Quốc điều tra về vụ đàn áp Phật giáo 1963, cư sĩ Võ Đình Cường dịch. Hương Khánh xuất bản, 1964).

Trong cuộc hội kiến với trưởng phái đoàn, ông Ngô Đình Nhu đã đưa người đối thoại với mình vượt khỏi những sự kiện cụ thể đang diễn ra, đi vào một lối nhìn xa trông rộng về tôn giáo như một lãnh đạo đảng cộng sản đã nhận xét về phương diện chính trị, quân sự. Đó là một lối nhìn xã hội học về tôn giáo. Theo ông Nhu, căn bản là vấn đề chậm tiến của các quốc gia được độc lập như Việt Nam và có những đòi hỏi về phát triển các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo và “Phật giáo chỉ là một khía cạnh của vấn đề chung kể trên”. 

Phong trào Phật giáo phát triển mạnh nhưng cán bộ lại không đủ, do đó có những sai lệch không thể tránh khỏi được. Bản thân đạo Phật ở Việt Nam có những sắc thái riêng, chẳng hạn tinh thần tự trị của chùa chiền ẩn sâu trong dân chúng. Mỗi ngôi chùa là một giáo đường riêng biệt do một vị trụ trì và đạo hữu tạo thành một cộng đồng độc lập. Phật giáo mang màu sắc cá nhân đậm nét vì đòi hỏi con đường tu trì chủ yếu là việc riêng của mỗi người, nên nhu cầu tập họp thống nhất, đương nhiên gặp khó khăn. Đạo Phật lại chủ trương bất bạo động, vậy làm thế nào để thực hiện đòi hỏi tranh đấu chống thực dân, bất công xã hội khó tránh không dùng bạo lực? Phật giáo gặp những khó khăn riêng biệt, cần tập họp, tổ chức thành phong trào, lực lượng chính trị để phát triển. Nhưng trở thành một lực lượng chính trị lại có nguy cơ không còn là Phật giáo. Phật giáo gặp khó khăn nội bộ lại thấy những tôn giáo khác phát triển mạnh hơn, dễ đưa đến suy luận Phật giáo bị kỳ thị đàn áp... 

Cuối buổi hội kiến, ông Nhu thú nhận “có rất nhiều thiện cảm với Phật giáo. Những kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu là kỷ niệm Phật giáo”. Về tình cảm thì như thế, về chính trị ông đã ý thức được nguy cơ bất ổn của phong trào Phật giáo, dễ bị Đông Tây lợi dụng. Có lẽ ông hiểu Đông là Cộng sản và Tây là Tây phương vì thiếu cán bộ có tài đức thực sự. Có thể chất vấn ông Nhu, tại sao trong thời gian cầm quyền, ông không lưu tâm đến việc góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ Phật giáo có tài đức? 

Sau 1963, người Mỹ đã tỏ ra đặc biệt lưu tâm đến nhu cầu đào tạo giới trí thức Phật giáo có trình độ đại học để lãnh đạo các mặt đạo đời. Trong một báo cáo 10 trang của một phụ tá đại diện Asia Foundation, ông Frank E. Dines ở Sài Gòn gửi giám đốc phân bộ Đông Nam Á của hội này về “chương trình Phật giáo ở Việt Nam”, cho thấy “Phật giáo đã đảm nhận một vai trò xã hội chính trị có thể biến Phật giáo thành một lực lượng có ưu thế trong xả hội trong vòng một vài năm”. Trong khung cảnh đó, đại học Vạn Hạnh “có tính chất quan trọng sinh tử vì mục đích của nó là huấn luyện giới lãnh đạo tương lai của Phật giáo. 

“Tất cả các dự án về Phật giáo của quĩ Tài trợ cuối cùng đều hướng tới hai mục đích rành mạch: 1 huấn luyện một giới lãnh đạo có học thức, đặc biệt chú trọng những chương trình như cấp học bổng qua Hoa kỳ, việc này cho phép quĩ Tài trợ có thể điều hòa được kinh nghiệm với môi trường chung quanh và 2 khuyến khích sự phát triển các công tác xã hội, hoạt động xã hội của Phật giáo theo những đường hướng vững chắc về chuyên môn. 

“Theo quan điểm của quĩ Tài trợ thì sự quan tâm mới đây của giới tăng lữ với giáo dục và việc họ sẵn sàng giao cho quĩ Tài trợ những tăng ni trẻ tuổi khá nhất của họ để huấn luyện ở nước ngoài là một cơ hội tuyệt vời để giúp khuôn nắn giới lãnh đạo tương lai. 

“Cả giới Phật giáo lẫn quĩ Tài trợ đều đã tiến chậm trong việc triển khai một chương trình học bổng du học nước ngoài vì những lý do khác nhau.. 

“Mối quan tâm chính yếu của chúng ta là ở tiềm năng giới lãnh đạo. Chúng ta đã nhấn mạnh vào những ngành học không có tính cách tôn giáo ở Hoa kỳ vì đây là cách chắc chắn nhất để có được các ứng viên đã tốt nghiệp đại học, có thể được đào tạo trong vòng hai ba năm. 

“Trong số 20 000 tăng ni ở Việt Nam, chưa đầy 20 người học ở nước ngoài (kể cả 12 người đang du học trong đó có 4 người ở Hoa kỳ) và không hơn 30 người đậu cấp bằng cử nhân ở Việt Nam...
 

“Chúng ta biết rằng những tăng ni này được nhắm cho những vị trí lãnh đạo. Công cuộc huấn luyện và kinh nghiệm của họ ở Hoa kỳ, tới một mức nào đó, sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến các mô hình những người lãnh đạo mà họ sẽ trở thành. Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn họ sẽ trở về những vị trí quan trọng ở Viện Hóa Đạo, Đại học Vạn Hạnh và nhiều chùa khác nhau. Họ sẽ trở thành những người diễn giả chính yếu của Hoa kỳ và chính sách của Hoa kỳ cho Phật giáo”.
 

Sau 1975, do việc ra đi đông đảo của người Việt định cư ở các nước ngoài, đặc biệt ở Hoa Kỳ đã có nhiều người trẻ tuổi gốc Phật giáo được đào tạo không những về Phật giáo mà cả về các khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và 20 năm sau, 1994-1995, tôi sang Mỹ, được tiếp xúc với khoảng gần 20 trí thức Phật giáo tại nhà một luật sư ở San José. Họ đề nghị tôi nói chuyện và trao đổi thân tình. Tôi cảm thấy hãnh diện về giới trí thức trẻ Phật giáo này. Qua trao đổi tâm tình, một vài người đã thổ lộ họ thấy gần gũi với những linh mục, trí thức Công giáo cũng tốt nghiệp đại học như họ, hơn những người đồng đạo không qua bậc đại học. Như vậy vấn đề là ở chỗ cùng tiến đồng đều như nhau, tự nhiên sẽ không còn những mặc cảm tự tôn tự ti, những bộc lộ bất mãn, oán ghét, những tố cáo này nọ... 

Tuy nhiên, nhìn lại thời kỳ 20 năm trước 1975, tôi thấy có trách nhiệm phần nào gây ra những đả kích mạt sát của một số người mang danh Phật giáo đối với tôi, vì tôi đã chỉ nghĩ đến viết cái gì mà không chú ý đến người viết đối với người nghe là thế nào. Trong thực tế nhiều khi nói cái gì không quan trọng bằng ai nói, ai nghe và chính quan hệ người viết, người đọc quyết định ý nghĩa điều nói viết ra. Tôi viết về Phật giáo, coi Phật giáo là một triết học như những triết học khác trong lịch sử tư tưởng nhân loại, và nghĩ rằng tôi có quyền tự do nhận định, hiểu theo ý tôi, đúng hay sai, người đọc cũng có quyền tự do phê bình trên bình diện tư tưởng. Trong khi người đọc lại không tách rời triết học khỏi Phật giáo như một tôn giáo và thậm chí còn coi người không tin đạo Phật không thể hiểu được Phật giáo, và như vậy chỉ có thể là hiểu sai. Nếu người viết về Phật giáo là Công giáo Việt Nam càng không thể được tách rời khỏi cái nhìn đầy thiên kiến, mặc cảm và oán hận đối với người Công giáo, và do đó chỉ có thể có ý đồ, âm mưu xuyên tạc, tiêu diệt Phật giáo. 

Thực ra không phải đợi đến những năm 94-95 gặp đông đảo trí thức trẻ theo Phật giáo tốt nghiệp đại học về Phật học và các Khoa học xã hội khác ở Hoa kỳ, tôi mới tìm thấy những bạn Phật tử đồng hội đồng thuyền, mà ngay từ hồi những năm 1958- 59, ở Huế, tôi đã gặp một số trí thức trẻ là sinh viên cùa tôi; nhưng chúng tôi xuýt xoát tuổi nhau nên gọi nhau là anh chị, thường trao đổi tâm tình với nhau về triết học, văn học, Phật học trong tình thân quí mến tôn trọng lẫn nhau. Tôi chỉ kể tên hai người mà giới giáo chức Huế đều biết: anh Văn Đình Hy và chị Tinh Nhân, cả hai anh chị sau đều có lúc làm hiệu trưởng trường Quốc Học, Đồng Khánh, hiện đã qua đời. Hoặc một vài bạn trẻ ở Sài Gòn hiện còn sống, thường kể cho tôi nghe những sai trái, thậm chí những tội ác mà một số Cha Cố đã phạm từ thời Bùi Chu, Phát Diệm đối với Phật giáo và đã sẵn sàng ghi lại cho tôi làm tài liệu. Nhưng khi ở Hoa kỳ về, tôi đưa cho họ coi những sách báo mạt sát thậm tệ Công giáo ở hải ngoại, ngày hôm sau, họ đem trả lại và trách tôi tại sao đọc, còn đưa cho họ đọc sách báo đó, và từ chối luôn đề nghị của tôi nhờ ghi lại những chứng từ. 

Tôi đã nói nhiều lần, đây đó, đề nghị Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cần lên tiếng nhận lãnh trách nhiệm về phần mình những sai trái, xúc phạm trong lịch sử đối với đồng bào không Công giáo, đặc biệt đối với Phật giáo, nhất là thời ông Diệm để gỡ oan cho chế độ này mang tiếng kỳ thị, đàn áp Phật giáo. Chính Thượng Toạ Trí Quang cũng khẳng định với tôi, các ông Nhu Cẩn không liên hệ đến vụ này, chỉ ông Thục mà thôi.
 

Cuối cùng gần đây, tôi nghĩ phải nhìn một cách triệt để cái “cốt lõi, căn bản của vấn đề Phật giáo” không phải chỉ là đòi hỏi thích nghi với đời sống hiện đại, gọi là “hiện đại hóa Phật giáo”, theo kịp đà phát triển của các tôn giáo khác, mà chủ yếu là cần nhìn nhận đâu là bản sắc của Phật giáo. Phát huy bản sắc đó có nhất thiết phải so sánh với các tôn giáo khác để nhận ra chỗ mạnh chỗ yếu, sở trường sở đoản của tôn giáo mình và tôn giáo bạn rồi hướng những nỗ lực hiện đại hóa vào mục tiêu khắc phục những cái bị coi là chỗ yếu, sở đoản. Chẳng hạn về tổ chức: thành lập giáo hội, thực hiện thống nhất, sử dụng những thống kê người theo đạo dựa vào những con số. Ở Việt Nam chỉ có hai hạng người có căn cước rõ ràng: người Thiên Chúa giáo và đảng viên đảng Cộng sản; một người có giấy rửa tội, một người có thẻ đảng. Còn đa số, trừ một số ít Phật tử qui y, không thể xác định bằng thống kê, bằng con số chính xác tôn giáo họ theo. Có thể chỉ là đạo ông bà, hoặc thêm Tam giáo, hay theo đạo Phật nhưng chỉ đi chùa khi muốn đi, hoặc theo một lúc nào đó, ở thời điểm nào đó trong cuộc đời của mình. Như vậy làm sao có thể lập danh sách thống kê người theo đạo như bên Thiên Chúa giáo thường làm hàng năm và gửi về Rome?
 

Vậy phải chăng mặc cảm tự tôn tự ti phát xuất từ khi những người mang danh Phật giáo bắt chước người Thiên Chúa giáo sử dụng những con số làm thống kê không dựa trên những tiêu chuẩn rõ rệt mà chỉ dựa vào tính trừ: những người theo Thiên Chúa giáo biết rõ đích xác là thiểu số, vậy phần còn lại là đa số theo Phật giáo! Điều trớ trêu là trong Thiên Chúa giáo từ mấy chục năm nay đã có hướng coi cái “sở trường, thế mạnh” của mình là mối đe doạ trầm trọng và chủ trương cái mà người Phật giáo coi là sở đoản, bằng cách xóa bỏ tổ chức hoặc giảm thiểu tối đa nhu cầu về tổ chức. Như vậy tại sao người Phật giáo lại chạy theo cái mà những người Thiên Chúa giáo đang muốn từ bỏ?

 Nguyễn Văn Trung

© Thông Luận 2007