Đáp lời Vũ Huy Quang


Viết cái kiểu đáp lời về một góp ý về một bài viết trên một tờ "báo chợ" như tờ Sài Gòn Nhỏ, chẳng ai được đọc, bài viết là về một cuốn phim chưa được coi, Hai Lúa có cảm giác như người mù xem voi. Giá mà được đọc toàn bài của HHT, rồi lại được coi phim Mê Thảo -Thời Vang Bóng, của Việt Linh, rồi sau đó, đã có cái vốn đọc Nguyễn Tuân, lẽ dĩ nhiên, trong đó có Chùa Đàn, thì lúc đó, tha hồ mà bàn!
Nếu như thế, tại sao lại viết?
Thưa, vì góp ý của VHQ thực sự không phải góp ý, mà chỉ là mượn gió bẻ măng, mượn dịp HHT "hố", dám chê Nguyễn Tuân, qua phim của Việt Linh, để chửi, tội bẻm mép, tội lém lỉnh, tội Chống Cộng Điên Cuồng, tội Chống Cộng Giả Hiệu....


Talawas khi đăng bài của VHQ, chẳng thèm cho người đọc biết bài của HHT, là cũng nằm trong dòng suy nghĩ đó, theo tôi.
Vớ được một bài chửi mấy thằng Chống Cộng Điên Cuồng, nhất là chửi chính cái thằng đã từng chửi nát nước nát cái cả một chiến dịch Nếu Đi Hết Biển, thì thấy... Bác Hồ, thì sướng quá, còn đòi hỏi gì nữa!
Đăng liền bài đó cho ta, chẳng cần báo cáo, báo kiếc gì hết!
[Ấy chết, nói lại, xin được "tự kiểm": Báo cáo các đồng chí lãnh đạo Trung Ương Đảng sau!]

Nguyễn Tuân mà dám chê? Không nhớ câu của Võ Phiến, khen ai chứ khen Nguyễn Tuân thì chắc củ, không sợ hố?

Trường hợp Talawas đăng bài VHQ mà không cần tới "bài gốc", là bài của HHT,  làm Hai Lúa nhớ trường hợp NMG vứt bài Tạp Ghi viết về HPNT của NQT vào thùng rác, lý do, bài nhắc tới một bài viết của HPNT đăng ở báo Thanh Niên, ở trong nước, như thế, độc giả tờ Văn Học làm sao có bản gốc để mà so sánh?

Trong bài TG, NQT đã cẩn thận tóm tắt bài viết của HPNT. Vậy mà cũng bị vứt vô thùng rác!

Bài tản mạn của HPNT ngắn lắm, và cái ý của nó cũng rất rõ ràng, chính vì vậy, NQT tin rằng, lý do từ chối đăng, chỉ là "mặt nổi" của vấn đề. "Mặt chìm" của nó chắc là ly kỳ lắm, biết đâu, chính cái lý do "tiểm ẩn", mặt chìm này, là nguyên nhân, là động lực, là..., là... khiến NMG viết ra được bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử Mùa Biển Động những mấy ngàn trang?
Cái bài bị vứt vô thùng rác, nhưng may còn bản thảo gốc, nó là bài này:
Vườn Thú Tuổi Thơ.

Kể cũng lạ. Hai Lúa viết cả thẩy hai bài tạp ghi, về thần tượng một thời, là HPNT. Cả hai bài đều gặp trục trặc, khi gửi đi.
Bài thứ hai [thực sự là thứ nhất].

Mùa Xuân Nói Chuyện Mậu Thân.

Bài này, khi gửi cho VHNT trên lưới, của PCL, cô trả lời, đại khái, nhân vật "controversial" này" tốt nhất là không nên dính vào, nhất là đây là bài đầu tiên anh làm quen độc giả VHNT. Anh gửi cho L. bài khác nhé !

Tuy nói là chưa coi phim, thì đừng có... sờ, nhưng Hai Lúa  đã từng viết về nó.
Một bạn văn đã đọc NT, và, do đã từng được sờ rồi, cho biết, mày, mù sờ voi, mà đoán đúng lắm. Giỏi thật!

Mấy "vấn nạn" của phim, theo Hai Lúa, là như vầy:
-Mê Thảo, là ở mãi miền bắc bắc. Mê Thảo, có nghĩa là thuốc phiện. Mê Thảo chỉ có nhiều ở...  Mê Thảo, nơi hiện đang diễn ra những trận xung đột đẫm máu, giữa con người và mê thảo.
-Thời Vang Bóng. Mê Thảo chẳng bao giờ là Thời Vang Bóng nhưng cuộc cách mạng cần tiếng hát của Cô Tơ thì đã trở thành vang bóng một thời!

Tại sao Mê Thảo?
Qua bài viết của Phạm Xuân Nguyên trên diễn đàn Talawas (talawas.org), khi phim được chiếu tại Tokyo (không biết trong nước đã được coi chưa), một khán giả Nhật đã hỏi Mê Thảo nghĩa là gì. Đây quả là một câu hỏi hắc búa theo tôi. Chúng ta tự hỏi, Việt Linh đã bỏ bao năm tháng vào cuốn phim, bà phải mê Chùa Đàn, và nói rộng ra, mê Nguyễn Tuân, "ông thầy phù thủy của chữ nghĩa", như vậy, khi đặt tên phim là Mê Thảo-Thời Vang Bóng, nó phải có một "ý nghĩa gì đó" chứ? Những cái tên là rất quan trọng. Đâu phải tự nhiên mà con bọ của Kafka tên là Samsa? Kẻ Xa Lạ (Camus), Meursault, Bếp Lửa (Thanh Tâm Tuyền), Tâm....
Vậy, Mê Thảo nghĩa là gì?
Theo tôi, Nguyễn Tuân phải là người đã từng đọc Marx, qua nhân vật Lịnh cho thấy ("Lịnh đang nghiền ngẫm bộ Kinh Dịch và đang xoay nó vào Biện Chứng Pháp Duy Vật". Chùa Đàn), như vậy, ông phải biết đến câu nói nổi danh của Marx: tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng. Thuốc phiện còn có tên là Mê Thảo, Mê Dược. Liệu đây là "message" của phim: Cách mạng là thuốc phiện của.... Lịnh, và những người như ông (những công dân, những "sĩ phu", của một miền đất đã một thời vang bóng)?
Mê Thảo và Gấu
*

-Là một người sinh ra và lớn lên tại miền Nam, điều gì ở Chùa Đàn khiến chị xúc động mà làm nên một Mê Thảo - Thời vang bóng?
Việt Linh: Tôi biết Chùa Đàn ở giữa... rừng Tây Ninh khi quay phim Phiên tòa cần chánh án (1987).... Tôi thích nhất với lời khen cho rằng bộ phim đã “Bắc ra Bắc, cổ ra cổ - một miền Bắc cổ”.

Tôi sợ rằng, với những "cổ tục" được đưa vào phim, với lời khen "Bắc cổ" mà VL thích nhất, có thể, những ngày ở trong rừng Tây Ninh, lần đầu tiên được "tiếp cận" với Đàng Ngoài, và, từ cú đụng độ giữa hai nền văn minh khơi mào cho cú 30 Tháng Tư sau này, VL mơ màng tưởng tượng ra một chuyến đi, tới tận miền cực bắc, nơi có một cái tên hoang đường là Mê Thảo, [liệu có giống như Hannah Arendt, trong những ngày chạy trốn Nazi, mơ giấc đại mộng của đời Bà: Truy tìm những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị?], và sau này, thực hiện nó, với phim Mê Thảo-Thời Vang Bóng?
Và nếu như thế Bắc Cổ, và Bắc Cộng [chữ của VHQ], biết đâu, có cùng một gốc? [Hai Lúa bất giác lại nhớ ông nhạc sĩ họ Trịnh, và nỗi băn khoăn "siêu hình", biết đâu cội nguồn của ông].
Nhưng phát giác trên cũng chẳng mới mẻ gì. Có người đã từng chỉ ra rồi.
Tatyana Tolstaya, trong một bài người viết tình cờ đọc đã lâu, khi còn ở Trại Cấm, và chỉ được đọc qua bản dịch, Những Thời Ăn Thịt Người (đăng trên tờ Thế Kỷ 21), cho rằng, chủ nghĩa Cộng-sản không phải từ trên trời rớt xuống, cái tư duy chuyên chế không phải do Xô-viết bịa đặt ra, mà đã nhô lên từ những tầng sâu hoang vắng của lịch sử Nga. Người dân Nga, dưới thời Ivan Bạo Chúa, đã từng bảo nhau, người Nga không ăn, mà ăn thịt lẫn nhau. Chính cái phần Á-châu man rợ đó đã được đưa lên làm giai cấp nồng cốt xây dựng xã hội chủ nghĩa. Bà khẳng định, nếu không có sự yểm trợ của nhân dân Nga, chế độ Stalin không thể sống dai như thế. Puskhin đã từng van vái: Lạy Trời đừng bao giờ phải chứng kiến một cuộc cách mạng Nga!
Nơi người chết mỉm cười