Lần gặp VHQ cũng là lúc anh
đang dọn nhà, rời Tiểu Sàigòn đi San Jose. Anh nói, tao bỏ luôn tủ
sách, mày có muốn lấy cuốn nào thì cứ việc.
Tôi nói, sách của ông tôi đâu đọc được. Nhưng nói thì nói, vẫn tới. Và
khuân về nhà cũng khá bộn. Anh chọc quê, sao nói, không đọc được.
Thật sự mà nói, không đọc được thật. Bởi vì anh chuyên đọc những tác
giả mà chẳng bao giờ tôi đọc, và đây là một mảng thật thiếu vắng trong
cõi văn, nếu như có, của Hai Lúa. HL chưa hề có, hạnh phúc
lớn, diễn tả cảnh trai gái âu yếm nhau, chay cũng không, mặn lại
càng không! Nhưng đây là sở trường của VHQ. Sách anh đọc, là
cũng nằm trong cõi huê tình này!
Như đã kể, tập truyện của anh, trong có truyện Cháo Rắn, tôi cho một cô
gái mượn đọc. Cô này cũng trên ba mươi, có chồng, có con, nhưng hai vợ
chồng nghe nói, đã ly dị.
Tôi hỏi, liệu ngoài đời, có một người đàn bà giống như cái bà ở trong
Cháo Rắn?
Mặt cô gái ửng đỏ, mắt cô trở nên mơ màng, và trả lời, nghe như tiếng
gió thoảng bên tai:
-Có đấy.
Ôi chao, có đấy!
*
Như tôi còn nhớ được về nó, Cháo Rắn là câu chuyện một anh sĩ quan trẻ
độc thân, chưa từng nghĩ đến chuyện lấy vợ. Anh quen một cặp vợ chồng
lớn tuổi hơn, và trở thành một đứa em kết nghĩa của họ.
Bà vợ thạo đời, thạo chuyện giao thiệp bên ngoài xã hội. Đúng một thứ
mệnh phụ phu nhân. Ông chồng
thuộc loại thật thà chất phác.
Bà chị ông em đi ra ngoài ăn vụng. Lần đầu tiên. Anh chàng thanh niên
mới lớn này, chắc chắn đã từng đánh dư trăm trận, từng trải như thế,
nhưng đâu biết chỗ nào khác, và đâu có chỗ nào khác, thế là
bèn dẫn bà chị tới khách
sạn, nơi mà anh vẫn thường quần thảo với.... bướm. HL thật khó, và biết
rằng, chẳng thể nào có tài, để tả ra được cái cảnh ông em đưa bà chị
vào
khách sạn, xấu hổ giùm, và còn lo ngay ngáy, lỡ bà chị tát cho một cái,
tại sao
những
chỗ dơ dáy như thế này em lại đưa chị tới?
Bà thản nhiên vô, như đã từng tới đó nhiều lần!
VHQ & Hai Lúa & Hồ Thành Đức
@
NMG's [Tiểu Sài Gòn 1998]
Ở đây, không có chuyện
nói xấu các bà các cô. Không có tí lên giọng đạo đức, trong
cách kể của VHQ. Cụm từ "như đã từng tới đây nhiều lần" của Hai Lúa,
tả không đúng tâm trạng của người đàn bà. Có thể, bà chưa từng
tới một chỗ như thế. Nhưng rõ ràng là, bà ứng phó rất
nhanh, nhập vai rất nhanh. Tôi nói bà thạo đời, thạo giao thiệp, là còn
theo nghĩa này. Bà biết, ông em đang tìm chỗ để "trải đệm", đánh
lớn, theo
thuật ngữ của Tú Lé, tức Ngọc Thứ Lang, người dịch Bố Già, và bà ngầm
đồng ý, chỗ
nào cũng được em ạ, chị chỉ cần có... em!
Liệu đó là tâm trạng của bà? Hai Lúa chịu thua, chỉ đoán mò!
Cho Hai Lúa tôi bỏ qua đoạn này, và nhảy qua một trường hợp khác, khác
hẳn
trường hợp trên.
Một lần, Hai Lúa đọc, về nhà văn nữ hàng đầu trên thế giới, Virgina
Woolf, hình như là một cuốn có tính tiểu sử, hay là tự thuật, kể lại,
hồi còn nhỏ xíu, bà bị mấy thằng anh em bà con mò mẫm. Bà viết, tuy còn
nhỏ xíu, nhưng tôi cảm thấy rõ ràng là tôi đang bị làm nhục, rằng cái
việc làm đó của giống khác phái kia, là không thể chấp nhận được. Trong
tôi, là tất cả những người đàn bà cùng lên tiếng, vì bị làm nhục. Tất
cả đàn bà, từ cái ngày có bà Eva cho tới mãi mãi sau này, khi còn có
người đàn bà, tất cả họ, ở trong tôi, cùng lên tiếng, nói, không được!
Cảnh trên đây, trong Cháo Rắn, là một khiá cạnh, khác, một tâm lý,
khác, của cùng một người đàn bà.