logo




Gửi ông Tụ,

Bài “Chửi” của ông, lý do tại sao ông viết, tôi sợ ông ngại không nói ra, thành thử để tôi nói giùm, vậy.

Liệu có phải, mấy bài chửi liên quan tới “cái áo mưa” làm ông… bực mình?
[Xin xem các bài liên hệ trên talawas]

Chửi, cho dù hay cách mấy, như bà cô của ông, cũng chưa “ghê gớm”, tôi muốn nói ép phê của nó, bằng “không chửi”. Cá nhân tôi có một bài viết, về mất vịt [hay gà thì cũng thế] không chửi, ở địa chỉ sau đây, xin mời ông ghé thăm: http://www.tanvien.net/tg3/mat_vit_khong_chuoi.html

Rời đất Bắc từ năm 1954, ở trong Nam, lớn lên, tôi cứ nghĩ dòng họ tôi ngoài đó chỉ có hai người, một ông bác, và một ông bố. Mới đây, về lại đất Bắc, gặp họ hàng, tôi mới biết, và cùng lúc, nhớ ra là mình còn mấy người, trong đó, có một bà cô. Và cùng lúc, nhớ ra những lời chửi của bà nội tôi, nhắm vào một anh chàng thương yêu cô tôi, và xin bàn tay của cô tôi, nhưng bị bà nội tôi chửi.

Bà chửi, tiền ít mà muốn hít “bàn tay” thơm!

Tôi còn nhớ ra, nhiều lắm, những câu chửi ly kỳ của cụ.

Nhưng tôi không làm sao nhớ ra được, một bài hát mấy bà Bắc, đi theo đám ma, hát cho hồn người chết nghe. Đây là những lời dặn dò đường đi nước bước ở dưới âm phủ. Đi đường, qua sông, qua cầu, gặp ma, quỉ, và phải làm gì trong những trường hợp như vậy.

Tôi không còn nhớ một chút gì về bài hát này, nhưng tôi nhớ là, nó tuyệt vời vô cùng. Nó khơi dậy trí tưởng tượng của một thằng bé, về một cõi khác tiếp theo cõi này.

Và tôi cũng không thể nào quên được cảnh, khi quan tài hạ xuống huyệt, trước khi lấp đất, các bà hát bài hát trên, mỗi lúc một nhanh, và cùng lúc, vén váy nhảy qua huyệt. Nhảy qua, nhảy lại, hết người này tới người khác.

Tôi thành thực nghĩ, ở cái mảnh đất đó, con người phải chửi thô tục cỡ nào, thì mới được đền bù, một cách thanh cao đến như thế!

Thì cũng vẫn “bàn tay” đó!

Kính,

NQT