gau

Tin Văn Vắn








Mát

Đồ mát dây, dở hơi, cám hấp, khùng…, đó là những từ để chỉ một người cái đầu không bình thường, hết còn minh mẫn. Mát, là từ tiếng Pháp, masse, bị mát dây tức là mạch điện bị chạm. Đối với cái đầu, nguy hiểm, nhất, đáng sợ nhất, là lúc nó biết rằng những dây nối đã bị lỏng, theo Roger Rosenblatt, trong bài tiểu luận trên tờ Time, số đề ngày 3 tháng Chín, 2001.

Tác giả nhắc lại, trước đó vài tuần, trên tờ The New York Times, ngay trang nhất, là bức hình tác giả, và sử gia William Manchester. Những nét “quằn quại” ở trên khuôn mặt cho thấy, có lẽ ông đang ở vào những giây phút sáng tạo dữ dằn nhất, [chắc giống như người đàn bà khi vượt cạn!]. Nhưng câu chuyện kèm theo bức hình, nói ngược lại. Đây là câu chuyện của một con người hết còn sáng tạo, nói nôm na, hết viết được nữa. Ở vào tuổi 79, liệt một bên chân do những cú strokes sau khi bà vợ mất vào năm 1998, ông nhận ra không thể hoàn tất tập ba của cuốn Con Sư Tử Cuối Cùng, viết về cuộc đời Winston Churchill. Độc giả đã chờ đón cuốn sách từ nhiều năm nay. Ông cho biết, “Tôi không thể sắp xếp mọi chuyện được nữa” (I can’t put things together). “Tôi không thể nối chúng lại” (I can’t make the connections).

***

Trong tất cả những nỗi sợ mà một nhà văn kinh nghiệm – và bởi vì nhà văn có nghĩa là cuộc đời của mình bao gồm từ 96% cho đến 100%, chỉ những sợ cùng lo, hay là niềm xao xuyến sinh tồn, angoisse, chữ thời trào lưu hiện sinh, – cái nỗi sợ không nối chúng lại với nhau được nữa, là khủng khiếp nhất. Cái đầu của nhà văn, khi nó còn chịu chơi (còn làm việc được), nó giống như chú thỏ của Alice, kéo người đẹp đi tới mọi hang cùng ngõ hẻm, với một lời hứa hẹn: Những nơi chốn bí ẩn và hấp dẫn này, ngay cả trí tưởng tượng của con người, cũng chưa từng biết tới! Niềm xao xuyến, nỗi lo âu của con thỏ: nó phải khám phá, và cùng lúc, phô bầy ra, cho người đẹp thấy, những thiên đường bí ẩn và hấp dẫn đó. Đây là một trong những “trách nhiệm” lớn lao nhất của nhà văn, theo người viết, làm sao cho độc giả cả thấy: đây là bí ẩn, đây là hấp dẫn, và đây là niềm vui: văn chương.

Hãy lấy một câu văn, của nhà sử học Manchester đã dẫn ở trên, khi viết về tang lễ của Churchill: “Khi chiếc hòm trên phủ quốc kỳ của ông đi qua thành phố cổ, cùng với đội nghi lễ hải quân, cùng với những cư dân của thành phố London, đầu trần, run rẩy trong giá lạnh; họ tưởng niệm, không phải chỉ Churchill, không phải chỉ những gì mà ông ta đã làm được cho nước Anh, ông ta là gì đối với họ; nhưng họ còn tưởng niệm, những gì họ có được, chẳng còn nữa, và chẳng bao giờ lại được như xưa.”

Rõ ràng là, khi bắt đầu câu văn, Manchester chẳng thể nào biết được, nó sẽ dẫn ông ta tới đâu. Nó sẽ chấm dứt như thế nào. Có thể ông mơ hồ cảm thấy, rằng sẽ hấp dẫn lắm đấy, khi tới được nơi chốn bí ẩn: trạm cuối của câu văn, của cuộc hành trình. Nhưng… tuyệt vời thay, khi câu văn chấm dứt, là một câu văn khác bắt đầu, và chúng ta – người viết, người đọc – sẽ cứ thế mà chạy theo, không những một con thỏ, mà có thể hai, có thể nhiều hơn nữa, cùng một lúc!

***

Người viết cho rằng, cái yếu tố quan trọng nhất, qua kinh nghiệm một câu văn ở trên là yếu tố thời gian: cùng một lúc. Thời gian mới là yếu tố quyết định của một câu văn.

Bạn hãy thử đọc câu văn sau đây: “Những ngày Mậu Thân căng thẳng, Đại Học đóng cửa, cô bạn về quê, nỗi nhớ bám riết vào da thịt, thay cho cơn bàng hoàng khi cận kề cái chết, theo từng cơn hấp hối của thành phố, cùng với tiếng hoả tiễn réo ngang đầu.” (Nguyễn Quốc Trụ: Cõi Khác, trong Lần Cuối, Sài Gòn, nhà xb Văn Mới, 1998)

Thời gian ở đây: Thành phố Sài Gòn, những ngày Mậu Thân.

Nói rõ hơn, chỉ có ai đã từng sống những giây phút đó, mới bắt được nhịp thở của câu văn, và cũng là của thành phố, trong những cơn hấp hối của nó.

Nói một cách khác, không phải NQT, mà là Sài Gòn, những ngày Mậu Thân, mới là chủ nhân thực sự của câu văn trên.

Cũng vậy, câu văn của Manchester, là của thành phố Luân Đôn, những ngày ăn bom bay V1, V2… của Đức quốc xã.

***

Những câu văn như của Manchester ôm lấy bạo động, hay là dấu ấn của thời gian, của lịch sử – lịch sử như là nơi chốn tự nhiên của bạo động, le lieu naturel de la violence - rồi biến nó thành niềm u hoài… liệu chúng ta có thể nói như vậy, khi phải giải thích những dòng chữ “hiền hoà” như trên? Joseph Brodsky lại đưa ra một lời giải thích khác, khi được hỏi, tại sao thiếu vắng cái gọi là “cảm xúc nói ra lời hung bạo” (biểu hiện bạo động của cảm xúc, violent expression of emotion) trong thơ của những nghệ sĩ phổ cập, đại chúng, như Pushkin, Mozart, thí dụ vậy,”Không có biểu hiện hung bạo của cảm xúc ở Mozart, bởi vì ông vượt lên trên cõi đó.” “-Nhưng như vậy là thi sĩ muốn nhắm tới một thứ thơ “trung tính”, vượt lên trên mọi cảm xúc?” Nhà thơ trả lời, đây là vấn đề thời gian. “Cội nguồn của âm điệu [của thơ], là thời gian. Bạn chắc còn nhớ, tôi đã từng nói, bất cứ một bài thơ đều là thời gian được sắp xếp lại?… “Thời gian nói với từng cá nhân chúng ta bằng những giọng điệu thay đổi. Thời gian có giọng trầm bổng của riêng nó…”

(Trích “Trò chuyện với Joseph Brodsky”, tác giả Solomon Volkov, nhà xuất bản Free Press, 1998, đoạn Brodsky bàn về thơ của nữ thi sĩ Nga, Marina Tsvetaeva).

Có thể, một độc giả không ở Sài Gòn, trong những đêm thành phố run rẩy chờ đợi những đợt pháo kích bất thần trút xuống, vẫn có thể cảm nhận được niềm lo âu xao xuyến, nỗi sợ bám riết vào da thịt… nhưng chắc chắn là qua một kinh nghiệm khác, về bạo động và lịch sử….

NQT