|
Trong
những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong
tôi, tôi tưởng hồn ma của chính mình đang lang thang trên những nẻo
đường xưa cũ, sống lại cái phần đời đã chết theo cùng với Sài Gòn, bởi
cái phần đời đó mới đáng kể. Tôi đọc lại Nabokov và lần ra sợi dây máu
mủ, ruột thịt giữa tác giả-nhà văn lưu vong-con vật đáng thương-nàng
nymphette tinh quái. Đọc Koestler để hiểu rằng, tuổi trẻ của tôi và của
bao lớp trẻ sau này, đều bị trù yểm, bởi một ngày mai có riêng một con
quỷ của chính nó: Miền Bắc, Hà-nội.
NQT: Lần Cuối Sài Gòn
Gautier và những cuộc tản bộ
buồn Istanbul
Gautier, nhà văn, ký
giả, nhà
thơ, nhà dịch thuật, và tiểu thuyết gia, là bạn trung học của Nerval.
Hai người
trải qua thời trai trẻ cùng với nhau, cả hai đều mê chủ nghĩa lãng mạn
của
Victor Hugo, và có một dạo, họ ở rất cận kề với nhau, ở Paris, và chẳng
bao giờ
có chuyện sứt mẻ. Một vài ngày trước khi tự tử, Nerval đi thăm bạn, và
khi
Nerval tự treo mình lên một cái cột đèn đường, Gautier viết một bài
tưởng niệm
cảm động, theo dòng “đi tìm một linh hồn”, về người bạn đã mất của mình.
Hai
năm trước, năm 1852,
(chín năm sau chuyến đi và đúng một trăm năm trước khi tôi ra đời),
những biến
động - sau này khiến Nga xô đối nghịch
với Anh, đem nước Pháp đến gần với Đế quốc Ottoman, và mở ra Cuộc Chiến
Crimean
- lại một lần nữa khiến cho những cuộc du hành về phương Đông trở nên
thích thú
đối với những độc giả Pháp. Khi Nerval mơ tưởng một chuyến đi thứ nhì
về phiá
Đông, thì chính là Gautier đã tới Istanbul.
Nhờ tầu thuyền chạy bằng máy hơi nước ở Địa Trung Hải khiến chuyến đi
của ông
xuất phát từ Paris
chỉ còn mười một ngày.
Gautier
ở Istanbul bẩy mươi ngày. Ông
viết về chuyến
đi, lúc đầu, là cho nhật báo, ông là tay chuyên viết fơi ơ tông, [viết
từng kỳ,
liên tiếp cho một nhật báo], và sau đó, cho in thành sách mà ông đặt
tên là Constantinople. Cuốn sách quá phổ
thông và được dịch ra
nhiều ngôn ngữ, và được coi là chuẩn mức cho những cuốn sách viết về Istanbul vào thế kỷ 19 (cùng
với cuốn Constantinopoli,
của Edmondo de Amici, được xuất bản tị Milan, ba chục năm sau).
So
với Nerval, Gautier tay
nghề cao, sắp xếp bảnh, và thông thoáng hơn. Chẳng có gì là lạ: Là một
nhà
chuyên môn viết fơi ơ tông, một nhà phê bình, và một ký giả chuyên về
nghệ
thuật, ông còn viết loại tiểu thuyết từng kỳ cho nhật báo (có lần ông
ví mình như
nàng Scheherezade bắt buộc mỗi đêm phải bịa ra một chuyện). Do phải
viết hàng
ngày như thế, Gautier tạo cho mình được tốc độ, và sự sống động, (và
đây là
điều Flaubert chê ông). Nhưng nếu chúng ta bỏ qua những điều đã trở
thành bản
kẽm, được lập đi lập lại đến trơ ra, về những ông vua Hồi giáo, những
hậu cung
của họ, những nghĩa địa, cuốn sách của ông thật tuyệt về mặt phóng sự.
Nếu cuốn
sách lúc nào cũng ngân nga ở trong đầu Yahya Kemal và Tanpinar, giúp họ
tạo ra
đuợc một hình ảnh của thành phố, ấy là vì Gautier, ngoài tài năng là
một ký giả
nhà nghề, còn là một người biết nghe lời khuyên của Nerval, để tâm tới
đều mà
bạn ông gọi là “những cánh gà”, lặn lội vào những khu phố tối tăm,
nghèo khổ,
thám hiểm, khai phá những điêu tàn đổ nát, những tối tăm, dơ dáy, để
chỉ cho
những độc giả Tây phương hiểu ra rằng, những khu vục nghèo khổ đó quan
trọng
chẳng thua gì những khung cảnh nguy nga, hoành tráng.
Khi
đi qua đảo Cythera,
Gautier nhớ Nerval nói với ông về một xác chết ông ta nhìn thấy, được
bọc trong
bộ quần áo dính dầu, treo lủng lẳng trên một cây cột (hình ảnh này, cả
hai đều
yêu thích, và một trong hai người sau đó đã bắt chước làm theo, và sau
này, còn
được Baudelaire ứng tác, đưa vô một bài thơ của ông nhan đề “Cuộc hành
trình
tới Cythera”).
Khi
tới Istanbul, Gautier,
giống như Nerval, vận chiếc “áo dài Hồi giáo”, và tàn tàn tản bộ một
cách thật
thoải mái. Như Nerval, ông tới Istanbul
vào mùa lễ Ramadan, và theo như bạn mình, thả mình vào đêm hội của nó.
Ông cũng
mò tới Uskudar ngắm những ông thầy tu Rufai cử hành những nghi lễ bí
ẩn, dạo
chơi nghĩa địa, nhìn những đứa trẻ chơi đùa bên những bia mộ, đi coi
hát bóng
Karagoz, viếng những cửa hàng, lặn lội trong những khu chợ đông đúc của
thành
phố, chăm chú theo dõi những khách bộ hành qua lại. Vẫn bắt chước
Nerval, ông
cố gắng diện kiến từ xa, ít ra một lần, nhà vua Sultan Abdulmecit, trên
đường
đi cầu nguyện vào những ngày Thứ Sáu. Như hầu hết những nhà du lịch Tây
phương,
ông cũng đưa ra những công thức của mình về đàn bà Hồi giáo - cuộc sống
khép kín,
nỗi khốn khó, không làm sao lân la, tới gần được, và sự bí ẩn của họ
(ông
khuyên độc giả của mình: chớ, chớ bao giờ hỏi thăm sức khoẻ của bà xã
của bất
cứ một ông đàn ông Hồi giáo nào!). Nhưng ông thành thực bảo chúng ta,
phố xá
thì đầy đàn bà, ngay cả đàn bà đi một mình. Ông bàn dài dài về Cung
điện Tokapi
Palace, những thánh đường, Nhà Ca Múa Hát, và tất cả những nơi chốn mà
Nerval
gọi là những cái bẫy dành cho khách du lịch. Tuy nhiên, những nơi chốn,
phong
cảnh, và đề tài như vậy, là đều dành cho khách du lịch Tây Phương, họ
đến
Istanbul là để tham quan những nơi chốn đó, cho nên, chúng ta cũng đừng
nên quá
coi trọng nhận xét của Nerval. Mặc dù đôi khi tỏ ra thô lỗ, nhưng nói
chung,
Gautier, do say mê khái quát hoá sự kiện, quan tâm đến chi tiết quái
dị, khác
thường, thật thích thú khi đọc ông, đấy là chưa kể con mắt hội họa của
ông, khi
nhìn ngắm, mô tả sự vật.
Cho
đến khi ông đọc những bài
thơ in trong Đông phương của Hugo, vào lúc mười chin tuổi, Theophile
Gautier
vẫn mơ uớc mình sẽ là một họa sĩ. Ông rất được thời của ông ngưỡng mộ,
như một
nhà phê bình nghệ thuật. Để miêu tả những cái nhìn và những phong cảnh Istanbul, ông dựa vào một
cuốn tự vựng phê bình hội họa,
chưa từng được ai áp dụng cho Istanbul. Miêu tả bóng
dáng của Istanbul, và Mũi Vàng,
nhìn từ ngọn đồi, nơi có tu viện Galata Mevlevi Lodge (cũng từ chỗ này,
Nerval
đã từng mô tả thành phố, trước đó chín năm, đây cũng là trạm cuối của
đường xe
điện Macka-Tunel, mà khi còn là một đứa bé tôi được mẹ dẫn đi tới
Beyoglu mua
sắm đồ, và bây giờ là Quảng trường Tunel): “Cảnh đẹp đến nỗi có cảm
giác cảnh
không thực”, và rồi ông tiếp tục mô tả những ngọn tháp, những vòm cung
ở Hagia
Sophia, Beyazit, Suleymaniye, Sultanahmet, những đám mây, những đợt
nước của
Mũi Vàng, những vườn bách ở Sarayburnu, và, đằng sau chúng, là một nền
trời
“xanh nhạt, dịu dàng đến nỗi không thể nào chịu đựng được”, và những
trò chơi
của ánh sáng giữa chúng – ông miêu tả tất cả những nét đó bằng niềm hân
hoan
thích thú của một nghệ sĩ ngắm nghía nét tinh sảo của bức tranh do
chính mình
tạo ra, và bằng sự tự tin của một nhà văn kinh nghiệm đầy mình. Ngay cả
độc giả
chưa bao giờ nhìn thấy cảnh này cũng cảm thấy thích thú. Panpinar, nhà
văn
Istanbul, cực kỳ mẫn cảm trước phong cảnh Istanbul, được coi như là một
“màn
trình diễn rộng lớn của ánh sáng”, người đã tạo ra cho mình cả một bộ
tự vựng,
một con mắt chuyên về chi tiết, được vậy, là nhờ đọc Gautier. Trong một
bài
viết, trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, Tanpinar chỉ trích những tiểu
thuyết gia
khác cùng đàn đúm với ông, về điều, họ không thèm để ý đến “nhìn” và
“mô tả” sự
vật chung quanh và, trong khi vinh danh những nhà văn viết bằng con mắt
của một
họa sĩ như Stendhal, Balzac, và Zola, ông nói thêm, Gautier, chính ông
ta, cũng
là một họa sĩ.
Gautier
hiểu làm thế nào
chuyển những cái nhìn của ông thành những chữ, làm thế nào chuyên chở
những cảm
nghĩ, được khơi dậy bởi những đường nét, chi tiết thật đắt, và trò chơi
ánh
sáng, ở đỉnh cao của quyền năng nghệ thuật của mình, khi kể lại những
chuyến đi
của ông vào những “cánh gà”, của nhà hát Istanbul. Trước khi khởi sự
những
chuyến đi dọc theo những bờ tường của thành phố để ra vùng ngoại vi của
nó,
Gautier, dựa vào những nhà văn đi trước ông, đưa ra nhận xét, những cái
nhìn hoành
tráng, tuyệt vời, về thành phố cần ánh sáng và một khung cảnh nhìn thật
rõ
ràng, bởi vì, cũng giống như những dàn dựng trên sàn hát, chúng sẽ mất
sự quyền
rũ, nếu nhìn thật gần: Khoảng cách đem đến cho phong cảnh sự hoành
tráng, vẻ
tuyệt vời, đồng thời làm nhạt nhòa đi, vẻ tiều tụy, u ám, chật hẹp, quá
quắt,
dơ dáy của những con phố, và những mớ nhà cửa, cây cối hỗn độn, khiến
chúng trở
thành lung linh mầu sắc, nhờ tấm“bảng mầu của mặt trời”.
Nhưng
con mắt họa sĩ của
Gautier còn tìm ra vẻ đẹp buồn bã, giữa dơ dáy và hỗn độn. Ông chia sẻ
sự hân
hoan, niềm khích động của văn chương lãng mạn trước những điêu tàn của
những
lâu đài thành quách Hy Lạp và La Mã, những cái còn lại của những nền
văn minh
đã biến mất, cho dù ông khinh bỉ sự rạp mình kính sợ. Khi còn trẻ, mơ
ước trở
thành một họa sĩ, ông nhận ra những căn nhà trống rỗng của khu Doyenne
cul-de-sac, và Saint-Thomas-du-Louvre Church (gần điện Louvre, kế bên
nơi
Nerval từng cư ngụ) thật quyến rũ dưới ánh trăng.
Rời
khách sạn (ở Beyoglu bây
giờ), và đi bộ xuống Galata, tới những bãi biển Mũi Vàng, rồi vượt cây
cầu
Galata Bridge (được tái xây cất vào năm 1853, một “cây cầu của những
con
thuyền”, như ông viết), Gautier và nguời Pháp dẫn đường mò mẫm tới
Unkapani,
khu Tây Bắc, chẳng mấy chốc, họ “lặn vào một mê cung của những con
đường nhỏ
Thổ nhĩ kỳ”. Càng đi xa, họ càng cảm thấy bị cô lập, đàn chó đi theo họ
mỗi lúc
một thêm đông, sủa gâu gâu, nhe hàm răng nhơn nhởn của chúng ra. Mỗi
lần tôi
đọc về những căn nhà gỗ sập xệ, không sơn sửa, tối thui, những vòi máy
nước
công cộng bị phá bể, những ngôi mộ không chăm sóc, mái đổ nát, và tất
cả những
gì họ quan sát được, trong khi đi tản bộ như thế, là tôi lại cảm thấy
hoang
mang, ngỡ ngàng, bởi vì những nơi chốn mà tôi nhìn thấy, trong những
lần ngồi
trên xe hơi với cha tôi, một trăm năm sau, y chang như vậy, chẳng có gì
thay
đổi cả, ngoại trừ những hè đường. Ấy là vì Gautier, cũng như tôi, đều
cho rằng
chẳng nghĩa địa nào đẹp, nếu thiếu chúng, chúng ở đây, là những căn nhà
gỗ ám
đen, điêu tàn, hoang phế, những bức tường đá, những con phố rỗng tuếch,
những
hàng tùng, bách… Khi tôi bắt đầu nghi lễ của chính tôi, nghĩa là, bắt
đầu thực
hành những chuyến tản bộ thành phố buồn như vậy, vòng vòng cũng như khu
phố
hoang tàn chưa Tây phương hóa như vậy (buồn thay, lửa và xi măng, gạch,
vữa chẳng
bao lâu sau đó sẽ xóa sạch], tôi nhận ra cảnh vật làm mệt nhoài người
nhìn, như
Gautier, tuy nhiên cũng như ông, tôi vẫn cảm thấy sự hối thúc, “từ
đường này tới
lối kia, từ xóm này qua xóm nọ”. Lời kêu gọi cầu nguyện có vẻ đối với
ông cũng
như đối với tôi sau đó, là nhắm vào những “căn nhà câm điếc, mù lòa,
nằm trong
im lặng và cô đơn”. Ông chắc sẽ nghĩ đến dòng thời gian trôi chảy, khi
ngắm nhìn
một vài khách bộ hành, một vài sinh vật thoáng qua: một bà già, một con
thằn lằn
biến mất giữa đám gạch đá, hai hay ba đứa trẻ ném sỏi xuống một bồn
nước bể nát
(cảnh này làm ông nhớ tới một bức tranh mầu nước của Maxime du Camp,
viếng thăm
thành phố hai năm trước với Flaubert). Khi cảm thấy đói, ông nhận ra
khu này vắng
hoe những tiệm ăn, những nhà hàng, và đành ngắt mấy trái dâu tằm từ
những hàng
cây hai bên đường, chúng đem mầu sắc, hương vị đời sống đến cho những
con phố ở
đây, làm dịu đi vẻ lầm lì của những khối bê tông, ngay từ thời thơ ấu
của tôi,
hay là năm mươi năm sau đó, khi tôi đang viết những dòng này, thì cũng
vậy. Ông
làm quen với không khí làng xã của khu vực lối xóm Hy Lạp Samatya và Do
Thái
Balat, nơi được gọi là Ghetto Istanbul. Mặt trước của những căn nhà ở
Balat thì
đầy những vết nứt nẻ, lở lói, những con phố dơ dáy, bùn bụi, tuy nhiên,
khu phố
Hy Lạp Fener được chăm sóc trông đỡ hơn.
Nhưng bất cứ khi nào ông nhìn thấy một mảnh tường còn lại của thời kỳ
Byzantine, hay một khúc cống lớn, điều mà ông ngộ ra, là gỗ, tưởng phù
du, tưởng
dễ tiêu trầm theo với thời gian, hoá ra là bền bỉ hơn nhiều, so với
gạch đá.
Những
khoảnh khắc cảm động nhất
trong cuộc tản bộ dài, mệt mỏi, bất thình xẩy ra, khi Gautier bắt gặp
những điêu
tàn, cái còn lại của một thời kỳ Byzantine, chạy dài thấu suốt một cõi
phố xa
xa: Ôi điêu tàn ư, đâu chỉ có điêu tàn!
Gautier
chuyển tải một cách
thật là mãnh liệt, cái sự dầy, cái sự chịu đựng dai dẳng với thời gian,
của mấy
bức tường có từ thời văn minh Byzantine: ôi chúng mới cao ngạo làm sao,
ôi thời
gian sói mòn chúng mới ghê gớm thế nào!Những vết nứt chạy dài trọn
chiều dài của một cái tháp (khi còn là một đứa bé, nhìn, là tôi thấy
khiếp sợ,
làm sao không?), những mẩu vụn nằm lả tả, rải rác ở dưới đáy những bức
tường,
trên mặt đất (giữa thời kỳ Gautier và của chúng ta, trận động đất lớn
vào năm
1894 đã gây tổn hại nặng nề cho những bức tường của thành phố). Ông mô
tả đám cỏ,
ở trong những vết nứt, và những cây vả: những chiếc lá xanh, lớn, của
chúng làm
dịu đi những đỉnh tháp, [làm dịu đi] nỗi u sầu đần độn của những khu
phố đìu
hiu tiếp giáp với những bức tuờng, sự im lặng của những lối xóm và
những căn nhà
xiêu vẹo của họ. “Thật khó mà tin rằng, có một thành phố đang còn sống
ở đằng
sau những ngổn ngang thành quách như thế này”, Gautier viết. “Tôi nghĩ,
chẳng có
một nơi nào trên thế gian, sỏi đá khô cằn, buồn đến cháy da cháy thịt,
như là
con lộ này, nó chạy dài hơn ba dậm, giữa những điêu tàn, ở một bên, và
nghĩa địa,
ở một bên”.
Hạnh
phúc nào tôi lấy ra được,
từ những xác quyết như thế về huzun Istanbul?
Tại sao tôi hì hà hì hục, cố làm sao chuyển tải tới độc giả nỗi buồn mà
tôi cảm
thấy ở trong thành phố mà tôi trải qua trọn cuộc đời của tôi?
Vào
những năm cuối của cõi
150 năm (1850-2000), tôi không còn hoài nghi, không phải chỉ về chuyện
huzun đã
ngự trị Istanbul, mà nó còn trải dài ra những khu vực chung quanh. Điều
mà tôi
cố gắng giải thích, là, những gốc rễ nỗi buồn Istanbul, là từ Âu Châu: Ý
niệm này, thoạt đầu
được khai phá, diễn tả, và thi hóa ở Pháp (bởi Gautier, dưới ảnh hưởng
của bạn
của ông, là Nerval).
Và
nếu như thế, tại sao tôi
loay hoay bận bịu quá nhiều với nó?
Tại
sao bốn nhà văn của tôi lại
‘care’ nhiều như thế về nó? Về cái điều mà Gautier và những nhà văn Tây
phương
khác nói, về Istanbul?
[Note: To U, CM: "Si
je t'oublie, Saigon". NQT]
|