*

 



Những ống khói tầu mệt lả

Vào giữa thế kỷ 19, những chiếc tầu chạy bằng hơi nước đã làm một cuộc cách mạng về du lịch trên biển, đem những thành phố Âu châu tới gần nhau hơn, và khiến cho những chuyến viếng thăm ngắn hạn Istanbul có thể thực hiện được, và có một số nhà văn lợi dụng những chuyến đi như thế để đi vài đường tốc ký về thành phố. Những bài viết như vậy đã ảnh hưởng tới một số ít ỏi nhà văn địa phương, giúp họ có một ý tưởng mới mẻ về thành phố của họ. Nhưng, cùng với sự xuất hiện của những chiếc tầu chạy bằng hơi nước ở cảng Bopshorus, thành phố cũng có thêm một cái vẻ nhìn mới. Một công ty hàng hải, thoạt đầu có tên Sirket-i-Hayriye và sau này đổi là Sehir-Hatlari [City Lines: Những đường thuỷ trong khu vực thành phố] được thành lập, và chẳng mấy chốc, những làng mạc ở bên vịnh Bosphorus đều có riêng một bến tầu, và khi những con phà đi lại giữa eo biển, Istanbul có dáng vẻ một thành phố Âu châu. (Bạn hãy để ý đến từ “vapeur”, tiếng Pháp, có nghĩa là hơi nước, từ này đã tìm đường vô Istanbul của Thổ nhĩ kỳ và vào cuộc sống thường nhật của nó, biến thành vapur, tiếng Thổ nhĩ kỳ, dùng như tiếng Anh, chiếc tầu, ship). Trong số những thay đổi mà những chiếc phà đem lại, là những làng xóm tấp nập ở hai bên vịnh Bosphorus, và ở Mũi Vàng, chúng trở thành một phần của thành phố, chưa kể những lâu đài, những toà nhà lớn, [meyhans] rộn rịp, mọc lên ở những nơi mà những con tầu cập bến. (Trước khi có những con phà, gần như chưa có những con đường nối chúng lại với nhau).
Khi những con phà bắt đầu đưa hành khách lên xuống vịnh Bosphorus, chúng trở thành thân quen với người dân thành phố, như là những Kizkulesi, Hagia Sophia, và Galata Bridge, và chẳng mấy chốc, chúng nhập vào đề tài thường nhật, đóng một vai quan trọng, trở thành một biểu tượng, giống như lá cờ, nó nhắc nhở cho cư dân Istanbul, chúng ta cùng sống trong một thành phố lớn. Như những người ở Venice quyến luyến với những “vaporettos”, người dân Istanbul rất thích phô ra cho những du khách những hình dáng, kiểu này mốt nọ của những con tầu “vapur” của từng tuyến đường của công ty City Lines. Có trọn một tủ sách dành cho chúng, với những hình ảnh, minh họa. Gautier viết, bất cứ một tiệm cắt tóc nào trong thành phố cũng có ít nhất là một tấm hình, tầu “vapur” treo trên tường. Cha tôi có thể nhận ra bất cứ một chiếc nào được đưa ra sử dụng, vào thời điểm nào khi ông còn là một đứa bé, chỉ bằng cái dáng tuyệt vời của con tầu, và nếu không thể nhận ra liền lập tức, chỉ một lát sau là ông đọc ra tên của con tầu, và chúng ngân nga ở trong tôi, giống như một bài thơ: Năm mươi ba Insirah, Sáu mươi bẩy Kalender, Bốn mươi bẩy Tarz-I Nevin, Năm muơi chin Kamer…
Khi tôi hỏi cha tôi, làm thế nào mà cha phân biệt được những con tầu bề ngoài trông như nhau, ông nêu ra những tính chất đặc biệt của từng con tầu – khi hai cha con đang đi một vòng dọc theo Bosphorus, hay, nếu bị kẹt đường, kẹt xe, ngồi tại phòng khách trong căn nhà của chúng tôi ở Besiktas, hoặc, ngay cả khi cha tôi đã xác định tính độc nhất, cái chỉ có nó mới có, của từng con tầu – con tầu này trông như có một cái bướu, con tầu kia ống khói mới dài làm sao, cao vời vợi, còn con kia, mũi giống như mỏ chim, con nọ hơi nghiêng về một bên mỗi khi đi ngược dòng nước.. Nhưng ông nói gì thì nói, tôi vẫn thấy thật khó phân biệt chúng, cho dù đã nghiên cứu thật tỉ mỉ, đã dí sát mũi vào từng chiếc. Nhưng tôi học được sự khác biệt giữa ba con phà – hai được chế tạo tại Anh, còn con thứ ba, tại Taranto, Ý, vào năm 1952, đúng năm tôi ra đời – chúng được đặt tên theo những khu vườn; sau khi nghiên cứu, tìm hiểu dáng vẻ và chiều dài của từng chiếc, sau cùng tôi có thể chỉ ra, đây là con phà Fenerbahce, đây là con phà Dolmabahce, khác con phà Pasabahce: con phà may mắn của tôi. Cứ mỗi lần đi lang thang trong thành phố, mê mải suy nghĩ đến nỗi thất lạc ở trong nó, và, nhìn xuống một lối đi, nhìn ra ngoài cửa sổ, thoáng bắt gặp con phà, là tôi sướng mê tơi, mình may rồi, hôm nay mình gặp may rồi, gặp được con số may của mình, và tôi vẫn còn cảm thấy như vậy, vào những ngày này.
Tặng phẩm lớn lao, tuyệt vời mà những con phà đem lại cho thành phố, hay, phần đóng góp của chúng vào bóng dáng Istanbul in lên nền trời, là những đợt khói phà, từ những ống khói của chúng, lẽ dĩ nhiên! Tôi mê làm sao, vẽ những đợt khói than mầu tối xậm của chúng, thay đổi theo vị trí của con phà, và đó là con nào trong ba con, tùy dòng nước, và lẽ dĩ nhiên, tùy con gió. Trước khi tôi đem những đợt khói phà vào trong bức tranh của mình, khi đó, nó phải coi như là đã, chỉ còn thiếu khói, nagy cả khi sơn đã khô được nửa chừng. Giống như chữ ký trên tranh, tôi thường để ở góc dưới, phía bên phải, khói là con tem, và là con tem đặc biệt của từng con phà. Khi những đợt khói dầy trông như một đám mây, nhất là khi chúng cùng bốc lên từ tất cả những ống khói của bao nhiêu con tầu di động chung quanh cầu Galata, lúc đó có thể coi như thế giới của tôi được bọc bởi một bức màn đen.
Đi dạo bên bờ Bosphorus, hay đi trên phà, tôi thích nhất là chìm mình vào màn khói dầy của một con tầu, đi qua rồi, và để lại ở phía sau nó. Và nếu gió chiều theo ý tôi, thì tôi sẽ ngẩng mặt để hứng trọn trận mưa khô, giống như một mạng nhện, của những hạt bụi than còn thơm mùi lò lửa.
Thường là, đúng vào lúc của những nhát cọ sau cùng, tôi cảm thấy hân hoan làm sao khi choàng lên bức tranh chiếc vương miện, là khói, (đôi khi, tôi chơi quá liều, và làm hỏng bức tranh), và tôi sẽ ghi nhớ cảnh tượng, khói thoát ra khỏi ống khói tầu, lan rộng ra, rồi biến mất, để dùng cho những bức tranh trong tương lai. Nhưng, khi nhát cọ cuối cùng điểm hóa xong, thì cũng là lúc thực tại của riêng bức tranh xuất hiện, và nó làm tôi quên béng khói thực ở bên ngoài, hình dáng nó như thế nào.
Tuyệt nhất, hoàn hảo nhất, là, khi gió thật nhẹ, khói thoát ra khỏi ống khói tầu, rồi bay lên được một góc 45 độ, và tới đó, nó bắt đầu bay song song với con tầu, mà không hề chuyển đổi hình dáng của nó, như thể có một người nào đó vẽ một đường thật là uyển chuyển, thật là duyên dáng lên nền trời để chỉ cho thấy đường bay của con tầu trên mặt vịnh Bosphorus. Cột khói than, mịn, của một con phà nằm thở phì phào tại bến, trong một buổi trời không gió, như mang trong nó một nỗi buồn và nó làm tôi nhớ tới làn khói lam bốc lên từ một mái tranh nghèo.
Khi con phà và gió nhè nhẹ chuyển hướng, khói xà xuống mặt vịnh, toả ra thành từng cuộn, trông như những con chữ Ả Rập. Nhưng, bất cứ khi nào vẽ cảnh Bosphorus với con phà của công ty City Lines, tôi đều cần tới khói để chuyên chở nỗi buồn Bosphorus, bởi vậy niềm vui vì một hình dáng có tính tình cờ của khói tầu kia, mặc dù rất mê, nhưng nó cũng làm phiền tôi rất nhiều.
Vào một ngày không có gió, khi khói tầu phun ra phì phì, và chen lấn, đùn đẩy trên nền trời Bosphorus, làm sao mà kể hết cho được nỗi buồn mà con phà để lại, trên lối đi của nó, từ bến này tới bến nọ. Tôi mê ơi là mê, đợt khói dầy nằm nơi đường viền chân trời, rồi lầm lì lao tới, với những đám mây trông thật đáng sợ ở đằng sau nó, như trong một bức họa của Turner. Nhưng, ngoài chuyện mê vẽ cho được một bức họa cảnh Bosphorus mà ở trong đó có một, hay vài con phà cùng với những khói tầu mệt lả của chúng, thì những đợt khói mệt lả đó, không phải tôi chỉ nhìn thấy từ chính những con phà, mà còn từ những bức tranh của Monet, Sisley, và Pisarro, chúng sống dậy và gây hứng khởi cho tôi – thí dụ, đám mây xanh nhạt của Monet, trong bức Nhà Ga Saint-Lazarre, hay là những đám mây trông thật vui nhộn, cuộn tròn như những những đọn kem lạnh, trong một thế giới hoàn toàn khác biệt của tranh Dufy – đó là những gì mà tôi vẽ.
Flaubert mở ra cuốn Giáo Dục Tình Cảm của ông bằng những dòng tuyệt vời, miêu tả những hình dáng thay đổi của khói, và đây là một trong những lý do tôi mê ông, lẽ dĩ nhiên, còn có những lý do khác nữa.
Tới đây chúng ta chấm dứt bài ngợi ca khói, bằng cách dùng nó, như là cây cầu bước qua điệu buồn kế tiếp.
Cách viết sóng sau đè sóng trước này, là được gợi hứng từ một kỹ thuật âm nhạc Ottoman có tên là ara taksim. Từ “taksim” có nghĩa chia ra, thu gom lại, chia nước ra thành từng dòng, từng khe, và đây là lý do tại sao những cánh đồng lớn, nơi Nerval nhìn thấy những người bán hàng rong và những nghĩa địa (và nơi này cũng còn được sử dụng như là một trung tâm phân phát nước), được những người dân thành phố Istanbul gọi là “taksim”. Họ vẫn gọi nơi đó bằng cái tên như thế, ngay cả bây giờ, và đó là nơi tôi rong ruổi hết cuộc đời của tôi, là ‘một góc trời chỉ biết ăn chơi”, của tôi.
Nhưng khi hai ông nhà văn Flaubert và Nerval ghé thăm nó, thì nó lại chưa có cái tên Taksim này.
Orhan Pamuk