gau

Tin Văn Vắn










Heidegger: “Tôi chưa bao giờ tự ban cho mình, quyền thương em, nhưng em sẽ chẳng ra khỏi đời tôi”.
Trên đây là một dòng, trong lá thư đầu, Heidegger viết cho người tình học trò của mình, là Hannah Arendt, vào tháng Hai 1925. Và vài ngày sau: “Chưa từng xẩy ra một điều như thế trong đời tôi”… “Quỉ dữ đã quất tôi một ngọn roi lịm người”. Tiếng sét ái tình được nhân đôi: cô học trò trẻ người Do Thái, sinh viên Đại học Marbourg gửi cho thầy những bài thơ, và viết, “nếu thầy muốn em là của thầy”, “khi thầy muốn”.
Cuộc trao đổi thư từ giữa thầy và trò là trong khoảng thời gian giữa 1925 và 1975. 119 thư của Heidegger, và 33 thư của Hannah Arendt, phần lớn những thư đầu của Hannah đã không được ông thầy-triết gia lưu giữ, do tôn trọng giao ước giữa hai người. Xen giữa những bức thư tình, là những khoảng không bao la, những bờ biển vắng lặng, những ngụ ý… hay nói như Ursula Ludz, nữ biên tập bản tiếng Đức: cuộc trao đổi đã gìn giữ gần như nguyên vẹn, điều gọi là ‘sự huyền nhiệm kết hợp hai tâm hồn thành một’.
Cuộc gặp gỡ lén lút giữa thầy trò xẩy ra vào kỳ hè năm 1925, cho tới lần đầu xa cách nhau là tháng Giêng 1926. Tác phẩm được coi như “thánh kinh” của chủ nghĩa hiện sinh, “Hữu thể và Thời gian”, cứ thế phát triển, song song với cuộc tình; “hữu thể sáng loà trước đôi ta”, chàng viết cho nàng trong một bài thơ, trong đó, chàng gọi nàng là “nàng thơ của những cánh rừng”.
Triết gia đã có vợ, hai con. Nỗi hoang mang của Hannah cứ lớn dần. Với Heidegger, cũng đau thương chẳng kém. Theo lời khuyên của Heidegger, Hannah chuyển qua Đại học Heidelberg tiếp tục học với triết gia Karl Jasper, nhưng họ vẫn liên lạc, ngoài tình yêu ra còn có triết học.
Lá thư cuối của giai đoạn này – được viết khoảng mùa hè 1932/33, trước khi Nazi lên nắm quyền, Hannah sống lưu vong ở Mỹ, 10 tháng Heidegger làm Viện trưởng Đại học dưới chế độ Nazi – là để trả lời một lá thư của Hannah (thư này đã không kiếm lại được). Heidegger tự biện minh: “Những tin đồn làm em hốt hoảng chỉ là chuyện bậy bạ…”. Phản ứng trước những lời buộc tội – Heidegger điên cuồng bài Do Thái, và cộng tác với Nazi - ông cho biết tỉ mỉ những cuộc vận động, can thiệp của ông cho những sinh viên Do Thái, kiếm việc làm hoặc học bổng cho họ… Ông viết tiếp, “nếu anh phải giữ một khoảng cách với em vào lúc này, lý do chính là công việc của anh gặp những chuyện không được vui…”.
Một thời gian, sau cùng, hoá ra là 18 năm im lặng. Họ lại gặp nhau ở Fribourg vào năm 1950, và đây là khởi đầu một cuộc trao đổi thư từ mới, “… Hannah, chúng ta có một phần tư thế kỷ [mất mát, cần phải] nắm bắt lại”; khuyên nàng đừng lạnh nhạt với người vị hôn phu mà nàng mới gặp lần đầu; thú nhận với nàng, anh cần tình yêu êm ả của vợ, nhưng càng cần tình yêu của em, vì đây là  một của báu [cần được] bí mật gìn giữ. Hannah sau đó, đã thú nhận với người bạn là nữ tiểu thuyết gia Mary Mac Carthy, về sự ngạc nhiên của nàng, khi nhận ra một điều, chẳng có gì thay đổi trong trái tim của Heidegger, và họ gặp lại nhau, như vừa mới xa nhau hồi chiều hôm qua, 18 năm trời xa cách đó chỉ như là một giấc ngủ trưa!
Người ta có thể tưởng tượng ra được, hai đầu óc của thế kỷ, sau khi số mệnh cho họ lại tìm thấy nhau, đã nói gì về những thay đổi, của cả một thời nhiễu nhương như thế. Heidegger tâm sự với người yêu, những nghi ngờ của ông, về những cơ may mà tư tưởng có thể có được, để tìm ra con đường của nó. Hannah Arendt, vào năm 1961, cũng đã gặp những chống đối dữ dội, từ cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới, khi bà tường thuật vụ xử án Eichmann ở Jérusalem, và nói về “sự dung tục của cái ác” (la “banalité du mal”). “Chỉ có Hannah Arendt là người thực sự hiểu tôi”, chàng nói.
Ngày 26 tháng Chín, 1969, nhân dịp Heidegger được 80 tuổi, bà cho phát thanh một  bài phát biểu,  được ghi âm tại New York, trong đó, bà vinh danh ông thầy, một người mà sự giảng dậy không hề chứa đựng “một học thuyết nào có thể xào nấu lại hay đặc nhượng” (…[le] professeur dont l’enseignement ne contenait “aucune doctrine susceptible d’être restituée et transmise”). Bà nhận xét, không phải triết học Heidegger, nếu có một triết học như vậy, nhưng mà là tư tưởng của ông đã góp phần vào việc tạo nên vóc dáng, diện mạo của thế kỷ, theo nghĩa tâm linh của nó.
Bà cũng vạch ra những ảo tưởng (illusions) của những triết gia, [do] thay đổi “trú sở” (séjour), đắm đuối vào chuyện đời (affaires humaines)… “điều này gây đau khổ cho Heidegger còn hơn [cả trong trường hợp của] Platon, bởi vì bạo chúa và những nạn nhân là cùng chung một xứ sở.” Bài phát biểu chấm dứt bằng những từ: “Bởi vì cơn bão tố thổi tung lên tư tưởng của Heidegger – như cơn bão tố còn đang thổi qua chúng ta, sau bao nhiêu thiên niên kỷ, là từ tác phẩm của Platon – cội nguồn của cơn bão tố không phải ở thế kỷ của chúng ta. Nó tới từ đáy sâu bao thời đại, và điều mà nó để lại sau nó, là một hoàn tất, và như mọi hoàn tất, nó đẩy chúng ta trở về với đáy sâu của những thời đại.
Cuộc trao đồi giữa hai tâm hồn chỉ chịu dừng lại, bằng cái chết của Hannah Arendt, vào tháng Chạp năm 1975, và của Heidegger, 5 tháng sau đó.
Jennifer Tran