Vũ Huy Quang
Vài góp ý với Hoàng Hải Thủy
(về những nhận định điện ảnh và thời cuộc)
Trên báo Sài Gòn Nhỏ,
Virginia (số 646, ngày 9-9/05), có bài viết điểm phim Mê thảo
với tựa đề (rất lém lỉnh) của tác giả Hoàng Hải Thủy (HHT): “Oscar
Phét-ti-van phim Congo”. Nếu phim đã được giải thưởng Âu châu này, có
được thêm giải ở Congo, một xứ Phi châu, lại càng là điều hay! Sao lại
có giọng bỉ thử về một quốc gia? Ở Congo không hề có trí thức, không
thể thẩm định nghệ thuật được sao?
1.
Phê bình tác phẩm của Nguyễn Tuân, HHT nói rằng không thể nào có những tình
tiết ngớ ngẩn (cô gái câm, đóng rọ trôi sông…), vì “Xã hội Việt Nam
thời 1910, 1920… không thể có những chuyện như thế”. Xem phim, tác giả
bài viết còn vặn hỏi, “Anh thù Tây, nhưng thẻ thuế thân, giấy bạc Đông
Dương, sao không đốt luôn…?” (Nếu hỏi như vậy, khác nào hỏi “lính Mỹ
đang dùng Zippo đốt nhà, sao anh cứ khoe Zippo ở đường Catinat?”). Bắt
bẻ lạc đề này lẽ ra phải để chính Nguyễn Tuân (hay một giáo viên dậy
văn chương trả lời). Chúng tôi chỉ xin nhắc tác giả HHT là văn chương
có nhiều loại, không chỉ thu hẹp trong phạm vi viết phóng sự. (Gabriel
García Marquez viết cặp tình nhân ngồi xem cinê, bướm cứ bu lại, bay
quanh đầu!)
Chúng ta cùng trở lại bối cảnh lịch sử thôn xã Việt Nam thời Chùa Đàn:
Chỉ sau khi (1866) Pháp chiếm xong 3 tỉnh miền tây Nam bộ, đến 1873, Hà
Nội mới thất thủ. Nhưng dư luận trưởng giả Pháp số đông không tán thành
việc chiếm nước khác vì ngại tốn kém. Đến 1882, lấy cớ dẹp cướp ngăn
cản giao thông trên sông Nhị hà, Henri Rivière mới đánh Bắc bộ. Việc
khai thác Đông Dương chỉ khởi đầu khoảng 1900. Trước đó thì sao? Làng
xã Việt Nam, nhất là những vùng ráp ranh với Tàu, còn nhiều nguyên tắc
tự trị (phép vua thua lệ làng), và sau khi Pháp đặt nền móng thuộc địa,
mới kiểm soát quân sự được toàn lãnh thổ. Bối cảnh Thời vang bóng
là trước giai đoạn này: Triều đình không ảnh hưởng, thuộc địa chưa lập
xong. Những chuyện tình, những ẩn ức, những phong tục – dù hủ lậu, như
“gọt gáy bôi vôi”, “thả rọ trôi sông” - cùng với những tâm lý đặc thù,
mới thành Mê thảo - Thời vang bóng.
2.
HHT nhận định “nghệ thuật” rằng phim Mê thảo, nếu là “tác phẩm
nghệ thuật không cần phải nói lên cái gì cả”, “không cần phục vụ cái gì
cả”, chỉ vì, “phim vớ vẩn” nên trong nước cấm
chiếu, “không có gì là oan ức”. (Thực ra, ở trong nước phim không
bị cấm, có được chiếu, tuy không quy mô).
Phim thế nào là “vớ vẩn”? Cả bài viết của HHT, không câu nào chỉ ra
được chỗ nào là “vớ vẩn”! Hơn nữa, nếu “vớ vẩn” là tội nặng, thì việc
HHT cảm phục, tán dương hai người Mỹ “anh viết truyện phim và đạo diễn
(làm phim We’re
Soldiers) là hai anh ác ôn ra gì” có vớ vẩn không?
Trong tinh thần chống Cộng điên cuồng, HHT quên (!) đọc tác phẩm của
tướng Hal Moore khâm phục tướng Nguyễn Hữu An thế nào, nên vẫn lém,
“Thua bỏ cha đi, chết bao nhiêu mạng mà cứ nói là thắng”. [Ai nói khác
luận điệu này sẽ bị qui thành “Bắc cộng”(?)].
HHT còn viết, “Tôi cho rằng diễn viên Đơn Dương bị bọn Cộng Hà Nội đuổi
vì nói câu trên đây, và thay vì nhổ vào
lá cờ Mỹ, lại trịnh trọng cắm lá cờ về chỗ trước trận đánh.” (Vì không
nhổ, nên mới khổ?) (Thực tế là, Đơn Dương không “bị đuổi”, mà bị
cấm đi!) HHT mỉa, “Quân ta chết bao nhiêu người ở
đây, nhưng mai sau nói đến trận này, người ta chỉ nói quân ta thắng.”
(Nếu không thắng, sao có We’re Soldiers?)
3.
Bài viết của HHT có những nhận định về phim ảnh (Mê thảo, We’re
Soldier), và cũng nói về nghệ thuật phóng tác tác phẩm thành điện
ảnh, xen những nhận định thời cuộc… bằng những lý luận rất cũ. Chúng
tôi góp ý vì đây là chuyện liên quan đến việc chống lí luận một chiều
sáo mòn, khinh thường trình độ độc giả. Tác giả, vì hiểu lầm bối cảnh,
thành ra lên án tác phẩm; lại kém biết lịch sử, thành lên án nội dung;
cũng vì núp sau bình phong chống Cộng giả hiệu, thành tráo trở sự thực.
Sự “cho rằng” của HHT về hoàn cảnh Đơn Dương không có cơ sở, sự “hiểu”
của HHT về phong tục, lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc và lý luận thắng
bại của trận IaDrang cũng không có cơ sở.
Cái “cơ sở” của HHT, là chỉ vì hàng triệu “anh em tôi” chết không
vô ích, nên HHT (đầy tính tự mãn)… “được người Mỹ đón, bảo vệ,
nuôi, lo cho mọi thứ”. Một bài điểm phim, lại viện dẫn ảo tưởng về
hàng triệu cái chết để khoe mẽ. Lạc đề!
Chính sách đế quốc là đã tung hô giải pháp Bảo Đại, cũng như từng viện
trợ cho cả Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu… ngày xưa (nên “hàng triệu anh
em” của HHT mới... chết); cũng đã ủng hộ cho Tưởng Giới Thạch ở Trung
Quốc chạy sang Đài Loan (trước đó, nên Trung cộng mới… chết); đang lo
(!) cho dân chủ toàn thế giới (như ở Trung Đông ngày nay)… nữa, (nên
Iraq mới… sắp chết).
Ba loại “chết” khác nhau, rất cần tìm hiểu! Tuy HHT đã lớn tuổi… nhưng
cho đến nay, đòi “cầm bút”… mà vẫn không học hiểu gì. Đã không thông
minh, chỉ lém.
9/05
© 2005 talawas