gau

Tin Văn Vắn








Một bí mật nho nhỏ về Koba.

Vào năm 1915, một lá thư được tuồn qua khe cửa Tòa Lãnh Sự Nga tại Paris. Tác giả bức thư, một nhân viên mật vụ Okhrana của Nga hoàng; và có thể còn là đảng viên Bolshevik. Lá thư tiết lộ tin tức quan trọng về quan điểm của những người lãnh đạo Đảng, và tác giả bức thư cũng chẳng thèm giấu giếm sự thù hận dân Do Thái của mình.
Có điều người này không biết, Toà Lãnh Sự đã dời đi nơi khác. Không hiểu bằng cách nào, lá thư tìm ra con đường của nó, và tới tay Lênin, lúc đó ở Zurich. Phải tìm ra tên nằm vùng khốn kiếp này. Thoạt tiên Lênin nghĩ, có thể là "Koba" ở Siberia, nhưng lại không biết tên thực của Koba. Ông viết thư cho Zinoviev để hỏi. Koba là bí danh của Iosif Dzhugashvili, vào năm 1917, đã đổi thành… Stalin!
Koba là một trong rất nhiều tên cướp chuyên thực hiện những việc bẩn (dirty work) cho Lênin. Đã từng bị bắt (và được tuyển dụng) bởi Tiflis Okhrana vào năm 1906. Trong sáu năm tiếp theo, Koba đóng vai gián điệp hai mang, bán tin tức cho cảnh sát Nga hoàng, về những đồng chí trong Đảng. Tới năm 1912, Koba cắt đứt liên lạc với Okhrana. Lý do là Koba ghen tức với Roman Malinovsky, được Lênin cất nhắc lên hàng lãnh đạo Đảng, trong khi đây là một gián điệp của Nga hoàng. Malinovsky đã giữ vai trò chủ chốt, trong việc phân hóa nhóm Xã hội Dân chủ ở Duma, đây là một chiến thuật được dàn dựng bởi Okhrana (thành thử có thể nói, nhóm Bolsheviks là do cảnh sát Nga hoàng sáng tạo ra). Trong khi tìm mọi cách để trừ khử Malinovsky, Stalin (Koba) đã viết lá thư trên, cho viên Phụ tá Bộ trưởng Bộ Nội vụ ở Petersburg, một người mà ông đã từng cùng dùng cơm trưa. Stalin báo động, Malinovsky là một tên Leninist đến tận xương tuỷ; và để thay thế anh ta, là …. tui: trùm gián điệp giữa những người Bolsheviks.
Vào năm 1918, trái chanh Malinovsky cuối cùng cũng bị vắt cạn, và bị xử bắn, bởi Tòa án bí mật. Nhưng hồ sơ về Stalin vẫn được giấu kín trong đống thư khố khổng lồ của Okhrana tại St. Petersburg. Trong cuộc Cách mạng tháng Hai 1917, đám đông giận dữ đã nổi lửa thiêu rụi toà nhà cảnh sát, hồ sơ ở đây trưóc đó, được gói thành từng bó, phân tán vào trong những thư khố khác.
Bây giờ, câu chuyện trên đây là đề thú vị của cuốn "The Secret File of Joseph Stalin: a hidden life" (Hồ sơ bí mật của J. Stalin, một cuộc đời được giấu kín) tác giả Roman Brackman.
Theo Orlando Giges, giáo sư sử học tại Birkbeck College, London, người điểm sách trên tờ TLS số May 4, 2001, cái tựa có thể gây hiểu lầm, bởi vì Brackman đâu có kiếm ra hồ sơ thất lạc kể trên. Cho tới giờ, nó vẫn bị thất lạc, nghĩa là được đem ra khỏi điện Cẩm Linh, cất kín ở một xó xỉnh nào đó. Nhưng tác giả thật có công, trong việc sắp xếp những sự kiện, những thông tin, từ nhiều nguồn khác nhau, và cho thấy mức nguy hiểm "khủng khiếp", cho những ai đã "không may" nhìn thấy nó.
Từ thập niên 1940, người ta đã được biết những sự kiện cơ bản những năm khởi nghiệp của Stalin, nhưng ngay cả trước đó, những sự kiện như vậy đều bị nghi ngờ, ở cả Liên Xô lẫn Tây phương. Vào năm 1946, Thư Khố Bakhmeteff thuộc Đại học Columbia, đã mua tài liệu quan trọng nhất về hồ sơ Stalin, được lén lút "vượt biên" ra khỏi Liên bang Xô viết, qua một luật sư và còn là chỉ điểm viên thuộc cơ quan mật vụ NKVD, tên là Golovachev (tay này đã được Pasternak "hư cấu" thành nhân vật "như một loài chấy rận", Komarovsky, trong "Bác sĩ Zhivago"). Đó là một bản tóm tắt (memo), được viết bởi Alexander Eremin, Trùm Bộ phận Đặc biệt thuộc Cảnh sát Nga hoàng. Trong đó có một đoạn về sự nghiệp của ông trùm đỏ, khi còn phục vụ trong cơ quan Okhrana, từ năm 1906 tới 1912.
Tài liệu này sau cùng hoá ra là đồ dởm. Nó chỉ là "bản sao bậy bạ" của bản memo thứ thiệt, mà, than ôi!, đã được Stalin thu hồi, cùng với hồ sơ của ông, vào năm 1937 khi nhân viên NKVD lục lọi căn phòng của một sĩ quan Hồng Quân, trong khi sửa soạn tiến hành vụ án Tukhachevsky. Sợ rằng kẻ thù sẽ lợi dụng hồ sơ thật về đời mình, Stalin đã cho người ngụy tạo một hồ sơ dởm, như vậy mọi tố cáo của kẻ thù, nếu xẩy ra, sẽ trở nên vô hiệu.
Lo sợ hão. Chẳng ai dám tố cáo, cho dù nhìn thấy nó. Bởi vì, nó đã được tìm thấy vào năm 1926, khi được chuyển tới Moscow, từ Bộ Cảnh Sát cũ, và có một số người đã nhìn thấy nó. Phần cơ bản của hồ sơ sau đó được một thư khố viên can đảm, nhưng không có tên, thông báo cho David Shub, Chủ bút tờ nhật báo Menshevik ở Berlin; ông này sợ, không dám in ra, nhưng lại chuyển tới ký giả Mỹ, Isaac Levine (bản tiếng Anh của memo có thể tìm thấy tại thư khố Hoover Institution thuộc Đại học Stanford). Vào năm 1938, ngày thứ nhì của vụ án Bukharin, Levine viết một bài báo trên tờ American Journal, đưa ra gợi ý, rằng mọi sự trình diễn vụ án như trên, là do Stalin phóng ra, nhằm phủi sạch mọi dấu vết của cái quá khứ ô nhục của ông ta. Đây là khởi điểm của "giả thuyết" của Brackman: tất cả mọi người biết, hoặc có thể biết, về hồ sơ Stalin, đều bị thủ tiêu một cách tàn nhẫn, do những mệnh lệnh từ chính miệng tay đao phủ ở điện Cẩm Linh, truyền xuống.
Khi hồ sơ Stalin được phát giác lần đầu tiên vào năm 1926, nó đã được trao tận tay trùm mật vụ GPU, Dzerzhinsky. Trùm thì trùm, vẫn sợ đến té đái, và giấu biệt nó, trong những đống hồ sơ của ông ta. Hai ngày sau, ông trùm đi đời, ngay trong lúc đang đọc diễn văn tại đại hội Đảng. Brackman tin rằng ông ta đã bị đầu độc, bằng nước uống, ngay trong đại hội. Tuy nhiên chẳng có chứng cớ về việc hạ độc, cũng như về việc, rằng Stalin đã biết Dzerzhensky nắm được hồ sơ. Nó được tìm thấy trong ngăn kéo bàn ông Trùm và được trao tay cho người kế vị, Menzhinsky; ông này phân phát nội dung của nó, tới một số lãnh đạo Đảng và quân đội, trong đó có Thống tướng (Marshal) Tukhchevsky. Theo Brackman, họ đều dính vào một âm mưu nhằm huỷ diệt Stalin. Menzhinsky bị chết vì thuốc độc vào năm 1934. Tất cả những đồng tham dự trong âm mưu đều bị sát hại trong cuộc Khủng Bố, đỉnh cao của nó là vụ án Tukhachevsky 1936-38.
Giả thuyết của Brackman chỉ thuyết phụ được có một nửa. Dzerzhinvsky, đúng. Menzhinvsky, có thể. Tukhachevsky, may ra. Nhưng còn Kamenev, Zinoviev, và Bukharin? Chẳng lẽ tất cả những cuộc trình diễn vụ án như trên là để che giấu hồ sơ bí mật của Stalin? Liệu những người như Trotsky, Gorky, Mikhoels bị giết, là vì đã biết tới hồ sơ?
Sự thật là, có quá nhiều vụ sát nhân, vượt lên trên cơn hoang tưởng mà tác giả dùng nó như là một cái cớ để giải thích trọn cuộc đời của ông trùm đỏ. Những vụ sát nhân tập thể, lấy đi hàng triệu sinh mạng? Chẳng lẽ chỉ vì một hồ sơ nho nhỏ, về Koba?