*

 



Salman Rushdie

Những đứa con giờ Tý

Chương 1

Miếng vải đục lỗ

Ngày xửa ngày xưa… tôi sinh ra tại thành phố Bombay. Ô, như vậy không được, có nơi sinh nhưng thiếu ngày tháng. Tôi sinh ra tại bảo sanh viện của bác sĩ Narlikar ngày 15 tháng Tám, 1947. Ô, vẫn không được, sinh giờ nào?  Sinh giờ nào là một điều rất quan trọng. Nếu vậy, tôi sinh ra vào lúc ban đêm. Vẫn chưa được. Như vậy nói lại, tôi sinh ra đúng nửa đêm, chuông đồng hồ đổ muời hai tiếng, và hai cây kim như hai cánh tay bắt tay nhau, trân trọng chào mừng tôi ra đời. Và điều này mới thật là quan trọng: Vào đúng 12 giờ đêm ngày 15 Tháng Tám năm 1947, Ấn Độ tuyên bố độc lập, tôi lóp ngóp ra đời. Có những tiếng hào hển. Và ngoài kia, bên ngoài cửa sổ,  tưng bừng sặc sỡ những pháo bông, lũ lượt những dòng người. Vài phút sau, cha tôi té bể mũi. Nhưng một biến cố như thế thì thật quá nhỏ nhoi so với điều xẩy ra cho tôi vào giây phút khuya khoắt trọng đại đó: Bởi vì nhờ ở tính bạo chúa thần bí của những chiếc đồng hồ, trong dáng điệu hai cây kim bắt chéo tay nhau trân trọng chào mừng như thế, tôi như được trói chặt tay trao cho lịch sử, và số mệnh tôi cũng bị xiềng chặt với số mệnh xứ sở tôi. Trong ba thập kỷ kế tiếp đó, thật vô phương đào tẩu. Những ông thầy, bà thầy tiên tri về tôi, báo chí chào mừng tôi ra đời, chính trị gia phê chuẩn sự xác thực của tôi. Tôi chẳng có tiếng nói về những sự kiện như vậy. Tôi, Saleem Sinai, với những cái nick tiếp nối theo sau, Thằng thò lò mũi xanh, thằng mặt dơ, thằng trụi lông, thằng sụt sịt mũi, Ông Phật, và, chưa hết, Mẩu mặt trăng, tất cả những biệt danh như thế cũng theo tôi mà tưng bừng can thiệp vào với Số mệnh – và ngay cả ở thời điểm đẹp đẽ nhất, thì vẫn là một sự can thiệp rất ư là nguy nàn. Nguy nàn đến nỗi, tôi chẳng có lấy một phút, để mà lau cái mũi thò lò của mình.
Hỡi ơi, bây giờ, vào giờ này, quỹ thời gian kể như cạn kiệt đối với tôi, và nếu như chưa cạn kiệt, thì tôi cũng chẳng biết làm gì với nó, hoặc ngược lại, nó cũng chẳng biết dùng tôi vào việc gì. Chẳng mấy nả, tôi ba mươi mốt tuổi trời. Có thể. Nếu cái thân thể rệu rạo này cho phép. Nhưng tôi chẳng có chút hy vọng chi về cái chuyện dành dụm đời mình, và tôi cũng chẳng trông mong gì có được một ngàn lẻ một đêm bầy ra trước mắt. Tôi phải làm việc, cật lực làm việc, như người đẹp Scheherazade, nếu tôi muốn hiểu ra một điều gì đó, đúng như vậy. Điều mà tôi sợ nhất, đó là sự phi lý.
Và có rất nhiều điều để kể, quá nhiều, biết bao cuộc đời, biến động, phép lạ, nơi chốn, điều này tiếng kia, những dây mơ rễ má như thế quyện vào nhau, dầy đặc, tạo thành thiên la địa võng của những chuyện không đâu và trần tục. Tôi là kẻ nuốt chửng hằng hà sa số những cuộc đời, và để hiểu chỉ tôi thôi, bạn cũng sẽ phải nuốt chửng hằng hà sa số những cuộc đời. Một con số khổng lồ những cuộc đời như vậy được nuốt vô, được tiêu hóa, chúng xô đẩy, chen lấn, kèn cựa nhau, cố vạch ra một lối đi ở bên trong tôi, được dẫn dắt bởi hồi ức của một miếng vải, được sử dụng làm một tấm khăn trải giường lớn, mầu trắng, với một cái lỗ tròn tròn, chừng bẩy inches ở giữa, và, như được móc vào giấc mơ về một miếng vải hình vuông, đục lỗ, bị cắt ra thành nhiều mảnh - miếng vải này chính là bùa chú, là ‘hạt vừng kia hãy mở ra” của tôi – tôi phải bắt đầu tạo dựng lại cuộc đời của mình, từ điểm nó thực sự bắt đầu, ba mươi hai năm trước đó, cũng sờ sờ, cũng hiển nhiên trước mắt, như là sự ra đời của tôi, dính tí máu tội ác, và bị chi phối bởi những chiếc đồng hồ.
(Nhân tiện, xin nói thêm, miếng vải trải giường cũng dính ba giọt máu đỏ, cũ xì, từ đời thuở nào. Như kinh Koran phán: Hãy cầu nguyện, nhân danh Đức Sáng Tạo, Người đã tạo ra con người, từ một cục máu).
Vào một buổi sáng, ở Kashmir, vào đầu mùa Xuân năm 1015, ông tôi, Aadam Aziz đập mũi vào mặt đất cứng như đá vì giá lạnh, trong lúc cầu nguyện. Ba giọt máu, khô quánh liền sau khi từ lỗ mũi bên trái chảy ra bên ngoài khí trời giá lạnh,  nằm lăn lóc trước mắt ông tôi trên tấm thảm cầu nguyện, biến thành ba hòn bi ve. Ông tôi cố gượng dậy, rồi cố quì trở lại, và một khi đầu ngửng cao, ông nhận ra mình đã khóc, và những giọt nước mắt thì cũng đã khô quánh lại. Vào đúng thời điểm đó, trong lúc gỡ những viên kim cương ra khỏi lông mi, ông quyết định, là sẽ chẳng bao giờ hôn mặt đất, vì bất cứ ai, thần thánh cũng không và người trần thì cũng không. Một quyết định như thế, hỡi ơi, cũng tạo một lỗ hổng ở trong ông tôi, một sự trống vắng, ở phần thiết yếu sống động bên trong con người ông, khiến ông trở nên rất dễ bị tổn thương, bởi những người đàn bà, và lịch sử. Lúc đầu, ông không nhận ra sự kiện này, và cũng chẳng thèm bận tâm, và, mặc dù vừa hoàn tất môn học y khoa, ông đứng dậy, cuộn tấm thảm lại, trông chẳng khác gì một điếu xì gà khổng lồ, kẹp nó ở bên dưới cánh tay phải, và ông ngắm nhìn thung lũng bằng cặp mắt trong sáng vì đã được giải thoát những hòn bi ve nước mắt.
Thế giới lại trở nên mới. Sau thời kỳ thai nghén mùa đông, thung lũng nở bung ra, giống như một chú chim non dùng mỏ phá vỡ cái vỏ băng, và nhập vào vùng không gian mở rộng, ẩm ướt và vàng tươi. Một đời cỏ mới chờ đợi giờ xuất hiện của nó ở bên dưới mặt đất. Những ngọn núi lui mình về trên cao, trả lại thế giới cho một mùa ấm áp. (Vào mùa đông, khi thung lũng khép mình lại vì giá lạnh, những ngọn núi ùa xuống, xúm lại, và gầm rú với những chiếc hàm giận dữ của chúng bên trên thành phố bên hồ).
Vào những ngày đó, cột phát tín đài phát thanh chưa được xây cất, và ngôi đền Sankara Acharya, một cái vòm nho nhỏ mầu đen ở trên đồi mầu xanh kaki, vẫn còn ngự trị ở bên trên những đường phố và con hồ Srinagar. Vào những ngày đó, chưa có trại lính ở bên cạnh hồ, chưa có những con rắn dài ngoẵng, là những đoàn công voa xe cam nhông, xe díp nhà binh ngụy trang nối đuôi nhau trên những con đường ngoằn ngoèo bên sườn núi, chưa có những binh lính ẩn mình ở những chỏm núi quá Baramulla và Gulmarg. Vào những ngày đó, khách du lịch chưa bị bắn bỏ như là những gián điệp nếu họ có lỡ chụp hình những cây cầu, và, ngoại trừ những chiếc thuyền được sử dụng như những căn nhà để ở của người Anh ở trên mặt hồ, thung lũng gần như chẳng thay đổi chi nhiều, kể từ thời Đế quốc Mông cổ, với không gian, thời tiết thay đổi, trở thành mới tinh cùng với mùa xuân trở lại; nhưng đôi mắt của ông tôi, như tất cả những gì còn lại của ông, một người hai mươi lăm tuổi – nhìn sự vật một cách khác… và cái mũi của ông bắt đầu ngọ ngoạy.
Hãy bật mí, sự bí mật làm thay đổi cái nhìn của ông tôi: ông trải qua năm năm, năm mùa xuân, xa nhà. (Dúm đất quyết định, mặc dù nó hiện diện một cách ngẫu nhiên ở bên dưới tấm thảm cầu nguyện mà ông tôi đã quỳ lên, tác động của nó, ở vào lúc thoạt kỳ thuỷ, thì cũng chẳng khác gì một chất xúc tác). Bây giờ, trở về nhà, ông nhìn cảnh vật qua con mắt của một kẻ du lịch. Thay vì thung lũng nhỏ bé, xinh xắn, được bao bọc bởi những chiếc răng của một tên khổng lồ, ông cảm nhận sự chật hẹp của nó, và sự gần gụi của đường chân trời: trở về nhà, bị giam cầm trong không gian tù túng, chật hẹp, ông thấy buồn bã. Ông còn cảm thấy – và điều này không làm sao giải thích được – nơi chốn cũ, căn nhà xưa trách cứ ông, và sự trở về như là một con người có học, cùng với cái ống chẩn bệnh. Dưới cái lạnh giá của mùa đông, xứ sở ông có vẻ lạnh lùng dửng dưng. Không hồ nghi gì hết, những năm tháng du học tại Đức đã biến ông trở thành thù nghịch với môi trường quê hương cũ. Nhiều năm sau đó, khi cái lỗ hổng ở bên trong ông được lấp đầy bằng hận thù, ông tới dâng mình trước bàn thờ vị thần đá đen, trong ngôi đền trên đỉnh đồi, ông mơ màng nhớ lại những mùa xuân thiên đàng thời thơ ấu của ông, trước khi cuộc du lịch, dúm đất, và những chiếc xe tăng nhà binh làm tan tành tất cả.
Vào buổi sáng, khi thung lũng như được vo tròn lại thành chiếc thảm cầu nguyện, và, tấm thảm cầu nguyện biến thành chiếc găng tay nện cho ông tôi một cú vào mũi, đúng lúc ông đang cố gắng tưởng tượng, hay làm ra vẻ chẳng có gì xẩy ra. Và thế là ông nhỏm dậy, trong cái buốt giá 2 độ 5, tắm rửa, kỳ cọ thân mình đúng như được chỉ dẫn, ăn vận chỉnh tề, đội lên đầu chiếc mũ astrakhan của cha ông, sau đó, ông ôm chiếc thảm cầu nguyện được cuộn tròn như điếu xì gà khổng lồ, và đi vô khu vườn nhỏ ở bên hồ ở phía trước căn nhà u ám, cũ kỹ của gia đình và trải nó ra miếng đất đang chờ đợi. Mặt đất mềm mại dưới chân làm ông thất vọng, như thể bị đánh lừa, và điều này khiến ông có cảm giác ngần ngại, bất an. “Nhân danh Thượng Đế, Thương Xót Chúng Sinh, Từ Bi…” - đoạn mào đầu, và kiểu vòng hai tay khẩn cầu, nói như một cuốn sách đang mở làm sống lại một phần người của ông, nhưng lại làm cho phần còn lại lớn lao hơn nhiều kia cảm thấy khó chịu. “Vinh Danh Chúa Allah, Chúa Tể Sáng Tạo….” – nhưng đúng vào lúc đó, Heidelberg xâm nhập ông; đây là Ingrid, hay ngắn gọn, Ingrid của ông, với bộ mặt khinh bỉ, mi là con vẹt đang láp báp, cái đầu hướng về Đất Thánh Mecca, đây là những bạn bè của họ, Oskar và Ilse Lubin, những tên vô chính phủ, chúng chế nhạo lời cầu nguyện của ông với chủ trương bài bác ý thức hệ của chúng – “Thượng Đế Đầy Thương Xót, Trắc Ẩn, Đấng Từ Bi, Chúa Tể của Phán Xét Cuối Cùng!...” – Heidelberg là nơi, qua đó, cùng với môn học y khoa và chính trị, ông hiểu ra rằng Ấn Độ - như phóng xạ - đã được những người Âu châu “khám phá”ra; ngay cả Oskar cũng trầm trồ ngưỡng mộ Vasco da Gama, và điều làm ông tách ra khỏi đám bạn bè, đó là niềm tin của họ, qua đó, ông, một cách nào đó là một phát minh của những tổ tiên của ông – ‘Hãy chiêm ngưỡng, thờ phụng Mi, và chỉ Mi là người mà chúng ta cầu cứu sự hỗ trợ” – và, ông, vào lúc này, mặc dù sự hiện diện của họ ở trong đầu, cố tái hợp với cái tôi trước đây, khi chưa bị ảnh hưởng nhưng hiểu biết tất cả mọi điều cần phải hiểu biết, thí dụ như về sự phục tùng, về điều mà ông đang làm vào lúc này, trong khi hai tay múa may theo sự dẫn dắt của hồi ức, ngón tay cái đè lên tai, mấy ngón tay kia xoè ra, thân hình ông khuỵ xuống theo hai đầu gối – “Xin dẫn dắt chúng con đi trên con đưòng ngay thẳng, chân chính, con đường mà Người đã lựa chọn cho họ”.. – nhưng, ông như bị chết cứng ở giữa hai dòng nước, giữa niềm tin và sự báng bổ, và tất cả cái trò này nói cho cùng chỉ là trò đố chữ - “Xin dẫn dắt chúng con không trở thành những kẻ khiến Người phẫn nộ, không trở thành những người lầm đường, lạc lối.” Ông tôi cúi rạp mình đưa cái trán chạm đất, và đất, được phủ bởi tấm thảm cầu nguyện cuộn tròn, phủ lên ông tôi. Và đó là khoảnh khắc xẩy ra hiện tượng “dúm đất”: Như một sự quở trách bất thình lình, nào lse-Oskar-Ingrid-Heidelberg, nào thung lũng-và-Thượng Đế, chúng nhất tề đấm cho ông tôi một cú vào sống mũi. Ba giọt máu rớt xuống. Những viên hồng ngọc, kim cương. Và ông tôi, lập tức ngồi thắng người. Đứng dậy. Cuộn chiếc thảm cầu nguyện. Nhìn qua phiá bên kia hồ. Và, như chết sững ở giữa hai dòng nước, ông tôi không thể nào cầu nguyện Thượng Đế mà ông không còn tin vào sự hiện hữu của Người. Một sự thay đổi chung quyết, hằng hằng, mãi mãi: một lỗ hổng.
Vị bác sĩ trẻ, vừa mới tốt nghiệp, Dr Aadam cứ thế ngồi chết sững, nhìn đăm đăm ra mặt hồ mùa xuân, hửi hửi mùi vị của sự thay đổi; trong khi ông đưa cái lưng (ông ngồi cứng đơ) hướng về những sự thay đổi khác. Cha ông bị tim đánh gục trong khi ông ở nước ngoài, mẹ ông không báo tin cho ông, coi đó là một bí mật, ‘việc học của con rất quan trọng, con trai của mẹ’, bà thì thầm nói, bằng một giọng khắc kỷ. Bà mẹ của ông, suốt đời quanh quẩn lo việc trong nhà, với tấm khăn che mặt, bỗng nhiên tỏ ra là một con người thật mạnh mẽ, ra ngoài xã hội, trông lo công chuyện làm ăn của gia đình (một tiệm nhỏ bán đá quí, đồi mồi, hồng ngọc, kim cương), nhờ vậy Aadam có thể học xong y khoa, cùng với sự trợ giúp của một học bổng, và khi ông trở về thì trật tự gia đình tưởng chừng như chẳng bao giờ thay đổi, đã lộn tùng phèo, bà mẹ của ông thì ra ngoài làm việc, trong khi ông bố, ẩn náu đằng sau một tấm màn, não tê liệt sau cú sốc tim,  ngồi trên một chiếc ghế gỗ, trong một căn phòng tối, gây ra những tiếng động giống như tiếng chim. Chừng ba chục loài chim khác nhau tới thăm ông, đậu trên thành cửa sổ có chấn song. Chúng ríu ra ríu rít nói chuyện với ông, và, ông tỏ ra khá hạnh phúc.
(… Và tôi như nhìn ra sự lập đi lập lại của sự bắt đầu, bởi vì bà tôi chẳng to lớn rềnh ràng hay sao… cú sốc tim đâu phải độc nhất… và Con Khỉ bằng Đồng đã có những con chim… lời nguyền rủa đã xẩy ra, vậy mà chúng tôi chẳng hay biết gì hết).
Hồ nước không còn đóng băng. Mùa băng tan tới thật nhanh như thường lệ, rất nhiều thuyền nhỏ, ngỡ ngàng vì băng tan, chuyện này thì cũng bình thường, trong khi những chiếc thuyền đại lãn này được kéo lên mặt đất khô, và đang ngủ ngáy khò khò bên cạnh chủ, chiếc thuyền già nua nhất thì đã cựa quậy, như những người già cả thường vẫn như vậy, và đó là chiếc thuyền đầu tiên di chuyển trên mặt hồ hết còn đóng băng. Chiếc shikara của Tai… và chuyện này thì cũng là thường lệ.
Hãy nhìn ông già Tai đứng nghiêng nghiêng sau mạn thuyền, thoải mái di chuyển trên mặt hồ xuyên qua làn nước mù sương. Cái mái chèo bằng lõi cây ở đầu cây gậy mầu vàng tung tăng giữa đám cỏ, ông già đứng trong khi chèo thuyền, và đó là một trong những lý do người ở đây nghĩ, ông già lắm rồi. Ông Tai cần gặp Dr. Aziz vì một trường hợp khẩn cấp và ông có vẻ như sẵn sàng làm cho lịch sử chuyển động… trong khi Aadam nhìn xuống làn nước, nhớ lại điều ông già Tai dậy ông nhiều năm trước đó: “Băng luôn luôn đợi ngay ở bên dưới mặt nước, chú bé Aadam biết không?” Aadam có cặp mắt mầu xanh trong, một mầu xanh trong đến ngỡ ngàng của bầu trời vùng núi, vốn có thói quen lặn vào trong mắt những người đàn ông Kashmir: Họ chưa quên họ như thế nào, ôi chao, ở đây, tại vùng này, họ như bóng ma, ngay ở bên dưới mặt nước hồ Lake Da! - một miền thanh nhã, những đường nét không mầu sắc đan quyện nhau như một mớ bòng bong, những nguồn mạch lạnh giá của tương lai đang chờ đợi. Những năm tháng ở Đức làm mờ đi mọi chuyện, nhưng không làm mất cái nhìn tài năng của ông. Quà tặng của Tai. Ông nhìn lên, con thuyền hình chữ V của Tai tiến lại gần, và giơ tay vẫy chào. Tai giơ tay – nhưng đó là một mệnh lệnh. “Hãy đợi!” Ông tôi đợi, và, lợi dụng thời khắc gián đoạn này - trong khi ông tôi trải qua sự bình an cuối cùng của cuộc đời, một thứ bình an lầy lội, hắc ám - tôi mô tả ông tôi.
Hãy bỏ ra ngoài sự thèm muốn của một người đàn ông xấu xí, khi đứng trước một cái đẹp gây ấn tượng, và nếu như thế, tôi có thể nói, ông tôi là một người cao lớn. Đứng thẳng người, ép sát vào bức tường nhà, chiều cao của ông tôi đo được hai muơi lăm hòn gạch [một hòn gạch cho mỗi năm của đời ông], hay, đúng “sáu phút hai”. Ông tôi còn là một người đàn ông mạnh mẽ. Bộ râu của ông thì rậm và mầu đỏ - nó làm mẹ ông bực bội. Bà nói, chỉ những Hajis, tức là những người đi hành hương tới Đất Thánh Mecca thì hãy nên để râu đỏ. Tuy nhiên tóc ông mầu tối đậm. Mắt của ông xanh trong mầu trời, điều này thì bạn biết rồi. Ingrid nói: “Họ phải khùng về mầu sắc, khi làm ra khuôn mặt anh”. Nhưng nét chủ chốt về tướng vị học, hay cơ thể học của ông tôi, thì không liên quan tới râu, hay tóc hay chiều cao, hay sức mạnh, hay cái lưng thẳng: Phản chiếu từ mặt nước, trông ông tôi như có một quả chuối khùng lắc lư ở ngay giữa mặt… Aadam, trong khi chờ đợi Tai, ngắm nghiá cái mũi rợn sóng của mình. Ngắm nghía bộ mặt của một người khác thì thấy đỡ thê thảm hơn là ngắm nghía bộ mặt của chính mình. Nhưng đâu phải chỉ một mình ông cảm thấy thê thảm như vậy: Ngay bạn bè, lần đầu tiên ngó mặt ông, là nhớ đời. “Một cái mũi cyranose,” Ilse Lubin nói, và Oskar nói thêm, “Một cái mũi voi”, còn Ingrid thì thông báo, “Bạn có thể băng qua sông nhờ một cái mũi như vậy.” (Cái cầu của nó thì rộng).
Cái mũi của ông tôi: Lỗ mũi tròn, loe ra như mấy người nhẩy múa. Giữa hai lỗ mũi, là cái sống mũi, trông giống như một khải hoàn môn chiến thắng, trước hết hiên ngang vọt lên mãi, và bung ra, rồi sau đó, hạ xuống và lặn vào, chạm môi trên của ông, bằng một cú phất tuyệt vời, và, vào lúc này, đỏ hon hỏn. Đúng là một cái mũi dễ hít đất! Tôi thật muốn đăng ký lòng biết ơn của tôi, đối với một cái mũi đáng nể vì như vậy - nếu không có nó, làm sao thiên hạ biết được, tôi thực sự là con trai của má tôi, và là cháu trai của ông tôi? Cái mũi khổng lồ đó chẳng phải là cũng nằm trong quyền lợi của tôi, từ khi mở mắt chào đời? Cái mũi của Bác sĩ Aziz - chỉ có thể so sánh được với nó, và thật xứng đáng để so sánh với nó, là cái vòi của Ganesh, vị thần đầu voi.  Và chính vì có một cái mũi như thế, mà chẳng ai có thể tranh cãi, hoặc nghi ngờ, quyền của ông, thế giá của ông, là của một vì trưởng lão, một bố già. Và chính là Tai đã dậy ông biết điều này. Khi thằng bé Aadam vừa mới qua tuổi dậy thì, ông già chèo thuyền nghèo xơ xác mạt rệp, tiên tri: “Đây là một cái mũi mà dựa trên nó, người ta có thể tạo dựng nên cả một gia đình, hoàng tử nhỏ của tôi ơi. Chẳng thể nào lầm được, những bầy đoàn máu mủ, từ cái mũi đó sẽ sinh sôi nẩy nở mãi ra, sẽ nhiều đến như thế nào. Những vị hoàng đế Mông cổ sẽ rất ư là bằng lòng, nếu phải đổi bàn tay phải của họ lấy một cái mũi như vậy. Ở bên trong cái mũi đó, là biết bao triều đại đế vương đang chờ đợi… “, và tới đây, thì ông già chèo thuyền Tai trở lại với sự thô lỗ của mình, “… giống như nước mũi thò lò”.

(Tai tiến lại gần hơn. Ông - người phát giác ra quyền năng của cái mũi, và vào lúc này mang tới cho ông tôi một bức thông điệp và nó sẽ đẩy ông tôi vào tương lai - đang cố gắng cho con thuyền tiến tới trên mặt hồ vào một buổi sáng sớm).

Chẳng ai nhớ, khi còn trẻ Tai ra sao. Ông ta vẫn chèo cũng vẫn chiếc thuyền đó, đứng ở sau mạn thuyền cũng cái thế đứng khum khum như vậy, vẫy vùng ngang dọc hồ Dal, hồ Nageen… mãi mãi, hoài hoài. Cho đến nay như mọi người đều biết. Ông sống đâu đó, ở tận cuối mớ bòng bong, khúc ruột già dơ dáy của khu nhà gỗ có từ đời thuở nào, và bà vợ trồng rễ sen cùng ba thứ rau cỏ kỳ dị khác, trên một trong những khu vườn nổi bập bềnh trên mặt hồ, vào mùa xuân và mùa hạ. Tai, nhiều khi khôi hài, nói trạng về chính ông, “tôi chẳng còn nhớ tôi bao nhiêu tuổi, và chẳng có một ý nghĩ gì về chuyện đó”. Ngay cả bà vợ cũng hùa theo, “khi tôi lấy ông ta, thì da của ông đã già cằn giống như da thuộc rồi”. Mặt của ông là mặt của một pho tượng được tạc bằng gió và nước, răn reo như những gợn sóng trên mặt hồ. Ông có hai chiếc răng vàng, và chỉ có vậy. Trong thành phố, ông có một ít bạn. Vài người bạn cũng chèo thuyến như ông, hay vài người bạn làm ăn, họ mời ông chia sẻ cùng với họ một ống điếu, khi ông bơi thuyền tới khu buộc neo của những chiếc shikara, hay tới khu những cửa hàng dự trữ thực phẩm, nằm xiêu vẹo kế bên hồ, hay những tiệm bán trà.
Ông già của Aadam, vị thương gia chủ cửa tiệm bán đá quí đưa ra một nhận xét chung chung về Tai, từ nhiều năm trước: Ông ta té xuống với những chiếc răng của ông. Như vậy có nghĩa: Bộ não của ông ra đi cùng với bộ răng của ông. (Nhưng bây giờ, ông thương gia già sahib Aziz thì ngồi một chỗ, thất lạc bộ óc, ở giữa những tiếng chim kêu líu lo, trong khi Tai vẫn cứ thế tiếp tục, một cách lớn lao, và giản dị).
Ấn tượng mà ông già chèo thưyền tạo ra được về ông, là do cách trò chuyện kỳ diệu, khoa trương, không ngừng, thường xuyên không chỉ để nói về chính mình. Âm thanh vọng đi mãi thật xa, theo mặt hồ, và những con người của con hồ sẽ cười khúc khích khi nghe những lời độc thoại của ông, nhưng chỉ cười nửa giọng, vì khiếp sợ. Sợ, bởi vì ông già khờ khạo này quá rành rẽ những con hồ cũng như những ngọn đồi so với bất cứ người nào dèm pha ông. Khiếp, là vì yêu sách của ông đối với cõi xưa, đòi hỏi của ông đối với sự tồn cổ thì bao la đến nỗi đừng hòng năm tháng tính đếm cho nổi, và hơn nữa, sự đòi hỏi cổ xưa như thế, nó lòng thòng quấn quanh cái cổ giống như cổ gà của ông, và chính nó cũng không ngăn cản ông được lòng một cô gái đáng yêu, lấy cô làm vợ và có được bốn người con trai với cô… và còn có thêm vài đứa khác nữa, câu chuyện cứ thế tiếp tục, ở bên bờ phiá bên kia của con hồ. Đám nhóc tì hay ba hoa ở khu bến neo thuyền tin rằng ông già có cả một đống tiền giấu ở đâu đó - một kho, có thể, gồm toàn những chiếc răng vàng vô giá, kêu lắc cắc trong một cái túi giống như hạt dẻ. Những năm sau đó, khi Chú Puffs tính bán cho tôi cô con gái của ông bằng cách dụ khị, sẽ thay hết những chiếc răng của cô con gái của ông bằng răng vàng, tôi bỗng nhớ tới kho tàng bị bỏ quên của ông già Tai… và, khi còn là một đứa bé, Aadam Aziz rất quí mến ông.
Ông giản dị sống cuộc đời của ông, như là một người chèo thuyền, mặc dù những lời đồn đại về sự giầu có. Ông chở cỏ khô, dê, rau cỏ, và gỗ dọc theo những con hồ để lấy tiền; và chở khách đi thuyền nữa. Khi làm tài xế tắc xi thuyền như vậy, ông dựng một cái lều vải nhỏ thật xinh đẹp ở giữa thuyền, trang hoàng bằng những chiếc màn hoa, và một cái vòm với những cái nệm xứng hợp, và thắp hương cho con thuyền thơm tho. Cảnh tượng chiếc thuyền của Tai mỗi lúc tiến lại gần, với những bức màn bông hoa sặc sỡ, bay bướm, đối với vị bác sĩ Aziz, đó là một trong hình ảnh đẹp báo tin mùa xuân trở về. Những sahibs người Anh chẳng bao lâu sẽ tới, và Tai sẽ chở họ tới thăm những khu vuờn Shalimar Gardens, và vị Mùa Xuân của Hoàng Đế sẽ cúi nghiêng người, ba hoa, nói chuyện tếu. Ông là phản đề sống động của niềm tin của Oskar-Ilse-Ingrid vào sự vô phương thay đổi… một tinh thần của thung lũng, diễu cợt, quen thuộc, và cứ như thế mãi. Một chai nước Caliban, thay vì một thứ rượu brandy rẻ tiền của vùng Kashmir.
 Hồi ức về bức tường mầu xanh của phòng ngủ của tôi: trên bức tuờng đó, bên cạnh bức thư của Thủ Tướng, là bức chân dung của Boy Raleigh đã treo đó từ nhiều năm, nhìn một cách say mê một ông già câu cá, trong cái khố đỏ, ngồi trên – cái gì? - một thân cây – và giơ tay chỉ ra biển trong khi kể về những chuyến đánh cá của ông ta, và Cậu Bé Aadam, sau này là ông tôi, đã mê liền anh thuyền chài Tai, chính là do những câu chuyện tràng giang đại hải, những câu chuyện khiến những người khác nghĩ là ông ta dở hơi. Đó là những lời nói ma thuật, những lời nói tuôn ra khỏi miệng ông ta giống như tiền bạc của người khờ, lọt qua hai chiếc răng vàng, thấm đẫm mùi rượu từ những cú nấc, vọng tới cõi xa vời của quá khứ, đâu đó mãi tít trên những ngọn đỉnh của rẫy Hy mã lạp sơn, rồi trở xuống hiện tại, bằng những nét chấm phá tươi rói của chuyện thường ngày, cái mũi của Aadam, thí dụ như vậy. Tình bạn của họ làm Aadam thường xuyên bị bỏng nước nóng, đúng như vậy, khi bà mẹ của ông tắm cho ông, và bà nói, ta sẽ giết những con rệp của tên khùng, trước khi để cho nó giết mi. Nhưng ông già vẫn tiếp tục nhẩn nha chèo thuyền cùng với những câu chuyện độc thoại của ông ở bên rìa hồ kế cận khu vườn, và Aadam sẽ ngồi dưới chân ông ta, cho tới khi có tiếng nói từ trong nhà kêu vô, để lên lớp về cái sự dơ dáy của ông già chèo thuyền, hay là để cảnh cáo cậu bé về những binh đoàn kẻ cướp là đám vi trùng mà bà mẹ nhìn thấy chúng đang từ cái thân thể cổ xưa và rất ư là hiếu khách xâm nhập cái quần dài lòng thòng của đứa con trai của bà. Nhưng Aadam luôn luôn trở ra lại bờ hồ để chăm chú theo dõi đám sương mù, tìm bóng dáng nghiêng nghiêng, trong bộ đồ rách tả tơi, đáng sợ đang chèo con thuyền mầu nhiệm của ông trên mặt hồ thần tiên vào một buổi sáng.
“Nhưng ông thực sự bao nhiêu tuổi, Taiji?” (Dr. Aziz, khi đã lớn, râu đã đỏ, nghiêng người về tương lai, bỗng nhớ lại lần ông đưa ra câu hỏi cấm đoán). Trong một thời khắc lặng thinh nhưng ầm ĩ còn hơn cả một giọt nước rớt xuống. Dòng độc thoại đứt. Tiếng mái chèo đập trên mặt nước. Ông lúc đó đang ở trong chiếc thuyền cùng với Tai, giữa đám cừu, trên một đống rơm, hoàn toàn ý thức về thỏi xà bông cạo râu và cái bồn tắm đang đợi ông ở nhà. Ông tới đây là để nghe những câu chuyện kể của ông già chèo thuyền, và chỉ một câu hỏi lố bịch làm ngưng tất cả.
“Đừng, đừng. Tai, hãy nói cho tôi biết, ông thực sự bao nhiêu tuổi?”.
 Và bây giờ, là một chai rượu brandy, không biết được làm ra từ đâu, loại rẻ tiền, lấy ra từ những nếp gấp của chiếc áo choàng húp-lăng rộng ấm. Rồi một cái rùng mình, một cú ợ, một ánh mắt riễu cợt. Một ánh phản chiếu mầu vàng. Và -  sau cùng, tiếng nói cất lên. “Bao nhiêu tuổi?  Cậu hỏi tôi bao nhiêu tuổi ư, chú bé đầu ướt, chú bé mũi bự…“.
Tai, ông già chèo thuyềm như đứng thẳng đứng, sát vào tường, trong căn phòng của tôi, đưa ngón tay chỉ lên những ngọn núi. “Già như lũ núi non kia, chú bé con ơi” Aadam, chú bé con mũi bự nhìn theo ngón tay chỏ của ông già chèo thuyền. “Ta đã từng chứng kiến lũ núi kia sinh ra. Ta đã từng nhìn thấy những vị Hoàng đế đi về lòng đất. Nghe đây, nghe đây, chú bé… “. Và, tiếng nói đi theo tiếng rượu nói, và những lời lẽ thốt ra đẫm mùi thứ nước tẩm độc, nhừa nhựa, nặng như chì – “Ta đã nhìn thấy đấng Isa, Đấng Christ, khi Người tới Kashmir. Hãy cười đi, cười đi. Câu chuyện về cuộc đời chú bé ta thuộc lòng ở trong đầu ta. Đã có một lần nó đã được viết ra, ở trong những cuốn sách cổ đã mất. Một lần, ta biết nơi có một nấm mồ với những bàn chân bị chọc thủng được khắc lên tấm bia mộ, cứ mỗi năm chảy máu một lần. Bây giờ trí nhớ của ta mòn mỏi dần, nhưng ta biết, mặc dù ta không thể đọc. Mù chữ, chữ là cái quái gì, ông già vung tay gạt phắt, văn chương ư, quặt ngược bàn tay gạt bỏ luôn. Rồi thò tay vô túi  áo choàng, lấy chai rượu, đưa lên môi lạnh ngắt. Tai luôn có cặp môi đàn bà. “Chú bé, nghe đây, ta đã nhìn thấy quá nhiều chuyện. Chú bé phải nhìn thấy cái cảnh Isa tới đây, râu dài tới tận dái, và đầu hói giống như quả trứng. Ông ta già, mệt lả, nhưng biết đâu ra đấy. “Taiji, trước tiên”, ông ta nói, và, “Làm ơn ngồi xuống đây”, giọng nói trịnh trọng, ông ta chưa bao giờ coi ta như là thằng dở hơi. Không bao giờ gọi ta bằng “mày”. Luôn luôn aap. Lịch sự, phải không? Ui chao bữa ăn mới ngon làm sao. Và ta mới đói làm sao. Đói đến nỗi muốn gặm luôn cả tai của ta, đói khủng khiếp. Thần thánh hay quỉ sứ, ta thề, ông ta có thể xơi trọn cả một đứa bé liền một nhát. Và rồi sao? Ta bảo ông ta, hãy ăn đi, hãy lấp đầy cái lỗ hổng, con người tới Kashmir là để hưởng thụ cuộc đời, hay là để chấm dứt nó, hay là cả hai. Công việc của ông ta kể như xong. Ông ta tới đây chỉ là để hưởng thụ chút còn lại. Như bị thôi mien bởi chân dung với chai rượu của một Đấng Ky Tô đầu hói giống như quả trứng, ham ăn ham uống, Aziz lắng nghe, và sau đó lập lại không thiếu một từ, trước cặp mắt khiếp đảm của bố mẹ, vốn chỉ để tâm đến những viên đá quí, và chẳng phí thì giờ với ba chuyện tầm phào, bá láp.
“Vậy là chú bé không tin ta?” ông già chèo thuyền liếm cặp môi đau nhức của mình bằng một cái cười rách tới tận mang tai, biết rõ, đúng là điều ngược lại. “Hay là chú đang mải nghĩ một chuyện gì khác?” - lại nữa, ông già rất rành, thằng bé đang nuốt từng lời ông thốt ra, chẳng sót một từ. “Hay là mấy cọng rơm làm chú bé nhột?” “Ô, ông xin lỗi, babaji, ông đã quên không đem cho chú mấy chiếc gối nệm bằng lụa, thêu kim tuyến – đúng thứ mà Hoàng đế Jehang vẫn thường để đít của Ngài lên! Chú chỉ nghĩ đến Ngài như là một nhà làm vườn, bởi vì ngài đã xây dựng nên Shalimar, đúng không?,” Tai buộc tội ông tôi, “bởi vì ông xây nên Shalimar. Ngu quá! Tên của ông ta có nghĩa là ‘Kẻ đã bao quanh trái đất’. Tên như vậy mà là kẻ làm vườn ư? Chỉ có Trời mới biết, bây giờ người ta dậy dỗ trẻ con như chú bé như thế nào. “Trong khi ta”… ông hít hà một chút… “Ta biết rõ ông ta cân nặng chính xác là bao nhiêu, tới từng tola [tola: đơn vị đo sức nặng, bằng 11,66 g]. Hãy hỏi ta, bao nhiêu maunds [đơn vị đo sức nặng, bằng 82,28 livres], bao nhiêu seers! [2,06 livres]. Khi hạnh phúc, ông ta nặng hơn và khi ở Kashmir ông ta hạnh phúc nhất, so với tất cả các nơi khác. Ta thường khiêng kiệu của ông ta… Không, không, chú bé lại không tin ta ư, quả dưa chuột lớn ở giữa mặt chú lại lắc lư giống như trái dưa chuột nhỏ ở trong ống quần ngủ của chú, đúng không? Nào, nào, hãy hỏi ta đi! Hãy đưa ra nhận xét! Hãy hỏi ta, sợi dây da vòng qua cây đòn khiêng kiệu bao nhiêu vòng – câu trả lời là 31 vòng. Hãy hỏi ta từ cuối cùng Hoàng đế thốt ra trước khi chết là từ gì – đó là từ “Kashmir”, ta nói cho chú bé biết. Hơi thở của ông già chèo thuyền thì không thơm tho gì, nhưng ông có trái tim thật tốt. “Chú bé nghĩ, ta là ai? Một kẻ làng nhàng vô học, một con chó hoang, một tên dối trá?  Đi đi, hãy ra khỏi thuyền của ta, cái mũi của chú bé quá nặng, hết chèo thuyền nổi, lại còn ông già của chú đang đợi để gõ đầu chú cho văng hết ba chuyện làm xàm mà ta kể cho chú nghe, hay là bà mẹ đang chờ nhấn chú vô nước sôi để tẩy sạch da của chú.”
Trong chai rượu brandy của ông già thuyền chài Tai, tôi nhìn thấy, biết trước được, của cải của chính cha tôi nhờ những vị thần… và sẽ có một người ngoại quốc khác, đầu hói… và những lời nói tào lao của Tai tiên tri một thứ khác, và là niềm an ủi cho tuổi già của bà tôi, và dậy cho bà tôi những câu chuyện… và những chó dữ hoang thì không xa… Đủ rồi. Tôi tự làm cho tôi sợ.
Mặc dù đánh đập, mặc dù nhấn nước sôi, Aadam vẫn trôi nổi cùng với Tai trên chiếc thuyền của ông già, lần này, lần nữa, lần nọ, giữa những con cừu, cỏ khô, bông hoa, bàn ghế, tủ gỗ, rễ sen, tuy nhiên, chẳng bao giờ với những sahibs người Anh, và nghe lần này, lần nữa, lần nọ những câu trả lời lạ lùng,thần diệu, trước câu hỏi thật đáng sợ, vẫn chỉ một câu hỏi: “Nhưng Taiji, ông bao nhiêu tuổi, thực sự?”
Qua Tai, Aadam học được những bí mật của con hồ - nơi bạn có thể bơi lội mà không bị kéo xuống sâu bởi những đám cỏ, và 17 thứ rắn nước khác nhau, nơi nào sương mù dâng lên, cách nấu rễ sen, và nơi nào mấy năm trước ba phụ nữ người Anh chết đuối. “Có một bộ lạc những người đàn bà ‘feringhee’ tới đây để chết đuối.” Tai nói, “Đôi khi họ biết điều này. Đôi khi không, nhưng ta biết, ngay từ phút ta ngửi họ. Họ trốn ở dưới nước, Trời biết, trốn điều gì hay trốn ai, nhưng họ không thể trốn ta, baba!” Tiếng cười của Tai dâng lên, lây qua Aadam - một tiếng cười to lớn, nở rộng mãi ra, thật khủng khiếp, ma quái, khi nó thoát ra khỏi thân thể ông già khô cằn, tuy nhiên, ở nơi ông tôi, với thân hình khổng lồ, nó trở nên thật tự nhiên, đến nỗi sau này, ai cũng nghĩ, tiếng cười đó là của ông (ông chú Hani của tôi được thừa hưởng tiếng cười này, bởi vậy, đến khi Tai chết, một phần của ông vẫn sống ở Bombay). Và, cũng vậy, qua Tai, ông tôi biết về những cái mũi.
Tai gõ gõ lỗ mũi bên trái. “Chú bé, chú biết cái gì đây? Đây là chỗ mà thế giới bên ngoài gặp thế giới bên trong chú. Nếu chúng không chịu nhau, chỗ này này cho chú biết liền. Và chú bèn bóp bóp cái lỗ mũi của chú để tống khứ cái ngứa ngáy khó chịu đi. Một cái mũi như thế đúng là một quà tặng của ông Trời, chú bé ngu si có biết không? Hãy tin đi, chú bé. Khi nó cảnh giác chú, hãy coi chừng, hãy cẩn thận, nếu không là tiêu. Hãy đi theo cái mũi, và chú sẽ đi xa. Ông già khặc khặc thông cổ họng, cặp mắt đảo ra xa, và nhập vào những núi non của quá khứ. Aziz ngồi ngay ngắn lại trên mớ rơm. “Một lần, ta biết một tay sĩ quan trong quân đội Iskandar Đại Đế. Đừng để ý đến chuyện tên của ông ta là gì. Ông ta có quả dưa chuột, y hệt như chú ở giữa hai con mắt. Khi đoàn quân dừng chân ở gần Ganhara, ông ta mê một cô điếm địa phương. Thế là cái mũi của anh ta phát khùng, ngứa điên lên, nhưng vô ích. Anh ta hít hơi nước sôi xông lá khuynh diệp. Chẳng ăn thua gì hết, ha ha! Những cơn ngứa làm anh ta khùng, nhưng tên khùng này đâu có biết, và khi đoàn quân rời đi, anh ta ở lại với cô điếm địa phương. Anh ta trở thành – cái gì, một tên khùng điên, vô dụng, ngày càng vô dụng, khùng điên, với cô vợ tối ngày mè nheo, và với cái mũi ngứa, và sau cùng, anh ta bèn xọc cây gươm vô bụng mình, cho rảnh nợ! Chú nghĩ thế nào về chuyện này?
… Dr Aziz, vào năm 1915, khi những viên đá quí ngày một đội nón ra đi, bỗng nhớ đến câu chuyện trên trong lúc Tai mỗi lúc tiến lại gần cùng chiếc thuyền và hai bên đã nghe được tiếng nói của nhau. Cái mũi của ông vẫn đang ngứa, Ông gãi gãi, nhún vai, lắc đầu một cách bất cần, và Tai la lớn:
-Ui, ui! Bác sĩ Sahib! Con gái của Ghani, chủ đất, bị bịnh!
Cái tin, được thốt ra bằng một giọng nói thẳng băng, chẳng cần rào đón gì hết, lướt nhanh trên mặt nước hồ, tuy ông già chèo thuyền và đệ tử chưa từng gặp lại cả nửa thập niên, từ miệng người đàn ông có cặp môi của người đàn bà, cặp môi không cười thay cho lời chào hỏi lâu lắm mới gặp lại, tất cả những điều đó có vẻ đẩy thời gian vào một cơn phẫn kích, xốn xang, ào ào, hung hãn, và mù mờ, không làm sao mà tách bạch ra được….
… “Hãy suy nghĩ, con trai của mẹ’, bà mẹ của Aadam nói, trong lúc bà uống từng ngụm, ly nước chanh tươi, trong lúc ngả người vào thành ghế, trong một dáng diệu mệt nhoài, kiệt sức, “cuộc đời cuối cùng lại đến nước như thế này. Trong bao nhiêu năm, những cái mắt cá chân của mẹ là một điều bí ẩn, vậy mà nay, mẹ phải chường mặt ra trước những kẻ không phải là người trong gia đình”.
… Trong lúc ông chủ đất Ghani đứng dưới một bức tranh sơn dầu lớn, Diana the Hunteresse [người thợ săn nữ], được đóng khung bằng vàng, trang điểm những nét hoa mỹ. Ông đeo cặp kính dầy, với nụ cuời rắn rết, và đang bàn về nghệ thuật. “Tôi mua bức tranh này từ một người Anh đang lúc gặp vận rủi, Bác sĩ Sahib. Chỉ tốn có năm trăm rupi. Tôi chẳng ngại ngần mà không dìm giá. Năm trăm rupi là gì? Tôi là người yêu văn hóa.”
… “Con thấy không, con trai của mẹ,” bà mẹ Aadam nói trong lúc anh quan sát mẹ, “Bà mẹ nào mà không lo cho con. Con thấy mẹ khổ sở chứ. Con là bác sĩ, con có nhìn thấy những nốt ban đỏ, mẹ cảm thấy đau đầu sáng trưa chiều, lúc nào cũng thấy đau. Rót đầy ly cho mẹ, con trai của mẹ”.
… Nhưng vị bác sĩ đã nhận ra sự hốt hoảng, nỗi thống khổ trong tiếng la của ông già thuyền chài, và ông la lớn, “Tôi lấy dụng cụ và ra liền bay giờ”. Mũi thuyền lúc này đã chạm vô mép vườn. Aadam chạy vội vô nhà, chiếc thảm cầu nguyện cuốn tròn dưới cánh tay, cặp mắt xanh nhấp nháy trong bóng tối bất chợt bên trong nhà, ông để cuộn thảm lên chiếc giá cao, bên trên lố sách gồm những cuốn Vorwart, Làm gì? của Lenin, và những pamphlets khác, chúng là những vang động đầy bụi bậm của nửa đời đã nhạt nhoà của ông, khi ở Đức, ông lấy ra từ bên dưới giuờng ngủ cái cặp đồ nghề bác sĩ, mẹ ông gọi là “doctoris-attaché’, và khi ông xoay người cùng chiếc cặp, đứng lên, chạy ra khỏi phòng, những chữ HEIDELBURG có thể lờ mờ nhận ra, chúng được nung đỏ bằng lửa, và đóng lên mặt da, ở dưới đáy cặp.  Con gái của vị chủ đất là một tin lành, thực sự là như vậy, đối với một vị bác sĩ trong sự nghiệp cứu người, luơng y như từ mẫu, ngay cả nếu cô gái đang bịnh. Không, phải nói như thế này: Bởi vì nàng bịnh.
… Trong lúc tôi ngồi như một cái bình giấm trống trơn trên một cái ao, đầu óc chứa đầy hình ảnh của ông tôi, và cuộc thăm viếng của ông cách đây sáu muơi ba năm, ông muốn được mọi người ghi nhớ, mũi cay xè mùi hôi thối nặng nề do mụn nhọt áp xe của bà mẹ của ông tôi, và chính sự bực bội khiến bà phải ra ngoài, với sự quyết tâm của Aadam, phải thành công trong nghề y sĩ để bà mẹ không bao giờ phải trở lại với cửa tiệm bán đá quí, mùi mốc meo tù túng của một căn nhà lớn ẩm thấp, tối tăm, trong đó, vị bác sĩ bực bội đứng nhìn bức tranh một cô gái với đôi mắt linh hoạt, và đằng sau cô, là một con hươu được đóng chặt vào nền chân trời, bởi mũi tên từ cây cung của cô gái. Hầu hết những câu chuyện, những sự kiện liên quan đến cuộc đời chúng ta, thì đều xẩy ra, khi chúng ta không có mặt, nhưng hình như tôi biết được, ở đâu đó, một cái mánh lới nhờ nó mà lấp đầy những lỗ hổng hiểu biết của mình, nhờ vậy mà mọi chuyện đều ở trong đầu tôi, tới từng chi tiết, giống như sương mù tan biến đi theo cùng với buổi mai rạng dần… tất cả mọi chuyện, không chỉ một vài dấu vết mà người ta dựa vào đó để mà tiến tới, thí dụ như khi bạn mở một chiếc rương cũ đầy mạng nhện đã lâu lắm không có người mở ra.
… Aadam rót ly rượu của bà mẹ, và tiếp tục, bằng cặp mắt lo lắng, quan sát bà. “Mẹ thoa một chút kem lên những vết mụn đỏ, còn đau đầu thì đã có những viên thuốc uống, mấy cái nhọt áp xe thì phải mổ thôi. Mà có lẽ mẹ nên dùng khăn choàng mặt khi ở tiệm, để tránh những cái nhìn vô lễ… những sự phiền hà như vậy thường bắt đầu ở trong tâm trí…”.
… Tiếng mái chèo đập nước, có tiếng nhổ nước miếng xuống mặt hồ, Tai khạc nhổ, làm sạch cuống họng và lẩm bẩm một cách giận dữ: “Một việc ngon lành. Chú bé gà con khi ra đi chưa biết một tí gì, và khi trở về trở thành một vị bác sĩ sahib lớn, với một cái bị lớn đầy những máy móc đồ nghề ngoại, và vẫn ngu ngốc như một con cú. Ta nói rồi, đúng là việc quá tệ.”
… Dr Aziz ngọ ngoạy, chẳng cảm thấy thoải mái, hết chân nọ tới chân kia, dưới nụ cuời của viên chủ đất. Thật khó mà thoải mái do sự hiện diện của ông chủ đất, kèm thêm nụ cười như vậy. Ông đang đợi một phản ứng, từ phía vị chủ đất, trước sự xuất hiện lạ thường của ông. Ông thường chứng kiến những phản ứng bất ngờ không làm sao kiểm soát được như vậy trước bộ dạng cao lớn, kềnh càng của ông ở những người mới gặp. Trước bộ mặt rất nhiều mầu sắc, trước cái mũi của ông… nhưng vị chủ đất Ghani không tỏ ra một dấu hiệu nào, và vị bác sĩ trẻ, đến lượt mình, quyết định sẽ không để cho vị chủ đất thấy ông không được thoải mái. Ông ngưng động đậy thân thể to lớn, nặng nề của mình. Cả hai đối diện nhau, người này quyết tâm đè bẹp [có vẻ như vậy] cái nhìn của người kia, dọ dẫm, xác định lập trường của họ trong tương lai. Và vị chủ đất chuyển thái độ, từ một người say mê nghệ thuật sang con người cứng rắn. “Đây là một cơ hội lớn cho anh đấy, chàng trai trẻ biết không?” Cặp mắt của Aziz lơ đãng nhìn vào bức tranh. Người ta có thể nhìn thấy những mảng lớn của làn da hồng đầy tàn nhang của Diana….
… Bà mẹ của Aziz rên rỉ, lắc đầu, “Không, con không biết. Chuyện con trở thành bác sĩ thì thật là hãnh diện cho gia đình, nhưng buôn bán đá quí là một chuyện khác. Khách hàng nào vào tiệm mua một con đồi mồi, khi chủ tiệm là một bà giấu mặt trong chiếc khăn choàng? Đây là vấn đề tin cậy trong buôn bán, giao dịch. Khách hàng sẽ nhìn thẳng vào mẹ, và mẹ thì cảm thấy đau đớn, bị mấy cái mụn nhọt hành hạ. Hãy đi, đi, và đừng bận tâm về bà mẹ khốn khổ của con.”
… “Đúng là một niềm hãnh diện”, Tai nhổ đánh toẹt một cái xuống mặt hồ. “Bị lớn, hãnh diện lớn, Hà! Ở nhà chúng ta không có đủ bị, khiến ông bác sĩ phải mang về thứ bị làm bằng da heo mà bất cứ người nào nhìn vô nó là cảm thấy dơ dáy, bẩn thỉu. Chỉ có Thượng Đế mới hiểu được ở bên trong có gì.” Bác sĩ Aziz, ngồi giữa những tấm màn bông hoa, ngửi mùi nhang hương, nhưng tư tưởng của ông thì lại hướng về một bệnh nhân đang đợi ông ở phía bên kia hồ. Những lời lầm bầm chua chát của ông già chèo thuyền Tai làm gián đoạn ý thức của ông, gây cú sốc dữ dội, một mùi giống như mùi nhà thương, bệnh viện lấn át mùi nhang… ông già như đang giận dữ một điều gì đó, vì một con điên rồ không thể hiểu được, và cơn điên rồ này nhắm vào gã đệ tử ngày xưa, hay đúng hơn, và kỳ quặc hơn, nhắm vào cái bị da của tên đệ tử. Bác sỉ Aziz cố gạ chuyện, “Bà vợ ông có khỏe không? Họ vẫn còn nhắc tới cái bị chứa những chiếc răng vàng của ông chứ?... Ông cố gắng nhắc lại tình bạn cũ kỹ giữa hai người, nhưng Tai lúc này đã hết chịu đựng nổi, chỉ muốn gây sự, và thế là những lời nói giận dữ của ông già chèo thuyền cứ thế tuôn ra. Cái bị Heidelberg run lẩy bẩy trước những lời nguyền rủa: “Cái bị da heo nhơ bẩn, thứ đồ cho đàn bà ngủ của nước ngoài đầy những mánh lới ngoại quốc. Đúng là một cái bị ghê gớm. Bây giờ, nếu một người nào gẫy tay, cái bị này sẽ không cho người thầy vườn bó nó bằng những lá thuốc. Bây giờ, một người đàn ông phải để vợ nằm bên cạnh cái bị và nhìn những con dao mở banh vợ ra. Đúng là một công chuyện hay ho, những điều mà người ngoại quốc nhét vào trong đầu những trai trẻ của chúng ta. Ta nói rồi: Đúng là một điều tồi tệ. Cái bị này sẽ cháy thiêu ở Địa Ngục cùng với những hòn dái của quỉ sứ.”
… Ghani viên chủ đất lấy mấy ngón tay gõ gõ vào những sợi dây nịt quần. “Một dịp may lớn, đúng như thế. Trong thành phố, họ nói nhiều điều tốt về ông bác sĩ. Học tập tốt, trường dậy tốt, nghề y sĩ tốt. Gia đình cũng khá tốt. Và lúc này vị nữ bác sĩ riêng của gia đình tôi bị bịnh, và đây là một cơ hội cho ông bác sĩ. Bà bác sĩ của chúng tôi bây giờ quá già, đau ôm hoài, và lại không được biết, không được học những thành quả mới nhất của y học. Tôi nói: y sĩ, hãy tự chữa cho chính mình. Và tôi nói điều này với ông: “Tôi hoàn toàn khách quan trong công chuyện làm ăn. Những tình cảm, tình yêu, tôi giữ riêng cho gia đình. Nếu một người nào làm không tới nơi tới chốn công việc mà tôi giao phó, xin mời đi chỗ khác! Ông hiểu tôi chứ? Vậy thì thế này: Con gái tôi Naseem thì không được khỏe. Ông hãy chẩn bệnh và coi sóc cho cháu một cách thật hết lòng. Hãy nhớ điều này, tôi có những bạn bè; và khỏe mạnh hay ốm đau thì cũng lên lên xuống giống như vậy.”
… “Ông vẫn uống rượu ngâm rắn để tăng thêm sinh lực chứ, Tai? Và vẫn ăn rễ sen không bỏ thêm gia vị?”. Những câu hỏi thăm dò, ngần ngại nhưng chẳng làm dịu cơn giận dữ của Tai.
Bác sĩ Aziz bắt đầu chẩn bịnh. Đối với ông già chèo thuyền, cái bị tượng trưng cho Nước Ngoài; nó là vật ngoại lai, kẻ xâm lấn, sự tiến bộ. Và, ‘đúng rồi, nó sẽ chiếm đoạt tâm trí của vị bác sĩ trẻ; đúng rồi, nó có những con dao, và chữa lành bịnh thổ tả, bịnh sốt rét, bịnh sởi; đúng rồi, nó ngồi giữa vị bác sĩ và người chèo thuyền, và nó làm cho hai người trở thành kẻ đối đầu. Bác sĩ Aziz bắt đầu chiến đấu, chống lại sự buồn bã, và chống lại cơn giận dữ của Tai, nó bắt đầu đầu độc, biến thành sự giận dữ của chính ông, rất ít khi bộc phát, và mỗi lần nó bộc phát như thế thì không làm sao biết trước được, và như đến từ những vùng sâu thẳm ở bên trong cơ thể ông, một tiếng gầm rú, một cơn tàn phá tan hoang, và rồi biến mất, để lại cho ông nỗi hoang mang, không hiểu tại sao mọi  người lại bực mình …
Họ tới gần nhà Ghani. Một người hầu đang đứng đợi chiếc thuyền, hai tay xiết chặt đặt cầu tầu bằng gỗ. Aziz cố chú tâm vào công chuyện đang tiến diễn.
… “Liệu vị bác sĩ thường ngày của ông bằng lòng chuyến thăm bịnh của tôi, Ghani Sahib?”
Lại một lần nữa, một câu hỏi ngần ngại được nhẹ nhàng để qua một bên. “Ô, bà ta sẽ bằng lòng. Bây giờ, xin đi theo tôi”.
… Người hầu đợi nơi cầu tầu. Tai giữ cho chiếc thuyền đừng chao động trong lúc Aadam trèo ra khỏi thuyền, chiếc bị trong tay. Và bây giờ, sau chót, Tai nói thẳng với ông tôi, vẻ mặt khinh miệt: “Hãy nói cho tôi biết điều này, ông bác sĩ: Trong cái bị làm bằng heo chết đó có một trong các thứ máy dùng để ngửi?” Aadam lắc đầu, không hiểu Tai muốn nói gì. Giọng Tai thêm khinh miệt: “Ông biết mà, cái máy giống như cái vòi voi”. Aziz hiểu ra, nói, “đó là cái ống nghe, hẳn nhiên là có rồi.”. Tai đẩy con thuyền ra khỏi cầu tầu. Nhổ toẹt. Chèo thuyền ra xa. “Tôi biết rồi,” ông già nói. “Bây giờ ông bác sỉ sẽ dùng cái máy đó thay cho cái mũi bự của ông.”
Ông tôi cảm thấy chẳng mất công giải thích cho ông già chèo thuyền cái ống nghe còn hơn cả hai cái tai so với một cái mũi. Ông cố gắng dằn sự bực mình, và nỗi oán giận của một đứa bé bị bầy đoàn bỏ rơi; và ngoài ra, còn một bệnh nhân đang chờ đợi. Tới đâu hay tới đó, bây giờ hãy để tâm tới sự quan trọng của giây phút này.
Căn nhà thuộc gia đình giầu có nhưng thiếu ánh sáng. Ghani góa vợ, và đám người làm hẳn là lợi dụng sự kiện này. Mạng nhện giăng cùng khắp, tại những góc nhà, và những lớp bụi dầy chồng chất lên nhau ở những rìa nhà. Họ đi xuống một hành lang dài; một trong những cánh cửa hé mở và qua đó, Aziz nhìn thấy một căn phòng trong tình trạng ngổn ngang, hỗn loạn. Đưa mắt thoáng nhìn và ánh phản chiếu từ cặp kính đen của Ghani khiến ông bác sĩ bất thình lình hiểu ra là vị chủ đất mù. Phát giác ra điều này càng làm ông thêm ngán ngẩm: một người mù mà lại hiu hiu tự đắc là sành điệu, là biết thưởng thức hội họa Âu Châu. Sự mù lòa của vị chủ đất còn khiến ông sửng sốt, ấy là vì ông không hề va đụng vào bất cứ đồ vật nào trong nhà… Họ dừng lại ở phía bên ngoài một cánh cửa gỗ tếch dầy. Ghani nói, “Hãy đợi ở đây một, hai chút,” và đi vô căn phòng bên trong cánh cửa dầy.
Những năm sau đó, Aziz thề có Trời, trong một, hai phút phù du, cô đơn đứng trước cánh cửa gỗ dầy, nơi hành lang tối om om đầy mạng nhện, trong căn nhà vị chủ đất, ông như bị hối thúc bởi một ước muốn không làm sao kiểm soát được, là quay lưng lại, và bỏ chạy, chạy thật nhanh, chạy thật xa, như hai cái cẳng của ông cho phép, và còn có thể mang nổi tấm thân đẫy đà của ông. Không hề bị bực bội bởi điều bí hiểm về một người yêu tranh mù, lục phủ ngũ tạng bên trong cơ thể của ông nhung nhúc những con côn trùng nho nhỏ, ngọ ngoạy, hậu quả của những lời lầm bầm trù ẻo độc địa của Tai, hai lỗ mũi của ông ngứa ngáy đến nỗi ông nghĩ, hay là mình bị nhiễm trùng, và ông cảm thấy hai chân ông, nặng như chì, bắt đầu ngọ nguậy ngược về phía sau, máu chạy rần rật làm hai má đỏ bừng, toàn cơ thể như bị đẩy tới điểm không thể quay trở lại, mồ hôi toát ra làm ướt đẫm hai chiếc vớ len. Ông trở nên giận dữ, mà không hề hay biết, mặt đỏ gay, tới lúc đó, bà mẹ của ông xuất hiện trước mặt ông, bà ngồi trên sàn nhà, trước một cái bàn thấp, cả bộ mặt phủ một mầu đỏ do chứng ban hành hạ, trong lúc cầm một con đồi mồi giơ lên phía ánh sáng. Mặt bà mẹ cũng có vẻ khinh miệt như ông già chèo thuyền Tai. “Đi, đi, nhanh lên,” giọng của bà là giọng của Tai, “Đừng đề ý đến bà mẹ già nua khốn khổ này”. Aziz thấy mình ấp úng, “Ôi mẹ ơi, đứa con của mẹ mới vô dụng làm sao. Amma, mẹ ơi, mẹ không nhìn thấy cái lỗ hổng ở giữa con, một lỗ hổng giống như trái dưa hấu?” bà mẹ nở nụ cuời yếu ớt. “Con luôn luôn là một đứa trẻ không có trái tim,” bà thở dài và biến thành con thạch sùng bò trên tường hành lang, lè lưỡi về phiá thằng con trai. Bác sĩ Aziz hết còn cảm thấy chóng mặt, và ông cũng không biết có phải ông vừa mới lớn tiếng, và tự hỏi không hiểu câu chuyện cái lỗ hổng nghĩa là thế nào, vào đúng lúc này, và nhận ra rằng, mình hết còn muốn bỏ chạy, và còn nhận ra, ông đang bị dòm chừng. Một người đàn bà bắp thịt nở nang giống như một nữ đô vật đang nhìn ông, và ra dấu mời ông đi theo bà vô căn phòng. Nhìn cái sari bà đang mặc, Aziz biết bà là một người làm, nhưng không phải nô lệ. “Trông ông xanh như tầu lá,” bà ta nói. “Những bác sĩ trẻ như ông, khi tới một căn nhà lạ, lá gan như bị đông lạnh. Tới đây, Bác sĩ Sahib, họ đang đợi ông.” Nắm chặt cái bị, ông đi theo bà qua cánh cửa bằng gỗ tếch tối thui.
… Trong căn phòng ngủ rộng, cũng tối thui như phần còn lại của căn nhà, tuy nhiên, những ánh mặt trời xuyên cánh cửa sổ hình bán nguyệt ở phía trên cao bức tường chiếu sáng đám bụi đang nhẩy múa, và đồng thời chiếu sáng một cảnh tượng lạ thường vị bác sĩ chưa từng chứng kiến trong đời; một bức tranh quái dị khiến đôi chân của ông lại muốn ngọ ngoậy và lê dần về phiá cửa phòng: Thêm hai người đàn bà nữa, tướng tá lực luỡng chẳng khác gì những nữ đô vật nhà nghề, đứng thẳng người, cứng ngắc, mỗi người  cầm một góc một chiếc khăn trải giường. Hai tay họ dâng cao khỏi đầu khiến cái khăn trải giường treo lơ lửng ở giữa họ, trông giống như một bức màn. Vị chủ đất, từ trong bóng tối đột nhiên xuất hiện, để yên cho vị bác sĩ đứng sững sờ, mắt đờ đẫn  nhìn bức tranh quái dị chừng nửa phút, và khi nửa phút sắp sửa chấm dứt, chưa một lời nào được thốt ra, đúng lúc đó, vị bác sĩ khám phá ra điều cần khám phá: Ở gần như đúng ngay giữa chiếc khăn trải giường, có một cái lỗ, được cắt xén một cách thật gọn gàng, đúng là một cái vòng tròn lớn, đường kính chừng bẩy inches.
“Đóng cửa lại, ayah,” Ghani ra lệnh cho nữ đô vật thứ nhất, và quay qua Aziz, giọng ra vẻ tâm sự: “Thành phố này có rất nhiều kẻ vô công rồi nghề, chúng chỉ tìm dịp để trèo vô phòng con gái tôi. Con bé cần,” ông gật gật đầu về phía mấy nữ đô vật, “những người bảo vệ”.
Aziz vẫn tiếp tục ngắm miếng vải trải giường đục lỗ. Ghani nói, “Được rồi, bây giờ ông có thể khám bịnh cho Naseem, con gái tôi. Nào, liền tức thì.”
Ông tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng.
“Nhưng mà cô gái đâu, thưa ngài Ghani Sahib?”, cuối cùng ông tôi bật ra lời.
Mấy phu nhân nữ đô vật bèn nghinh mặt lên, lấy tấn, vận bắp thịt nổi vồng, như sẳn sàng ra tay nếu thằng cha bác sĩ tính trổ mòi.
“A, tôi hiểu sự bối rối của ông.” Ghani lên tiếng. Nụ cười rắn độc của ông nở rộng thêm ra. “Mấy người như ông, từ Âu Châu trở về, thành thử đầu óc cũng không được bình thường, quên mất nhiều điều. Con gái tôi là một thiếu nữ đoan trang, điều này đúng ra khỏi cần nói. Làm sao mà con gái tôi có thể để lộ thân thể, dưới cái mũi của một kẻ xa lạ. Ông phải biết, tôi không cho phép ông nhìn con gái tôi, trong bất cứ trường hợp nào, vì vậy, tôi ra lệnh cho nó đứng ở phía sau tấm vải. Như một đứa con gái ngoan ngoãn”.
Giọng Aziz trở nên hốt hoảng:
“Ghani Sahib, Ngài làm ơn nói cho biết, làm sao tôi có thể khám bịnh cho cô gái mà không nhìn thấy cô?”
Ghani cười tiếp.
“Ông cho biết cần phải chẩn bịnh khu vực nào, và tôi sẽ nói cho con gái tôi biết, để nó đứng sao cho khu vực đó lọt vào đúng lỗ hổng trên tấm vải. Thế là xong.”
“Nếu như vậy thì xin Ngài cho biết, cô con gái của Ngài kêu đau ở đâu?”, giọng ông tôi trở nên rền rĩ.
Nghe ông tôi nói thế, hai con mắt của vị chủ đất đảo ngược như muốn lặn vào bên trong; nụ cười của ông xoắn lại thành một cái nhăn mặt, tỏ đau đớn, và trả lời, “Khổ thân con bé. Nó kêu đau dạ dày. Đau nhiều lắm. Đau dữ lắm.”
“Trong trường hợp như vậy”, ông tôi nói với đôi chút kiềm chế, “làm ơn nói với cô cho tôi coi dạ dầy của cô.”