Niềm bí ẩn
đáng sợ.
Jennifer
Tran
Nhà
văn Pháp, André Gide, kể lại, một lần một
người thân nằm nhà thương; ông ghé thăm, và nhận thấy, người bệnh,
người thăm bệnh,
kể luôn ông, người nào cũng cầm trong tay một cuốn truyện của Georges
Simenon!
Simenon,
người Bỉ, viết văn bằng tiếng Pháp,
sinh tại Liège năm 1903. Ngay từ trẻ, ông đã quyết định: sẽ viết văn.
Mười sáu
tuổi, làm ký giả cho tờ La Gazette de Liège. Thoạt đầu, lo tin vặt, sau
tới
chuyện trong nhà ngoài ngõ. Cuốn tiểu thuyết đầu tay, ký tên Georges
Sim, ra đời
năm 1921: “Trên cầu Arches, một câu chuyện nhỏ về Liège”. Dời đi Paris
vào năm
1922 cùng với bà vợ đầu là một nữ họa sĩ, ông bắt đầu thực sự vào nghề
bằng
cách viết chuyện kể (contes), tiểu thuyết đăng nhiều kỳ
(romans-feuilletons), đủ
thể loại: trinh thám, huê tình (érotique), ướt át… Từ 1923 tới 1933,
ông cho ra
lò gần hai trăm tiểu thuyết, hàng ngàn chuyện kể, và rất nhiều bài báo.
Trong một cuộc
phỏng vấn, ông cho biết, người “khám phá” ra ông, là nữ văn sĩ người
Pháp,
Colette. Bà khi đó làm cho một tờ báo, nơi Simenon dụt dè thử thời vận
của
mình.
“Ham làm văn
quá” (nhiều tham vọng văn chương), Colette phán. Chỉ một câu đó,
Simenon ngộ ra
liền. Từ đó, ông xây dựng thế giới của mình, bằng những nhân vật bình
thường,
những ngôn từ bình thường. Những câu chuyện của ông, cũng bình thường,
và có thể
xẩy tới, cho bất kỳ một con người bình thường nào trên đời.
Độc giả người
Việt chúng ta có thể mượn truyện ngắn Sợi
Tóc của Thạch Lam, làm nhịp cầu đi
vào thế giới văn chương của Simenon. Đây là câu chuyện một anh chàng
nghèo ơi
là nghèo, được bạn bè đãi một chầu, khi ra về, vô tình mặc lộn áo
khoác, trong
có bóp tiền dầy cộm. Khoảnh khắc ‘sợi tóc’ bắt đầu: nên hay là không
nên ‘cứ thế
tà tà ra về, chơi luôn cái bóp’? Những nhân vật của Simenon đa số đều
là những
con người bình thường, một ngày đẹp trời nào đó, bỗng đụng chuyện bất
thường;
thí dụ như trong “Người nhìn xe lửa chạy qua” (L’homme qui regardait passer les
trains, 1938), một nhân viên suốt đời làm lụng cực khổ, với hy
vọng về hưu có tí
tiền còm, đùng một cái, tay chủ tuyên bố vỡ nợ, quơ hết tiền bạc, trốn
lên
Paris với bồ. Đúng lúc trốn đi, chủ tớ đụng độ, anh đầy tớ quá thất
vọng vì giấc
mộng an hưởng tuổi già tan tành, đã quá tay đẩy ông chủ xuống sông, chỉ
kịp cứu
được (chỉ kịp níu lại được) chiếc cạc táp. Trong là tiền. Vô số là
tiền. Thêm địa
chỉ cô bồ.
Anh lần tới,
lạc vào một thế giới khác. Thiên Thai, hay Thiên Đàng là như thế này ư?
Được
cung phụng hết mình, đêm nào cũng Nhất Dạ Đế Vương, nhưng làm sao quên
được trần
gian cực khổ?
Trần gian khổ
cực, có điều gì không thể quên? Hóa ra là, anh có thói quen không thể
bỏ: cứ 5
giờ sáng thức giấc, mò ra đầu ngõ, nhìn đoàn xe lửa phóng qua.
Câu chuyện
chấm dứt khi cảnh sát mò tới, anh nhân viên bỏ Thiên Đường/Địa Ngục, cứ
hướng Địa
Ngục/Thiên Đường mà chạy. Cảnh sát chỉ kịp chứng kiến cảnh tượng anh
gối đầu
lên đường ray, trong khi chuyến xe tốc hành buổi sáng đang lao tới…
George
Steiner, trong một bài phỏng vấn trên tờ Điểm sách Paris, đã coi Simenon là
tiểu
thuyết gia dị thường nhất của thời đại chúng ta. Ông phân biệt: “Có
những cuốn
tiểu thuyết mà người ta gọi là lớn, chúng sống do nội dung mang tính ý
thức hệ,
mang tính trí thức. Khá nhiều tiểu thuyết của Thomas Mann là theo kiểu
này. Cuốn Người Không Phẩm Chất
(Man Without Qualities), của Musil, được hằng hà những
triết gia cũng như là những nhà phê bình văn học bàn về nó. Nhưng cái
này hiếm.
Đừng đòi một chuyện như thế, ở nhà tạo giả tưởng dị thường nhất của
thời đại
chúng ta - đừng cười tôi chứ, bạn! - người đó là Georges Simenon. Tôi
có thể lấy
trên giá sách của tôi, chừng 10 hay 12 cuốn về Maigret, và nếu phải so
với 5
hay 10 trang của Balzac, hay 20 trang của Dickens (ông này nhẩn nha
thuộc bậc
thầy, Balzac cũng vậy): Simenon chỉ cần hai hoặc ba đoạn. Có một cuốn
Maigret mở
ra với một tiếng ồn lớn. Ba giờ sáng tại khu Pigalle, khu phố cổ đèn đỏ
Paris,
tay chủ quán rượu kéo tấm sắt đóng cửa tiệm. Rầm một tiếng. Dội ra từ
đó, là tiếng
xe giao sữa, tiếng chân kẻ ăn sương trở về nhà kiếm giấc ngủ, tiếng
người đi vô
Khu Cầu Muối (Les Halles) kiếm đồ ăn sẵn, cho một ngày đang ló dạng.
Simenon
không chỉ đem đến cho bạn một thành phố, không chỉ một điều không một
sử gia
nào có thể vượt được, về nước Pháp, nhưng còn điều này: rằng hai hoặc
ba con
người liên quan tới câu chuyện, đã sẵn sàng trước mắt bạn. Bằng một
cách nào
đó, Simenon cho bạn nhận ra rằng những bước chân của người đàn ông vừa
đóng sập
tấm cửa, rồi những tiếng chân rời xa quán, cách chúng lết đi gợi sự tò
mò. Và
thế là bạn nhập vô mấu chốt quan trọng thứ nhất của câu chuyện. Đó là
cái gọi
là mysterium tremendum (điều
rất thiêng), về sáng tạo ra một nhân vật tự chủ.”
Mysterium tremendum, Jacques Derrida trong
bài viết về
Kierkegaard, đã dịch là: bí ẩn đáng sợ, bí mật làm bạn run rẩy (a
frightful
mystery, a secret to make you tremble). Cũng trong bài viết, ông giải
thích
thêm: (God is the cause of) Thượng Đế là nguyên nhân của “the mysterium
tremendum”.
Theo nghĩa
đó, nhà văn là kẻ muốn ngang hàng với ông Trời.
Nhân vật “thần
kỳ” Maigret, viên thanh tra cảnh sát với chiếc ống vố, được “người viết
giả tưởng
dị thường nhất của thế kỷ” sáng tạo ra vào năm 1929, trong cuốn “Pietr
le
Letton”. Được nhà xuất bản Fayard tung ra vào năm 1931, ông cò Maigret
lập tức
trở thành nổi tiếng, và càng nổi tiếng hơn nữa, khi được đưa lên màn
ảnh qua
tài tử Jean Gabin.
Như trên đã
nói, Simenon sử dụng một thứ tiếng Pháp phổ thông, không dùng những chữ
cầu kỳ,
không “cố tình viết văn”, nhờ vậy mà mà Jennifer tôi được hân hạnh làm
quen với
ông rất sớm, từ những ngày mới chập chững đọc văn ngoại: như một cách
học tiếng
Tây!
Mai Thảo
cũng là một người rất mê Simenon. Một lần ngồi quán Cái Chùa, La
Pagode, tại đường
Tự Do, Sài Gòn (trước 1975), ông kể một giai thoại về Simenon, theo đó,
tác giả
đã từng tự giam mình vào trong một nhà kiếng, chung quanh thiên hạ qua
lại,
nhòm ngó, và cứ thế tỉnh bơ ngồi viết. Khi ra khỏi “chuồng giam”, là đã
có,
không phải một, mà hai cuốn tiểu thuyết! Theo Mai Thảo, đây là do ông
nhận lời
thách đố của một tờ báo.
Cuốn Maigret
sau cùng, Maigret et Monsieur Charles,
xuất hiện năm 1972, sau đó Simenon nghỉ viết. Với chiếc máy ghi âm, ông
đọc hai
chục bài “Dictées”, và sau khi cô con gái Marie-Jo tự tử, ông ghi lại
mớ hồi ký
khổng lồ về đời mình, Mémoires intimes (1981).
Simenon mất
tại Lausanne vào năm 1989. Cả đời, ông cố gắng hiểu, thông cảm nỗi đau
của nhân
sinh, của cõi người, và cố gắng làm cho nó đỡ đau. Nhưng ông không làm
sao hiểu
nổi nỗi đau của cô con gái: cô đã lầm tình yêu của người cha, với tình
yêu của
một người bạn trai.
Niềm bí ẩn
đáng sợ!