gau

Giữa
Độc Giả và Tin Văn

Trần Văn Thới đáp lời Đoàn Cầm Thi



 Thưa bà Đoàn Cầm Thi!

Tôi nghĩ, ông Nguyễn Quốc Trụ góp ý với bà nên dịch Métaphysique như thế nào cho sát với ý tứ của Sartre không có gì đáng trách cả, có chăng chỉ ở chỗ ông Nguyễn Quốc Trụ hơi “ỡm ờ” qua mấy chữ “không liên quan liên kiếc gì hết”, bản thân tôi cũng không đồng ý với mấy chữ này lắm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Trụ có thể đúng có thể sai, song bà không nên từ đó lại viết rằng: “Đề nghị ông Trụ nên có thái độ đúng đắn hơn khi tranh luận. Kiểu viết của ông: "không liên quan liên kiếc gì hết" vừa thiếu bình tĩnh, vừa kém tự tin”. Tôi thấy câu văn: “Lần sau, nếu ông tiếp tục như vậy, sẽ không ai trả lời ông” thật sự rất thiếu bình tĩnh.

Chuyện nên dịch Métaphysique có thể còn được bàn tiếp, vì bà có “ý” của bà, Nguyễn Quốc Trụ cũng có “tứ” của ông ấy. Ở đây tôi chỉ muốn bàn về cách đọc của bà đối với một ý kiến của Nguyễn Quốc Trụ.

Ông Nguyễn Quốc Trụ viết: “Cái hổ lốn trong Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà không phải là một siêu hình học, mà là một xã hội học, tức là cái nhìn của Nguyễn Việt Hà về xã hội Việt Nam đương thời”.

Và bà nhận xét: “Ông Trụ khăng khăng muốn coi văn học đơn giản chỉ là một thứ “xã hội học”. Đây là một cách đọc hạn hẹp, giết chết văn học, đi ngược lại hẳn điều Sartre cho là quan trọng nhất khi đọc một tác phẩm văn học: phân tích kỹ thuật của nó”.

Tôi xin được ngả mũ bái phục sự tài tình của bà, bởi bà có khả năng “bẻ queo” nhận xét của Nguyễn Quốc Trụ về tiểu thuyết Cơ hội của Chúa thành nhận xét chung về văn học. Tôi xoay ngang rồi lại xoay dọc, cố gắng “đào bới” trong ý kiến của Nguyễn Quốc Trụ xem có dấu vết của thái độ khăng khăng coi văn học đơn giản chỉ là một thứ “xã hội học” không, mà tuyệt nhiên không thấy. “Đào bới” không được, tôi đành phải đặt ra câu hỏi: chẳng lẽ Đoàn Cầm Thi lại “không đọc thủng một văn bản” hay sao? Câu hỏi đó là có cơ sở, vì ngay sau đấy, bà tiếp tục phát triển, nâng nó lên tầm “một cách đọc hạn hẹp, giết chết văn học, đi ngược lại hẳn điều Sartre cho là quan trọng nhất khi đọc một tác phẩm văn học: phân tích kỹ thuật của nó”. Khiếp quá, Nguyễn Quốc Trụ chỉ có một nhận xét nho nhỏ về tiểu thuyết Cơ hội của Chúa mà đã được bà “quy chụp” như thế, nếu Nguyễn Quốc Trụ đưa ra một nhận xét “to to” thì không biết bà sẽ đẩy nó đi đến đâu?

Cuối cùng, tôi muốn nói với bà rằng biển chữ thì vô hạn, sức người thì có hạn, nên “biết mình biết người” là một phẩm chất bất cứ người cầm bút nào cũng cần được bồi bổ. Nói thế thôi, chứ làm được điều đó xem chừng cũng khó khăn lắm vì con người hình như hay bị ám ảnh bởi thói hợm hĩnh, tự thị. Bà có đồng ý vậy không?

Xin gửi bà lời chào trân trọng!  


TP HCM, 22/6/2004


Trần Văn Thới

[Trích e_Văn]