gau

Tin Văn Vắn







Tin Văn

1. Thiên Đàng và Bệnh Than

 Chuyện khoa học giả tưởng, loài người đã từng đổ bộ lên một hành tinh có sinh vật. Đoàn quân viễn chinh của “chúng ta”, do những yếu tố bất ngờ, hoặc do vũ khí tối tân, mặc tình sát hại “địch quân”, và chiếm trọn được hành tinh trên. Sau đó, họ cứ thế nằm xuống, và hiểu ra được một sự thực thê thảm: cái chết chính là một truyền nhiễm ghê gớm nhất tại hành tinh này. Hãy thử tưởng tượng hành tinh đó là… Thiên Đàng! Và chỉ cần một con người bị giết là Thiên Đàng bị tiêu diệt!

 Trong một bài viết trên một tờ báo hàng ngày ở Bắc Mỹ, tác giả đưa ra một lời khuyên, hãy tạm quên trong giây lát những gì bạn đọc, hay nhìn thấy, hoặc nghe nói về bệnh than, và hãy nhớ điều này: những con người ở Bắc Mỹ, như bạn, đã được chúc phúc, vì chưa có, hoặc chỉ có chút chút kinh nghiệm về những bệnh truyền nhiễm. Chưa từng gặp cái cảnh tượng như Camus mô tả: Có một lần một trận dịch đã đóng chặt mọi cánh cửa của một thành phố, làm cho nó cách biệt hẳn với hơi ấm của đời sống, vốn là nguồn của lãng quên.

 Ký ức con người vốn làm việc theo kiểu này: quên! Chính vì vậy những môn như sử ký, hay văn chương được “bịa đặt” ra để giúp cho con người: nhớ!

 Chữ [giúp con người] nhớ. Nó khiển trách con người khi lạm dụng trò xa xỉ: quên. Nó suy tưởng. Nó căn dặn, dậy bảo [con người]. Rằng, hệ thống miễn nhiễm không phải là cái áo giáp tuyệt hảo đâu. Thoạt kỳ thuỷ, có những mầm, những phôi, những bào tử. Sự sống bắt đầu từ đó. Và cái chết cũng bắt đầu từ đó.

 Hãy bắt đầu bằng Kinh Thánh. Kinh Thánh ghi nhận bệnh dịch (pestilence) “lâu lâu” lại viếng thăm con người. Bốn Chàng Kỵ Mã (Lời của Chúa, Chiến Tranh, Nạn Đói, và Bệnh Dịch, hay là Thần Chết) cứ thế mà xào nấu lịch sử, với những đề tài quen thuộc, cũ mòn, như cách mạng, hạn hán, lũ lụt, mùa màng thất thu… Trong số đó, những chiến công của chàng kỵ mã thứ tư (Bệnh Dịch), là hiển hách nhất!

 Lịch sử cho biết, trước khi Kha Luân Bố kiếm ra Mỹ Châu, dân số ở đây đông đảo lắm. Nhưng người Âu Châu xuất hiện, và mang theo cùng với họ những mầm bệnh như đậu mùa. Thế là thổ dân cứ thế mà nằm xuống, vì trong người chưa có miễn dịch với bệnh trên.

 Vào thế kỷ thứ 14, nhà thơ người Ý Giovanni Boccaccio quan sát phản ứng kỳ cục của những người chung quanh ông, khi xẩy ra bệnh dịch. Theo ông, họ chia thành bốn nhóm: Nhóm thứ nhất, sống riêng ra, và ăn uống ngon lành. Nhóm thứ nhì, chẳng thèm nhắc tới bệnh dịch. Nhóm thứ ba, uống như hũ chìm, ca hát ỏm tỏi. Nhóm thứ tư, thu gom đồ đạc, và chuồn. Bệnh dịch, nói theo khía cạnh tâm lý, đã chẳng ảnh hưởng gì tới nhà thơ. Và đây là trận dịch đã tiêu diệt ba phần tư dân chúng (chừng 30 triệu người), làm tan hoang đế quốc Hồi giáo, và tiêu huỷ luôn chế độ phong kiến.

 Bệnh dịch luôn luôn đóng vai một tên khủng bố dân chủ (a democratic terrorist) với vũ khí tuyệt hảo của nó: bất ngờ, lặng lẽ vô nhà bạn, mà chẳng cần thông báo! Một người khách không bình thường (no ordinary visitor), giống như một tên trộm ban đêm. Nhưng nó có một trợ thủ khủng khiếp vô cùng: sự sợ hãi. Trong Dịch Hạch, của Camus, khi Thần Chết Đen viếng thăm một ngôi làng ở Algeria, nó nuốt tất cả, bất cứ cái gì cựa quậy, và lẽ dĩ nhiên, cùng với nó: hơi ấm của sự sống. “Chẳng còn những số phận cá nhân. Chỉ còn một số phận tập thể, do Thần Chết ban phát, và những cảm xúc do nó mà có, và được chia sẻ bởi tất cả cái tập thể có cùng chung một số mệnh đó.”

 Nhưng văn chương dậy con người điều gì, trước bệnh dịch?

 Đại khái, là những điều này: một niềm tin vào Thượng Đế. Một cảm quan về bi kịch, như là số phận của con người. Và một trân trọng, dành cho tình yêu.

 “Cái từ giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng và nỗi đau làm người là hai chữ: Tình Yêu.”

 Hay nói như Camus: “Có trốn lên trời, khi có bệnh dịch. Chúng ta phải chọn, hoặc yêu thương, hoặc thù hận: Thượng Đế.”

 (There is no escape in a time of plague. We must choose to either love or hate God). 

2. Nói thêm về Nobel 2001.

 Năm nay cũng là kỷ niệm lần thứ 100 giải thưởng Nobel văn chương. Naipaul, người thắng giải, như kỳ trước đã loan tin, đã ngỡ mình ra rìa. Tuy sinh ra và lớn lên ở Trinidad, ông hiện nay là công dân của Vương Quốc Anh. Xứ sở này chắc là sẽ rất vui mừng chia sẻ niềm vinh quang với vùng đảo Caribbean. Naipaul là người Anh đầu tiên được giải, nếu tính từ William Golding (Nobel 1983). Nhưng sự tình lại không phải như vậy.

 Trung Quốc, năm ngoái, đã tỏ ra hết sức giận dữ, khi người Pháp gốc Trung Quốc là Cao Hành Kiện, một nhà văn lưu vong đoạt giải Nobel. Nhưng ít ra, nhà nước cũng đã chính thức lên tiếng, cho dù là để tố cáo, Nobel bị chính trị hoá. Năm nay, nhà nước Anh vờ luôn chuyện công dân của họ đoạt giải, theo như tờ TLS, số đề ngày 19 tháng 10, 2001.

 Tòa soạn báo nói trên đã gọi điện thoại tới Dinh Thủ Tướng, Phòng Báo Chí (The Downing Street Press Office), để hỏi thăm Ngài Thủ Tướng có bình luận gì không về giải thưởng.

 -Như chúng tôi được biết, thì chưa nghe Ngài nói gì hết. Giải thưởng công bố khi nào vậy?

 -Ngày 11 tháng Mười…

 Nhân viên trả lời điện thoại hứa kiểm tra và gọi lại tòa báo, nhưng vờ luôn. Tòa soạn quay qua Bộ Văn Hóa, Thông Tin, và Thể Thao. Và sau đây là nội dung cuộc đàm thoại:

 -Đây là báo TLS. Chúng tôi gọi điện thoại là về chuyện nhà văn V.S. Naipaul được giải thưởng Nobel văn chương.

 Ngưng một lát.

 -Xin giữ máy…. Chắc là ông đang nói về giải thưởng [của Anh] The Booker?

 -Không. Giải Nobel văn chương.

 -Right. Xin giữ máy.

 Ngưng thật lâu.

 -Thường thì chúng tôi không đưa ra những lời bình luận về những giải thưởng như vậy.

 -Nhưng đây là giải thưởng văn chương cao quí nhất trên thế giới, và đây là lần đầu tiên người Anh được giải kể từ 18 năm nay.

 -Như vậy, theo như cảm nghĩ của tôi, ngài bộ trưởng thể nào cũng đưa ra lời bình luận…

 Bà ta hứa sẽ theo dõi, và hiển nhiên đã cho chìm xuồng luôn.

 Cách đây chừng trên một năm, Naipaul đã phóng ra một đợt tấn công (launched an attack) nhắm ngay chính phủ của ngài thủ tướng Blair, “cái chính quyền chán mớ đời” (this appalling Governement: Chính quyền kinh khiếp này). Ông chỉ trích tính “phàm phu tục tử” (philistine), “hạ lưu” của nó, đưa tới “một nền văn hóa tâng bốc chính nó, ta là một thứ văn hóa hạ lưư”. Và nhà nước Anh đã không thèm lên tiếng.

 Tờ báo TLS tự trả lời: có thể sự im lặng lần này, là một đáp ứng muộn màng của nhà nước Anh, trước cuộc tấn công trước đây của Naipaul.

 Trong một kỳ tới, người viết sẽ trở lại với dòng văn chương viết bằng tiếng Anh của những người di dân, và câu hỏi: nếu không có họ, liệu văn chương Anh có thể sẽ trở thành “phàm phu tục tử, hạ lưu”? Nói một cách khác, đợt tấn công của Naipaul liệu có thực sự nhắm vào chính quyền Anh của thủ tướng Blair, hay là nhắm vào toàn thể cõi văn chương viết bằng tiếng Anh, trước khi có thế hệ nhà văn di dân thời kỳ hậu thuộc địa. 

Jennifer Tran